Tranquil

Làm sao để biết mình thật sự muốn gì?

Điều cần biết

Claire, một sinh viên thông minh và nhiều hoài bão của Đại học Tulane ở Louisiana, đã cho rằng mình rất hài lòng khi chọn trường luật mà cô đang theo học, nhưng cô đã quyết định trải nghiệm thực tế và rong chơi một tí tại New Orleans. Cô tìm được một vị trí trợ lý pháp lý và dành hầu hết thời gian nghiên cứu về những người giám định để biện hộ cho các vụ án của công ty Big Pharma, đó cũng chính là lúc cô rơi vào khủng hoảng. Thật ra, Claire vẫn luôn yêu thích việc nấu nướng, cô còn thích tìm hiểu các khía cạnh của con người thông qua ẩm thực. Lúc đó, cô chẳng khác nào một đầu bếp nhiều đam mê mắc kẹt trong các tác vụ của một trợ lý pháp lý mệt mỏi, điều này đã ngày càng làm Claire cảm thấy khốn khổ hơn.

Cô dần quay sang ý nghĩ sẽ rời ngành luật và bắt đầu khởi nghiệp tại một bếp ăn hay quán cà phê cho tới khi cô tìm ra cách tạo dựng một cơ nghiệp từ cái đam mê ẩm thực mà mình đã ấp ủ từ lâu. Tuy nhiên, nhiều nghi vấn nảy sinh đã làm cô chùn bước. Người khác sẽ thấy thế nào? Có thể quyết tâm của cô không đủ lớn, cũng có thể cô không thật sự thông minh như người ta vẫn nghĩ và cũng có thể là vì cô lười. Điều mà người khác kì vọng rằng cô ấy muốn thực hiện, bên cạnh mức độ mà cô đáp ứng được những kì vọng đó, tất cả vô tình định hình nhìn nhận của cô về giá trị của chính bản thân.

Claire không phải là người duy nhất rơi vào trường hợp này. Mỗi người chúng ta đều có lúc cảm thấy choáng ngợp khi phải đối mặt với những lựa chọn vô cùng khó khăn: chọn công việc A hay B? Yêu đương hay độc thân? Đăng ký chạy marathon mỗi sáng hay ở nhà tiếp tục ngủ nướng? Tuy vậy, cuộc đời có vô số cuộc đua, và không phải cuộc đua nào cũng là về chạy bộ. Ta cần phải biết khát vọng nào nên theo đuổi và mong muốn nào phải bỏ qua để tìm ra cuộc đua nào đáng được ta tham dự.

Khát vọng hoàn toàn không giống với nhu cầu

Dù trong thực tế, khi con người quá khao khát điều gì, chẳng hạn như một chiếc áo mới, họ có thể sẽ cảm thấy như họ “cần” nó. Tuy nhiên, họ không thật sự cần chiếc áo đó như nước hay thức ăn vì dù cho có thiếu đi một chiếc áo thì họ vẫn tiếp tục tồn tại.

Khát khao, không giống như nhu cầu, là ham muốn nảy ra trong đầu ta khi bắt gặp những thứ tốt đẹp. Những hứng thú đó không thuộc về bản năng tồn tại của con người – và điều này luôn đúng mặc cho những thứ đó có thật sự tốt đẹp hay không.

Các ham muốn này có thể bao gồm hứng thú muốn tìm ra đáp án của một bài toán, niềm vui khi được người ta thích nhắn tin hay được nhận vào làm công việc như ý. Những điều kể trên có thể không gây ra những niềm vui về thể lý, tức được thể hiện ra ngoài. Dù đôi lúc, hạnh phúc tạo ra có thể nhiều đến mức trở thành niềm vui về thể lý nhưng thực ra, nó vẫn chỉ chủ yếu thuộc về những ham muốn mà thôi.

