Tranquil

Thuốc chống Trầm cảm liệu có tác dụng thật sự?

Nỗi đau buồn và cảm giác tội lỗi lấn át khiến bạn choáng ngợp. Bạn mệt mỏi đến mức không còn sáng suốt. Niềm vui giản đơn ở bạn bị mất đi trong một nỗi thống khổ vô hình. Bạn thấy đau ở đầu và lưng và bụng, một cơn đau thực sự. Tâm hồn sa lầy trong bạn bóp nghẹt bạn bằng nỗi tuyệt vọng. Đây đều là lỗi của bạn, bạn vô dụng, và bạn cũng có thể gục ngã. Đây là trải nghiệm của người gặp phải trầm cảm, dù ở mỗi người thì mức độ các triệu chứng sẽ khác nhau. Cứ mỗi 10 người thì sẽ có 1 người đối mặt với trầm cảm ít nhất một lần trong đời, và để trị liệu, hàng triệu người đã dùng thuốc chống trầm cảm. Thật không may, hiện tại có nhiều dấu hiệu cho thấy thuốc chống trầm cảm không hề hiệu quả.

Dĩ nhiên, để tìm hiểu liệu thuốc chống trầm cảm có hiệu quả hay không, chúng ta cần phải xem xét những kết quả nghiên cứu tốt nhất về những loại thuốc này. Đã có nhiều nghiên cứu thực nghiệm về thuốc chống trầm cảm, và trong 10 năm trở lại đây, chúng ta đã có một số phân tích tổng hợp về các thử nghiệm này (phân tích tổng hợp lấy dữ liệu từ nhiều thử nghiệm khác để đưa ra một phân tích duy nhất). Tuy nhiên, tồn tại một vấn đề: các chuyên gia tranh cãi về giá trị và vấn đề của những nghiên cứu thực nghiệm này, và về những kết luận đưa ra dựa trên chúng. Triết học có thể sẽ hữu ích. Triết học khoa học là ngành học nghiên cứu các khái niệm và phương pháp khoa học, cũng như đưa ra một lăng kính mà qua đó, chúng ta có thể hiểu được những kết quả khoa học về thế giới. Sau khi chứng kiến sự đáng sợ của trầm cảm và những đấu tranh của một số bạn bè và người thân yêu nhất của tôi khi trị liệu trầm cảm bằng thuốc, tôi đã bắt đầu áp dụng kiến thức của một nhà triết học để tìm hiểu những kết quả nghiên cứu về thuốc chống trầm cảm. Việc đi sâu vào chi tiết về cách mà thuốc chống trầm cảm được tổng hợp, phân tích và báo cáo cho chúng ta biết rằng, những loại thuốc này hầu như có rất ít hiệu quả, thậm chí là không có tác dụng.

Trầm cảm ảnh hưởng đến nhiều người trong chúng ta. Dù có thể bạn thấy các lập luận trong bài viết này khá thuyết phục, thì thông điệp ở đây lại có thể khiến bạn thất vọng. Nếu đang sử dụng thuốc chống trầm cảm, bạn có thể sẽ quyết định dừng lại, nhưng bạn cũng nên thận trọng. Chúng tôi có rất ít kết quả đáng tin cậy ghi nhận về việc ngừng sử dụng thuốc chống trầm cảm, dù có kết quả cho thấy có thể xảy ra vấn đề khi ngưng dùng thuốc. Hơn nữa, chúng ta có rất ít kết quả tin cậy của các biện pháp can thiệp thay thế, thí dụ như liệu pháp trò chuyện hay thay đổi lối sống. Vì vậy, thân chủ cần phải hết sức thận trọng khi cân nhắc việc thay đổi thuốc, hay việc chuyển sang các phương pháp điều trị khác. Một bài viết ngắn về một chủ đề khó thì không thể có chiều sâu được; vì vậy, nếu bạn muốn xem đầy đủ hơn về những lập luận tiếp theo, vui lòng đọc quyển Chủ nghĩa hư vô y học (2018) của tôi. Nếu bạn gặp trầm cảm, hãy tin vào bác sĩ với kinh nghiệm lâm sàng và hiểu biết chuyên sâu về tình trạng của bạn – dù cho thực tế, hầu hết các bác sĩ đều đánh giá quá cao lợi ích và xem thường tác hại của thuốc chống trầm cảm, bạn vẫn nên tiếp tục lắng nghe và trao đổi với họ.

