Tranquil

Hỗ trợ người thân đang trong trầm cảm

Bạn có một người bạn, người thân đang có triệu chứng trầm cảm? Bạn không phải là người duy nhất đâu.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, có khoảng 300 triệu người lớn và trẻ em đang sống chung với chứng trầm cảm.

Nhận biết các triệu chứng trầm cảm ở người thân

Không phải ai cũng trải qua chứng trầm cảm theo cùng một cách, và các triệu chứng của mỗi người có thể khác nhau.

Một số triệu chứng có thể kể ra như:

  • Có vẻ buồn hoặc mau nước mắt hơn bình thường
  • Tỏ ra bi quan hơn bình thường hoặc tuyệt vọng về tương lai
  • Nói về việc cảm thấy tội lỗi, trống rỗng hoặc vô giá trị nhiều hơn bình thường
  • Tỏ ra ít quan tâm đến việc dành thời gian cho người khác hoặc ít nói hơn bình thường
  • Dễ khó chịu hoặc có vẻ cáu kỉnh bất thường
  • Có ít năng lượng hơn bình thường, di chuyển chậm chạp hoặc thường có vẻ bơ phờ
  • Ít quan tâm đến vẻ bề ngoài hơn bình thường hoặc không chú ý đến các việc vệ sinh cá nhân cơ bản, như tắm rửa hay đánh răng
  • Khó ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường
  • Ít quan tâm đến các hoạt động và sở thích thông thường của họ
  • Thường xuyên quên hơn hoặc khó tập trung hay quyết định mọi việc
  • Ăn nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường
  • Nói về cái chết hoặc tự tử

Cách để giúp đỡ họ

10 lời khuyên sau đây có thể giúp bạn hỗ trợ cho một người bạn bị trầm cảm.

Trò chuyện với họ

Hãy cho người bạn đó biết rằng bạn sẵn sàng hỗ trợ họ. Bạn có thể bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách chia sẻ mối quan tâm của mình và đặt một câu hỏi cụ thể.

Ví dụ, bạn có thể hỏi rằng:

  • Hình như dạo này bạn đang gặp khó khăn phải không? Bạn có điều gì lo lắng sao?”
  • “Mấy lần gần đây chúng ta đi chơi, tôi thấy bạn có vẻ hơi buồn. Có điều gì đang xảy ra mà bạn muốn tâm sự với tôi không?”
  • “Dạo gần đây, bạn đã đề cập đến việc trải qua một số thời điểm khó khăn. Bạn đang cảm thấy thế nào?”

Hãy nhớ rằng họ có thể muốn trò chuyện về những cảm xúc của họ nhưng không muốn được khuyên bảo.

Hãy tương tác với họ bằng cách sử dụng các kỹ thuật lắng nghe tích cực:

  • Đặt câu hỏi để có thêm thông tin thay vì cho rằng bạn hiểu hết những gì họ nói.
  • Công nhận những cảm xúc của họ. Bạn có thể nói rằng, “Những điều ấy nghe có vẻ khó khăn quá, tôi rất lấy làm tiếc.”
  • Thể hiện sự đồng cảm và quan tâm thông qua ngôn ngữ cơ thể.

Trong lần đầu tiên mà bạn hỏi, có thể người bạn đó sẽ không muốn chia sẻ, vì vậy bạn nên tiếp tục cho họ biết rằng bạn quan tâm đến họ.

Hãy tiếp tục đặt các câu hỏi mở (không thúc ép) và bày tỏ mối quan tâm của bạn. Hãy cố gắng trò chuyện trực tiếp bất cứ khi nào có thể. Nếu bạn và họ sống ở các khu vực khác nhau, hãy thử trò chuyện qua video.

Giúp họ tìm kiếm sự trợ giúp

Người bạn của bạn có thể không ý thức được rằng họ đang mắc chứng trầm cảm, hoặc họ có thể không biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ.

