Tranquil

10 Nhu Cầu Cảm Xúc Cần Cân Nhắc Trong Tình Yêu

Ngoài các nhu cầu sinh tồn cơ bản như nước uống, không khí, thức ăn và nơi ở, điều gì khiến cuộc sống trở nên có nghĩa khi các nhu cầu sinh tồn của bạn đã được đáp ứng? Đó chính là nhu cầu được tương quan, kết nối và có những mối quan hệ ý nghĩa, những nhu cầu phát xuất từ cảm xúc và nhu cầu tình cảm.

Bạn không thể nhìn thấy hoặc chạm vào những thứ trừu tượng như tình bạn lâu năm, cảm xúc thích một người, cảm giác an toàn hay sự ghi nhận, nhưng những điều này thực sự quý giá và quan trọng cho sức khoẻ tinh thần. Trong một mối quan hệ, sức mạnh của liên kết giữa bạn và người thương có thể tạo ra khác biệt lớn trong việc liệu cả hai bạn có được đáp ứng nhu cầu của nhau hay không. Mặc dù mỗi mối quan hệ đều khác nhau, nhưng 10 nhu cầu tình cảm này sẽ là điểm khởi đầu tốt giúp bạn xem xét liệu mình và đối phương có đang nhận được những gì bạn cần từ mối quan hệ này hay không.

Đam mê

Hầu hết các mối quan hệ đều có nhiều cách thể hiện tình cảm khác nhau:
• Đụng chạm thể xác
• Thân mật tình dục
• Những lời yêu thương
• Cử chỉ tử tế
Đam mê giúp bạn gắn kết và tăng thêm sự gần gũi. Không phải tất cả mọi người đều thể hiện tình cảm yêu mến theo những cách giống nhau, nhưng nhìn chung, đối phương thường quen với các cách tiếp cận độc đáo của nhau để thỏa mãn nhu cầu này.
Ví dụ, một người nào đó không nói thành lời “Anh yêu em” nhưng có thể sẽ thể hiện thông qua hành động của họ.
Nếu mức độ tình cảm trong mối quan hệ của bạn đột ngột thay đổi, bạn nên xem xét lại. Nhiều vấn đề trong mối quan hệ xuất phát từ sự thiếu thốn tình cảm và khá dễ hiểu khi nửa kia mà bạn từng yêu lại có vẻ xa cách hoặc tránh tiếp xúc với bạn. Nếu họ có vẻ xa cách, ít tình cảm hơn bình thường, bạn nên bắt đầu một cuộc trò chuyện nghiêm túc. Hãy nhớ rằng, bạn sẽ không biết điều gì đang xảy ra nếu bạn không hỏi.
Hãy thử một cách tiếp cận ôn hòa:
“Gần đây em/ anh nhận thấy giữa chúng ta có khoảng cách nhất định. Khi chúng ta không thể kết nối với nhau thông qua tiếp xúc thể xác, em/ anh cảm thấy rất cô đơn. Em/anh muốn biết liệu có cách nào chúng ta có thể kết nối lại bằng lời nói không, khi anh/ em không cảm thấy thích thú về thể xác lúc này.

Sự chấp nhận

Hiểu rằng đối phương chấp nhận mọi thứ về bạn giúp tạo ra cảm giác thân thuộc, sở hữu trong mối quan hệ này. Tuy nhiên, sự chấp nhận không chỉ có nghĩa là họ chấp nhận bạn. Nó còn là cảm giác như bạn đang hòa nhập với những người thân yêu của họ và thấy mình thuộc về cuộc sống của họ.
Cảm giác thân thuộc, sở hữu này có thể tăng lên khi họ:
• Giới thiệu bạn với gia đình và bạn bè của họ
• Lên kế hoạch các hoạt động sẽ làm cùng nhau với bạn
• Chia sẻ ước mơ và mục tiêu tương lai của họ với bạn
• Hỏi lời khuyên từ bạn khi họ phải đưa ra quyết định
Nếu bạn cảm thấy không được chấp nhận, bạn sẽ đang cảm thấy là mình lơ lửng bất định trong cuộc sống của họ. Cảm giác này không dễ chịu tí nào.
Một số người không dễ dàng cởi mở và họ có những lý do để không để bạn can thiệp vào một số mảng trong cuộc sống của họ. Tương tự, cảm giác như bạn không thuộc về họ có thể khiến bạn khó nhìn thấy bản thân mình ở đâu trong mối quan hệ này về lâu dài.
Sau đây là một giải pháp mà bạn nên thử: Nếu bạn chưa làm, hãy mời họ gặp gỡ bạn bè và gia đình của bạn. Hãy tạo nên một cuộc trò chuyện về việc bạn muốn góp mặt nhiều hơn trong cuộc sống của họ.

