Tranquil

Đặt Hy Vọng Thực Tế

Cô Melanie, 47 tuổi, đối tác của một công ty xây dựng hàng đầu ở Boston, không thể chấp nhận sự thật rằng mình đang ngồi trước bức tranh tại phòng chờ của một phòng khám. Ngồi đó, cô nghĩ về người cố vấn của cô ở đại học, người đã cảnh báo cô rằng sẽ không dễ dàng gì để cô thành công trong một lĩnh vực mà nam giới luôn dẫn đầu. Nhưng cô là một chiến binh và không dễ bị nhụt chí. Những cấp trên của cô đã mau chóng nhận ra năng lực của cô, cô liên tục được khen thưởng và được giao nhiều trách nhiệm lớn hơn. Thật vậy, đời sống cá nhân và công việc của cô chẳng khác sự mô tả trong sách giáo khoa về cách con người sử dụng sự khéo léo và gan dạ để vượt qua những trở ngại nghiệt ngã. Nhưng lần này thì khác. Cơ thể cô đang phản bội cô rồi. Cô có thể đối phó với tình trạng sụt cân không rõ nguyên nhân và sắc vàng chiếm lấy màu mắt cô. Nhưng rồi cơn đau ập đến. Nỗi đau thấu xương, buồn tẻ, quằn quại. Cơn đau đã khiến cô phải tìm đến sự chăm sóc y tế. Trong vòng một tuần, mọi thứ đã hoàn tất. Cô được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy.

Trong văn phòng của cô, bác sĩ Tamika đang xem các bản chụp PET và nghĩ xem nên nói thế nào với Melanie. Sau 20 năm làm công việc này, có vẻ như người bác sĩ hiểu rằng những cuộc trò chuyện thế này chỉ làm mọi thứ khó khăn hơn. Chắc hẳn người sáng dạ như Melanie cũng đã tra google về ung thư tuyến tụy, và nhìn thấy những từ khóa đáng sợ (gây chết người, tàn khốc) và những lời người ta thường nhắc khi nói đến căn bệnh đặc biệt quái ác này. Không nghi ngờ gì nữa, cô đã hiểu rằng tỉ lệ khả năng sống sót lâu dài của người mắc căn bệnh này chẳng là bao nhiêu. Bác sĩ Tamika muốn cho cô hy vọng. Nhưng mà, trong những trường hợp này, chẳng phải có đôi chút không trung thực khi nhắc đến hy vọng sao? Bác sĩ Tamika cân nhắc, thay vào đó, có lẽ cô nên thẳng thắn bàn với Melanie về những điều cô muốn làm trong thời gian còn lại, chuẩn bị cho viễn cảnh rằng cô ấy chỉ còn vài tháng nữa. Như vậy có vẻ trung thực hơn, nhưng vậy thì chẳng khác nào dập tắt hy vọng của Melanie?

Những suy nghĩ của bác sĩ Tamika chính là thứ mà chúng tôi gọi là “ràng buộc kép của hy vọng”. Những bác sĩ ung thư và các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân nặng như Melanie thường phải đối mặt với những tình thế khó khăn như vậy. Một mặt, họ lo rằng việc chia sẻ toàn bộ sự thật có thể dập tắt hy vọng của bệnh nhân, khiến họ tuyệt vọng. Tuy nhiên, khi làm ngược lại thì việc không cung cấp chính xác đầy đủ thông tin bệnh lý liên quan hoặc tỏ ra quá lạc quan về thông tin đó có thể khiến bệnh nhân quà kỳ vọng, khiến họ và gia đình không có thời gian và không gian để chuẩn bị tinh thần cho những điều sắp tới.

Kẹt trong sự ràng buộc này, các bác sĩ đành phải bó tay và muốn kết luận rằng công việc của họ không cần phải quan tâm đến hy vọng của ai cả. Tuy vậy, làm vậy cũng không ổn chút nào. Bởi lẽ, dù ta có bỏ qua nhu cầu hy vọng của người khác thì nhu cầu kia vẫn sẽ còn đó mà thôi.

