Tranquil

Nỗ lực lười biếng

Nhiều lúc, cũng chẳng hiểu tại sao, chúng ta rơi vào tâm trạng kiên quyết “lười biếng”. Chẳng có tâm trạng để làm bất cứ thứ gì, không thể viết bất cứ điều gì mới hay chẳng buồn gặp bất cứ ai. Chúng ta chẳng muốn dọn tủ lạnh hay ra ngoài trao đổi với những khách hàng tiềm năng mà ngày thường chúng ta chỉ chờ có cơ hội để gặp họ. Dường như tất cả những gì chúng ta muốn là được nằm dài trên giường hay lẩn thẩn dìm mình vào cuốn sách nào đó, hay lang thang không chủ đích hoặc dành hàng giờ ngồi lặng đó ngó mưa ngắm mây. Hay tất cả những gì ta muốn chỉ là ngồi bên cửa sổ và nhìn chằm chằm vào những đám mây trong một khoảng thời gian dài vô định.

Những lúc như vậy, chúng ta hay bị những người xung quanh xem là “lười biếng” hoặc – tệ hơn – tự mình nghĩ mình lười. Lười biếng cứ như cái cớ chống lại hoạt động nhộn nhịp của xã hội hiện đại; Lười biếng cứ như ngăn cản chúng ta đạt được thành công và cản trở bản thân chúng ta phát triển. Nhưng, khi xem xét từ góc nhìn khác, có thể thời điểm nào đó, mối đe dọa thực sự đối với hạnh phúc và sự phát triển của chúng ta không nằm ở việc không được bận rộn, mà theo hướng ngược lại: “chúng ta không có khả năng ‘lười biếng’ đủ.

Không hoạt động bên ngoài không có nghĩa là chúng ta đang bỏ bê bản thân và chả có mang lại kết quả gì. Người khác đánh giá như thể chúng ta chẳng làm được gì cả, nhưng, bên dưới bề ngoài vô tích sự ấy, rất nhiều điều quan trọng diễn ra theo cách riêng của nó và gian nan, nỗ lực không kém gì khi rất bận rộn với hoạt động bên ngoài. Khi bận rộn với công việc hàng ngày, trách nhiệm, kiểm soát, chúng ta tập trung vào những yếu tố ngoài tâm trí mình: lên kế hoạch thay vì phản tỉnh về giá trị và mục đích cuối cùng của bản thân kế hoạch đó. Nhưng ở tầng sâu và khó tiếp cận hơn trong nội tâm, chúng ta phải loay hoay để hiểu được gốc rễ khó khăn của mình và đi đến những quyết định phù hợp cho cuộc sống. Tuy nhiên, những điều này chỉ đến – ngại ngùng và ngập ngừng – khi chúng ta đủ can đảm để tránh xa những yêu cầu trước mắt; khi chúng ta có thể nhìn chằm chằm vào những đám mây và làm cái gọi là không- làm – gì cả cả buổi chiều, nhưng sâu thẳm bên trong là cuộc vật lộn với những khó khăn sâu sắc nhất của mình.

Xem bài viết  Vì sao ta hay trì hoãn?

Chúng ta cần phân biệt giữa nỗ lực về hoạt động bên ngoài và nỗ lực của Cảm Xúc. Một người trông cực kỳ năng động, hoạt động được lấp đầy từ sáng đến tối, người luôn hối hả trả lời tin nhắn và gặp gỡ khách hàng được xem là đối lập với lười biếng. Bí mật chính là, bên dưới sự điên cuồng bên ngoài của những hoạt động là sự né tránh đang diễn ra trong nội tâm. Những người bận rộn trốn tránh một loại công việc khác. Họ có hàng đống hoạt động, nhưng họ bỏ bê trải nghiệm cảm xúc về công việc. Họ liên tục trì hoãn việc tìm hướng đi riêng cho mình. Họ lười cảm nhận cảm xúc trong đối tác hoặc bạn bè. Họ đi đến mọi buổi hội họp, nhưng chẳng buồn nghĩ xem công việc đang làm có ý nghĩa gì với họ; họ cạnh tranh với đồng nghiệp nhưng chẳng buồn ngẫm tiền có ý nghĩa gì. Sự bận rộn của những người này thật ra là kiểu trốn tránh tinh tế.

