Tranquil

“Phụ Huynh Hóa” Lúc Nhỏ Và Cách Người Lớn Thoát Khỏi Nó

Tôi dấn thân vào nghiên cứu tình trạng bị bỏ bê cảm xúc ở trẻ em một cách tình cờ. Hơn một thập kỉ trước, tôi đã viết bài luận văn thạc sĩ về mối liên hệ giữa đời sống cá nhân và công việc của một nhà tâm lý trị liệu. Bằng cách nào mà họ có thể cân bằng để cuộc sống không ảnh hưởng bởi những lời tiêu cực mà họ nghe hằng ngày? Và bằng cách nào mà họ có thể không để cuộc sống cá nhân ảnh hưởng đến công việc trị liệu của mình? Trong những lần trao đổi, tôi hỏi họ rằng điều gì đã khiến họ trở thành các nhà trị liệu. Sự nhất quán trong cách trả lời của họ đã làm tôi ngỡ ngang. Hầu như mọi người đều trả lời rằng họ làm việc vì người khác, vì những cảm xúc và công việc đến với họ một cách tự nhiên; họ giỏi việc này vì họ cũng rất giỏi quan tâm đến nhu cầu của người khác từ khi còn nhỏ, bắt đầu với cha mẹ họ. Trao đổi sâu hơn, tôi hiểu được mỗi người trong họ đều trải qua những gia cảnh có phần đặc biệt.

Câu chuyện tuổi thơ họ hầu hết đều là chứng kiến xung đột, bạo lực giữa cha và mẹ, hay cha mẹ gặp trầm cảm mà không được chẩn đoán, hoặc đơn giản là sự lạnh nhạt, bất hòa giữa cha mẹ họ. “Công việc” của họ lúc đó chính là ra sức bảo vệ và hỗ trợ bằng mọi cách trong khả năng. Vì vậy, khi trưởng thành, họ đã áp dụng khả năng này để giúp đỡ thậm chí nhiều người hơn.

Một người tham gia phỏng vấn, Sadhika (45 tuổi ở thời điểm đó), kể rằng cha mẹ cô đã luôn xích mích với nhau mỗi ngày về mọi thứ. Mẹ của cô rất khó tính. Bà ấy ăn nói lớn tiếng, cố chấp yêu cầu mọi người xung quanh bà, và “xử” bất kì ai bất đồng ý kiến với bà. Cha cô chẳng khác nào một thứ vô tri xuất hiện trong nhà, ông chẳng thể bảo vệ nổi con mình. Sadhika kể với tôi rằng cô đã không thể trông cậy vào ông ấy, vì khi so vị thế trong gia đình, có vẻ ông ấy chẳng khác nào lũ trẻ con bọn tôi. Vì vậy, cô nhận trách nhiệm kiềm chế mẹ mình, bảo vệ các em, làm hết việc nhà và trở thành trụ cột. Cô không được phép phạm sai lầm, từ việc cân bằng những mối quan hệ cho tới những việc như sửa vòi nước rỉ.

Sadhika đã phải chịu cảnh “phụ huynh hóa”, tức phải đóng vai cha mẹ khi còn nhỏ – điều này có thể xảy ra ở bất cứ gia đình nào trên thế giới này, khi cha mẹ dựa vào sự quan tâm của con mình mãi mà không đáp lại được tình cảm của chúng. Đứa trẻ đóng vai cha mẹ thường sẽ gặp vấn đề với sự ổn định và phát triển tâm thần của chính mình. Hiện tượng này không liên quan đến tình yêu của cha mẹ, mà nó liên quan nhiều đến những tình huống cụ thể mà cha mẹ không thể quan tâm đến nỗi lo âu và gánh nặng mà con cái phải trải qua thay cho mình. Phụ huynh thường không thể nhận ra rằng con họ đang phải gồng gánh để giữ hòa khí trong gia đình, bảo vệ phụ huynh này khỏi người kia, trở thành một người bạn hay một nhà trị liệu cho cha mẹ, là trung gian kết nối cha mẹ với thế giới bên ngoài, là người phải dạy dỗ các em, và đôi lúc để cân bằng sự ổn định của gia đình về y tế, xã hội và kinh tế.

Định nghĩa về đứa trẻ bị phụ huynh hóa lần đầu xuất hiện trên tài liệu vào cuối những năm 1960, khi một nhóm những nhà tâm lý học ở Mỹ nghiên cứu cấu trúc của những gia đình ở nội thành. Họ đã nhận thấy rằng với tỉ lệ mẹ đơn thân, ngồi tù, nghèo đói và ma túy cao, trẻ em vô tình trở thành người mang trách nhiệm gắn kết gia đình.