Tình thế này xuất phát từ một quan điểm rất hạn hẹp – một quan điểm thường được áp dụng trong thế giới y tế – coi mức độ ‘hy vọng’ với khả năng ‘chữa khỏi bệnh’ là luôn ngang nhau. Nếu chúng ta chấp nhận điều này, nghĩa là chúng ta chấp nhận hy vọng đơn giản là không dành cho những bệnh nhân không thể được chữa khỏi, tất nhiên, trừ khi họ từ chối tin vào sự thật.

Tuy vậy, lựa chọn hy vọng có thể dẫn đường cho các bác sĩ sẵn sàng đi theo một nghiên cứu mới về tâm lý học và tiếp thu thêm những hiểu biết về hy vọng – bao gồm cả hy vọng khi đối mặt với sự thật tàn nhẫn. Và bởi vì những thực tế tàn khốc luôn tràn ngập cuộc sống của ta không chỉ riêng bệnh tật, sự hiểu biết mới này cũng có thể mang lại giá trị bất kể chúng ta đang đối mặt với khó khăn gì.

Hy vọng không phải là mơ tưởng, cũng không là lạc quan hay “sức mạnh của suy nghĩ tích cực”. Dĩ nhiên, không có gì sai khi ta lạc quan. Nghiên cứu cho thấy sự lạc quan có thể mang đến nhiều lợi ích. Nhưng điều đó không có nghĩa là hy vọng cũng như vậy. Từ điển Cambridge định nghĩa lạc quan là “cảm giác rằng trong tương lai, những điều tốt đẹp nhiều khả năng sẽ xảy ra hơn là những điều xấu”. Các nhà tâm lý học có sức ảnh hưởng là Charles Carver và Michael Scheier, những người đã xây nên sự nghiệp nhờ nghiên cứu về sự lạc quan, mô tả sự lạc quan là xu hướng tin rằng mọi kết quả trong cuộc sống đều sẽ tốt lành, thuận lợi hoặc như mong ước. Nói cách khác, những người lạc quan tin rằng mọi thứ luôn diễn ra theo chiều hướng tốt hơn. Tương lai nhất định sẽ tốt. Vì lý do này, người ta thường nói họ luôn nhìn cuộc sống thông qua chiếc thấu kính màu hồng.

Tuy nhiên, hy vọng không giống với suy nghĩ lạc quan. Hy vọng có thể áp dụng ngay cả khi tỉ lệ thành công mà ta có rất mong manh. Đó là vì hy vọng đúng đắn không có nghĩa là sống trong một thế giới ảo tưởng mà là trong chính thế giới này. Thí dụ, nó không hề phủ nhận những khổ đau.

Quyển sách Supersurvivors (2014) – đồng tác giả là một trong số bọn tôi, David B Feldman, với Lee Daniel Kravetz – kể về 16 người sống sót vượt qua bi kịch và những chấn thương tâm lý – những người đã tiếp tục làm thế giới tốt đẹp hơn. Xuyên suốt trong những lời thoại của câu chuyện nhắc đến “hy vọng thực tế”. Mặc dù tất cả những người sống sót này đều mang tinh thần hy vọng, hướng về tương lai, họ cũng có cơ sở vững chắc về thực tế trong tình huống của họ. Khi James Cameron, người duy nhất sống sót sau cuộc bạo động năm 1930, thành lập chương đầu tiên của Hiệp hội Quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) ở Anderson, Indiana, đấu tranh để chống phân biệt chủng tộc về nơi ở tại Milwaukee, Wisconsin, và cuối cùng thành lập Bảo tàng về Thảm sát người da đen của Mỹ, ông không ảo tưởng rằng thế giới là một nơi tuyệt vời nơi mọi thứ đều tốt đẹp. Ngược lại, ông hiểu được những khó khăn nghiệt ngã mà ông sẽ phải đối mặt, nhưng luôn vững tin rằng những nỗ lực của ông, dù thế nào, cũng sẽ góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Mỹ da đen. Như lời ông viết trong cuốn tự truyện A Time of Terror (1982): “Với đức tin và lời cầu nguyện mãi mãi, tôi luôn quyết tâm hướng thẳng trên con đường mình đã chọn.”

