Tranquil

Vì sao khi tôi đau, bác sĩ lại bảo tôi đi tham vấn tâm lý?

Cơn đau là một phần làm nên con người chúng ta. Nó là một chiếc chuông được điều chỉnh bởi quá trình tiến hóa và thường vang lên vào những thời điểm cần thiết cho sự sống còn của con người. Chỉ khi đau đớn, chúng ta mới có thể nhận được những cảnh báo kích hoạt phản xạ để thoát khỏi mối nguy hiểm tiềm ẩn.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi tiếng chuông đó không ngừng kêu? Làm thế nào để ta phản hồi một tín hiệu liên tục nhấp nháy và cản trở các hoạt động thường ngày khác của mình?

Một cơn đau kéo dài hơn sáu tháng được coi là mãn tính và có thể không qua đi dễ dàng. Với những cơn đau mãn tính, tín hiệu liên tục từ chiếc chuông ấy khiến hệ thống thần kinh của ta bị tổn thương và kích động. Điều này có thể gây lo lắng, và tệ hơn nữa, việc ức chế vì cơn đau không biến mất có thể khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn.

Bạn tự hỏi, vậy mối liên kết giữa cảm xúc và nhận thức của mình về cơn đau là gì?

Cảm giác đau, trầm cảm và lo âu đều di chuyển qua những con đường tương tự nhau dọc theo hệ thống thần kinh, và đều có cơ chế sinh học tương tự nhau. Một trong những phần ở bộ não – cụ thể là hệ viền – sẽ nhận tín hiệu “đau”  giống như những tín hiệu tâm trạng. Các nghiên cứu sử dụng Neuroimaging (“kỹ thuật tạo hình ảnh của cấu trúc, hoặc hình ảnh mô tả các bộ phận khác của hệ thần kinh) đã cho thấy rằng các phần não kiểm soát cảm xúc và cảm giác đau sẽ bị thay đổi ở những người bị đau mãn tính.

Mối liên hệ giữa cơn đau và cảm xúc cũng có thể được nhận biết qua những loại thuốc nhất định. Một số loại thuốc dùng để điều trị cơn đau có thể gây ra tác dụng phụ như sự hưng phấn quá mức. Ngược lại, các loại thuốc ban đầu được phát triển cho các bệnh tâm thần có thể làm phương pháp điều trị hiệu quả đối với một số loại cơn đau.

Xem bài viết  Vì sao bạn mệt mỏi?

Y học  đã đánh giá cao mối tương quan trực tiếp giữa việc cải thiện về sức khỏe tinh thần và thuyên giảm cơn đau đớn (và ngược lại). Cơn đau mãn tính sẽ làm tăng nguy cơ trầm cảm và lo lắng, và cơn đau đó sẽ càng trầm trọng hơn. Điều này cũng được thấy trong các triệu chứng như đau cơ xơ hóa và hội chứng ruột kích thích được giảm đi nhờ các chiến lược trị liệu hành vi và tâm lý.

Vậy một chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn như thế nào? 

  • Giảm phóng đại nhận thức về đau: Cơn đau sẽ tăng lên nhiều khi bạn phóng đại những tác động tiêu cực của nó và tập trung vào cảm giác bất lực trong cuộc sống của mình. Khi tham vấn tâm lý, bạn có thể được hỗ trợ điều tiết những suy nghĩ tiêu cực về cơn đau của mình để tránh những tình trạng rút lui các hoạt động xã hội cũng như giúp bạn đáp ứng tốt với các can thiệp y tế cần thiết.
  • Giảm sự sợ đau: Càng lo lắng về chấn thương, bạn sẽ càng thúc đẩy các hành vi tránh né cơn đau của bản thân. Nếu dự đoán trước rằng cảm giác đau sẽ tăng lên, bạn có thể sẽ tự hạn chế tham gia vào các hoạt động thể chất hoặc các hoạt động xã hội. Những hành vi tránh đau sẽ dẫn đến suy nhược cơ thể và giảm chất lượng cuộc sống, nên cần có sự can thiệp chuyên nghiệp để đảm bảo đối mặt với cơn đau một cách an toàn nhất. 
  • Hỗ trợ việc chấp nhận nỗi đau: Mặc dù rất khó để học được kỹ năng chấp nhận nỗi đau, nhưng hiệu quả nó mang lại cho bạn sẽ rất cao. Kỹ năng này bao gồm việc thừa nhận, một cách không phán xét, sự hiện diện của cơn đau, và giảm thiểu những hành vi vô ích vốn sẽ không làm cho cơn đau thuyên giảm.
  • Phòng và giảm sang chấn tâm lý: Mối liên hệ giữa sang chấn tâm lý trước đó và cơn đau mãn tính hiện đang được nghiên cứu kỹ hơn bởi các nhà khoa học. Liệu pháp tâm lý có thể tác động các phản ứng căng thẳng về thể chất và cảm xúc có liên quan đến những trải nghiệm đau thương của mỗi con người. 
Xem bài viết  Đường ruột & Tinh thần