Ngay cả khi họ biết trị liệu là điều hữu ích, nhưng việc tìm kiếm chuyên gia trị liệu và đặt lịch hẹn có thể là điều khó khăn.

Nếu bạn của bạn có vẻ quan tâm đến việc tham vấn, hãy đề nghị giúp họ xem xét các nhà trị liệu. Bạn có thể giúp bạn mình liệt kê những điều cần hỏi các nhà trị liệu và những điều mà họ muốn đề cập trong phiên trị liệu đầu tiên.

Khuyến khích và hỗ trợ họ thực hiện cuộc hẹn đầu tiên có thể rất hữu ích nếu họ đang gặp khó khăn.

Hỗ trợ họ trong việc tiếp tục trị liệu

Vào những ngày tồi tệ, bạn của bạn có thể sẽ không muốn ra khỏi nhà. Trầm cảm có thể làm tiêu hao năng lượng và làm tăng mong muốn cô lập bản thân.

Nếu họ nói những điều như “Có lẽ tôi sẽ huỷ cuộc hẹn trị liệu”, hãy động viên họ.

Bạn có thể nói rằng, “Bạn đã kể với tôi rằng phiên trị liệu tuần trước thực sự hiệu quả và sau đó bạn đã cảm thấy tốt hơn rất nhiều. Biết đâu phiên trị liệu hôm nay cũng sẽ giúp ích được như vậy thì sao?”

Tương tự như vậy đối với việc sử dụng thuốc. Nếu người bạn của bạn muốn dừng thuốc vì những tác dụng phụ gây khó chịu cho họ, hãy tỏ ra thông cảm, nhưng bạn nên khuyến khích họ trao đổi với nhà tâm thần học về việc chuyển sang một loại thuốc chống trầm cảm khác, hoặc là ngưng thuốc hoàn toàn.

Việc đột ngột ngừng sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm mà không có sự giám sát của một chuyên gia chăm sóc sức khoẻ có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Thông thường, việc liên hệ với một chuyên gia trước khi ngưng sử dụng thuốc có thể ngăn chặn các biến chứng về sức khỏe.

Xem bài viết  Biểu Hiện Trầm Cảm Ở Nam Giới

Chăm sóc bản thân bạn

Khi bạn quan tâm đến một người đang sống chung với chứng trầm cảm, bạn sẽ muốn bỏ tất cả mọi thứ để ở bên cạnh và hỗ trợ họ. Giúp đỡ một người bạn là điều đúng đắn, nhưng quan tâm đến nhu cầu của chính bạn cũng rất quan trọng.

Nếu bạn dồn hết sức lực để hỗ trợ bạn mình, bạn sẽ chỉ còn lại rất ít năng lượng để chăm sóc cho bản thân. Nếu bạn cảm thấy kiệt sức hoặc khó chịu, bạn sẽ không giúp được gì nhiều cho người bạn của mình.

Đặt ra những giới hạn

Việc đặt ra những giới hạn là điều hữu ích. Ví dụ, bạn có thể cho người bạn của mình biết rằng bạn chỉ có thể trò chuyện với họ sau khi trở về từ chỗ làm việc.

Nếu bạn lo lắng về việc họ cảm thấy như không thể liên lạc với bạn, hãy giúp họ đưa ra một phương án dự phòng nếu họ cần bạn trong lúc bạn đang làm việc, ví dụ như tìm một đường dây nóng mà họ có thể gọi hoặc đặt ra một từ khóa để họ nhắn tin cho bạn lúc họ gặp khủng hoảng.

Bạn có thể đề nghị ghé thăm cách ngày hoặc mang thức ăn cho họ hai lần mỗi tuần, thay vì cố gắng giúp đỡ mỗi ngày. Sự tham gia của những người bạn khác có thể giúp tạo ra một mạng lưới hỗ trợ lớn hơn.

Chăm sóc bản thân

Dành nhiều thời gian cho người thân mắc chứng trầm cảm có thể gây tổn hại đến tinh thần. Hãy biết giới hạn của bạn đối với những cảm xúc khó khăn, và hãy đảm bảo rằng bạn dành thời gian để nạp lại năng lượng.