Khi con người có hy vọng, mục tiêu của họ sẽ dễ đạt được hơn

Cũng như Cameron, những người luôn đấu tranh không nhất thiết là vì họ nhìn thế giới qua lăng kính màu hồng. Tương tự như vậy, các nhà khoa học đã dũng cảm đấu tranh để chấm dứt đại dịch COVID-19 hay các bệnh nhân ung thư chọn cách điều trị với tác dụng phụ đau đớn đều biết rằng con đường phía trước rất khó đi, nhưng họ vẫn tiếp tục vì họ đã tìm thấy cho mình những mục tiêu đáng để họ tiếp tục đấu tranh. Đó là nguồn hy vọng của họ.

Xem bài viết  Làm thế nào để "Ngôi Nhà Thứ Hai" thành nơi ta muốn trở về?

Hy vọng về bản chất là sự nhận thức. Tuy nhiên, không giống như nhiều nhận thức khác, nhận thức này có khả năng tạo ra thực tế. Hầu hết thời gian, chúng ta cho rằng thực tế tạo ra nhận thức. Ngay bây giờ, hãy nhìn xung quanh bạn và chú ý đến các vật. Tất cả chúng đều tồn tại trong thực tế trước khi bạn nhận thức được chúng. Nhưng hy vọng lại là một loại nhận thức đặc biệt: đó là nhận thức về điều gì đó chưa tồn tại. Đó là nhận thức về những khả năng.

Nghiên cứu cho thấy rằng, khi mọi người có hy vọng, mục tiêu của họ sẽ nhiều khả năng trở thành hiện thực. Trong một nghiên cứu trên Tạp chí Tâm lý Xã hội và Lâm sàng vào năm 2009, Feldman và các đồng nghiệp đã yêu cầu các sinh viên đại học kể tên 7 mục tiêu mà họ muốn đạt được trong vòng vài tháng tới. Sau đó, các sinh viên trải qua một bài kiểm tra tâm lý ngắn gọn, được gọi là Thang điểm Hy vọng cho từng mục tiêu cụ thể. Ba tháng sau, họ được yêu cầu nhìn lại danh sách các mục tiêu và đánh giá tiến độ mà họ đã làm được cho mỗi mục tiêu. Kết quả rất dễ hiểu: những sinh viên đặt hy vọng lớn hơn cho mục tiêu của mình đã có tỉ lệ báo cáo rằng họ đã hoàn thành mục tiêu cao hơn.

Đây không phải là vì hy vọng có sức mạnh kỳ diệu. Đó là bởi vì, khi con người tin rằng họ có thể đạt được mục tiêu, nhiều khả năng họ sẽ tiến hành biến mục tiêu đó thành hiện thực.

Loại hy vọng này đi ngược lại một câu nói khá phổ biến: “Hy vọng không phải là chiến lược.” Tất nhiên, đúng là cảm giác hy vọng đơn thuần không thể nào là một chiến lược: mặc dù cảm giác đó có thể vực chúng ta dậy khi ta thất vọng, nó chẳng thể giải quyết được vấn đề nào của ta.

Nhưng hy vọng không chỉ là cảm giác. Nó là một cách suy nghĩ thúc đẩy khiến chúng ta hành động. Nữ diễn viên Jane Fonda chắc chắn cũng có ý như vậy khi cô phát biểu: “Hy vọng là chủ nghĩa tích cực.”

Khẳng định của cô rất hợp với kiểu mô hình hy vọng được nghiên cứu rộng rãi nhất trong các tài liệu tâm lý học, được biết đến với tên gọi đơn giản là Lý thuyết Hy vọng. Mặc dù được gọi là một ‘lý thuyết’, mô hình này đã được hàng trăm nghiên cứu xây dựng kể từ khi lần đầu tiên được nhà tâm lý học C R Snyder đề xuất vào năm 1989.

Snyder đã áp dụng một phương pháp rất cơ bản. Trong suốt một năm nghỉ phép công việc của mình tại Đại học Kansas, anh đã tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cộng đồng, bao gồm các chính trị gia, giáo sĩ, nhà giáo dục và các lãnh đạo doanh nghiệp, nhờ họ kể tên những người nhiều hy vọng nhất mà họ biết, bất kể họ định nghĩa hy vọng là gì. Sau đó, ông đã phỏng vấn nhiều nhất có thể những người theo danh sách mà họ kể tên. Ông phát hiện, những người ấy mang một cái nhìn đơn giản nhưng lại mạnh mẽ đáng ngạc nhiên về hy vọng.

