Tranquil

Rối loạn lưỡng cực và Rối loạn nhân cách ranh giới

Thay đổi tâm trạng là một phản ứng tự nhiên của con người trước những tình huống căng thẳng. Nhưng đối với một số người, sự thay đổi tâm trạng có thể là một trong những  dấu hiệu của những tình trạng nghiêm trọng hơn. Thay đổi tâm trạng cách nhanh chóng, với cường độ cao, ảnh hưởng đến công việc, chất lượng sống của cá nhân là một trong những đặc điểm nổi bật của hai rối loạn Rối loạn lưỡng cực (Bipolar Disorder) và Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder). Có thể bạn đã từng nghe qua hai rối loạn này, tuy nhiên sự khác biệt giữa chúng đôi khi không dễ để nhận biết. 

Tiến sĩ Frank Yeomans, Phó giáo sư lâm sàng về tâm thần học kiêm Giám đốc đào tạo tại Trung tâm nghiên cứu Rối loạn nhân cách New York-Presbyterian, cho biết: “Sự tương đồng của hai chứng rối loạn này – việc biến đổi tâm trạng cực kỳ cao sang tâm trạng rất thấp – khiến nhiều người, kể cả một số bác sĩ lâm sàng, nhầm lẫn giữa chúng. Tuy nhiên, chúng là hai chẩn đoán riêng biệt và nghiêm trọng với các triệu chứng khác nhau và đòi hỏi các phương pháp điều trị khác nhau.1

Làm thế nào để nhận ra sự khác biệt? Hãy đọc tiếp để tìm hiểu về những khác biệt chính, bao gồm các triệu chứng, nguyên nhân và lựa chọn điều trị của cả hai chứng rối loạn nhé! 

Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD)

Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder), hay còn được gọi tắt là BPD, là tình trạng sức khỏe tâm thần thể hiện sự bất ổn định trong các mối quan hệ với người khác, với hình ảnh của bản thân và cảm xúc cá nhân. 

Những người có BPD thường không ổn định trong suốt quãng đời trưởng thành của mình. Họ thường xuyên gặp khủng hoảng về tâm trạng, hành vi hoặc mối quan hệ với những người xung quanh. Họ hay cảm thấy trống rỗng và buồn chán; họ sẽ gắn bó chặt chẽ với người khác, sau đó trở nên cực kỳ tức giận khi họ tin rằng họ đang bị phớt lờ hoặc ngược đãi bởi những người mà họ phụ thuộc vào. Đặc trưng của BPD bao gồm sự nhạy cảm trước việc bị từ chối, các mối quan hệ hỗn loạn và những khó khăn trong việc quản lý cảm xúc. Nỗi sợ bị bỏ rơi bao trùm các tương tác của họ với người khác, dẫn đến những nỗ lực tuyệt vọng để tránh bị từ chối. Họ có thể bốc đồng cố gắng làm hại bản thân; những hành động này là biểu hiện của sự tức giận, kêu cứu hoặc cố gắng tê liệt trước nỗi đau tinh thần. Mặc dù bệnh nhân BPD có thể trải qua những giai đoạn loạn thần ngắn, nhưng những giai đoạn này thường sẽ hết rất nhanh, nên hiếm khi bị nhầm lẫn với các rối loạn tâm thần khác. Sự thay đổi tâm trạng nhanh chóng, tính bốc đồng và những mối quan hệ không ổn định khiến những người có BPD khó phát huy hết tiềm năng của mình về mặt xã hội, tại nơi làm việc hoặc ở trường. Trên thống kê, có đến 10% những người mắc chứng BPD t/ự s/át.

