Tranquil

Các giai đoạn tâm lý khi trải qua mất mát

Đau buồn là một trải nghiệm có thể bào mòn bạn hoàn toàn từ tinh thần, thể chất đến cảm xúc, và nó không chỉ xảy ra khi bạn mất đi điều gì đó.

Trên thực tế, bạn có thể trải qua các giai đoạn đau buồn khi bất kỳ thay đổi lớn nào diễn ra trong cuộc đời.

Sau khi nhận được một chẩn đoán y tế, đau buồn cho sức khỏe của bản thân có thể là một thách thức không mong đợi đối với nhiều người khuyết tật hoặc mắc bệnh mãn tính. Đau buồn do bệnh mãn tính gây ra thì phức tạp, và quá trình này thường bắt đầu lại từ đầu khi một vấn đề mới xuất hiện.

Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về 5 giai đoạn đau buồn được đề xuất bởi Elizabeth Kubler-Ross (nhà tâm lý học người Mỹ – Thụy Sỹ), trong trường hợp này là đau buồn vì sức khỏe của cơ thể.

1. Phủ nhận

Những người trải qua đau buồn đều quen thuộc với giai đoạn đầu tiên và phổ biến này.

Nói một cách đơn giản, phủ nhận là hành động từ chối sự thật. Phủ nhận thường xuất hiện đầu tiên trong quá trình đau buồn, vì khi một sự kiện lớn xảy ra trong cuộc đời, tâm trí và cơ thể của con người phải làm việc để xử lý tình huống đó.

Khi bạn mắc phải một biến chứng y tế, thường có những tín hiệu lóe lên khắp cơ thể bạn, cho biết rằng “có gì đó không ổn.” Đó thể là những cơn đau nhức, cơn đau mãn tính trầm trọng hơn, các triệu chứng mới hoặc những thứ khác ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày mà bạn nhận thấy.

Tuy người bệnh hiểu rõ rằng cơ thể mình sẽ không còn được như trước khi một vấn đề y tế xuất hiện hoặc nhận được một chẩn đoán mới, nhưng việc trải qua giai đoạn phủ nhận là điều bình thường để bắt đầu xử lý những cảm nhận thực sự.

Khi bắt đầu chu kỳ đau buồn, bạn có thể sẽ phủ nhận toàn bộ hoặc một phần của thực tế. Bạn sẽ tự nhủ rằng chẳng có gì đang xảy ra đâu, rằng “tất cả chỉ là tưởng tượng thôi” hay “không tệ đến thế đâu”. Đây là cách mà cơ thể và tâm trí của bạn dùng để chống lại những căng thẳng về mặt cảm xúc mà đau buồn gây ra.

Để đối phó, bạn sẽ hạ thấp mức độ nghiêm trọng của tình hình bằng cách:

  • chối bỏ nỗi đau
  • bỏ qua các triệu chứng
  • che giấu các triệu chứng với người thân
  • bỏ qua các vấn đề sức khỏe như thể mọi thứ vẫn ổn
  • nghi ngờ bản thân và tính đúng đắn của những mối lo ngại

Những người không mắc bệnh mãn tính sẽ cảm thấy khó hiểu: vì sao phủ nhận lại là bước đầu tiên trong việc xử lý tổn thương do y tế gây ra? Họ không muốn biết điều gì đang bất ổn sao? Họ không muốn tìm cách để chữa chúng à?

Câu trả lời là “có”: Họ đều muốn tìm được lời giải thích cho các triệu chứng, và hơn thế nữa là tìm được cách chữa trị. Nhưng mọi thứ không đơn giản như vậy.

Xem bài viết  Mối quan hệ giữa căng thẳng sau sang chấn tâm lý và đau mãn tính

Đa số các chứng bệnh mãn tính thường kéo dài và chỉ có các phương pháp giảm thiểu các triệu chứng của bệnh, thay vì là cách chữa trị dứt điểm. Bạn sẽ đặc biệt nhận thức được thời gian khi nhận được kết quả chẩn đoán (hoặc khi chờ đợi kết quả cho những triệu chứng đang mắc phải). Dòng thời gian của bạn sẽ đảo lộn hết cả.

Bỗng nhiên, bạn sẽ không còn muốn tìm kiếm lời giải thích cho những cơn đau, những triệu chứng trên cơ thể hay những đêm mất ngủ nữa. Vì khi biết được vấn đề cơ bản là gì, bạn hiểu rằng bước tiếp theo là chuyển sang điều trị. Nhưng, bước này đôi khi tưởng chừng như không thể xảy ra. Nhất là trong trường hợp mắc bệnh mãn tính, bạn biết rằng có thể căn bệnh sẽ chẳng bao giờ kết thúc.