Nhà triết học – nhà thần học Thomas của thế kỉ 13 Thomas Aquinas đã viết rằng những ham muốn này nằm trong thứ con người gọi là “ý chí”. Khi một người có ý chí muốn đạt được điều gì, người đó sẽ nỗ lực để có được nó. Khi nhận được điều mình muốn rồi, con người sẽ cảm thấy thỏa mãn – và họ sẽ có thể tận hưởng nó, miễn là họ được đắm chìm vào niềm vui mà điều đó tạo ra.

Tuy nhiên, với hầu hết mọi người, niềm vui đó chỉ ở lại trong chốc lát vì sẽ luôn có nhiều thứ khác để họ nỗ lực giành lấy, điều này làm họ luôn trong trạng thái nỗ lực không ngừng nghỉ, dù cho có đau đớn. Và nỗ lực đạt được thứ mà ta chưa có được gọi là khát khao, tham vọng. Khao khát không cho ta niềm vui, bởi vì về khái niệm, ta chỉ khao khát khi ta cảm thấy mình đang thiếu. Thấu hiểu được cách mà các khao khát hình thành sẽ giúp ta tránh được vòng lặp vô tận của một cuộc đời lúc nào cũng không thỏa mãn vì những khát khao.

Ham muốn là một chu trình xã hội và có tính mô phỏng

Khi nhắc đến người hiểu được điều ẩn chứa đằng sau những ham muốn, đó là người mang tư tưởng thời đại vượt qua tất cả: nhà lý luận người Pháp René Girard – một học giả với xuất thân là nhà sử họ, người đã đến Mỹ vừa sau khi Chiến tranh Thế giới Thứ hai diễn ra và giảng dạy tại nhiều trường đại học tại Mỹ, gồm cả trường Johns Hopkins và trường Stanford. Vào năm 2015 khi ông mất, tên ông đã được ghi vào Viện hàn lâm Pháp và ông cũng được xem là một trong những bộ óc vĩ đại nhất thế kỉ 20.

Ông đã nhận ra một điểm khác thường của khát vọng: “Chúng ta muốn mong rằng những khát vọng của ta xuất phát từ tận đáy lòng, từ nơi sâu nhất của nội tâm”, ông ấy cho biết, “tuy nhiên, nếu vậy thì nó chẳng còn là khát vọng nữa vì khác vọng là thứ mà ta cảm thấy mình còn thiếu.” Ông cũng nói thêm rằng khát vọng, không như những gì ta vẫn tưởng, là thứ mà con người không hoàn toàn kiểm soát. Nó cũng không phải thứ mà ta có thể tự sản sinh ra được mà nó chính là sản phẩm của một chu trình xã hội.

“Con người là kiểu sinh vật không biết được khát vọng của bản thân”, theo ông Girard, “và con người sẽ tìm đến người khác để đưa ra quyết định của mình”. Ông gọi đây là khát khao mô phỏng hay bắt chước. Khát khao mô phỏng mà chúng ta có là những khát khao hiện thân cho con người hay nền văn hóa của chúng ta. Nếu tôi có cho rằng công việc hay lối sống nào đó tốt đẹp thì đó là vì ai đó đã trải nghiệm điều đó trước và đối với tôi thì trải nghiệm đó thực sự tốt.

Tôi biết đến Girard lần đầu trong lúc đang tự vấn lượng tâm. Tôi đã tìm hiểu về các ngành học của trường, sau đó là các công việc và cuối cùng là bắt đầu với những công ty khác nhau. Và tôi đã nhận ra một điều kỳ lạ: dù cho việc kinh doanh của tôi có thuận lợi hay không thì tôi vẫn mau chóng cảm thấy chán nản.

Theo lời khuyên của một người bạn, tôi đã theo học một khóa tu. Người tổ chức khóa tu đã gợi ý rằng tôi nên tìm hiểu và Girard để thấu hiểu được tại sao nhiều khát vọng cứ đến với tôi rồi lại ra đi nhanh chóng như một âm hưởng đến từ một khu rừng rậm xa xôi – thứ mà tôi không bao giờ chạm tới và tận hưởng được.

