Tranquil

Làm thế nào để “Ngôi Nhà Thứ Hai” thành nơi ta muốn trở về?

Trong mùa hè này, Tranquil rất vui khi được đem đến cho mọi người chuỗi 6 tập podcast mỗi thứ tư hàng tuần được phát sóng trên nền tảng Spotify có tên “Ngồi Nghe Gen Z,” nơi host Hiền Nhi sẽ cùng các bạn lắng nghe những câu chuyện của những bạn trẻ đã trải qua một số khó khăn về sức khỏe tinh thần và cùng nhau vượt qua những thử thách này với sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.

Với thông điệp “I have been there”, hay “Mình cũng đã từng như vậy,” chuỗi Giáo dục tâm lý này nhằm mục đích giúp các bạn học sinh, sinh viên từ 16-22 tuổi cảm thấy đỡ lạc lõng hơn trong hành trình lớn lên và chữa lành qua những câu chuyện và lời gợi ý được chia sẻ. Series “Ngồi Nghe Gen Z” năm nay sẽ xoay quanh những chủ đề Bắt nạt học đường, Tìm hiểu bản thânĐiều hoà cảm xúc

Tập 302 của series “Ngồi Nghe Gen Z” là chuyên mục phân tích về vấn đề Bắt Nạt Học Đường, một thực trạng đang được quan tâm hơn bao giờ hết, cùng với khách mời đặc biệt – anh Đặng Đức Anh, một thạc sĩ Tâm lý Lâm Sàng dành cho các bạn Thanh thiếu niên & Trẻ em từ Đại học Quốc Gia Việt Nam. 

Anh Đức Anh đã cùng chương trình giải đáp một số câu hỏi như “Những hình thức bắt nạt tinh thần có thể xảy ra là gì?” và “Vì sao một số người lại bắt đầu đi bắt nạt những bạn khác?” Anh cũng đồng thời chia sẻ về sự nguy hiểm đáng báo động của vấn đề bắt nạt tinh thần ở trẻ, một số cách để nạn nhân có thể vượt qua vấn nạn này, cũng như cách để những người thân xung quanh phòng tránh và giúp đỡ nạn nhân. Hãy cùng đọc qua tóm tắt những chia sẻ của anh nhé! 

Theo kinh nghiệm tham vấn cho các bạn thanh thiếu niên của mình thì anh có thường xuyên gặp những trường hợp các bạn trẻ từ 16-22 tuổi bị bắt nạt về tinh thần không ạ?

Mình cũng gặp không ít và mình thường gặp tình huống này ở các bạn học sinh THCS hoặc THPT nhiều hơn so với các nhóm trưởng thành. Hình thức rất đa dạng, cũng đã có bạn bị tấn công trên các nền tảng mạng xã hội như nhân vật trong tập Podcast 301 trước, có bạn lại bị bắt nạt hội đồng, kiểu như người bắt nạt bạn ấy cậy có tiền, có quyền xong làm mưa làm gió trong lớp. Rủ rê lôi kéo thậm chí là gây sức ép với các bạn khác để cô lập thân chủ của mình, khiến nhiều học sinh trong lớp dù muốn giúp đỡ song chỉ dám đứng ngoài để nhìn. Có những trường hợp không chỉ gây sức ép về tinh thần mà còn đánh, hành hung thân chủ. Và có những trường hợp tinh vi đến nỗi không hề để lại vết thương trên da. Nhiều bạn thân chủ của minh từng có thời gian giam mình trong phòng và không dám đi học, không cho bố mẹ biết vì bố mẹ vẫn thấy con ra khỏi nhà nhưng thực chất là không hề dám đến trường. Trộm vía là chưa có bạn nào khi tìm đến mình mà đã có hành vi t/ự s/át. Thực sự thì nghe những câu chuyện đó rất thương các bạn ấy.

Chính vì bắt nạt về tinh thần khó phát hiện hơn so với bạo lực học đường về thể chất, hiện nay có rất nhiều tranh cãi về ranh giới giữa một số hành động được cho là những hành vi tập trung vào mong muốn của bản thân chứ không nhắm vào việc làm hại người khác – và những hành động thật sự là bắt nạt học đường. Vậy theo anh thì những hành động như thế nào sẽ bị coi là bắt nạt?

