Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng trải nghiệm cảm giác kinh khủng khi phải chờ đợi những tin tức không chắc chắn. Đó có thể là khi bạn chờ đợi kết quả sinh thiết, kết quả phỏng vấn cho một công việc hoặc kết quả của một kỳ thi. Hầu hết mọi người đều cảm thấy chờ đợi như thế thật khốn khổ. Trong khoảng thời gian đó, đa phần chúng ta sẽ dành thời gian để lo lắng, suy nghĩ về những kết quả có thể xảy ra và dự đoán kết quả tồi tệ nhất.
Để tìm hiểu cách tốt nhất giúp con người đối phó với sự vô định có cường độ lớn, tiến sĩ Kate Sweeny, một giáo sư tâm lý học tại Đại học California, Riverside, đã nghiên cứu về những giai đoạn căng thẳng này và cách mà chúng ta phản ứng với chúng. “Các nhà tâm lý học không biết nhiều về chờ đợi và sự vô định,” tiến sĩ Sweeny cho biết. Khi thành lập phòng thí nghiệm Sự kiện cuộc sống tại trường đại học California, cô nhận thấy rằng những người trong ngành tâm lý học xã hội đã nghiên cứu các chủ đề như sự bất định hiện hữu (existential uncertainty) hoặc sự mơ hồ của thông tin. Tuy nhiên, cảm giác quen thuộc, quặn thắt khi không biết được điều mà chúng ta thực sự muốn biết lại chưa được nghiên cứu. “Vì vậy, tôi quyết định cố gắng tìm hiểu về nó.”
Đại dịch COVID-19 đã làm cho nghiên cứu của họ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Mọi người trên khắp thế giới đã và đang liên tục bị đẩy vào những giai đoạn vô cùng bất an và vô định, chờ đợi tin tức tích cực. “COVID là khoảng thời gian chờ đợi cực kỳ điên rồ mà cả thế giới đang phải trải qua. Nhưng nó đã giúp ích trong việc khẳng định và định hướng nghiên cứu của chúng tôi theo cách này hay cách khác.”, Sarah Knapp, một sinh viên cao học năm thứ 6 tại phòng thí nghiệm của tiến sĩ Sweeny, cho biết.
Chuẩn bị cho điều xấu nhất
Tiến sĩ Sweeny thừa nhận rằng về bản chất, cô là một người hay lo lắng. “Giống như hầu hết mọi người, tôi không hề thích sự vô định.” Khi còn là thiếu niên, mẹ của tiến sĩ Sweeny được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư hạch không Hodgkin và đã chiến đấu thành công với căn bệnh này bằng cách điều trị tích cực. Trải nghiệm này cuối cùng đã trở thành nguồn cảm hứng cho sự nghiệp nghiên cứu của cô. Sweeny thường xuyên trò chuyện mẹ mình để hiểu rõ hơn về những sự thật khắc nghiệt khi phải đối mặt với một chẩn đoán y tế khiến cuộc sống đảo lộn. “Tôi bị cuốn hút về sự vô định vì đó là điều mà tôi đã phải trải qua”, tiến sĩ Sweeny chia sẻ.
Khi còn là một sinh viên, cô theo học tại Đại học Furman ở Greenville, Nam Carolina và nghiên cứu về tâm lý học. Tại đây, cô đã gặp và làm việc cho tiến sĩ tâm lý xã hội Beth Pontari. Tiến sĩ Pontari cũng đã giới thiệu Sweeny với tiến sĩ James Shepperd, một nhà tâm lý học xã hội từ Đại học Florida, người nghiên cứu về cách mọi người phản ứng khi nhận được những thông tin không hay. Ông cũng là cố vấn của Sweeny trong quá trình học cao học của cô ấy tại Đại học Florida.