Những kết quả tốt nhất về hiệu quả của thuốc chống trầm cảm đến từ các thử nghiệm ngẫu nhiên và một phân tích tổng hợp dựa trên các thử nghiệm này. Phần lớn các nghiên cứu này được tài trợ và kiểm soát bởi những nhà sản xuất thuốc chống trầm cảm, rõ ràng điều này khiến các kết quả không còn quá đáng tin cậy. Những thử nghiệm này thường chỉ kéo dài vài tuần – ít hơn nhiều so với khoảng thời gian mà hầu hết mọi người phải sử dụng thuốc chống trầm cảm. Các đối tượng trong các thử nghiệm này được lựa chọn cẩn thận, người cao tuổi, mắc các bệnh khác hoặc đang điều trị bằng một số loại thuốc khác – những người đáng lẽ là đối tượng phù hợp nhất cho thử nghiệm, đều không được chọn. Điều này nghĩa là việc áp dụng kết quả từ những thử nghiệm này vào thực tế là không hề đáng tin cậy. Các thử nghiệm có kết quả ủng hộ việc sử dụng thuốc chống trầm cảm được công bố, trong khi các thử nghiệm với bằng chứng cho thấy rằng thuốc chống trầm cảm không hiệu quả lại thường chưa được công bố (hiện tượng phổ biến này được gọi là “publication bias”). Điển hình là vào năm 2012, công ty dược phẩm GlaxoSmithKline của Anh đã bị kết tội vì quảng cáo việc sử dụng thuốc chống trầm cảm Paxil ở trẻ em (không có bằng chứng cho thấy loại thuốc này có hiệu quả ở trẻ em) và vì báo cáo sai dữ liệu thử nghiệm.

Mọi thử nghiệm về thuốc chống trầm cảm đều sử dụng một thang điểm để đo mức độ trầm cảm của các đối tượng trước và sau khi trải qua thử nghiệm. Những thang điểm này có rất nhiều lỗ hổng, và chúng còn khiến kết quả nghiên cứu thiên về hiệu quả của thuốc chống trầm cảm. Một thang điểm điển hình thường được sử dụng là Thang đánh giá Hamilton về Trầm cảm, bao gồm 17 câu hỏi, mỗi câu hỏi đi kèm một số câu trả lời có sẵn. Mỗi câu trả lời sẽ ghi nhận một số điểm cụ thể, và sau đó điểm tổng sẽ là thước đo tổng thể về mức độ trầm cảm, với số điểm tối đa là 52 điểm. Các thử nghiệm thuốc chống trầm cảm mới được kỳ vọng cho kết quả điểm đo mức độ trầm cảm của các đối tượng trong nhóm sử dụng loại thuốc trầm cảm đó sẽ giảm nhiều hơn điểm các đối tượng trong nhóm dùng thuốc trấn an (giả dược). Thang điểm này được phát minh vào năm 1960 bởi bác sĩ tâm thần Max Hamilton ở Anh, và đã được áp dụng kể từ đó (khi tôi đề cập đến điểm mức độ trầm cảm, thì tức là tôi đang nói về thang điểm này).

