Tranquil

Xâm hại tình dục ở trẻ & Căng thẳng hậu sang chấn phức tạp (CPTSD)

**LƯU Ý: Bài viết này sẽ đề cập đến vấn đề xâm hại tình dục ở trẻ em và có thể không phù hợp với tất cả khán giả. Hãy ngừng đọc bất kỳ lúc nào nếu phân mục này khiến bạn căng thẳng.**

Xâm hại tình dục ở trẻ em là một thực tế đáng lo ngại có thể gây ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của các em. Con số thống kê từ nghiên cứu của tiến sĩ David Finkelhor, Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Tội ác với Trẻ em, về số trẻ bị lạm dụng tình dục trước 18 tuổi rất đáng báo động: 

  • 1 trong 5 bé gái và 1 trong 20 bé trai dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục. 
  • Trong một năm, 16% trẻ từ 14 đến 17 tuổi là nạn nhân của xâm hại tình dục.
  • Gần 70% các vụ hành hung (bao gồm cả người lớn) xảy ra với trẻ em từ 17 tuổi trở xuống.
  • Hơn 20% nạn nhân của xâm hại tình dục trẻ em là trẻ em từ 8 tuổi trở xuống.

Nhiều nạn nhân bị xâm hại tình dục thời thơ ấu sẽ không bao giờ tiết lộ việc họ bị lạm dụng cho bất kỳ ai khác, thay vào đó họ chọn giữ bí mật này vì kẻ lạm dụng đã nói với họ rằng họ phải làm như vậy. Một trong những hậu quả phức tạp và nghiêm trọng nhất của vấn nạn này chính là Rối loạn căng thẳng phức tạp sau chấn thương tâm lý (Complex-Post-Traumatic Stress Disorder), hay còn được gọi là CPTSD. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu mối quan hệ này, những dấu hiệu, và tiềm năng để chữa lành chấn thương tâm lý này. 

Xâm hại tình dục ở trẻ là gì? 

Định nghĩa này có vẻ dễ hiểu đối với những người đã biết, nhưng ngay cả những người từng phải trải qua xâm hại thời thơ ấu cũng có thể chưa hiểu rõ nó gồm những hành động như thế nào. Đây có thể là một vấn đề lớn, vì họ có thể không nhận thức được rằng những gì họ trải qua thật sự là lạm dụng tình dục và không bình thường. 

Có ba loại xâm hại tình dục trẻ em: tiếp xúc (contact), không tiếp xúc (non-contact) và trực tuyến (online).

Loại xâm hại tình dục tiếp xúc

Loại này xảy ra khi kẻ bạo hành trực tiếp tiếp xúc thân thể với một đứa trẻ, bao gồm những hành động như:

  • Chạm vào trẻ theo một cách gợi dục ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể trẻ, cho dù trẻ có mặc quần áo hay không
  • Dùng một phần hoặc một vật nào đó xâm nhập vào cơ thể trẻ
  • Bắt trẻ cởi quần áo
  • Bắt trẻ chạm vào người khác, hay là những trẻ khác
  • Ép buộc trẻ hoạt động tình dục
  • Chạm vào, hôn hoặc quan hệ tình dục bằng miệng với trẻ em 

Loại xâm hại tình dụng không tiếp xúc

Loại này xảy ra khi kẻ bạo hành không chạm vào cơ thể của trẻ, bao gồm cả loại trực tuyến. Những hành động lạm dụng tình dục không tiếp xúc bao gồm:

  • Để lộ bộ phận sinh dục của mình ra cho trẻ
  • Hiển thị nội dung khiêu dâm cho trẻ xem
  • Bắt trẻ xem hành vi tình dục
  • Bắt trẻ thủ dâm
  • Ép buộc trẻ tạo hoặc xem hình ảnh hoặc video khiêu dâm
  • Phân phối hình ảnh hoặc video khiêu dâm trẻ em
  • Buộc trẻ thực hiện các cuộc trò chuyện hoặc hoạt động tình dục trực tuyến
Xem bài viết  Sang chấn Tâm lý và Rối loạn Ăn uống

Chúng ta cần đặc biệt chú ý rằng trẻ em là nạn nhân vô tội trong tất cả các trường hợp trên, vì các em không thể kiểm soát được những gì người lớn sẽ làm. Trẻ không thể trốn thoát hoặc nói không với người lớn, vì vậy các em hoàn toàn được miễn trừ mọi trách nhiệm.

Những kẻ xâm hại là những ai? 

Khi nhắc đến xâm hại tình dục trẻ em, chúng ta thường hình dung ra hình ảnh một gã đàn ông lệch lạc, ăn mặc rách rưới, không có công việc hoặc trông có vẻ đáng sợ. Tuy nhiên, mô tả này là không chính xác.