Tại phòng thí nghiệm của tiến sĩ Shepperd, công việc của Sweeny là tập trung vào những thời điểm dẫn đến việc nhận được tin tức xấu. Nghiên cứu trước đây của Shepperd đã chỉ ra rằng mọi người có xu hướng biểu lộ mức độ lạc quan phi thực tế khi dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong tương lai của họ. Tuy nhiên, sự lạc quan này thường suy giảm khi họ chuẩn bị biết được kết quả, chẳng hạn như khi sinh viên sắp nhận được điểm thi. Sự thay đổi đó xảy ra một phần vì chúng ta đang chuẩn bị tinh thần cho khả năng tin tức xấu sẽ đến.
Nghiên cứu sau đại học của tiến sĩ Sweeny đã làm rõ những phát hiện này. Cô cũng đã xác định được khi nào và tại sao mọi người có nhiều khả năng phải chuẩn bị cho điều xấu nhất, điều gì xảy ra vào thời điểm nhận được tin xấu và những kết quả của chiến lược đối phó này. Cô cũng đã viết luận văn về cách truyền tải tin xấu và phát triển một mô hình hướng dẫn mọi người vượt qua quá trình này.
Sau khi lấy bằng tiến sĩ tâm lý học xã hội, cô làm việc tại đại học California với tư cách là trợ lý giáo sư tâm lý học và thành lập Phòng thí nghiệm Sự kiện cuộc sống để nghiên cứu trải nghiệm chờ đợi những tin tức không chắc chắn.
Để hiểu rõ hơn về quá trình chờ đợi, tiến sĩ Sweeny đã tiến hành một nghiên cứu với sự tham gia của 50 sinh viên luật đang chuẩn bị cho kỳ thi sát hạch ở California. Họ được yêu hoàn thành bảng câu hỏi tại sáu thời điểm khác nhau: ngay trước và sau kỳ thi, tại hai thời điểm trung gian trong thời gian 4 tháng chờ đợi, và ngay trước và sau khi biết được liệu họ có đậu hay không. Sweeny phát hiện ra rằng việc chờ đợi sẽ khó khăn hơn ở thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian chờ đợi, và trung bình thì những người lạc quan có mức độ lo âu và suy nghĩ thấp hơn.
Một nghiên cứu khác đã đặt ra câu hỏi: liệu chờ đợi có thực sự là phần khó nhất? Sweeny và các đồng nghiệp của cô đã khảo sát những sinh viên luật đã trượt kỳ thi sát hạch và những người tham gia khác – những người đã phải chờ đợi nhưng cuối cùng lại nhận được những tin không hay. Họ phát hiện ra rằng câu trả lời cho câu hỏi này phụ thuộc vào lựa chọn của người được hỏi, giữa việc bị sự lo lắng dày vò và việc bị đè nén bởi sự tức giận, thất vọng và hối tiếc khi nhận được tin xấu.
“Một trong những điều tôi phải đối mặt trong suốt quá trình nghiên cứu về vấn đề này là nhiều người cho rằng thứ tôi nghiên cứu cũng chỉ là một dạng căng thẳng và cách thức để đối phó với nó. Tuy nhiên, tôi đã bị thuyết phục ngay từ khi bắt đầu, và càng lúc tôi càng có thể khẳng định rằng những gì mà tôi nghiên cứu thực sự là một điều khác biệt.”
Giải pháp cho những giai đoạn vô định
Cùng với việc nghiên cứu cách mọi người phản ứng với những khoảng thời gian chờ đợi căng thẳng, nhóm nghiên cứu của Sweeny cũng đã nghiên cứu các chiến lược đối phó có thể giúp làm cho những giai đoạn này dễ quản lý hơn.
