Tranquil

Liệu pháp Chiếc ghế trống

Tôi (Scott) được tiếp xúc với một phương pháp trị liệu mang tên “Chiếc ghế trống” tại Trung tâm Đào tạo và Trị liệu Tâm lý Gestalt ở Thành phố New York vào năm 2002. “Thật không công bằng. Điều đó không công bằng chút nào, điều các người đang làm là sai rồi.” Tôi đã nói chuyện với ban huấn luyện đội bóng của con gái tôi – Nicole, họ đang ngồi ở những chiếc ghế đối diện. Hoặc ít ra, tôi đã tưởng tượng và cảm nhận được sự hiện diện của họ ngay đó, dù thực tế, đó chỉ là những chiếc ghế trống.

Nicole lúc đó 11 tuổi, con bé là một cầu thủ bóng đá xuất sắc. Nó đã tạo nên một đội bóng tuyệt vời, thế nhưng, huấn luyện viên hầu như không để con bé thi đấu và trong suốt 2 mùa giải, con bé hầu như lúc nào cũng nằm trong hàng dự bị. Rõ ràng có một sự thiên vị ở đây, và tôi đã rất tức giận. Mặc cho tôi có bao nhiêu lần trình bày vấn đề này với ban lãnh đạo đội bóng, nhưng họ vẫn từ chối thay đổi. Khi mùa giải kết thúc, con bé bị đuổi khỏi đội.

Tôi đã nghiên cứu về “Chiếc ghế trống” trong vài tháng. Chiều nay tôi đã dự một buổi hội thảo, nơi mà cuối cùng tôi đã có cơ hội tham gia với vai trò là một thân chủ. Nhà trị liệu mời tôi ngồi vào ghế, tưởng tượng các lãnh đạo đội bóng ngồi trên dãy ghế đối diện và nói chuyện với họ… và tôi đã làm theo. Tôi bày tỏ sự tức giận của mình vì cách mà họ đã đối xử với con gái tôi và vì nỗi buồn của tôi khi chứng kiến cảnh con mình suy sụp. Cuối cùng thì tôi cũng có thể thoải mái nói ra.

“Hãy đổi ghế”, nhà trị liệu bảo tôi. Bắt đầu đổi vai, tôi chuyển sang phía họ, ngồi vào một trong những chiếc ghế kia, và lên tiếng bênh vực họ và cái thái độ “nó phải như vậy” của họ. Tôi nhớ trạng thái cảm xúc của tôi đã thay đổi đáng kể khi tôi ở vai trò của họ. Điều đó thật khó khăn và tôi đã nổi cáu lên. Sau đó, tôi lại đổi vai và một lần nữa nói trong sự tức giận và đau đớn. Lần này, cảm xúc của tôi đã ít dữ dội hơn.

Trước hội thảo này, tôi đã trải qua gần một năm vật lộn với những cơn bộc phát dữ dội vì sự bất công mà con gái mình phải chịu. Chỉ vài giờ sau hội thảo, tôi nhận ra rằng mình đã có thay đổi sâu sắc; bây giờ, khi tôi nghĩ về những gì họ đã làm, tôi vẫn không nghĩ là họ đúng nhưng tôi đã phản ứng ít hơn nhiều. Thay đổi đó đã kéo dài mãi. Bằng cách nào đó, cuộc đối thoại kéo dài vỏn vẹn 15 phút này đã giúp tôi tìm ra giải pháp cho nỗi thất vọng của mình – điều mà tôi không thể tự mình làm được. Nó củng cố niềm tin nơi tôi vào khả năng chữa bệnh của liệu pháp Chiếc ghế trống – một kỹ thuật trị liệu được tạo ra bởi bác sĩ tâm thần người Mỹ gốc Romania Jacob Moreno, người sáng tạo ra Tâm kịch (Psychodrama), và được phát triển thêm vào những năm 1960 bởi một bác sĩ tâm thần khác, Frederick ‘Fritz’ Perls, người sáng tạo ra liệu pháp Gestalt.

Niềm đam mê và niềm tin vào giá trị của Chiếc ghế trống lớn dần trong tôi, và vào năm 2008, tôi đã tạo ra Dự án Trị liệu Tâm lý Chiếc ghế trống và bắt đầu đào tạo các nhà trị liệu ở Hoa Kỳ và nước ngoài về nghệ thuật của Chiếc ghế trống. Năm 2014, quyển sách Transformational Chairwork: Using Psychotherapeutic Dialogues in Clinical Practice  – một cẩm nang dành riêng cho các nhà trị liệu – đã được ra đời.