Thuật ngữ “phu huynh hóa” được giới thiệu lần đầu vào năm 1967 bởi nhà lý thuyết hệ thống gia đình Salvador Minuchin, ông cho rằng hiện tượng này xảy ra khi cha mẹ để con cái thực hiện nghĩa vụ mà lẽ ra họ phải làm. Khái niệm phụ huynh hóa đã được mở rộng và tìm hiểu sâu hơn bởi nhà tâm lý học Ivan Boszormenyi-Nagy. Ông chỉ ra rằng những vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra ở trẻ khi gia đình không thể cân bằng sự cho đi và nhận lại giữa phụ huynh và con cái. Kể từ đó, các nhà tâm lý học đã xem xét sự phụ huynh hóa ở nhiều nền văn hóa và đánh giá hậu quả của nó, một mặt là về hậu quả khi đứa trẻ lớn lên, mặt khác là về những khó khăn trong việc phục hồi tâm lý của đứa trẻ đó.

Khi tìm hiểu về điều này, bạn sẽ nhận thấy trong những người quen của mình có người đã trải qua trường hợp tương tự. Bạn có thể bắt gặp hình bóng một đứa trẻ đã từng bị phụ huynh hóa trong người đồng nghiệp lúc nào cũng nhận trách nhiệm về mình, trong người bạn luôn chấp nhận làm mọi thứ – người luôn có vẻ đang chịu gánh nặng gì đó, nhưng lại luôn quan tâm mà không đòi hỏi nhận lại điều gì. Mặc cho sự tận tâm đó, thế giới nội tâm của người này có thể rất trống trải, nếu được hỏi, có thể cô ấy sẽ bảo rằng mình làm mọi thứ như một cỗ máy, hoặc sẽ nói rằng cô ước có một người bạn giống như bản thân mình.

Bằng cách nào những người bị phụ huynh hóa có thể hiểu được tuổi thơ mình khi mà không có một lý do cụ thể nào tạo ra gánh nặng cho họ?

Những câu chuyện về phụ huynh hóa được kể trong những buổi phỏng vấn cũng giúp mở ra một cánh cửa mới cho tâm hồn của chính tôi. Tôi xuất thân từ một gia đình tràn ngập tình yêu thương, vì thế không có một lý do rõ ràng nào cho cảm giác bất hạnh của tôi hay cho những mối quan hệ kém lành mạnh mà tôi rơi vào. Cũng từng phải giải quyết những mâu thuẫn trong gia đình suốt cả tuổi thơ, vậy, có phải chính tôi cũng đã bị phụ huynh hóa?

Sau khi quyết định theo đuổi con đường tiến sĩ trong lĩnh vực này, tôi nhớ rằng có lần tôi được hỏi về tính khả thi khi áp dụng khái niệm rất “Tây” này vào các hệ thống gia đình tại Ấn Độ; họ cảnh báo tôi nên cẩn thận khi áp đặt các khái niệm bệnh lý kia vào những hệ thống “bình thường” ở Ấn. Dựa vào khám phá mà tôi vô tình có được và những kinh nghiệm cá nhân, tôi cảm thấy rất có lẽ hệ thống gia đình “bình thường” đang bị nhầm lẫn với các hành vi mà cha mẹ nên có. Tôi đã quyết theo con đường này, và đã lựa chọn tìm hiểu về những gia đình Ấn Độ thông thường ở thành thị, gồm có cha và mẹ, kinh tế ổn định, không có bênh lý nào rõ ràng hay được chẩn đoán hoặc bất cứ tình trạng nào có nguy cơ khiến con cái phải trưởng thành lớn hơn bạn đồng trang lứa.

Lý do là vì khi sự phụ huynh hóa được tìm thấy ở những gia đình gặp khó khăn do mồ côi, cha mẹ ly dị hay nghèo đói, chiến tranh, con cái trong những gia đình này có lý do rõ ràng để phải trưởng thành sớm hơn. Chúng hiểu được tại sao chúng phải làm nhiều hơn những đứa trẻ khác ở tuổi mình. Tuy nhiên, làm sao để những người lớn nhận ra mình có bị phụ huynh hóa hay không khi mà không có một nguyên do cụ thể nào khiến họ phải chịu gánh nặng khi còn nhỏ? Tôi tự hỏi tại sao nhiều gia đình lại tin rằng, chỉ cần có một gia đình đầy đủ, con trẻ của họ sẽ có thể lớn lên trong một môi trường thực sự an toàn và đủ đầy dù có gì xảy ra đi nữa?

