Tranquil

Số Lượng Suy Nghĩ Trong Một Ngày

Những dòng suy nghĩ không ngừng len lỏi trong bộ não của con người. Từ khoảnh khắc đầu tiên sau khi thức giấc cho đến khi nhắm mắt lại để ngủ, bạn thường sẽ suy nghĩ về điều gì đó. 

Những suy nghĩ này có thể rất bình thường như:

  • “Trời hôm nay thật đẹp. Mình nên ra ngoài tắm nắng thôi.”
  • “Hôm nay mình phải rửa xe.”
  • “Phải nhớ mua thêm yến mạch mới được.”

Hoặc những suy nghĩ sâu sắc, phức tạp hơn như:

  • “Không biết những chú chó thường mơ về gì nhỉ?”
  • “Nếu mình thử hẹn hò một lần nữa thì cuộc sống của mình có tốt hơn không?”
  • “Mục tiêu dài hạn của mình trong công việc này là gì?”

Bạn thậm chí có thể tự hỏi rằng mình thực sự có bao nhiêu suy nghĩ, và tất cả những suy nghĩ đó đến từ đâu. Có thể bạn đã dành thời gian khám phá các cách để “dừng” những suy nghĩ nhất định – cụ thể là những suy nghĩ khiến bạn khó chịu và gây ra sự đau khổ kéo dài.

Còn rất nhiều điều về cách thức hoạt động của bộ não cần được các chuyên gia khám phá. Tuy nhiên, việc nghiên cứu đã dẫn đến một số phát hiện đáng chú ý, bao gồm số lượng suy nghĩ trung bình mỗi ngày của chúng ta.

Chúng ta có bao nhiêu suy nghĩ trong một ngày?

Bạn có ngạc nhiên không khi biết rằng chúng ta có hơn 6000 suy nghĩ trong một ngày? 

Kết quả của một cuộc nghiên cứu năm 2020 cho thấy rằng con người thường có hơn 6000 suy nghĩ mỗi ngày.

Trong cuộc nghiên cứu này, có 184 người tham gia với độ tuổi trung bình là 29,4, các nhà nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh quét não để ghi nhận thời điểm những suy nghĩ mới hình thành trong khi những người tham gia đang nghỉ ngơi hoặc xem phim.

Tại sao họ lại cho những người tham gia xem phim? Các nhà nghiên cứu giải thích rằng sự chuyển đổi giữa các tình tiết trong phim kích hoạt những “đoạn suy nghĩ” (thought worms) – các mô hình hoạt động của não – giống như khi những suy nghĩ xuất hiện một cách tự nhiên vậy.

Vì mỗi suy nghĩ mới sẽ tạo ra một “đoạn” mới, các nhà nghiên cứu có thể nhận ra khi nào một suy nghĩ kết thúc và suy nghĩ tiếp theo bắt đầu. Sau khi thử nghiệm vào các thời điểm khác nhau, trong hai ngày khác nhau, họ nhận thấy rằng trung bình có 6.5 chuyển đổi suy nghĩ được tạo ra trong vòng một phút. Tỷ lệ này dường như vẫn khá ổn định theo thời gian. Các nhà nghiên cứu kết luận bằng cách ước tính dựa trên kết quả này, rằng một người thanh niên trung bình sẽ có hơn 6.000 suy nghĩ trong một ngày.

Đây là phép toán dựa trên ước tính của họ:

Giả sử bạn ngủ 8 tiếng mỗi đêm. Bạn sẽ thức 16 tiếng mỗi ngày và có chính xác 6,5 suy nghĩ mỗi phút. (6,5 x 60 x 16 = 6,240 suy nghĩ)

Hoặc có thể bạn chỉ ngủ 7 tiếng mỗi đêm, vì vậy bạn sẽ thức 17 tiếng mỗi ngày. (6,5 x 60 x 17 = 6,630 suy nghĩ)

Đây chỉ là một nghiên cứu. Ước tính này không phải là một phép đo chính xác và mang tính kết luận. Tuy nhiên, nó tạo nên một điểm khởi đầu cho các nghiên cứu trong tương lai.

