Tranquil

Những cách quản lý cơn giận giúp bạn trở nên bình tĩnh hơn

Quản lý cơn giận là một kỹ năng tuyệt vời mà ai trong chúng ta cũng có thể rèn luyện được. Điều này sẽ giúp chúng ta tránh được những sự hối tiếc vì đã cư xử không đúng, hung hăng, bạo lực thể chất hoặc lời nói. Vậy có những cách nào để giữ bình tĩnh khi nóng giận?

Quản lý cơn giận là gì?

Quản lý cơn giận là việc chúng ta dùng các kỹ thuật khác nhau để giúp một người đối phó với các suy nghĩ, cảm xúc và hành vi theo cách lành mạnh hơn. Cần nhớ rằng, quản lý cơn giận không đồng nghĩa với việc chúng ta không bao giờ nổi giận. Thay vào đó, việc này giúp chúng ta nhận biết, đối phó và thể hiện sự tức giận một cách phù hợp. 

Vì sao cần quản lý cơn giận?

Tức giận là một phản ứng bình thường của tất cả mọi người khi gặp phải những chuyện không mong muốn. Tuy nhiên, khi tức giận không được kiểm soát có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Một người bị cảm xúc tức giận chi phối có thể trở nên hung hăng và có các hành vi quá khích như la mắng, đập phá hoặc bạo lực thể chất… 

Sự tức giận không được thể hiện một cách lành mạnh có thể gây hại về thể chất, tinh thần và các mối quan hệ. Chính vì thế, việc quản lý cơn giận sẽ mang đến nhiều lợi ích và giúp chúng ta khám phá ra một số cách phù hợp để thể hiện cảm xúc của mình. 

Những cách quản lý cơn giận hiệu quả 

Xác định yếu tố kích thích cơn giận

Một trong những cách giữ bình tĩnh khi nóng giận là hãy xác định yếu tố khiến bạn tức giận. Nếu bạn thường bị tức giận mất kiểm soát, bạn sẽ nhận ra các yếu tố này và đừng quên ghi lại chúng. Việc hiểu được điều gì đã kích thích bạn có thể giúp bạn tìm ra cách quản lý cảm xúc của mình. Ví dụ, bạn có thể thực hành một số kỹ thuật quản lý cơn giận trước khi gặp phải những tình huống mà bạn thường cảm thấy bực bội. Điều này có thể sẽ mất thời gian nhưng hãy tin rằng bạn sẽ không nản lòng và thực hiện được chúng. 

Xem bài viết  10 Nhu Cầu Cảm Xúc Cần Cân Nhắc Trong Tình Yêu

Đánh giá cơn giận

Không phải sự tức giận nào cũng là kẻ thù. Đôi khi nó là dấu hiệu của việc rằng một điều gì đó cần phải thay đổi. Do đó, bạn cần đánh giá lại cơn giận của mình. Trước khi bắt đầu hành động trấn tĩnh, hãy tự hỏi xem cơn giận là bạn hay thù. Nếu bạn đang ở trong một tình huống không lành mạnh, sự tức giận có thể có ích. Lúc này, bạn có thể chọn thay đổi tình huống hơn là thay đổi cảm xúc. Ngược lại, nếu sự tức giận làm tổn hại đến các mối quan hệ của bạn, bạn nên tìm cách để bình tĩnh lại. Trường hợp này thường biểu hiện bằng việc một người cảm thấy mất kiểm soát và hối hận về những hành động hay lời nói của mình khi cơn giận qua đi.

Rời khỏi tình huống khiến bạn tức giận

Việc cố gắng giành chiến thắng trong một cuộc tranh luận hoặc giải quyết mâu thuẫn chỉ có thể khiến sự tức giận tăng lên. Do đó, để kiềm chế cơn giận, bạn hãy rời khỏi tình huống đó. Khi cách xa khỏi chúng, trí não và cơ thể bạn sẽ được xoa dịu. Trước khi rời đi, bạn có thể nói với những người liên quan về việc bạn đang cố gắng quản lý cơn giận của mình. Đồng thời, bạn có thể tham gia thảo luận hoặc giải quyết vấn đề khi bạn đã bình tĩnh hơn. 