Nếu bạn cần cho người bạn của mình biết rằng bạn sẽ không rảnh trong một khoảng thời gian, bạn có thể nói điều gì đó như, “Tôi sẽ không thể nói chuyện với bạn cho đến lúc X. Sau khi đó tôi có thể liên lạc với bạn được không? ”

Tự mình tìm hiểu về chứng trầm cảm

Hãy tưởng tượng rằng bạn phải giải thích cho từng người trong cuộc đời bạn về tình trạng sức khỏe tinh thần hoặc thể chất mà bạn đang gặp phải, lặp đi lặp lại nhiều lần. Nghe thật là mệt mỏi phải không?

Bạn có thể nói chuyện với bạn bè của mình về các triệu chứng cụ thể của họ hoặc cảm giác của họ, nhưng hãy tránh yêu cầu họ nói với bạn về chứng trầm cảm nói chung.

Hãy tự tìm hiểu các triệu chứng, nguyên nhân, tiêu chuẩn chẩn đoán và phương pháp trị liệu.

Mặc dù mọi người trải qua trầm cảm theo những cách khác nhau, nhưng việc làm quen với các triệu chứng và thuật ngữ chung có thể giúp bạn trò chuyện sâu hơn với bạn của mình.

Đề nghị giúp đỡ các công việc hàng ngày

Với chứng trầm cảm, các công việc hàng ngày có thể khiến họ cảm thấy quá tải. Những việc như giặt quần áo, mua sắm hàng hóa hoặc thanh toán hóa đơn có thể bắt đầu chồng chất lên nhau, khiến họ không biết bắt đầu từ đâu.

Bạn của bạn có thể rất trân trọng một lời đề nghị giúp đỡ, nhưng có thể họ không nói rõ rằng họ cần giúp đỡ về việc gì.

Vì vậy, thay vì nói “Hãy cho tôi biết nếu tôi có thể làm bất cứ điều gì “, hãy cân nhắc nói rằng “Điều mà bạn cần được giúp đỡ nhất trong hôm nay là gì?”

Nếu bạn nhận thấy tủ lạnh của họ trống không, hãy nói “Tôi có thể đưa bạn đi mua một ít thực phẩm không? Tôi cũng có thể mua giúp bạn nếu bạn viết cho tôi một danh sách những thứ mà bạn cần.” hoặc “Hãy đi mua một ít thức ăn và nấu bữa tối cùng nhau nhé.”

Nếu bạn của bạn không thể rửa chén, giặt giũ quần áo hoặc làm các công việc nhà khác, hãy đề nghị đến nhà của họ, bật một vài bản nhạc và cùng nhau giải quyết những công việc đó. Đơn giản chỉ cần có một người bạn đồng hành cũng có thể giúp các công việc trở nên có vẻ ít khó khăn hơn.

Mở rộng những lời mời

Những người mắc chứng trầm cảm có thể gặp khó khăn trong việc gặp gỡ bạn bè, lập hoặc thực hiện các kế hoạch, nhưng việc hủy bỏ các kế hoạch có thể góp phần tạo nên cảm giác tội lỗi ở họ.

Các kế hoạch bị hủy có thể dẫn đến việc họ ít được mời hơn, điều này có thể làm gia tăng sự cô lập. Những cảm giác này có thể làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm.

Bạn có thể giúp trấn an người bạn của mình bằng cách tiếp tục mở rộng lời mời tham gia các hoạt động, ngay cả khi bạn biết họ có thể sẽ không chấp nhận. Hãy nói với họ rằng bạn hiểu rằng họ có thể sẽ không thực hiện các kế hoạch khi gặp khó khăn, và họ không bị ép buộc phải gặp gỡ mọi người cho đến khi họ cảm thấy sẵn sàng.

Hãy nhắc nhở họ rằng bạn rất vui được gặp họ bất cứ khi nào họ cảm thấy thích.