Tôi dễ dàng tìm được rất nhiều người sẵn lòng chia sẻ câu chuyện của mình để giúp tôi trả lời những câu hỏi. Đây là những người tự nhận thấy bản thân đã phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn so với lứa tuổi khi họ còn nhỏ. Tôi đã trao đổi nhiều với mỗi người, trung bình từ 8-10 giờ phỏng vấn tới lui để hiểu được mọi khía cạnh cuộc sống của họ từ trước đến giờ, hiểu được điều gì mà họ cho rằng đã đi sai hướng, biết được điều đáng lẽ nên xảy ra, và những điều này đang ảnh hưởng đến họ như thế nào.

Xem bài viết  Đừng để kỳ vọng thành thất vọng!

Priya (26 tuổi lúc được phỏng vấn) đến từ một thành phố lớn ở phía nam Ấn Độ. Cha mẹ cô đến với nhau vì tình cảm. Hôn nhân của hai người hứa hạn cho mẹ cô học vấn và sự tự do – điều mà gia đình bà chẳng thể đáp ứng. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, chồng bà – cha của Priya, đã yêu cầu bà phải ở nhà làm một bà mẹ, một người nội trợ. Hơn nữa, cha mẹ cô đến từ những tầng lớp xã hội khác nhau và đã kết hôn mà không có sự chấp thuận của hai bên. Ở nhiều vùng tại Ấn Độ, hôn nhân giữa các tầng lớp khác nhau được coi là báng bổ thần thánh. Vì vây, cả hai gia đình đã từ chối họ, khiến họ và con cái gặp nhiều căng thẳng, dẫn đến những cãi vã, bất hạnh và cô lập dù cho xuất phát điểm của họ là tình yêu. Thời gian trôi qua, cha của Priya bắt đầu say mê rượu chè, và đánh đập mẹ cô. Sau tan trường, Priya thường chứng kiến mẹ mình bầm dập, mắt sưng húp và có nhiều vất trầy trên người. Cô đã nổi giận với cha mình, nhưng chỉ sau đó vài ngày, chỉ còn mình cô tiếp tục với nổi sợ hãi và cơn giận đó. Cha mẹ của cô tiếp tục hành xử như chưa hề có gì xảy ra, và điều này trở thành một vòng lặp liên hồi. Chỉ còn một mình Priya cố gắng ngăn chuyện này tái diễn.

Tương tự Sadhika và Priya, những người tham gia khác (Anahata và Mira) nhớ lại mẹ mình cũng luôn khó chịu, suy sụp, giận dữ hay phiền muộn. Nguyên nhân là vì sự bắt nạt của gia đình nhà chồng hay những người chồng bỏ rơi họ, cho đến suy nghĩ mù mịt cho rằng họ không thể có được một cuộc sống viên mãn và hạnh phúc dù cho đó là đời sống cá nhân hay công việc. Họ kể về những người cha luôn cộc cằn hoặc kiệm lời, trên vai họ là gánh nặng làm đàn ông trong một xã hội gia trưởng nặng nề. Có vẻ như sâu bên trong, những người cha cũng chẳng vui vẻ gì với cuộc sống, nhưng họ lại rất hiếm khi nói ra cảm nhận của mình, mặc cho người mẹ có thế nào với con mình.

phụ huynh hóa ở người lớn parentification

Tôi đã nhận thấy rằng mặc cho cái vẻ bình thường kia, người trong những gia đình này lại nhờ đến chất kích thích và có những vấn đề tâm lý chưa được chẩn đoán cùng những bất hòa từ những thành viên từ gia đình lớn. Ví dụ, những người mẹ thường bị quở trách hay nhạo báng vì xuất thân của mình, hoặc vì đã nuôi dạy con cái chưa đủ tốt. Dù cho lý do của những mối bất hòa hay xung đột này là gì, chúng đã được chấp nhận như lẽ thường, vì thế mà rất khó có thể ngăn chặn hay sửa chữa được. Quan trọng nhất, điều này đã khiến ảnh hưởng đến với con trẻ không thể được tìm hiểu. Tuy vậy, trong tâm trí của một đứa trẻ, dù bình thường hay không thì chúng cũng sẽ tìm cách tự mình hàn gắn và chữa lành hết sức có thể. Chúng đảm đường mọi vị trí cần thiết để hỗ trợ, bảo vệ và nuôi dưỡng cha mẹ mình.

Đứa trẻ đã tự phát triển một radar cảm xúc được tinh chỉnh để tìm ra khi nào có ai cần điều gì

Từ nhỏ, đứa trẻ hiểu đã hiểu mình là thành viên được tin tưởng giao nhiệm vụ làm việc về tâm lý với những thành viên khác trong gia đình. Mira luôn chịu đựng những cơn bộc phát của mẹ mình, giúp bà lau nước mắt, xoa dịu nỗi buồn để bà chịu ăn cơm, không ra khỏi nhà, cô phải nghe về sự xấu xa của cha và ông bà nội, và mẹ cô cần cô phải giỏi thế nào để bà có được hạnh phúc. Nhiệm vụ của Sadhika là quan sát và chịu đựng nỗi tuyệt vòng của mẹ, cũng như xoa dịu mọi người, từ cô bán rau ngoài chợ cho đến những người cô, người chú. Anahata và Priya đã động viên mẹ mình tạo ra thay đổi, tìm một công việc hay thậm chí ly hôn.