Có một thực trạng là một số thuật ngữ thường được sử dụng thay thế hoặc lẫn lộn với nhau như bắt nạt, bạo lực học đường và hành vi hung hăng/hành vi xâm kích. Điều này đến từ sự khác biệt trong cách định nghĩa ở các tổ chức; các cá nhân; các nền văn hóa. Nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Như Trang đăng trong tạp chí Tâm lý học năm 2017 hay nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra sự tồn tại của vấn đề này không chỉ là ở rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do đó, nếu các bạn thấy định nghĩa của mình có khác biệt với cách các bạn đang hiểu, xin vui lòng hiểu cho vấn đề thực tế này.

Ở đây, mình sẽ chọn một định nghĩa được Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ công bố: 

“Bắt nạt là một dạng hành vi hung hăng trong đó một người cố ý và liên tục gây thương tích hoặc khó chịu cho người khác. Bắt nạt có thể dưới hình thức tiếp xúc cơ thể, lời nói hoặc hành động tinh vi hơn. Cá nhân bị bắt nạt thường gặp khó khăn trong việc bảo vệ mình và không làm gì để “gây ra” hành vi bắt nạt. Bắt nạt trên mạng là hành vi đe dọa hoặc quấy rối bằng lời nói được thực hiện thông qua công nghệ điện tử như điện thoại di động, email, mạng xã hội hoặc tin nhắn văn bản.”

Từ điển tâm lý học APA

Như vậy, một hành động được xem là bắt nạt nếu có chủ đích khiến người khác tổn thương, thường lặp đi lặp lại trong thời gian dài, tạo ra sự bất bình đẳng. Đại ý là một người có vị thế kiểm soát, một người yếu thế hơn và thường không chống trả được. Để phân biệt thì ta sẽ thấy rằng có các hành vi nhìn từ bên ngoài có vẻ rất bạo lực như đánh nhau, đập phá nhưng mà lại là đánh nhau từ 2 phía, có đánh qua trả lại và không bị lép vế thì đó không phải bắt nạt. Hoặc có những người tỏ thái độ tức giận, hung hăng nhưng lại không hề có chủ đích tấn công người khác, chỉ dừng lại ở việc dọa dẫm và tự bảo vệ mình. Cũng có những người do đặc điểm sinh học và văn hóa, họ phản ứng mạnh mẽ và dễ tức giận, họ bộc lộ ra bên ngoài sự khó chịu nhưng lại không hề có ý gì gây hại cho người khác dù vẫn khiến người khác e sợ, đó cũng không phải bắt nạt. 

Xem bài viết  Đừng để kỳ vọng thành thất vọng!

Một ví dụ thường được đưa ra là việc nghỉ chơi tập thể có thể xuất phát từ việc các bạn chơi không hợp nhau chứ không nhất thiết là do muốn bắt nạt bạn. Sự việc nghỉ chơi tập thể này cần được xem xét ở góc độ mục đích của nhóm nghỉ chơi kia, họ có rủ những người khác nghỉ chơi cùng với mục đích cô lập đối phương hay không là điều đầu tiên. Kể cả là họ có giống như chọn phe do cùng sở thích, theo cùng một đặc trưng nào đó và không may mắn là còn 1-2 cá nhân ở nhóm ngược lại thì mình nghĩ câu trả lời sẽ là không phải. Thông thường bắt nạt sẽ không chỉ dừng lại ở việc chia nhóm mà còn biểu lộ ở các hành vi đánh đập, nói xấu, thêu dệt câu chuyện một cách có chủ đích nữa… thì ta mới xem đó là bắt nạt. Còn cá nhân không cảm thấy mình như một phần của tập thể đó thì đó là cảm nhận của cá nhân.

Theo Lý Thuyết Hành Vi thì tất cả hành vi của chúng ta đều là học được, bao gồm các hành vi cần thích nghi, kể cả việc đi bắt nạt. Điều này đồng nghĩa với việc người bắt nạt có khả năng đã từng bị bắt nạt và học cách hành xử như vậy từ đó. Với vai trò là một chuyên gia thì theo anh có những lý do gì khiến cho một bạn trẻ, mặc dù có khi chính bạn ấy từng là một nạn nhân của vấn nạn này, lại trở thành một người đi bắt nạt người khác ạ?

Việc một người đã từng là nạn nhân sau này có thể trở thành người đi bắt nạt người khác có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân và chịu nhiều yếu tố ảnh hưởng. Chúng ta có thể có nhiều giả thuyết lý giải cho điều này và giải thích được theo cả tiếp cận nhận thức, hành vi.

