Tranquil

CBT – Lệch lạc nhận thức (Phần 3)

Cũng giống như các lệch lạc về nhận thức được mô tả bởi tiến sĩ Beck và Burns, nhiều thiên kiến về nhận thức khác đã được xác nhận bởi các nhà nghiên cứu. Thiên kiến nhận thức là cách mà con người suy nghĩ không chính xác 100% hoặc có những sai sót một cách hệ thống. Rachman và Shafran đã mô tả thiên kiến về nhân thức như “là một kiểu suy nghĩ cụ thể, nhất quán, không đúng sự thực và lệch lạc”. Môt số ví dụ khác của thiên kiến về nhận thức bao gồm:

  • ‘Trải nghiệm có sẵn’ mô tả khuynh đánh giá quá cao khả năng xảy ra của các sự kiện mang “tính sẵn có” nhiều hơn (còn được hiểu như những sự kiện mà chúng ta ghi nhớ tốt hơn).
  • ‘Thiên kiến xác nhận’ là khuynh hướng tìm kiếm, diễn giải, tập trung và ghi nhớ những thông tin phù hợp với định kiến của chúng ta.
  • ‘Hiệu ứng Dunning-Kreuger’ mô tả khuynh hướng mà những người nghiệp dư đánh giá quá cao khả năng của bản thân và khuynh hướng hướng mà các chuyên gia thường đánh giá thấp khả năng của họ.
  • ‘Rập khuôn’ mô tả cách chúng ta cho rằng một ai đó trong một nhóm có những đặc điểm nhất định mà không có thông tin thực tế về cá nhân đó.

Sự kết hợp giữa suy nghĩ và hành động

Rachman & Shafran mô tả cách thức mà suy nghĩ liên kết với hành động lần đầu khi làm việc với các thân chủ mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế trong suy nghĩ. Sự kết hợp giữa suy nghĩ và hành động liên quan đến “niềm tin rằng những suy nghĩ không bình thường có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các sự kiện bên ngoài và/hoặc niềm tin rằng việc có những suy nghĩ không bình thường cũng tương đương với việc làm những hành động không được phép về mặt đạo đức”. Có hai kiểu phụ của dạng suy nghĩ vô bổ này. Một là sự kết hợp giữa suy nghĩ và hành động theo xác suất, nghĩa là chúng ta có một niềm tin rằng các suy nghĩ không bình thường sẽ làm tăng khả năng xảy ra các sự kiện không mong muốn. Ví dụ cho kiểu suy nghĩ này là khi một người có những suy nghĩ không bình thường về tình dục, họ tin rằng nếu suy nghĩ ấy không được loại bỏ thì hành động liên quan đến tình dục sẽ có khả năng xảy ra. Kiểu thứ hai là sự kết hợp giữa suy nghĩ và hành động theo đạo đức, nghĩa là về mặt đạo đức, việc suy nghĩ về những điều cấm kỵ cũng tương đương với việc thực sự làm những việc đó. Ví dụ cho kiểu suy nghĩ này là khi một người tin rằng việc có những suy nghĩ về tình dục là điều sai trái.

Rachman và Shafran cũng đưa ra ví dụ về thiên kiến kết hợp giữa suy nghĩ và hành động ở một bệnh nhân mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Bệnh nhân này sợ đi ngủ vì lo rằng mình có thể chết trong khi ngủ. Anh ấy đánh giá khả năng xảy ra là rất cao (10-20% mỗi đêm) và có niềm tin mãnh liệt vào chuyện này do anh ấy đã có những suy nghĩ không hay về việc chết trong lúc ngủ. Anh còn tin rằng những người khác có khả năng chết trong khi ngủ thấp hơn do họ không có những suy nghĩ giống anh ấy. Sự kết hợp giữa suy nghĩ và hành động của anh ấy cho thấy một sự thiên kiến bởi vì không có bất kỳ mối liên kết nào giữa việc chết trong giấc ngủ và việc suy nghĩ điều đó sẽ xảy ra. Thiên kiến của anh ấy cho thấy rằng anh đã bỏ qua tất cả những lần anh nghĩ rằng mình sẽ chết trong giấc ngủ nhưng thực tế lại không chết.