Giống như một nhà trị liệu lành nghề, những đứa trẻ này đã phát triển trực giác để có thể giúp đỡ cha mẹ và những người khác. Điều này rất cần thiết cho chính tâm lý của họ. Họ không thể lựa chọn không chăm lo cho cha mẹ mình. Hậu quả có thể bao gồm việc cha mẹ không còn yêu thương con cái yêu hay bạo lực nghiêm trọng diễn ra giữa cha mẹ, những điều này sẽ được người con cho rằng là lỗi do mình vì đã không thể giúp được cha mẹ. Những đứa trẻ này không có cơ hội hiểu rằng những vấn đề mà chúng cố giải quyết vốn không phải là do chúng hay tại sao xung đột vẫn diễn ra mặc cho chúng đã cố gắng hết mình. Chúng chỉ cho rằng mình cần phải chú ý, cần phải cảm nhận tốt hơn.

Để làm tốt hơn, Priya bảo rằng cô cảm thấy mình đã tự phát triển một radar cảm xúc được tinh chỉnh để luôn tìm ra khi nào có ai cần điều gì. Sadhika đã có một phép so sánh rất thuyết phục để mô bản thân trong quá khứ: “Hãy tưởng tượng có một gã bác sĩ phẫu thuật gàn dở, dễ cáu nhưng lại rất giỏi và ông có một cậu y tá rất hiểu mình. Khi đưa tay ra, dụng cụ phẫu thuật mà ông yêu cầu lập tức xuất hiện. Y tá đó chính là tôi.”

Điều gì đã khiến thế giới nội tâm của một đứa trẻ luôn phải sẵn sàng để đón nhận vấn đề tiềm ẩn tiếp theo? Điều gì để khiến một đứa trẻ có thể chủ động giải quyết những vấn đề về cảm xúc và về các mối quan hệ mà người lớn không thể làm được? Không đứa trẻ nào sinh ra để giỏi việc này. Cả Sadhika, Priya, Anahata, Mira và tôi đều đã giành nhiều thời gian khóc với bản thân mình. Không một ai biết về điều này, và đôi lúc tôi tự hỏi liệu có ai quan tâm điều đó không.

Bọn trẻ cần được giúp đỡ, nhưng gia đình của chúng lại được cho là không có vấn đề gì. Đứa trẻ của thể là thành viên duy nhất trong gia đình tưởng tượng ra một kiểu bình thường khác. Chúng phát triển suy nghĩ về một gia đình bình thường và nỗ lực để thay đổi gia đình mình dựa trên những gì chúng xem được trên tivi hay những điều mà chúng thấy ở gia đình khác thông qua can thiệp, đưa ra giải pháp, giải quyết mâu thuẫn. Nếu có ai chịu chú ý đến hay nhận lấy lời khuyên của chúng thì hẳn sẽ không có nhiều nỗi đau xảy đến như vậy. Trong thực tế, có thể đã không có nguyên do dẫn đến phụ huynh hóa.

Hậu quả của việc luôn quan tâm đến người khác là đứa trẻ còn rất ít không gian để biết và bộc lộ nhu cầu của chính mình. Những nhu cầu quan trọng nhất đều là của người khác. Khi nói ra những nhu cầu của mình, đứa trẻ nhận lại sự chán nản, giận dữ hay những cảm xúc khiến chúng thấy sợ và xấu hổ mỗi lần muốn nói ra. Điều này dẫn đến sự phát triển của cái mà bác sĩ nhi khoa và nhà phân tâm học Donald Winnicott gọi là ‘cái tôi giả tạo’. Trong hình thái đáng sợ nhất, tính cách tự phủ nhận này khiến đứa trẻ bị phụ huynh hóa không còn muốn bộc lộ hay thỏa mãn nhu cầu của mình nữa mà thay vào đó, chúng chỉ đề cao nhu cầu của người khác. Do đó, dễ hiểu tại sao những người lớn từng bị phụ huynh hóa luôn phải vật lộn để vẽ ra ranh giới lành mạnh, cân bằng cho mình và luôn bị mắc vào các mối quan hệ bị lạm dụng hoặc bóc lột, dù là với bạn bè, đồng nghiệp hay người yêu.