Sự ghi nhận

Ngay cả những người thân thiết nhất với mình không phải lúc nào cũng đồng tình quan điểm với mình. Tuy nhiên, khi bạn không đồng ý hoàn toàn, bạn vẫn muốn biết rằng họ đã lắng nghe những băn khoăn của bạn và hiểu tại sao lại vậy.
Khi đối phương hoàn toàn không hiểu quan điểm của bạn, bạn sẽ cảm thấy bị hiểu lầm. Nếu họ hoàn toàn gạt bỏ cảm xúc của bạn, bạn có thể cảm thấy bị phớt lờ hoặc không được tôn trọng.
Nếu bạn chỉ cảm thấy đã được ghi nhận có một hoặc hai lần, có thể đối phương đang quên lãng. Bạn đừng nghĩ sẽ làm ai bị tổn thương, bạn cứ nên ngồi xuống nói chuyện, để chia sẻ cảm giác của bạn.
Nhưng nếu bạn liên tục cảm thấy không được lắng nghe hoặc không được ghi nhận, bạn sẽ tích tụ cơn giận dần dần, vì vậy, tốt nhất là bạn nên giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt.
Hãy thử cách dưới đây:
Gần đây anh không cảm thấy được lắng nghe khi anh trình bày những vấn đề quan trọng đến em. Liệu mình có thể sắp xếp thời gian thích hợp để trò chuyện nghiêm túc, khi cả hai đều có thể lắng nghe mà không bị phân tâm được không em? “

Sự tự chủ

Khi mối quan hệ trở nên sâu sắc hơn, đối phương thường sẽ bắt đầu chia sẻ sở thích, hoạt động và các khía cạnh khác trong cuộc sống hàng ngày của họ. Bạn sẽ nhận thấy rằng mình đang trở thành một điều gì đó to lớn quan trọng hơn khi bạn ngày càng thân thiết với họ.
Nhưng cho dù mối quan hệ của bạn có trở nên bền chặt đến đâu, điều cần thiết là bạn phải duy trì ý thức về bản thân. Mặc dù các bạn có thể có nhiều điểm chung, nhưng phải nhớ rằng các bạn là hai cá nhân riêng biệt với những mục tiêu, sở thích, bạn bè và giá trị riêng – và việc tự chủ như vậy rất tốt.
Nếu tính cách giá trị riêng của bạn bắt đầu mờ nhạt và hòa tan vào họ, hãy lùi lại một bước để xem xét. Sự hòa nhập giữa người với người thường xảy ra một cách tự nhiên khi các bạn gần gũi nhau, nhưng cũng có thể do cố ý khi bạn tin rằng bạn cần trở nên giống họ hơn để gầy dựng mối quan hệ thành công.
Trên thực tế, việc duy trì sở thích cá nhân có thể khơi dậy sự tò mò về nhau, điều này có thể củng cố mối quan hệ của bạn và giữ cho hai bạn luôn vui vẻ. Nếu bạn đang đánh mất bản thân mình trong một mối quan hệ, hãy dành chút thời gian để kết nối lại với bạn bè của riêng mình hoặc bắt đầu lại các sở thích cũ.

Xem bài viết  Làm Thế Nào Để Cảm Thấy Tự Hào Hơn?

Cảm giác an toàn

Một mối quan hệ lành mạnh là khi bạn cảm thấy an toàn, nhưng cảm giác an toàn được bảo vệ có nhiều ý nghĩa.
Nếu bạn cảm thấy an toàn trong mối quan hệ của mình, bạn thường:
• Biết rằng họ tôn trọng các ranh giới của bạn
• Cảm thấy an toàn khi chia sẻ cảm xúc của bạn
• Cảm thấy an toàn về thể xác khi ở bên họ
• Tin rằng họ ủng hộ lựa chọn của bạn
• Cảm thấy có thể dễ dàng chia sẻ cảm xúc của bạn
Đặt ranh giới rõ ràng có thể giúp làm tăng cường cảm giác an toàn của bạn:
“Em không muốn bị hét vào mặt, nên em sẽ không đáp lại nếu anh lớn tiếng với em.”
Nếu đối phương của bạn trở nên bạo hành, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia. Bạo hành thể xác thường dễ nhận ra, nhưng bạo hành tình cảm thường khó nhận ra và cũng có thể khiến bạn cảm thấy không an toàn, ngay cả khi bạn không thể hiểu lý do tại sao.