Cụ thể, ông nhận ra rằng những người đầy hy vọng có ba điểm chung – mục tiêu, con đường và năng lực tự quyết. Mặc dù Snyder gọi đây là ba “thành tố” của hy vọng, có thể sẽ hợp lý hơn nếu ta coi chúng là ba điều kiện để hy vọng phát triển.

Trong thế kỷ trước, con người đã học cách bay, đã hạ cánh trên Mặt trăng, nối mạng cho toàn cầu, và xóa sổ vô số bệnh dịch

Đầu tiên, những người nhiều hy vọng được phỏng vấn bởi ông hiểu rõ mục tiêu của họ là gì và luôn gắn bó với những mục tiêu đó. Nói cách khác, họ có một điều gì đó để hy vọng. Mặc dù từ “mục tiêu” thường gợi nhắc hình ảnh về những mục đích như được tăng lương hay tốt nghiệp, Snyder nhận thấy rằng mục tiêu của mọi người luôn được phân bổ trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống, từ những mục tiêu nghề nghiệp đến mong muốn xã hội hoặc thậm chí tinh thần. Trên thực tế, các mục tiêu được truyền cảm hứng từ các giá trị cá nhân được ta trân trọng nhất có xu hướng tạo ra nhiều động lực và sự mãn nguyện hơn.

Thứ hai, những người nhiều hy vọng được phỏng vấn bởi Snyder có những lộ trình – thường được gọi là kế hoạch hoặc chiến lược mà họ tin rằng sẽ giúp họ hướng đến mục tiêu của mình. Nói cách khác, họ tin rằng luôn có điều gì đó mà họ có thể làm để đạt được những mục tiêu mong muốn. Theo Lý thuyết Hy vọng, khi con người không hành động, lý do thường là vì họ không tin rằng có bất kỳ con đường nào dẫn tới mục tiêu của mình hoặc nếu có một con đường thì nó lại quá dài hoặc quá khó đi. Tuy nhiên, những người mang hy vọng sẽ có cách chia nhỏ các con đường phức tạp hay khó khăn thành một loạt các đoạn nhỏ hơn để họ có thể giải quyết từng bước một. Dù vậy, họ không ảo tưởng rằng mọi cách của họ đều đem lại kết quả. Họ hiểu rằng việc những điều xấu xảy ra là rất hiển nhiên. Vì vậy, do hiểu được một số kế hoạch của mình có thể sẽ chẳng đi tới đâu, họ có xu hướng thử nhiều con đường khác nhau.

Cuối cùng, những người được phỏng vấn bởi Snyder có một niềm tin vững chắc vào khả năng của họ, cái mà anh ấy gọi là “năng lực tự quyết”. Dù nhận ra mình sẽ gặp nhiều khó khăn để đạt được mục tiêu, trong thâm tâm họ vẫn tin rằng họ sẽ có thể đạt được nó nếu họ tiếp tục cố gắng. Như trong quyển sách nổi tiếng dành cho trẻ em của Watty Piper, The Little Engine That Could (1930), những niềm tin như “tôi nghĩ rằng mình có thể” đã tiếp thêm hy vọng và thúc đẩy họ hành động.

Theo một cách khác, khác xa với suy nghĩ tích cực nhưng ngây thơ, hy vọng là sự góp mặt của niềm tin mang tính thực tế và hướng tới tương lai, thúc đẩy nỗ lực của chúng ta để mang lại một tương lai tốt đẹp hơn. Như Barack Obama đã bày tỏ trong tựa đề cuốn sách Hy vọng Táo bạo (The Audacity of Hope) 2006 của mình, hy vọng thật táo bạo. Nó bao gồm một cái nhìn thực tế, nhưng cũng phải đủ dũng cảm để tin rằng một tương lai tốt đẹp hơn là hoàn toàn khả thi. Một số người có thể cho rằng đó là liều lĩnh dại dột, nhưng nhiều mục tiêu mà người ta từng tin rằng không thể nào thực hiện được hóa ra lại có thể. Trong thế kỷ trước, loài người đã học bay, hạ cánh trên Mặt trăng, nối mạng toàn cầu và xóa bỏ hay giảm đáng kể các dịch bệnh từng hoành hành một thời như bại liệt và đậu mùa.