Dựa trên sự quan tâm tuyệt vời đến người khác và sự không chắc chắn sâu sắc ở giá trị bản thân, những người lớn từng bị phụ huynh hóa xây dựng các mối quan hệ dựa trên giá trị bản thân đối với người khác. Điều này khiến họ cảm thấy tốt và có ích, nhờ đó mà họ có thể tiếp tục tồn tại trong thế giới của mình. Và điều này giống với những kẻ luôn thỏa mãn mọi người hay trông như một bà dì đau khổ luôn hết mình vì người khác. Mặt khác, họ luôn đấu tranh để nhận lại. Họ tự hỏi rằng mình có thể nhận lại bao nhiêu? Mình đòi hỏi như vậy có quá đáng không? Họ đấu tranh với bản thân để có được khoảng không trong cuộc đời người khác, họ không chắc người đó sẽ tiếp tục bên mình hay không nếu họ đòi hỏi điều gì cho bản thân.

Xem bài viết  Kiểu gắn bó lo âu - né tránh và cách cải thiện

Hậu quả lớn nhất nằm ở tình yêu. Các nghiên cứu cho thấy việc thiếu liên hệ với các nhu cầu của bản thân khiến người lớn từng bị phụ huynh hóa nhạy cảm trước những mối quan hệ thân mật không lành mạnh, có tính gây nghiện hay hủy hoại. Các nhà tâm lý học đã nhận thấy những người này trải qua nhiều vấn đề về tâm thần khác nhau, bao gồm sự bạo dâm và các rối loạn nhân cách ranh giới ở người lớn.

Khi được chồng mình hỏi “Sao lần nào cũng là em làm?”, câu trả lời của cô là “Vì nếu em không làm thì chẳng còn ai”

Nhiều người tôi trao đổi đã dính vào các mối quan hệ lạm dụng với những kẻ ái kỷ, bởi vì, theo lời Sadhika, “mối quan hệ như vậy thật hoàn hảo”. Bản thân cô ấy cũng lấy một người mà cô cho rằng nếu như người đó được chẩn đoán thì đó hẳn là rối loạn nhân cách ái kỷ. Priya cũng mắc vào một mối quan hệ với một kẻ luôn coi thường và thao túng tâm lý cô, hắn luôn chọn người khác thay vì chọn cô.

Điều làm tôi ngạc nhiên là cần một khoảng thời gian dài để một người bị phụ huynh hóa nhận ra bản thân mình đang bị ngược đãi. Sâu trong tiềm thức, họ chỉ muốn chỉnh sửa thay vì thoát khỏi các mối quan hệ độc hại – thậm chí là ngược đãi và bạo lực. Đây là do những gì họ đã học được trong suốt cuộc đời, họ lặp lại những điều trong quá khứ mà không hề hay biết. Những người có quá khứ bị phụ huynh hóa rất dễ chấp thuận. Họ sẵn lòng cho người khác toàn bộ không gian của mình. Qua việc đó, họ thường bị thao túng và làm nhục, bên cạnh tất cả sự bỏ rơi và nghèo nàn tình thương lúc nhỏ. Thật không may, những dấu hiệu này đã quá quen thuộc, đến nỗi khiến họ chấp nhận sống chung với chúng thay vì vùng lên.

Mặt khác, những trải nghiệm chăm sóc người khác này có thể biến thành chuyên môn tuyệt vời. Người bị phụ huynh hóa thường rất đáng tin cậy, tinh tế, giỏi giải quyết vấn đề và rất chu đáo. Sadhika hiện đang là một huấn luyện viên cho các bậc cha mẹ (parenting coach). Priya là một nhà trị liệu. Anahata giành quyền cho những người chịu án tử. Mira làm giáo dục mầm non tại những vùng khó khăn của Ấn Độ. Danh sách này còn hơn thế nữa. Hầu như mọi người đều làm những công việc liên quan đến giúp đỡ và hỗ trợ người khác.

Tuy nhiên, ngay cả lúc làm việc, những người bị phụ huynh hóa vẫn có thể bị lợi dụng. Vài người trong số họ chia sẻ rằng mình cảm thấy luôn phải nhận nhiều trách nhiệm hơn người khác. Mira luôn phải làm nhiều hơn các đồng nghiệp của mình, cô luôn phải đấu tranh mỗi lần phân chia công việc và rất nỗ lực cầu toàn. Khi chồng cô hỏi “Tại sao vẫn đến tay em?”, câu trả lời của cô có vẻ như đã tóm sự phụ huynh hóa hay hơn bất cứ quyển sách nào, “Bởi vì em không làm thì không còn ai làm nữa.”

