Tranquil

Các Video Chia Sẻ Chế Độ Ăn: Điều Phụ Huynh Cần Biết

Các chuyên gia bày tỏ quan ngại về các video chia sẻ chế độ ăn trên TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác. Họ cho rằng những video này có thể vô tình khuyến khích thói quen ăn uống không lành mạnh cũng như gây ra các rối loạn ăn uống.

Theo họ, các bậc cha mẹ phải nhận thức được các nội dung mà con em mình đang xem, đồng thời trở thành tấm gương tốt cho chúng.

Các chuyên gia y tế cũng ngày càng bận tâm đến hàng nghìn video chia sẻ cách thiết kế chế độ ăn được đăng lên bởi giới trẻ .

Thường được đăng tải bởi những người trẻ có sức ảnh hưởng trên mạng, những video này xuất hiện chủ yếu trên TikTok và Instagram và thường với mục đích truyền cảm hứng.

Tuy vậy, nhiều bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng cho rằng nhiều clip trong số đó giới thiệu những thói quen ăn uống không lành mạnh như một cách để trở nên xinh đẹp và tự tin hơn.

“Rất nhiều trong số các video này đang quảng bá văn hóa ăn uống và các hành vi ăn uống thiếu khoa học. Người xem những video này có thể cảm thấy tự nhận thức và lo âu về khi so sánh những thứ họ ăn trong một ngày những video đó,” theo Chelsea Kronengold, quản lý truyền thông của Hiệp hội Rối loạn ăn uống Quốc gia.

“Mọi người có thể trở nên quá tập trung vào việc ăn uống, và kiểu nội dung thế này có thể gây ra các hành vi rối loạn ăn uống như ăn uống hạn chế và chán ăn – gây ra bởi những ám ảnh về ăn uống lành mạnh,” ông Kronengold nói thêm.

Các chuyên gia cho rằng các chia sẻ mang tính áp đặt chính là nguyên nhân lớn gây ra vấn đề.

“Video chia sẻ chế độ ăn có thể khuyến khích người xem đặt những kì vọng xa với và dẫn đến các hành vi rối loạn ăn uống,” theo Allison Chase – nhà tâm lý học tại Texas.

Tác động đối với cơ thể và tinh thần

Chase chỉ ra rằng người xem những video này thường có não bộ chưa phát triển đầy đủ.

Xem bài viết  Ứng dụng công nghệ vào tâm lý học

“Người xem sẽ nghĩ rằng, ‘Hmm, cô gái này có body thật đẹp, cô ấy ăn uống thế này, vậy nếu mình cũng ăn như cô ấy thì mình cũng sẽ đẹp được như vậy’”, Chase giải thích. “Nhưng đó không phải là một cách lành mạnh và thực tế để theo đuổi một mục tiêu có vẻ kém thực tế như vậy. Mỗi người có cơ thể khác nhau và vì vậy, nhu cầu cũng phải khác nhau. Cơ thể chúng ta là những cỗ máy phức tạp, cho nên chúng ta cần phải nhận ra điều gì thực sự cần thiết cho sức khỏe của mình.”

Cô giải thích chi tiết tác hại của giải pháp mau lẹ nhưng nguy hiểm này.

“Những lời khuyên về việc hạn chế quá mức lượng calorie, loại bỏ những nhóm thức ăn, hay khuyến khích sử dụng các loại thực phẩm bổ sung hoặc thuốc với hiệu quả tuyệt vời đều có thể đặc biệt nguy hiểm”, theo cô. “Hành vi có hại hay những giải pháp mau lẹ có thể tổn thương đến sức khỏe và dẫn đến các rối loạn ăn uống. Bất cứ thay đổi lớn nào về chế độ ăn cũng phải được chỉ định và theo dõi bởi một bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.”

Tiến sĩ Uma Naidoo, nhà tâm thần học dinh dưỡng và tác giả của quyển sách “This is Your Brain on Food” cho biết những video này “có thể gây ra các tình trạng về sức khỏe tâm thần như ăn uống theo cảm xúc, chán ăn tâm thần, cuồng ăn, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn ăn uống (orthorexia) và nhiều hơn nữa.”

“Rất ít người nhận ra ảnh hưởng nghiêm trọng mà chúng gây ra cho sức khỏe tâm thần”, cô Naidoo nói. “Ngay bây giờ chứ không phải lúc nào khác, ta cần phải củng cố sức khỏe tâm thần khi biết rằng càng có nhiều người cảm thấy trầm cảm, lo âu và mất ngủ”.

Cô so sánh hệ vi sinh ở người như vân tay ở một ngón tay cái.

“Khi nói đến chế độ ăn, mỗi người có nhu cầu và các chỉ số riêng về mức tiêu hao năng lượng, sự trao đổi chất, khả năng kháng insulin, viêm nhiễm và mất cân bằng oxi hóa,” theo Naidoo. “Ngay cả khi ăn cùng chính xác một loại thức ăn, hai cơ thể khác nhau sẽ tiêu hóa, xử lý và sử dụng nguồn dinh dưỡng theo những cách khác nhau.”

