Tranquil

Ứng dụng công nghệ vào tâm lý học

Công nghệ thực tế ảo, các ứng dụng di động và những công nghệ mới khác đang thay đổi cách chúng ta cải thiện sức khoẻ tâm thần.

Là con của một gia đình gốc El Salvador nhập cư tại Mỹ, trong suốt quá trình lớn lên, Jimmy Castellanos luôn được bảo rằng anh thật may mắn khi có thể sinh sống tại một đất nước tuyệt vời như vậy. Jimmy cũng cảm thấy như thế, đến nỗi anh đã trở thành một lính thuỷ đánh bộ mà theo anh, đây là nghĩa vụ của một công dân yêu nước.

Vào tháng 3 năm 2004, Jimmy, lúc này đang 20 tuổi, được điều đến căn cứ không quân Al Asad, cách thủ đô Baghdad của Iraq không xa. Tại đây, anh chịu trách nhiệm bảo trì phi cơ thuỷ quân lục chiến với tư cách một kỹ thuật viên phi cơ. Vào ngày thứ 18 của tháng đó, Jimmy được giao nhiệm vụ quân nhu tiêu chuẩn – lái xe tải đến những nơi khác trong khu vực căn cứ để lấy một số thực phẩm dự trữ.

Tuy nhiên, chỉ vài phút trước lúc anh chuẩn bị xuất phát, một trung sĩ đã ra lệnh cho anh ở lại và hỗ trợ phòng vệ một điểm cung cấp đạn dược. Vì thế, Jimmy đã đổi chỗ với một người bạn cùng phòng – người đã làm nhiệm vụ phòng vệ trong suốt 12 giờ. Đêm hôm đó, khi chiếc xe tải chở thực phẩm quay về, một đợt tấn công bằng súng cối đã nổ ra. Jimmy đã nhìn thấy vụ nổ từ cách đó 1km. Sau đó anh được thông tin rằng có 3 cư dân bị thương nặng. Và tệ hơn, người bạn chung phòng đổi chỗ với anh đã mất mạng.

Liệu pháp Tiếp xúc Công nghệ cao

3 năm sau, Jimmy quay về Mỹ, nhưng những sự kiện xảy ra ngày hôm đó vẫn luôn trong tâm trí anh. Anh mơ về Iraq hầu như mỗi đêm và trước khi đi ngủ, anh luôn kiểm tra nhiều lần xem cửa và cửa sổ đều đã được khoá hay chưa. Trong suy nghĩ của anh, ngay cả những phòng tắm công cộng cũng ẩn chứa nguy hiểm tiềm ẩn, vì vậy, anh mở cửa tất cả những phòng tắm trống để đảm bảo rằng không có nguy cơ nào đang nấp đằng sau chúng.

Sau tất cả, anh đã vật lộn để chia sẻ về quãng thời gian ở Iraq của mình.

Trong lần phỏng vấn với NBC, Jimmy kể “Tôi chẳng thể nào nói về chuyện đó trong hơn một vài giây mà không cần rời khỏi phòng”. Được chẩn đoán mắc rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), Jimmy được khuyên tìm đến liệu pháp để cải thiện tình trạng của mình. Vì vậy, anh đã đăng ký tham gia một cuộc nghiên cứu lâm sàng ứng dụng thực tế ảo để hỗ trợ trị liệu tình trạng của mình.

Nghiên cứu này sử dụng liệu pháp tiếp xúc để dẫn dắt những người tham gia vượt qua nỗi sợ hoặc sang chấn với mục tiêu giảm dần các phản ứng tiêu cực. Thông thường, kiểu trị liệu này bao gồm việc tăng cường tiếp xúc với sang chấn để các thân chủ có thể từ từ củng cố khả năng chịu đựng của mình cho đến khi nó không còn tạo ra tác động tiêu cực nữa.

Xem bài viết  Các Video Chia Sẻ Chế Độ Ăn: Điều Phụ Huynh Cần Biết

Phiên bản thực tế ảo (VR) mà Jimmy đã trải nghiệm là một hình thức trị liệu tiếp xúc nhập vai, mô phỏng những sự kiện của anh ở Iraq. Mang một bộ VR trong một phòng thí nghiệm được giám sát, anh đã lập tức được đưa về những ngày tháng còn trong quân ngũ của mình. Đồ hoạ của hình ảnh chỉ ở mức chấp nhận được, nhưng vẫn đủ thực tế để gây hoảng sợ.

