Tranquil

Giải thích về Rối loạn Nhân cách

Trước khi tìm hiểu Rối loạn Nhân cách là gì? Chúng ta hãy bắt đầu bằng câu hỏi căn bản, “Nhân cách là gì?”. Tôi xin trích dẫn định nghĩa từ APA (Hiệp hội tâm lý Hoa Kỳ)

Personality refers to the enduring characteristics and behavior that comprise a person’s unique adjustment to life, including major traits, interests, drives, values, self-concept, abilities, and emotional patterns. Various theories explain the structure and development of personality in different ways, but all agree that personality helps determine behavior.

Dịch sang tiếng Việt nghĩa là: “Nhân cách đề cập đến những đặc điểm và hành vi lâu dài tạo nên sự điều chỉnh riêng của cá nhân đối với cuộc sống, bao gồm những đặc điểm chính, sở thích, động lực, giá trị, quan niệm về bản thân, khả năng và mô hình cảm xúc. Nhiều lý thuyết khác nhau giải thích cấu trúc và sự phát triển của nhân cách theo những cách khác nhau, nhưng tất cả đều đồng ý rằng nhân cách quyết định hành vi.”

Do đó, nhân cách có thể xem là thành phần quan trọng quyết định cách suy nghĩ, cảm nhận và hành xử. 

Khi nào nhân cách được phân loại, chẩn đoán là “rối loạn”

Trong bài viết này, tôi sẽ bám theo các tiêu chuẩn từ DSM-V để bạn đọc cảm thấy thân quen, vì đây như cuốn sách đặt đầu bàn khám bệnh của các bác sĩ tâm thần. Theo DSM-V, để được phân loại là rối loạn nhân cách, cách suy nghĩ, cảm nhận và hành xử của một người đi chệch khỏi những mong đợi của nền văn hóa mà cá nhân đang sống trong đó, gây ra đau khổ hoặc các vấn đề về hoạt động và kéo dài theo thời gian. Theo Tiến sĩ Phạm Toàn, nói ngắn gọn “Rối loạn nhân cách thể hiện sự tập hợp của những nét cá tính (Personality traits) có tính cách dị biệt.”

Thường người có rối loạn nhân cách có các biểu hiện hành vi thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên hoặc đầu tuổi trưởng thành và gây ra đau khổ hoặc các vấn đề trong hoạt động. Về lâu dài, Rối loạn nhân cách ảnh hưởng đến ít nhất hai trong số các lĩnh vực sau:

  • Cách nghĩ về bản thân và người khác
  • Cách phản ứng cảm xúc
  • Cách liên hệ với người khác
  • Cách kiểm soát hành vi của một người

Các chức năng của nhân cách (Personality functioning) được thể hiện ở hai yếu tố: cái tôi (the self), và tương quan với tha nhân (interpersonal). Dựa trên hai yếu tố này, các rối loạn được chẩn đoán khi không đáp ứng các yếu tố dựa trên:

  • Cái tôi: khả năng trải nghiệm tính cá nhân, có những biên giới phân biệt với tha nhân, biết tự trọng và đánh giá đúng đắn về bản thân, và khả năng điều hoà cảm xúc. Có khả năng hành xử một cách xây dựng và phù hợp với những tiêu chuẩn của xã hội, khả năng tự phản ảnh và sửa đổi.
  • Với người khác: hiểu, nhận biết về hành vi của người khác. Hiểu những hậu quả của hành vi bản thân trên người khác, có khả năng kết nối, liên hệ, thiết lập quan hệ thân mật, và tương hỗ trong các hành vi liên cá nhân.

Các chức năng của nhân cách  bị hư hỏng nghĩa là cá nhân đó có các triệu chứng của rối loạn nhân cách.

5 lĩnh vực của nét tính cách bệnh lý (Pathological Personality Traits)

DSM-V còn chia ra 5 lĩnh vực của các nét tính cách bệnh lý bao gồm:

  • Cảm xúc tiêu cực: dễ bị rơi vào cảm xúc lo lắng, buồn bực, tực giận, trầm cảm, xấu hổ, tội lỗi, hoài nghi, lệ thuộc
  • Tách rời: khuynh hướng né tránh các tương giao, rút lui xã hội, hồ nghi, thiếu hoà đồng
  • Tính xung khắc: có những hành vi kỳ lạ, khó hiểu đối với người xung quanh, lấn lướt, tranh giành, tự thổi phồng cái tôi, luôn tim kiếm sự đối xử đặc biệt từ người khác, vô cảm, thù nghịch, chai lỳ
  • Tính buông thả: cư xử vô trách nhiệm, phóng đãng, tuỳ hứng, cẩu thả, chỉ nghĩ đến thoã mãn phút chốc
  • Tính huyễn hoặc: hành vi lập dị, bất thường, mất ý thức thực tại, tâm trí phân tán

Có 6 loại Rối loạn nhân cách (trong 10 loại) được liệt kê trong DSM-5 đã được nghiên cứu khá tốt và nhận được nhiều sự ủng hộ trong cộng đồng nghiên cứu. Kể từ DSM-III năm 1980, rối loạn nhân cách đã được chia thành ba nhóm, gọi là nhóm nhân cách. Mặc dù có lẽ ít có cơ sở khoa học hơn trong phân loại nhân cách thành các nhóm, nhưng đến nay, các cách phân loại này vẫn giữ được vị trí của mình trong nền tảng chẩn đoán vì tính ứng dụng thực tế và nói thẳng ra là đó là cách các nhà lâm sàng (thường trong bối cảnh bệnh viện), bám vào để dễ bề chẩn đoán. Tuy bị chỉ trích nặng nề vì thiếu giá trị khoa học, cách chia các nhóm nhân cách có lẽ  đang vẫn hỗ trợ các nhà lâm sàng như một công cụ giúp chúng ta nhớ đến toàn bộ các Rối loạn nhân cách.

