Tranquil

Rối Loạn Lưỡng Cực

Rối loạn lưỡng cực là gì?

Rối loạn lưỡng cực là một tình trạng sức khoẻ tâm thần với đặc trưng là tâm trạng thay đổi cực độ.

Triệu chứng chính bao gồm:

  • các giai đoạn hưng cảm (tâm trạng cực kỳ hứng khởi)
  • các giai đoạn trầm cảm (suy giảm tâm trạng)

Trước đây, rối loạn lưỡng cực còn được gọi là hưng trầm cảm hoặc bệnh lưỡng cực.

Rối loạn lưỡng cực không phải là một chứng bệnh hiếm gặp. Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, có 2.8% người Mỹ trưởng thành (khoảng 5 triệu người) được chẩn đoán mắc rối loạn lưỡng cực.

Mặc dù rối loạn lưỡng cực không có cách chữa trị hoàn toàn nhưng vẫn có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả. Những phương pháp này không chỉ giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng mà còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các loại rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực bao gồm 3 loại chính: rối loạn lưỡng cực I, rối loạn lưỡng cực II và rối loạn khí sắc theo chu kỳ.

Rối loạn lưỡng cực I

Rối loạn lưỡng cực I được xác định bởi sự xuất hiện của ít nhất 1 giai đoạn hưng cảm. Bệnh nhân cũng có thể trải qua các giai đoạn hưng cảm nhẹ hoặc trầm cảm trước và sau giai đoạn hưng cảm đó. Số lượng người mắc loại rối loạn lưỡng cực này ở hai giới tính là như nhau.

Rối loạn lưỡng cực II

Bệnh nhân mắc rối loạn lưỡng cực II sẽ trải qua một giai đoạn trầm cảm, cảm kéo dài ít nhất 2 tuần. Họ cũng sẽ trải qua ít nhất 1 giai đoạn hưng cảm nhẹ, kéo dài khoảng 4 ngày. Theo một đánh giá năm 2017, loại rối loạn lưỡng cực này thường phổ biến hơn ở nữ giới.

Rối loạn khí sắc theo chu kỳ

Bệnh nhân mắc rối loạn khí sắc theo chu kỳ sẽ trải qua nhiều giai đoạn hưng cảm nhẹ và trầm cảm. Triệu chứng của các giai đoạn này sẽ nhẹ hơn và diễn ra ngắn hơn so các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm gây ra bởi rối loạn lưỡng cực I và II.

Tâm trạng của đa số những người mắc tình trạng này sẽ chỉ ổn định trong vòng 1 đến 2 tháng.

Bác sĩ có thể giải thích thêm về loại rối loạn lưỡng cực mà bệnh nhân mắc phải khi trao đổi về chẩn đoán của người bệnh.

Một số người sẽ gặp phải các triệu chứng tâm trạng riêng biệt, có nét tương đồng nhưng không hoàn toàn phù hợp với ba loại rối loạn lưỡng cực này. Nếu đó là trường hợp của bạn, bạn có thể mắc:

  • các rối loạn lưỡng cực biệt định khác và các rối loạn liên quan
  • rối loạn lưỡng cực không biệt định và các rối loạn liên quan

Các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực

Người bệnh phải trải qua ít nhất một giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ thì mới được xác định là mắc rối loạn lưỡng cực. Cả hai đều bao gồm cảm giác phấn khích, bốc đồng và nhiều năng lượng, nhưng hưng cảm nhẹ được xem là ít nghiêm trọng hơn so với hưng cảm. Các triệu chứng hưng cảm có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh, gây ra các vấn đề trong công việc hoặc gia đình, trong khi các triệu chứng hưng cảm nhẹ thì không.

Một số người bị rối loạn lưỡng cực cũng trải qua các giai đoạn trầm cảm (tâm trạng đi xuống).

Hưng cảm, hưng cảm nhẹ và trầm cảm là ba triệu chứng chính của rối loạn lưỡng cực. Các loại rối loạn lưỡng cực khác nhau sẽ có sự kết hợp khác nhau giữa ba triệu chứng này.

