Tranquil

Nhận Thức Nội Thân (Interoception)

Ngay lúc này, bạn đang cảm thấy thế nào?

Bộ não của chúng ta đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau, nhưng việc quan trọng nhất có lẽ là trả lời câu hỏi vừa rồi. Có thể bạn đang cảm thấy nóng bức, thoải mái, đói bụng, đau đớn hoặc điều gì đó khác chăng? Khả năng cảm nhận các trạng thái của cơ thể theo cách này giúp con người có thể tồn tại được. Nó giúp bạn biết rằng mình cần phải ăn thay vì nhịn đói; nó thúc đẩy bạn gọi điện thoại cho bệnh viện khi bạn cảm thấy như mình sắp bị nhồi máu cơ tim. Nhưng, làm sao bạn có thể biết được mình cảm thấy như thế nào?  

Thường thì con người không thể nhìn, nghe, chạm, ngửi hoặc nếm thông tin về trạng thái bên trong cơ thể mình. Thay vào đó, chúng ta sử dụng một giác quan khác được gọi là ‘nhận thức nội thân’ (interoception) (ngược lại với ‘nhận thức ngoại thân’ (exteroception), bao gồm thị giác, vị giác, khứu giác, xúc giác và thính giác. Khái niệm về nhận thức nội thân đã được hình thành cách đây hơn một thế kỷ. Nhà sinh lý học thần kinh Charles Sherrington đã đưa ra nhận đinh rằng bên trong cơ thể con người có các thụ thể chuyên biệt. Nhiệm vụ của chúng là gửi thông tin từ các hệ thống cơ quan của chúng ta đến não bộ.

Tất nhiên, khi được hỏi rằng đang cảm thấy như thế nào, mỗi người sẽ có những câu trả lời khác nhau, chẳng hạn như buồn chán, căng thẳng, hào hứng, chán nản hoặc một trạng thái cảm xúc nào đó khác. Chúng ta không có một bộ phận buồn chán nào để truyền cảm giác này đến não bộ. Tuy nhiên, việc nhận biết các cảm xúc của bạn có một điểm chung đáng ngạc nhiên với việc nhận biết các trạng thái của cơ thể.

Ví dụ như khi bạn đang cân nhắc xem mình đang cảm thấy căng thẳng hay đói bụng. Cả hai trạng thái này đều bao gồm những thay đổi về mặt thể chất. Khi đói, bụng của bạn sẽ sôi ùng ục và bạn có thể cảm thấy yếu ớt. Khi căng thẳng, nhịp tim và hơi thở của bạn sẽ tăng lên, thậm chí bạn có thể đổ mồ hôi hoặc rùng mình. Nhận thức nội thân sẽ giúp chúng ta nhận biết và diễn giải các thay đổi thể chất ở cả hai trường hợp trên.  

Sự trùng lặp giữa cảm giác thể chất và cảm giác cảm xúc còn nhiều hơn thế nữa. Nếu bạn cảm thấy không khỏe, điều này thường bao gồm cả những thay đổi về thể chất lẫn tinh thần. Ví dụ, cả vắc-xin cúm mùa và COVID-19 đều tạm thời làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể, gây ra các triệu chứng cảm nhẹ. Cùng với cảm giác đau nhức và mệt mỏi, tình trạng viêm do vắc xin cũng có thể gây ra những thay đổi trong tâm trạng. Một nghiên cứu cho thấy rằng interferon alpha – một loại thuốc dùng để điều trị viêm gan C và các bệnh khác, có khả năng làm tăng viêm – khiến 40% bệnh nhân viêm gan C phát triển chứng trầm cảm. 

Ngược lại, các tình trạng sức khỏe tâm thần cũng có thể gây ra những thay đổi sâu sắc đến tình trạng thể chất của cơ thể. Đối với chứng rối loạn hoảng sợ, phần lớn các triệu chứng đều liên quan đến thể chất như cảm giác muốn ngất xỉu, đau tức ngực, tim đập nhanh, v.v. Hãy xem xét chứng rối loạn ăn uống. Hầu hết chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu khi đói bụng và cảm thấy dễ chịu khi đã no nê. Nhưng đối với những người mắc chứng chán ăn tâm thần, họ cảm thấy thoải mái khi đói hơn là khi no. Họ sẽ mau no hơn người bình thường, và cảm giác no có thể làm cho họ khó chịu, chướng bụng, thậm chí là nôn mửa bộc phát.