Tự mình ghi nhận chính xác số lượng suy nghĩ mỗi ngày là điều khá khó khăn, nhưng bạn có thể nhận thấy rằng tỷ lệ này sẽ thay đổi trong ngày. Ví dụ: khi bạn bình tĩnh và thư giãn, não của bạn có vẻ sẽ yên tĩnh hơn. Trong thời gian bận rộn hoặc căng thẳng, não của bạn có thể cảm thấy bị dồn nén bởi những suy nghĩ dồn dập khiến nó có nguy cơ trở nên hỗn loạn.

Xem bài viết  Nếu thực tế tàn khốc hơn chúng ta nghĩ thì sao?

Những suy nghĩ tiêu cực 

Một số suy nghĩ, chẳng hạn như tưởng tượng về người bạn yêu hoặc những dự định cho ngày cuối tuần, có thể gợi lên cảm giác thích thú và phấn khích.

Mặt khác, những suy nghĩ không thoải mái có thể gây ra tác động kéo dài đến tâm trạng và trạng thái tâm lý của bạn. Những lo lắng về mối quan hệ, hiệu suất của bạn tại nơi làm việc hoặc một số triệu chứng sức khỏe mới và bất thường mà bạn nhận thấy – tất cả những điều này có thể tự nhiên xuất hiện và khiến bạn mất tập trung khỏi công việc hoặc hoạt động mà bạn đang thực hiện.

Thiên khiến tiêu cực sẽ khiến chúng ta quan tâm hơn đến những suy nghĩ không hay này, ngay cả khi chúng không gây ra mối đe dọa tức thì hoặc có khả năng xảy ra.

Bạn biết điều bạn lo lắng có thể sẽ không xảy ra. Mặc dù vậy, bạn vẫn cảm thấy rất khó để ngừng suy nghĩ và lặp đi lặp lại những suy nghĩ đó trong đầu. 

Các chuyên gia vẫn chưa đưa ra bất kỳ ước tính cụ thể nào về số lượng suy nghĩ tiêu cực mà mọi người thường có mỗi ngày. Tuy vậy, chúng ta không thể phủ nhận rằng các vấn đề sức khỏe tâm thần, như trầm cảm và lo âu, có thể góp phần làm tăng số lượng những suy nghĩ không mong muốn, đặc biệt là khi những tình trạng này không được giải quyết.

Mục đích của nghiên cứu được mô tả ở trên không phải để xác định nội dung của suy nghĩ mà chỉ xác định thời điểm những suy nghĩ mới bắt đầu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa tốc độ chuyển đổi suy nghĩ với một vài tính cách cụ thể trong mô hình 5 nhóm tính cách lớn. 

Những người tham gia có mức độ cởi mở cao hơn sẽ chuyển đổi suy nghĩ với tỷ lệ thấp hơn. Nói cách khác, họ dường như có ít suy nghĩ hơn khi nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, những người có có chỉ số nhạy cảm lớn hơn sẽ chuyển đổi suy nghĩ với tỷ lệ cao hơn. Họ không chỉ suy nghĩ nhiều hơn khi nghỉ ngơi mà còn có xu hướng dễ bị phân tâm hơn khi xem các đoạn phim.

Tóm lại, chỉ số nhạy cảm của bạn càng cao thì bạn càng có nhiều suy nghĩ hơn và sở hữu một bộ não “ồn ào hơn”.

Điều này cũng có thể có nghĩa là nhiều suy nghĩ của bạn sẽ có xu hướng tập trung vào những cảm xúc và trải nghiệm đau buồn, hoặc các mối đe dọa tiềm ẩn đối với sự an toàn về mặt cảm xúc hoặc thể chất của bạn.

Hãy nhớ rằng nhạy cảm chỉ là một đặc điểm tính cách và nó không đồng nghĩa với một tình trạng sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng mức độ nhạy cảm cao có nhiều khả năng dẫn đến lo âu và trầm cảm.

Những suy nghĩ không mong muốn (intrusive thought)

Những suy nghĩ không mong muốn là những suy nghĩ gây lo ngại hoặc bối rối. Chúng thường xâm chiếm ý thức của bạn nhưng không có bất kỳ kích hoạt cụ thể nào. Những suy nghĩ này có thể mang tính chất tình dục hoặc bạo lực, hoặc về những hành vi khiến bạn cảm thấy xấu hổ hoặc ghê tởm. Vì vậy chúng là những suy nghĩ rất khó chịu.

