Tranquil

Suy giảm Cảm Xúc

Với những thăng trầm của cuộc sống, trải nghiệm cảm xúc là điều cơ bản mà chúng ta có hằng ngày. Mỗi người sẽ có những trải nghiệm cảm xúc khác nhau. Một số người sẽ cảm nhận mọi thứ mạnh mẽ hơn những người khác. Nhiều người lại gặp các khó khăn dài hạn hoặc tạm thời trong việc cảm nhận đầy đủ các cung bậc cảm xúc.

Những khó khăn ấy được gọi là sự suy giảm cảm xúc. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra triệu chứng mà sự suy giảm cảm xúc có thể kéo dài từ vài phút cho đến vài tháng, thậm chí là vài năm.

Có rất nhiều lý do khiến một người suy giảm cảm xúc, và cách trị liệu sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra triệu chứng này. Hãy tiếp tục đọc để hiểu thêm thế nào là suy giảm cảm xúc, nguyên nhân và các cách trị liệu hiện có.

Suy giảm cảm xúc là gì?

Suy giảm cảm xúc là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả sự hạn chế trong khả năng phản ứng về mặt cảm xúc của một người, thậm chí là không thể cảm nhận bất kỳ cảm xúc nào. Những người mắc triệu chứng suy giảm cảm xúc thường cho biết họ có một cảm giác tê liệt khó chịu thay vì những cảm xúc bình thường.

Có nhiều lý do vì sao một người lại bị suy giảm cảm xúc, bao gồm việc sử dụng các thuốc điều trị tâm thần, sử dụng chất gây nghiện hoặc mắc các rối loạn về sức khỏe tâm thần.

Các triệu chứng suy giảm cảm xúc là gì?

Triệu chứng xác định của suy giảm cảm xúc là sự tê liệt trong việc trải nghiệm cảm xúc. Điều nay bao gồm cả cách một người cảm nhận trong nội tâm của họ.

Suy giảm cảm xúc có thể đi kèm với hiệu ứng cảm xúc cùn mòn. Điều này có thể được định nghĩa bằng việc không có khả năng thể hiện cảm xúc trên gương mặt hoặc thông qua hành động hay các hình thức giao tiếp khác.

Cảm xúc cùn mòn xuất hiện cùng với sự suy giảm cảm xúc thường đặc biệt diễn ra ở những người mắc trầm cảm ở mức độ trung bình cho đến nghiêm trọng. Tình trạng này cũng có thể xuất hiện cùng với bệnh tâm thần phân liệt hoặc rối loạn căng thẳng sau sang chấn.

Các chuyên gia đôi khi dùng thuật ngữ “cảm xúc phẳng lặng” để mô tả một người thể hiện cảm xúc một cách bị hạn chế.

Các triệu chứng sau có thể liên quan đến suy giảm cảm xúc:

  • không có khả năng cảm nhận niềm vui hay nỗi buồn
  • bồn chồn
  • mất ham muốn tình dục
  • cảm thấy không thể kết nối với tâm trí và/hoặc cơ thể
  • gặp khó khăn khi giao tiếp
  • thiếu động lực
  • gặp khó khăn trong việc thích nghi với xã hội, duy trì và hình thành các mối quan hệ
  • mệt mỏi
  • gặp khó khăn trong việc yêu thương hoặc có tình cảm đối với bản thân hay người khác
  • thờ ơ, ngay cả với các hoạt động hoặc những thứ đã từng cảm thấy quan trọng
  • khó tập trung
  • hay quên
  • cảm giác thôi thúc hoặc tích cực tham gia vào các hành động nguy hiểm hoặc tự làm hại bản thân (để cảm nhận được điều gì đó)
Xem bài viết  Lý Do Tại Sao Trầm Cảm Đang Trở Thành Khủng Hoảng Sức Khỏe Toàn Cầu

Làm thế nào để chẩn đoán triệu chứng suy giảm cảm xúc?