Những triệu chứng thể chất cũng thường xuyên xuất hiện ở chứng trầm cảm (VD: chán ăn và mất ham muốn tình dục), chứng lo âu (VD: các vấn đề về đường ruột) và chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (VD: run rẩy và cảm thấy buồn nôn).

Xem bài viết  Musicophilia (Oliver Sacks)

Khi nhắm mắt lại và suy ngẫm về cảm giác của cơ thể là bạn đang sử dụng nhận thức nội thân. Đây không phải là một quá trình thụ động. Các thụ thể bên trong cơ thể chúng ta cũng không phát đi những tín hiệu rõ ràng. Đôi khi, các cảm giác cơ thể khác nhau có thể khiến ta cảm thấy rất giống nhau, làm cho việc xác định nguồn gốc của chúng gặp khó khăn. Bạn cảm thấy đói bụng hay buồn nôn? Bạn đổ mồ hôi do nóng nực hay vì căng thẳng? Để xác định những dấu hiệu không rõ ràng này, não bộ của chúng ta sử dụng manh mối từ các yếu tố khác, ví dụ như bạn đang ở đâu, bạn vừa mới làm gì, bạn đã trải qua những cảm giác gì trước đây, v.v. Có nghĩa là những gì chúng ta cảm nhận được chỉ là hình dung của não bộ và những tín hiệu thực sự của cơ thể chỉ chiếm một phần nào đó. Bạn sẽ thấy rằng điều này thật hữu ích khi những tín hiệu của cơ thể quá phức tạp và khó để diễn giải. Tuy nhiên, hậu quả mà điều này gây ra là ngay cả khi bạn chắc chắn rằng cơ thể mình đang cảm thấy một điều gì đó (ví dụ như khó chịu vì ăn quá no), bạn cũng sẽ không thể nào khẳng định được rằng cảm giác đó hoàn toàn đúng. Không ai trong chúng ta có thể trực tiếp trao đổi với cơ thể của mình. Bất cứ điều gì chúng ta cảm nhận đều mang tính chủ quan và bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố khác.

Từ sự chủ quan này, chúng ta có thể rút ra được một gợi ý quan trọng rằng những trải nghiệm cơ thể khác nhau liên quan đến một số rối loạn sức khỏe tâm thần nhất định có thể không trực tiếp đến từ những gì đang xảy ra trong dạ dày, tim hoặc các cơ quan nội tạng khác, mà đến từ cách não bộ diễn giải và xử lý các tín hiệu sinh ra từ các cơ quan đó.

Để kiểm tra khả năng này, các nhà khoa học đã tiến hành nhiều nghiên cứu để đo lường hoạt động não bộ của những người mắc phải các tình trạng sức khỏe tâm thần trong khi nhận thức nội thân. Ví dụ, họ đã mời những tình nguyện viên mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần nằm vào trong máy quét não rồi đếm nhịp tim của họ, yêu cầu họ tập trung chú ý vào dạ dày hay bàng quang, hoặc nín thở.

Những nghiên cứu này đã chỉ ra rằng nhiều vùng não bộ của những tình nguyện viên hoạt động khác biệt so với não bộ của người khỏe mạnh. Có những vùng hoạt động quá mức hoặc kém hoạt động trong khi nhận thức nội thân. Những vùng não ấy bao gồm thùy trán, thùy thái dương, thùy đảo, cũng như các vùng khác nằm sâu dưới vỏ não, chẳng hạn như vùng đồi thị và hạch hạnh nhân. 

Vì các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra những khác biệt đa dạng trong não bộ nên một vài năm trước, tôi đã bắt đầu tự hỏi rằng liệu các chứng rối loạn tâm thần khác nhau có chung những thay đổi nào trong quá trình nhận thức nội thân hay không. Để tìm hiểu, tôi đã phân tích dữ liệu hình ảnh thần kinh đã thu thập trước đây từ hơn 1.000 tình nguyện viên tham gia vào quá trình nhận thức nội thân, một nửa trong số đó là các bệnh nhân với nhiều chẩn đoán tâm thần khác nhau.