Ví dụ, ban đầu bạn ấy sống rất hòa đồng, hiền lành nhưng sau khi bị bắt nạt và phải chịu đựng mệt mỏi, bạn ấy quyết định không thể để mình bị bắt nạt như thế nữa. Bạn ý vùng lên, chống trả lại quyết liệt: có thể là đánh lại, mắng chửi lại hoặc tìm người hành hung lại nhóm người đã đi bắt nạt để trả thù chẳng hạn. Sau khi chống trả và giành chiến thắng, cảm giác của bạn ấy bây giờ thay đổi rồi. Bạn ấy tự tin hơn và nhận ra là, “Ồ, hóa ra kiểm soát được người khác lại thú vị như vậy – hóa ra bạo lực có tác dụng không chỉ để bảo vệ mình mà còn làm người khác nể mình, sợ mình nữa!” Không còn nhận thức ban đầu là “Mình yếu đuối, mình có lỗi,” hay có cảm giác tự ti, xấu hổ nữa. 

Đó là bước đầu: nhận thức được điều chỉnh là bây giờ cần chống trả, không được yếu đuối nữa và có thể phản ứng lại, trả thù lại, tự tin hơn, mạnh mẽ hơn. Tất nhiên, bạn ấy không muốn bị bắt nạt thêm lần nào nữa, nhưng làm thế nào để ngăn cản những người khác bắt nạt mình trong tương lai. Tào tháo có câu, “Ta thà phụ người chứ không để người phụ ta.” Từ tâm thế bị động lúc nào cũng trong tình trạng nơm nớp e dè thì bây giờ chủ động tạo thế lực, chủ động đi bắt nạt người khác để lấy lại được sự tự tôn ngày xưa đã mất. Càng làm thì càng có thể nghiện, bởi vì hưởng thụ được cảm giác có người cung kính, có người sợ mình, có người phải làm theo ý mình mong muốn, phải chịu sai bảo. Sợ nhất chính là khi các bạn này đi bắt nạt người khác xong lại bắt đầu thật sự thích cảm giác ấy.

Xem bài viết  Mối quan hệ giữa stress và đồ ăn

Ở một góc độ khác, có những bạn không đáp trả lại được những người đã từng bắt nạt mình thì lại quay sang bắt nạt những người yếu thế hơn. Như một cách để lấy lại lòng tự tôn, để xả giận, để lấy lại sự công bằng vốn có. Có những bạn học sinh đã từng nói với mình về lý do đi bắt nạt bạn khác, nghe vừa tức cũng vừa thương – bạn ấy gào lên và khóc ấm ức, “Con có làm gì có tội, con có cho phép mấy đứa kia bắt nạt con đâu mà con vẫn phải chịu đựng còn gì? Vậy con đi bắt nạt lại đứa yếu hơn thì có gì là không được?!”

Đó là mình đưa ví dụ một cách trực quan cho mọi người cảm nhận được, còn theo nguyên tắc, theo lý thuyết thì sẽ còn muôn vàn cách giải thích khác cho việc nhận thức của họ đã thay đổi như thế nào để dẫn đến sự chủ động đi bắt nạt ấy. Còn theo tiếp cận hành vi thì đơn giản là học được qua quan sát và trải nghiệm rằng, “Càng chịu đựng thì càng bị bắt nạt nhiều hơn, thế thì không chịu đựng nữa, phải phản kháng.” Rồi thì hành động bạo lực, bắt nạt người khác cũng có nhiều ích lợi: vừa bảo vệ được bản thân, vừa nâng cao vị thế, được người khác nể sợ, tôn sùng thì “tội gì mà không làm.” Bên cạnh đó cá nhân còn có thể chịu các yếu tố ảnh hưởng khác như giáo dục, đặc điểm môi trường học đường và môi trường sống nói chung, đặc điểm tính cách của cá nhân (sinh học); sự thiếu hụt các kỹ năng để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, …

Nói như vậy là để cho gia đình và xã hội quan tâm, giúp gây dựng và bảo vệ trẻ chứ không phải là chấp nhận hành vi đi bắt nạt người khác do đã từng là nạn nhân. Chúng ta không có quyền gây tổn thương, tổn hại cho người khác chỉ vì ta đã chịu tổn thương từ một ai đó. Không thể lấy điều đó làm cái cớ để duy trì các hành vi được.