Quản lý cơn giận bằng vận động thể chất

Sự giận dữ mang đến cho chúng ta rất nhiều năng lượng. Và cách tốt nhất để sử dụng năng lượng đó là vận động thể chất. Bạn có thể chọn bất kỳ hình thức nào như đi bộ nhanh, chạy bộ, tập thể dục…. Các hoạt động này đều giúp bạn giảm được sự căng thẳng và giận dữ. Không chỉ có tác dụng tức thời, tập thể dục còn cải thiện khả năng chịu đựng sự thất vọng của mỗi người. Chúng giúp giải tỏa tâm trí. Thường thì sau thời gian dài tập luyện hoặc sau mỗi buổi tập, bạn sẽ nhìn rõ được những gì đang làm phiền bạn. 

Xem bài viết  Đừng để kỳ vọng thành thất vọng!

Quản lý các suy nghĩ

Các suy nghĩ tức giận là một hình thức đổ thêm dầu vào lửa. Do đó, khi bạn thấy mình đang suy nghĩ về những điều khiến bạn tức giận, hãy kiềm chế lại. Bạn có thể thay vào đó bằng những câu nói mang tính khích lệ hoặc nghĩ về những điều khiến bạn cảm thấy vui vẻ. Ngoài ra, để quản lý cơn giận hiệu quả, bạn có thể sử dụng những câu lặp đi lặp lại như: “Tôi ổn, hãy bình tĩnh”, “điều này không hữu ích”…

Thay đổi mối quan tâm của bạn

Đánh lạc hướng bản thân là một cách giảm bớt sự nóng tính hiệu quả. Hãy làm một điều gì đó đòi hỏi sự tập trung cao của bạn. Điều đó sẽ khiến cho những suy nghĩ tức giận và tiêu cực khó len lỏi vào tâm trí bạn hơn. Ví dụ, sau một ngày làm việc mệt mỏi và đầy khó chịu, bạn có thể chọn chơi với trẻ, dọn dẹp nhà cửa,…. Những việc này sẽ khiến tâm trí bận rộn và không còn thời gian suy nghĩ về những điều khó chịu nữa. Sau đó, bạn sẽ bình tĩnh hơn.

Thực hành các bài tập thư giãn

Một cách quản lý cảm xúc cũng như cơn giận hiệu quả là thực hiện các bài tập thư giãn. Các bài tập như hít thở sâu hay thư giãn cơ bắp là những hình thức đơn giản và rất có hiệu quả. Với các bài tập này, bạn có thể thực hiện ngay và ở bất cứ đâu. Chúng cũng mang lại kết quả rất nhanh. Tuy vậy, bạn cũng cần có thời gian để rèn luyện chúng. 

Xem bài viết  Anhedonia

Khám phá các cảm xúc ẩn giấu bên trong sự tức giận

Giận dữ đôi khi đóng vai trò như một chiếc mặt nạ để bảo vệ bạn khỏi các cảm xúc như xấu hổ, buồn bã, thất vọng. Do đó, đôi khi bạn cần dành thời gian để suy nghĩ và khám phá những cảm xúc được ẩn giấu này. Việc thừa nhận những cảm xúc tiềm ẩn giúp bạn đi sâu vào gốc rễ của vấn đề. Từ đó, bạn sẽ có những chiến lược thích hợp để quản lý chúng. 

Tìm đến các nhà trị liệu tâm lý hoặc khóa học quản lý cơn giận

Nếu như sự tức giận đang gây ra nhiều vấn đề trong cuộc sống của bạn và bạn phải vật lộn với nó một cách khó khăn, đừng ngần ngại tìm đến sự giúp đỡ của các nhà trị liệu tâm lý. Họ có thể giúp bạn tìm ra nguyên nhân cũng như đề xuất những biện pháp thích hợp để quản lý cơn giận một cách hiệu quả. Để giải quyết cơn giận có thể bao gồm nhiều cách như những buổi trị liệu riêng biệt hoặc các lớp quản trị cảm xúc. Chúng đòi hỏi bạn sự kiên nhẫn và thực hành mỗi ngày.

Quản lý cơn giận không phải là một việc bất khả thi, miễn là bạn thực sự muốn và tìm ra những biện pháp phù hợp. Hãy xem xét những gợi ý trong bài viết và thực hành chúng mỗi ngày, chúng có thể đem lại nhiều lợi ích cho bạn. Cuối cùng, đừng ngại nói chuyện với chuyên viên tâm lý nếu như bạn cảm thấy mình cần thêm sự hỗ trợ nhé. 

Leave a Comment

Scroll to Top