Khi tìm về Girard trên Google, tôi thấy một video về ông trong một talkshow của Pháp những năm 1970, trong đó ông đang nhâm nhi một điếu thuốc và giải thích ý nghĩ của mình cho những người phỏng vấn. Lúc đầu, tôi phũ phàng cho rằng ông chỉ là một gã học sĩ lập dị người Pháp và không cho rằng ông có thứ mà tôi cần. Tuy nhiên, những câu từ trong cuốn Những điều ẩn giấu sau Sự hình thành Thế giới (1978) đã chạm đến tôi khi tôi nhận thấy rằng các khao khát mô phỏng vẫn luôn ở quanh, và bên trong tôi.

Tôi biết được rằng Girard đã dành 14 năm cuối cùng trong sự nghiệp với tư cách “Giáo sư Andrew B Hammond” về Ngôn ngữ, Văn học và Văn minh Pháp, tại Đại học Stanford, tại đây ông cũng là cố vấn triết học của Peter Thiel – đồng sáng lập công ty PayPal và công ty phần mềm Palantir Technologies – một tỷ phú và là nhà đầu tư lớn đầu tiên của Facebook. Thiel rất biết ơn Girard vì đã giúp ông nhận ra tiềm năng của Facebook so với phần còn lại và cũng giúp ông thoát khỏi sự nghiệp ảm đạm của mình trong lĩnh vực luật doanh nghiệp và tài chính. Khi vượt qua được hiệu ứng mô phỏng và bầy đàn, ông đã có thể bắt đầu suy nghĩ cho bản thân nhiều hơn và cũng vào việc thực hiện những dự án xuất phát từ khao khát của riêng ông chứ không phải nhờ bắt chước ai khác.

Đó là lúc tôi nhận ra rằng việc hiểu được những khao khát mô phỏng là rất quan trọng nếu tôi muốn thoát khỏi vòng lặp mà tôi đang dính phải. Nếu như bạn, cũng như tôi, muốn hiểu sâu hơn về những mong muốn và khát vọng của chính mình, cũng như có thể kiểm soát chúng, đừng bỏ lỡ những phần sau.

Suy nghĩ thông suốt

Xác định những người có ảnh hưởng đến mong muốn của ta

Bước đầu tiên là xác định những hình mẫu khác vọng ảnh hướng đến điều ta mong muốn. Đây là những người đóng vai trò là hình mẫu, là nhân tố trung gian góp phần tô vẻ cho những mong ước của bạn.

Có một lúc, tôi đã mê mệt chiếc Tesla dòng S. Tôi hầu như đã thuyết phục bản thân mua nó bằng được với vô vàn lý do mà tôi cho là khách quan: chẳng hạn, gia tốc của chiếc xe đó tuyệt vời đến mức đi từ tốc độ 0 đến 100km/h chỉ trong 2 giây.

Tuy nhiên, tốt hơn là tôi nên tự hỏi mình rằng ai, chứ không phải thứ gì, đã sinh ra và nhào nặn cái ham muốn tôi dành cho chiếc xe. Tương tự với những khao khát của riêng ta, dù là khi mua sắm vật chất, khi đối mặt với con đường học vấn, các lựa chọn nghề nghiệp hay thậm chí trong phương diện tình cảm. Tiếp tục với câu chuyện chiếc xe dòng S, mãi cho đến khi suy nghĩ nghiêm túc tôi mới nhận ra là có một người mà tôi theo dõi trên Twitter luôn đăng tải những video anh ta lái chiếc xe đó đến những địa điểm rất tuyệt, và tôi cũng nhận ra tôi chưa bao giờ để tâm đến chuyện chiếc xe cho đến khi tôi xem được những video đó. Từ đây, tôi đã tự tổng hợp lại những minh chứng cho thấy khát vọng trong tôi đã được hình thành một cách mô phỏng và bắt đầu. Khát vọng đã đến với ta từ lâu nhờ vào các ảnh hưởng xã hội trước khi ta có thể nhận ra nó, hoặc hiểu được nguyên nhân đằng sau.