Chủ nghĩa hoàn hảo hiển nhiên có thể là đặc điểm của nhiều kiểu người với nhiều quá khứ khác nhau, nhưng nghiên cứu đã cho thấy những người bị phụ huynh hóa hầu như luôn có xu hướng như vậy. Nỗi lo âu luôn sẵn lòng vì người khác sản sinh ra một giọng nói xấu xa trong đầu, khiến họ luôn chìm đắm trong nỗi lo âu và cảm giác tội lỗi. Và, người khác lại dễ dàng lợi dụng điểm này. Những đồng nghiệp của một người tham gia luôn kể lể khó khăn với cô và coi đó là cái cớ để cô làm giúp phần việc của họ. Không thể từ chối – như bao người bị phụ huynh hóa khác – cô luôn nhận phần việc giúp người khác, mặc cho bản thân đang bận hay mệt mỏi thế nào.

Bên cạnh tính cách tự chối bỏ, những mối quan hệ độc hại, hành vi vô cùng quan tâm đến người khác và một cảm giác gánh nặng ngập tràn, không có gì ngạc nhiên khi theo thời gian, những người bị phụ huynh hóa dần trở nên kiệt quệ bên trong và vô cùng khó chịu. Điều này thường biểu hiện ra ngoài như những cơn giận, những tràn nước mắt hay sự mau chóng chán nản khiến mọi người bất ngờ, bao gồm cả những người bị phụ huynh hóa khác – những người luôn điềm tĩnh và tự chủ.

Trừ khi được tra hỏi, những manh mối để tìm hiểu tác động lúc nhỏ này có thể sẽ bị mất, và những biểu hiện cũng vì thế tiếp tục mà không được can thiệp.

Với những khuynh hướng này, một trong những rủi ro lớn nhất mà những người trưởng thành bị phụ huynh hóa phải gánh chịu là nguy cơ phụ huynh hóa con cái của chính họ và làm vòng lặp bỏ bê đó tiếp tục. Điều này có thể xảy ra qua nhiều thế hệ, với mỗi thế hệ dồn lại những gánh nặng chưa được giải quyết cho thế hệ tiếp theo. Trên thực tế, những người bị phụ huynh hóa sáng suốt tìm kiếm liệu pháp nỗ lực phá vỡ vòng lặp gây tổn thương giữa các thế hệ này khi họ bắt gặp bản thân tìm đến con cái quá nhiều để được chúng hỗ trợ tinh thần.

Bất kể những hoàn cảnh nào đưa những người bị phụ huynh hóa đến liệu pháp, khi họ nhìn lại quá khứ, họ bắt đầu vẽ ra ranh giới giữa nỗi sợ hãi tột cùng, sự bất lực và nỗi cô đơn bên cạnh họ khi còn nhỏ, nhu cầu và khả năng chăm sóc người khác, và sự kiệt quệ của họ, tiếp tục cảm giác gánh nặng và lo âu khi trưởng thành. Sự kiệt quệ cảm xúc này có chút ngang ngạnh. Nó là một phần lớn trong tính cách của một người có khả năng chăm sóc hoàn hảo và khiến ta bám vào những khuôn mẫu độc hại và thậm chí còn khiến ta làm nhiều hơn thế.

Để xóa bỏ phụ huynh hóa, bạn cần hiểu điều gì đã xảy ra, nó đang ảnh hưởng đến bạn như thế nào và cho phép bản thân bạn trải nghiệm những đúng sai trong câu chuyện của chính mình. Khi được giúp đỡ với lòng tử tế và sự hỗ trợ, điều này sẽ giúp bạn xóa bỏ phụ huynh hóa, mở ra cánh cửa để giúp bạn tái cân bằng phương trình cho và nhận trong những mối quan hệ quan trọng. Bạn có thể bắt đầu quan tâm từ lựa chọn và tình yêu của mình, không phải vì nghĩa vụ và sợ bị bỏ rơi nữa. Khi nỗ lực, bạn có thể bắt đầu cảm thấy như thể lần đầu tiên bạn lắng nghe được bản thân mình.

Vì phụ huynh hóa không nhất thiết bao hàm một tuổi thơ tồi tệ, cũng không phải là một hiện tượng “tất cả hoặc không gì cả”, nên bước đầu tiên hữu ích là xác định và khoanh vùng sự phụ huynh hóa ở bạn. Nếu lúc nhỏ, bạn đã phải chăm sóc cha mẹ của mình trong một thời gian dài và hiện tại vẫn đang gánh chịu hậu quả, tôi khuyến khích bạn nên tìm cho mình các hỗ trợ trị liệu, phục hồi.

