Tranquil

Vì sao ta hay trì hoãn?

Prepared by: Nhi Pham

Từ các nền văn minh cổ đại, con người đã phải vật lộn với những thói quen trì hoãn. Nhà thơ Hy Lạp Hesiod, đã viết vào khoảng năm 800 trước Công Nguyên, “Đừng trì hoãn công việc của mình cho đến ngày mai và ngày kia.” Lãnh sự La Mã Cicero gọi sự trì hoãn là “mối thù” của sự thăng tiến trong cuộc sống. Hay như ông bà ta đã nói từ xưa, “Việc hôm nay chớ để ngày mai.” 

Mặc dù chúng ta hay nói rằng thời đại kỹ thuật số làm con người lề mề hơn, nhưng có vẻ công nghệ mới không phải là nguyên nhân sinh ra sự trì hoãn trong sinh hoạt mỗi ngày của mình. Nếu vậy, tại sao chúng ta hay chần chừ? Khoa học đằng sau sự trì hoãn là gì? 

Sự trì hoãn có thể có ích hay không?

Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta hãy cùng nhìn đến các dạng trì hoãn khác nhau. Paul Graham cho rằng có ba biến thể của sự trì hoãn. Trong đó, bạn có thể: (1) không làm gì cả, (2) làm việc gì đó ít quan trọng hơn hoặc (3) làm việc gì đó quan trọng hơn. Ông cho rằng loại cuối cùng là sự trì hoãn tốt. Đây có thể là những “giáo sư đãng trí” hay quên cạo râu, quên ăn, hoặc quên nhìn đường xem mình đang đi đâu trong khi họ đang suy nghĩ về một câu hỏi thú vị nào đó. Tâm trí của họ vắng mặt trong thế giới hàng ngày vì đang làm việc ở một thế giới khác. Graham nhận xét rằng những người gây ấn tượng nhất với ông đều là những người trì hoãn loại 3: họ để những việc nhỏ sang một bên để làm những việc lớn hơn.

“Việc nhỏ” đại khái là những công việc sẽ không có cơ hội được nhắc đến trong hồ sơ cá nhân của bạn. Bất cứ điều gì có thể được gọi là việc vặt, như giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, hay mua đồ ăn. Một số “chuyện nhỏ”, như trả lời thư từ bạn cũ, sẽ biến mất nếu bạn phớt lờ chúng (xong rồi hẹn bạn đi ăn chẳng hạn). Nhưng một số việc khác, như lau chùi nhà vệ sinh hay nộp giấy tờ khai thuế, sẽ chỉ chồng chất nhiều hơn nếu bạn trì hoãn chúng. Về nguyên tắc thì việc trì hoãn loại thứ hai sẽ không có ích cho ta, vì cuối cùng thì ta cũng sẽ phải làm chúng thôi. 

Graham cho rằng lý do duy nhất ta nên trì hoãn ngay cả những việc vặt “không tránh được” là khi “việc lớn” thật sự cần hai thứ mà “việc nhỏ” không cần: một lượng thời gian lớn và một tâm trạng phù hợp. Nếu bạn được truyền cảm hứng từ một dự án nào đó, đây có thể là một thắng lợi lớn nếu bạn có thể hoàn thành mọi việc mà bạn phải làm trong vài ngày tới để thực hiện nó. 

Sự trì hoãn có những tác hại gì?

Đương nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng rơi vào trường hợp “trì hoãn có ích” này. Nghiên cứu từ Hiệp hội Khoa Học Tâm Lý tại Mỹ cho rằng những người hay trì hoãn có mức độ căng thẳng cao hơn và sức khỏe tinh thần kém hơn. Trong thực tế, sự chậm trễ không mong muốn thường có liên quan đến những việc như tiết kiệm tiền hưu trí không đủ hay bỏ lỡ các lần khám bệnh. Các cuộc khảo sát trước đây của H&R Block, một công ty dịch vụ khai thuế ở Mỹ, Canada và Úc, cho thấy rằng nhiều người phải tốn hàng trăm đô la khi gấp rút chuẩn bị thuế thu nhập ngay sát thời hạn.