Triệu chứng rối loạn lưỡng cực I

Chẩn đoán của rối loạn lưỡng cực I gồm có:

  • tối thiểu một giai đoạn hưng cảm, kéo dài ít nhất 1 tuần
  • các triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày
  • các triệu chứng không liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần hay thể chất khác, không liên quan đến việc sử dụng chất

Người bệnh cũng có thể mắc các triệu chứng loạn thần, hoặc cả hưng cảm và trầm cảm (gọi là các giai đoạn hỗn hợp). Những triệu chứng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bệnh nhân. Nếu bạn mắc những triệu chứng này, hãy tìm sự giúp đỡ từ các chuyên gia sớm nhất có thể.

Tuy rằng rối loạn lưỡng cực I không bao gồm các giai đoạn hưng cảm nhẹ hay trầm cảm nhưng nhiều bệnh nhân mắc loại lưỡng cực này cho biết họ cũng gặp phải các triệu chứng ấy.

Triệu chứng rối loạn lưỡng cực II

Chẩn đoán của rối loạn lưỡng cực II gồm có:

  • tối thiểu 1 giai đoạn hưng cảm nhẹ, kéo dài ít nhất 4 ngày và có ít nhất 3 triệu chứng của hưng cảm nhẹ
  • các thay đổi về tâm trạng hoặc chức năng bình thường có liên quan đến hưng cảm nhẹ mà người xung quanh dễ dàng nhận thấy, những thay đổi này không nhất thiết phải ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày
  • tối thiểu 1 giai đoạn trầm cảm, kéo dài ít nhất 2 tuần
  • tối thiểu 1 giai đoạn trầm cảm cùng với ít nhất 5 triệu chứng chính của trầm cảm, gây ảnh hưởng đáng kể đến đời sống hàng ngày
  • các triệu chứng không liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần hay thể chất khác, không liên quan đến việc sử dụng chất

Người mắc rối loạn lưỡng cực II cũng có thể gặp các triệu chứng loạn thần, nhưng chỉ trong các giai đoạn trầm cảm. Người bệnh cũng có thể trải qua các giai đoạn tâm trạng hỗn hợp, bao gồm các triệu chứng trầm cảm và hưng cảm nhẹ cùng một lúc.

Rối loạn lưỡng cực II không có giai đoạn hưng cảm. Nếu người bệnh trải qua 1 giai đoạn hưng cảm thì họ mắc chứng rối loạn lưỡng cực I.

Triệu chứng rối loạn khí sắc

Chẩn đoán rối loạn khí sắc gồm có:

  • các chu kỳ hưng cảm nhẹ và trầm cảm xuất hiện luân phiên nhau, kéo dài ít nhất 2 năm (1 năm đối với trẻ em và thanh thiếu niên)
  • các triệu chứng không đạt đủ điều kiện để cấu thành một giai đoạn hưng cảm nhẹ hoặc trầm cảm
  • các triệu chứng phải xuất hiện một nửa thời gian trong vòng 2 năm hoặc không biến mất quá 2 tháng
  • các triệu chứng không liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần hay thể chất khác, không liên quan đến việc sử dụng chất
  • các triệu chứng gây khó khăn và ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày

Tâm trạng dao động là triệu chứng điển hình của rối loạn khí sắc theo chu kỳ. Những triệu chứng này có thể không nặng như những triệu chứng của rối loạn lưỡng cực I và II, nhưng chúng thường kéo dài lâu hơn nên thời gian tâm trạng người bệnh ổn định sẽ ngắn hơn.

Chứng hưng cảm nhẹ thì thường không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Ngược lại, chứng trầm cảm lại thường dẫn đến những trở ngại nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày, ngay cả khi các triệu chứng không đủ để cấu thành một giai đoạn trầm cảm.

Nếu các triệu chứng của bạn đủ để cấu thành một giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm, bạn có thể sẽ được chẩn đoán mắc một loại rối loạn lưỡng cực khác hoặc trầm cảm, tùy thuộc vào các triệu chứng của bạn.