Sự tin tưởng

Tin tưởng và cảm giác an toàn thường đi đôi với nhau. Thật khó để cảm thấy an toàn về thể xác hoặc tình cảm với người mà bạn không thể tin tưởng. Khi bạn tin tưởng ai đó, bạn biết họ cũng đang quan tâm đến bạn.
Nếu bạn bắt đầu nghi ngờ họ, hãy thử xem lại có những hành động cụ thể này không, chẳng hạn như họ thức khuya mà không nói lý do. Điều này giúp bạn hiểu tận gốc những gì đang diễn ra dựa trên nhu cầu giao tiếp.
Nói chung, sự tin tưởng không thể xây dựng ngay lập tức. Bạn phải vun đắp nó qua thời gian, nhưng bạn cũng có thể mất nó trong chốc lát. Niềm tin tan vỡ đôi khi có thể lấy lại được, nhưng sẽ đòi hỏi nỗ lực rất nhiều từ cả hai phía và thường đi kèm với hỗ trợ từ bác sĩ trị liệu.
Nên nói trước ngay từ đầu về những điều phải tránh để không làm sứt mẻ lòng tin trong mối quan hệ. Mặc dù câu trả lời cụ thể của bạn có thể thay đổi tùy theo bối cảnh nhất định, bạn nên biết rõ về những hành động mà bạn không thể chấp nhận, chẳng hạn như không chung thủy hoặc nói dối. Đừng cảm thấy tội lỗi khi nói rõ cho đối phương biết những quy tắc, những thỏa thuận không thể phá vỡ.

Sự đồng cảm

Đồng cảm nghĩa là bạn có thể hình dung ra cảm giác của người khác. Tố chất này rất cần thiết cho các mối quan hệ lãng mạn vì nó giúp mọi người hiểu nhau và xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn.
Ai đó nói rằng họ quên sinh nhật của bạn. Bạn sẽ cảm thấy tức giận và tổn thương. Sau 5 năm bên nhau, làm sao họ có thể quên như vậy chứ? Bạn chưa từng quên sinh nhật của họ mà.
Nhưng sau khi thất vọng và tức giận lúc ban đầu, bạn bắt đầu thử đứng ở vị trí của họ. Gần đây, họ đang gặp khó khăn trong công việc và sự lo lắng bắt đầu ảnh hưởng đến giấc ngủ của họ. Hầu hết năng lượng cảm xúc của họ đều dồn vào việc lập kế hoạch cho một dự án lớn quan trọng có thể giúp xoay chuyển tình thế.
Bạn tự nhủ, với tất cả những điều đó luẩn quẩn trong đầu của họ, thật dễ hiểu về việc họ hoàn toàn mất khái niệm về ngày sinh nhật của bạn. Bạn biết đó không phải là một sự cố tình và bạn cũng biết họ đang cảm thấy rất tồi tệ.
Sự thấu hiểu của bạn về hoàn cảnh của họ giúp bạn chấp nhận những gì đã xảy ra và bạn đã cho đi sự tha thứ và lòng trắc ẩn, khiến hai bạn sát lại gần hơn. Mặt khác, nếu bạn cứ tiếp tục nhặng xị lên, sẽ dễ dẫn tới một cuộc cãi vã hoặc tách bạn ra khỏi con đường họ đang đi.

