Tự tử là gì?
Tự tử là hành động cố ý gây ra cái chết của bản thân, là nguyên nhân gây chết người nhiều thứ hai trong độ tuổi từ 10 đến 34. Nó là một sự kiện bi thảm không chỉ lấy đi mạng sống quý giá của con người mà còn khiến người ở lại chìm trong đau thương, bối rối và khủng hoảng. May mắn thay, vẫn có hy vọng chữa lành khi cha mẹ và người khác chủ động can thiệp để hỗ trợ.
Những vấn đề về tự tử
Dù đôi lúc chúng ta có cảm giác rằng tự tử chỉ đơn thuần là xảy ra bất ngờ, nhưng thực tế lại không phải vậy. Vì thực ra, có nhiều yếu tố khiến một người đi đến quyết định tự kết thúc cuộc đời mình. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy mức độ suy nghĩ tự tử cao hơn trong suốt giai đoạn thành niên.
Nghiên cứu cho thấy có đến 90% số thanh thiếu niên có hành vi cố tự tử mang trong mình vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Trầm cảm, lo âu, rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt đều có tương quan với những suy nghĩ và hành vi muốn tự tử. Một số vấn đề khác cũng có thể góp phần khiến người trẻ mang suy nghĩ tự tử và tự tổn thương như bắt nạt, sang chấn, cảm giác trống rỗng, nỗi cô đơn, bị từ chối bởi bạn bè hay bị lạm dụng.
Tự tử là một vấn đề có thể lây nhiễm. Khi người trẻ nghe về một vụ tự tử ở đâu đó, họ sẽ có thể nghĩ rằng đó cũng là một cách giải thoát họ khỏi mớ ưu phiền của mình. Việc người thân, bạn bè hay người nổi tiếng tự tử có thể dễ dàng thúc đẩy ai đó thực hiện hành vi tự tử mà họ đã luôn ấp ủ. Hy vọng chữa lành sẽ có thể đạt được khi chúng ta khuyến khích được sự giao tiếp cởi mở, và khi những thông tin tiêu cực kia được giữ ngoài tai.
Các nền tảng giải trí và mạng xã hội cung cấp những thông điệp và nhận thức về tự tử tích cực nhưng, trong nhiều trường hợp, việc này lại phản tác dụng. Những nền tảng này có ảnh hưởng đến cảm xúc, dễ tổn thương đến trẻ em. Trẻ thành niên bị chi phối rất nhiều bởi cảm xúc, điều này khiến chúng phản ứng với những tình huống hiểm nghèo trước khi não theo kịp và phân tích kĩ lưỡng.
Hãy chủ động
Không một vấn đề riêng lẻ nào đủ sức làm trẻ gục ngã, tuy nhiên khi nhiều vấn đề cùng với nhau sẽ dễ tạo ra nguy cơ tự tử ở chúng. Các tình trạng sức khoẻ tâm thần và các sự kiện căng thẳng trong đời – chẳng hạn như bị lạm dụng hay mắc bệnh nghiêm trọng – là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ.
Nếu một đứa trẻ gặp phải một trong những vấn đề kể trên cũng không nhất thiết có nghĩa là đứa trẻ đó đang muốn tự tử mà điều này có nghĩa là, bạn cần đặc biệt lưu tâm đến các dấu hiệu cảnh báo. Một số trong các dấu hiệu đó là lo âu, tuyệt vọng, cảm giác trống trải, thu mình lại, giận dữ và các thay đổi lớn về tâm trạng và cách hành xử. Tự tử là một vấn đề cần được chủ động can thiệp. Dù bạn không nhận thấy dấu hiệu nào thì vẫn nên áp dụng các biện pháp phòng chống để giảm thiểu nguy cơ ở trẻ.
Hãy biến căn nhà mình thành nơi tuyệt vời – nơi mà trẻ có thể thoải mái dắt bạn bè về chơi. Có thể bạn phải chi thêm ít tiền và gánh thêm chút phiền phức khi phải mua thêm đồ ăn và dọn dẹp khi bọn trẻ đến nhà chơi, nhưng đổi lại bạn sẽ có thể dễ quan sát cuộc sống của con. Bên cạnh đó, hãy tìm hiểu về gia đình nơi mà con bạn thường đến chơi.