Xem bài viết  Những Lầm Tưởng Về Rối Loạn Lưỡng Cực

Hưng cảm và hưng cảm nhẹ

Một giai đoạn hưng cảm thường liên quan đến việc hưng phấn về mặt cảm xúc. Bạn có thể cảm thấy phấn khích, bốc đồng, hưng phấn và tràn đầy năng lượng. Bạn cũng có thể cảm thấy bồn chồn hoặc nhận thấy mình suy nghĩ dồn dập. Một số người cũng gặp ảo giác và các triệu chứng thần khác.

Các giai đoạn hưng cảm có thể liên quan đến việc hành xử bốc đồng hơn bình thường, thường là do người bệnh cảm thấy bản thân bất khả chiến bại. Các ví dụ thường thấy của loại hành vi này bao gồm:

  • quan hệ tình dục mà không có biện pháp an toàn
  • sử dụng đồ uống có cồn hoặc chất kích thích, hoặc sử dụng những thứ này nhiều hơn bình thường
  • mua sắm không ngừng

Sự bốc đồng và mạo hiểm cũng có thể được thể hiện theo nhiều cách khác, như:

  • bỏ việc đột ngột
  • đi du lịch một mình mà không cho ai biết
  • bất chợt đầu tư một khoản lớn
  • lái xe nhanh hơn nhiều so với bình thường, vượt quá tốc độ giới hạn
  • tham gia vào các môn thể thao mạo hiểm mà thường ngày không có hứng thú

Hưng cảm nhẹ (thường liên quan đến chứng rối loạn lưỡng cực II) có rất nhiều triệu chứng tương tự nhưng với mức độ nhẹ hơn. Không giống với hưng cảm, hưng cảm nhẹ không gây ra rắc rối với công việc, học tập hoặc các mối quan hệ. Các giai đoạn hưng cảm nhẹ cũng không liên quan đến loạn thần. Chúng thường không kéo dài như các đợt hưng cảm hay cần chăm sóc nội trú.

Khi trải qua hưng cảm nhẹ, bạn và những người quen biết sẽ chỉ nhận ra năng lượng và hiệu quả làm việc của bạn tăng cao, nhưng không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về tâm trạng. Chỉ có những người thân cận nhất mới nhận thấy sự thay đổi về tâm trạng và mức năng lượng của bạn.

Các giai đoạn trầm cảm

Tâm trạng xuống dốc sẽ khiến bạn cảm thấy thờ ơ, không có động lực và buồn bã.

Các giai đoạn trầm cảm liên quan đến lưỡng cực sẽ bao gồm ít nhất 5 trong số các triệu chứng sau:

  • suy giảm tinh thần kéo dài với các biểu hiện điển hình như rất buồn bã, vô vọng, hoặc cảm giác trống rỗng
  • thiếu năng lượng
  • cảm giác chậm chạp hơn bình thường hoặc cảm giác bồn chồn dai dẳng
  • không quan tâm đến các hoạt động từng hứng thú
  • ngủ quá ít hoặc quá nhiều
  • cảm giác có lỗi hoặc vô dụng
  • gặp khó khăn khi cần tập trung hoặc đưa ra quyết định
  • những suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử
  • những thay đổi về sự thèm ăn hoặc cân nặng

Nhiều người mắc rối loạn lưỡng cực sẽ trải qua các giai đoạn trầm cảm, tuy nhiên không phải ai cũng vậy. Tùy thuộc vào loại rối loạn lưỡng cực, người bệnh có thể chỉ gặp một vài triệu chứng trầm cảm.

Cần lưu ý là khi chứng hưng cảm được điều trị, tâm trạng của người bệnh sẽ có xu hướng đi xuống hoặc trải qua một thời kỳ trầm cảm thay vì trở về trạng thái tâm trạng bình thường.

