Tranquil

Rối loạn sử dụng chất: ví dụ về nghiện rượu

“Tôi không thể dừng việc uống rượu.” Minh là một người đàn ông hơn 40 tuổi, công việc là nhân viên bán bảo hiểm, anh sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Ban đầu, anh thường uống rượu trong các bữa tiệc chiêu đãi khách hàng trong các bữa tiệc, bàn nhậu với mục đích bán được nhiều hợp đồng bảo hiểm hơn. Thời gian trôi qua, cùng với áp lực công việc, và thói quen uống rượu, Minh đã bắt đầu uống thường xuyên hơn và với lượng rượu nhiều hơn. Anh thường cảm thấy lo âu và căng thẳng, và rượu trở thành cách để anh tự “điều chỉnh” tâm trạng của mình. Rất nhiều ngày anh nhận ra mình bỏ bữa ăn trưa, ăn tối và thay vào đó là một chai rượu tây hết nhanh tới mức anh còn thấy ngạc nhiên (đôi khi thấy sợ hãi). Trong lần đi khám bệnh do cơn đau bao tử khủng khiếp gần đây, Minh được bác sĩ đề nghị cắt bớt lượng rượu và nên bỏ uống rượu nếu anh muốn sức khoẻ được chuyển biến tốt hơn. Việc ngưng sử dụng rượu với Minh là điều khó khăn vô cùng, và anh nhận ra lúc này anh không còn làm chủ cuộc đời mình nữa, mà những chai rượu xếp đầy trong ngăn tủ dưới bàn làm việc của anh đang làm chủ đời anh.

Minh tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý. Trong các phiên làm việc, tâm lý gia đã giúp Mình nhận ra các triệu chứng khác của Minh bao gồm:

  • Tăng dần mức sử dụng rượu: Minh ngày càng thường xuyên hơn và uống với số lượng lớn hơn để có thể đưa tâm trí vào trạng thái bớt lo âu.
  • Khả năng kiểm soát: Minh có cố gắng để cắt giảm sự phụ thuộc vào rượu, tuy nhiên anh liên tục thất bại và sau mỗi lần thất bại, anh tự thấy mình là kẻ kém cõi, và bất lực.
  • Tăng sự nhạy cảm và lo âu: Minh thường cảm thấy lo âu, mất kiểm soát và căng thẳng khi không sử dụng chất gây nghiện.
  • Tác động lên cuộc sống hàng ngày: Minh đã bỏ lỡ nhiều ngày làm việc do không thể thức dậy kịp sau những đêm sử dụng chất gây nghiện và trải qua nhiều lần cảm giác xuống cấp về tâm trạng và năng lượng.
  • Thay đổi về ngoại hình và sức khỏe: sức khỏe của anh giảm đi đáng kể từ khi bắt đầu sử dụng chất gây nghiện, và anh có vẻ mệt mỏi và không còn sáng sủa như trước.
  • Căng thẳng trong mối quan hệ gia đình và bạn bè: Minh đã mất liên lạc với nhiều người thân và bạn bè, và mối quan hệ của anh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự phụ thuộc vào chất gây nghiện.
  • Nguy hiểm đến sự an toàn: Minh đã hơn một lần bị cảnh sát thổi phạt do chạy xe trong tình trạng say xỉn, và ít nhất hơn một lần, anh suýt chút nữa thì gây tai nạn. 
  • Giấc ngủ: Minh thường xuyên trong trạng thái li bì mệt mỏi, tuy nhiên vào đêm, anh lại không thể ngủ được. Để đối phó với cơn lo âu khi không thể ngủ được, Minh lại lặp đi lặp lại vòng luẩn quẩn của uống thêm nhiều rượu vào mỗi tối. 

Trường hợp của Minh là một ví dụ sống động về cách rối loạn sử dụng chất gây nghiện có thể ảnh hưởng đến tất cả khía cạnh của cuộc sống cá nhân và xã hội của người bị ảnh hưởng. 

Hướng dẫn chẩn đoán

Theo DSM-5, xác định rối loạn sử dụng chất gây nghiện là hành vi cốt lõi của những người lạm dụng chất gây nghiện và hệ quả của nghiện chất bao gồm các triệu chứng về hành vi, sinh lý và nhận thức. 

