Tranquil

4 kiểu gắn bó và cách chúng ảnh hưởng đến mối quan hệ tình cảm của bạn

Mỗi người trong chúng ta có một kiểu gắn bó khác nhau. Đó là lý do vì sao có những người luôn xa cách và thiếu sự gần gũi trong mối quan hệ của họ, còn một số người khác thì lại bám dính và liên tục cần sự xác nhận. Vậy có những kiểu gắn bó nào? Sự gắn bó này bắt nguồn từ đâu và chúng ảnh hưởng đến các mối quan hệ của chúng ta ra sao?

Kiểu gắn bó là gì?

Kiểu gắn bó của một người là cách thức tương tác và hành xử của họ trong các mối quan hệ thân thiết. Từ thời thơ ấu, kiểu gắn bó này được dùng để chủ yếu nói về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Đến khi trưởng thành, chúng dành để nói về những mối quan hệ lãng mạn. Điều này được đề cập lần đầu tiên trong thuyết gắn bó của bác sĩ tâm thần John Bowlby và nhà tâm lý học Mary Ainsworth. 

Theo thuyết này, kiểu gắn bó của một người được hình thành và phát triển trong thời thơ ấu. Hai nhà nghiên cứu Bowlby và Ainsworth đã nhận thấy rằng, cách cha mẹ đáp ứng nhu cầu của một đứa trẻ về tất cả mọi mặt (thức ăn, sự quan tâm chăm sóc, tình yêu thương…) đã ảnh hưởng lớn đến tính cách cũng như xu hướng gắn bó của chúng trong suốt cuộc đời. Cụ thể hơn, bản chất của sự gắn bó cũng như cách mà nó đã được vun đắp từ mối quan hệ cha mẹ  với con cái sẽ tác động sâu sắc đến sự gắn bó của chúng ta với người bạn đời sau này. 

4 kiểu gắn bó cơ bản

Dựa trên các nghiên cứu, các nhà tâm lý học đã phân loại ra 4 kiểu gắn bó thường gặp ở người trưởng thành. Chúng bao gồm: Gắn bó an toàn, gắn bó né tránh, gắn bó lo âu và gắn bó né tránh – lo âu. Việc hiểu được mình thuộc kiểu gắn bó nào có thể giúp chúng ta giải thích tại sao các mối quan hệ của chúng ta lại thành công hay thất bại, mẫu người khiến chúng ta bị cuốn hút hay bản chất của những vấn đề lặp đi lặp trong các mối quan hệ mà chúng ta phải đối diện.

Xem bài viết  Gắn Bó Lo Âu

Gắn bó an toàn

Người có kiểu gắn bó an toàn thường cảm thấy thoải mái và dễ chịu trong việc thể hiện tình cảm, sự quan tâm với người yêu. Đồng thời, họ cũng sẽ cảm thấy vui vẻ khi ở một mình, tự lập hoặc để người khác dựa vào mình và thích trở thành một phần trong cuộc sống của người khác. Đây cũng là những người biết cách giao tiếp với nửa kia và nói lên những cảm xúc, mong muốn của mình. 

Những người có kiểu gắn bó này biết sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các mối quan hệ và có ranh giới rõ ràng cho chúng. Họ có thể chấp nhận được sự từ chối, nỗi đau và cũng biết cách hy sinh khi cần. Đây là những người có khuynh hướng mang lòng tự trọng cao và có những mối quan hệ lâu dài, đáng tin cậy.

Gắn bó né tránh

Những người thuộc kiểu gắn bó né tránh thường rất tự lập và hầu như không cảm thấy thoải mái với sự thân mật. Họ có xu hướng tránh hoặc sợ những mối quan hệ ràng buộc và thường xuyên có lý do cho sự thiếu thân mật. Trong mọi mối quan hệ, người này thường chừa lại đường lui cho mình, đồng thời cũng không đầu tư quá nhiều cảm xúc vào mối quan hệ. Do đó, họ ít trải qua đau khổ khi một mối quan hệ kết thúc.

Xem bài viết  Ranh giới lành mạnh

Khi nằm trong nhóm có kiểu gắn bó né tránh, một người cũng sẽ không muốn hoặc khó khăn trong việc chia sẻ cảm xúc với người khác. Đồng thời, họ cũng khó đáp ứng được nhu cầu về sự thoải mái và an toàn của người bạn đời.

Gắn bó lo âu

Nếu một người có kiểu gắn bó lo âu, họ sẽ cảm thấy rất khó khăn khi độc thân hoặc phải ở một mình. Khi ở trong một mối quan hệ, họ thường thấy lo lắng, áp lực và cần nửa kia liên tục thể hiện tình yêu đối với mình. Chính vì vậy, đây là kiểu người thường dính vào những mối quan hệ thiếu lành mạnh hoặc có yếu tố bạo hành. 

Những người có xu hướng “đeo bám” trong một mối quan hệ lãng mạn thường có kiểu gắn bó này. Nguyên nhân là bởi vì họ thiếu sự tin tưởng đối với người khác, ngay cả khi đó là người thân thiết. Họ thường có những hành động vô lý, cảm xúc thất thường và đôi khi xúc động mạnh. Người gắn bó lo âu thường cố gắng tìm kiếm hoặc thúc đẩy sự gần gũi vì bất kỳ sự xa cách nào cũng khiến họ có cảm giác bị bỏ rơi hoặc từ chối.

Gắn bó lo âu – né tránh

Đây là kiểu gắn bó tập hợp những điểm tiêu cực nhất của hai kiểu gắn bó né tránh và gắn bó lo âu. Những người có xu hướng gắn bó này vừa thiếu sự tin tưởng ở người khác vừa cảm thấy khó chịu khi ai đó cố gắng tìm cách gần gũi với họ, đồng thời lại cảm thấy khốn khổ khi phải ở một mình. Người gắn bó lo âu – né tránh thường rất mâu thuẫn: họ mong muốn có một mối quan hệ để đáp ứng được nhu cầu nhưng cũng không cảm thấy thoải mái khi quá thân mật. Kiểu gắn bó này thường xuất hiện ở những người có tuổi thơ bị bạo hành hoặc bỏ bê. 

Xem bài viết  Những cách tiếp cận và khám phá đứa trẻ bên trong bạn

Có một điều mà chúng ta cần chú ý rằng các kiểu gắn bó này thường không đi một mình. Một người có thể thể hiện nhiều kiểu gắn bó khác nhau với các tần suất khác nhau tùy vào hoàn cảnh. Tuy nhiên, mỗi người vẫn sẽ có một kiểu gắn bó trội hơn những kiểu còn lại. Thêm vào đó, kiểu gắn bó có thể thay đổi theo thời gian, tùy theo những sự kiện một người gặp phải hay các mối quan hệ mà họ đã kết nối. 

Sự gắn bó giúp mọi người có được mối quan hệ lành mạnh, lâu dài và hạnh phúc. Tuy nhiên, nhu cầu gắn bó của mỗi người là khác nhau. Do vậy, việc nhận biết được bản thân thuộc kiểu gắn bó nào sẽ giúp bạn hiểu được nhu cầu của mình, xác định xem ai là người có thể đáp ứng được nhu cầu đó và cải thiện các mối quan hệ thân thiết hiện có.

Leave a Comment

Scroll to Top