Xem bài viết  Liệu pháp EMDR trong ứng dụng chữa PTSD 

Để biết nhiều hơn về những hình mẫu ảnh hưởng khao khát của mình, hãy tự hỏi những câu hỏi sau:

  • Khi nghĩ về lối sống mà mình yêu thích nhất, bạn cảm thấy ai đang có lối sống đó? Trên thực tế, người này hầu như chắc chắn không có cách sống mà bạn nhận thấy, nhưng dù gì thì điều này vẫn ổn vì chỉ cần bạn xác định được những người mà bạn cho rằng đang sống theo phong cách mà bạn muốn.
  • Ngoài cha mẹ ra, ai là người có nhiều ảnh hưởng đến bạn nhất lúc còn nhỏ? Họ đến từ “thế giới” như thế nào – họ có hoàn cảnh giống hay khác với bạn? Họ có ở gần (là bạn bè, người thân) hay họ là những thần tượng (vận động viên chuyên nghiệp, một ngôi sao nhạc Rock chẳng hạn)? Để giải thích ngắn gọn thì mức độ gần gũi của những hình mẫu khát vọng sẽ quyết định chiều hướng mà họ tác động đến ta.
  • Có ai mà bạn không muốn thấy họ thành công không? Có những người nhất định nào mà thành công của họ khiến bạn khó chịu và tự ti không? Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy họ có thể là một hình mẫu khát vọng tiêu cực, hay nói cách khác, là người mà bạn luôn lấy ra so sánh với bản thân mình.

Phân loại các hình mẫu theo “bên ngoài” và “bên trong”

Bước kế tiếp là xác định “kiểu” hình mẫu đang ảnh hưởng bạn. Ông Girard đã xác định hai kiểu chủ đạo: người bên trong và ngoài “thế giới” của bạn.

Các hình mẫu bên trong là những người mà bạn có thể gặp gỡ và liên hệ như bạn bè, người thân, đồng nghiệp hay bất kì ai mà bạn có thể tương tác cùng theo cách nào đó, ví dụ như người thợ cắt tóc cho bạn. Đây là những người mang các khát khao có liên hệ và ảnh hưởng đến với những mong muốn của chính bạn – họ có thể ảnh hưởng khao khát của bạn và ngược lại.

Những hình mẫu bên ngoài là những người mà bạn không có liên hệ hay khả năng tương tác cùng như người nổi tiếng, các nhân vật lịch sử và hầu hết các nhân vật trên phim ảnh. (Chẳng hạn, dù xem phim của Steven Spielberg nhưng ta không thể nào tương tác với ông, ta cũng không thể tranh cãi với tác giả của một bài báo mà ta không đồng tình.) Các hình mẫu bên ngoài mang những khát vọng một chiều, nghĩa là họ có thể ảnh hưởng mong muốn của ta nhưng ngược lại thì không. Lấy ví dụ nhân vật Bá tước Monte Cristo – nam chính của tiểu thuyết cùng tên, chính là hình mẫu khát vọng mà tôi hướng tới sau khi tôi đọc quyển sách lần đầu khi còn nhỏ. Nhưng bá tước là một nhân vật viễn tưởng, vì vậy ông chỉ là một hình mẫu khát vọng nằm ngoài cuộc sống của tôi. Điều này không có nghĩa ông ấy không thể mang ảnh hưởng lớn. Những hình mẫu không nhất thiết, và thông thường cũng không phải là người thật.

Mạng xã hội nằm trong một “khoảng” giữa khác lạ. Nhiều người mà bạn gặp được trên mạng xã hội là những hình mẫu khát vọng bên ngoài mà có thể bạn sẽ không bao giờ gặp ngoài đời hay họ thậm chí không ấn “theo dõi” bạn lại. Đồng thời, người sử dụng mạng xã hội ít nhất cũng luôn thấy rằng mình luôn có thể được kết nối với mọi người, ví dụ như cảm giác khi đăng một tweet hay một bài viết. Đây là một trong những điều làm mạng xã hội trở nên thu hút: nó nằm giữa những hình mẫu bên trong và bên ngoài.