Quy định rõ ràng. Hãy xây dựng một cam kết cởi mở và rõ ràng ghi rõ những quy định cho việc sử dụng công nghệ, mạng xã hội hay nhắn tin trong nhà bạn. Hãy chủ động để ý lúc con sử dụng chúng để sớm phát hiện những nội dung có nguy cơ độc hại.
Giao tiếp và Kết nối. Mỗi tuần, mỗi hai tuần hay mỗi tháng, hãy dắt con đi chơi hay đâu đó mà hai người có không gian riêng để chia sẻ thành thật. Hãy hỏi con những câu như: Con cảm thấy thế nào khi ở trong nhà mình? Dạo gần đây con có gì vui không? Có điều gì khiến con phiền lòng không?
Hãy đảm bảo rằng bạn đang lắng nghe chứ không phải đang dạy dỗ. Để con bạn biết rằng chúng được yêu thương, rằng chúng thật tuyệt trong suốt những năm tháng lớn lên của chúng. Động viên chúng rằng chúng có thể vượt qua được nghịch cảnh hay những tháng ngày buồn chán trong đời. Luôn có hy vọng chữa lành nếu cha mẹ có thể bên cạnh yêu thương, thành thật lắng nghe con mình.
Giải quyết các vấn đề khác
Tâm trí khoẻ mạnh. Nếu con bạn gặp phải trầm cảm, lo âu, các xu hướng chủ nghĩa hoàn hảo hay bệnh tâm lý, hãy nhanh chóng đối mặt với các vấn đề. Nghiên cứu cho thấy việc tìm đến chuyên gia tham vấn sẽ tạo ra khác biệt lớn trong quá trình giúp trẻ vượt qua các vấn đề tâm lý. Các yếu tố giúp xây dựng một tâm trí khoẻ mạnh bao gồm thể dục thể thao, một chế độ ăn lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ và sự hỗ trợ tích cực.
Những vấn đề về học hỏi. Hãy giải quyết những khó khăn trong việc học hỏi, tìm đến sự giúp đỡ chuyên gia khi cần thiết. Những việc này tích cực cải thiện cái nhìn của trẻ về giá trị bản thân và cách người khác đối xử với chúng.
Phản hồi những dấu hiệu cảnh báo
Nếu bạn nhận thấy bất kì dấu hiệu cảnh báo tự tử nào ở con, nhớ hãy nói chuyện với chúng. Hỏi chúng về cảm nhận, suy nghĩ, và nhớ đừng tránh né việc sử dụng từ “tự tử”. Nhiều bậc cha mẹ lo rằng việc sử dụng từ đó có thể gây ra vấn đề. Điều này là sai. Ngược lại, trẻ sẽ cảm nhận được bạn đang quan tâm và mong muốn bảo vệ chúng. Một kinh nghiệm thực tế là: nếu con bạn cởi mở nói về tự tử với sự nhận thức và tôn trọng thì chúng sẽ an toàn hơn khỏi khả năng tự tử. Tự tử là một vấn đề gây ra sự cô lập, vì vậy việc nói chuyện chia sẻ có thể giải quyết nó.
Giúp đỡ trẻ
Bạn cần làm gì nếu con bạn có biểu hiện suy nghĩ về tự tử? 4 yếu tố dưới đây sẽ giúp bạn đánh giá được mức độ nguy hiểm:
Kế hoạch cụ thể. Con bạn có đang có một kế hoạch hành động cụ thể để tự tử nào không? Kế hoạch tự tử được đề cập càng cụ thể và nhiều chi tiết thì nguy cơ tự tử càng cao.
Độ nguy hiểm của kế hoạch. Kế hoạch cụ thể đó có thật sự nguy hiểm không? Nếu có, tỉ lệ tự tử lúc này là 50%.
Tính khả thi của kế hoạch. Kế hoạch đó có dễ thực hiện không? Trẻ có thể tiếp cận được cách thức và/hay phương tiện cần thiết để thực hiện ý định không? Nếu có, trẻ đang gặp nguy hiểm đáng kể: Hãy cố loại bỏ phương tiện và hành động ngay.