Suy giảm cảm xúc được xem là triệu chứng của một số vấn đề tiềm ẩn về thể chất hoặc tâm thần.

Nếu đang trải qua triệu chứng suy giảm cảm xúc, bạn nên đặt lịch hẹn với một chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần. Họ sẽ sàng lọc các triệu chứng và xem xét tiền sử sức khỏe tâm thần của bạn để hiểu rõ hơn về trường hợp đặc biệt của bạn.

Nguyên nhân nào gây ra triệu chứng suy giảm cảm xúc?

Như đã đề cập ở trên, suy giảm cảm xúc là một triệu chứng, và có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra triệu chứng này, bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm. Nghiên cứu cho thấy sự suy giảm trong khả năng cảm nhận cảm xúc xảy ra ở một số người sử dụng thuốc chống trầm cảm, như các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs).
  • Mất khả năng diễn đạt cảm xúc. Đây là một rối loạn sức khỏe tâm thần chưa được hiểu rõ, với đặc trưng là khó khăn trong việc nhận biết cảm xúc.
  • Tâm thần phân liệt. Những người mắc tâm thần phân liệt thường có những triệu chứng “tiêu cực” khiến họ suy giảm hoặc mất khả năng hoạt động bình thường, bao gồm cả khả năng cảm nhận cảm xúc.
  • Trầm cảm. Trầm cảm (cùng với các loại thuốc chống trầm cảm) có thể gây ra cảm giác trống rỗng và gây khó khăn trong việc cảm nhận các cảm xúc tích cực hay tiêu cực.
  • Rối loạn sử dụng rượu. Rượu là một chất ức chế hệ thần kinh trung ương, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trạng của một người. Đối với những người mắc chứng rối loạn này, việc sử dụng rượu có khả năng gây ra các cảm giác tê liệt.
  • Lạm dụng chất. Đối với nhiều người mắc rối loạn sử dụng chất, việc sử dụng các chất như cần sa hoặc ma tuý như heroin có thể gây nên triệu chứng suy giảm cảm xúc. Điều này xảy ra vì một số loại chất, ví dụ như rượu, có khả năng ức chế hệ thần kinh trung ương.
  • Rối loạn nhân cách ranh giới. Đây là một dạng rối loạn nhân cách với đặc trưng là cảm xúc cực kỳ bất ổn. Tuy nhiên, trong những thời điểm căng thẳng nghiêm trọng, người mắc rối loạn này đôi khi sẽ trải qua sự phân ly, tê liệt cảm xúc, hoặc tách rời khỏi tâm trí và cơ thể của họ.
  • Rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Những người có rối loạn căng thẳng sau sang chấn có thể trải qua sự phân ly khi hồi tưởng lại các sự kiện sang chấn hoặc đối mặt với những tình huống gợi nhớ lại sang chấn.
Xem bài viết  Tự tử - Vấn đề của Thế hệ trẻ

Những yếu tố nguy cơ phổ biến góp phần gây nên triệu chứng suy giảm cảm xúc là gì?

Có một số người sẽ dễ mắc phải triệu chứng suy giảm cảm xúc hơn những người khác. Những yếu tố nguy cơ phổ biến góp phần gây nên triệu chứng suy giảm cảm xúc bao gồm:

  • tâm thần phân liệt
  • rối loạn nhân cách ranh giới
  • rối loạn căng thẳng sau sang chấn
  • đã hoặc đang mắc chứng trầm cảm hoặc lo âu
  • sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm
  • có tiền sử sử dụng chất gây nghiện hoặc rượu

Làm sao để trị liệu suy giảm cảm xúc?

Việc trị liệu triệu chứng suy giảm cảm xúc gồm hai mặt: một là làm việc với chuyên gia sức khỏe tâm thần, hai là những điều bạn có thể làm để tự quản lý triệu chứng này.