Tuy rằng rối loạn lưỡng cực có thể dẫn đến tâm trạng chán nản, nhưng rối loạn lưỡng cực và trầm cảm có một điểm khác biệt lớn. Với rối loạn lưỡng cực, tâm trạng của người bệnh có thể “lên” hoặc “xuống”. Tuy nhiên, với chứng trầm cảm, tâm trạng và cảm xúc của người bệnh luôn ở mức thấp cho đến khi được điều trị.

Các triệu chứng rối loạn lưỡng cực ở nam và nữ

Số lượng người mắc rối loạn lưỡng cực ở cả hai giới tính thì gần như bằng nhau. Tuy nhiên, các triệu chứng chính sẽ khác nhau, phụ thuộc vào cả giới tính sinh học và cả bản dạng giới của người bệnh.

Phụ nữ mắc chứng rối loạn lưỡng cực thường được chẩn đoán trễ, ở độ tuổi 20 hoặc 30. Trong một số trường hợp, họ có thể nhận thấy các dấu hiệu của bệnh lần đầu tiên trong khi đang mang thai hoặc sau khi sinh con. Phụ nữ cũng có nhiều khả năng mắc chứng lưỡng cực II hơn chứng lưỡng cực I.

Ngoài ra, phụ nữ bị rối loạn lưỡng cực có xu hướng trải qua:

  • các giai đoạn hưng cảm nhẹ hơn
  • nhiều giai đoạn trầm cảm hơn hưng cảm
  • các chu kỳ thay đổi nhanh (4 đợt hưng cảm và trầm cảm trở lên trong 1 năm)
  • nhiều tình trạng khác đồng thời xảy ra hơn

Rối loạn lưỡng cực ở phụ nữ cũng có thể tái phát thường xuyên hơn, điều này xảy ra một phần do sự thay đổi về hormone liên quan đến kinh nguyệt, mang thai và mãn kinh. Về rối loạn lưỡng cực, tái phát có nghĩa là người bệnh sẽ trải qua một giai đoạn tâm trạng sau một thời gian tâm trạng ổn định

Ngược lại, nam giới mắc rối loạn lưỡng cực sẽ:

  • được chẩn đoán ở độ tuổi trẻ hơn
  • các giai đoạn tâm trạng xảy ra ít thường xuyên nhưng lại nghiêm trọng hơn, đặc biệt là giai đoạn hưng cảm
  • có nhiều khả năng mắc rối loạn sử dụng chất kích thích hơn
  • thể hiện sự hung hăng hơn trong các đợt hưng cảm

Rối loạn lưỡng cực ở trẻ em và thanh thiếu niên

Chẩn đoán rối loạn lưỡng cực ở trẻ em vẫn còn nhiều tranh cãi, phần lớn là do không phải lúc nào trẻ em cũng có các triệu chứng rối loạn lưỡng cực giống như người lớn. Tâm trạng và hành vi của trẻ cũng có thể không đúng với các tiêu chí mà bác sĩ sử dụng để chẩn đoán chứng rối loạn ở người lớn.

Nhiều triệu chứng rối loạn lưỡng cực xảy ra ở trẻ em cũng trùng với triệu chứng của các tình trạng khác thường xảy ra ở trẻ, chẳng hạn như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Tuy nhiên, trong vài thập kỷ gần đây, các bác sĩ và chuyên gia sức khỏe tâm thần đã nhận ra tình trạng rối loạn lưỡng cực ở trẻ em. Chẩn đoán có thể giúp trẻ được điều trị, nhưng việc chẩn đoán được bệnh sẽ mất nhiều thời gian. Phụ huynh nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia chuyên điều trị các tình trạng sức khỏe tâm thần cho trẻ.

Giống như người lớn, trẻ em bị rối loạn lưỡng cực trải qua sự thay đổi tâm trạng cực kỳ nghiêm trọng. Chúng có thể tỏ ra rất vui vẻ và có biểu hiện dễ bị kích động, hoặc có thể rất dễ khóc, thấp thỏm và cáu kỉnh.