Xem bài viết  Ứng dụng Liệu Pháp Soma để chữa lành những sang chấn tâm lý

Vấn đề ở thang điểm này là dù một đối tượng chỉ thay đổi nhỏ trong mức độ trầm cảm nhưng điểm của đối tượng lại có thể ghi nhận thay đổi lớn. Ví dụ: có 3 câu hỏi về chất lượng giấc ngủ của đối tượng, với tổng số tối đa là 6 điểm, nhưng lại có một câu hỏi về mức độ lo lắng của đối tượng với tối đa tận 4 điểm. Vì vậy, một loại thuốc chỉ đơn thuần làm cho mọi người ngủ ngon và ít bồn chồn hơn có thể làm giảm điểm trầm cảm của một người xuống đến 10 điểm. Các hướng dẫn lâm sàng gần đây ở Anh đã yêu cầu các thử nghiệm thuốc giảm điểm trầm cảm trong phần này ở mức trung bình là chỉ 3 điểm. Khi một thang điểm đo lường cho ra những kết quả mà chúng ta mong muốn, chúng ta liền cho rằng thang điểm đó có tính hợp lệ. Vấn đề chung của các thang đo mức độ trầm cảm là chúng không hề có tính hợp lệ, và chính điều này góp phần đánh giá quá cao hiệu quả của thuốc chống trầm cảm.

Nếu một người tham gia thử nghiệm có tăng cân, người này sẽ có thể tự đoán ra rằng mình thuộc nhóm thử nghiệm có dùng thuốc

Hiệu ứng giả dược (placebo effect) là khi bệnh nhân cải thiện chỉ đơn thuần là do được chăm sóc y tế chứ không phải là kết quả của việc sử dụng thuốc. Ý tưởng này nghĩa là chúng ta có thể thực sự cải thiện sức khỏe nhờ vào suy nghĩ cho rằng mình sẽ sẽ cải thiện sau khi được chăm sóc y tế, chứ không phải thực sự nhờ thuốc. Giả dược đặc biệt hiệu quả với một số bệnh, và trầm cảm là một trong những bệnh đáp ứng với giả dược nhiều nhất. Vì có nhiều nghiên cứu lâm sàng hướng tới mục đích khám phá các tác dụng sinh hóa thực sự của thuốc, các thử nghiệm gồm có một nhóm kiểm soát nhận giả dược (hoặc đôi khi là các loại thuốc đã có sẵn ngoài thị trường), và người tham gia sẽ không biết mình đang ở nhóm nào (điều này đôi khi được gọi là ‘bịt mắt’). Để ước tính tác dụng sinh hóa tích cực của thuốc, kết quả đo được ở nhóm dùng thuốc sẽ được so sánh với kết quả đo được ở nhóm giả dược.

Phá bỏ bịt mắt là hiện tượng khi các đối tượng thử nghiệm đoán được chính xác họ đang ở trong nhóm thử nghiệm nào, nhờ vào việc nhận biết có hay không có tác dụng phụ – ví dụ, hai tác dụng phụ phổ biến của thuốc chống trầm cảm là tăng cân và các vấn đề về chức năng tình dục, và vì vậy, nếu một đối tượng tăng cân hay khó đạt được cực khoái, người này sẽ có thể đoán chính xác rằng mình đang ở trong nhóm thuốc. Dự đoán chính xác này sau đó có thể khiến họ kỳ vọng rằng các triệu chứng trầm cảm của mình sẽ cải thiện, và sau đó các triệu chứng của họ lại thực sự có thể cải thiện chỉ nhờ vào hiệu ứng giả dược. Không có nhiều bằng chứng thực nghiệm về tần suất diễn ra “phá bỏ bịt mắt” trong các cuộc thử nghiệm thuốc chống trầm cảm, dù một số chuyên gia tin rằng tần suất này là rất cao. (Một cải tiến đơn giản cho các thử nghiệm là yêu cầu các đối tượng đoán nhóm của họ vào cuối thử nghiệm, qua đó cung cấp cho các nhà nghiên cứu một số dấu hiệu về mức độ của hiệu ứng giả dược trong thử nghiệm – điều này ít khi được thực hiện nhưng sẽ có thể dễ dàng được áp dụng trong tất cả các thử nghiệm.)