Ví dụ, nếu người yêu không trả lời điện thoại, người có BDP sẽ vừa chán nản và tức giận, có thể dẫn đến hành động tự r/ạch cổ tay. Những hành động tự hại có tính chất bốc đồng như thế này nhằm giải tỏa cảm xúc mãnh liệt khó chịu đựng trong họ. Hành vi này xuất phát từ sự kết hợp giữa tính khí dễ xúc động và cảm nhận thấp về hình ảnh bản thân. Nếu không có bản sắc rõ ràng, cá nhân sẽ phụ thuộc vào những gì đang xảy ra xung quanh để xác định họ cảm thấy và nên làm gì. Một người có BPD sẽ phản ứng nhiều hơn với những sự kiện tương đối nhỏ và thể hiện những cảm xúc mâu thuẫn bùng phát trong một thời gian ngắn. 

Nguyên nhân dẫn đến BPD

Mặc dù nguyên nhân chính xác dẫn đến BPD vẫn còn khó nắm bắt, nhưng sự kết hợp của các yếu tố di truyền, môi trường và thần kinh được cho là góp phần vào sự phát triển của BPD. Khuynh hướng di truyền đóng một vai trò rất quan trọng, vì những cá nhân có tiền sử gia đình mắc bệnh BPD có thể có nguy cơ cao hơn.2

Xem bài viết  Biến đổi khí hậu và Sức khỏe tinh thần 

Sang chấn thời thơ ấu, chẳng hạn như bị lạm dụng, bỏ rơi hoặc gia đình không ổn định, thường được coi là yếu tố môi trường quan trọng ảnh hưởng đến sự khởi phát của BPD. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là trong những trường hợp có tiền sử sang chấn, BPD dường như xuất phát từ sự kết hợp giữa tính khí và sang chấn chứ không phải chỉ do sang chấn, vì nhiều người từng trải qua sang chấn tâm lý sớm trong đời không tiếp tục phát triển các bệnh tâm thần nghiêm trọng. Các yếu tố sinh học thần kinh, bao gồm những bất thường về cấu trúc và chức năng não, cũng có thể góp phần gây ra biểu hiện của rối loạn này.

Điều trị BPD

Hiện không có loại thuốc nào để điều trị thành công hoàn toàn rối loạn này, mặc dù có nhiều cách để giúp giảm một số triệu chứng cụ thể, chẳng hạn như lo lắng quá mức. Các mô hình trị liệu tâm lý khác nhau thường là phương pháp điều trị được lựa chọn. Trong đó, trị liệu hành vi biện chứng (DBT) là phương pháp được sử dụng nhiều nhất. DBT là phương pháp trị liệu được thiết kế dành riêng cho những người BPD, thường tập trung vào việc tăng cường điều tiết cảm xúc,  hỗ trợ kỹ năng tương tác, và khả năng dung chứa căng thẳng..

Sống chung với BPD có thể có những thách thức đặc biệt, nhưng với chiến lược đối phó đúng đắn, những cá nhân có BPD có thể kiểm soát các triệu chứng và cải thiện sức khỏe tổng thể của mình. Một số những cách này bao gồm: 

  • Chánh niệm và Thiền định: Thiền có thể nâng cao sự thư giãn và giảm cường độ phản ứng cảm xúc.
  • Thiết lập thói quen: Tuân thủ thói quen hàng ngày sẽ mang lại cảm giác ổn định và sự nhất quán.
  • Xây dựng hệ thống hỗ trợ: Có những người thân hỗ trợ đáng tin cậy là rất quan trọng. Việc thấu hiểu gia đình, bạn bè hoặc tham gia vào các nhóm hỗ trợ có thể mang lại sự đồng cảm và động viên lớn cho những người BPD.
  • Kỹ thuật điều chỉnh cảm xúc: Học các kỹ thuật như thở sâu, thư giãn cơ và viết nhật ký có thể là những công cụ để quản lý cảm xúc.
  • Thiết lập ranh giới: Thiết lập và duy trì ranh giới lành mạnh trong các mối quan hệ sẽ giúp ngăn ngừa cảm giác bị từ chối hoặc bị bỏ rơi. Hãy giao tiếp rõ ràng về giới hạn cá nhân để có những kết nối ổn định và trọn vẹn hơn.
  • Thuốc: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thuốc để ổn định triệu chứng, chẳng hạn như tâm trạng thất thường, lo lắng hoặc trầm cảm. Điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến ​​​​của chuyên gia sức khỏe tâm thần để xác định kế hoạch dùng thuốc phù hợp nhất.
  • Giáo dục bản thân: Tìm hiểu thêm về BPD và các triệu chứng của nó có thể giúp hiểu rõ và quản lý tình trạng bệnh tốt hơn. 