Tâm trí của con người rất thích chấp nhận những thứ đã định sẵn, hơn là để chất vấn những gì đang diễn ra. Chúng ta khó chịu với những thao thức như: Tôi thực sự đang cố gắng vì điều gì? Tôi thực sự thích gì? Tôi đang cố gắng làm hài lòng ai? Tôi sẽ cảm thấy thế nào nếu những gì tôi hiện đang làm là đúng? Tôi sẽ hối hận về điều gì sau này? Thế nên, chúng ta dễ dàng loanh quanh mãi, không bao giờ dừng lại để hỏi tại sao bằng cách liên tục bận rộn để mình không thể có một lúc nào được nghi ngờ hoặc cảm thấy buồn hoặc tìm kiếm ý nghĩa thật sự. Lúc này, công việc trở thành chiếc mặt nạ hoàn hảo che giấu sự lười biếng.

Xem bài viết  Bạn Có Tử Tế Với Chính Mình Không?

Cuộc sống sẽ cân bằng hơn rất nhiều nếu chúng ta học cách sắp xếp lại sự ưu tiên, tránh khỏi lịch hoạt động kín bưng lắp đầy cả ngày sống và cho phép mình có những buổi chiều suy tư không- làm-gì-cả. Can đảm không chỉ là dám một mình du lịch khắp thế giới, mà can đảm còn là dám ngồi ở nhà đối diện với những suy nghĩ, cảm xúc của mình trong một thời gian cần thiết nhất định, can đảm để lo lắng, để u sầu. Không có lá chắn của sự bận rộn, chúng ta chợt nhận ra rằng mối quan hệ với người nào đó đã đi đến bế tắc, rằng công việc không còn mang lại mục đích cao hơn ngoài kiếm tiền, hoặc chỉ đơn giản là để nhận ra mình thật sự cảm thấy tức giận với một ai đó. Người làm việc chăm chỉ nhất không nhất thiết phải là gặp khách hàng cả ngày, trong phòng họp cả ngày lẫn đêm, đó có thể là người nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ để làm việc với cảm xúc và ý nghĩa đời mình.

Dành thời gian để Không-làm-gì cả là cách để làm sạch cuộc sống bên trong của mỗi người. Có rất nhiều điều xảy ra với chúng ta mỗi ngày, vui vẻ, phấn khích, hối tiếc. Tất cả mọi thứ được đổ tràn vào kho Cảm xúc của mình, thế nên, dành ít nhất một giờ mỗi ngày để làm việc trên cảm xúc của mình là vô cùng quan trọng. Chúng ta dễ dàng ngồi vài phút và sau đó bỏ cuộc. Không phải vì chúng ta hay quên hay chán, mà vì xã hội bảo vệ chúng ta khỏi trách nhiệm với chính mình thông qua lối suy nghĩ sùng bái hoạt động và sự bận rộn. (Bận rộn như kiểu nói khác của thành công). Cho ta cái cớ để trốn tránh nghĩa vụ lao động thực sự khó khăn trên chính mình để có cuộc sống ý thức hơn, ý nghĩa hơn và mạnh mẽ hơn.

Xem bài viết  Các giai đoạn tâm lý khi trải qua mất mát

Lần tới khi bạn cảm thấy vô cùng lười biếng, hãy cảm nhận có điều gì đó sâu sắc và lớn lao trong bạn đang chuẩn bị khai sinh. Giống như người mẹ không thể hối hả đẩy thời gian đi trong thai kỳ, đó là quá trình không thể vội vàng. Bạn chỉ cần nằm yên và để ý tưởng thành hình – chắc chắn một ngày nào đó hoa trái của suy tư trong những lúc Không-làm -gì -cả có thể chứng minh giá trị của nó. (trong lúc đó, có bị cho là lười biếng thì cứ cười xòa cho qua bạn nhé!)

(Dịch từ The Hard Work Of Being Lazy của Alain de Botton)

Leave a Comment

Scroll to Top