Một vài nghiên cứu khoa học đã khám phá mức độ thường xuyên của những suy nghĩ này.

Một nghiên cứu nhỏ năm 2013 tìm hiểu về những suy nghĩ không mong muốn đã yêu cầu 24 thanh niên và 15 người lớn tuổi báo cáo về số lượng những suy nghĩ đó. Các nhà giả nghiên cứu đã thu thập thông tin về những suy nghĩ không mong muốn trong 100 ngày khác nhau trong khoảng thời gian 6 tháng. Họ nhận thấy rằng những người tham gia báo cáo rằng họ có trung bình từ hai đến ba ý nghĩ không mong muốn trong 100 ngày đó.

Xem bài viết  Nhận Thức Nội Thân (Interoception)

Một nghiên cứu năm 2014 khám phá sự phổ biến của những suy nghĩ không mong muốn, với sự tham gia của 777 sinh viên đại học đến từ 13 quốc gia khác nhau. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 93,6% người tham gia đã có ít nhất một suy nghĩ không mong muốn trong 3 tháng và nhiều người đã có nhiều hơn một suy nghĩ như vậy.

Những nghiên cứu này cho thấy rằng những suy nghĩ không mong muốn thực sự có xảy ra với mọi người, nhưng chúng không xảy ra với mức độ thường xuyên.

Điều đáng chú ý là những người tham gia các nghiên cứu trên không mắc bất kỳ tình trạng sức khỏe tâm thần nào. Bạn có thể sẽ nhận thấy những suy nghĩ không mong muốn xuất hiện thường xuyên hơn – thậm chí là nhiều lần trong một ngày – nếu bạn đang gặp phải một số tình trạng sức khỏe tâm thần nhất định, bao gồm:

  • rối loạn lo âu
  • rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)

Những suy nghĩ kiểu này không phải là điều bất thường và cũng không đáng phải lo ngại, đặc biệt là khi chúng không xuất hiện thường xuyên.

Hãy tìm gặp một chuyên gia sức khỏe tâm thần để giải quyết những suy nghĩ không mong muốn và những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra chúng nếu những suy nghĩ đó:

  • xảy ra thường xuyên đến mức làm gián đoạn các thói quen hàng ngày hoặc giấc ngủ của bạn
  • dẫn đến lo ngại về việc sẽ thực hiện chúng
  • ngăn cản bạn hoàn thành các công việc hàng ngày

Những suy nghĩ này đến từ đâu?

Chi tiết về các lý thuyết khoa học xung quanh cách hình thành suy nghĩ nằm ngoài phạm vi của bài viết này, nhưng sau đây là lời giải thích cơ bản.

Các lý thuyết hiện tại cho rằng suy nghĩ hình thành khi các tế bào thần kinh của não bộ phát tín hiệu cho các tế bào khác bằng cách giải phóng các chất hóa học được gọi là các chất dẫn truyền thần kinh. Trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn, vô số tế bào thần kinh khác sẽ phản ứng lại, tạo ra một chuỗi các tế bào thần kinh chạy dọc theo đường dẫn của não bộ.

Mặc dù các tế bào thần kinh có thể gửi những tín hiệu này bất cứ lúc nào, nhưng những sự kiện xảy ra xung quanh bạn thường là dấu hiệu để kích hoạt những suy nghĩ liên quan đến những sự kiện đó.

Một nghiên cứu từ năm 2015 cũng gợi ý rằng hai vùng lân cận trong thùy thái dương bên trái của não bộ hoạt động cùng nhau để hình thành suy nghĩ. Những vùng này dường như sử dụng một hệ thống các biến giống như đại số để mã hóa thông tin mới và thông tin đã biết thành những suy nghĩ có thể hiểu được.

Đời sống hằng ngày của bạn đóng một vai trò quan trọng trong nội dung của những suy nghĩ. Bạn sẽ thường nghĩ về những điều mà mình thường xuyên trải qua. 