Xem bài viết  Vì sao khi tôi đau, bác sĩ lại bảo tôi đi tham vấn tâm lý?

Các video chia sẻ khuyên người xem hạn chế ăn

John Fawkes, một huấn luyện viên dinh dưỡng và PT ở Los Angeles chia sẻ rằng anh nhận thấy có rất nhiều người làm video với nội dung là những thứ mà họ không ăn.

“Có vẻ những video này, dù vô tình hay cố ý, mang những nội dung khuyến khích người xem giảm bớt khẩu phần ăn uống”, anh cho biết. “Tôi đã chứng kiến rất nhiều video mà trong đó người ta chỉ ăn sáng bằng vỏn vẹn một miếng trái cây, ăn trưa chỉ bằng salad và món gì đó có tác dụng giảm cân vừa được quảng cáo trên mạng. Lượng calo đó thậm chí không đủ cho một đứa trẻ, huống hồ là cho thanh niên hay người lớn. Không chỉ nguy hiểm khi xét về lượng calo, việc hạn chế ăn uống còn gây ra sự thiếu hụt các nguyên tố vi lượng và nhiều loại dinh dưỡng khác.”

“Rất nhiều video mang nội dung chia sẻ chế độ ăn được tạo ra và hướng tới nữ giới ở độ tuổi thành niên – những người trải qua nhiều vấn đề phức tạp và kém lành mạnh về hình ảnh của bản thân. Vì vậy những video này chẳng khác nào châm dầu vào lửa”, anh nói thêm.

Tiến sĩ – bác sĩ nội khoa Nesochi Okeke-Igbokwe tại New York cho rằng một số kiểu nội dung này rất đáng báo động.

“Nên nhớ rằng trẻ em và thanh thiếu niên xem những nội dung này trong giai đoạn những năm phát triển quan trọng, và loại nội dung mạng này có thể gây khủng hoảng đối với quá trình phát triển về xã hội, thể lý và sức khỏe tâm thần”, theo ông Okeke-Igbokwe. “Những tác động đến sức khỏe có thể rất nghiêm trọng. Nếu có nhu cầu tìm kiếm chỉ dẫn về chế độ ăn để duy trì sức khỏe thì chúng ta nên tìm gặp bác sĩ hay một chuyên gia dinh dưỡng, vì chỉ họ mới có thể hiểu được sức khỏe của ta toàn diện từ trước đến giờ cũng như được trang bị những trang thiết bị để tư vấn dinh dưỡng một cách chuyên nghiệp.”

Xem bài viết  Trí tuệ Nhân tạo và Tâm lý học

Điều phụ huynh cần nắm rõ

Nhiều chuyên gia cho biết, không phải video về thức ăn nào cũng tiềm ẩn nguy cơ.

Cô Naidoo nói rằng “vài người trong số họ có những ý tưởng rất hay về việc kết hợp nhiều rau củ, chất xơ, chất béo tốt, đạm và những thực phẩm toàn phần vào chế độ ăn, vì vậy tôi cho rằng với mục đích truyền cảm hứng, họ có thể mang lại những ảnh hưởng tích cực”. “Lấy ví dụ, một thân chủ đã từng hỏi tôi quả bơ để làm gì. Cô ấy biết rằng mình nên mua bơ nhưng chẳng biết làm gì với nó.”

“Một trong những điều hiếm hoi mà ta may mắn có được qua đại dịch COVID-19 là đã có nhiều hơn sự hỗ trợ online cho người gặp rối loạn ăn uống,” ông Kronengold nói. “Số lượng chuyên gia và người có sức ảnh hưởng trên mạng cung cấp sự hỗ trợ trên mạng về ăn uống cho những người gặp phải các vấn đề về thức ăn hoặc cơ thể.”

Các chuyên gia sức khỏe cho hay các bậc phụ huynh cần phải làm gương cho con và để con tham gia vào quá trình mua sắm và chuẩn bị thức ăn.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần phải để ý tới các nội dung mà con em mình xem trên mạng.

“Cách tốt nhất để cha mẹ biết được thông tin về tình trạng dinh dưỡng của con mình là học cách tìm hiểu về những thông tin đó trước tiên”, theo Leah Forristall – một chuyên gia dinh dưỡng làm việc tại Massachusetts. “Phụ huynh phải tìm đến các lời khuyên về dinh dưỡng từ các chuyên gia dinh dưỡng và dạy con mình làm tương tự. Về vấn đề giảm cân, mọi người luôn tìm đến cách nhanh nhất. Mạng xã hội đã giúp việc tìm kiếm lời khuyên về dinh dưỡng dễ dàng hơn bao giờ hết, tuy nhiên, không may là những lời khuyên đó không phải lúc nào cũng chính xác.”

Dịch từ: https://www.healthline.com/health-news/what-parents-should-know-about-what-i-eat-in-a-day-tiktok-videos

Leave a Comment

Scroll to Top