Rối loạn nhân cách (RLNC) nhóm A 

Những người có RLNC nhóm A có thể được mô tả là người thu mình, lạnh lùng, đa nghi hoặc phi lý. 

Hoang tưởng

 Những người này hay nghi ngờ (dù không có cơ sở) và  thường cho rằng hành vi của ai cũng có động lực xấu. Họ thường có ít bạn tâm tình và  việc gì cũng đề phòng thái quá. 

Phân liệt

 Những bệnh nhân này ít quan tâm đến các mối quan hệ xã hội, có phạm vi cảm xúc hạn chế và dường như thờ ơ với những lời chỉ trích hoặc khen ngợi. Có xu hướng sống cô độc, họ tránh các mối quan hệ thân thiết (bao gồm cả tình dục)

Loại phân liệt

Mối quan hệ giữa các cá nhân rất khó khăn đối với những người này đến nỗi chúng có vẻ kỳ dị hoặc xa lạ đối với những người khác. Họ thiếu bạn bè thân thiết và không thoải mái trong các tình huống xã hội. Họ có thể thể hiện sự nghi ngờ, nhận thức hoặc suy nghĩ bất thường, lời nói lập dị, huyễn tưởng.

Rối loạn nhân cách Nhóm B

 Những người có RLNC Nhóm B có xu hướng khá “sân khấu”, dễ xúc động và tìm kiếm sự chú ý; tâm trạng của họ không ổn định và thường nông cạn. Họ thường có những xung đột giữa các cá nhân dữ dội. 

Chống đối xã hội 

Hành vi vô cảm, thường là tội phạm của những người này bắt đầu từ thời thơ ấu hoặc đầu tuổi thiếu niên với việc trốn học, bỏ trốn, tàn ác, đánh nhau, phá hoại, nói dối và trộm cắp. Ngoài hành vi phạm tội, khi trưởng thành, họ cư xử vô trách nhiệm; hành động liều lĩnh hoặc bốc đồng; và không tỏ ra hối hận về hành vi của mình. 

Ranh giới 

Những người bốc đồng này có những hành vi có hại cho bản thân (phiêu lưu tình dục, chi tiêu không khôn ngoan, sử dụng quá nhiều chất hoặc thực phẩm). Cảm xúc không ổn định, họ thường thể hiện sự tức giận dữ dội, không phù hợp. Họ cảm thấy trống rỗng hoặc buồn chán và cố gắng tránh bị bỏ rơi một cách điên cuồng. Họ không chắc mình là ai và họ thiếu khả năng duy trì các mối quan hệ ổn định giữa các cá nhân. 

Kịch tính 

Thể hiện những cảm xúc cách quá trớn, khao khát được chú ý, những người này cần được trấn an liên tục về sức hấp dẫn của họ. Họ có thể ích kỷ và quyến rũ về mặt tình dục. 

Ái kỷ

Những người này tự cho mình là quan trọng và thường bận tâm đến sự đố kỵ, ảo tưởng về thành công hoặc suy ngẫm về tính độc đáo của chính họ. Ý thức về quyền lợi và sự thiếu lòng trắc ẩn của họ có thể khiến họ lợi dụng người khác. 

Rối loạn nhân cách Nhóm C 

Người có RLNC Nhóm C sẽ có xu hướng lo lắng và căng thẳng, thường bị kiểm soát quá mức. 

Tránh né

Những người nhút nhát này rất dễ bị tổn thương bởi những lời chỉ trích đến nỗi họ ngại giao tiếp với người khác. Họ có thể sợ xấu hổ khi thể hiện cảm xúc hoặc nói những điều có vẻ ngu ngốc. Họ có thể không có bạn thân và họ phóng đại những rủi ro khi thực hiện những mục tiêu ngoài thói quen thông thường của họ. 

Phụ thuộc

Những người này rất cần sự chấp thuận của người khác đến mức họ gặp khó khăn khi đưa ra các quyết định độc lập; họ thậm chí có thể đồng ý với những người khác mà họ biết là sai. Họ sợ bị bỏ rơi, cảm thấy bất lực khi ở một mình và đau khổ khi các mối quan hệ kết thúc. Họ dễ bị tổn thương bởi những lời chỉ trích và thậm chí sẽ xung phong thực hiện những nhiệm vụ khó chịu để giành được sự ưu ái của người khác. 

Ám ảnh cưỡng chế

Chủ nghĩa hoàn hảo và cứng nhắc là đặc điểm của những người này. Họ thường là những người nghiện công việc và có xu hướng thiếu quyết đoán, quá cẩn thận và bận tâm đến từng chi tiết. Họ khăng khăng yêu cầu người khác làm mọi việc theo cách của họ. Xu hướng này khiến họ trở thành người cố chấp, tiểu tiết, cực đoan.

Khi các đặc điểm trong tính cách gây ảnh hưởng đến ít nhất hai trong số các lĩnh vực như Cách nghĩ về bản thân và người khác, Cách phản ứng cảm xúc, Cách liên hệ với người khác, Cách kiểm soát hành vi của một người khiến người đó có những biểu hiện hành vi, cảm xúc thể hiện sự hư hỏng về chức năng của nhân cách, tuỳ theo mức độ, từ có đặc điểm của rối loạn nhân cách, theo mức nhẹ – vừa – nặng đến hội đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán dựa trên DSM-V

Tham khảo

APA (American Psychiatric Association) (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders, (5th ed.) (DSM-V). Washington, DC: American Psychiatric Publishing.

Phạm Toàn (2021). Hướng Dẫn Chẩn Đoán Tâm lý Tâm thần theo DSM-V

Leave a Comment

Scroll to Top