  1. Sử dụng chất quá mức: Thường người bệnh bắt đầu sử dụng chất và tiếp tục vì có lẽ các chất này giải quyết được các vấn đề khác như stress, rối loạn cảm xúc, vấn đề giấc ngủ, đau buồn, nhưng càng về sau, nó chỉ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn cho những với người dùng chất mà còn với người thân cuả họ.
  2.  Thói quen lặp đi lặp lại: Việc sử dụng này tạo thành một thói quen lặp đi lặp lại, có thể đoán trước được. 
  3. Các tác động lâm sàng quan trọng: (Ngôn ngữ DSM-5 chính thức đọc là “có ý nghĩa lâm sàng”). Hành vi sử dụng chất lặp đi lặp lại của người bệnh mang các biểu hiện lâm sàng.Góc nhìn này được xác định bởi các chuyên gia lâm sàng. Có thể là bác sĩ, hoặc chuyên gia tâm lý.
  4. Việc sử dụng gây ra đau khổ hoặc suy yếu: Việc sử dụng chất gây nghiện phải đủ nghiêm trọng để tác động tiêu cực lên cuộc sống của bệnh nhân, thể hiện bằng ít nhất 2 triệu chứng trong danh sách 11 triệu chứng: sử dụng nhiều hơn dự định; cố gắng giảm mức sử dụng; mất nhiều thời gian sử dụng; thèm được sử dụng chất; trốn tránh nghĩa vụ; vấn đề xã hội; giảm hoạt động; sử dụng bất chấp nguy hiểm về thể chất; sử dụng bất chấp rối loạn về thể chất hoặc tâm lý; sự dung nạp chất; Mức độ nghiêm trọng thường được đánh giá bằng cách đếm số lượng các triệu chứng được đánh dấu này. 

Trong chẩn đoán rối loạn sử dụng chất gây nghiện, hãy nhớ rằng tốc độ khởi phát và tốc độ đào thải nhanh chóng ảnh hưởng đến khả năng bệnh nhân sẽ gặp vấn đề với bất kỳ chất nào. Sự hấp thu nhanh một chất (bằng cách hút thuốc, hít hoặc tiêm) tạo điều kiện cho tác dụng bắt đầu nhanh hơn, thời gian tác dụng ngắn hơn và khả năng xảy ra rối loạn sử dụng chất gây nghiện cao hơn.

Chứng nghiện rượu là cực kỳ phổ biến. Hơn 10% dân số Hoa Kỳ đã từng gặp vấn đề này.Tôi không rõ số liệu về người nghiện rượu ở Việt Nam, nhưng theo quan sát cá nhân tôi trong đời sống hàng ngày, tôi thiết nghĩ, con số này ở Việt Nam cũng không phải nhỏ. Chứng nghiện rượu có tính di truyền cao; Những người họ hàng liên hệ trực tiếp (như con cái của người nghiện) có nguy cơ cao gấp nhiều lần so với dân số nói chung. Chứng nghiện rượu có nhiều bệnh đi kèm, đặc biệt là rối loạn tâm trạng và rối loạn nhân cách chống đối xã hội. 

Các đặc điểm cơ bản của Rối loạn sử dụng chất gây nghiện 

Những bệnh nhân nghiện sử dụng các chất, và điều này gây ra các vấn đề mãn tính hoặc lặp đi lặp lại trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống:

 Đời sống cá nhân và các mối quan hệ

Họ bỏ bê cuộc sống gia đình (nghĩa vụ với vợ/chồng/bạn tình, những người phụ thuộc) và thậm chí yêu thích các hoạt động giải trí để sử dụng chất kích thích mà họ lựa chọn; họ cãi vã hoặc mâu thuẫn (bằng hành động hoặc bằng lời nói) với những người họ quan tâm; và họ tiếp tục sử dụng mặc dù nhận ra rằng nó gây ra các vấn đề giữa các cá nhân. 

 Công việc

Nỗ lực trước đây dành cho công việc (hoặc các hoạt động quan trọng khác) giờ đây chuyển sang nỗ lực để được sử dụng chất, tiêu thụ nó và sau đó hồi phục sau khi sử dụng. Kết quả: Những người này thường xuyên vắng mặt trong công việc hoặc bị sa thải. 

Kiểm soát

Họ thường sử dụng nhiều chất hơn hoặc lâu hơn dự định; họ (không thành công) cố gắng loại bỏ hoặc giảm mức sử dụng. Sau các nỗ lực kiểm soát, họ khao khát sử dụng chất nhiều hơn nữa. 