Trong bài báo “Báo động tình trạng bạo lực học đường tại Việt Nam,” anh Đức Anh có chia sẻ rằng các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, PTSD,… đều có thể xuất hiện và trở nên nghiêm trọng nếu nạn nhân không được hỗ trợ kịp thời. Vậy anh có thể cho biết việc bị bắt nạt học đường, kể cả về tinh thần chứ không phải chỉ về thể chất, có thể định hình tính cách và ảnh hưởng sâu sắc đến nhân sinh quan của bạn trẻ như thế nào không?

Bị bắt nạt có đáng sợ không, mình đã từng gặp, đã từng trò chuyện với các bạn thân chủ của mình. Trước khi vấn đề sức khỏe tinh thần của các bạn ấy trở nên nghiêm trọng như lúc các bạn ấy gặp mình; các bạn ấy đã sống trong một chuỗi những ngày kinh hoàng. Trường học không còn là nơi cho các bạn ấy cảm giác hào hứng mỗi khi đến, thay vào đó là cảm giác nơm nớp suốt cả quãng đường đi. Đến trường thì nhìn trước, ngó sau chỉ mong không bị trêu chọc, hành hung, bắt nạt. Có kêu cứu không, đã từng thử, nhưng thật sự thì nhiều khi nó vượt quá khả năng của các bạn ấy. Các bạn ấy bị đe dọa là chẳng ai tin nếu mách đâu, chẳng có chứng cứ gì cả, mách lẻo thì sẽ nhận nhiều thứ kinh khủng hơn nữa. Suốt ngày sống trong lo âu, bế tắc, học hành cũng chẳng thể tập trung được và kết quả ngày càng kém đi.

Có những bạn còn tự dằn vặt bản thân, cảm thấy xấu hổ vì bị bắt nạt, cảm thấy khó hiểu và nghĩ rằng mình có lỗi gì đó mới bị thù, bị ghét như vậy. Đôi khi những suy nghĩ ấy khó hiểu như, “Học giỏi là cái tội. Ngoan ngoan và được khen ngợi là cái tội. Vậy thì thôi không ngoan nữa, không học nữa.” Hình ảnh bản thân suy giảm, nhiều suy nghĩ sai lệch có thể xuất hiện, như, “Mình không tốt mới bị ghét. Mình kém cỏi nên không chống trả được. Mình yếu đuối. Mình vô dụng. Mình đã kêu cứu nhưng chẳng ai quan tâm, mọi người còn né tránh, bỏ mặc mình. Mình không xứng đáng được yêu thương, được trân trọng, được bảo vệ,” – có cả những suy nghĩ vô cùng cực đoan – “Mình bị như vậy là xứng đáng. Mình không xứng đáng tồn tại.”

Thế giới xung quanh trở nên nguy hiểm hơn với các lỗi nhận thức như khái quát hóa rằng, “Mọi người xung quanh đều nguy hiểm. Ai ai cũng có thể là người xấu.” Nỗi lo sợ bao trùm khiến nhiều bạn rút lui khỏi quan hệ xã hội, buồn bã, thất vọng và rất nhiều cảm xúc âm tính xuất hiện, rút cạn năng lượng của bạn ấy cho những hoạt động kể cả như trước đây đã từng rất yêu thích. Nếu không được kịp thời hỗ trợ, hệ quả nguy hiểm nhất là tính mạng của các bạn ý, còn không những nỗi đau ấy sẽ tiếp tục đi theo và làm phiền đến cuộc sống của các bạn. Từ những tổn thương này, chúng có thể là cơ sở hình thành nên rất nhiều các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. Bạo lực học đường, bạo lực xã hội, bạo lực trong cộng đồng là những trải nghiệm thơ ấu tiêu cực đã được liệt kê trong 13 loại ACEs của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO, và việc phơi nhiễm với càng nhiều trải nghiệm thơ ấu tiêu cực sẽ càng gia tăng tỷ lệ mắc các vấn đề rối loạn tâm thần.

Xem bài viết  Dấu hiệu ban đầu của các rối loạn tâm lý, tâm thần

Chúng ta có thể thấy rằng tình trạng bắt nạt học đường cho dù khó nhìn thấy trong một số trường hợp nhưng đều sẽ để lại những hậu quả rất nghiêm trọng đến các bạn trẻ, nhất là trong thế giới ngày nay với sự tác động to lớn của mạng xã hội. Như vậy những nạn nhân của vấn nạn này có thể làm gì để lên tiếng bảo vệ bản thân và vượt qua ám ảnh tâm lý ạ?