Rối loạn lưỡng cực (Bipolar)

Rối loạn lưỡng cực (Bipolar Disorder), thường xuyên được biết đến là Bipolar, là một tình trạng sức khỏe tâm thần đặc trưng bởi sự thay đổi tâm trạng cực độ giữa các giai đoạn:

  • Giai đoạn trầm cảm (Major depressive episode): Trong ít nhất 2 tuần, bệnh nhân sẽ cảm thấy chán nản (hoặc không thể tận hưởng cuộc sống) và gặp vấn đề về ăn uống và giấc ngủ, cảm giác tội lỗi, năng lượng thấp, khó tập trung và hay suy nghĩ về cái chết.
  • Giai đoạn hưng cảm (Manic episode): Trong ít nhất 1 tuần, bệnh nhân sẽ cảm thấy phấn chấn (hoặc đôi khi chỉ cáu kỉnh) và có thể hành xử tự cao, nói nhiều, hiếu động và dễ mất tập trung. Bệnh nhân sẽ có khả năng phán đoán kém, dẫn đến suy giảm về mặt xã hội hoặc trong công việc; thường sẽ phải nhập viện.
  • Giai đoạn hưng cảm nhẹ (Hypomanic episode): Giai đoạn này giống với giai đoạn hưng cảm, nhưng ngắn hơn và ít nghiêm trọng hơn. Bệnh nhân không cần thiết phải nhập viện.

Bản chất khó lường của Bipolar có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày, các mối quan hệ và hoạt động tổng thể. Ví dụ, một bệnh nhân Bipolar ở trạng thái trầm cảm có thể hoàn toàn chán nản và vô vọng, như không còn ý chí sống. Khi họ ở trạng thái hưng cảm, họ có thể thức suốt đêm để viết hết trang này đến trang khác của một cuốn tiểu thuyết hoặc chơi nhạc, với cảm giác rằng họ đã bước vào một trạng thái thiên tài đặc biệt. Họ có thể nói với tốc độ rất nhanh, hay làm những hành động không phù hợp hành vi xã hội mà không nhận thức được rằng điều đó là không nên làm. Một giai đoạn hưng cảm toàn phần cho thấy một khoảng thời gian tràn đầy năng lượng, có thể kéo dài nhiều ngày mà không hề thuyên giảm, và có thể khiến bất kỳ ai khác kiệt sức. Giữa trạng thái trầm cảm và hưng cảm, họ có thể có những giai đoạn tâm trạng ổn định. 

Xem bài viết  Nurturing Your Mental Health as an Expat in Vietnam

Trong một biến thể khác của rối loạn, một số người mắc Bipolar trải qua trạng thái trầm cảm lặp đi lặp lại mà không có trạng thái hưng cảm toàn phần; đây được gọi là Bipolar 2. Rối loạn này được phân thành nhiều loại phụ, bao gồm Bipolar I, Bipolar II, Rối loạn tâm trạng chu kỳ (Cyclothymic Disorder), và các rối loạn lưỡng cực xác định và không xác định khác.

Nguyên nhân dẫn đến Bipolar

Bipolar có bắt nguồn từ sự thay đổi trong cấu trúc và chức năng của não, cũng như vì di truyền và lịch sử gia đình. 