Điều này giúp giải thích cho mối liên hệ chặt chẽ giữa những vấn đề về sức khỏe tâm thần và sự suy ngẫm (rumination). Khi những suy nghĩ và cảm xúc đau buồn xuất hiện trong một thời gian dài, những người mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể cảm thấy bị mắc kẹt. Cuối cùng, họ sẽ bị ám ảnh bởi những suy nghĩ đó vì họ không biết cách làm thế nào để thoát khỏi chúng.

Xem bài viết  Sự Vô Định Dưới Góc Nhìn Khoa Học

Chúng ta có thể thay đổi suy nghĩ không?

Suy nghĩ có thể là một kỹ năng cần thiết, nhưng đôi khi nó cũng gây ra những sự cản trở nhất định.

Theo một số nghiên cứu, việc tâm trí đi lang thang (xuất hiện những suy nghĩ không liên quan đến việc mà bạn đang làm) xảy ra thường xuyên với tất cả mọi người, trong gần như một nửa hoạt động thường ngày của chúng ta. 

Những suy nghĩ gây mất tập trung này có thể khiến bạn gặp khó khăn khi thực sự cần tập trung vào hoạt động hiện tại của mình hoặc khi chúng dẫn đến sự đau khổ về cảm xúc.

Có thể bạn không muốn hoàn toàn từ bỏ khả năng suy nghĩ của mình, nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi liệu mình có thể thay đổi cách suy nghĩ của bản thân chưa?

Nói ngắn gọn thì có, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, thay đổi cách suy nghĩ thường không liên quan đến việc phớt lờ chúng, tích cực xua đuổi chúng đi hoặc thay thế chúng bằng những suy nghĩ tích cực hơn.

Nói chung, những cách hữu ích nhất để giải quyết những suy nghĩ không mong muốn bao gồm:

  • Chấp nhận suy nghĩ đó. Khi nó xuất hiện, hãy xác định nó, nhắc nhở bản thân rằng đó chỉ là một suy nghĩ mà thôi và để nó trôi đi mà không cần cân nhắc hay chú ý thêm. Sau đó, quay lại với việc mà bạn đang làm.
  • Thực hành thiền định và chánh niệm. Thiền định có thể giúp giảm bớt các triệu chứng lo âu và trầm cảm đối với một số người. Các kỹ thuật thư giãn và chánh niệm khác, bao gồm các bài tập thở, cũng có thể giúp thúc đẩy sự bình tĩnh bên trong và giúp trạng thái tâm trí thoải mái hơn. Bằng cách thiền định thường xuyên, bạn có thể nhận thấy những suy nghĩ buồn phiền sẽ ít xuất hiện hơn theo thời gian.
  • Tìm đến một nhà trị liệu. Một chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể giúp bạn khám phá những nguyên nhân cơ bản liên quan đến những suy nghĩ không mong muốn hoặc suy nghĩ không ngừng. Họ cũng có thể giúp bạn tìm được nguyên nhân về việc dễ bị phân tán tư tưởng và khó tập trung, cùng với các cách đối phó hữu ích.

Tóm tắt

Vẫn còn rất nhiều điều cần được nghiên cứu về cách mà não bộ sản sinh ra suy nghĩ và sự chuyển đổi của những suy nghĩ đó. Tuy nhiên, số lượng suy nghĩ có thể ít quan trọng hơn so với cách mà chúng ảnh hưởng lên chúng ta.

Còn rất nhiều điều về cách thức hoạt động của bộ não cần được các chuyên gia khám phá. Tuy nhiên, việc nghiên cứu đã dẫn đến một số phát hiện đáng chú ý, bao gồm số lượng suy nghĩ trung bình mỗi ngày của chúng ta.

Các nghiên cứu có thể không bao giờ có thể xác định chính xác số lượng suy nghĩ của một người trong một ngày, giờ hoặc phút. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng khoa học cho thấy có rất nhiều cách để giải quyết những suy nghĩ không mong muốn, bao gồm trị liệu và thiền định.

Nếu những suy nghĩ của bạn khiến bạn sợ hãi hoặc nếu bạn cảm thấy quá tải và kiệt sức vì chúng, các nhà trị liệu có thể sẽ hỗ trợ được cho bạn. 

Dịch từ: https://www.healthline.com/health/how-many-thoughts-per-day

Leave a Comment

Scroll to Top