Các nhà nghiên cứu tâm lý gần đây nhận ra rằng việc này không chỉ đơn giản là trì hoãn việc gì đó cho đến ngày mai. Sự trì hoãn là một hiện tượng khá phức tạp liên quan trực tiếp với khả năng tự điều chỉnh: sự trì hoãn tự nguyện của một số nhiệm vụ quan trọng mà chúng ta dự định thực hiện, mặc dù biết rằng kết quả là chúng ta sẽ phải chịu hậu quả. Việc không biết quản lý thời gian có thể làm trầm trọng thêm hậu quả, nhưng dường như nền tảng của vấn đề nằm ở việc không có khả năng quản lý cảm xúc bản thân.

Điều tôi nhận thấy là mặc dù ai cũng có xu hướng trì hoãn nhưng không phải ai cũng là người trì hoãn,” giáo sư tâm lý Joseph Ferrari ( Đại học DePaul) cho biết. Ông là người tiên phong trong nghiên cứu hiện đại về chủ đề này, và công trình của ông đã phát hiện ra rằng có tới 20% dân số có thể là những người trì hoãn kinh niên. Ông chia sẻ, “Nó thực sự không liên quan gì đến việc quản lý thời gian. Như tôi hay nói với mọi người, việc bảo một người hay trì hoãn rằng ‘Hãy làm gì đó đi!’ cũng giống như nói với một người bị trầm cảm lâm sàng rằng ‘Hãy vui lên đi!’ vậy.”

Rất nhiều người biện hộ cho sự trì hoãn của họ bằng cách nói rằng việc hoàn thành công việc khi nào không quan trọng, miễn là cuối cùng nó cũng được hoàn thành. Một số người tin rằng họ làm việc tốt nhất dưới áp lực. Đáp trả suy nghĩ này, giáo sư triết học John Perry của Đại học Stanford, tác giả cuốn sách nổi tiếng Nghệ thuật trì hoãn, đã lập luận rằng chúng ta luôn có thể tận dụng lợi thế của mình bằng cách sắp xếp lại danh sách việc cần làm để luôn hoàn thành được điều gì đó. Graham cũng đồng tình với ý kiến này: “Hình thức trì hoãn nguy hiểm nhất là sự trì hoãn loại 2, nhất là khi ta không nhận ra chỉ vì nó không trông giống như sự trì hoãn. Ta vẫn đang ‘hoàn thành công việc,’ chỉ không phải là những nhiệm vụ thật sự quan trọng.” 

Xem bài viết  Sang chấn Tâm lý và Rối loạn Ăn uống

Các nhà nghiên cứu tâm lý có vấn đề nghiêm trọng với quan điểm này. Họ lập luận rằng nó kết hợp các hành vi có lợi và chủ động như sự cân nhắc (cố gắng giải quyết vấn đề) hoặc sự sắp xếp thứ tự ưu tiên với thói quen bất lợi của sự trì hoãn thực sự. Nếu tiến độ thực hiện một nhiệm vụ của con người có thể có nhiều hình thức, thì sự trì hoãn là sự thiếu tiến triển. Giáo sư tiến sĩ Ferrari nói: “Nếu tôi có hàng tá việc phải làm, rõ ràng việc thứ 10, 11 và 12 phải đợi rồi. Nhưng một người trì hoãn thực sự sẽ cùng có 12 việc, thực hiện một hoặc hai việc trong số đó, sau đó viết lại danh sách, xáo trộn nó và tạo thêm một bản sao của nó. Đó là sự trì hoãn.”