Xem bài viết  “Phụ Huynh Hóa” Lúc Nhỏ Và Cách Người Lớn Thoát Khỏi Nó

Kiên nhẫn

Trầm cảm thường được cải thiện sau khi trị liệu, nhưng đây có thể là một quá trình chậm, bao gồm một số thử nghiệm và sai lầm. Họ có thể phải thử qua một số phương pháp tham vấn hoặc sử dụng các loại thuốc khác nhau trước khi họ tìm được một phương pháp hữu ích cho các triệu chứng của họ.

Ngay cả khi điều trị thành công, không phải lúc nào chứng trầm cảm cũng biến mất hoàn toàn. Bạn của bạn có thể tiếp tục có các triệu chứng theo thời gian.

Trong khoảng thời gian đó, họ có thể sẽ trải qua một số ngày tốt đẹp và một số ngày tồi tệ. Đừng cho rằng một ngày tốt đẹp của họ có nghĩa là họ đã “khỏi bệnh”, và hãy cố gắng đừng thất vọng nếu một chuỗi ngày tồi tệ khiến bạn của bạn có vẻ như không bao có thể cải thiện được.

Trầm cảm không có một lịch trình phục hồi rõ ràng. Việc mong đợi người bạn của bạn trở lại với con người bình thường của họ sau một vài tuần điều trị sẽ không giúp ích gì cho cả hai.

Giữ liên lạc

Để cho người bạn của bạn biết rằng bạn vẫn quan tâm đến họ khi họ đang tiếp tục vượt qua chứng trầm cảm có thể là điều hữu ích.

Ngay cả khi bạn không thể dành nhiều thời gian cho họ, hãy thường xuyên liên lạc với họ thông qua việc nhắn tin, gọi điện thoại hoặc ghé thăm nhanh. Ngay cả việc gửi một tin nhắn nhanh với nội dung “Tôi luôn nghĩ đến bạn và tôi quan tâm đến bạn” cũng có thể giúp ích.

Những người mắc chứng trầm cảm có thể trở nên thu mình hơn và tránh tiếp cận với người khác, vì vậy bạn có thể sẽ phải cố gắng hơn để duy trì tình bạn giữa hai người. Tuy nhiên, việc duy trì sự hiện diện đầy tích cực và ủng hộ của bạn trong cuộc sống của họ có thể tạo nên sự khác biệt cho họ, ngay cả khi họ không thể bày tỏ điều đó với bạn vào lúc này.

Hiểu biết về các dạng khác nhau của trầm cảm

Trầm cảm thường liên quan đến sự buồn bã hoặc tâm trạng tồi tệ, nhưng nó cũng bao gồm những triệu chứng ít được biết đến khác.

Ví dụ, nhiều người không nhận ra rằng trầm cảm có thể bao gồm:

  • giận dữ hoặc cáu kỉnh
  • nhầm lẫn, gặp khó khăn khi ghi nhớ hoặc khó tập trung
  • mệt mỏi quá mức hoặc gặp các vấn đề về giấc ngủ
  • các triệu chứng thể chất như đau bụng, đau đầu thường xuyên hoặc đau lưng và đau các cơ

Bạn của bạn có thể thường có tâm trạng tồi tệ, hoặc luôn cảm thấy kiệt sức. Hãy nhớ rằng những cảm xúc của họ vẫn là một phần của chứng trầm cảm, ngay cả khi chúng không phù hợp với các phiên bản khuôn mẫu của trầm cảm.

Ngay cả khi bạn không biết làm thế nào để giúp họ cảm thấy tốt hơn, bạn chỉ cần nói “Tôi lấy làm tiếc vì bạn đang cảm thấy như vậy. Tôi ở đây để làm những gì có thể giúp đỡ được cho bạn”.

Những điều nên tránh

Quy về bản thân

Chứng trầm cảm của họ không phải là lỗi của bạn, đó cũng không phải là lỗi của họ.