Độ gần gũi với sự trợ giúp. Có ai đó ở bên để cản trẻ thực hiện kế hoạch không? Nhiều khả năng trẻ sẽ không cố làm điều gì trong lúc có bạn bè, người thân hay những người khác bên cạnh.
Nếu nguy cơ tự tử ở con bạn thấp ở mức mà việc tự tử là chưa gần kề, bạn vẫn cần phải giải quyết các vấn đề. Bạn có thể xem xét việc nhờ chuyên gia sức khoẻ tâm thần đánh giá nguy cơ tự tử ở con. Nếu phải uống thuốc, hãy cố gắng tìm một bác sĩ tâm thần để tham vấn. Những vấn đề như trầm cảm lâm sàng chính là kết quả gây ra mất cân bằng về hoá học trong não bộ. Trầm cảm ở trẻ sẽ không thể cải thiện trừ khi não bộ được tái cân bằng hoá học. Các nhà tâm thần học có nhiều hiểu biết hơn về lợi ích cũng như nguy cơ đến từ nhiều chủng loại thuốc khác nhau và là những người am hiểu nhất về việc điểu chỉnh và hướng dẫn sử dụng thuốc khi cần. Tuy vậy, hãy nhớ rằng, thuốc men là chưa đủ để hỗ trợ trẻ chống lại bệnh tâm lý. Việc trị liệu với chuyên gia sức khoẻ tâm thần có trình độ và bằng cấp sẽ mang lại nhiều hy vọng chữa lành.
Cố tiếp cận và chia sẻ
Nếu bạn bè của con bạn có kể về việc muốn tự tử thì dưới đây là những điều con cần làm để giúp đỡ:
- Hãy kể ai đó. Cứu một người bạn quan trọng hơn nhiều việc giữ bí mật.
- Hãy nói với người bạn đó của con rằng chúng cần phải chia sẻ với phụ huynh hay người lớn mà chúng cảm thấy đáng tin cậy và quan tâm chúng. Nếu có thể, hãy bảo con bên cạnh bạn mình không rời khỏi cho đến khi chắc chắn rằng bạn đã được an toàn.
Hãy xem xem con bạn có các cảm xúc xoay quanh các vấn đề của bạn mình hay không. Chúng có thể lo lắng hay tự hỏi liệu vấn đề của bạn chúng có phải do lỗi của chúng hay không. Hoặc là, chúng thậm chí có thể cảm thấy trách nhiệm cứu người bạn kia là ở chúng. Hãy cho con bạn không gian an toàn để giải phóng những cảm xúc. Nhắc nhở con rằng con không thể nào kiểm soát được suy nghĩ và hành vi của bạn mình. Để con biết rằng vẫn có hy vọng chữa lành và bước đầu quan trọng là phải cố chia sẻ. Con bạn cần phải giúp bạn mình tiếp cận những người lớn tin cậy và các chuyên gia, cũng như phải được giải thoát khỏi cảm giác trách nghiệm và tội lỗi không đáng có. Việc tốt nhất mà con bạn có thể làm là giúp bạn mình đi đúng hướng.
Tự tử là một vấn đề đáng được quan tâm
Hãy chia sẻ và đặt những câu hỏi
Hãy chú ý
- Có ai nói với con rằng họ muốn tự tử không? Con có bao giờ mang những suy nghĩ đó không?
- Con nghĩ tại sao người khác lại chọn cách tự tử?
Hãy xây dựng
- Con nghĩ rằng một người khi muốn tự tử đã đánh mất điều gì trong đời? Bằng cách nào con có thể giúp họ thấy giá trị của bản thân?
- Con có thể nghĩ ra cách nào để tiếp cận và chia sẻ với những bạn có vẻ như đang bị cô lập?
- Con nghĩ gia đình mình quan tâm con thế nào? Khi nào con cảm thấy được yêu thương trong mái ấm của mình?
Hãy kết nối
- Con thấy tin tưởng khi chia sẻ những trải nghiệm và cảm xúc của mình với ai? Tại sao con lại tin vào họ?
- Con có thể làm gì nếu một người bạn đề cập đến việc muốn tự tử? Con có tin vào những thầy cô giáo hay người lớn khác ở trường trong những vấn đề này không?