Còn khi nói về sự trì hoãn loại 1 của Graham (khi ta không làm gì cả), tiến sĩ Dianne Tice, tiến sĩ William James và tiến sĩ Roy Baumeister thực hiện một nghiên cứu tại Đại học Case Western Reserve vào năm 1997. Họ đã đánh giá các sinh viên đại học theo thang điểm trì hoãn đã được thiết lập, sau đó theo dõi kết quả học tập, mức độ căng thẳng và sức khỏe chung của họ trong suốt học kỳ. Ban đầu, việc trì hoãn dường như có lợi, vì những sinh viên này có mức độ căng thẳng thấp hơn so với những sinh viên khác, có thể là do họ trì hoãn công việc để tham gia các hoạt động thú vị hơn. Tuy nhiên, những kết quả cuối cùng của sự trì hoãn này có hại hơn hẳn những lợi ích tạm thời. Những người trì hoãn đạt điểm số thấp hơn những học sinh khác và có mức độ căng thẳng và bệnh tật tích lũy cao hơn. Những người trì hoãn thực sự không chỉ chậm trễ trong công việc, mà chất lượng công việc cũng như sức khỏe của chính họ cũng bị ảnh hưởng.

Tiến sĩ Tice và tiến sĩ Baumeister (hiện đều đang công tác tại Đại học Bang Florida) kết luận: “Vì vậy, bất chấp những lời biện hộ và lợi ích ngắn hạn của nó, sự trì hoãn không thể được coi là thích ứng hoặc vô hại. Những người trì hoãn cuối cùng sẽ phải chịu khó nhiều hơn và làm việc kém hơn những người khác.” 

Trong một ấn phẩm của Tạp chí Nghiên cứu về Tính cách từ năm 2000, tiến sĩ Tice và tiến sĩ Ferrari đã cũng kết luận rằng sự trì hoãn thực sự là một hành vi tự hại, khi một người cố gắng làm giảm độ quan trọng của sự nỗ lực tốt nhất của bản thân. Tiến sĩ Ferrari chia sẻ: “Những người trì hoãn kinh niên, thực hiện điều này như một lối sống, sẽ thà để người khác nghĩ rằng họ thiếu nỗ lực hơn là thiếu khả năng. Đó là một lối sống không thích nghi tốt.”

Vì sao ta trì hoãn? 

Quay lại câu hỏi ban đầu, điều gì dẫn đến bản tính hay trì hoãn? tiến sĩ Timothy Pychyl của Đại học Carleton tại Canada cho biết rằng khái niệm cơ bản về sự trì hoãn khá rõ ràng: đây là sự thất bại trong việc tự điều chỉnh. “Bạn biết mình phải làm gì nhưng bạn không thể tự bật mình dậy để làm được điều đó. Đây là khoảng cách giữa ý định và hành động,” ông chia sẻ.

Xem bài viết  Xâm hại tình dục ở trẻ & Căng thẳng hậu sang chấn phức tạp (CPTSD)

Các nhà khoa học xã hội tranh luận liệu sự tồn tại của khoảng cách này có thể được giải thích rõ hơn là vì không có khả năng quản lý thời gian hay không có khả năng điều chỉnh tâm trạng không. Nhìn chung thì các nhà kinh tế có xu hướng ủng hộ lý thuyết đầu tiên. Nhiều người tin là những người trì hoãn sẽ tính toán mức độ hữu ích của một số hoạt động nhất định: trước mắt, những hoạt động thú vị có giá trị hơn với họ, và những nhiệm vụ khó khăn chỉ trở nên quan trọng hơn khi thời hạn đến gần.

Ngược lại, các nhà tâm lý học như tiến sĩ Ferrari và tiến sĩ Pychyl nhìn thấy những sai sót trong quan điểm chặt chẽ về thời gian về sự trì hoãn này. Nếu sự trì hoãn thực sự “hợp lý” như ý kiến trên gợi ý, thì ta đã không cần phải gọi hành vi này là sự trì hoãn, mà một phương thức quản lý thời gian sẽ phù hợp hơn. Trên hết, các nghiên cứu còn phát hiện ra rằng những người trì hoãn thường mang theo cảm giác tội lỗi, xấu hổ hoặc lo lắng khi đưa ra quyết định đó. Yếu tố cảm xúc này cho thấy câu chuyện còn nhiều yếu tố hơn là chỉ quản lý thời gian.

