Tranquil

Đi tìm Lẽ sống (Victor E.Frankl)

Chỉ trong vòng 9 ngày, Victor E.Frankl đã cho ra đời cuốn sách có tên “Man’s Search For Meaning” (Đi Tìm Lẽ Sống). Trước khi ông qua đời, cuốn sách đã được bán 9 triệu bản, là cuốn sách nổi tiếng nhất trong 32 cuốn sách của Victor E.Frankl.

Cũng chính trong 3 năm bị giam cầm trong trại tập trung Đức quốc xã,  ông đã quan sát ai là người sống sót và ai là người không vượt qua được (ngay cả khi họ có cơ hội để sống) và ông đã tin vào triết lý Friedrich Nietzsche “Ai có một lý do để sống sẽ vượt qua tất cả những khó khăn trước mặt”. Victor đã cho ra đời học thuyết và liệu pháp Logotherapy (trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Có Nghĩa Là”), ông cho rằng động cơ phát triển và tồn tại của con người là đi tìm ý nghĩa và mục đích đời mình. Ý nghĩa con người phải được tìm thấy nơi chính bản thân người ấy chứ không ai có thể dạy cho chúng ta được. Đó là một quà tặng được khám phá chứ không phải do chế tạo.

Những triệu chứng tâm bệnh của con người hiện đại thường đi cùng cảm xúc cô đơn trống rỗng, cảm giác vô nghĩa, không mục đích, không phương hướng xác định. Để rồi vay mượn những sự lệch lạc gây đau khổ cho chính mình, cho người xung quanh và cho xã hội. Sự trống rỗng tinh thần như một lực hút của máy hút bụi hút hết năng lượng của con người và để lại sự nhàm chán, bị cuốn vào luẩn quẩn của trạng thái bất an, không còn tha thiết làm việc, mua sắm vô độ hoặc chìm vào những thứ giải trí thụ động. Mỗi ngày trôi qua cũng như mọi ngày. Chúng ta trầm mình vào trạng thái thần kinh luẩn quẩn, lo lắng thái quá, sợ hãi về mọi thứ, cố gắng một cách quá đáng hoặc trở nên bất lực và lãnh cảm.

Xem bài viết  Giới thiệu sách - Deep Work (Làm việc Sâu)

Thời gian sống ở trại tập trung Đức quốc xã đã cho Frankl nhận thấy rằng con người chỉ sống và muốn sống khi còn biết nhìn vào tương lai. Những lời ca thán, cảm giác bất lực và vô dụng chỉ xảy đến khi người ta không còn hi vọng. Một số khác có thể biểu hiện bằng thái độ hằn học với cuộc đời hay vô trách nhiệm với cộng đồng như tội phạm bạo lực và nghiện ngập.

Theo Frankl, nguồn gốc của những bệnh lý tâm thần là kết quả của những lo lắng hiện sinh không đúng đắn, mà những lo lắng này lại bắt nguồn từ sự thiếu vắng ý nghĩa cuộc đời, thiếu niềm tin ở bản thân. Ví dụ ở những người trầm uất, cơ thể luôn trong trạng thái năng lượng ở mức thấp nhất, luôn có cảm giác không có khả năng để thực hiện những hoạt động bình thường kể cả tinh thần và sinh lý. Đó là kết quả của việc đấu tranh, dằn vặt và đánh mất cảm giác về tương lai, dần ghét bỏ chính mình, hằn học với người xung quanh.

Vậy chúng ta phải đi tìm ý nghĩa như thế nào?

Tình Yêu, theo Frankl là quan trọng nhất. Đó là quá trình nhìn nhận và quý trọng nét đẹp riêng của người mình thương bằng sự thấu hiểu chân thật. Tình yêu là mục tiêu tối hậu và là mục đích cao nhất để con người vươn đến.

Xem bài viết  Mất Kết Nối

Sáng Tạo và Trách Nhiệm, được thể hiện qua những việc làm mang ý nghĩa, là cơ hội để bản thân khám phá ra chính mình qua gắn bó và trách nhiệm liên hệ với những người xung quanh. Sự sáng tạo được thể hiện trong công việc.

Thái Độ, là cách con người chọn lựa khi đối mặt với những khó khăn và thử thách trong cuộc đời. Một thái độ lạc quan với niềm tin “những vần vũ trên đời đã làm cho chúng ta lấp lánh” (Hà Anh Tuấn). Con người có thể bị tước đoạt tất cả mọi thứ, trừ thái độ của chính mình. Nếu không thể tránh khỏi đau khổ, thì người ta vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa trong đau khổ.

Đi Tìm Lẽ Sống trở thành một cuốn sách kinh điển để nâng đỡ tinh thần con người bằng chính cuộc đời của Victor E.Frankl. ba năm trời trong nhà thù Đức quốc xã (1942-1945), bị chuyển qua bốn trại tập trung, trong tù ông vẫn trị liệu tâm lý cho những người cùng cảnh ngộ. Năm 1945, khi được giải thoát khỏi trại tập trung, ông là người duy nhất còn sống trong gia đình mình. Ông tiếp tục làm việc tại Áo để chữa trị cho các nạn nhân chiến tranh.

Và cuốn sách sau nửa thập kỷ vẫn là nguồn nâng đỡ tinh thần quý giá cho những kẻ đi tìm (for those who search for meaning)

Leave a Comment

Scroll to Top