Vào năm 2019, phòng thí nghiệm đã xem xét liệu “dòng chảy” (flow), được hiểu là trạng thái hoàn toàn đắm chìm trong một hoạt động, có giúp ích cho những người trong ba giai đoạn kích hoạt lo âu này hay không: sinh viên luật chờ đợi kết quả kỳ thi sát hạch của họ; sinh viên trình độ tiến sĩ chờ đợi để tìm được nơi thực tập và nơi cư trú phù hợp; và các sinh viên đại học chờ đợi bạn bè đánh giá mức độ hấp dẫn thể chất của mình. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng việc chìm đắm trong “dòng chảy” giúp nâng cao cảm giác hạnh phúc trong khoảng thời gian không chắc chắn và giúp cho việc chờ đợi trở nên dễ dàng hơn một chút.
“Khi mọi người cảm thấy thời gian trôi qua chậm hơn, họ thực sự cho biết rằng mình cảm thấy khổ sở hơn,” tiến sĩ Kyla Rankin cho biết. “Vấn đề về sự không chắc chắn và chờ đợi chỉ là cố gắng để thời gian trôi qua nhanh hơn.”
Theo một nghiên cứu được công bố năm ngoái, kết quả tương tự cũng xảy ra với những người đang trong thời gian giãn cách. Tiến sĩ Sweeny và Rankin đã hợp tác với các nhà khoa học từ Đại học Sư phạm miền trung Trung Quốc ở Vũ Hán để nghiên cứu tác động của dòng chảy và chánh niệm đối với những khoảng thời gian dài giãn cách. Hơn 5.000 người tham gia ở Vũ Hán và các thành phố lớn khác ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã tham gia một cuộc khảo sát trực tuyến. Họ được yêu cầu đánh giá độ dài của thời gian giãn cách, tình trạng sức khỏe tổng thể của họ trong tuần vừa qua, cùng với các dòng chảy và chánh niệm (mindfulness – trạng thái tập trung nhận thức của một người vào thời điểm hiện tại) mà họ đã trải qua trong cùng khoảng thời gian trên.
Sweeny và Rankin nhận thấy rằng mức độ hạnh phúc tổng thể của những người có thời gian cách ly dài và trải nghiệm “dòng chảy” cao hơn mức trung bình cũng không tệ hơn những người chưa cách ly. Do đó, tham gia vào các hoạt động tạo ra “dòng chảy” như chạy bộ, vẽ tranh và làm vườn “có thể là một cách đặc biệt hiệu quả để bảo vệ khỏi những tác động có hại của thời gian giãn cách,” Sweeny và Rankin viết.
Cải thiện việc giao tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân
Một câu hỏi lớn khác trong Phòng thí nghiệm Sự kiện Cuộc sống là làm thế nào để giúp các chuyên gia y tế giao tiếp với bệnh nhân của họ trong suốt quá trình chăm sóc và cải thiện cách truyền đạt thông tin xấu. Brandon Tran, một sinh viên năm thứ 6 tại phòng thí nghiệm, cho biết: Một trong những điều quan trọng của giao tiếp và giao tiếp một cách hiệu quả với bệnh nhân là nhận ra những giá trị của họ, đồng thời bày tỏ sự cảm thông và từ bi đối với họ. Nếu điều gì đó không hay xảy ra khi bắt đầu cuộc trò chuyện, nó có thể ảnh hưởng đến sự tương tác giữa hai bên, nhận thức của bệnh nhân và sự tin tưởng vào bác sĩ.
Ví dụ, Sweeny và các đồng nghiệp đã nhận thấy rằng các bác sĩ lâm sàng hoạt động tích cực trong việc chăm sóc bệnh nhân, đưa ra những câu hỏi mang tính gợi mở giúp người bệnh suy nghĩ về sức khỏe của họ theo chiều hướng mới và thể hiện sự lạc quan về khả năng làm quen với các hành vi sức khỏe của bệnh nhân là những người thành công nhất trong việc thúc đẩy bệnh nhân hướng tới kết quả sức khỏe tốt hơn.