Tiến sĩ Pychyl chia sẻ: “Đối với tôi, việc điều chỉnh cảm xúc là cốt lõi của sự trì hoãn, bởi vì khi một người có thể giải quyết được cảm xúc của mình ở mức độ nhất định, họ có thể tiếp tục thực hiện công việc. Khi đã được gọi là task-aversiveness (trốn tránh nhiệm vụ), đây là một từ khác để chỉ sự thiếu hứng thú. Đó là những trạng thái cảm giác – đó không phải là những trạng thái chỉ [nhiệm vụ nào] có nhiều tiện ích hơn.”

Tiến sĩ Fuschia Sirois thuộc Đại học Bishop (Canada) cho biết: “Tôi nghĩ phần điều chỉnh tâm trạng là một phần quan trọng của sự trì hoãn. Nếu hiện tại bạn chỉ tập trung vào việc cố gắng khiến bản thân cảm thấy thoải mái thì bạn có thể bỏ lỡ rất nhiều điều trong việc học cách sửa chữa hành vi và tránh những vấn đề tương tự trong tương lai.”

Tiến sĩ Sirois đã làm một nghiên cứu có khoảng 80 sinh viên và đánh giá tính trì hoãn của họ. Những người tham gia sẽ đọc mô tả về các sự kiện căng thẳng, kèm theo một số trường hợp dễ gây lo lắng chỉ vì những sự chậm trễ không cần thiết. Một trong số các tình huống bao gồm: một người trở về sau một kỳ nghỉ tắm nắng và nhận thấy một nốt ruồi đáng ngờ trên người, nhưng lại trì hoãn việc đi khám bác sĩ trong một thời gian dài, tạo ra một tình huống đáng lo ngại.

Sau đó, tiến sĩ Sirois hỏi những người tham gia thử nghiệm xem họ nghĩ gì về tình huống này. Cô phát hiện ra rằng những người trì hoãn có xu hướng nói những câu như, “Ít nhất tôi đã đi khám bác sĩ trước khi tình trạng thực sự trở nên tồi tệ hơn.” Phản ứng này được gọi là phản ứng thực tế đi xuống, phản ánh mong muốn cải thiện tâm trạng của bản thân trong thời gian ngắn. Đồng thời, những người trì hoãn hiếm khi nói những câu như, “Giá như tôi đi khám bác sĩ sớm hơn.” Kiểu phản ứng đó được gọi là phản ứng thực tế đi lên, cho phép ta thấu hiểu sự căng thẳng của thời điểm hiện tại, nhằm cố gắng rút kinh nghiệm cho tương lai. Nói một cách đơn giản, những người trì hoãn tập trung vào cách khiến bản thân cảm thấy tốt hơn, nhưng lại phải trả giá bằng việc rút ra cái nhìn sâu sắc từ những điều khiến họ cảm thấy tồi tệ sau này.

Xem bài viết  Liệu pháp EMDR trong ứng dụng chữa PTSD 

Làm thế nào để khắc phục tính trì hoãn?

Nếu bạn tìm kiếm “Làm sao để không trì hoãn nữa” trên mạng, sẽ có tầm 10,300,000 kết quả tìm kiếm hiện ra trong chưa đầy 0.30 giây. Có rất nhiều video, và một số tờ báo lớn như Harvard Business Review cũng viết nhiều bài chỉ cách đánh bại sự trì hoãn. Khi hiểu biết cơ bản về sự trì hoãn ngày càng tiến bộ, nhiều nhà nghiên cứu hy vọng sẽ thấy được kết quả từ những biện pháp can thiệp tốt hơn. 

Những người hay trì hoãn có thể chia công việc thành những phần nhỏ hơn để họ có thể thực hiện một loạt nhiệm vụ dễ quản lý hơn. Đi tham gia tư vấn có thể giúp họ nhận ra rằng họ đang chỉ thỏa hiệp các mục tiêu dài hạn để đạt được một niềm vui nhanh tắt. Trong tạp chí Khoa học Tâm lý số ra năm 2002, các nhà nghiên cứu hành vi Dan Ariely và Klaus Wertenbroch đã báo cáo rằng những người trì hoãn sẵn sàng đặt ra những deadline có ý nghĩa cho bản thân, và những thời hạn đó trên thực tế đã cải thiện khả năng hoàn thành nhiệm vụ của họ. Đương nhiên những thời hạn tự đặt ra này không hiệu quả bằng những deadline bên ngoài, nhưng có thì tốt hơn không.