Những kẻ lạm dụng tình dục trẻ em có ngoại hình giống như những người khác, có thể đang làm những công việc được đánh giá cao, và còn có thể là phụ nữ. Những kẻ xâm hại tình dục có thể ở nhiều nhóm thu nhập, chủng tộc, và giới tính khác nhau. Danh sách những người có thể và thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em còn rất dài, trong đó có cả anh chị em, cha, mẹ, ông bà, giáo viên và các nhà lãnh đạo xã hội:

  • 30-40% các em nạn nhân bị lạm dụng bởi một thành viên thân thiết trong gia đình chứ không phải người lạ
  • 50% các em nạn nhân bị hãm hại bởi người ngoài gia đình nhưng gia đình đã quen biết và tin tưởng, chẳng hạn như mục sư hoặc trưởng nhóm hướng đạo sinh.
  • Khoảng 40% các em nạn nhân bị lạm dụng bởi những đứa trẻ lớn hơn hoặc lớn hơn mà chúng quen biết, trong đó 50% số trẻ này dưới 12 tuổi.

Hệ luỵ của xâm hại tình dục đối với trẻ em

Tác động của xâm hại tình dục đối với trẻ em rất đa dạng và có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, bao gồm: 

  1. Những dấu hiệu thể chất:
  • Trẻ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Dấu hiệu tổn thương vùng kín của trẻ như chảy máu không rõ nguyên nhân, bầm tím,
  • Máu trên ga trải giường, quần áo hoặc đồ lót.
  1. Những dấu hiệu về thay đổi trong hành vi:
  • Kiến thức về chủ đề tình dục ở ngoài độ tuổi của trẻ
  • Không nói nhiều như thường lệ
  • Biểu hiện như trẻ đang giữ bí mật
  • Phát triển nỗi sợ hãi khi bị bỏ lại một mình với một số người
  • Sợ phải xa cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ (nếu đây là hành vi mới nhìn thấy)
  • Bắt đầu đột ngột mút ngón tay cái hoặc đái dầm
  • Có những hành vi tình dục đối với bản thân hay trẻ khác
  • Dành nhiều thời gian ở một mình
  • Rút lui khỏi gia đình và bạn bè
  • Cố gắng tránh tắm hoặc cởi quần áo
  1. Những dấu hiệu đau đớn về mặt cảm xúc:
  • Tăng sự hung hăng hoặc thay đổi tâm trạng và tính cách
  • Giảm sự tự tin
  • Giảm hình ảnh bản thân
  • Thay đổi thói quen ăn uống
  • Sợ hãi hoặc lo lắng quá mức
  • Đau bụng và đau đầu một cách không thể giải thích được 
  • Giảm hứng thú với các hoạt động, bạn bè và bài tập ở trường
  • Thường xuyên gặp ác mộng
  • Có hành vi tự làm hại bản thân
Xem bài viết  Rối loạn lưỡng cực và Rối loạn nhân cách ranh giới

Hội chứng căng thẳng hậu sang chấn phức tạp (CPTSD) là gì?

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn phức tạp (CPTSD) được đề xuất đến lần đầu tiên bởi Tiến sĩ Herman (1992). CPTSD là một tình trạng tâm lý có những điểm tương đồng với PTSD truyền thống, nhưng có liên quan đến chấn thương kéo dài. Khi trẻ bị xâm hại tình dục thường xuyên qua một khoảng thời gian dài, trẻ có thể sẽ gặp phải CPTSD, thường bị kích hoạt vì nạn nhân cảm thấy em không thể trốn thoát. 

Những triệu chứng của CPTSD

Nó được đặc trưng bởi một loạt các triệu chứng, bao gồm:

  • Rối loạn điều hòa cảm xúc: Những trẻ mắc chứng C-PTSD thường gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc của mình, trải qua những thay đổi tâm trạng dữ dội và căng thẳng rất khó kiểm soát.
    • Nhiều nạn nhân khác của xâm hại tình dục thời thơ ấu và C-PTSD thường xuyên buồn bã, tức giận và có ý định tự tử. 
    • Họ thường trải nghiệm lại cảm xúc của mình từ thời thơ ấu trong những đoạn hồi tưởng, nhưng không trải nghiệm lại cảnh tượng, mùi vị hoặc âm thanh.
  • Nhận thức sai lệch về bản thân: Xâm hại tình dục ở trẻ em có thể phá hủy ý thức về giá trị bản thân và bản sắc của trẻ, dẫn đến nhận thức sai lệch về bản thân, được thể hiện qua cảm giác xấu hổ, tự trách móc và cảm thấy không xứng đáng với yêu thương.
  • Khó khăn trong các mối quan hệ: C-PTSD có thể cản trở khả năng hình thành và duy trì các mối quan hệ lành mạnh của một cá nhân, vì cá nhân có thể có vấn đề với niềm tin và sợ hãi sự thân mật.
    • Cùng với việc bị xâm hại, nạn nhân cũng có thể bị bỏ rơi khi em phải chịu đựng những tình cảm lẫn lộn từ thủ phạm, do đó trẻ có thể hình thành chứng rối loạn gắn bó vô tổ chức (disorganized attachment disorder) từ những thông điệp hỗn hợp mà em nhận được.
  • Cơ thể hóa (Somatization): Các triệu chứng thực thể, chẳng hạn như đau mãn tính, đau đầu hoặc các vấn đề về đường tiêu hóa, có thể biểu hiện ở trẻ do những chấn thương chưa được giải quyết.