Bởi vì hiện tượng phá bỏ bịt mắt tiếp diễn trong các thử nghiệm về thuốc chống trầm cảm và vì bản thân trầm cảm có nhiều phản hồi tích cực với giả dược, một số nhà nghiên cứu nổi tiếng (chẳng hạn như Irving Kirsch tại Khoa Y Đại học Harvard và Peter Gøtzsche, trước đây thuộc Trung tâm Nordic Cochrane ở Đan Mạch) cho rằng bất cứ hiệu quả tích cực nào ghi nhận được trong các thử nghiệm như vậy đều có thể hoàn toàn là do hiệu ứng giả dược.

Một khi các nhà nghiên cứu có được con số thực tế từ cuộc thử nghiệm thuốc chống trầm cảm, họ phải phân tích dữ liệu bằng cách biến các con số thành bằng chứng rõ ràng cho hiệu quả của loại thuốc đó. Cách tốt nhất để làm điều này là đo mức độ giảm trầm cảm ở nhóm dùng thuốc và nhóm giả dược, sau đó so sánh sự khác biệt giữa hai nhóm. Kết quả được gọi là ‘quy mô hiệu ứng’. Nó cung cấp cho bạn một dấu hiệu sơ bộ về mức độ cải thiện nhờ thuốc mà bạn có thể kỳ vọng. Chỉ trong chốc lát, tôi sẽ cho bạn biết kết quả được xem xét cẩn thận nhất có thể dựa trên tất cả dữ liệu chúng ta có về thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, trước tiên, bạn nên lưu ý rằng số liệu thống kê có khả năng chỉ là “ánh trăng lừa dối” mà thôi.

Có nhiều cách để các nhà nghiên cứu có thể phân tích dữ liệu của các thử nghiệm làm các kết quả ủng hộ thuốc chống trầm cảm trở nên vô nghĩa và không còn đáng tin cậy. Sau đây là một ví dụ. Vào năm 2018, một phân tích tổng hợp về thuốc chống trầm cảm đã được đăng tải trên tờ The Lancet (một trong những tạp chí y tế quan trọng nhất thế giới). Bài báo này được viết bởi nhà tâm thần học Andrea Cipriani tại Đại học Oxford và các đồng nghiệp, nó bao gồm nhiều phân tích phức tạp. Dù vậy, có một thống kê đơn giản đã được thảo luận rất nhiều, là “tỷ lệ chênh lệch” của lợi ích mà thuốc chống trầm cảm mang lại. Trong các nghiên cứu này, “lợi ích” thường được xem là chỉ xảy ra khi mức độ trầm cảm giảm hơn một nửa. Tỷ lệ chênh lệch được tính theo công thức lấy tỷ lệ của các đối tượng đã ghi nhận “lợi ích” trong nhóm thuốc chia cho tỷ lệ của các đối tượng có ghi nhận “lợi ích” trong nhóm giả dược. Kết quả phân tích của họ là tỷ lệ chênh lệch khoảng 1,5. Về bề ngoài thì con số  này là một kết quả rất bình thường. Nhưng, trên thực tế, nó hầu như chẳng thể nói lên điều gì cả.