Bất chấp những nỗ lực đó, tôi luôn cảm thấy rất khó tìm được cách đơn giản hóa liệu pháp – biến nó thành một bộ nguyên tắc cốt lõi thiết yếu có thể hướng dẫn rõ ràng và hiệu quả cho cả việc thực hành và giảng dạy. Sau đó, vào đầu năm 2018, trong một buổi thiền, tôi đã hình dung ra thứ mà tôi gọi là “4 cuộc đối thoại”, thứ đã chỉ cho tôi cách biến liệu pháp Chiếc ghế trống thành một liệu pháp đơn giản, tinh tế và thậm chí còn có sức mạnh lớn hơn. Sau đó, tôi kết hợp chúng với một khuôn khổ gọi là “4 nguyên tắc”, và sự tích hợp này đã trở thành nền tảng.

Nguyên tắc đầu tiên trong 4 nguyên tắc là sự đa dạng của bản ngã, hay nói cách khác là ý tưởng cho rằng mỗi chúng ta những phần tâm trí, tâm trạng, tiếng nói hoặc bản ngã khác nhau. Lấy ví dụ, cách chúng ta cư xử tại sở làm có thể khác với cách chúng ta cư xử ở nhà với gia đình mình hay tại một bữa tiệc nướng mùa hè với bạn bè thân thiết. Đôi khi, trong các giai đoạn căng thẳng hay những lúc tiêu cực, các phần kì lạ hoặc không mong muốn có thể xuất hiện – loại tình huống khiến bạn phải nói những câu như: “Tôi cũng chẳng biết điều gì đang xảy ra với mình.” Sự hiểu biết về những tình trạng này được xây dựng dựa trên suy nghĩ của các nhân vật lịch sử như Plato, St PaulSigmund Freud, những người đã phải đấu tranh với trải nghiệm về những phần khác nhau trong tâm trí.

Nguyên tắc thứ hai là về việc khi con người chịu chia sẻ về những phần khác nhau này, hiệu ứng tạo ra sẽ chữa lành và tạo ra thay đổi. Trong thực tế, điều này có thể liên quan đến việc yêu cầu thân chủ di chuyển sang một chiếc ghế khác, thể hiện và chia sẻ về nỗi khổ, nỗi sợ, tiếng nói “chỉ trích nội tâm” của họ hay điều mà họ coi là “bản ngã anh hùng” – phần mang hành động ý nghĩa đến thế giới. Riêng điều này cũng có thể là một trải nghiệm mạnh mẽ đáng kinh ngạc. Ngoài ra, nhà trị liệu có thể dựng nên một cuộc đối thoại giữa các phần khác nhau của thân chủ, để mang lại sự cân bằng bên trong và một tổng thể hoạt động tốt hơn.

Nguyên tắc thứ ba đi từ thế giới bên trong ra thế giới bên ngoài. Nó bao gồm việc thân chủ nhớ lại và trải qua mất mát hay sang chấn một lần nữa để đối mặt và giải quyết chúng. Nhà trị liệu có thể sẽ mời họ tưởng tượng đặt những người có liên quan vào những chiếc ghế khác nhau và nói chuyện với họ – có thể nói những điều mà họ đã không thể nói vào thời điểm đó – như cách tôi làm trong hội thảo ở New York.

Nguyên tắc cuối cùng, mục tiêu cuối cùng của Chiếc ghế trống và cũng chính là mục tiêu cuối cùng của tất cả các liệu pháp tâm lý – củng cố được cái mà người ta gọi là bản ngã, lãnh đạo bên trong, và chế độ người lớn lành mạnh – là phần luôn nỗ lực sắp xếp, điều tiết và chỉ đạo những phần khác. Khi phần nhân cách này trở nên mạnh mẽ hơn, thân chủ sẽ có  thể điều chỉnh cảm xúc bên trong nhiều hơn và làm việc hiệu quả, có ý nghĩa và có mục đích hơn trong cuộc sống.