Xem bài viết  Chính sách bảo mật

Kể từ đầu những năm 1990, hàng trăm nghiên cứu đã chỉ ra rằng kiểu hy vọng này có mối liên kết mạnh mẽ đến sức khỏe tâm lý và thể lý.

Việc kiểm tra mối liên hệ giữa hy vọng và sức khỏe tinh thần tương đối đơn giản đối với các nhà nghiên cứu. Các nghiên cứu thường bao gồm việc thực hiện các kiểm tra sức khỏe trên nhiều người, đi kèm với việc cho họ thực hiện một bài kiểm tra tâm lý về hy vọng – thường là bài kiểm tra 12 mục về con đường và năng lực tự quyết được gọi đơn giản là Thang Hy vọng. Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi các nghiên cứu này phát hiện ra rằng người mang hy vọng lớn hơn sẽ có mức độ trầm cảm và lo âu thấp hơn. Theo nhiều cách, hy vọng đối nghịch với những cảm xúc đó. Trong khi trầm cảm thường khiến chúng ta tin rằng không có biện pháp nào giúp ta vượt qua được, khi ta có hy vọng, ta sẽ tin vào điều ngược lại. Tương tự, nếu nỗi lo âu biết nói, có thể những lời của nó sẽ là: Những chuyện xấu đang ập đến và không có cách nào để ngăn chặn chúng. Mặt khác, hy vọng còn có thể phản ứng: Ngay cả khi điều không hay xảy ra, bạn vẫn có thể xử lý chúng và vẫn có thể đạt được những mục tiêu mà bạn xem là quan trọng nhất.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho rằng hy vọng có thể giúp sức khỏe thể chất tốt hơn. Những người mang hy vọng cao hơn thường cũng có tỉ lệ là người không hút thuốc, tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh cao hơn. Sau chấn thương nghiêm trọng, họ sẽ có nhiều khả năng phục hồi sức khỏe và thậm chí có chức năng tốt hơn về sau.

Hy vọng cũng giúp người gặp đau đớn về thể lý đối phó tốt hơn với cơn đau, bao gồm cả những người bị liệt do chấn thương tủy sống hay các thanh thiếu niên sống sót sau khi bị bỏng nặng. Trong một nghiên cứu tuy đơn giản nhưng lại minh họa rất tốt cho mối liên hệ giữa hy vọng và nỗi đau, các nhà nghiên cứu yêu cầu mọi người điền vào Thang Hy vọng và sau đó trải qua thử thách mang tên ‘ép lạnh’: nhấn bàn tay bên không thuận của họ (thường là bên trái) vào bồn nước rất lạnh và giữ tay trong đó càng lâu càng tốt. Những người với hy vọng cao giữ tay của họ trong nước lâu hơn gần 30 giây so với những người có hy vọng thấp, với tổng thời gian trung bình là khoảng 2 phút. Đó là một khoảng thời gian dài, vì chỉ sau 3-4 phút, bàn tay có thể bị tê liệt và tổn thương các mô.

Người cho rằng mình mang nhiều hy vọng hơn có tỉ lệ sống sót cao hơn

Khả năng chịu đau cao hơn này có thể dẫn đến, dù ít hay nhiều, xu hướng giảm cảm giác đau đớn. Không phải vì những người mang hy vọng cao không cảm thấy đau. Chỉ là vì có thể họ tập trung nhiều hơn vào các mục tiêu mà họ đang cố gắng đạt được. Do những gì chúng ta tập trung vào có xu hướng trở nên mạnh mẽ hơn về tri giác (và những gì chúng ta không tập trung vào sẽ trở nên yếu hơn về tri giác), điều này có thể dẫn đến sự suy giảm nhận thức về cơn đau. Về tâm lý, nó giống như việc nhìn đi chỗ khác giúp ta thấy ít đau đớn hơn khi ta sắp bị bắn vào tay.