Xem bài viết  Liệu pháp Chiếc ghế trống

Để thấy rõ hơn, hãy xem xét trường hợp này. Hãy tưởng tượng chúng ta đang thử nghiệm một loại thuốc giảm cân. Cứ 100 đối tượng trong nhóm dùng thuốc thì có 3 đối tượng giảm được1 kg và 97 đối tượng tăng 5 kg. Cứ 100 đối tượng trong nhóm giả dược thì có 2 người giảm 4 kg và 98 đối tượng không tăng hay giảm cân nào. Vậy, thuốc giảm cân hiệu quả thế nào? Tỷ lệ chênh lệch cũng là 1,5, nhưng con số này không thể cho chúng ta biết trung bình mọi người tăng hoặc giảm bao nhiêu cân – thực sự, con số này hoàn toàn che giấu tác dụng thực sự của thuốc. Mặc dù đây là một phép so sánh có phần cực đoan, nhưng nó cũng đủ để cho thấy chúng ta phải thận trọng như thế nào khi tìm hiểu kiểu phân tích tổng hợp được ca ngợi này. Tuy nhiên, thật không may, đáp lại điều này, nhiều bác sĩ tâm thần nổi tiếng đã ca ngợi, và các tiêu đề tin tức đã tuyên bố một cách sai lệch rằng ‘Thuốc thực sự hiệu quả.’ Ở khắp các mặt trận, một lời nói dối đã được dựng lên dựa trên một con số đơn thuần.

Khi được phân tích đúng cách, kết quả tốt nhất chỉ ra rằng thuốc chống trầm cảm không hề có lợi về mặt lâm sàng. Các phân tích tổng hợp đáng xem xét, chẳng hạn như phân tích bên trên, bao gồm những nỗ lực thu thập kết quả từ tất cả các thử nghiệm về thuốc chống trầm cảm, bao gồm cả những thử nghiệm vẫn chưa được công bố. Tất nhiên phân tích tổng hợp không thể bao gồm tất cả các kết quả chưa được công bố, bởi vì bản chất của sự công bố thiên vị này là lừa dối, dù có vô tình hay cố ý. Tuy nhiên, những phân tích tổng hợp này là những nỗ lực nghiêm túc để giải quyết nạn công bố thiên vị bằng cách tìm ra càng nhiều dữ liệu càng tốt. Vậy, chúng cho ta thấy điều gì?

Trong các phân tích tổng hợp của càng nhiều kết quả càng tốt, mức độ trầm cảm ở các đối tượng dùng thuốc chống trầm cảm giảm đi khoảng 2 điểm so với đối tượng dùng giả dược. Hãy nhớ rằng, điểm trầm cảm có thể giảm gấp đôi con số đó khi đối tượng chỉ đơn giản không còn lo lắng. Kết quả này, được tìm ra bởi cả những người ủng hộ và những người chỉ trích thuốc chống trầm cảm, đã được lặp lại năm này qua tháng nọ trong hơn một thập kỷ (ví dụ, hãy xem các phân tích tổng hợp của Irving Kirsch vào năm 2008, JC Fournier vào năm 2010, và Janus Christian Jakobsen năm 2017). Hiện tượng phá bỏ bịt mắt, hiệu ứng giả dược và những công bố thiên vị chưa được xử lý có thể dễ dàng giải thích cho việc giảm 2 điểm trong điểm mức độ trầm cảm này.

Ở trên chúng ta đã biết được các hướng dẫn lâm sàng cho rằng nhiều loại thuốc phải hạ điểm trầm cảm xuống 3 điểm để được coi là hiệu quả. Theo tiêu chuẩn này, thuốc chống trầm cảm không đạt hiệu quả. Tệ hơn nữa, một số bác sĩ tâm thần lại cho rằng tiêu chuẩn này là quá thấp – họ nói rằng, để một loại thuốc chống trầm cảm có tác dụng về mặt lâm sàng, nó phải làm giảm mức độ trầm cảm ít nhất 7 điểm so với giả dược. Và, chưa có một loại thuốc nào làm được điều này.

Chúng ta giải quyết nhiều khía cạnh bình thường của cuộc sống bằng cách uống cà phê khi buồn ngủ vào buổi sáng, hay uống rượu bia để không còn ngại ngùng

Nói tóm lại, chúng ta có rất nhiều lý do để nghĩ rằng thuốc chống trầm cảm không hề có lợi ích về mặt lâm sàng đối với những người trải qua trầm cảm. Ngược lại, chúng ta lại biết rằng những loại thuốc này gây ra nhiều tác dụng phụ có hại, bao gồm tăng cân, cấn đề tình dục, mệt mỏi và mất ngủ. Một số nghiên cứu đã chứng minh được mối liên hệ giữa thuốc chống trầm cảm và nguy cơ bạo lực, tự tử, sự hung hăng ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, và các cơn loạn thần ở phụ nữ.