Xem bài viết  Ám Ảnh Cưỡng Chế

Đó là những nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho liệu pháp Chiếc ghế trống. 4 cuộc đối thoại là những phương pháp hay hình thức khác nhau để thực hiện Chiếc ghế trống, và những cuộc đối thoại này bao gồm việc chia sẻ, kể chuyện, đối thoại nội tâm, các mối quan hệ và tiếp xúc. Mỗi cuộc đối thoại này có thể được sử dụng như một biện pháp can thiệp độc lập hay kết hợp  cùng nhiều cách khác nhau để giúp thân chủ được chữa lành và giảm bớt khổ đau.

Việc chia sẻ có thể đóng vai trò là phương tiện để khám phá và hiểu thế giới bên trong của một người. Nhà trị liệu có thể sẽ nói với thân chủ rằng:

Tôi muốn mời bạn di chuyển sang chiếc ghế này, và tôi muốn bạn nói những lời từ trái tim và nỗi đau của mình.

liệu pháp chiếc ghế trống

Trong phiên bản cơ bản nhất của phương pháp này – phiên bản mà chúng tôi đã điều chỉnh từ Embracing Our Selves (2011), quyển sách hướng dẫn thực hành đối thoại bằng tiếng nói của 2 nhà tâm lý học Hal Stone và Sidra Stone, thân chủ sẽ ngồi trên chiếc ghế mà chúng tôi gọi là trung tâm – đó là nơi của lãnh đạo bên trong hay chế độ người lớn khỏe mạnh. Sau đó, nhà trị liệu sẽ mời thân chủ chuyển sang một chiếc ghế khác, để họ có thể bộc lộ và trải nghiệm cảm xúc của mình một cách có chủ đích và ý thức. Ví dụ, họ có thể yêu cầu thân chủ đổi ghế và nói lên nỗi khổ và nỗi đau của họ – cả những cảm xúc và suy nghĩ. Hành trình này có thể thúc đẩy sự xuất hiện tự phát của những cảm xúc tiêu cực, dù có thể khá đau khổ, nhưng việc chủ đích cố gắng tập hợp và trải nghiệm những cảm xúc này sẽ có thể giúp chữa lành – động lực của lựa chọn sẽ thay đổi mọi thứ. Trong một số trường hợp, cảm xúc sẽ bộc phát theo cách riêng, trong khi ở những người khác, một phần hay chế độ khác có thể sẽ được kích hoạt và thân chủ sẽ tìm ra các nguồn nội lực hoặc góc nhìn mới.

Thực tế thì có một phương pháp tương tự trong Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) mang tên “khoảng thời gian lo lắng”, trong đó nhà trị liệu sẽ mời thân chủ nói lên cảm giác sợ hãi, tội lỗi hoặc trầm cảm một cách thường xuyên và có chủ đích. Không có thách thức hay cuộc đối thoại nào dành cho những suy nghĩ này – chỉ cần bộc lộ là đủ.

Việc tập chia sẻ giúp ích vì nhiều lý do. Giải phóng các cảm xúc sẽ làm chúng dịu đi và trong quá trình đối mặt với nỗi đau, một chế độ hay phần khác có thể sẽ được kích hoạt và sinh ra một đối trọng hay điều gì đó thế chỗ cho cảm giác khổ đau. Dựa trên cái nhìn sâu sắc về liệu pháp chấp nhận và cam kết (một kiểu CBT kết hợp thực hành chánh niệm và chấp nhận), lý do thứ ba là những chiếc ghế sẽ tạo ra không gian vật lý hay khoảng cách giữa lãnh đạo bên trong và cảm xúc, và nhờ đó, thông qua các quá trình quan sát và xác định, thân chủ sẽ dần ổn định hơn, và cảm xúc cùng sự nhiễu loạn sẽ ít có khả năng lấn át họ. Ý tưởng về khoảng cách bên trong được rút ra từ Phật giáo và thiền chánh niệm, và được kết nối với sự phát triển của một bản ngã có tầm nhìn hay thực hành tự chứng. Sự hiện diện vật lý của những chiếc ghế giúp mọi người có trải nghiệm trực quan rằng chúng ta có các phần khác nhau và chúng ta có thể chống lại khả năng bị một cảm xúc hay chế độ nào đó chiếm lĩnh.

