Tranquil

Gắn Bó Lo Âu

Gắn bó lo âu là một trong 4 kiểu gắn bó chính được các nhà tâm lý học xác nhận. Đây là một kiểu gắn bó không lành mạnh và có thể gây ra nhiều đau khổ trong các mối quan hệ của người trưởng thành. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cụ thể hơn về kiểu gắn bó này.

Những dấu hiệu của kiểu gắn bó lo âu

Người có kiểu gắn bó lo lắng thường cần được trấn an liên tục trong các mối quan hệ. Họ có thể biểu hiện điều này dưới dạng thiếu tin tưởng hoặc đeo bám đối tác của mình. Dưới đây là một số dấu hiệu rõ ràng và dễ nhận biết của người có kiểu gắn bó này:

  • Lo lắng quá mức về việc bị bạn đời, người yêu không chung thủy, từ chối hoặc bỏ rơi.
  • Thường cố gắng làm hài lòng đối phương để có được sự chấp nhận từ người ấy.
  • Mong muốn có sự gần gũi và thân mật trong một mối quan hệ nhưng cũng lo lắng không biết có thể tin tưởng hay dựa dẫm vào đối tác không.
  • Luôn cần đến sự quan tâm và trấn an của đối tác.
  • Cố gắng dành nhiều thời gian và công sức vào mối quan hệ cũng như đối tác của mình, thậm chí đến mức điều đó có thể chiếm phần lớn cuộc sống thường nhật của họ.
  • Gặp khó khăn trong việc thiết lập và tôn trọng các ranh giới.
  • Cảm thấy bị đe dọa, hoảng sợ, ghen tuông hoặc lo lắng về việc người kia không cần họ nữa khi hai người không ở bên cạnh nhau, dù đó là khoảng thời gian mà người khác cảm thấy bình thường. Họ có thể dùng mọi cách để có thể ở gần đối tác của mình.
  • Ràng buộc giá trị của bản thân với các mối quan hệ.
  • Phản ứng mạnh với những điều mà họ coi là sự đe dọa với mối quan hệ của mình.

Không chỉ đối với bản thân mình, nếu bạn nhận thấy đối tác, người yêu, người bạn đời của mình có các dấu hiệu trên đây thì rất có thể họ cũng là một người có kiểu gắn bó lo lắng. 

Xem bài viết  Thấu hiểu bộ não lo âu 

Nguyên nhân dẫn đến kiểu gắn bó lo lắng

Một người có kiểu gắn bó lo lắng có thể là do những trải nghiệm từ thời thơ ấu hoặc sau này. Khi một đứa trẻ cảm thấy bất an và tìm kiếm sự giúp đỡ, an ủi của cha mẹ. Tuy nhiên, đứa trẻ đó không thành công. Từ đó, cảm giác an toàn không được hình thành, xây dựng và phát triển. Thay vào đó, nỗi lo lắng, sự sợ hãi và đau khổ lại tăng lên. Điều này lặp đi lặp lại và dần dần hình thành nên kiểu gắn bó lo lắng.

Không chỉ trong thời thơ ấu, các trải nghiệm trong cuộc sống sau này của một người trưởng thành cũng có thể dẫn đến các dấu hiệu của kiểu gắn bó này. Khi các mối quan hệ như tình bạn, tình yêu không mang lại sự thoải mái như mong đợi, một người có thể coi đó là kinh nghiệm và thay đổi cách ứng xử của mình với mối quan hệ. Họ trở nên thiếu tin tưởng và lo lắng nhiều hơn. 

Làm thế nào để cải thiện kiểu gắn bó lo lắng trong các mối quan hệ.

Gắn bó lo lắng khiến chúng ta mệt mỏi và đau khổ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể cải thiện kiểu gắn bó của mình thông qua một số phương pháp dưới đây.