Khả năng phát triển Bipolar cao hơn nếu người thân trong họ hàng gần đã từng được chẩn đoán. Các gen cụ thể liên quan đến sự điều hòa chất dẫn truyền thần kinh và nhịp sinh học có thể góp phần vào tính chất di truyền của chứng rối loạn này. Ngoài ra, những bất thường trong cấu trúc và chức năng não đóng vai trò then chốt trong Bipolar. Sự mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh, đặc biệt liên quan đến serotonin, dopamine và norepinephrine, ảnh hưởng đến việc điều chỉnh tâm trạng và góp phần xuất hiện các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm. Những thay đổi về kích thước hoặc hoạt động của một số vùng não nhất định, đặc biệt là vỏ não trước trán và hạch hạnh nhân, đã được quan sát thấy ở những người mắc chứng Bipolar. 

Điều trị Bipolar

Quản lý hiệu quả Rối loạn lưỡng cực bao gồm một cách tiếp cận nhiều mặt nhằm giải quyết cả giai đoạn hưng cảm và trầm cảm. Kế hoạch điều trị được điều chỉnh theo nhu cầu của từng cá nhân và thường sử dụng sự kết hợp giữa các biện pháp can thiệp trị liệu và thuốc. 

  • Thuốc ổn định tâm trạng: Các loại thuốc như lithium thường được kê đơn để ổn định sự dao động tâm trạng và ngăn ngừa tái phát các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm.
  • Thuốc chống loạn thần (Antipsychotics): Trong trường hợp hưng cảm hoặc rối loạn tâm thần nghiêm trọng, thuốc chống loạn thần như olanzapine hoặc risperidone có thể được khuyên dùng để giảm bớt các triệu chứng.
  • Thuốc chống trầm cảm (Antidepressants): Đối với các giai đoạn trầm cảm, các thuốc chống trầm cảm có thể được kê đơn một cách thận trọng, thường được kết hợp với thuốc ổn định tâm trạng để ngăn ngừa gây ra các cơn hưng cảm.
  • Tâm lý trị liệu: Các phương pháp trị liệu khác nhau, bao gồm Trị liệu Nhận thức-Hành vi (CBT) và giáo dục tâm lý, đều có lợi trong việc giúp các cá nhân kiểm soát các triệu chứng, xác định các tác nhân gây ra và phát triển các chiến lược đối phó.
  • Liệu pháp kích điện (ECT): Trong một số trường hợp, đặc biệt là khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, ECT có thể được xem xét để giảm nhanh các triệu chứng nghiêm trọng, đặc biệt là trong trạng thái hưng cảm hoặc trầm cảm cấp tính.
  • Điều chỉnh lối sống: Có một thói quen ổn định, duy trì thói quen ngủ đều đặn và giảm thiểu căng thẳng có thể góp phần kiểm soát các triệu chứng Bipolar. Tập thể dục thường xuyên và có một chế độ ăn uống cân bằng cũng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể.

Sự tương đồng giữa BPD và Bipolar

Với cả hai rối loạn, các triệu chứng khác nhau về cường độ và thời gian. Tâm trạng có thể trở nên cực đoan đến mức một người trải qua khủng hoảng sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như có ý nghĩ hoặc hành vi tự s/át. Năng suất tại nơi làm việc hoặc trường học có thể bị ảnh hưởng và các tương tác xã hội có thể trở nên căng thẳng. Nhiều người mắc cả hai chứng rối loạn này cũng phải vật lộn với những giai đoạn suy nghĩ dồn dập và bốc đồng.

Xem bài viết  Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi ngành Tâm lý học

Sự khác biệt giữa BPD và Bipolar 

Khác biệt lớn nhất giữa BPD và Bipolar nằm ở chỗ BPD là rối loạn cảm xúc, còn Bipolar là một vấn đề nhân cách. Mặc dù các triệu chứng của BPD và Bipolar có thể giống nhau, nhưng có một số khác biệt chính giúp phân biệt hai loại bệnh này3:

  • Các trạng thái hỗn hợp: Trạng thái hỗn hợp chỉ thường gặp trong Bipolar và xảy ra khi một người trải qua cả hai triệu chứng hưng cảm và trầm cảm cùng một lúc.
  • Rối loạn tâm thần: Các triệu chứng loạn thần, chẳng hạn như ảo tưởng và ảo giác, phổ biến hơn ở Bipolar so với BPD.
  • Sự ổn định trong các mối quan hệ: Ở BPD, chúng ta thường thấy xu hướng hướng tới các mối quan hệ không ổn định, được đặc trưng bởi sự lý tưởng hóa. Ngược lại, ở Bipolar, các mối quan hệ có thể căng thẳng trong các giai đoạn biến đổi tâm trạng, nhưng có xu hướng ổn định giữa các giai đoạn. 
  • Rối loạn hình ảnh bản thân: Những người mắc chứng BPD thường xuyên gặp khủng hoảng về bản sắc và đấu tranh với bản thân, còn những người mắc chứng Bipolar thường có hình ảnh bản thân ổn định giữa các giai đoạn tâm trạng.
  • Những người mắc chứng Bipolar thường có những giai đoạn tâm trạng ổn định giữa các giai đoạn trong khi những người mắc bệnh BPD có thể có các triệu chứng cảm xúc dai dẳng hơn.

BPD và Bipolar có liên quan đến nhau không?

Mặc dù hai chứng rối loạn này có sự trùng lặp đáng kể về mặt lâm sàng, và nghiên cứu gần đây lưu ý rằng chúng có xu hướng cùng xảy ra thường xuyên hơn dự kiến, nhưng chúng là những chứng rối loạn riêng biệt với các khuyến nghị điều trị khác nhau.

Điều quan trọng cần lưu ý là một người mắc một trong hai chứng rối loạn này không nhất thiết có nghĩa là họ sẽ mắc chứng rối loạn kia. Chỉ có khoảng 15% số người được chẩn đoán mắc BPD cũng mắc Bipolar, trong khi các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần khác thường đi kèm với BPD – bao gồm: rối loạn tâm trạng (80% đến 96%), rối loạn lo âu (88%), rối loạn lạm dụng chất gây nghiện (64%) và rối loạn tăng động/giảm chú ý (lên tới 30%).4

Bipolar là một rối loạn tâm trạng (mood disorder), được đặc trưng bởi các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm tái phát. Ngược lại, BPD là một rối loạn nhân cách (personality disorder), liên quan đến các kiểu hành vi, nhận thức và trải nghiệm nội tâm lâu dài khác biệt rõ rệt với những quy chuẩn xã hội và văn hóa.

Một câu hỏi thường hay được đặt ra là rối loạn nào tệ hơn – Bipolar hay BPD? Việc cố gắng gán cho một tình trạng sức khỏe tâm thần là “tệ hơn” cái khác rất phức tạp và chủ quan. Thay vì so sánh mức độ nghiêm trọng của chúng, việc hiểu rõ tính chất của từng rối loạn sẽ giúp ta tìm được các phương pháp tiếp cận phù hợp, thể hiện tầm quan trọng của việc tìm kiếm sự hướng dẫn và hỗ trợ chuyên nghiệp cho từng cá nhân.  

Nguồn

1 Flayton, L. (2022). Understanding the Difference Between Bipolar and Borderline Personality Disorder. New York-Presbyterian. https://healthmatters.nyp.org/understanding-difference-bipolar-borderline-personality-disorder/

2 Salters-Pedneault, K. (2023). How Bipolar and BPD Are Similar but Different Disorders. Verywell Mind. https://www.verywellmind.com/bipolar-and-borderline-personality-disorder-425418

3 Modglin, L. (2023). Borderline Personality Disorder vs. Bipolar Disorder: What’s The Difference? Forbes. https://www.forbes.com/health/mind/bpd-vs-bipolar/

4 Chapman, J., Jamil, R. T., Fleisher, C., & Torrico, T. J. (2024). Borderline Personality Disorder. National Institutes of Health; StatPearls Publishing. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430883/#article-27054.r2

Tác Giả

Leave a Comment

Scroll to Top