Xem bài viết  Quản Trị Cảm Xúc

Sự ưu tiên

Việc muốn đối phương luôn đặt bạn là ưu tiên là điều rất bình thường. Bạn muốn họ biết rằng bạn có nhu cầu được ưu tiên và sau khi họ đáp ứng nhu cầu của chính họ, bạn sẽ là người tiếp theo.
Tất nhiên, hầu hết mọi người đều có một vài (hoặc nhiều) mối quan hệ quan trọng. Đôi khi, một người khác trong cuộc sống của họ cần được ưu tiên trước, chẳng hạn như một người bạn đang trải qua cơn khủng hoảng hoặc một thành viên trong gia đình đang trải qua một giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, nhìn chung nếu bạn cảm thấy không phải là ưu tiên trong cuộc sống của họ, bạn có thể đang cảm thấy như thể họ không thực sự coi trọng sự hiện diện của bạn. Điều này có thể khiến bạn tự hỏi họ có còn bận tâm đến mối quan hệ này nữa không.
Lúc này, một cuộc nói chuyện sẽ giúp ích cho bạn. Trước tiên, hãy đề cập đến lý do tại sao bạn cảm thấy mình không được ưu tiên. Có thể họ không trả lời tin nhắn điện thoại của bạn trong một ngày hoặc lâu hơn hoặc thường xuyên đổi lại lịch hẹn hò với bạn để trò chuyện với bạn bè khác.
Sau đó, bạn nên đề xuất một giải pháp khả thi, chẳng hạn như trả lời tin nhắn vào mỗi buổi tối hoặc bằng một cuộc gọi điện thoại, hoặc chọn một buổi tối hẹn hò thông thường.

Kết nối

Không sao cả nếu hai bạn không làm mọi thứ cùng nhau. Trên thực tế, duy trì các mối quan tâm và những tình bạn riêng biệt có thể tốt hơn cho sức khỏe tinh thần của từng cá nhân, cũng như cho mối quan hệ của bạn (xem quyền tự chủ ở trên).
Nhưng bạn vẫn muốn cảm thấy được kết nối cùng một lúc. Điều đó hoàn toàn có thể hiểu được. Mối quan hệ để làm gì, nếu không phải là để chia sẻ cuộc sống của bạn?
Nếu không có sự kết nối, bạn có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi dành phần lớn thời gian cho nhau. Có vẻ như các bạn chỉ là hai người tình cờ chia sẻ không gian sống hoặc thỉnh thoảng dành thời gian cho nhau. Đó không phải là cách bạn muốn mối quan hệ của mình trở nên như vậy.
Bạn đừng lo: Nếu bạn thiếu cảm giác kết nối này, bạn hoàn toàn có thể kết nối lại và tương tác với họ một lần nữa.
Một số lời khuyên hữu ích cho bạn:
• Đặt câu hỏi về một khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày của họ mà bạn chưa bao giờ thực sự nghĩ đến trước đây.
• Đề xuất một hoạt động mới để cả hai thử cùng nhau.
• Thoát khỏi thói quen thông thường của bạn bằng cách cùng nhau có một chuyến đi trong ngày hoặc cuối tuần.
• Gợi lại những kỷ niệm các bạn có với nhau hoặc trao đổi những kỷ niệm của riêng từng người từ thuở thơ ấu.

Không gian riêng

Chia sẻ và kết nối rất quan trọng trong tương quan lứa đôi, nhưng không gian riêng cũng quan trọng không kém. Không gian riêng trong một mối quan hệ có nghĩa là cả hai bạn đều có quyền tự do làm việc riêng của mình khi bạn muốn. Bạn cảm thấy được hậu thuẫn nhưng biết rằng bạn có thể đưa ra lựa chọn của riêng mình. Sự riêng tư có thể là không gian riêng biệt để làm việc hoặc thư giãn tại nhà, nhưng nó cũng có nghĩa là sự riêng tư về mặt cảm xúc. Thành thật không có nghĩa là bạn cần phải chia sẻ mọi suy nghĩ trong đầu.

Xem bài viết  Tìm kiếm bản thân, nhẹ nhàng đón nhận

Ví dụ, nếu bạn cảm thấy khó chịu, việc có một không gian thoải mái về thể xác và cảm xúc có thể giúp bạn gỡ rối mớ suy nghĩ trong đầu theo cách lành mạnh và tránh làm mất lòng đối phương.

Khi nói đến không gian riêng, chìa khóa chính là nói rõ ra những gì bạn cần. Có thể kể đến:

  • Dành ra một chút thời gian ở một mình mỗi ngày.
  • Tạo không gian riêng tư cho chính bạn ở nhà, cho dù đó là một căn phòng riêng biệt hay một góc nhỏ trong nhà.
  • Dành nhiều thời gian bên ngoài hơn

Một số điều cần ghi nhớ

Trước khi đi sâu vào những nhu cầu cảm xúc quan trọng trong một mối quan hệ, điều quan trọng là bạn phải cân nhắc một số điều bên dưới.