Cố gắng đừng tự trách bản thân nếu họ có vẻ giận dữ hoặc bực tức với bạn, liên tục hủy (hoặc quên) các kế hoạch hoặc không muốn làm gì nhiều.

Một lúc nào đó, bạn có thể cần phải rời xa người bạn của mình trong một khoảng thời gian. Bạn có thể dành không gian cho bản thân nếu cảm thấy kiệt quệ về mặt cảm xúc, nhưng bạn cũng nên tránh đổ lỗi cho họ hoặc nói những điều có thể góp phần vào cảm xúc tiêu cực của họ.

Thay vào đó, hãy cân nhắc trò chuyện với nhà trị liệu hoặc một người hỗ trợ khác về những cảm xúc của bạn.

Cố gắng “sửa chữa” họ

Trầm cảm là một tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng cần được trị liệu chuyên nghiệp.

Rất khó để có thể hiểu rõ được người mắc chứng trầm cảm cảm thấy như thế nào nếu bạn chưa từng trải qua trầm cảm, nhưng đây không phải là thứ có thể được chữa khỏi bằng một vài câu nói như “Bạn nên cảm thấy biết ơn về những điều tốt lành trong cuộc sống” hay “Đừng suy nghĩ đến những điều buồn bã nữa”.

Nếu bạn không nói những điều như vậy với một người mắc các bệnh như tiểu đường hoặc ung thư, có lẽ bạn không nên nói điều đó với người bạn mắc chứng trầm cảm của mình.

Bạn có thể khích lệ sự tích cực (mặc dù bạn của bạn có thể sẽ không phản hồi) bằng cách nhắc họ về những điều mà bạn thích ở họ – đặc biệt là khi có vẻ như họ chỉ nói về những điều tiêu cực.

Sự hỗ trợ tích cực có thể cho bạn của bạn biết rằng họ thực sự quan trọng đối với bạn.

Đưa ra lời khuyên

Mặc dù một số thay đổi trong lối sống thường giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm, nhưng những thay đổi này khó có thể thực hiện khi một người đang trong giai đoạn trầm cảm.

Xem bài viết  Anhedonia

Bạn có thể muốn giúp đỡ bằng cách đưa ra lời khuyên, chẳng hạn như tập thể dục nhiều hơn hoặc ăn một chế độ ăn uống cân bằng. Nhưng ngay cả khi đó là một lời khuyên tốt, bạn của bạn có thể không muốn nghe nó vào lúc này.

Có thể sẽ có lúc mà bạn của bạn muốn tìm hiểu về những loại thực phẩm có thể giúp giảm chứng trầm cảm hoặc cách tập thể dục có thể làm giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, cho đến lúc đó, tốt nhất là bạn nên lắng nghe một cách đồng cảm và tránh đưa ra lời khuyên cho đến khi được hỏi.

Hãy tạo cơ hội cho những thay đổi tích cực bằng cách rủ họ đi dạo hoặc cùng nhau nấu một bữa ăn đầy dinh dưỡng.

Giảm nhẹ hoặc so sánh trải nghiệm của họ

Nếu bạn của bạn nói về chứng trầm cảm của họ, bạn có thể muốn nói những điều như, “Tôi hiểu” hoặc “Tất cả chúng ta đều đã từng trải qua chuyện đó” Nhưng nếu bạn chưa bao giờ tự mình đối mặt với chứng trầm cảm, điều này có thể làm giảm nhẹ cảm xúc của họ.

Trầm cảm không chỉ đơn giản là cảm thấy buồn hoặc chán nản. Nỗi buồn thường trôi qua khá nhanh, trong khi trầm cảm có thể kéo dài và ảnh hưởng đến tâm trạng, các mối quan hệ, công việc, học tập và tất cả các khía cạnh khác của cuộc sống trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

So sánh những gì họ đang trải qua với những rắc rối của người khác hoặc nói những điều như “Mọi thứ có thể tồi tệ hơn nhiều” thường không giúp ích được gì.