Vì vậy, để đối mặt với hiện thực mới này, ngay cả khi bạn đang chờ đợi kết quả chẩn đoán, một lời giải thích hoặc một lời xác nhận rằng bạn đã cảm nhận đúng, thì bạn vẫn sẽ có thể bước vào giai đoạn phủ nhận để thuyết phục bản thân rằng tình trạng của mình không tệ đến vậy đâu, rằng nó không thật sự tồn tại.

Nếu bạn đang phủ nhận các vấn đề về sức khoẻ của mình, hãy biết rằng điều đó là bình thường. Bạn được quyền cho bản thân thời gian để chấp nhận những gì đang xảy ra.

Bạn nên liệt kê ra những sự thật như “Hôm nay tôi cảm thấy đau”, “Bác sĩ chẩn đoán rằng tôi có một khối u”, “Tôi đang chờ đợi kết quả thử máu”, v.v. Hãy làm như vậy cho đến khi bạn cảm thấy ổn hơn.

Bạn cũng nên dành thời gian trong ngày để đọc sách hay xem một chương trình nào đó nhằm quên đi thực tại. Dành thời gian nghỉ ngơi là một cách hay để bản thân có thêm không gian để xử lý các thay đổi đang diễn ra trong cuộc sống, cho đến khi chúng không còn làm bạn quá tải nữa.

2. Giận dữ

Một cảm xúc mạnh mẽ khác mà bạn có thể trải qua là tức giận – tức giận với bản thân, với bác sĩ và với thế giới xung quanh.

Khi sự tức giận bùng cháy trong bạn, điều đó rất có thể là bạn đã hiểu ra thực tế hoàn cảnh của mình. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn đã sẵn sàng để chấp nhận sự thật.

Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn hoặc dễ kiểm soát hơn bằng cách nổi giận với người khác khi bạn đang đau buồn cho chính mình. Từ vị bác sĩ đã không lắng nghe bạn sớm hơn đến cô nhân viên lễ tân đã sắp xếp lịch khám bệnh của bạn ngay sau một ngày dài làm việc, bãi đậu xe không còn chỗ trống,… tất cả đều có lỗi.

Bạn cũng có thể sẽ giận dữ với chính mình, đặc biệt là nếu trước đó bạn đã trải qua giai đoạn phủ nhận.

Xem bài viết  Những cách quản lý cơn giận giúp bạn trở nên bình tĩnh hơn

Bạn sẽ tự hỏi rằng vì sao mình lại chần chừ quá lâu trước khi báo cáo sự thay đổi của các triệu chứng, hay vì sao khi hết thuốc lại không mua thêm. Điều này dẫn đến việc chán ghét bản thân và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả thể chất và tinh thần.

Khi những cơn tức giận đang dâng trào, đầu tiên là hãy dành một lúc để hiểu xem mình đang cảm thấy thế nào. Điều này giúp bạn bình tâm trở lại, cũng như xác định cảm xúc của bạn đối với những gì đang xảy ra. Đó là lý do vì sao tức giận lại là một bước quan trọng trong quá trình đau buồn.

Có nhiều cách khác nhau có thể giúp xử lý những cảm xúc mạnh mẽ đó khi bạn cảm thấy đã sẵn sàng để loại bỏ cơn giận, như là liệu pháp nghệ thuật, trò chuyện với bạn bè hay tập thiền.

Nhưng hãy nhớ rằng: Khi cơn tức giận tái đi tái lại trong quá trình đau buồn, hãy ghi nhận lại những gì bạn cảm thấy và cách mà những cảm xúc ấy biểu lộ. Cơ hàm của bạn có căng tức không? Giọng điệu của bạn có thay đổi không? Ghi nhận lại cảm xúc của bản thân có thể giúp bạn kết nối lại với cơ thể, đặc biệt là khi cơ thể lại là nguồn cơn của sự thất vọng.

3. Trầm cảm

Đau buồn và trầm cảm thường song hành với nhau.

Ở những người mắc bệnh mãn tính, trầm cảm hoặc các tình trạng sức khỏe tâm thần khác thường gây ra các triệu chứng lộn xộn, không rõ ràng. Trầm cảm khiến các cơn đau mãn tính trở nên tệ hơn như đau đầu, đau toàn thân và đau dạ dày.

Vậy, làm sao để phân biệt được triệu chứng của bạn là do trầm cảm hay do một vấn đề khác?

Đầu tiên, hãy nhớ rằng, bất kể các triệu chứng này xuất phát từ sức khỏe thể chất, tình cảm, tinh thần hay hành vi, chúng đều đáng được quan tâm.

Rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh mãn tính bị gắn mác là “muốn tìm kiếm sự chú ý”. Khi không tin tưởng vào cơ thể và các triệu chứng bệnh, việc xử lý nỗi buồn sẽ trở nên khó khăn hơn.

Hãy biết rằng dù bạn đang trải qua bất kỳ điều gì, ngoài kia luôn có một cộng đồng những người cũng đang gặp phải tình trạng giống như bạn.

Tuy nhiên, ở giai đoạn này, không phải mong muốn nào của bạn cũng sẽ được ủng hộ. Bạn sẽ cảm thấy rằng việc tiếp tục chẩn đoán hay chữa trị căn bệnh thật vô nghĩa và bạn ước rằng mọi điều rắc rối này sẽ biến mất.

Trầm cảm thường cần được chữa trị bằng các dịch vụ như tham vấn tâm lý. Để can thiệp tình trạng khủng hoảng, hãy tìm hiểu các cách giữ an toàn cho bản thân trong quá trình dễ bị tổn thương này.

4. Thỏa hiệp

Giai đoạn này là lúc các suy nghĩ “nếu như”, “giá mà” xuất hiện. Lỡ đâu bác sĩ chẩn đoán sai thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như tôi đã làm điều gì đó khác đi (chế độ ăn, tập luyện, thuốc men, liệu pháp, phẫu thuật, v.v.)? Nếu tôi tìm gặp bác sĩ chuyên khoa sớm hơn thì sẽ thế nào?

Xem bài viết  Làm thế nào để "Ngôi Nhà Thứ Hai" thành nơi ta muốn trở về?

Tuy giai đoạn này khác với giai đoạn phủ nhận (khi mà bạn cố gắng chối bỏ sự thật), bạn có thể thấy chúng giống nhau ở chỗ người bệnh cho rằng mọi việc đã có thể diễn ra theo cách khác.

Mặc dù thay đổi quá khứ hay dự đoán tương lai là điều không thể, thỏa hiệp là một cách để dần chấp nhận tình trạng sức khoẻ mới này.

Trong thực tế, ngay cả khi đã “hoàn tất” giai đoạn đau buồn này, những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính vẫn phải nỗ lực để thỏa hiệp với khả năng của bản thân khi những điều hạn chế khác xuất hiện. Vì vậy, giai đoạn thỏa hiệp thường xuyên tái diễn dựa trên tiến triển của bệnh.

5. Chấp nhận

Giai đoạn cuối cùng của đau buồn thường là chấp nhận: chấp nhận sự thật, chấp nhận đau đớn, chấp nhận rằng cơ thể của bạn đã không còn như xưa.

Nghiên cứu cho thấy rằng việc đối mặt với cơn đau mãn tính thực sự có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của cơn đau thể chất và cảm xúc.

Giai đoạn này là lúc bạn thôi phán xét mà chấp nhận hoàn cảnh của mình. Tiếp theo, bạn có thể tiếp tục chiến đấu bằng cách sử dụng các biện pháp đối phó và các phương pháp điều trị khác nhau để giải quyết cơn đau.

Điều quan trọng cần nhớ là tuy chấp nhận, nhưng bạn không cần phải tỏ ra vui vẻ với những gì đang xảy ra với cơ thể và sức khỏe của mình. Chấp nhận không có nghĩa là hài lòng. Bạn vẫn ổn nếu cảm thấy tức giận, chán nản và choáng ngợp trước tình cảnh của mình.

Mối quan hệ của chúng ta với cơ thể thì mật thiết, phức tạp và luôn thay đổi.

Mặc dù một chẩn đoán hoặc mối lo ngại về y tế khác có thể khiến cho quá trình đau buồn bắt đầu lại từ đầu, nhưng giai đoạn cuối cùng này là thứ mà con người luôn nỗ lực hướng tới.

Có một sự thật đáng sợ là ta không có nhiều quyền kiểm soát đối với cơ thể của mình. Nỗi đau hay bệnh tật không dễ dàng mất đi cho dù ta có mong ước bao nhiêu đi nữa. Nhưng ta có thể học cách tín thác vào quá trình đau buồn và hiểu rằng những cảm giác mất mát này chỉ là tạm thời. Trên hết, hãy học cách vị tha và đối xử tốt hơn với chính mình.

Hãy cho phép bản thân hành xử một cách bản năng, lộn xộn và điên rồ. Những cảm giác và trải nghiệm này có thể khiến ta cảm thấy dễ bị tổn thương, nhưng qua đó, ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

Dù sao đi nữa, con người luôn tìm ra cách để tồn tại.

Nguồn bài viết: https://www.healthline.com/health/chronic-illness/stages-of-grief-new-medical-diagnosis#2.-Anger

Leave a Comment

Scroll to Top