Tôi đã tìm kiếm một vị trí cụ thể trong hệ thống tiếp nhận của não có sự khác biệt giữa các chẩn đoán, thay vì các dấu hiệu thần kinh đặc trưng cho chứng rối loạn này hay rối loạn khác. Tôi thực hiện phương pháp này vì biết rằng các mối tương quan sinh học của các dạng rối loạn sức khỏe tâm thần khác nhau thường có sự trùng lặp. Ngoài ra, các chứng rối loạn tâm thần thường có khả năng diễn ra cùng lúc rất cao. Những người mắc phải một dạng rối loạn tâm thần có khả năng cao sẽ mắc các rối loạn khác. Nói cách khác, ở mức độ khoa học thần kinh, dường như có những yếu tố phổ biến dẫn đến sức khỏe tâm thần kém. Tôi cho rằng điều này cũng có thể áp dụng cho quá trình nhận thức nội thân. 

Xem bài viết  Số Lượng Suy Nghĩ Trong Một Ngày

Tuy nhiên, tôi đã không hy vọng rằng mình có thể tìm được bất kỳ thay đổi đồng nhất nào trong não bộ giữa các chứng rối loạn. Rốt cuộc thì các chẩn đoán khác nhau có thể đến từ những thay đổi nhận thức nội thân hoàn toàn khác nhau. Và ngay cả khi tôi có thể tìm thấy một sự khác biệt chung, tôi nghĩ rằng nhiều khả năng một loạt các vùng não bộ khác cũng sẽ có liên quan.

Nhưng ngạc nhiên thay, tôi phát hiện rằng, trong quá trình mà những người mắc chứng trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, lo âu, chán ăn tâm thần và tâm thần phân liệt nhận thức nội thân, phần thùy đảo của họ hoạt động ‘không bình thường’ khi so sánh với não bộ của những tình nguyện viên khỏe mạnh. 

Nghiên cứu này không chỉ ra được rằng vùng thùy đảo của họ hoạt động quá mức hoặc kém trong quá trình nhận thức nội thân. Điều này phụ thuộc vào nhiệm vụ nhận thức nội thân mà họ được yêu cầu thực hiện. Có lẽ nó cũng phụ thuộc vào chứng rối loạn mà bệnh nhân gặp phải. Ví dụ, khi được yêu cầu tập trung vào các cảm giác ở bụng, vùng thùy đảo của những người mắc chứng chán ăn tâm thần hoạt động kém đi. Trong khi đó, vùng thùy đảo của những người mắc các vấn đề về sử dụng chất lại hoạt động tích cực hơn khi được chạm nhẹ vào người và khi biết trước được điều đó. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu của tôi cho thấy rằng khi so sánh với những tình nguyện viên khỏe mạnh, vùng thùy đảo của những người mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần khác nhau biểu hiện một lượng phản ứng hiếm gặp trong quá trình nhận thức nội thân. Những nghiên cứu khác có thể sẽ khám phá ra được những vùng khác của não bộ có hiện tượng tương tự.

Vị trí kích hoạt bị gián đoạn: phần giữa thùy đảo (mid-insula)
Vị trí kích hoạt bị gián đoạn: phần giữa thùy đảo
(mid-insula)

Vùng não bộ mà tôi phát hiện được không phải là điều mới mẻ đối với các nhà nghiên cứu về nhận thức nội thân. Thùy đảo được biết đến như một nhân tố quan trọng trong việc cảm nhận trạng thái của cơ thể. Nó cũng tham gia vào quá trình xử lý nỗi đau và cảm xúc. Tuy nhiên, chức năng của thùy đảo không chỉ có vậy. Các phân vùng khác nhau của thùy đảo đảm nhiệm những chức năng riêng biệt. Cụ thể, phân vùng mà tôi tìm thấy sự khác biệt ở những người mắc các chứng rối loạn là phần giữa thùy đảo. Phần này có cấu tạo giải phẫu đặc biệt vì cấu trúc tế bào của nó là sự kết hợp giữa các tế bào tạo nên phần trước và phần sau của thùy. Hơn thế nữa, cấu trúc kết hợp của phân vùng này cho phép nó kết nối với cả phân vùng trước (liên quan đến cảm xúc) và phân vùng sau (liên quan đến việc cảm nhận trạng thái của cơ thể). Có lẽ vì vậy nên trong các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần, khu vực thùy đảo bị ảnh hưởng đóng một vai trò quan trọng trong cảm xúc chủ quan của một người, vì nó kết hợp những tín hiệu của cơ thể với những kỳ vọng và cảm xúc liên quan đến trạng thái bên trong cơ thể.