Phương pháp thứ hai trong số các phương pháp Chiếc ghế trống hay đối thoại là kể chuyện. Nhà trị liệu sẽ giới thiệu rằng một buổi trị liệu sẽ bắt đầu như thế này:

Tôi cảm thấy rằng việc giữ bí mật này bên trong quá lâu hẳn là một gánh nặng khủng khiếp. Nếu bạn sẵn lòng, tôi mong bạn chuyển sang chiếc ghế này và kể cho tôi nghe chuyện gì đã xảy ra.

Như các bác sĩ tâm thần người Anh Glenn Roberts và Jeremy Holmes đã đề cập trong tập sách Healing Stories (1999): “Ở trung tâm của bất kỳ phiên trị liệu nào cũng luôn tồn tại một câu chuyện.” Nhiều thân chủ tham gia trị liệu cùng gánh nặng của những câu chuyện, và việc chia sẻ những câu chuyện về sang chấn, bí mật hoặc nỗi xấu hổ có thể là một phần quan trọng trong hành trình chữa lành. Trong lời mở đầu cho bộ sưu tập những câu chuyện có thật Back from the Brink (2014), nữ diễn viên người Mỹ Glenn Close đã đề cập: “Sự cứu rỗi nằm trong những câu chuyện của chúng ta. Việc tìm kiếm sự can đảm để kể ra những câu chuyện của chúng ta sẽ giúp cứu vớt nhiều người.”

Đối thoại kể chuyện công nhận khả năng chữa lành của những câu chuyện và chứa một số chiến lược có thể giúp thân chủ vượt qua những ký ức đau buồn. Nhà trị liệu sẽ mời thân chủ một lần nữa di chuyển từ trung tâm sang một chiếc ghế khác và kể câu chuyện đau khổ hoặc một phần của câu chuyện đó. Khi thân chủ đã kể xong, nhà trị liệu sẽ yêu cầu họ đứng lên, đi lại một xíu và ngồi xuống, kể lại câu chuyện. Chu kỳ kể chuyện này lặp đi lặp lại 3 hoặc 4 lần. Trong suốt chu trình này, thân chủ thường tiết lộ nhiều chi tiết hơn trong mỗi lần lặp lại – một dấu hiệu cho thấy họ đang trở nên bớt sợ hãi và phiền bởi câu chuyện và hành trình chữa lành đang diễn ra.

Một thách thức trong quá trình này là thân chủ có thể sẽ cảm thấy vô cùng đau khổ. Lấy cảm hứng từ phương pháp kể chuyện được bác sĩ tâm thần Eckhard Roediger và các đồng nghiệp mô tả trong Liệu pháp Giản đồ theo ngữ cảnh (2018), một giải pháp tiềm năng yêu cầu bệnh nhân chia sẻ câu chuyện của họ từ góc nhìn của người thứ ba. Ví dụ: nếu tôi đang làm việc với một thân chủ tên John, tôi có thể yêu cầu cậu ấy chuyển sang một chiếc ghế khác và kể câu chuyện buồn của cậu như thể cậu đang kể về một người khác: “John gặp tai nạn xe hơi, và đây là những gì đã xảy ra với anh ấy. “Phong cách kể chuyện này giúp kích thích cảm xúc ở mức độ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho hành trình chữa lành, đồng thời giúp thân chủ giữ khoảng cách với câu chuyện, điều này đặc biệt có ích đối với những câu chuyện xoay quanh cảm giác tội lỗi hoặc tự trách.

Xem bài viết  Nếu thực tế tàn khốc hơn chúng ta nghĩ thì sao?

Phương thức Chiếc ghế trống thứ ba – đối thoại nội bộ – tập trung giải quyết các dạng xung đột và mất cân bằng nội tâm khác nhau. Nhà trị liệu có thể bắt đầu một bài tập như sau:

Có vẻ như bạn đang có 2 suy nghĩ. Tôi muốn biết bạn có sẵn sàng ngồi lên chiếc ghế này và chia sẻ bằng những phần muốn tiếp tục, và sau đó sang chiếc ghế bên này và chia sẻ bằng phần bản ngã đang có suy nghĩ khác.

Một hình thức đối thoại nội bộ liên quan đến “công việc phân cực” – nghĩa là, giúp thân chủ đưa ra quyết định thông qua việc làm rõ các giá trị của mình và giải quyết các xung đột ở những giá trị đó.