Bên cạnh những phát hiện này, có bằng chứng mới đây thậm chí còn cho thấy hy vọng có thể dự đoán tuổi thọ ở những người mắc bệnh ung thư. Cùng với các cộng sự tôi Marie Bakitas, Jay Hull và Mark O’Rourke, chúng tôi gần đây đã phân tích lại dữ liệu của hơn 500 bệnh nhân gặp ung thư giai đoạn cuối đang thuộc diện được chăm sóc giảm nhẹ. Chúng tôi chia dữ liệu của họ thành hai nhóm lớn – những người có hy vọng cao và những người có hy vọng thấp – và kiểm tra xem liệu những bệnh nhân có hy vọng cao hơn có sống lâu hơn hay không. Điều quan trọng cần lưu ý là chúng tôi đã không thể sử dụng Thang Hy vọng 12 mục như thường lệ trong nghiên cứu này, nguyên do là vì chúng tôi đang làm việc với những dữ liệu đã được thu thập từ trước. Thay vào đó, chúng tôi xác định những người có hy vọng cao hay thấp thông qua ba câu hỏi đơn giản yêu cầu họ tự đánh giá mức độ đồng ý của mình đối với những câu như “Tôi cảm thấy hy vọng”. Thật ngạc nhiên, những người cho là bản thân có hy vọng cao hơn thực sự có xu hướng sống lâu hơn những người đánh giá hy vọng của mình thấp hơn.

Hãy nhớ rằng những người trong nghiên cứu này đang bệnh rất nặng. Tất cả họ đều mắc ung thư giai đoạn cuối và các bác sĩ ước tính họ chỉ có khả năng sống tiếp được trong vòng một hoặc hai năm. Có lẽ, hầu hết họ đều biết rằng bệnh của mình không còn chữa được nữa. Tuy nhiên, hy vọng đã giúp họ sống lâu hơn. Vậy, họ đã hy vọng điều gì?

Câu hỏi sẽ có vẻ vô lý nếu ta cho rằng “hy vọng” và “chữa khỏi bệnh” luôn ngang nhau. Tuy nhiên, định nghĩa của Snyder về hy vọng cho thấy lý do tại sao quan niệm này không hẳn là đúng. Hy vọng có thể tồn tại bất cứ khi nào con người vẫn còn đó một mục tiêu mà họ quan tâm, tin rằng tồn tại những cách thức có thể giúp họ đến chạm đến mục tiêu đó và cảm thấy có được tiếp sức bởi khả năng tự quyết của mình.

Tất nhiên, hy vọng có thể được bồi đắp với mục đích chữa bệnh. Với những tiến bộ gần đây trong điều trị ung thư, nhiều người rất hy vọng sẽ khỏi bệnh. Hơn nữa, con người đôi khi lại sống lâu hơn so với dự tính của bác sĩ. Tuy vậy, khi không thể chữa khỏi mặc cho sự nỗ lực hết mình của bác sĩ, bệnh nhân và gia đình, điều đó không có nghĩa là hy vọng cũng không còn.

Vài năm trước, Feldman và các trợ lý của ông đã đến thăm gia đình của nhiều người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối ở nhà an dưỡng cuối đời. Bởi vì lựa chọn dịch vụ an dưỡng cuối đời có nghĩa là họ không còn được chữa trị nữa, họ tò mò liệu những bệnh nhân này có còn hy vọng hay không. Vì vậy, họ đã thực hiện khảo sát Thang Hy vọng và nhận thấy rằng, thực sự, mức độ hy vọng của những bệnh nhân này cũng cao ngang với những người được tiếp tục chữa trị, mặc dù chỉ một phần ba trong số họ bảo rằng họ đặt mục tiêu được chữa khỏi bệnh. Vậy, họ hy vọng điều gì? Họ kể về vô số những hy vọng đẹp đẽ, bao gồm ‘tiếp tục với sở thích chụp ảnh’, ‘thử ngồi trên trực thăng’, ‘viết lách về cuộc sống của mình’, ‘dành thời gian chơi cùng các cháu’, ‘truyền lại những thứ của tôi cho mọi người, và “tận hưởng những ngày còn lại”. Đối với những bệnh nhân này, hy vọng vẫn lớn, ngay cả trong tình huống có vẻ như rất vô vọng.

Xem bài viết  Bạn Có Tử Tế Với Chính Mình Không?