Nghiên cứu của tôi không thể cho chúng ta biết vì sao phần não này lại thường không ổn định trong các rối loạn tâm thần, hoặc nó có hay không quan hệ nhân quả với các triệu chứng của con người. Tôi hy vọng rằng những thí nghiệm trong tương lai có thể trả lời được những điều này. Nếu phần não đó thực sự có quan hệ nhân quả với các triệu chứng, một mục tiêu quan trọng đầy thú vị và có khả năng khác là tìm hiểu xem liệu các phương pháp điều trị sức khỏe tâm thần có thể cố gắng ‘bình thường hóa’ chức năng của thùy đảo như một cách để giảm bớt khó khăn của mọi người hay không. Trên thực tế, đây có thể đã là cơ sở của một số bài tập và các biện pháp can thiệp. Các liệu pháp chánh niệm nói chung và thở chậm nói riêng đều có khả năng làm tăng kích hoạt của thùy đảo. Thở chậm có khả năng ngăn chặn sự xuất hiện của những cơn đau và những cảm xúc tiêu cực. Điều này cho chúng ta biết rằng đã có các lộ trình trị liệu nhắm vào vùng não này đối với các rối loạn sức khỏe tâm thần. Những cách tương tự tập trung vào thùy đảo có thể phần nào hữu ích với những người mắc các chứng bệnh hiếm gặp nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như những người mắc rối loạn hoảng sợ hoặc đau mãn tính.

Không có sự trùng lặp giữa sự kích hoạt của phần giữa thùy đảo (màu cam) và sự thay đổi trong kích hoạt não sau khi sử dụng thuốc chống trầm cảm (màu xanh) hoặc liệu pháp tâm lý (không có trong hình)

Huấn luyện khả năng nhận thức nội thân cũng có khả năng được sử dụng như một hình thức trị liệu sức khỏe tâm thần. Ví dụ, một nghiên cứu của tiến sĩ Sarah Garfinkel và Hugo Critchley vào năm 2016 đã chỉ ra rằng những người tự kỷ có mức độ nhạy cảm cao hơn đối với các cảm giác cơ thể, kèm theo đó là độ chính xác trong quá trình nhận thức nội thân kém hơn bình thường (chẳng hạn như khi được yêu cầu đếm nhịp tim của họ). Từ nghiên cứu này, họ đã tiến hành một thử nghiệm tại trường đại học Sussex dưới sự dẫn dắt của tiến sĩ Lisa Quadt. Các tình nguyện viên là người tự kỷ mắc chứng rối loạn lo âu được huấn luyện để nhận biết nhịp tim của họ. Các phương pháp trị liệu rối loạn lo âu điển hình thường không hiệu quả đối với những người tự kỷ. Tuy nhiên, nhóm của tiến sĩ Quadt đã phát hiện ra rằng huấn luyện nhận biết nhịp tim giúp cải thiện khả năng nhận thức nội thân của những tình nguyện viên. Mức độ lo âu của một phần ba tình nguyện viên cũng giảm rõ rệt sau ba tháng so với những người không được huấn luyện.

Xem bài viết  Sự Vô Định Dưới Góc Nhìn Khoa Học

Nhận thức nội thân không chỉ có ích cho sinh tồn ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Nhận thức nội thân chính là một bộ lọc mà qua đó, chúng ta có thể xác định được mình cảm thấy khỏe hoặc không khỏe về tinh thần và thể chất. Nghiên cứu của riêng tôi và của những người khác cho thấy rằng cơ sở não bộ của nhận thức nội thân có thể giúp giải thích mối liên hệ giữa sức khỏe thể chất và tinh thần: vì sao khi chúng ta cảm thấy tinh thần không ổn thì nỗi đau thể lý lại tồi tệ hơn; và tại sao tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể có thể gây ra trầm cảm.

Hơn nữa, sự khác biệt về quá trình nhận thức nội thân thần kinh ở mỗi người có thể hóp phần giải thích vì sao chúng ta đều trải qua các trạng thái cơ thể theo những cách khác nhau. Trong một số trường hợp, điều này có thể khiến sức khỏe tâm thần trở nên tệ hơn. Những sự thật này đang mở ra một con đường mới cho những phương pháp trị liệu hiện có, và giúp truyền cảm hứng cho những cách thức độc đáo nhằm nâng cao nhận thức nội thân. Từ đó, chúng ta có thể hy vọng rằng các phương pháp trị liệu sức khỏe tâm thần sẽ được cải thiện cho những người cần chúng nhất.

Dịch từ: https://psyche.co/ideas/the-brains-reading-of-the-bodys-state-is-key-to-mental-health

Leave a Comment

Scroll to Top