Tất cả trẻ em đều trải qua những thay đổi tâm trạng, nhưng các triệu chứng liên quan đến tâm trạng do rối loạn lưỡng cực gây ra sẽ khác biệt và dễ nhận thấy hơn. Những thay đổi về tâm trạng ở trẻ mắc rối loạn lưỡng cực cũng thường nghiêm trọng hơn những thay đổi về tâm trạng điển hình của một trẻ em bình thường.

Xem bài viết  Những Lầm Tưởng Về Rối Loạn Lưỡng Cực

Các triệu chứng hưng cảm ở trẻ em

Các triệu chứng hưng cảm ở trẻ em bao gồm:

  • hành động rất ngớ ngẩn và cảm thấy vui quá mức
  • nói nhanh và thay đổi chủ đề liên tục
  • khó tập trung
  • thử/làm những việc nguy hiểm
  • dễ nổi nóng
  • khó ngủ và không cảm thấy mệt mỏi sau khi mất ngủ

Những triệu chứng trầm cảm ở trẻ em

Ở những trẻ em mắc rối loạn lưỡng cực, các triệu chứng ở giai đoạn trầm cảm bao gồm:

  • đi lanh quanh, tỏ ra rất buồn hoặc khóc thường xuyên
  • ngủ quá nhiều hoặc quá ít
  • không có năng lượng để làm các hoạt động thường ngày hoặc không tỏ ra hứng thú với bất kỳ điều gì
  • than phiền về việc cảm thấy không khoẻ, bao gồm việc thường xuyên đau đầu hoặc đau bụng
  • cảm thấy vô dụng hoặc có lỗi
  • ăn quá ít hoặc quá nhiều
  • suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử

Các hội chứng khác mà trẻ có thể mắc phải

Một số vấn đề về hành vi mà bạn nhận thấy ở con mình có thể là triệu chứng của các hội chứng sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hoặc trầm cảm. Trẻ cũng có thể bị rối loạn lưỡng cực kèm theo một hội chứng khác.

Bác sĩ có thể cung cấp thêm hướng dẫn và hỗ trợ bạn cách ghi nhận và theo dõi các hành vi của trẻ để giúp tìm ra chẩn đoán chính xác nhất. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho trẻ. Tất nhiên, việc điều trị có thể giúp cải thiện rõ rệt các triệu chứng và chất lượng cuộc sống của trẻ.

Các triệu chứng ở thanh thiếu niên

Sự thay đổi về nội tiết tố và các thay đổi trong cuộc sống trong giai đoạn dậy thì có thể khiến cảm xúc của thanh thiếu niên cực kỳ nhạy cảm.

Tuy nhiên, những thay đổi mạnh mẽ hoặc dao động nhanh chóng về tâm trạng có thể là triệu chứng của các tình trạng nghiêm trọng, chẳng hạn như rối loạn lưỡng cực, hơn là sự phát triển điển hình của thanh thiếu niên.

Rối loạn lưỡng cực được chẩn đoán phổ biến nhất trong những năm cuối vị thành niên và đầu những năm độ tuổi thanh niên.

Những triệu chứng hưng cảm thường gặp ở thanh thiếu niên bao gồm:

  • trở nên rất vui vẻ
  • nghịch ngợm hoặc quậy phá
  • tham gia vào các hoạt động nguy hiểm, như là sử dụng chất
  • suy nghĩ về tình dục nhiều hơn bình thường
  • ham muốn tình dục cao
  • khó ngủ, nhưng không có dấu hiệu mệt mỏi hay uể oải
  • dễ nổi nóng
  • khó tập trung hoặc dễ bị phân tâm

Triệu chứng thường thấy ở các giai đoạn trầm cảm bao gồm:

  • ngủ quá ít hoặc quá nhiều
  • ăn quá ít hoặc quá nhiều
  • cảm thấy rất buồn và ít thể hiện sự phấn khích
  • tránh tham gia các hoạt động và xa lánh bạn bè
  • suy nghĩ/nói về cái chết hoặc tự tử

Hãy nhớ rằng nhiều biểu hiện trong số này, như thử các chất kích thích hay suy nghĩ về tình dục, không phải là những hành vi phổ biến ở tuổi vị thành niên. Nhưng nếu chúng xuất hiện phần lớn khi tâm trạng trẻ thay đổi hoặc bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của trẻ, đó có thể là các dấu hiệu của rối loạn lưỡng cực hoặc một hội chứng khác.

