Tranquil

Đi trị liệu tâm lý bao lâu thì hết?

Đây là câu hỏi rất nhiều người thắc mắc khi có ý định bắt đầu tham vấn. Việc xác định được khoảng thời gian điều trị và biết được quá trình xác định này là rất quan trọng để ta có được những mong đợi hợp lý với việc tham vấn của bản thân. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thông thường phải mất bao lâu để điều trị tâm lý hiệu quả, đặc biệt là ở các rối loạn nhân cách và rối loạn cảm xúc. 

Thời gian điều trị các vấn đề tâm lý sẽ khác nhau theo mỗi cá nhân cần thiết. Việc điều trị (bao gồm phương thức và thời gian điều trị) phải luôn phù hợp với tính chất và mức độ nghiêm trọng của những khó khăn hiện tại của thân chủ. Những khó khăn cấp tính thường cần ít phiên điều trị hơn so với những bệnh mãn tính. Hơn nữa, thời gian điều trị cũng thay đổi tùy theo loại điều trị được cung cấp. Ví dụ, với các phương pháp điều trị hành vi nhận thức (CBT), tập trung vào một vấn đề cụ thể, thì thường ngắn gọn hơn các liệu pháp tâm lý có trọng tâm rộng hơn.

Xác định thời gian điều trị

Chúng ta cần xem xét những điều sau đây khi xác định thời gian điều trị:

  • Trị liệu kết thúc thành công khi thân chủ đã hoàn thành được các mục tiêu đã thống nhất với nhà trị liệu.
  • Thảo luận về thời gian điều trị là một phần trong cuộc trò chuyện của hai bên.
  • Thời gian điều trị thường chỉ mang tính dự kiến ​​và sẽ được xem xét lại trong suốt quá trình điều trị.
  • Thông thường, các nhà trị liệu sẽ tiến hành một số buổi đánh giá khi đề xuất kế hoạch điều trị hoặc yêu cầu thời gian điều trị thử nghiệm. Trong thời gian đó, nhu cầu điều trị sẽ được đánh giá lại. Trong một số trường hợp, các mục tiêu điều trị bổ sung sau đó sẽ được thảo luận chi tiết hơn.

→ Nhìn chung, nghiên cứu đã tìm thấy một mối quan hệ tích cực giữa thời gian tham vấn trị liệu và kết quả lâm sàng, trong đó nhiều cá nhân sẽ có sự thay đổi hoặc hồi phục đáng kể khi tăng thời gian tham vấn trị liệu. Do đó, điều quan trọng là ta cần phải có đủ thời lượng tham vấn và kỳ vọng hợp lý về thời gian  tham vấn trị liệu trước khi quyết định rằng việc trị liệu chưa hiệu quả với bản thân.

Thông thường phải mất bao lâu để điều trị hiệu quả?

Một nghiên cứu gần đây1 chỉ ra rằng trung bình cần 15 đến 20 buổi điều trị để 50% bệnh nhân hồi phục, theo các thước đo lường triệu chứng tự báo cáo. Ngày càng có nhiều phương pháp điều trị tâm lý cụ thể với thời gian vừa phải (Ví dụ: Một buổi hàng tuần, từ 12 đến 16 buổi) đã được khoa học chứng minh là mang lại những cải thiện đáng kể về mặt lâm sàng.

Trong thực tế, thân chủ và nhà trị liệu đôi khi thích tiếp tục điều trị trong thời gian dài hơn (Ví dụ: 20 đến 30 buổi qua sáu tháng liền), để các triệu chứng có thể được giảm nhiều hơn và cho thân chủ cảm thấy tự tin vào các kỹ năng cần thiết để duy trì kết quả điều trị. Bằng chứng nghiên cứu lâm sàng cho thấy rằng những người đồng thời mắc hơn một triệu chứng hoặc có những khó khăn nhất định về tính cách có thể cần điều trị lâu hơn để liệu pháp có hiệu quả. Ngoài ra, có một số cá nhân có vấn đề mãn tính có thể cần hỗ trợ điều trị rộng rãi.

Xem bài viết  Đặt Hy Vọng Thực Tế

Điều trị Rối loạn cảm xúc vs. Rối loạn nhân cách

Những rối loạn cảm xúc và rối loạn nhân cách rất khác nhau về tính chất, độ phức tạp và thời gian điều trị. Rối loạn cảm xúc bao gồm các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, và rối loạn lưỡng cực. Các rối loạn này thường liên quan đến sự thay đổi về tâm trạng, suy nghĩ và hành vi trong một khoảng thời gian nhất định. 

Ngược lại, rối loạn nhân cách là các đặc điểm hành vi cố hữu và thường xuyên, ảnh hưởng đến cách một người suy nghĩ, cảm nhận, và hành xử. Theo DSM-V, để được phân loại là rối loạn nhân cách, cách suy nghĩ, cảm nhận và hành xử của một người đi chệch khỏi những mong đợi của nền văn hóa mà cá nhân đang sống trong đó, gây ra đau khổ hoặc các vấn đề về hoạt động và kéo dài theo thời gian. Theo Tiến sĩ Phạm Toàn, nói ngắn gọn “Rối loạn nhân cách thể hiện sự tập hợp của những nét cá tính (Personality traits) có tính cách dị biệt.”