“Tôi đang trên một đoàn xe. Tôi nhớ có một chiếc trực thăng bay qua, là một chiếc Black Hawk,” anh nói với NBC. “Ở Iraq, ngày nào chúng tôi cũng thấy chúng. Kể từ khi về nhà, đây là lần đầu tiên tôi nghe lại tiếng động của nó. Tim tôi đập loạn xạ, người đầy mồ hôi. Tôi đang cầm một khẩu M16 và tôi gần như phát hoảng. Điều này thật quá sức chịu đựng của tôi.”

Trong 13 buổi tiếp theo, phản ứng sinh lý của Jimmy đã giảm từ cực độ xuống gần bằng không. Vào lần cuối trải nghiệm kính thực tế ảo, anh đã quá quen với việc hồi tưởng sang chấn này nên cũng chẳng còn phản ứng mãnh liệt nữa.

Dĩ nhiên, Jimmy không phải là người duy nhất được hỗ trợ bởi liệu pháp trị liệu bằng VR. Ngoài rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), công nghệ này đang được ứng dụng để trị liệu các rối loạn khác.

Bravemind

Vị trí: Los Angeles, California

Bravemind là một dự án của Viện Công nghệ Sáng tạo của Đại học Nam California, ứng dụng liệu pháp tiếp xúc VR để hỗ trợ trị liệu PTSD ở các cựu binh. Các chuyên gia có thể tuỳ chỉnh những mô phỏng thực tế ảo theo các nhu cầu riêng biệt của thân chủ với những kịch bản hình ảnh, âm thanh, rung động 3D và các kích thích khác nhau.

Theo các nghiên cứu, những phương pháp của Bravemind đã được ghi nhận hiệu quả trong hỗ trợ làm giảm các triệu chứng của PTSD. Trong một lần, các nhà nghiên cứu đã đo mức độ các triệu chứng PTSD khi liệu trình bắt đầu, kết thúc và sau kết thúc 3 tháng. 16 trong số 20 người tham gia cuộc nghiên cứu đó đã không còn đáp ứng tiêu chí chẩn đoán mắc PTSD nữa.

Được tìm thấy tại hơn 60 điểm trên khắp cả nước, bao gồm các bệnh viện quân y, căn cứ quân sự và trường đại học, Bravemind được xem như một giải pháp hiệu quả thay thế cho liệu pháp trò chuyện truyền thống.

Xem bài viết  Trí tuệ Nhân tạo và Tâm lý học

OxfordVR

Vị trí: Oxford, Anh

OxfordVR là một sản phẩm trí tuệ của giáo sư Daniel Freeman tại Oxford. Trong nghiên cứu của mình, Daniel đã cho thấy các buổi trị liệu bằng thực tế ảo có thể trị liệu hiệu quả chứng sợ độ cao. Và kết quả này của công ty dường như đang thay đổi cuộc sống của mọi người.

Dick Tracey là một nhân viên y tế đã về hưu, đang sống ở Oxfordshire, Anh. Trong suốt cuộc đời của mình, ông luôn mang bên mình một nỗi sợ độ cao tột cùng, điều này khiến ông luôn tránh các thềm cao, bậc thang. Ngay cả thang cuốn cũng làm tim ông đập nhanh hơn.

Là một người tham gia cuộc nghiên cứu của Daniel, Dick đã trải qua 8 buổi trị liệu thực tế ảo, 4 giờ trong vòng 2 tuần. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, nỗi sợ của ông dường như đã hoàn toàn biến mất.

Talkspace

Vị trí: Newyork, Newyork

Thực tế ảo không phải là loại công nghệ mới duy nhất được áp dực vào tâm lý học và trị liệu. Công nghệ  thường phục vụ sức khoẻ tâm thần thông qua việc kết nối các nguồn lực phù hợp đến người cần.

Một ví dụ là trường hợp của Michael. Vào tháng 10 năm 2014, một đợt trầm cảm dữ dội đã khiến ông phải ngồi lì trong căn phòng của mình trong suốt 5 ngày liền, đó là khoảng thời gian mà ông nghi vấn về ý chí sống còn của mình. May mắn thay, ông đã kết nối được với một nhà trị liệu và nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Ông tin rằng quyết định đó đã cứu rỗi mình.