Điều trị rối loạn lưỡng cực

Có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng rối loạn lưỡng cực, bao gồm sử dụng thuốc, tham vấn tâm lý và thay đổi lối sống. Một số biện pháp tự nhiên cũng có thể mang lại lợi ích.

Thuốc

Các loại thuốc được khuyên dùng có thể bao gồm:

  • chất ổn định tâm trạng, chẳng hạn như lithium (Lithobid)
  • thuốc chống loạn thần, chẳng hạn như olanzapine (Zyprexa)
  • thuốc chống trầm cảm-chống loạn thần, chẳng hạn như fluoxetine-olanzapine (Symbyax)
  • benzodiazepines, một loại thuốc chống lo âu được sử dụng để điều trị ngắn hạn

Trị liệu tâm lý:

Các phương pháp trị liệu được khuyến nghị bao gồm:

Liệu pháp nhận thức hành vi

Liệu pháp nhận thức hành vi là một loại liệu pháp trò chuyện giúp bạn xác định và giải quyết những suy nghĩ không có lợi, cũng như thay đổi các kiểu hành vi không mong muốn.

Liệu pháp sẽ cho bạn một nơi an toàn để thảo luận về các cách kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Bác sĩ trị liệu cũng có thể hỗ trợ bạn trong việc:

  • hiểu rõ các kiểu suy nghĩ
  • kiềm chế những cảm xúc đau buồn
  • học và áp dụng các cách điều trị hữu ích hơn

Giáo dục tâm lý

Giáo dục tâm lý là một phương pháp trị liệu tập trung vào việc giúp bạn tìm hiểu về một tình trạng bệnh và cách điều trị của nó. Kiến thức này có thể giúp bạn và những người hỗ trợ bạn trong cuộc sống nhanh chóng nhận ra các triệu chứng tâm trạng và kiểm soát chúng hiệu quả hơn.

Liệu pháp điều hòa giữa cá nhân và xã hội

Liệu pháp điều hòa giữa cá nhân và xã hội tập trung vào việc điều chỉnh các thói quen hàng ngày, chẳng hạn như ngủ, ăn uống và tập thể dục. Cân bằng những điều cơ bản hàng ngày này có thể làm giảm các giai đoạn cảm xúc và giúp các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn.

Các phương pháp khác

Các phương pháp khác giúp giảm bớt các triệu chứng bao gồm:

  • liệu pháp sốc điện
  • thuốc ngủ
  • thực phẩm chức năng
  • châm cứu

Các phương thuốc tự nhiên cho chứng rối loạn lưỡng cực

Một số phương thuốc tự nhiên cũng có thể giúp điều trị các triệu chứng rối loạn lưỡng cực.

Tuy nhiên, hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc bác sĩ tâm thần trước khi thử các phương thuốc này vì có thể chúng sẽ gây ảnh hưởng đến các loại thuốc khác mà bạn đang dùng.

Các loại thảo mộc và thực phẩm chức năng sau đây có thể giúp ổn định tâm trạng của bạn và giảm các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực khi kết hợp với thuốc và các liệu pháp điều trị:

  • Omega-3. Một số nghiên cứu năm 2016 cho thấy rằng việc bổ sung omega-3 có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh lưỡng cực I. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy chất này đặc biệt hữu ích trong việc điều trị các triệu chứng trầm cảm.
  • Rhodiola rosea. Một đánh giá năm 2013 cho thấy loại cây này có thể giúp điều trị trầm cảm ở mức độ vừa. Vì vậy, nó có thể giúp điều trị chứng trầm cảm liên quan đến rối loạn lưỡng cực.
  • S-adenosylmethionine (SAMe). SAMe là một chất bổ sung axit amin có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh trầm cảm và các rối loạn tâm trạng khác.