Các biện pháp ngắn hạn

  • Tìm hiểu về kiểu gắn bó của bản thân: Việc hiểu rõ bản thân có kiểu gắn bó nào, cách chúng vận hành ra sao là bước đầu tiên cần thiết để bạn có thể cải thiện kiểu gắn bó của mình. Nếu như đang ở trong một mối quan hệ lãng mạn, bạn cũng có thể tìm hiểu xem cả kiểu gắn bó của đối tác. Điều đó sẽ giúp bạn ra tìm ra tiếng nói chung cũng như có thể cải thiện phương thức gắn bó của cả hai người.
  • Tập viết nhật ký: Hãy viết lại những suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Điều đó có thể giúp giải tỏa cảm xúc và nhận ra một số khuôn mẫu trong suy nghĩ cũng như hành vi của mình. Nếu có tham gia các buổi trị liệu với chuyên viên tâm lý, bạn có thể sử dụng những gì đã viết trong nhật ký để có thể đi sâu và khám phá bản thân một cách tốt hơn. 
  • Chọn đối tác có sự gắn bó an toàn: Một đối tác có kiểu gắn bó an toàn sẽ giúp cho mối quan hệ có cơ hội thành công cao hơn. Qua đó, chúng sẽ giúp cải thiện kiểu gắn bó lo lắng của một người đang gặp phải.
  • Thực hành chánh niệm: Các bài tập chánh niệm giúp bạn tập trung vào hiện tại, cảm nhận bản thân và nhận diện cảm xúc, suy nghĩ tốt hơn. Khi nhận diện được chúng, bạn sẽ học được cách quản lý sự lo lắng của mình. 
Xem bài viết  Kiểu gắn bó lo âu - né tránh và cách cải thiện

Các giải pháp dài hạn

Tìm đến nhà trị liệu tâm lý là một giải pháp hiệu quả mà bạn có thể nghĩ đến nếu muốn cải thiện kiểu gắn bó lo lắng của mình. Tùy theo tình trạng của mỗi người, các nhà trị liệu có thể đưa ra những phương pháp phù hợp. Một số hình thức trị liệu thường được áp dụng trong trường hợp này bao gồm:

  • Trị liệu nhóm: Trị liệu nhóm tạo ra một môi trường an toàn để giúp các cá nhân bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ của mình với những người có cùng hoàn cảnh. Dưới sự hướng dẫn chuyên nghiệp của nhà trị liệu, hình thức này sẽ rất hữu ích trong việc cải thiện kiểu gắn bó.
  • Liệu pháp cặp đôi: Một cuộc trò chuyện giữa bạn và đối tác của mình dưới sự hướng dẫn của một nhà trị liệu cặp đôi có thể hữu ích. Nhà trị liệu có thể giúp bạn xử lý các cảm xúc và suy nghĩ của mình trong các phiên trị liệu. Đồng thời, bạn cũng sẽ được hướng dẫn các công cụ để giao tiếp với đối tác trong đời sống bình thường.
  • Các liệu pháp cá nhân: Một số liệu pháp như nhận thức hành vi(CBT), liệu pháp tâm lý động lực học có thể giúp chúng ta cải thiện kiểu gắn bó lo lắng của mình. Làm việc với chính mình dưới sự hỗ trợ của nhà trị liệu tâm lý là cách tuyệt vời bạn học cách tiếp cận các mối quan hệ một cách lành mạnh hơn. 
Xem bài viết  Rối loạn lo âu xã hội

Làm thế nào nếu như đối tác của bạn là người có kiểu gắn bó lo lắng?

Nếu như bạn đang ở trong một mối quan hệ lãng mạn với một người có kiểu gắn bó lo lắng, bạn có thể giúp đỡ họ. Với một số phương thức dưới đây có thể người ấy cảm thấy yên tâm hơn và mối quan hệ của hai người cũng trở nên lành mạnh hơn:

  • Nhất quán trong việc đặt ra và tuân thủ những lời hứa, cũng như sự cam kết của bạn.
  • Hãy giúp đối tác nhận thức rõ hơn về sự lo lắng của họ đã ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai người như thế nào.
  • Thể hiện sự quan tâm và bảo đảm điều đó một cách thường xuyên để đối tác của bạn cảm thấy yên tâm.
  • Khuyến khích họ tham dự trị liệu cặp đôi cùng với bạn.
  • Cho đối tác thấy rằng bạn luôn đánh giá cao họ. 

Kiểu gắn bó lo lắng có thể khiến bạn gặp khó khăn trong các mối quan hệ. Tuy nhiên, cần nhớ rằng chúng ta có thể cải thiện điều đó với một nỗ lực và sự kiên trì mạnh mẽ. Đừng ngần ngại tìm đến sự hỗ trợ của các nhà tâm lý trị liệu. Họ sẽ là những người lắng nghe, giúp bạn khám phá sâu hơn về chính mình và cung cấp những công cụ để bạn thay đổi một cách hiệu quả. 

Leave a Comment

Scroll to Top