Nếu thế, phương pháp trị liệu nào sẽ giúp giảm đau mãn tính?

Có nhiều lựa chọn trong điều trị tâm lý thường được sử dụng để giúp ta kiểm soát cơn đau mãn tính. Những thực hành chánh niệm và duy trì sự năng động đã được chứng minh là những phương pháp hiệu quả mà bạn có thể tự thực hiện. Các chuyên gia sức khỏe tinh thần chuyên làm việc với những bệnh nhân đau mãn tính có thể hướng dẫn bạn các phương pháp điều trị bổ sung như:

  • Liệu Pháp Nhận Thức – Hành Vi (CBT): Đây là liệu pháp dựa trên trò chuyện giúp thay đổi những suy nghĩ và hành vi liên quan đến cơn đau và cải thiện các cơ chế đối phó của bạn. Bạn có thể học các kỹ năng này qua các buổi gặp cá nhân với chuyên gia tâm lý hoặc tham gia những nhóm trị liệu nhằm cung cấp mạng lưới hỗ trợ cho bản thân.
  • Giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (MBSR): Đây là một hình thức giải tỏa cơn đau cách nhận diện về những suy nghĩ và cảm xúc của mình thay vì phán xét chúng. Bạn cũng sẽ được học cách chấp nhận nỗi đau cũng như những cảm giác khó chịu khác một cách khách quan nhất.
  • Thôi miên giảm đau (Hypno-analgesia): Đây là một tập hợp các kỹ thuật nhằm thay đổi suy nghĩ, cảm xúc và hành vi liên quan đến trải nghiệm đau đớn thông qua tác động đến tiềm thức của bạn. Liệu pháp này khác với CBT ở chỗ CBT giới thiệu cách tiếp cận nhận thức về nỗi đau mang tính hướng đến hành động và tự định hướng hơn.
  • Phản hồi sinh học (Biofeedback): Đây là một kỹ thuật theo dõi các chức năng của cơ thể bạn (như nhịp tim, độ căng cơ và nhiệt độ da) nhằm giúp bạn nhận biết được những phản ứng không chủ ý của mình khi gặp phải tình huống căng thẳng. Trong các buổi phản hồi sinh học, bạn sẽ học được nhiều cách khác nhau để kiểm soát các phản ứng thể chất của mình đối với nỗi lo.
Xem bài viết  Chán Ăn Tâm Thần

Cuối cùng, nếu bạn đang tự hỏi liệu cơn đau của bạn có bao giờ biến mất không

Đây là một câu hỏi khó trả lời vì các loại hội chứng đau mãn tính rất đa dạng, cũng như từng cá nhân có những sự thay đổi khác nhau. 

Nhưng bạn đừng vội nản lòng! Khoa học đã chứng minh rằng điều tạo ra sự khác biệt ở những người có thể kiểm soát cơn đau mãn tính là họ kiên trì thử nhiều cách tiếp cận khác nhau, từ những liệu pháp nhận thức và hành vi, duy trì hoạt động thể thao, đến thực hành chánh niệm. Càng cố gắng thực hiện nhiều biện pháp can thiệp, bạn sẽ càng có khả năng cao tìm thấy biện pháp tạo ra tác động tích cực. Hãy làm việc với bác sĩ của bạn để tìm ra các can thiệp y tế và tâm lý hiệu quả nhất nhé!

Dịch từ: https://www.health.harvard.edu/blog/im-in-pain-so-why-is-my-doctor-suggesting-a-psychologist-2019081417450

Chuyển ngữ

Leave a Comment

Scroll to Top