Hình thức giao tiếp này có thể đặc biệt hữu ích cho những người đang mắc phải những căn bệnh mãn tính, hoặc những người đang chờ đợi kết quả sinh thiết. Trong một nghiên cứu năm 2018 phỏng vấn các bệnh nhân nữ tại cuộc hẹn sinh thiết vú, Sweeny nhận thấy rằng phụ nữ có xu hướng tập trung vào cảm giác nguy hiểm, sức khỏe chủ quan và các nhận thức về sự hỗ trợ. Sweeny cho biết, việc trao đổi đúng cách từ các bác sĩ của họ có thể giúp ích rất nhiều cho những bệnh nhân này. Khi nói chuyện với các y tá và bác sĩ đang điều trị cho những bệnh nhân này, Sweeny biết rằng họ muốn giúp bệnh nhân của mình giữ bình tĩnh.
“Họ biết rằng các bệnh nhân của mình đang căng thẳng vì sự vô định, nhưng họ không thể giải quyết được tình trạng này vì chưa có kết quả xét nghiệm của các bệnh nhân hoặc vì họ không thể cung cấp kết quả trong thời điểm đó.”
Không có một giải pháp chính xác nào để hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể giải quyết tình huống khó xử này, nhưng Sweeny có một ý tưởng. Cô giải thích: “Đừng nói rằng ‘Chúng tôi sẽ gọi cho bạn khi bạn có kết quả’.” Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2017, Sweeny phát hiện ra rằng 93% các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe được khảo sát sử dụng kiểu thời gian mở này khi hẹn lịch trả kết quả khám sức khỏe cho bệnh nhân. “Điều này làm tăng thêm sự không chắc chắn. Người bệnh sẽ tự hỏi ‘Đến khi nào thì tôi mới nhận được kết quả khám sức khỏe chứ?’. Thay vào đó, các bác sĩ nên đặt lịch hẹn vào một thời điểm xác định để trả kết quả cho người bệnh.”
Tran cho biết, nghiên cứu về việc giao tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân đặc biệt thích hợp trong thời điểm hiện tại, khi nhiều chuyên gia y tế có thể sẽ phải trò chuyện với các bệnh nhân đang do dự trong việc tiêm chủng COVID-19.
“Những bệnh nhân có phản ứng tiêu cực với người chăm sóc sức khỏe trước khi đại dịch xảy ra có nhiều khả năng sẽ miễn cưỡng lắng nghe lời khuyên của họ trong thời gian này, và điều đó thực sự ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều người. Ở thời điểm hiện tại, giao tiếp trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.”
Tiến sĩ Sweeny cũng đang mở rộng phạm vi nghiên cứu và tập trung nhiều hơn vào phạm vi chăm sóc sức khỏe, nơi mà sự vô định và chờ đợi có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Trong 5 năm qua, nhóm của cô đã xây dựng một bộ công cụ gồm các các mẹo và thủ thuật để giúp mọi người vượt qua những khoảng thời gian chờ đợi đầy khó khăn. Sweeny cho biết, bộ công cụ này còn có các hướng dẫn về cách thả mình vào dòng chảy và chánh niệm, giúp mọi người có thể nghỉ ngơi trong những lúc mà họ lo lắng đến mức ảnh hưởng tiêu cực lên cuộc sống hằng ngày.
Phòng thí nghiệm cũng đặt mục tiêu phát triển một cách can thiệp vào dòng chảy dành cho các bệnh nhân sinh thiết vú để xem liệu nó có giúp ích cho họ hay không trong thời gian chờ đợi kết quả khám sức khỏe.
Theo tiến sĩ Sweeny, sự vô định là một nguyên nhân chưa được giải quyết gây ra đau khổ. Đây cũng là điều mà nhiều người cảm thấy không thoải mái khi nhắc đến, vì thế nên việc nghiên cứu về nó không phải lúc nào cũng đơn giản.
“Tuy nhiên, việc nghiên cứu về sự vô định lại rất đáng giá vì nó có tác động trực tiếp đến cuộc sống của con người.”
Dịch từ: https://www.apa.org/monitor/2021/11/lab-science-uncertainty