Nhu cầu về tình cảm không cố định

Bạn có thể có những nhu cầu khác nhau trong suốt cuộc đời và nhu cầu của bạn cũng có thể thay đổi trong một mối quan hệ. Những thay đổi này xảy đến khi bạn hiểu thêm về bản thân thông qua sự phát triển cá nhân hoặc mối quan hệ của bạn với đối phương và thông qua sự phát triển của các bạn trong mối quan hệ lứa đôi. .
Việc thích nghi, thay đổi theo thời gian là điều hoàn toàn bình thường, thậm chí là phát hiện ra những nhu cầu mà bạn chưa từng cân nhắc trước đây. Những trải nghiệm trong quá khứ cũng có thể tác động đến bạn. Ví dụ, trải nghiệm của bạn trong một mối quan hệ trước đây cho bạn biết rằng giao tiếp thực sự quan trọng như thế nào.

Mỗi người có những nhu cầu khác nhau

Một lần nữa, nhu cầu tình cảm ở mỗi người là khác nhau. Ví dụ, một số người có thể coi trọng cảm giác thuộc về nhau hơn tình yêu dành cho nhau, hoặc tin tưởng hơn ham muốn.
Mặc dù bạn có thể ưu tiên những điều nhất định, chẳng hạn như sự quan tâm chiều chuộng và kết nối, nhưng đối phương của bạn có thể coi trọng quyền riêng tư và độc lập hơn.
Điều này không có nghĩa là mối quan hệ của bạn sẽ kết thúc sớm, nhưng bạn sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn để trao đổi nhu cầu và tìm ra cách đáp ứng nhu cầu này ở giữa.

Không ai buộc phải đáp ứng nhu cầu của bạn

Nhu cầu tình cảm đóng một phần quan trọng trong việc thỏa mãn một mối quan hệ. Nếu chúng được đáp ứng, bạn có thể cảm thấy hài lòng, phấn khích hoặc vui vẻ. Mặt khác, khi không được đáp ứng, bạn có thể cảm thấy thất vọng, tổn thương hoặc bối rối. Điều đó nói lên rằng, người thương của bạn không có trách nhiệm đáp ứng tất cả các nhu cầu của bạn. Một số nhu cầu, chẳng hạn như sự tin tưởng và giao tiếp, ảnh hưởng đến sự bền chặt lâu dài của một mối quan hệ. Nếu không có sự tin tưởng và cởi mở, các mối quan hệ thường không tồn tại lâu dài. Nhưng họ không thể đáp ứng mọi nhu cầu và bạn không nên mong đợi họ làm như vậy. Ngay cả trong một mối quan hệ lãng mạn, điều cần thiết là khám phá các cách khác nhau để đáp ứng nhu cầu bằng cách thấu hiểu chính mình và cách mình tương tác, thể hiện trong tương quan tình cảm.

Điểm mấu chốt

Như bạn có thể nhận thấy, việc đáp ứng các nhu cầu thường dựa vào kỹ năng hợp tác giải quyết vấn đề. Và sự hợp tác phụ thuộc vào điều gì? Giao tiếp tốt.
Trao đổi về nhu cầu của bạn với đối phương thường là cách tốt nhất để bắt đầu. Nếu bạn không thể giao tiếp, bạn sẽ không thể tìm ra cách đáp ứng các nhu cầu cùng nhau.
Bạn gặp khó khăn để bắt đầu? Liệu pháp dành cho cặp đôi có thể mang đến cho bạn một không gian an toàn, không bị phán xét để bắt đầu cuộc trò chuyện về những mối quan tâm của bạn.

Xem link bài viết gốc tại: https://www.healthline.com/health/emotional-needs?fbclid=IwAR1HtognpZKBgshZt1jtYt3Jc8Vo7TDbs6tatdidI20wFmdBiNLmJu2cET8

Chuyển ngữ: Đặng Hồng Ngọc

Thạc sĩ Quản Lý Vận Tải và Chuỗi Cung Ứng, Đại học Vrije Amsterdam, Hà Lan; Giáo viên IELTS và Giao tiếp; Chuyên viên Logistics Với hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc và học tập tại nước ngoài, cô ấy mong muốn được đóng góp cho sự phát triển của Tranquil và giúp đỡ những người đang cần.

Leave a Comment

Scroll to Top