Trường hợp của một bệnh nhân tên là Ned có lẽ minh họa tốt nhất cho niềm hy vọng trong tình cảnh này. Một cụ ông vô cùng hài hước, ông đã dành cả đời để sưu tầm những trò đùa. Thực tế thì Ned biết hơn 1.000 trò đùa như thế. “Và nhiêu đó là chưa kể những trò đùa ‘dơ’ đấy nhé,” ông thường vừa kể vừa cười. Ở tuổi 84, khi căn bệnh suy tim mà ông đã sống cùng trong vài năm bắt đầu tiến triển nghiêm trọng và ông chẳng thể tự chăm sóc bản thân tại nhà, ông đã nhập viện điều trị nội trú. Vào một buổi tối muộn, một nhân viên đã tình cờ phát hiện ông đang lặng lẽ khóc trong phòng mình. Khi cô nhẹ nhàng hỏi Ned đang nghĩ gì, ông trả lời: ‘Tất cả những trò đùa của tôi sẽ đi cùng với tôi. Các cháu của tôi sẽ không bao giờ nghe chúng được nữa.”

Đáp lại, cô gợi ý Ned viết chúng ra, cô cho ông mượn bút và một quyển sổ. Ông đã vui vẻ và nhiệt tình lấp đầy từng trang bằng những trò đùa của mình. Tuy nhiên, vào thời điểm ông nhận được quyển sổ thứ hai, ông đã không còn đủ sức để viết. Vì vậy, các nhân viên nhà an dưỡng đã thay phiên nhau ngồi bên giường ông, viết ra những gì ông đọc. Sau đó, khoảng một tuần, Ned đưa ra một yêu cầu kì lạ. “Tôi muốn biểu diễn một vở hài kịch độc thoại,” ông nói. Đội ngũ chăm sóc nhiệt tình đồng ý. Tinh thần của anh ấy đã tốt lên đáng kể trong vài ngày sau đó. Và rồi, 72 giờ sau, thời khắc quan trọng đã đến. Gần như toàn bộ nhân viên tập trung cùng với các bệnh nhân khác để xem ông biểu diễn. Nằm trên chiếc giường đã được đẩy ra hành lang, ông đã mang đến một buổi biểu diễn tuyệt vời. Khán giả của ông cười nắc nẻ và khuôn mặt ông rạng rỡ niềm vui. Vào khoảnh khắc đó và cả những ngày mà ông dành để chuẩn bị, ông đã có đủ các yếu tố để hy vọng phát triển: một mục tiêu thực sự có ý nghĩa đối với ông, một cách để đạt được nó và khả năng quyết định biến nó thành hiện thực. Mặc dù Ned đã qua đời chỉ một tuần sau đó, nhưng ông biết rằng ông đã tặng cho khán giả của mình – và cho chính bản thân ông – món quà ý nghĩa nhất mà ông có thể tưởng tượng ra.

Tích cực hy vọng chính là động cơ tâm lý thúc đẩy mọi người nỗ lực đạt được mục tiêu

Hầu hết chúng ta khó có thể hình dung được những người mắc bệnh nan y như Ned cảm thấy thế nào. Tuy vậy, sự thật rằng họ vẫn có thể hy vọng cho ta thấy rằng sự ràng buộc kép được đề cập ở đầu bài viết này là sai lệch. Sự thật, dù có nghiệt ngã, cũng không khiến con người mất đi hy vọng. Hy vọng có thể được sinh ra ngay cả trong những tình huống có vẻ vô vọng.

Đó là cái nhìn sâu sắc mà có lẽ nó quan trọng hơn bao giờ hết. Rõ ràng, hai năm qua là một trong những khoảng thời gian đau thương nhất trong kí ức gần đây đối với nhiều người. Vào ngày 11 tháng 3 năm 2020, COVID-19 đã được Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố là đại dịch. Cùng kể từ đó, hàng triệu người đã trở thành nạn nhân của căn bệnh khủng khiếp này. Cùng lúc đó, thế giới của chúng ta cũng quay cuồng với sự phân biệt chủng tộc đang, những bất ổn chính trị và thiên tai, bên cạnh nhiều thảm họa khác. Ít ai lại sử dụng từ “hy vọng” để mô tả thời kỳ này. Thay vào đó, những từ như “bi kịch” và “đau lòng” sẽ nảy ra khi nhắc đến nó. Mọi người sợ hãi, buồn bã, tức giận và đau buồn.