Nỗi đau của họ là điều có thật đối với họ ở hiện tại, và việc công nhận nỗi đau đó là điều có thể giúp họ nhiều nhất.

Hãy nói điều gì đó như, “Tôi không thể tưởng tượng được việc đó khó giải quyết như thế nào. Tôi biết tôi không thể làm cho bạn cảm thấy tốt hơn, nhưng hãy nhớ rằng bạn không đơn độc. “

Giữ lập trường về việc sử dụng thuốc

Việc dùng thuốc có thể rất hữu ích đối với bệnh trầm cảm, nhưng nó không hiệu quả với tất cả mọi người.

Một số người không thích tác dụng phụ của thuốc và thích trị liệu chứng trầm cảm bằng các liệu pháp hoặc các biện pháp tự nhiên. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng bạn của mình nên dùng thuốc chống trầm cảm, hãy nhớ rằng việc lựa chọn dùng thuốc là một quyết định cá nhân.

Tương tự như vậy, nếu cá nhân bạn không tin vào thuốc, hãy tránh nhắc đến việc này khi nói chuyện với họ. Đối với một số người, thuốc là thứ giúp họ có thể hoàn toàn tham gia vào các liệu pháp trị liệu và bắt đầu thực hiện các bước để phục hồi.

Suy cho cùng, việc một người mắc chứng trầm cảm có dùng thuốc hay không là một quyết định rất cá nhân. Đó thường là quyết định tốt nhất cho họ và chuyên gia chăm sóc sức khỏe của họ.

Thời điểm cần có sự can thiệp

Trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ tự tử hoặc tự gây thương tích cho bản thân, vì vậy việc nhận biết các dấu hiệu sẽ trở nên rất hữu ích.

Một số dấu hiệu có thể cho thấy bạn của bạn đang có những ý định tự tử nghiêm trọng bao gồm:

  • thay đổi tâm trạng hoặc tính cách thường xuyên
  • nói về cái chết
  • mua vũ khí
  • gia tăng sử dụng chất
  • có những hành vi liều lĩnh hay nguy hiểm
  • vứt bỏ đồ đạc hoặc cho đi những vật sở hữu có giá trị
  • nói về cảm giác bị mắc kẹt hoặc muốn có một lối thoát
  • xa lánh mọi người hoặc nói rằng họ muốn được ở một mình
  • nói lời tạm biệt với nhiều cảm xúc hơn bình thường

Nếu bạn cho rằng người bạn của mình đang có ý định tự tử, hãy thúc giục họ gọi cho bác sĩ trị liệu khi bạn ở bên cạnh, hoặc hỏi xem bạn có thể gọi điện giúp cho họ hay không.

Bạn cũng có thể đưa họ đến phòng cấp cứu. Nếu có thể, hãy ở bên họ cho đến khi họ không còn cảm giác muốn tự tử. Hãy đảm bảo rằng họ không thể tiếp cận với bất kỳ vũ khí hoặc loại thuốc nào.

Nếu bạn quan tâm đến người bạn của mình, bạn sẽ có thể lo lắng rằng việc nhắc đến vấn đề tự tử sẽ khuyến khích ý định của họ hơn, nhưng thông thường, trò chuyện về vấn đề này là điều hữu ích.

Hãy hỏi bạn của bạn xem họ đã nghiêm túc xem xét việc tự tử hay chưa. Họ có thể muốn trò chuyện với ai đó về vấn đề này nhưng không biết cách nào để mở lời.

Hãy khuyến khích họ nói chuyện với bác sĩ trị liệu về những suy nghĩ đó nếu họ chưa nói. Hãy đề nghị giúp họ lập một phương án an toàn phòng trường hợp họ nghĩ rằng sẽ hành động theo những suy nghĩ đó.

Nguồn: https://www.healthline.com/health/how-to-help-a-depressed-friend#how-to-help

Leave a Comment

Scroll to Top