Trước tiên, các bạn có thể xem xét việc báo cho người thân, giáo viên và nhà trường. Nếu như phương án đó dường như không hiệu quả và có quá nhiều rủi ro, cá nhân mình nghĩ cách hiệu quả nhất là báo cho các Trung tâm, tổ chức về bảo vệ quyền lợi và sự an toàn cho trẻ em. Ở các tổ chức ấy sẽ có hệ thống cả những nhà tâm lý và hệ thống hỗ trợ pháp lý, bên cạnh việc lắng nghe và thấu hiểu, cho bạn một điểm tựa tinh thần thì họ có thể tư vấn cách thức làm thế nào bạn thông qua pháp luật để bảo vệ chính mình một cách hiệu quả nhất.  

Các phòng tham vấn tâm lý học đường là sẽ nơi để các bạn chia sẻ vấn đề của mình và hoàn toàn được bảo mật. Chuyên viên tâm lý bên cạnh việc lắng nghe, hỗ trợ tâm lý cho các bạn còn có thể giúp các bạn tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ trong nhà hay ngoài nhà trường. Hoặc không, các bạn có thể tìm sự hỗ trợ của các nhà tâm lý ngoài trường học như mình, vấn đề của mỗi bạn là khác nhau nên chúng mình không có công thức chung mà sẽ có phác đồ riêng để hỗ trợ. Một số tổ chức các bạn có thể tham khảo là: 

  1. Trung tâm báo động và cứu trợ trẻ em Việt Nam:
  2. Tổ chức Bảo vệ Trẻ em Việt Nam:
  3. Tổ chức Liên Hợp Quốc UNICEF Việt Nam:
  4. Tổ chức Phụ nữ và Trẻ em Quốc tế (Plan International) Việt Nam:
  5. Tổ chức Gia đình và Trẻ em Việt Nam (FVSA):

Về tâm thế, hãy xác định là luôn cần ưu tiên bản thân và bảo vệ bản thân, giữ bản thân được an toàn. Chúng ta cần tìm cách triệt để thay vì việc né tránh, chịu đựng quá lâu.

Ngoài ra, anh Đức Anh nghĩ rằng có những cách gì để người thân, bạn bè của các bạn trẻ có thể giúp đỡ và tốt hơn cả là phòng tránh chuyện bắt nạt học đường xảy ra ạ?

Cho những người thân quen của các bạn trẻ: hãy chú ý những sự khác biệt trong hành vi, cảm xúc, thói quen của con cái, bạn bè mình. Bỗng nhiên không muốn đi học, cảm thấy u sầu, mệt mỏi, có những hành vi tự hại,… đều là những dấu hiệu có thể nhận thấy được. Chúng ta cũng cần lắng nghe và công nhận những gì họ nói. Đừng chối bỏ hoặc coi thường vấn nạn này vì có thể họ sẽ tự tìm những cách không hữu ích, đôi lúc có nhiều nguy hại để giải quyết vấn đề. Nếu gia đình và người thân cảm thấy không thể tự giải quyết, hãy liên hệ các dịch vụ như mình đã đề cập bên trên. Quan trọng hơn cả là việc thăm hỏi, quan tâm, và thiết lập mối quan hệ gia đình an toàn, gần gũi. Đây là cách hiệu quả nhất để các bạn trẻ nhận biết rằng đây là một không gian an toàn và có thể chủ động chia sẻ những khó khăn của mình. 

Mong rằng sau những chia sẻ từ Thạc Sĩ Tâm Lý Đức Anh thì các bạn sẽ hiểu rõ hơn về vấn nạn Bắt Nạt Học Đường và những cách để phòng tránh cũng như vượt qua khó khăn này, để các bạn học sinh của chúng ta luôn được cảm thấy an toàn khi đến “ngôi nhà thứ hai” của các bạn. Hẹn gặp các bạn ở những nội dung tiếp theo – Tìm Hiểu Bản Thân và Điều Hoà Cảm Xúc – của “Ngồi Nghe Gen Z” nhé! 

Host Podcast “Ngồi Nghe Gen Z”

Leave a Comment

Scroll to Top