Sức khỏe va sự an toàn

Người dùng tham gia vào hành vi nguy hiểm về thể chất (thường gặp nhất là điều khiển phương tiện cơ giới); vấn đề pháp lý có thể xảy ra sau đó. Họ vẫn tiếp tục sử dụng dù biết rằng nó gây ra các vấn đề sức khỏe như xơ gan hoặc viêm gan C. 

Hậu quả sinh lý

Mức dung nạp chất tăng dần. Điều này khiến hàm lượng chất này tạo ra ít tác dụng hơn nên người bệnh càng phải sử dụng nhiều hơn. Và khi ngừng sử dụng, người bệnh sẽ có triệu chứng khó khăn khi cai chất đó. 

Các chất gây nghiện thường gặp ở các bệnh nhân

Thuốc chống trầm cảm

Các chất được phân loại là thuốc chống trầm cảm (hoặc thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương) làm giảm hoạt động trong hệ thần kinh trung ương, khiến bạn cảm thấy thư giãn và buồn ngủ. Tuy nhiên, tác dụng của thuốc trầm cảm khác nhau tùy thuộc vào lượng tiêu thụ và phản ứng cụ thể của từng cá nhân đối với chất này. Ví dụ, thuốc trầm cảm liều thấp thực sự có thể có tác dụng kích thích và gây ra cảm giác hưng phấn. Liều lớn hơn gây ra tác dụng trầm cảm, chẳng hạn như suy giảm nhận thức hoặc mất khả năng phối hợp.

Rượu bia

Cơ thể bạn nhanh chóng hấp thụ rượu từ dạ dày và ruột non vào máu. Rượu làm suy yếu chức năng não và khả năng vận động. Nó có thể ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể bạn. Rượu cũng có thể gây hại cho thai nhi đang phát triển ở những người đang mang thai. Sử dụng rượu nặng làm tăng nguy cơ: bệnh gan, đột quỵ, bệnh ung thư. Rối loạn sử dụng rượu xảy ra khi việc sử dụng rượu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn, như khả năng làm việc hoặc duy trì các mối quan hệ. Lạm dụng rượu nặng có thể gây hại cho sức khỏe của bạn về lâu dài.

Heroin

Heroin là một loại thuốc phiện. Giống như thuốc morphine theo toa, heroin được làm từ hạt của cây anh túc, hay còn gọi là thuốc phiện. Heroin thường được tiêm vào tĩnh mạch, hút hoặc hít. Heroin tạo ra cảm giác hưng phấn và suy nghĩ mơ hồ, sau đó là trạng thái buồn ngủ. Việc sử dụng heroin thường xuyên dẫn đến tăng khả năng dung nạp. Điều này có nghĩa là theo thời gian, bạn có thể cần dùng nhiều chất hơn để có được tác dụng mong muốn. Nếu dừng đột ngột, các triệu chứng cai nghiện thường xảy ra. Vì vậy, nhiều người sử dụng heroin vẫn tiếp tục sử dụng để tránh cảm giác buồn nôn, khó chịu thể lý và tâm lý.

Chất kích thích

Chất kích thích làm tăng hoạt động của hệ thần kinh trung ương, tạm thời khiến người dùng cảm thấy tỉnh táo, tràn đầy sinh lực hoặc tự tin hơn. Việc sử dụng sai và lạm dụng chất có thể dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng, chẳng hạn như: mất ngủ, vấn đề về tim mạch, co giật.

Methamphetamine

Methamphetamine có liên quan chặt chẽ với amphetamine. Nó có thể được hít, tiêm hoặc đun nóng và hút thuốc. Các tên khác của methamphetamine bao gồm: phấn, ma túy đá. Methamphetamine có thể gây tỉnh táo lâu dài. Nó cũng có thể làm tăng hoạt động thể chất, có thể dẫn đến tăng: nhịp tim, thân nhiệt, huyết áp. Nếu sử dụng trong thời gian dài, methamphetamine có thể dẫn đến: vấn đề tâm trạng, hành vi bạo lực, sự lo lắng, lú lẫn, mất ngủ,…

Reference:

American Psychiatric Association, & American Psychiatric Association (Eds.). (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders: DSM-5 (5th ed). American Psychiatric Association.

Leave a Comment

Scroll to Top