Ví dụ, hãy cùng xem xét thế giới nội tâm của Martin Luther King, người thường xuyên xung đột giữa vai trò ông đảm nhận trong phong trào dân quyền và vai trò của ông đối với gia đình. Tình thế này của ông trở nên đặc biệt gay gắt sau khi ông đến Ấn Độ và tìm hiểu về những lời dạy của Gandhi. Vợ ông, bà Coretta Scott King, nhớ lại câu nói của chồng: “Một người đàn ông cống hiến hết mình cho sự nghiệp, và luôn vì sự nghiệp, thì không cần gia đình.” Bà nói thêm rằng: “Ông ấy đã có gia đình, ông ấy yêu và mong muốn gia đình đó nhưng ông ấy cũng cho rằng ‘một người đàn ông không cần một gia đình’ bởi vì ông mang trong mình mâu thuẫn lớn về nghĩa vụ đối với gia đình và nghĩa vụ đối với dân tộc, và ông thực sự hiểu rằng mình phải có tráchnhiệm với cả hai.”

Lấy ví dụ vận động viên người Anh Tasha Danvers, người đã giành được huy chương Olympic, cô đã chia sẻ dựa trên kinh nghiệm của chính mình với trầm cảm: “Tôi nghĩ rằng hầu hết trường hợp trầm cảm là do chúng ta không thể sống theo những chân lý của bản thân: không ở được nơi mong muốn, làm một nghề không thực sự muốn làm, bởi vì chúng ta cảm thấy mình cần phải tiếp tục vì đồng tiền.”

Trong những trường hợp như vậy, có một xung đột diễn ra giữa các giá trị quan trọng. Làm việc vì thế giới, chăm sóc gia đình, tạo ra tài chính ổn định và sống liêm chính đều là những hành động đáng để theo đuổi. Đối thoại phân cực bao gồm việc cố định từng giá trị vào một chiếc ghế, sau đó thân chủ sẽ chia sẻ từ từng quan điểm đó. Perls có niềm tin mạnh mẽ rằng, khi thân chủ di chuyển qua lại giữa hai chiếc ghế mà các giá trị được cố định, sự sáng tạo sẽ có khả năng xuất hiện. Điều này có thể diễn ra dưới hình thức tìm hiểu rõ hơn cách cân bằng hai cực; việc này có thể liên quan đến sự phát triển một tầm nhìn mới về cuộc sống với một sự tổng hợp; hay nó có thể bao gồm việc ưu tiên một giá trị hơn giá trị còn lại.

Câu chuyện về người đàn ông trầm cảm chia sẻ với con trai mình, người đã nói với ông rằng đã đến lúc ông nên sống vì bản thân

Hình thức cuối cùng của đối thoại Chiếc ghế trống là các mối quan hệ và những cuộc tiếp xúc, liên quan đến phạm trù về mối liên kết giữa con người với nhau. Ví dụ, nhà trị liệu có thể sẽ nói với một thân chủ đang đấu tranh với nỗi đau buồn:

Tôi có thể cảm nhận được rằng bạn vẫn đang rất bế tắc – dù mối quan hệ đó đã kết thúc cách đây 2 năm. Nếu được phép, tôi muốn giúp đỡ bạn trong chuyện này. Tôi muốn bạn tưởng tượng cô ấy đang ngồi trên chiếc ghế này và bạn hãy nói chuyện với cô ấy và kể cho cô ấy nghe cảm xúc của bạn hiện giờ.

Cuộc đối thoại này bao gồm bộc lộ các cảm xúc, chẳng hạn như tình yêu thương, tức giận, sợ hãi và đau buồn. Nó cũng là một phương tiện để củng cố “tiếng nói quyết đoán” của thân chủ, chính là khả năng tự tin nói ra suy nghĩ của họ. Đây thường là những cuộc đối thoại 2 chiều, trong đó thân chủ cũng đổi ghế và nhìn nhận quan điểm của “người còn lại” từ chiếc ghế đối diện (tuy nhiên, nếu thân chủ đang đối thoại với một người thực sự ngược đãi họ trong quá khứ, chúng tôi sẽ không khuyến khích thân chủ đổi ghế, đảo ngược vai trò hay “trở thành” người đó vì điều này có thể tạo ra sự đồng cảm với kẻ ngược đãi và gây cản trở trong hành trình chữa lành).