Để dễ hiểu hơn, hy vọng sẽ không thể nào chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc, xóa sổ COVID-19, chữa khỏi bệnh ung thư hoặc mang lại ngay lập tức bất kỳ kết quả quan trọng nào một cách thần kì. Dù vậy, hy vọng tích cực lại là động cơ tâm lý thúc đẩy mọi người nỗ lực tiến lên. Như nhà tiểu luận – nhà hoạt động Rebecca Solnit đã viết trên tờ The Guardian vào năm 2016:

Đối thủ của bạn sẽ rất vui nếu bạn cảm thấy vô vọng, thấy mình không có sức mạnh, không có lý do gì để hành động, và không thể chiến thắng. Hy vọng là món quà mà bạn không được đánh mất, là sức mạnh mà bạn không được vứt bỏ.

Bất kể đối thủ của bạn là ai hay thứ, hy vọng không bao giờ là thứ bạn nên từ bỏ.

Bất cứ khi nào bạn thấy tuyệt vọng, hãy tự hỏi bạn có thể làm gì để tạo ra các yếu tố phát triển niềm hy vọng cho cuộc sống của mình và cho thế giới xung quanh. Những mục tiêu nào mà bạn thấy có ý nghĩa? Bạn có thể theo đuổi những con đường nào, dù lớn hay nhỏ, để tiến tới những mục tiêu đó? Và, điều gì đã truyền cảm hứng cho năng lực tự quyết, ý chí tiếp tục tiến lên mặc cho hiện thực có khó khăn ngoài sức tưởng tượng?

Khi Melanie bước vào văn phòng của bác sĩ Tamika, cô đã không nhận ra dáng đi của mình. Những bước đi ngập ngừng của cô hôm nay chẳng giống cô của thường ngày chút nào. Bác sĩ Tamika, người thuộc tuýp những bác sĩ không vào ngành y chỉ để giao tiếp với bệnh nhân mà còn để cảm thông với họ, đã giúp đánh bay nỗi sợ của Melanie. Nhưng, cô cho rằng, ngay cả khi sợ hãi ta vẫn có cơ hội để hy vọng.

“Tôi biết cô đang sợ và tôi không thể trách cô vì điều đó được”, bác sĩ Tamika nói. “Điều cô đang đối mặt là một trong những bệnh ung thư khó nhằn nhất mà tôi biết. Nhưng chúng ta sẽ cố gắng hết sức để đánh bại nó. Và có thể chúng ta sẽ làm được. Nhưng, dù có chuyện gì xảy ra, tôi sẽ không bao giờ bỏ rơi cô. Vậy, hiện tại cô mong muốn điều gì cho cuộc sống của mình?”

Lời của bác sĩ Tamika không chỉ đã trấn an mà nó còn là chính xác những gì Melanie cần nghe.

“Bác sĩ không biết những gì cô vừa nói ý nghĩa thế nào với tôi đâu”, cô nói với bác sĩ Tamika. “Tôi muốn làm mọi thứ có thể để đánh bại căn bệnh này, nhưng tôi cũng mong muốn đảm bảo cơn đau được kiểm soát và phương pháp điều trị chúng ta chọn cho tôi đủ thời gian để thực hiện điều tôi cần phải làm, phòng trường hợp xấu nhất.”

Khoảnh khắc đó, Melanie đã có hy vọng. Đó không phải là hy vọng dựa trên cái nhìn thế giới qua lăng kính màu hồng hay giả định rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp theo một cách diệu kỳ nào đó. Cô hiểu việc chữa bệnh sẽ là một chặng đường dài. Nhưng hy vọng của cô được dựa trên một thứ còn vững chắc hơn là suy nghĩ tích cực đơn thuần: có mục tiêu đáng để theo đuổi và ai đó luôn sẵn lòng giúp đỡ. Giữa những bất trắc của cuộc sống, đôi khi đó là tất cả mà ta có thể đòi hỏi.

Dịch từ: https://aeon.co/essays/true-hope-takes-a-hard-look-at-reality-then-makes-a-plan

Leave a Comment

Scroll to Top