Ban đầu người ta giả thuyết rằng trầm cảm được gây ra bởi nồng độ serotonin thấp. Vì nhóm thuốc chống trầm cảm được gọi là “thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc” (SSRI) giúp tăng mức serotonin trong cơ thể, vì thế nên người ta tin rằng cơ sở lý thuyết vững chắc cho việc trị liệu trầm cảm bằng SSRI. Tuy nhiên, hầu hết các nhà nghiên cứu hiện nay đều cho rằng đây là một lý thuyết về trầm cảm hết sức tối giản và gây hiểu lầm.

Một trong những lý do chính của lý thuyết thiếu hụt serotonin là niềm tin cho rằng SSRI có hiệu quả trong trị liệu trầm cảm. Suy nghĩ này như sau, tiền đề một: SSRI giúp điều chỉnh mức serotonin không hợp lý; tiền đề hai: SSRI có thể giúp trị liệu trầm cảm; kết luận: trầm cảm được gây bởi nồng độ serotonin không hợp lý. Hãy lưu ý rằng, ngay cả khi suy luận này thuyết phục, nó sẽ không cung cấp cơ sở độc lập rằng SSRI thực sự hiệu quả, vì đó chỉ là tiền đề của suy luận. Vì vậy, không thể có thể đáp trả lại bài luận này bằng cách nói rằng “nhưng mà chúng tôi có những lý do về mặt lý thuyết cho rằng thuốc chống trầm cảm có hiệu quả”. Hơn nữa, luận điểm của bài viết này không hề tin vào tiền đề thứ hai.

Xem bài viết  Schema Therapy

Ngược lại, có một lý thuyết khác được xem xét có vẻ phản đối thuốc chống trầm cảm. Một số nhà phê bình cho rằng nhiều trường hợp được chẩn đoán trầm cảm không phải là bệnh thực sự, mà chúng chỉ là sự “y học hóa” những hiện tượng rất đỗi bình thường trong cuộc sống – đau buồn, căng thẳng, lo lắng thông thường hoặc đơn giản là nỗi buồn vu vơ được quy vào những vấn đề thuộc về y học. Nếu một trường hợp buồn bã thông thường lại bị suy diễn thành một căn bệnh, hãy thử nghĩ xem, thì có phải việc điều trị nó bằng thuốc có phải cũng không hề phù hợp hay không. Tuy nhiên, tôi không thấy lời phê bình đối với thuốc chống trầm cảm này có sức thuyết phục. Bên dưới bề mặt của nó ẩn chứa những tiền đề gây tranh cãi về khái niệm của bệnh, bản chất của sự bình thường và sự can thiệp hợp lý của y học. Chúng ta đối phó với nhiều khía cạnh bình thường trong cuộc sống bằng các biện pháp hỗ trợ bên ngoài, chẳng hạn như uống cà phê khi buồn ngủ, uống rượu để không còn ngại ngùng. Vì vậy, nói ngắn gọn, những cân nhắc về lý thuyết này – về sinh lý bệnh học của trầm cảm hoặc về sự y học hóa trầm cảm – không hề đủ để phủ định hay thuyết phục hiệu quả của thuốc chống trầm cảm.