Giống như các vấn đề khác trong tâm lý học, phụ huynh hóa diễn ra trên một phổ nhất định. Trong nghiên cứu của mình, tôi đã tìm thấy 12 biến số: tuổi khởi phát (càng sớm càng có hại); lý do khởi phát (lý do càng rõ ràng càng có thể thể hiện mục đích của đứa trẻ khi phụ huynh hoá bản thân); sự rõ ràng về những kỳ vọng ở đứa trẻ (bạn có nghe được điều họ cần ở bạn không?); bản chất của những kì vọng ở đứa trẻ; sự hướng dẫn và hỗ trợ mà đứa trẻ nhận được; thời gian chăm sóc được mong đợi; thừa nhận sự chăm sóc; sự phù hợp với lứa tuổi và định mức phát triển của trẻ ở gia đình bạn; trải nghiệm thực (bạn đã trải qua tất cả những điều này xung quanh mình như thế nào); thiên hướng về di truyền và nhân cách; giới tính, thứ tự sinh ra trong số các anh em và cấu trúc gia đình; và cuối cùng, cuộc sống mà bạn đang có ở hiện tại (cách chúng ta nhìn nhận quá khứ của mình thường bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh hiện tại của ta). Khi bạn vượt qua nỗi đau của mình, bạn có thể sử dụng các biến số này để biết điều gì đã giúp bạn lúc nhỏ và tận dụng nó – cũng như điều gì không giúp bạn, và giảm thiểu nó.

Xem bài viết  Bạn có đang có các tương quan gắn bó lành mạnh?

Tôi nhận thấy rằng, khi những người lớn bị phụ huynh hóa tiếp tục vượt qua những năm tháng đau buồn và nhận ra tại sao họ vẫn bị tổn thương, cơn tức giận và cảm giác bất công bắt đầu chi phối họ, ít nhất là trong thời gian đầu. Một giọng nói bấy lâu nay luôn thầm lặng sẽ mạnh mẽ vang lên từ bên trong, khao khát được bảo vệ đứa trẻ mà họ từng là.

Mira bảo tôi là: “Có cảm giác này, làm sao bà ấy có thể làm vậy với tôi?” Tương tự, trong một khoảnh khắc đặc biệt mạnh mẽ, Priya bình tĩnh nói: “Khi nhìn lại, tôi lại tự hỏi, tại sao, tại sao, tại sao mọi thứ lại phải như vậy? Tại sao bạn không thể tự tìm ra cách nào khác để giải quyết vấn đề của mình?” Không phải cô ấy bận tâm vì phải chăm sóc cha mẹ mình: đó là vì có gì đó đã bị tước đoạt khỏi cô mà chính cô không hề hay biết, vượt quá hiểu biết của một đứa trẻ. Thông qua việc thể hiện những cảm xúc tức giận và bất công này, không gian cho những cảm xúc khác cũng xuất hiện theo.

Trên hết, việc chữa lành cần đi đúng hướng trong câu chuyện của bạn và hỗ trợ sự phát triển của cá nhân bạn mà không khiến làm xấu đi hình ảnh của cha mẹ. Việc chữa lành có thể được thực hiện bằng nhiều cách: bởi một nhà trị liệu, một vài người bạn, hoàn thành công việc (ngay cả khi việc đó được sinh ra bởi sự phụ huynh hóa).

Trong công cuộc tự điều chỉnh của mình, cô ấy nói với bản thân mình lúc nhỏ: “Tớ rất tiếc vì những điều mà cậu đã phải trải qua”

Một yếu tố quan trọng là mối quan hệ tình cảm lành mạnh. Tôi nhận thấy rằng một người bạn tình có thể ‘chịu đựng’ bạn, chịu được cơn giận dữ và đưa ra lời nhắc nhở nhẹ nhàng rằng họ sẽ luôn ở đó khi mọi cãi vã chấm dứt, hoặc người luôn luôn hỗ trợ bạn, có thể giúp thay thế nỗi sợ hãi bị bỏ rơi bằng cảm giác được âu yếm và lắng nghe.

Một nhà trị liệu có chuyên môn về phụ huynh hóa có thể giúp bạn trong hành trình chữa lành này. Họ có thể giúp bạn kiềm chế cơn giận đồng thời giúp tạo ra một câu chuyện mới và tích cực cho bản thân mình. Lưu ý rằng, bất kể những gợi ý mà bạn đọc được trên mạng, quá trình này gần như không thể nào được thực hiện từ bên trong. Có vẻ khó khăn nhưng cần phải từ từ xây dựng mối quan hệ với những người mà bạn có thể trông cậy.

Những người trưởng thành bị phụ huynh hóa mang theo bên mình nhiều kí ức tổn thương, và họ cần phải xác định và tìm ra một “đứa trẻ bên trong” – người sẵn sàng đón nhận tình yêu và sự chăm sóc của người lớn. Đối với Sadhika, đứa trẻ bên trong cô “đứng ngoài cửa, tại một góc nhỏ. Giống như bạn có một chú cún con từng bị bạo hành nghiêm trọng. Bị lạm dụng. Và giờ bạn đã đưa nó vào nhà và nó hiểu rằng nó đã được an toàn… và việc thu mình trong góc nhỏ kia đã dừng lại.” Đây là quá trình tự điều chỉnh của cô. Cô và những người khác sẽ nói với bản thân trẻ hơn của họ: “Tớ rất tiếc khi biết cậu đã phải trải qua điều này.”