Dù trên mạng hay ngoài đời, người càng có vẻ giống bạn thì càng có khả năng bạn sẽ hiểu được họ, và cũng càng có khả năng bạn sẽ để ý tới điều họ mong muốn. Ai là người bị ganh tị nhiều nhất? Jeff Bezos, người giàu nhất thế giới hay chính người đồng nghiệp có cùng học vấn, cùng công việc, cùng thời gian làm nhưng lại có lương hàng năm cao hơn bạn nhiều? Với hầu hết mọi người, đó là người thứ hai. Câu trả lời nằm ở điểm khác biệt giữa hình mẫu bên trong và bên ngoài thế giới của bạn.

Các loại quảng cáo cũng tạo nên những hình mẫu mà ta khao khát, điều này rất dễ nhận thấy, nhưng hãy để ý cách vận hành của chúng: các công ty làm ra quảng cáo thường không chỉ đưa ra thứ mà họ muốn bán mà đi kèm theo đó là hình ảnh nhiều người muốn có được sản phẩm của họ. Các nhà quảng cáo đánh thẳng vào “tim đen” của chúng ta – chính là bản chất bắt chước.

Ta nên biết rằng những hình mẫu bên trong sẽ dẫn đến nhiều thay đổi về khát khao hơn trong đời vì thế giới của các hình mẫu bên trong có tác động hai chiều: ta có thể thay đổi khát khao của người khác – điều không diễn ra ở thế giới của các hình mẫu bên ngoài.

Việc tìm ra ai là hình mẫu khát vọng bên trong và bên ngoài của mình (và ai là hình mẫu “nằm giữa”) sẽ giúp ta làm chủ nhiều hơn các mong muốn của bản thân. Hãy thử vẽ hai hình tròn có một phần chung lên một mảnh giấy và hãy cố viết vào chúng nhiều nhất có thể những hình mẫu của chính bạn.

Đừng quá để ý đến thứ mà những người xung quanh ta sở hữu hoặc mong muốn

Vì các mong muốn có tính mô phỏng, con người về bản chất sẽ bị thu hút bởi những thứ người khác thích. “Hai mong muốn nhắm đến một thứ đến từ hai phía khác nhau rồi sẽ va vào nhau”, ông Girard viết. Điều này nghĩa là những mong muốn mô phỏng này thường dẫn con người đến các cuộc tranh giành vô nghĩa cũng như sự ganh đua lẫn nhau trong một trò chơi giành địa vị khốc liệt. Các mong muốn mô phỏng giải thích vì sao trong khi mỗi sinh viên trong cùng một lớp đại học đều hướng đến những ý tưởng riêng khi họ tốt nghiệp (ý tưởng được hình thành từ các ảnh hưởng đa dạng cũng như từ xuất thân của họ) nhưng cuối cùng lại quy về những cơ hội nhất định sau tốt nghiệp tạo ra bởi quá trình mà họ đã ảnh hưởng lẫn nhau thông qua mô phỏng.

Bạn cũng nên biết rằng các khát khao có thể bị cưỡng đoạt qua quá trình thu hút khiến ta bắt chước này. Nghĩa là, ta dễ tập trung đến mức ám ảnh vào thứ mà những người xung quanh sở hữu hoặc mong muốn thay vì tập trung vào những việc nên làm và những mối quan hệ ta thật sự cần quan tâm. Con người chúng ta là những sinh vật xã hội với khả năng nhìn vào người khác để hiểu về bản thân mình, điều này rất tốt – tuy nhiên, nếu không cẩn thận, ta có thể trở nên bận tâm quá nhiều vào người khác mà quên mất chính mình.

Giải pháp đưa ra là hãy tìm một phương thức mới nhằm xây dựng quan hệ với những người khác mà không gây ra sự ganh đua nào – một kiểu quan hệ mới mà giá trị bản thân bạn nhìn nhận được sẽ không bị ảnh hưởng bởi họ.