Thông qua những thảo luận trên, chúng ta nên nghi ngờ bất kỳ lý thuyết nào xem trầm cảm như một hiện tượng đơn giản được gây ra bởi sự thiếu hụt một chất nọ kia – như hầu hết các nhà nghiên cứu đều công nhận, trầm cảm không giống như bệnh Scorbut (do thiếu hụt vitamin C) hay tiểu đường tuýp 1 (do thiếu hụt insulin). Chúng ta có thể chữa bệnh Scorbut bằng vitamin C hay điều trị bệnh tiểu đường loại 1 bằng cách bổ sung insulin. Nhưng vì trầm cảm là một căn bệnh phức tạp, chúng ta không thể mong đợi rằng nó có thể được trị liệu thành công chỉ bằng cách thúc đẩy một chất nào đó trong cơ thể được.

Trong suốt thời gian qua, tôi đã tập trung vào kết quả từ các thử nghiệm thuốc chống trầm cảm. Dù tôi nhận thấy chúng có vô vàn vấn đề, chúng vẫn là nguồn dữ liệu tốt nhất mà có chúng ta về hiệu quả của thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, có một nguồn kết quả khác mà chúng ta có thể xem xét: trải nghiệm thực tế của người đã dùng thuốc chống trầm cảm. Chính bạn hay bạn bè và người thân của bạn có thể đã dùng thuốc chống trầm cảm, và điều này có thể đã thuyết phục bạn rằng những loại thuốc này có thể có hiệu quả đối với một số người.

Việc quan tâm đến trải nghiệm của bệnh nhân là một phần không thể thiếu để làm tốt công tác y học, nhưng việc này là chưa đủ để suy luận kết quả. Các khai báo ở ngôi thứ nhất là không đáng tin cậy khi xác định liệu thuốc chống trầm cảm có hiệu quả hay không. Có ít nhất 3 lý do cho điều này. Thứ nhất, mức độ của các triệu chứng trầm cảm dao động và cải thiện theo thời gian, và mọi người thường có xu hướng tìm đến trị liệu khi các triệu chứng của họ trầm trọng hơn. Vì vậy, sau khi được trị liệu, các triệu chứng có khả năng được cải thiện, không phải vì điều trị có hiệu quả mà chỉ đơn thuần là vì thời gian trôi qua, giống như sự tự chữa lành của vết thương.

Thứ hai, trầm cảm rất dễ phản hồi với giả dược. Ở một phần lớn trong số các đối tượng trong nhóm thử nghiệm giả dược, điểm mức độ trầm cảm của họ giảm tới 10 hoặc 15 điểm. Hiệu ứng giả dược rất tuyệt vời – ví dụ, những viên thuốc giả dược lớn hơn có tác dụng mạnh hơn những viên nhỏ. Thứ ba, con người thường có xu hướng chỉ chú ý đến những kết quả ứng với kỳ vọng của mình và bỏ qua những kết quả đi ngược lại kỳ vọng. Ai trong chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi cách nhận thức tiêu cực này. Sau khi dùng thuốc chống trầm cảm, mọi người có xu hướng nhận thấy các dấu hiệu sức tích cực nhiều hơn là các dấu hiệu tiêu cực.

Vì vậy, nếu bạn nghe rằng có người đã hồi phục nhờ thuốc chống trầm cảm, đó có thể là do diễn biến tự nhiên nhờ sự dao động hay cải thiện theo thời gian, gây nhầm lẫn bởi hiệu ứng giả dược và bị phóng đại bởi xu hướng kỳ vọng của con người. Điều này không có nghĩa là ta phải nghi ngờ những lời của bệnh nhân. Dù sao thì, trải nghiệm của người bệnh là hiện tượng thực nhất và quan trọng nhất trong y học mà chúng ta cần phải lắng nghe. Nhưng, khi bỏ điều này và ngồi vào bàn làm việc với số liệu thống kê, với khoa học và những nhìn nhận tỉnh táo, khi lắng nghe, chúng ta nghe thấy điều gì? Là hiệu quả của giả dược, chứ không phải thuốc chống trầm cảm.

Dịch từ: https://aeon.co/essays/the-evidence-in-favour-of-antidepressants-is-terribly-flawed

Leave a Comment

Scroll to Top