Nguyên nhân và những yêu tố nguy cơ gây nên rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực là một tình trạng sức khỏe tâm thần khá phổ biến. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Xem bài viết  Những Lầm Tưởng Về Rối Loạn Lưỡng Cực

Một số nguyên nhân tiềm ẩn của rối loạn lưỡng cực bao gồm:

Di truyền

Những người có cha mẹ hoặc anh/chị em mắc rối loạn lưỡng cực sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Tuy nhiên, phần lớn những người có tiền sử gia đình mắc rối loạn lưỡng cực lại không mắc bệnh.

Não bộ

Cấu trúc của não bộ có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển chứng rối loạn lưỡng cực. Các bất thường trong các chất hóa học trong não, cấu trúc hoặc chức năng của não cũng có thể làm tăng nguy cơ này.

Những yếu tố môi trường

Không chỉ những gì trong cơ thể bạn có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển chứng rối loạn lưỡng cực. Các yếu tố bên ngoài cũng có thể là một phần nguyên nhân. Các yếu tố này có thể là:

  • căng thẳng cực độ
  • các trải nghiệm đau thương
  • bệnh tật thể lý

Rối loạn lưỡng cực có di truyền không?

Một đánh giá năm 2014 cho biết rằng di truyền có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chứng rối loạn lưỡng cực, đặc biệt là giữa những người thân cận với nhau. Ví dụ, nếu một người có cha mẹ hoặc anh/chị em mắc bệnh này, nguy cơ mắc rối loạn lưỡng cực ở người này sẽ cao hơn khoảng 10 lần, theo một nghiên cứu nhỏ năm 2016.

Tuy nhiên, người có tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn lưỡng cực không có nghĩa là họ nhất thiết sẽ mắc tình trạng này. Ngược lại, một người vẫn có thể mắc rối loạn lưỡng cực dù họ không có tiền sử gia đình về chứng bệnh này.

Có thể ngăn ngừa rối loạn lưỡng cực không?

Khi nhận thấy các giai đoạn tâm trạng bắt đầu xuất hiện, bạn có thể áp dụng các biện pháp để giúp giảm mức độ nghiêm trọng của những giai đoạn đó và giảm nguy cơ xuất hiện của các giai đoạn tâm trạng khác. Nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thể ngăn chặn hoàn toàn các giai đoạn tâm trạng hoặc giữ cho tình trạng bệnh không phát triển ngay từ đầu.

Các nhiên cứu trong tương lai có thể giúp hiểu rõ hơn về nguyên nhân cụ thể gây ra rối loạn lưỡng cực và cung cấp cho các nhà nghiên cứu cái nhìn sâu sắc hơn về những phương pháp có khả năng ngăn ngừa tình trạng này.

Những tình trạng phổ biến xảy ra kèm với rối loạn lưỡng cực

Một số người bị rối loạn lưỡng cực cũng có các tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Một đánh giá nghiên cứu năm 2019 cho thấy rằng rối loạn lo âu là một trong những bệnh phổ biến nhất.

Các tình trạng khác có thể xảy ra cùng với rối loạn lưỡng cực bao gồm:

  • rối loạn sử dụng chất gây nghiện
  • rối loạn ăn uống
  • rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt
  • rối loạn tăng động giảm chú ý

Triệu chứng của những hội chứng này có thể biểu hiện nghiêm trọng hơn tùy thuộc vào trạng thái tâm trạng của bạn.

Ví dụ, lo lắng có xu hướng xuất hiện nhiều hơn trong giai đoạn trầm cảm, trong khi sử dụng chất kích thích lại dễ xảy ra hơn trong giai đoạn hưng cảm.

Nếu mắc rối loạn lưỡng cực, bạn có thể sẽ có nguy cơ cao mắc phải các hội chứng khác, như

  • đau nửa đầu
  • bệnh tim mạch
  • tiểu đường
  • bệnh tuyến giáp

Lời khuyên cho việc ứng phó và hỗ trợ

Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực, tốt nhất là bạn nên liên hệ với bác sĩ hoặc một nhà trị liệu càng sớm càng tốt.