Có một ví dụ về quá trình này trong bộ sưu tập Psychodrama with Trauma Survivors (2000), trong đó, 2 nhà trị liệu Marisol Bouza và Jose Barrio mô tả quá trình làm việc với một người đàn ông đã bước vào giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng, và có lẽ là tâm thần do cái chết của con trai mình. Trong bệnh viện, sau vô số lần cố tự tử của ông ta, họ đã quyết định để ông thử đảo nghịch vai trò. Người đàn ông ngồi vào một chiếc ghế và tưởng tượng con trai mình đang ngồi trên chiếc ghế đối diện. Từ đây, ông chia sẻ về nỗi đau buồn và mất mát, và về mong muốn bên cạnh con sau khi ông cũng mất đi. Sau đó ông đổi ghế và đóng vai con trai mình, người đã nói với ông rằng đã đến lúc ông cần phải sống cho bản thân và dành tình yêu thương cho những người con khác cũng như những thành viên còn lại trong gia đình. Người cha đã lắng nghe lời nhắn nhủ và quyết định sẽ sống tốt hơn.

Vào năm 2013, tôi (Amanda) đã tham dự một hội thảo đào tạo về liệu pháp Chiếc ghế trống và đã có trải nghiệm đầu tiên, sâu sắc và đầy kịch tính khi sử dụng mô hình các mối quan hệ và tiếp xúc. Scott là người dẫn phiên họp và ông đã yêu cầu những người tham gia minh hoạ về liệu pháp. Tôi đã xung phong. Lúc đó, tôi là một thực tập sinh lâm sàng đang làm việc với một người trẻ bị sang chấn rất nặng, và tôi đang rất kiệt sức. Công việc với một cô bé tuổi teen rất nổi bật, nhưng cũng rất rắc rối, đã làm tôi choáng ngợp. Tôi ngồi xuống trước căn phòng, đối diện với một chiếc ghế trống, và Scott bảo tôi hãy tưởng tượng ra những kẻ đã ngược đãi thân chủ của tôi. Tôi đã ngay lập tức nổi nóng. Tiếp theo, Scott đề nghị tôi đứng lên bảo vệ cô ấy. “Sao mày dám làm tổn thương cô bé!” Tôi nói.

Xem bài viết  Bạn đang mang các Schema nào?

Khoảnh khắc giải phóng này thật nhẹ nhõm. Tôi đã vô cùng kinh tởm sự hành hạ mà thân chủ của mình đã trải qua nhưng, trước hôm đó, tôi đã không hề tìm được lối thoát nào cho cơn thịnh nộ của mình. Vài phút trôi qua, Scott chuyển hướng. “Bây giờ, hãy tưởng tượng ra thân chủ của bạn. Cùng cô ấy trò chuyện. Hãy nói từ trái tim bạn.” Tôi ngồi xuống và thở ra. Cơn thịnh nộ biến mất và nỗi buồn đã thế chỗ: “Chị không biết tại sao em lại phải trải qua nhiều đau đớn đến vậy. Những câu chuyện của em khiến trái tim chị tan nát.” Mắt tôi bắt đầu ngấn lệ và tôi bảo rằng hãy tiếp tục nói. “Chị muốn em biết rằng chị thấy em thật tuyệt vời. Em thật tốt. Chị hiểu em.” Tôi đã cảm nhận được động lực và hy vọng. Trong những tháng sau đó, công việc của tôi với cô bé được cải thiện và tôi đã có thể hỗ trợ trong việc chăm sóc cô bé tại cơ sở y tế.

Kể từ đó, tôi cũng ngay lập tức bị cuốn vào liệu pháp Chiếc ghế trống. Trải nghiệm hội thảo này đã thay đổi hoàn toàn nhận thức  của tôi về những khả năng và hạn chế của liệu pháp tâm lý. Kể từ ngày đó, một cuộc hành trình tuyệt vời đã đưa tôi trở thành một nhà trị liệu có chứng nhận về liệu pháp Chiếc ghế trống và là người huấn luyện cho các bác sĩ lâm sàng trên khắp thế giới. Chiếc ghế trống đã thay đổi cuộc đời tôi.