Vẽ ra các “hệ thống” khát khao trong đời bạn

Cũng như việc xác định những hình mẫu cụ thể ảnh hưởng khao khát của bạn, việc tìm hiểu xem bản thân bạn có đang gắn chặt vào một hệ thống khát khao cụ thể nào đó không cũng rất quan trọng. Lấy ví dụ, đầu bếp Sébastien Bras, chủ của nhà hàng Le Suquet ở Laguiole, Pháp – ông có ba ngôi sao Michelin, điều này nghĩa là ông sở hữu một nhà hàng Pháp hạng nhất, trong suốt 18 năm. Mãi cho đến năm 2018, ông đã làm điều mà chưa từng có tiền lệ: yêu cầu Cẩm nang Michelin ngưng đánh giá nhà hàng mình và không bao giờ quay lại.

Ông Bras đã nhận ra rằng việc ông nỗ lực để duy trì ba ngôi sao Michelin đó năm này qua tháng nọ đã khiến ông không thể thử nghiệm những món mới mà các thanh tra của Michelin có thể không vừa miệng. Đánh giá của Michelin đã ép ông vào một “hệ thống khát khao”. Động lực cho tất cả việc làm của ông trước đó rất đơn giản: luôn làm hài lòng Michelin.

Khi ông nhìn lại lý do tại sao lúc đầu ông chọn làm đầu bếp, Bras đã bảo với tôi rằng mục đích của ông là đưa các nguyên liệu từ vùng Aubrac của nước Pháp ra toàn thế giới, chứ không phải trở thành một nô lệ lúc nào cũng cố nịnh nọt một hệ thống đánh giá nào đó.

Khi Bras nhận ra Cẩm nang Michelin đã tạo ra một hệ thống khát khao – thứ mà ông đã bị kẹt vào trong nhiều năm, ông đã mạnh dạn tìm cách rút ra khỏi cái hệ thống đó.

Còn nhớ Claire – cô trợ lý pháp lý muốn theo nghề bếp chứ? Cô cũng đã mắc kẹt trong một hệ thống khao khát. Ở cái thế giới địa vị được xem trọng mà cô lớn lên, một người có bằng đại học sẽ bị coi là không thành công hay thiếu hoài bão khi chọn một công việc có lương thấp hơn như nghề bếp, vì vậy mà cô đã vô tình bị cuốn vào cái vòng xoáy bắt chước đó và theo một con đường “uy tín” hơn. Nhưng thực ra, Claire cũng đã mắc vào một “hệ thống ngôi sao Michelin” khác mà thôi. Và trong chúng ta ai cũng thế.

Để kiểm soát mong muốn của mình tốt hơn, hãy cố tìm ra kiểu “Cẩm nang Michelin” mà bạn đang mắc phải. Có thể chẳng có ngôi sao nào trong đó, nhưng rất có thể nó chứa sự chấp thuận của vài người, kì vọng của bạn bè và người thân; hay sự ngượng ngùng khi để người khác biết điều khác biệt mà bạn đã ấp ủ từ lâu.

Xem bài viết  Rối loạn lưỡng cực và Rối loạn nhân cách ranh giới

Bằng cách vẽ ra hệ thống khát khao mà bạn đang vướng vào, bạn có thể bắt đầu tránh xa nó ra. Điều này sẽ giúp bạn ngưng chấp thuận những mong muốn bề mặt đang chiếm ưu thế cũng như cứu vớt bạn khỏi việc rập khuôn thay vì dựa vào mong muốn trong lòng mình khi đưa ra các lựa chọn quan trọng.

Hơn hết: biết được mong muốn của bạn xuất phát từ đâu. Mong muốn của mỗi người đều có một quá trình hình thành. Bạn sẽ không thể biết được đâu là mong muốn xuất phát từ đáy lòng mình trừ khi bạn hiểu được nơi mà nó xuất phát – và để hiểu được thì bạn phải lội ngược dòng về quá khứ của mình để tìm hiểu cách mà bạn nên người và nhìn thấy được khát khao nào đã bên cạnh bạn từ lâu, khát khao nào đã đến và đi nhanh như một cơn gió.