Họ của Michael là Phelps, đúng vậy, là Michael Phelps – người đã nhận 23 huy chương vàng Olympic. Ông đã liên hệ với Talkspace để chia sẻ câu chuyện của mình và động viên mọi người tìm đến các liệu pháp khi cần thiết. Công ty này giúp kết nối các cá nhân với những nhà trị liệu thông qua các phiên trực tuyến, các cuộc gọi điện và qua video. Hệ thống này không chỉ giúp chúng ta dễ dàng nhận được sự trị liệu cần thiết hơn mà còn giúp việc tìm kiếm liệu pháp ít gây lo lắng hơn.

Ứng dụng trên điện thoại thông minh có thể hỗ trợ sức khoẻ tâm thần

Chúng ta không nhất thiết phải gặp vấn đề sức khoẻ tâm thần cụ thể mới có thể sử dụng chúng, bởi vì nhiều ứng dụng trong số này giúp chúng ta đối phó với những tác nhân gây căng thẳng thông thường hoặc các vấn đề hàng ngày về tâm trạng thông qua các phương pháp chánh niệm giảm lo âu và cho phép người dùng kiểm tra cảm giác của mình.

Calm

Vị trí: San Francisco, California

Calm giúp người dùng giải toả, thiền và ngủ thông qua các bài thiền và các câu chuyện hỗ trợ giấc ngủ, bất cứ khi nào và ở bất kì nơi đâu. Hiệu quả có nó rất rõ ràng. Apple đã xếp Calm vào top ứng dụng cho iPhone năm 2017.

Xem bài viết  Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi ngành Tâm lý học

Moodnotes

Vị trí: Los Angeles; Anh

Moodnotes là một ứng dụng ghi lại tâm trạng giúp người dùng theo dõi các tâm trạng của mình và xác định được điều dẫn đến các tâm trạng đó. Ngoài ra, Moodnotes còn giúp người dùng phát triển thói quan suy nghĩ lành mạnh hơn thông qua việc xác định các “bẫy” thường gây ra các suy nghĩ trầm cảm hoặc lo âu. Thông qua liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), ứng dụng này hướng đến việc giảm các triệu chứng suy nghĩ tiêu cực và tăng cường nhận thức về bản thân.

Stop, Breathe & Think

Vị trí: Los Angeles, California

Về cơ bản, Stop, Breath & Think là một sự kết hợp giữa Calm và Moodnotes. Ứng dụng này sử dụng các bài kiểm tra cảm xúc hàng ngày để theo dõi cảm xúc của chúng ta và hướng dẫn thiền cũng như các kĩ thuật hít thở để giúp chúng ta bình tĩnh. Ứng dụng này hướng đến đối tượng là thanh thiếu niên và người trẻ – những người mà nhiều nghiên cứu cho rằng dễ đối mặt hơn với nguy cơ lo âu, trầm cảm và tự tử. Công ty chia sẻ 10% doanh thu của mình với Tools for Peace, một tổ chức phi lợi nhuận hướng dẫn các kĩ thuật chánh niệm cho thanh thiếu niên trong thành phố.

“Hoàn toàn thay đổi”

Trị liệu bằng thực tế ảo đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Jimmy Castellanos.

“Trong 13 tuần, tôi đã trở thành một con người khác hoàn toàn so với tôi của 10 năm vừa qua,” anh nói. “Trước khi được trị liệu, 80-90% giấc mơ của tôi đều liên quan đến Iraq. Và đã lâu rồi tôi không có giấc mơ nào như thế nữa. Hiện tại tôi đang sống theo một cách hoàn toàn khác.”

Tuy vậy, Jimmy không phải là một binh sĩ duy nhất trải qua rối loạn stress sau sang chấn. Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ ước tính có 11 đến 20% số cựu binh phục vụ trong chiến dịch giải phóng Iraq chịu ảnh hưởng của chứng này.

Hiện tại, Jimmy đang theo học Tiến sĩ Y khoa tại Đại học Y dược Weill Cornell, và anh đang làm tốt hơn rất nhiều so với các binh sĩ đồng khoá với mình. Một lần nữa, chỉ có khoảng một nửa số cựu binh được chẩn đoán mắc PTSD tìm đến sự trị liệu cần thiết.

“Rất nhiều người chẳng thể hiểu được cảm giác trở về sau chiến tranh là như thế nào”, anh nói. “Thật khó khăn đối với các cựu binh khi tiến xa đến mức này.”

Đối với nhiều người, bao gồm cả Jimmy, công nghệ đang phần nào thể hiện được sự hữu ích.

Tác giả: Gordon Gottsegen

Nguồn: https://builtin.com/

Leave a Comment

Scroll to Top