Xem bài viết  Schema Therapy

Rũ bỏ người khác

Paul Gilbert lập luận rằng mặc dù ‘rũ bỏ người khác’ không được coi là một lệch lạc nhận thức, nhưng các bác sĩ lâm sàng thường thấy rằng bệnh nhân thường phản hồi rằng “Bạn chỉ nói vậy để tôi cảm thấy tốt hơn thôi” khi nhận được một nhận xét chân thành tử tế hoặc tán thành. Ông lập luận rằng các bệnh nhân loại bỏ đi những điều tích cực vì họ tin rằng người kia đang lừa dối họ (mất lòng tin), hoặc nếu người đó thực sự quen biết họ thì họ sẽ không dễ chấp nhận như vậy (dễ xấu hổ). Bác sĩ Gilbert đề xuất rằng hình thức lập luận lệch lạc này là kết quả của một hệ thống “phát hiện lừa dối” có độ nhạy cao, hoạt động theo cách “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Khi thiên kiến này xuất hiện ở mức độ đáng kể, nó làm giảm mức độ xoa dịu và trấn an mà một cá nhân có thể cảm nhận được từ những người xung quanh, khiến họ mất lòng tin và cảm thấy hổ thẹn.

Thiên lệch nhận thức muộn

Thiên lệch nhận thức muộn là khuynh hướng nhìn nhận rằng một điều nào đó có thể được dự đoán trước dù thực tế không phải như vậy. Rất nhiều người trải qua sang trải mắc phải thiên lệch nhận thức muộn. Thông thường, khi các nhà trị liệu làm việc với những người bị chấn thương, họ sẽ nghe các câu như “Giá như tôi không đi cùng anh ấy vào đêm hôm đó [thì điều đó đã không xảy ra]”, “Giá như tôi đi một chuyến tàu khác”, hoặc là “Điều đó rành rành như vậy cơ mà, đáng lẽ tôi đã phải biết rõ hơn”. Kết quả phổ biến của thiên lệch nhận thức muộn là những người trải qua sang chấn tự trách mình về những kết quả không phải do lỗi của họ. Khi nhà trị liệu sử dụng phương pháp câu hỏi Socratic để tìm hiểu về thông tin và quyết định của thân chủ tại thời điểm sang chấn xảy ra thì thiên lệch nhận thức muộn thường sẽ trở nên rất rõ ràng:

Nhà trị liệu: Chúng ta có thể nói kỹ hơn về việc bạn có nên chịu trách nhiệm về việc bị tấn công vì bạn đã tự ý lên xe của kẻ tấn công không?

Thân chủ: Được.

Nhà trị liệu: Bạn có biết gì về ý định thực sự của hắn ta khi hắn đề nghị đưa bạn về nhà vào đêm đó không?

Thân chủ: Không, thường thì hắn luôn được chỉ định làm tài xế và trước đây hắn đã đưa nhiều người trong chúng tôi về nhà an toàn.

Nhà trị liệu: Và đêm đó cũng không khác gì à?

Thân chủ: Tôi cho là vậy. Tất cả chúng tôi đã có một khoảng thời gian vui vẻ vào đêm hôm đó và không có dấu hiệu nào khiến tôi nghi ngờ cả.

Nhà trị liệu: Khi nào bạn nhận ra rằng bạn không nên lên xe của hắn?

Thân chủ: Khi hắn ta tấn công tôi.

Nhà trị liệu: Vậy làm sao bạn có thể biết là mình không nên vào chiếc xe đó trong khi bạn đã lên xe của hắn ta rồi?

Thân chủ: Tôi đoán là tôi không thể biết được.

Một số bác sĩ lâm sàng đã lập luận rằng thiên lệch nhận thức muộn có tác động tích cực về mặt cảm xúc trong việc làm cho các sự kiện không mong muốn dường như có thể đoán trước được. Suy nghĩ ấy được diễn ra đại loại như: “Nếu những sự kiện không hay có thể nhìn đoán trước được và tôi có thể né được chúng, thì chỉ cần tôi cảnh giác, tôi sẽ có thể phát hiện ra những sự kiện xấu trong tương lai”.  Suy nghĩ theo cách này khiến chúng ta yên tâm vì nó khiến ta cảm thấy rằng ta đang kiểm soát được việc những điều tồi tệ có xảy ra với mình hay không. Tuy nhiên, đây lại là sự thiên lệch vì nó không phản ánh được một sự thật đáng buồn rằng một số sự kiện không hay không thể lường trước được, và đôi khi những điều tồi tệ hay xảy ra với những người tốt.