Làm chủ những khát khao của bản thân

Thật sự tồn tại những khát khao không mô phỏng? Điều này có thể gây tranh cãi, vì vậy tốt nhất ta nên xác định sự mô phỏng đó trên một phổ rộng hơn:

Ở bên trái cùng của trục ngang là những mong muốn hoàn toàn không do mô phỏng, ví dụ như tình cảm mà một người mẹ dành cho đứa con vừa sinh ra. Qua phải một chút sẽ là những mong muốn không mô phỏng nhưng ít “thuần” hơn, chúng là những khát vọng đã đi cùng con người suốt quá trình trưởng thành, hay ăn sâu trong tiềm thức. Với những người sùng đạo, những khát vọng này có thể được họ xem như “tiếng gọi” của ơn trên. Chúng càng ăn sâu vào tiềm thức thì sẽ càng ít mang tính mô phỏng hơn, đồng thời chúng cũng không dễ bị tác động bởi những sự việc, trải nghiệm mới của ta.

Về phía bên phải cùng, có những khát vọng gần như hoàn toàn là do bắt chước –  lấy ví dụ, mong muốn sở hữu một cổ phiếu chỉ đơn giản vì những người khác đều muốn có được nó. (Nó làm ta cảm thấy sợ đánh mất cơ hội, đây thực tế cũng chỉ là một dạng khát khao mô phỏng).

Những khát khao ít tính mô phỏng hơn bao gồm mong muốn vào một trường đại học vì tất cả bạn bè đều muốn vào đó, dù mong muốn này cũng có thể là do tiếng tăm của trường. Các mong muốn có thể có nhiều ảnh hưởng khác nhau, bao gồm cả các ảnh hưởng mang tính mô phỏng hoặc không. Mấu chốt là ta cần nắm được những thứ đang diễn ra và phân biệt được các ảnh hưởng khác nhau.

Vậy có những khát khao do ta hoàn toàn tạo ra không? Ta có thể là tác giả của những khát khao trong lòng mình không? Hoàn toàn có thể! Có thể bạn không tự mình tạo ra những khát khao ấy, nhưng bạn hoàn toàn có thể làm chủ và đánh dấu chủ quyền lên chúng vì bạn có quyền tự do sáng tạo.

Hãy xem thử một người với mong muốn viết một quyển sách về một chủ đề nào đó. Ban đầu mong muốn viết sách đó đến từ đâu? Hơn 1000 năm trước chẳng mấy ai viết sách. Mong muốn viết sách ồ ạt thời nay hẳn phải có một nguyên nhân xã hội nào đó – có thể một người thầy, một người bạn hay một đối thủ đã viết sách. Muốn viết một quyển sách cũng giống như bắt đầu một công ty hay làm một cú chuyển mình trong sự nghiệp, tất cả thường là sản phẩm của các tương tác xã hội.

Dù bạn có khao khát muốn trở thành tác giả viết sách hay làm điều gì khác, điểm cốt yếu là những ảnh hưởng định hình mong muốn của bạn không được cản trở bạn trong việc đặt dấu ấn riêng của bạn lên mong muốn đó. Nhiều người có thể có cùng một mục tiêu sự nghiệp hay phong cách sống, nhưng họ vẫn sẽ có những lối đi hoàn toàn khác biệt vì họ đã khám phá ra những sắc thái trong mong muốn của mình.

Trong nhiều trường hợp, một mong muốn với xuất phát từ mô phỏng có thể trở nên “ít mô phỏng” hơn khi bạn biến tấu nó theo cách của mình. Ferruccio Lamborghini đã nảy ý định muốn mở rộng sản xuất thêm dòng xe khác thay vì chỉ xe tải là do ganh đua với Enzo Ferrari, người làm ra chiếc xe hơi của ông. Khi gặp vấn đề với chiếc Ferrari của mình, ông đã đi gặp Enzo nhưng lại không nhận được phản hồi tích cực; hôm ấy, mong muốn chế tạo ra một dòng xe thể thao tốt hơn, mong muốn mà ông chưa từng nghĩ đến trước đó, đã xuất hiện.

