Liệu pháp EMDR là gì?
Liệu pháp Giải mẫn cảm và Tái xử lý Chuyển động Mắt, hay còn được biết đến là liệu pháp EMDR, được phát triển vào năm 1987 bởi tiến sĩ Francine Shapiro để điều trị Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). EMDR là một liệu pháp cá nhân thường được thực hiện một đến hai lần mỗi tuần, mỗi phiên sẽ từ 60-90 phút. Các phiên có thể được tiến hành vào những ngày liên tiếp nhau. Đối với một sự kiện hoặc ký ức sang chấn, quá trình này thường mất từ ba đến sáu phiên. Những chấn thương phức tạp hoặc lâu dài hơn có thể phải điều trị từ 8 đến 12 buổi (hoặc đôi khi nhiều hơn).
Liệu pháp EMDR không giống như các phương pháp điều trị khác đã tập trung vào việc thay đổi cảm xúc, suy nghĩ và phản ứng do trải nghiệm đau thương tạo ra, mà tập trung trực tiếp vào ký ức sang chấn. Liệu pháp này nhằm thay đổi cách lưu trữ ký ức trong não, qua đó làm giảm và loại bỏ các triệu chứng có vấn đề.
Một phiên trị liệu EMDR sẽ bắt đầu khi thân chủ được yêu cầu nhớ lại về ký ức sang chấn, sau đó đồng thời tập trung chú ý vào những kích thích từ môi trường bên ngoài. Hình thức này được gọi là kích thích song phương (bilateral stimulation, hay BLS). Ví dụ, thân chủ có thể được yêu cầu di chuyển mắt qua lại theo ngón tay của nhà trị liệu:
Nguồn: Douglas Waldruff
Thân chủ sẽ hít thở sâu và nói với nhà trị liệu về các suy nghĩ đau thương xuất hiện trong tâm trí. Trong khi thân chủ tập trung vào ký ức sang chấn và đồng thời trải nghiệm sự kích thích song phương thì tính sống động và cảm xúc của ký ức sẽ giảm đi.
Những đối tượng nào có thể được giúp bởi EMDR?
Mặc dù được phát triển để giúp đỡ những người mắc PTSD, EMDR còn có thể được sử dụng để điều trị những người mắc nhiều tình trạng khác nhau, bao gồm:
- Những người mắc các chứng ám ảnh, trầm cảm, Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), Rối loạn lo âu (GAD) hay Rối loạn ăn uống
- Nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục và các phạm tội khác
Có một số tranh cãi xung quanh cách hoạt động của liệu pháp EMDR. Tiến sĩ Francine Shapiro sau đó đã phát triển một lý thuyết về cách hoạt động lưu trữ ký ức của não sau khi cô vô tình phát hiện ra kỹ thuật chuyển động của mắt. Tuy nhiên, tranh cãi này không tác động đến việc liệu EMDR có hoạt động hay không. Đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy liệu pháp này có hiệu quả, đặc biệt trong việc chữa trị PTSD.
Cách sử dụng liệu pháp EMDR
Liệu pháp EMDR tiếp cận qua tám giai đoạn bao gồm:
- Giai đoạn 1: Tìm hiểu lịch sử
- Giai đoạn 2: Chuẩn bị cho thân chủ
- Giai đoạn 3: Đánh giá mục tiêu – ký ức sang chấn
- Giai đoạn 4-7: Xử lý ký ức
- Giai đoạn 8: Đánh giá kết quả điều trị
Việc xử lý một ký ức cụ thể thường được hoàn thành trong vòng một đến ba phiên. Liệu pháp EMDR khác với các phương pháp điều trị tập trung vào chấn thương khác ở chỗ nó không bao gồm việc tiếp xúc lâu dài với ký ức, mô tả chi tiết về sang chấn, thách thức niềm tin rối loạn chức năng hoặc có các bài tập về nhà.
Các giai đoạn của liệu pháp EMDR
Khai thác bệnh sử và lập kế hoạch điều trị
Ngoài việc có được bệnh sử đầy đủ và tiến hành tạo nên một kế hoạch điều trị thích hợp, nhà trị liệu và thân chủ cần làm việc cùng nhau để xác định mục tiêu điều trị. Mục tiêu bao gồm những ký ức trong quá khứ, yếu tố kích hoạt hiện tại và mục tiêu trong tương lai.
Nhà trị liệu có thể hỏi những câu như:
- “Bạn muốn bắt đầu giải quyết vấn đề gì?”
- “Hình ảnh nào đại diện cho phần tồi tệ nhất của sự kiện này?”
- “Phần nào trong ký ức này làm bạn khó chịu nhất?”
Chuẩn bị
Nhà trị liệu sẽ đưa ra lời giải thích về phương pháp điều trị và phổ biến cho thân chủ về các quy trình, bắt đầu thực hành chuyển động mắt và/hoặc các hoạt động BLS khác. Nhà trị liệu cần đảm bảo rằng thân chủ có nguồn lực để ứng phó, dung chứa sự ảnh hưởng khó chịu về cảm xúc, suy nghĩ, hình ảnh trong đầu có thể xuất hiện trong trong quá trình điều trị và dẫn dắt thân chủ thực hiện các bài tập trong khung trị liệu an toàn/bình tĩnh.