Điều trị và chữa bệnh

Chữa lành khỏi lạm dụng tình dục và CPTSD là một quá trình phức tạp và liên tục, cần có sự hỗ trợ và can thiệp của chuyên gia. Các phương thức trị liệu như liệu pháp nhận thức-hành vi tập trung vào chấn thương (TF-CBT), giải mẫn cảm và tái xử lý chuyển động mắt (EMDR) và liệu pháp hành vi biện chứng (DBT) đã cho thấy hiệu quả trong việc giải quyết chấn thương cơ bản và giúp các cá nhân lấy lại cảm giác an toàn và điều khiển.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy ta có thể tìm ra biện pháp can thiệp hiệu quả cho CPTSD dựa trên các biện pháp can thiệp thành công cho PTSD. Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào trong số này sử dụng CPTSD làm tiêu chí lựa chọn và cũng không đánh giá CPTSD một cách rõ ràng. Đây là vì những biểu hiện của CPTSD cũng có thể sử dụng để chẩn đoán một số hội chứng rối loạn nhân cách khác, ví dụ như Rối loạn nhân cách Bất định (Borderline Personality Disorder), Rối loạn nhân cách Phụ thuộc (Dependent Personality Disorder), hay Rối loạn nhân cách Khổ hình (Masochistic Personality Disorder). Do đó, chúng ta cần thêm những nghiên cứu bổ sung để có thể hiểu rõ các phương pháp điều trị có hiệu quả cụ thể đối với những người được chẩn đoán mắc CPTSD. 

Xem bài viết  10 Nhu Cầu Cảm Xúc Cần Cân Nhắc Trong Tình Yêu

Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy các phương pháp điều trị PTSD có hiệu quả ở nhiều nhóm văn hóa khác nhau. Một đánh giá phân tích tổng hợp đã được tiến hành để kiểm tra hiệu quả của các phương pháp điều trị PTSD đối với CPTSD (Karatzias et al., 2019). Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng liệu pháp nhận thức-hành vi (CBT), tiếp xúc, giải mẫn cảm và tái xử lý chuyển động của mắt (EMDR) có thể tác động lớn đến nhận thức sai lệch về bản thân và khó khăn trong các mối quan hệ của các nạn nhân CPTSD.

Điều cần thiết nhất đối với những nạn nhân xâm hại tình dục lúc nhỏ là ưu tiên việc tự chăm sóc bản thân, thiết lập ranh giới và tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, thành viên gia đình hoặc một nhóm hỗ trợ đáng tin cậy. Tiến sĩ Herman cho rằng những người mắc CPTSD cần trao lại sự tự chủ cho bản thân, và hồi phục quyền lực của mình qua những mối quan hệ và những thảo luận lành mạnh. Việc chữa lành và hoà nhập lại với cuộc sống hàng ngày là có thể, nhưng điều này sẽ đòi hỏi sự kiên nhẫn, lòng trắc ẩn và sự sẵn sàng đối mặt và xử lý những cảm xúc đau đớn.

Kết luận

Xâm hại tình dục ở trẻ em có thể gây ra những ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài, thường dẫn đến sự phát triển của CPTSD. Bằng cách hiểu được mối tương tác phức tạp giữa chấn thương thời thơ ấu và sức khỏe tâm lý, chúng ta có thể hỗ trợ những nạn nhân một cách tốt hơn và hướng tới việc tạo ra một xã hội quan tâm đến hạnh phúc của mỗi người. Nếu bạn hoặc ai đó bạn biết đang phải vật lộn với hậu quả của việc bị lạm dụng tình dục, hãy nhớ rằng luôn có sự giúp đỡ và nhiều cơ hội để chữa lành khỏi vết thương tâm lý này. 

References

Davis, S. (2021). Childhood Sexual Abuse and Complex Post-Traumatic Stress Disorder. CPTSD Foundation. https://cptsdfoundation.org/2021/04/05/childhood-sexual-abuse-and-complex-post-traumatic-stress-disorder/

Herman, J. L. (1992). Trauma and recovery. New York: Basic Books.

Karatzias, T., Murphy, P., Cloitre, M., Bisson, J., Roberts, N., Shevlin, M., … & Hutton, P. (2019). Psychological interventions for ICD-11 complex PTSD symptoms: Systematic review and meta-analysis. Psychological medicine, 49(11), 1761-1775. https://www.cambridge.org/core/journals/psychological-medicine/article/psychological-interventions-for-icd11-complex-ptsd-symptoms-systematic-review-and-metaanalysis/9B266A8F264385D798FE29412C0FC823

Resick, P. A., Bovin, M. J., Calloway, A. L., Dick, A. M., King, M. W., Mitchell, K. S., Suvak, M. K., Wells, S. Y., Shannon Wiltsey Stirman, & Wolf, E. J. (2012). A critical evaluation of the complex PTSD literature: Implications for DSM-5. Journal of Traumatic Stress, 25(3), 241–251. https://doi.org/10.1002/jts.21699

Leave a Comment

Scroll to Top