Ngoài ra, tiến sĩ Sirois tin rằng cách tốt nhất để loại bỏ nhu cầu điều chỉnh tâm trạng ngắn hạn là tìm ra điều gì đó tích cực hoặc đáng giá ở chính công việc đó. Cô nói: “Bạn phải tìm hiểu sâu hơn một chút và tìm thấy ý nghĩa cá nhân nào đó ở trong nhiệm vụ của mình. Đó là những gì dữ liệu của chúng tôi gợi ý.” Graham cũng đồng ý với ý kiến này –  theo ông, cách để ‘giải quyết’ vấn đề trì hoãn là để niềm vui lôi kéo bạn thay vì để danh sách những việc cần làm thúc đẩy bạn. 

Tiến sĩ Ferrari, tác giả sách “Vẫn còn trì hoãn? Hướng dẫn Hoàn thành Công việc Một cách Không Hối tiếc” (2010), muốn thấy sự thay đổi văn hóa nói chung trong xã hội chúng ta. Ông tin rằng ta nên khen thưởng những người làm sớm nhiều hơn, thay vì chỉ trừng phạt những người chậm trễ. Ngoài ra, ông còn đề xuất rằng chính phủ liên bang Hoa Kỳ nên khuyến khích việc nộp thuế sớm bằng cách cho mọi người được nghỉ ngơi một chút nếu họ nộp đơn 1 tháng trước thời hạn. Ông cũng đề nghị chúng ta ngừng tạo điều kiện cho sự trì hoãn trong các mối quan hệ cá nhân của mình. “Hãy cứ để yên bát đũa chưa được rửa ở đấy nếu đối phương chần chừ rửa chúng. Hãy cứ để tủ lạnh trống nếu cả tuần rồi họ vẫn chưa chịu đi mua đồ ăn,” ông nói. 

Mặc dù cách tiếp cận này có thể có hiệu quả đặc biệt đối với các cặp đôi, thì có thể phương thuốc tốt nhất cho sự trì hoãn ở mỗi cá nhân vẫn là sự tha thứ cho bản thân. Một vài năm trước, tiến sĩ Pychyl đã cùng hai đồng nghiệp tại Đại học Carleton khảo sát 119 sinh viên về sự trì hoãn trước kỳ thi giữa kỳ của họ. Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi Michael Wohl, đã báo cáo trong tạp chí Sự khác biệt về Tính cách và Cá nhân năm 2010 rằng những học sinh tha thứ cho bản thân sau khi trì hoãn trong kỳ thi đầu tiên sẽ ít có khả năng trì hoãn việc ôn tập cho kỳ thi thứ hai. Tiến sĩ Pychyl chia sẻ rằng ông thích kết thúc các cuộc trò chuyện và các chương sách với các triển vọng của sự tha thứ. Ông coi nghiên cứu này như một lời nhắc nhở rằng sự trì hoãn thực sự là một vết thương do bản thân tự gây ra, và dần dần bào mòn nguồn tài nguyên quý giá nhất trên thế giới một người có thể có, đó chính là thời gian.

References

Jaffe, E. (2013, March 29). Why wait? The science behind procrastination. Association for Psychological Science – APS. https://www.psychologicalscience.org/observer/why-wait-the-science-behind-procrastination

Graham, P. (2005, December). Good and Bad Procrastination. Paul Graham Essays. https://www.paulgraham.com/procrastination.html

1 thought on “Vì sao ta hay trì hoãn?”

  1. Cám ơn vì sự hữu ích của bài phân tích. Tôi xin tóm tắt ngắn gọn như sau “Muốn chiến thắng sự trì hoãn hãy tha thứ có sai phạm lần trước của mình và bắt tay làm vào 20% công việc quan trọng và có ý nghĩa hơn là 80% công việc không quan trọng và chỉ mang lại cảm giác thoải mái ngắn hạn”

Leave a Comment

Scroll to Top