Nhà trị liệu sẽ giúp thân chủ xác định các nhận thức tiêu cực: “Khi nghĩ về sự việc đó, hiện tại bạn có suy nghĩ hay niềm tin tiêu cực nào về bản thân mình?” Sau đó, họ sẽ xác định Nhận thức tích cực mà thân chủ mong muốn tin về bản thân mình.
Đánh giá
Giai đoạn thứ ba của EMDR sẽ kích hoạt ký ức đang là mục tiêu điều trị bằng cách xác định và đánh giá từng thành phần của ký ức: hình ảnh, nhận thức, cảm xúc và cảm giác cơ thể. Thân chủ sẽ được yêu cầu để ý bất cứ điều gì họ cảm nhận được. Nhà trị liệu có thể sẽ hỏi: “Khi bạn nghĩ về sự việc đó và những từ [nhận thức tiêu cực], bạn cảm thấy cảm xúc gì bây giờ?”; “Bạn cảm thấy điều đó ở đâu trong cơ thể mình?”
Hai biện pháp được sử dụng trong các buổi trị liệu EMDR để đánh giá những thay đổi trong cảm xúc và nhận thức bao gồm: thang đo Cảm xúc chủ quan (Subjective Units of Disturbance scale) và thang đo Hiệu lực nhận thức (Validity of Cognition scale). Cả hai biện pháp đều được sử dụng lại trong quá trình điều trị, theo đúng quy trình đã được chuẩn hóa:
Thang đo Hiệu lực nhận thức (VOC):
Chuyên gia lâm sàng hỏi, “Khi bạn nghĩ về sự kiện đó, bạn cảm thấy những lời nhận thức tích cực đúng đến mức nào trên thang điểm từ 1-7? Trong đó 1 là cảm thấy hoàn toàn sai và 7 là cảm thấy hoàn toàn đúng.”
Thang đo Cảm xúc chủ quan (SUD):
Sau khi thân chủ đã đặt tên cho cảm xúc mà mình đang cảm thấy, chuyên gia lâm sàng hỏi: “Trên thang điểm từ 0-10, trong đó 0 là không cảm thấy khó chịu và 10 là cảm thấy cực kỳ khó chịu khi nghĩ tới, lúc này cảm giác đó khó chịu ở mức nào? “
Giải mẫn cảm
Trong giai đoạn này, thân chủ sẽ tập trung vào ký ức, đồng thời thực hiện các chuyển động của mắt hoặc các hoạt động BLS khác. Sau đó, thân chủ sẽ nói lên bất kỳ suy nghĩ nào mới xuất hiện. Nhà trị liệu sẽ xác định trọng tâm của từng hoạt động BLS bằng cách sử dụng các quy trình đã được tiêu chuẩn hóa. Thông thường, những đặc điểm liên quan đến ký ức sẽ trở thành trọng tâm của hoạt động BLS tiếp theo. Quá trình này tiếp tục cho đến khi thân chủ cho thấy rằng ký ức không còn tác động tiêu cực lên cảm xúc, suy nghĩ, cảm giác cơ thể của thân chủ ở thời điểm hiện tại.
Nhà trị liệu sẽ yêu cầu thân chủ cố gắng ghi nhớ hình ảnh mục tiêu, nhận thức tiêu cực và để ý xem họ đang cảm thấy cảm xúc đó ở đâu trong cơ thể. Nếu thân chủ bắt đầu cảm thấy khó chịu, nhà trị liệu sẽ tiếp tục động viên, “Hãy cứ để ý thử nhé” hay “Chỉ cần quan sát thôi.”
Cài đặt
Giai đoạn thứ năm của EMDR là cài đặt, giúp củng cố các nhận thức tích cực ta mong muốn. Nhà trị liệu có thể sẽ hỏi, “Những từ [nhận thức tích cực] có còn phù hợp với bạn không, hay một tuyên bố tích cực khác sẽ phù hợp hơn?” Nhà trị liệu sẽ yêu cầu thân chủ mang hình ảnh mục tiêu và nhận thức tích cực vào tâm trí mình, và sẽ giúp thân chủ hoàn thiện BLS cho đến khi không còn thay đổi nào.
→ Nếu thân chủ báo cáo VOC từ 6 trở xuống, nhà trị liệu sẽ tiếp tục các hoạt động BLS.
→ Nếu thân chủ báo cáo VOC là 6 hoặc 7, nhà trị liệu sẽ tiếp tục cho đến khi không còn cảm xúc mới nào xuất hiện nữa, và bắt đầu tiến hành quét cơ thể.
Quét cơ thể
Giai đoạn thứ sáu của EMDR là quét cơ thể, trong đó thân chủ được yêu cầu quan sát phản ứng cơ thể của họ khi nghĩ về sự việc và nhận thức tích cực, đồng thời xác định bất kỳ cảm giác đau thương nào còn sót lại. Nếu thân chủ cho thấy bất kỳ sự xáo trộn nào, các quy trình tiêu chuẩn hóa liên quan đến BLS sẽ được sử dụng để xử lý nó.