Chuyên gia sẽ giúp bạn như thế nào?

Suy giảm cảm xúc được trị liệu tốt nhất bằng cách giải quyết các nguyên nhân tiềm ẩn gây ra triệu chứng. Đó là lý do vì sao việc tìm gặp một chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần khi mắc phải triệu chứng suy giảm cảm xúc lại quan trọng đến vậy.

Sau đây là một số cách trị liệu có tiềm năng mà chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần có thể đề xuất:

  • Tâm lý trị liệu (liệu pháp trò chuyện). Liệu pháp này có thể giải quyết các tình trạng sức khỏe tâm thần có khả năng gây ra triệu chứng suy giảm cảm xúc, như là rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn căng thẳng sau sang chấn hoặc trầm cảm.
  • Thay đổi thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng của thuốc. Đây là giải pháp dành cho những người mắc triệu chứng suy giảm cảm xúc do thuốc điều trị tâm thần hoặc các loại thuốc được kê đơn khác.
Xem bài viết  Trầm Cảm và Cơn Giận

Bạn có thể làm gì?

Tuy rằng suy giảm cảm xúc và những nguyên nhân gây ra triệu chứng này cần được trị liệu bởi một chuyên gia sức khỏe tâm thần đã được cấp phép nhưng có rất nhiều cách mà bạn có thể làm để giúp bản thân giảm bớt triệu chứng này.

  • Khi cảm thấy trống rỗng hoặc tê liệt, hãy kích thích một hay nhiều giác quan của bạn theo cách an toàn, ví dụ như ôm gấu bông, tắm nước ấm, nắm chặt một viên đá lạnh hoặc ăn các thức ăn cay nóng, có hương vị mạnh.
  • Hãy thử làm những hoạt động mà bạn đã từng yêu thích. Mặc dù bạn có thể sẽ không cảm thấy vui vẻ như trước kia nhưng điều này vẫn giúp ích trong việc tăng cường cảm xúc và mở rộng cung bậc cảm xúc của bạn.
  • Tham gia một nhóm hỗ trợ và tạo ra một hệ thống hỗ trợ cá nhân nhằm giúp đối phó với các rối loạn tâm thần đã được chẩn đoán.
  • Tham gia một nhóm hoặc một chương trình hỗ trợ giải quyết việc sử dụng chất.

Triển vọng nào cho những người bị suy giảm cảm xúc?

Suy giảm cảm xúc là một triệu chứng khó chịu, gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc trị liệu các nguyên nhân tiềm ẩn gây nên suy giảm cảm xúc có thể giúp giảm thiểu mức độ nghiêm trọng và thường xuyên của triệu chứng này trong cuộc sống hằng ngày.

Cần phải có thời gian để việc trị liệu phát huy tác dụng. Việc thay đổi liều lượng thuốc, tham gia chương trình cai nghiện hay bắt đầu trị liệu bằng liệu pháp tâm lý không làm cho triệu chứng suy giảm cảm xúc biến mất ngay lập tức, nhưng những điều này sẽ là bước đầu để đưa người bệnh trở lại với một cuộc sống trọn vẹn.

Những ý chính

Suy giảm cảm xúc là một triệu chứng của rất nhiều rối loạn sức khỏe tâm thần. Việc sử dụng thuốc hoặc rối loạn sử dụng các chất cũng có thể gây nên tình trạng này, nhưng hiện nay cũng có rất nhiều cách trị liệu nếu người bệnh cần tìm kiếm sự giúp đỡ.

Cần có phương pháp trị liệu đúng cách và thời gian, việc trị liệu dứt điểm triệu chứng suy giảm cảm xúc là điều có thể xảy ra. Việc này giúp người bệnh một lần nữa được trải nghiệm cuộc sống với đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc.

Nguồn bài viết: https://www.healthline.com/health/mental-health/emotional-blunting#risk-factors

Leave a Comment

Scroll to Top