Điều cuối cùng bạn cần làm là đặt lại ranh giới của mình với cha mẹ. Nhiều người đặt ra những ranh giới với khoảng cách khác nhau giữa họ và cha mẹ mình. Một số cắt đứt quan hệ hoàn toàn nhưng điều này rất hiếm, ít nhất là ở Ấn Độ. Người bị phụ huynh hóa có nhiều khả năng sẽ đưa ra lựa chọn hơn khi đối mặt với cha mẹ mình. Một số thậm chí còn cố chia sẻ với cha mẹ rằng họ cảm thấy mình bị cha mẹ tổn thương thế nào. Một số phụ huynh mở lòng để lắng nghe, nhưng hầu như tất cả họ đều không ngấm được.

Lấy ví dụ, cha mẹ của Priya đã tiếp thu, mặc dù cảm giác tội lỗi của mẹ cô khi nghe chuyện của con gái đã khiến Priya một lần nữa quan tâm đến bà. Priya đã có thể nói với mẹ mình rằng việc mẹ luôn phụ thuộc vào cô đã làm cô kiệt sức thế nào. Mẹ của cô đã rất ngạc nhiên nhưng lại tiếp thu quan điểm của con gái mình.

Mặt khác, khi Anahata cố gắng kể chuyện với cha mẹ về những trải nghiệm của cô nhiều năm trước, họ tỏ ra không hiểu lắm. Cô ấy bảo tôi: “Khi chúng tôi trao đổi chuyện này, cha tôi mắng: “Con không có quyền trách cha mẹ. Cha mẹ là người đã cho con tất cả mọi thứ. Mọi thứ mua được bằng tiền cha mẹ đều đã mua rồi. Còn có vấn đề gì nữa được sao?”Với kiểu phản hồi này, điều quan trọng là phải nhận ra rằng việc chữa lành có thể không xuất phát từ nguồn tổn thương – tức thay đổi quan điểm của cha mẹ không phải là mục tiêu. Thay vào đó, mục tiêu là bạn tin vào câu chuyện của chính mình, tìm ra những tổn thương và chữa lành bằng những cách khác.

Trong lúc đặt ra ranh giới, bạn có thể cảm thấy tội lỗi hoặc ích kỷ khi ‘bỏ rơi’ người khác. Họ có thể sẽ lôi kéo bạn trở lại vai trò chăm sóc họ như xưa. Bạn cần phải tiếp tục hành trình của mình và thể hiện sự tử tế với bản thân nếu bạn lại rơi vào những vòng lặp cũ. Tôi hy vọng bạn nhận ra rằng họ sẽ ổn dù không có bạn, và bạn cũng vậy. Khỏe mạnh là khi ta có khả năng để người khác tự chịu trách nhiệm với bản thân, là khả năng từ chối giúp đỡ khi bạn chẳng còn năng lượng. Đó cũng là khả năng nói đồng ý với người mà bạn cảm thấy muốn chăm sóc.

Tôi đã có thể có sức khỏe và sự chữa lành khi tôi viết ra những dòng này và truyền đạt suy nghĩ của mình đến với người khác. Khi tôi viết, cơ thể tôi run lên và tôi khóc, nhưng nó còn không làm tôi choáng ngợp nữa. Tôi đã có thể chia sẻ với bố mẹ, và tôi đã may mắn được họ lắng nghe. Tôi tìm thấy ánh sáng và niềm tin trong câu chuyện của chính mình,  tôi đã đọc rất nhiều, nói chuyện với người khác, thực hiện nghiên cứu của mình. Tôi từ từ trở nên gắn kết.

Tôi mất 10 năm để thoát khỏi phụ huynh hóa và tìm cho mình một khoảng giữa “con gái của cha mẹ” và “người chăm sóc cha mẹ”. Về phần họ, họ còn bắt đầu bảo tôi ngưng lo lắng cho họ đi. Thậm chí, giờ đây chúng tôi còn có lúc đùa giỡn. Chúng tôi hay đùa rằng mỗi lần tôi viết về tuổi thơ đáng ghét của mình thì cha mẹ tôi sẽ lập tức đáp trả bằng một bài biện minh cho những hành vi của mình. Với danh nghĩa là người thân của nhau, sự thật là cuối cùng chúng tôi đã chấp nhận mọi thứ làm tôi thấy mình khỏe khoắn hơn nhiều.

Dịch từ: https://aeon.co/essays/how-can-adults-undo-the-harm-of-being-parentified-as-children

Leave a Comment

Scroll to Top