Nhà trị liệu có thể sẽ hướng dẫn, “Nhắm mắt lại, tập trung vào sự việc và nhận thức tích cực. Hãy cảm nhận toàn bộ cơ thể của bạn và cho tôi biết nếu bạn cảm thấy bất cứ điều gì.”
Kết thúc điều trị
Nếu ký ức mục tiêu không được xử lý đầy đủ trong phiên, các hướng dẫn về các kỹ thuật cụ thể sẽ được sử dụng để giúp thân chủ ứng phó với khả năng tái sang chấn sau phiên trị liệu, và đảm bảo an toàn cho đến phiên tiếp theo.
Nhà trị liệu có thể sẽ nói: “Bạn có thể nhận thấy rằng quá trình xử lý mà chúng ta thực hiện hôm nay vẫn tiếp tục sau phiên. Bạn có thể bắt đầu nhận thức được những ký ức, suy nghĩ, cảm giác hoặc giấc mơ khác nhau. Chỉ cần chú ý đến những gì bạn đang trải nghiệm.”
Đánh giá lại
Phiên tiếp theo sẽ bắt đầu với giai đoạn tám, trong đó nhà trị liệu đánh giá lại trạng thái tâm lý hiện tại của thân chủ xem liệu hiệu quả điều trị có được duy trì hay không, những ký ức mới nào có thể xuất hiện kể từ phiên trước, và làm việc với thân chủ để xác định mục tiêu cho phiên hiện tại. Một phiên chưa hoàn tất là khi các cảm xúc vẫn chưa được giải quyết và không có nhận thức tích cực nào được cài đặt.
Ưu và nhược điểm của liệu pháp EMDR
Liệu pháp EMDR có một số lợi thế khác nhau:
- Hàng chục nghiên cứu đã phát hiện ra rằng EMDR có hiệu quả.
- Những người thực hành trị liệu EMDR thường bắt đầu thấy kết quả sớm hơn nhiều so với các hình thức trị liệu khác.
- Liệu pháp EMDR có ít “bài tập về nhà.” Các hình thức trị liệu khác thường liên quan đến việc viết nhật ký hoặc các loại bài tập về nhà khác sau mỗi phiên tham vấn. Trong khi đó, EMDR thường chỉ có việc viết ra bất kỳ suy nghĩ hoặc ý tưởng nào bạn muốn đưa ra trong phiên trị liệu tiếp theo (nếu bạn có những suy nghĩ đó).
- Nó thường ít căng thẳng hơn. Liệu pháp EMDR tập trung vào việc xử lý và vượt qua sang chấn. Các phương pháp khác thường có liên quan đến việc mô tả và thậm chí hồi tưởng lại những sự kiện tiêu cực.
Ngược lại, liệu pháp EMDR có một số nhược điểm so với các hình thức trị liệu khác:
- Nó chỉ hoạt động với các điều kiện liên quan đến trải nghiệm đau thương. Nếu bạn có tình trạng sức khỏe tâm thần do di truyền, sang chấn hoặc ảnh hưởng vật lý khác lên não, liệu pháp EMDR khó có thể giúp ích.
- Cách hoạt động của nó vẫn còn là lý thuyết. EMDR là một khám phá tình cờ. Các chuyên gia vẫn không thể giải thích đầy đủ lý do tại sao nó hoạt động, mặc dù có bằng chứng cho thấy nó hoạt động.
- Đây là một phương pháp mới. EMDR được tạo ra vào năm 1989, trong khi các hình thức trị liệu khác đã được sử dụng từ rất lâu. Các chuyên gia cần nhiều nghiên cứu hơn để biết liệu EMDR có phải là giải pháp lâu dài, hay mọi người cần điều trị bổ sung trong nhiều năm sau đó.
Một ưu điểm lớn là liệu pháp EMDR có rủi ro rất thấp. Tác động tiêu cực hay gặp phải nhất là những suy nghĩ hoặc cảm xúc tiêu cực giữa các phiên tập. Những nhà trị liệu có thể giúp chúng ta hiểu điều gì sẽ xảy ra khi gặp những trường hợp này và cách ta có thể phản ứng với chúng.
Hãy đến gặp chuyên gia tham vấn của mình theo khuyến nghị, và nếu bạn cảm thấy cần tăng tần suất gặp họ, hãy nói chuyện với họ và xem họ có thể giúp bạn như thế nào. Bạn cũng nên nói chuyện với họ nếu bạn nhận thấy các triệu chứng do ký ức đau buồn đang thay đổi hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn theo một cách mới hoặc gây rối loạn nhé!
References
APA. (2017). Eye Movement Desensitization and Reprocessing (EMDR) Therapy. American Psychological Association. https://www.apa.org/ptsd-guideline/treatments/eye-movement-reprocessing
Cleveland Clinic. (2022). EMDR Therapy: What It Is, Procedure & Effectiveness. Cleveland Clinic. https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/22641-emdr-therapy#overview