Tương tự, nếu bạn bè hoặc người thân của bạn có các triệu chứng của bệnh, hãy cân nhắc khuyến khích họ liên hệ với bác sĩ trị liệu càng sớm càng tốt. Bạn cũng nên cho họ biết rằng họ luôn có được sự thấu hiểu và ủng hộ từ phía bạn

Sống chung với rối loạn lưỡng cực

Có nhiều liệu pháp giúp người bệnh quản lý các giai đoạn cảm xúc và giải quyết các triệu chứng mà chúng gây ra.

Hãy tạo nên một đội ngũ chăm sóc có thể giúp bạn đạt được hiệu quả cao nhất trong việc điều trị. Đội ngũ đó có thể bao gồm:

  • bác sĩ chính của bạn
  • một bác sĩ tâm thần kiểm soát thuốc của bạn
  • một nhà trị liệu hoặc cố vấn cung cấp liệu pháp tâm lý
  • các chuyên gia khác, chẳng hạn như chuyên gia về giấc ngủ, chuyên gia châm cứu hoặc chuyên gia trị liệu xoa bóp
  • một hội nhóm hỗ trợ rối loạn lưỡng cực hoặc cộng đồng những người cũng sống chung với rối loạn lưỡng cực

Có lẽ bạn sẽ phải thử qua nhiều phương pháp khác nhau trước khi tìm được thứ có thể giúp cải thiện tình trạng của bạn. Nhiều loại thuốc có hiệu quả với một số người nhưng lại không hiệu quả với những người khác. Tương tự, một số người nhận thấy liệu pháp nhận thức hành vi rất hữu ích, trong khi những người khác không cảm nhận được sự cải thiện.

Hãy luôn cởi mở với đội ngũ chăm sóc về điều gì có tác dụng hoặc ngược lại. Nếu thứ gì đó không có ích hoặc làm bạn cảm thấy tệ hơn, đừng ngần ngại mà hãy cho họ biết. Sức khỏe tâm thần là điều quan trọng và đội ngũ chăm sóc của bạn nên sẵn lòng hỗ trợ trong việc tìm ra cách phương pháp tốt nhất.

Việc cảm thất vọng khi việc điều trị dường như không có kết quả là điều bình thường và khá phổ biến. Hãy cố gắng kiên nhẫn và đối xử tốt với bản thân trong khi tìm kiếm các cách trị liệu khác.

Rối loạn lưỡng cực và các mối quan hệ

Rối loạn lưỡng cực có thể ảnh hưởng đến bất kỳ mối quan hệ nào, nhưng rõ rệt nhất đối với các mối quan hệ thân thiết của người bệnh, chẳng hạn như các thành viên trong gia đình và bạn đời.

Đối với người mắc rối loạn lưỡng cực, hãy thành thật nếu muốn kiểm soát được các mối quan hệ.

Hãy cởi mở về tình trạng của bạn để giúp đối phương hiểu rõ hơn về các triệu chứng và cách họ có thể hỗ trợ.

Bạn có thể bắt đầu với những điều đơn giản, như:

  • bạn đã trải tình trạng này bao lâu rồi
  • các giai đoạn trầm cảm thường ảnh hưởng đến bạn như thế nào
  • các giai đoạn hưng cảm thường ảnh hưởng đến bạn như thế nào
  • phương pháp điều trị của bạn, bao gồm liệu pháp, thuốc men và các cách đối phó
  • những điều họ có thể làm để giúp

Kết luận

Rối loạn lưỡng cực là một tình trạng kéo dài suốt đời, nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc sống của người bệnh sẽ bị gián đoạn hoàn toàn. Sống chung với rối loạn lưỡng cực chắc chắn sẽ khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chỉ cần tuân thủ theo phác đồ điều trị, thường xuyên chăm sóc bản thân và dựa vào hệ thống hỗ trợ có thể giúp tăng cường sức khoẻ tổng quát và hạn chế các triệu chứng ở mức thấp nhất.

Nguồn bài viết: https://www.healthline.com/health/bipolar-disorder

Leave a Comment

Scroll to Top