Các mối quan hệ tạo ra những cảm xúc mâu thuẫn; Chiếc ghế trống là một cách hiệu quả để các thân chủ vượt qua chúng

Tôi vô cùng đau đớn khi nghĩ đến nỗi cô đơn đáng sợ tạo ra bởi sang chấn và khổ đau, và tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ lớn lao phải trực tiếp đối mặt với những trải nghiệm này. Chiếc ghế trống đã cho tôi một con đường để ở bên những thân chủ lạc lõng trong bóng tối trong hành trình đi tìm lối ra. Chúng tôi có thể cùng nhau đối mặt với những ký ức đáng sợ và như Scott luôn nói: “Hãy tin tưởng vào những chiếc ghế.” Khi nỗi đau tinh thần bộc lộ ra ngoài, thân chủ của tôi phải bên cạnh, chinh phục, an ủi nó và cuối cùng là giải thoát nó. Tâm trí và trái tim của họ có thể đối thoại với nhau, và nhờ đó, sự biến chuyển tuyệt vời sẽ xảy ra.

Scott và tôi thấy thật ấn tượng khi cả 2 chúng tôi đều đã có những trải nghiệm chủ chốt về Chiếc ghế trống mà trong đó, chúng tôi đã tưởng tượng ra những cuộc đối thoại với những người gặp khó khăn. Các mối quan hệ quan trọng gây ra những cảm xúc mạnh mẽ và đôi khi mâu thuẫn trong chúng ta, và Chiếc ghế trống mang đến một phương thức hiệu quả để thân chủ vượt qua chúng.

Tương lai đang trở nên tươi sáng hơn cho những người tin vào sức mạnh của hình thức đối thoại này. Chúng ta đang chứng kiến một thay đổi rất lớn khi liệu pháp tâm lý Chiếc ghế trống đang ngày càng được biết đến trên toàn thế giới. Mặc dù chủ yếu được dẫn đầu bởi các nhà trị liệu giản đồ – những người hiện đã coi Chiếc ghế trống là một phần trung tâm trong liệu pháp của họ, các nhà trị liệu khác cũng đang ngày càng trọng dụng phương pháp này, bao gồm cả những người thực hành CBT, cũng như liệu pháp tập trung vào lòng trắc ẩn (compassion-focused) và liệu pháp tâm lý chiết trung(integrative) nói chung. Lần đầu tiên, 4 cuộc đối thoại và 4 nguyên tắc đã biến liệu pháp tâm lý Chiếc ghế trống độc lập trở thành điều khả thi. Biểu hiện đầu tiên của điều này có thể được tìm thấy trong cuộc hội thảo của Amanda về liệu pháp tâm lý Chiếc ghế trống vì công bằng xã hội, tập trung vào việc tìm cách áp dụng phương pháp chữa lành này với những người có quá khứ bị bỏ rơi hay áp bức.

Cuối cùng, làm thế nào Chiếc ghế trống có thể giúp mọi người chữa lành và thay đổi cuộc sống? Chúng tôi tin rằng có 4 yếu tố. Đầu tiên là nó mang lại cái nhìn rõ ràng hơn về các phần bên trong. Thân chủ có thể trải nghiệm và phân biệt các phần hay chế độ trong họ khi chúng được kích hoạt. Điều này sẽ giúp họ kiểm soát chúng tốt hơn. Thứ hai là nó tạo điều kiện cho các cuộc tiếp xúc và đối thoại giữa các phần, điều có thể sẽ không bao giờ diễn ra một cách tự nhiên. Thứ ba là nó thúc đẩy mức độ biểu hiện cảm nhận và cảm xúc, có thể đặc biệt tạo ra thay đổi trong khi thân chủ đang đối thoại với người khác. Cuối cùng, nó có thể kích hoạt quá trình sáng tạo trong mỗi cá nhân và dẫn đến các giải pháp mới hoặc cách tồn tại mới trong cuộc sống. Dù được sử dụng như một liệu pháp độc lập hay như một phương pháp hỗ trợ bổ sung cho các phương pháp điều trị hiện có, chúng tôi tin rằng liệu pháp Chiếc ghế trống có khả năng trở thành vị cứu tin cho những người đang chìm trong trong đau đớn và khổ sở.

Dịch từ: https://aeon.co/essays/chairwork-invites-you-to-shift-perspective-on-who-you-are

Leave a Comment

Scroll to Top