Xem bài viết  Ứng dụng Liệu pháp Hành vi Biện chứng Cởi mở trong trị liệu Kiểm soát thái quá

So sánh xã hội

So sánh bản thân với người khác vốn dĩ không phải là một thiên kiến vì tất cả chúng ta đều đưa ra những so sánh xã hội chính xác kiểu như “Tôi cao hơn anh ấy” hoặc “Hoàn cảnh xã hội của cô ấy khác với tôi”. Tuy nhiên, Paul Gilbert ghi nhận rằng việc so sánh một cách bất lợi giữa bản thân với người khác có liên quan đến nhiều dạng khó khăn cá nhân bao gồm trầm cảm, đố kỵ và ghen tị. Ông nói rằng chúng ta có khuynh hướng gia tăng việc so sánh xã hội, và mặc dù là chúng ta có thể kiểm tra tính hợp lí của các so sánh xã hội đó sau khi chúng xảy ra nhưng cũng rất khó để ngăn chặn nó xảy ra ngay lúc đầu. Thú vị thay, ông thấy được rằng các so sánh xã hội có tính thích nghi, điều này được trích dẫn từ nhà tâm lý học Baumeister và các đồng nghiệp rằng: “Những người có lòng tự trọng cao thực hiện các so sánh về mặt xã hội để thu hút sự chú ý về tài năng và khả năng của họ, trong khi những người có lòng tự trọng thấp chọn cách hạn chế thiệt hại, tự bảo vệ và giảm thiểu việc bộc lộ ra điểm yếu”. Ý nghĩa lâm sàng của những quan sát này là ta có thể đào tạo các thân chủ của mình để họ nhận biết các loại so sánh xã hội mà họ đang thực hiện một cách tự động và làm quen với việc nhận diện kiểu thiên kiến trong các so sánh xã hội: ví dụ như để biết liệu chúng ta có luôn so sánh bản thân một cách bất lợi hay không. Các kỹ thuật như chánh niệm hoặc đánh lừa nhận thức có thể hữu ích cho việc ‘rút lui’ khỏi những so sánh xã hội tự động này – chúng ta có thể cải thiện tâm trạng của mình bằng cách nhận biết chúng là những suy nghĩ vô bổ tự động thay vì là những “sự thật về bản thân”.

Xem bài viết  Giới Thiệu Về Liệu Pháp Nhận Thức Hành Vi

Tự trách bản thân (đối với những chuyện không phải lỗi của chúng ta)

Tương tự như cách mà so sánh xã hội không nhất thiết phải có hại, tính chất của việc đổ lỗi cho bản thân không phải là một thiên kiến về nhận thức. Tuy nhiên, hầu hết các bác sĩ lâm sàng nhận thấy rằng nhiều thân chủ tự đổ lỗi cho mình về những điều mà có lẽ không phải là lỗi của họ. Một số ví dụ phổ biến trong liệu pháp hậu sang chấn là nạn nhân bị lạm dụng tình dục thời thơ ấu tự trách mình vì họ bị lạm dụng (“Đó là lỗi của tôi vì tôi đã không từ chối”, điều này là thiên kiến vì họ phớt lờ hành động của kẻ bạo hành) hoặc nạn nhân của bạo hành gia đình nói rằng “Là do tôi tự chuốc lấy” mặc dù có rất nhiều bằng chứng chứng minh ngược lại. Trong những trường hợp này, sự tự trách bản thân là bằng chứng của sự lệch lạc về mặt nhận thức. Tiến sĩ Gilbert đưa ra một trường hợp đặc thù về lý do tại sao sự méo mó trong việc tự trách bản thân thực sự có thể là một phản ứng để thích nghi với một số hoàn cảnh như sau:

  • Tự trách bản thân có thể tạo ra một số ảo tưởng về khả năng kiểm soát. Ví dụ, một kết quả tiêu cực có thể được kiểm soát hoặc có thể tránh được (thường thấy ở bệnh nhân sang chấn).
  • Tự trách bản thân ngăn việc chỉ trích người khác. Nếu chúng ta cho phép mình đổ lỗi cho người khác, nó có thể dẫn đến mong muốn trả đũa mạnh mẽ, dẫn đến việc đối phương phản ứng lại cũng mạnh không kém. Trong những trường hợp có thể xảy ra thì việc tự trách bản thân sẽ là một chiến thuật “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
  • Tự trách bản thân có thể là một phản hồi đã được học. Sẽ an toàn hơn với một đứa trẻ tương đối không mạnh mẽ, đổ lỗi cho bản thân và ngoan hơn sẽ khiến cha mẹ bớt giận dữ. Trong những gia đình có cha mẹ có thiên hướng giận dữ, đáng buồn thay là con cái của họ sẽ có nhiều khả năng học được dạng nhận thức này.

APA reference for this article

Whalley, M. G. (2019). Unhelpful thinking styles: cognitive distortions in CBT. Psychology Tools. Retrieved on [date], from https://www.psychologytools.com/articles/unhelpful-thinking-styles-cognitive-distortions-in-cbt/

Leave a Comment

Scroll to Top