Thường người có rối loạn nhân cách có các biểu hiện hành vi thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên hoặc đầu tuổi trưởng thành và gây ra đau khổ hoặc các vấn đề trong hoạt động. Về lâu dài, Rối loạn nhân cách ảnh hưởng đến ít nhất hai trong số các lĩnh vực sau:

  • Cách nghĩ về bản thân và người khác
  • Cách phản ứng cảm xúc
  • Cách liên hệ với người khác
  • Cách kiểm soát hành vi của một người

Các chức năng của nhân cách (Personality functioning) được thể hiện ở hai yếu tố: cái tôi (the self), và tương quan với tha nhân (interpersonal).

Các rối loạn này bao gồm ba nhóm với các đặc điểm riêng biệt khác nhau. Nhóm rối loạn nhân cách A bao gồm: hoang tưởng (paranoid), phân liệt (schizoid) và phân liệt hình thái (schizotypal). Nhóm B bao gồm: chống đối xã hội (antisocial), rối loạn lưỡng cực (borderline), kịch tính (histrionic) và ái kỷ (narcissistic). Nhóm C bao gồm: né tránh (avoidant), phụ thuộc (dependent) và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive-compulsive). Những hành vi này thường đã ăn sâu vào tính cách của cá nhân từ thời thơ ấu hoặc tuổi vị thành niên.

Bài tổng hợp của GS.TS Glen Gabbard2 đã so sánh sự khác nhau giữa các rối loạn cảm xúc (Axis I) và rối loạn nhân cách (Axis II) trong việc điều trị. 

  1. Tính chất phức tạp của điều trị:
  • Rối loạn cảm xúc (Axis I) như lo âu và trầm cảm thường dễ điều trị hơn và có thể cải thiện nhanh chóng với số lượng buổi trị liệu ít hơn.
    • Theo nghiên cứu của Howard et al.3, 50% bệnh nhân lo âu và trầm cảm cải thiện sau 8 đến 13 buổi trị liệu.
  • Rối loạn nhân cách (Axis II), như rối loạn nhân cách ranh giới (BPD), phức tạp hơn nhiều do sự kết hợp của các đặc điểm tính cách cố hữu, hình ảnh bản thân bị tổn hại nghiêm trọng, đặc điểm nhận thức đặc biệt và cơ chế phòng vệ dai dẳng. Những yếu tố này thường ăn sâu vào cá nhân, khiến họ khó nhận thức được những khó khăn mà các đặc điểm nhân cách này tạo ra cho người khác, trong nhiều trường hợp sự phủ nhận và tính chối bỏ còn có thể khiến người bệnh không cho rằng mình có vấn đề, và tin rằng vấn đề đến từ xã hội nói chung và những người trong gia đình họ nói riêng.
  1. Thời gian điều trị:
  • Đối với rối loạn cảm xúc (Axis I), bệnh nhân thường có thể cải thiện đáng kể trong khoảng thời gian ngắn hơn.
    • Nghiên cứu của Howard et al. cho thấy các bệnh nhân có triệu chứng cấp tính cải thiện từ 68% đến 98% sau 52 buổi trị liệu hàng tuần.
  • Đối với rối loạn nhân cách (Axis II), thời gian trị liệu cần thiết lâu hơn đáng kể.
    • Bệnh nhân với các triệu chứng mang tính chất nhân cách cần khoảng 1 năm trị liệu để có 75% cơ hội hồi phục triệu chứng, và nhiều người không thấy cải thiện đáng kể cho đến năm thứ hai của trị liệu hàng tuần. 
    • Chỉ có khoảng 59% bệnh nhân cải thiện trong khoảng thời gian này, cho thấy rằng một liệu trình điều trị dài hơn là cần thiết để điều trị các triệu chứng gắn liền với tính cách.
    • Bên cạnh đó, trong các nhóm rối loạn nhân cách, có những loại rối loạn nhân cách là không thể can thiệp trị liệu giúp người bệnh khỏi hoàn toàn, các liệu pháp tâm lý chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ người bệnh thích nghi tốt hơn với bệnh, chứ không thể chữa dứt hoàn toàn.
Xem bài viết  Liệu pháp EMDR trong ứng dụng chữa PTSD 

→ Tóm lại, rối loạn nhân cách đòi hỏi thời gian trị liệu lâu dài hơn và phức tạp hơn nhiều so với rối loạn cảm xúc do các yếu tố tính cách cố hữu và sự phức tạp trong việc thay đổi nhận thức và hành vi.

