Tranquil

Lý Do Tại Sao Trầm Cảm Đang Trở Thành Khủng Hoảng Sức Khỏe Toàn Cầu

Các nhà nghiên cứu đã phân tích 149 nghiên cứu từ 84 quốc gia để chỉ ra rằng trầm cảm đang là một khủng hoảng sức khỏe toàn cầu cần được ứng phó ở nhiều mức độ.

  • Các chuyên gia cho biết có khoảng 5% số người trưởng thành trên toàn thế giới đang sống chung với trầm cảm.
  • Tuy nhiên, chỉ dưới 25% người trầm cảm được trị liệu đúng cách.
  • Uỷ ban về trầm cảm của Tổ chức Tâm thần học Thế giới – Lancet, cho rằng trầm cảm là một khủng hoảng sức khỏe toàn cầu cần được xem như vấn đề quan tâm hàng đầu của xã hội.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 5% số người trưởng thành trên thế giới trải qua trầm cảm, nhưng có đến khoảng 75% trong số họ không có được sự trị liệu mà họ cần.

Các chuyên gia dự đoán đến năm 2030, Rối loạn trầm cảm (MDD) sẽ trở thành gánh nặng chính lên nền y tế toàn cầu.

Một báo cáo mới từ Uỷ ban về trầm cảm của Tổ chức Tâm thần học Thế giới – Lancet có ghi “Chúng ta vẫn làm chưa đủ những thứ cần thiết để tránh và giảm các đau đớn cũng như bất lợi gây ra bởi trầm cảm.”

Đó là một cuộc khủng hoảng trầm cảm mang tính chất toàn cầu

Các chuyên gia của Ủy ban nhấn mạnh rằng, để giảm tỉ lệ trầm cảm, ta cần những chiến thuật với quy mô toàn xã hội nhằm giảm thiểu các trải nghiệm bất lợi (như bị bỏ mặc và sang chấn) bắt đầu lúc nhỏ.

Các khuyến cáo cũng bao gồm việc tập trung vào các nhân tố về lối sống như hút thuốc lá hay uống rượu bia, và các nhân tố nguy cơ như bạo lực gia đình, các vấn đề tài chính hay mất đi người thân.

Tiến sĩ Lakshmi Vijayakumar viết rằng: “Việc cốt yếu là chúng ta cần thực hành những can thiệp dựa trên bằng chứng để hỗ trợ việc nuôi dạy trẻ, giảm thiểu bạo lực gia đình, và việc bắt nạt học đường, song song với chăm sóc sức khỏe tinh thần nơi công sở và giải quyết các vấn đề về sự cô đơn ở người lớn tuổi”.

Xem bài viết  Cách Vượt Qua Chủ Nghĩa Hoàn Hảo Không Lành Mạnh

Các tác giả của Uỷ ban cũng cho rằng hệ thống hiện tại là quá giản đơn khi xếp con người theo hai loại: có trầm cảm bệnh lý và không trầm cảm.

Họ giải thích rằng trầm cảm là một tình trạng phức tạp với nhiều dấu hiệu, triệu chứng, mức độ nghiêm trọng, cũng như kéo dài khác nhau.

Đồng chủ tịch Uỷ ban, Giáo sư Vikram Patel từ khoa Y Đại học Harvard phát biểu: “Không có hai cá nhân nào có cùng câu chuyện cuộc đời và thể chất giống nhau, điều này dẫn đến một trải nghiệm độc nhất về trầm cảm và những nhu cầu khác biệt để giúp đỡ, hỗ trợ và điều trị”

Trầm cảm không giống với buồn chán thông thường

Tiến sĩ Maria F. Espinola, Phó Giáo sư về Tâm lý học lâm sàng và Khoa học thần kinh hành vi khoa Y trường Đại học Cincinnati nói rằng, việc đôi lúc cảm thấy buồn chán hay khó chịu là điều hoàn toàn tự nhiên.

“Ngược lại, trầm cảm là một rối loạn sức khỏe tinh thần nghiêm trọng làm cản trở chức năng hàng ngày thông qua các ảnh hưởng về suy nghĩ, cảm nhận và hành động của bạn”, bà giải thích.

Bà chỉ ra rằng một người có thể mắc trầm cảm nếu có các triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần. Các triệu chứng trầm cảm có thể khác nhau ở nhiều người, nhưng thường gặp là:

  • Cảm giác buồn chán, tội lỗi và vô dụng
  • Mất hứng thú với các sở thích
  • Lo âu
  • Dễ nổi nóng, nhất là ở nam giới
  • Cảm giác “mất kiểm soát”
  • Khó vào giấc ngủ hay ngủ tròn giấc, ngủ quá nhiều
  • Có ý nghĩ tự tử

Trầm cảm có thể làm giảm khả năng làm việc và hoà nhập xã hội

trầm cảm khủng hoảng toàn cầu

“Thứ phân biệt Rối loạn trầm cảm chủ yếu (MDD) với nỗi buồn chán, khó chịu đơn thuần là các sa sút nghiêm trọng trong một hay nhiều hoạt động thường ngày” – theo bác sĩ Paul Poulakos, một nhà tâm thần học có chứng chỉ hành nghề tại Greenwich Village, New York.

Ông nhấn mạnh rằng có một điểm khác biệt giữa bất mãn với sếp hay với công việc và các triệu chứng trầm cảm dai dẳng có ảnh hưởng hiệu suất làm việc.

Xem bài viết  Phòng ngừa trầm cảm

“Người đang buồn chán vẫn có thể ra ngoài tham gia vào các hoạt động xã hội hay hoàn thành hiệu quả công việc của mình. Tuy nhiên, người trải qua trầm cảm lâm sàng thường không thể hoàn thành các công việc thường ngày với cùng hiệu quả hoặc cùng tiêu chuẩn tương tự”, ông nói.

Ông cũng cho biết trầm cảm có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ bằng nhiều cách, một vài trong số đó rất nghiêm trọng.

“Trầm cảm có liên quan đến gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và làm trầm trọng thêm bệnh lý tim mạch”, ông cho biết. “Trầm cảm thường gắn liền với nguy cơ đột quỵ và tăng huyết áp”.

Ông Poukalos cũng thông tin thêm rằng những người trải qua trầm cảm có nguy cơ tự tử cao hơn nhiều so với người không bị rối loạn, “đây rõ ràng là một hệ quả nghiêm trọng đối với sức khỏe”.

Cần có một cách tiếp cận cá nhân hoá để trị liệu

Uỷ ban khuyến cáo sử dụng các biện pháp can thiệp được xây dựng riêng theo nhu cầu cá nhân và theo mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

“Hiện tại đã có nhiều phương thức điều trị thành công đối với trầm cảm”, theo bà Espinola.

Bà cho biết trầm cảm có thể được điều trị thông qua các biện pháp can thiệp tâm lý như Liệu pháp Nhận thức Hành Vi (CBT) hay các can thiệp bằng thuốc (các nhóm thuốc chống trầm cảm).

Poulakos nói rằng điều trị “đầu tay” bao gồm các loại thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs) hay thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs) trong các loại thuốc có ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh não.

“Theo ước tính, thuốc chống trầm cảm có thể cải thiện triệu chứng khoảng từ 40 – 60% những người đang khổ sở với căn bệnh này”, ông nói thêm.

Ông cũng nói có thể cần trải qua nhiều thử nghiệm các loại thuốc khác nhau trước khi nhận được một đáp ứng tốt.

Xem bài viết  Tự tử - Vấn đề của Thế hệ trẻ

Trầm cảm là nguyên nhân dẫn đến mất khả năng làm việc ngay cả trước đại dịch

Bà Espinola cho hay, trầm cảm là một vấn đề phổ biến thậm chí trước đại dịch COVID – 19.

“Năm 2017, Tổ chức Y tế Thế giới đã xác định trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây mất khả năng làm việc trên thế giới”, bà nói. “COVID làm vấn đề thêm trầm trọng bởi nó dẫn đến các khó khăn kinh tế, cách ly xã hội, đau buồn, bấp bênh và làm giảm tiếp cận điều trị.”

Bà chỉ ra ảnh hưởng to lớn của các quy định được đặt ra để bảo vệ ta khỏi đại dịch như giãn cách xã hội và hạn chế số người tụ tập.

“Và trong nhiều trường hợp, các quy định này cũng làm tăng thời gian, mức độ mắc trầm cảm ở nhiều người.”

Ông Poulakos nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xóa bỏ hiểu lầm về sức khoẻ tinh thần: “Đặc biệt là ở Hoa Kỳ, chúng ta đã quá quen với việc tách biệt thể chất với sức khoẻ tinh thần.

Sứ mệnh mới đem lại nhiều hy vọng cho khủng hoảng do trầm cảm

“Bài báo này đưa ra lời kêu gọi chân thành đến mọi người để cùng vẽ ra hướng đi cần thiết để giải quyết khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra”, bà Espinola nói.

“Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề bằng cách làm nổi bật các ảnh hưởng về sức khỏe, kinh tế và xã hội gây ra bởi trầm cảm”, bà nói tiếp.

Bà cho biết các tác giả đã khẳng định “một cách xuất sắc” tầm quan trọng của việc giải quyết sự kỳ thị, các yếu tố xã hội quyết định đến sức khỏe, sang chấn, bất bình đẳng thu nhập, bất bình đẳng giới và tất cả các hình thức phân biệt đối xử.

Espinola cho biết: “Tất cả chúng ta đều có thể và nên đóng một vai trò nào đó trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu hiện nay, và bây giờ là thời điểm để hành động.”

Dịch từ: https://www.healthline.com/health-news/why-experts-are-calling-depression-a-global-health-crisis-right-now

Leave a Comment

Scroll to Top