Đối với các rối loạn nhân cách 

Tác dụng lâu dài của liệu pháp tâm lý
  • Một nghiên cứu của Tiến sĩ Lisbeth Hoke4 cho thấy bệnh nhân BPD duy trì trị liệu ổn định trong ít nhất 2 năm có cải thiện đáng kể về chức năng tâm trạng, giảm nhu cầu can thiệp tâm lý cấp cứu và tăng điểm đánh giá chung về khả năng thích ứng (Global Assessment Scale scores).
  • Một nghiên cứu ở Na Uy5 cũng cho thấy các rối loạn nhân cách cần trị liệu lâu dài hơn mới có thể tạo ra sự thay đổi động lực đáng kể sau 30 buổi trị liệu trở lên, với sự thay đổi này tiếp tục quan sát được sau 4 năm kể từ khi kết thúc trị liệu. 
Điều trị với Schema Therapy

“Liệu pháp Schema đã được chứng minh là có hiệu quả hơn đáng kể so với các phương pháp điều trị truyền thống đối với nhiều loại rối loạn nhân cách, góp phần phục hồi thực sự chứ không chỉ giảm triệu chứng” (ISST). Schema therapy là liệu pháp kết hợp CBT, liệu pháp Gestalt và liệu pháp tâm động học giúp bạn nhận ra và giải quyết những kiểu suy nghĩ và hành vi không có ích, kéo dài suốt đời bắt nguồn từ thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên, đồng thời bắt đầu hình thành những cách suy nghĩ và hành xử mới hữu ích hơn.

Xem bài viết  Tâm lý học hiện sinh 

Các Rối Loạn Nhân Cách Được Điều Trị Bằng Schema Therapy:

  • Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD): Nghiên cứu cho thấy liệu pháp schema rất hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân BPD, giúp bệnh nhân hiểu và thay đổi các khuôn mẫu hành vi tiêu cực lâu dài.
  • Rối loạn nhân cách tránh né: Liệu pháp Schema giúp bệnh nhân nhận diện và thay đổi các mô hình tư duy tiêu cực, từ đó cải thiện khả năng giao tiếp xã hội và giảm các triệu chứng lo âu.
  • Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế: Phương pháp này giúp bệnh nhân giảm các hành vi ám ảnh và cưỡng chế bằng cách thay đổi các schema không lành mạnh và xây dựng các mô hình tư duy mới.

Tổng quan về việc giảm dần tần suất phiên khi sử dụng liệu pháp Schema điều trị BPD: 

Cách điều trịTháng 1-12Tháng 13-18Tháng 19-21Tháng 22-24
Cá nhân2 lần/ tuần1 lần/ tuần1 lần/ 2 tuầnHàng tháng
Kết hợp cá nhân và nhóm kín1 lần/ tuần1 lần/ 2 tuần1 lần/ 2 tuầnHàng tháng
Nhóm  1 lần/ tuần1 lần/ 2 tuầnHàng thángHàng tháng
Kết hợp cá nhân và nhóm mở1 lần/ tuần1 lần/ 2 tuần1 lần/ 2 tuầnHàng tháng
Nhóm 1 lần/ tuần1 lần/ tuầnĐã hoàn thành Đã hoàn thành 
24 tháng điều trị

Tổng quan

Trị liệu tâm lý là một quá trình phức tạp và cá nhân hóa, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ nghiêm trọng của vấn đề và loại hình trị liệu được áp dụng. Mặc dù không có một thời gian cố định cho tất cả các trường hợp, sự hiểu biết về những yếu tố này có thể giúp thân chủ và nhà trị liệu thiết lập một kế hoạch điều trị hiệu quả hơn. Nếu bạn tin rằng mình không thấy đủ tiến triển sau một thời gian điều trị hợp lý, hãy thảo luận việc điều trị của mình với một nhà trị liệu khác và/hoặc yêu cầu nhà trị liệu của bạn đánh giá lại kế hoạch điều trị để đảm bảo rằng việc điều trị đang đi đúng hướng và hữu ích cho bạn nhé. 

Nguồn

Will, L. (2017). How Long Will It Take for Treatment to Work? American Psychological Association. https://www.apa.org/ptsd-guideline/patients-and-families/length-treatment

Gabbard, G. O. (2000). Psychotherapy of personality disorders. The Journal of Psychotherapy Practice and Research, 9(1), 1–6. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3330582/

Howard, K. I., Kopta, S. M., Krause, M. S., & Orlinsky, D. E. (1986). The dose-effect relationship in psychotherapy. The American psychologist, 41(2), 159–164. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/3516036/

Hoke, L. A. (1989). Longitudinal patterns of behaviors in borderline personality disorder. Doctoral dissertation. Boston University. 

Høglend, P. (1993). Personality disorders and long-term outcome after brief dynamic psychotherapy. Journal of Personality Disorders, 7(2), 168-181. https://guilfordjournals.com/doi/abs/10.1521/pedi.1993.7.2.168

Tác giả

Leave a Comment

Scroll to Top