Vậy, điều này có nghĩa là mong muốn của ông ấy chỉ là bắt nguồn từ người khác? Tất nhiên là không! Khi bắt đầu làm ra một chiếc Lamborghini, ông đã tạo ra mong muốn của riêng mình – tạo ra những chiếc xe xinh đẹp do chính mình thiết kế và do kỹ thuật của chính công ty mình sinh ra.

Câu chuyện về Lamborghini là một ví dụ điển hình cho việc các mong muốn không chỉ đứng yên trên trục ngang mà chúng có thể di chuyển. Chúng có thể đi về phía bên phải (trở nên “mô phỏng” hơn) hoặc về bên trái (ít “mô phỏng” hơn).

Sống một cuộc đời không bắt chước ai

Chống mô phỏng tức là không để bị cuốn theo những hành vi vô thức làm theo những mong muốn không phải xuất phát từ bản thân mình, là thoát khỏi tâm lý bầy đàn, thoát khỏi những mặc định làm ta vô tình đuổi theo nhiều thứ.

Ta có thể phát triển một “bộ máy” chống mô phỏng trong tư duy của bản thân – những thứ mà theo truyền thống gọi là đức tính hay thói quen của con người, chẳng hạn như tính thận trọng, lòng dũng cảm, sự can đảm và trung thực – giúp ta tiếp cận những điều sâu sắc hơn ngay cả khi dòng xoáy “bắt chước” vẫn đang xoay quanh ta. Nói cách khác, có những giá trị và mong muốn ấp ủ từ lâu của con người rất đáng được theo đuổi bất kể điều gì, bởi vì chúng chắc chắn sẽ không khiến ta thất vọng.

Người ẩn chứa các phẩm chất mạnh mẽ, dù người đó có theo tôn giáo, triết học hay gì đi nữa, thường sẽ ít nao lòng hơn trước những mong muốn tạm thời và không lành mạnh.

Chắc hẳn bạn cũng đoán ra rằng, có những nhận định xuất phát từ tôn giáo liên quan đến tất cả những điều này. Trong Lời thú tội của mình (397-400), Thánh Augustine đã viết lời nhớ ơn tới Chúa về việc ông đã nhận ra cuộc sống trước đây của mình đã luôn bị chi phối bởi những ham muốn hão huyền: “Lòng chúng con không yên khi chưa được ở bên Ngài”.

Theo Cơ đốc giáo, tất cả ước muốn đều là khao khát được tồn tại, khao khát đối với Chúa, vì Ngài là sự tồn tại toàn vẹn nhất. Tất cả các khao khát còn lại chỉ là phản chiếu hay chỉ dẫn đưa đến ước muốn vĩ đại nhất đó.

Nhưng với một người không theo tôn giáo, lời của Thánh Augustine vẫn ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Hãy tự hỏi mình: Có người nào hay thứ gì có thể đưa những khát vọng, những bồn chồn không ngừng nghỉ của ta vào trạng trái nghỉ ngơi được không? Sao có thể như vậy? Điều gì có thể cho ta niềm vui kéo dài, khiến ta không phải đòi hỏi thêm?

Những khát vọng không nguôi chưa chắc đã là điều xấu – đó là điều khiến ta dấn thân tìm kiếm nhiều hơn. Tuy vậy, những khát vọng mãi không nguôi có thể là dấu hỏi cho thấy chúng không thể làm ta thỏa mãn được.

Cô nàng trợ lý pháp lý Claire kia hiện đã là vợ tôi. Cô đã rời bỏ ngành luật và thực hiện con đường không mô phỏng ai của riêng cô ấy. Cô đã đăng ký học Thạc sĩ về thực phẩm ở Đại học New York và cuối cùng đã trở thành quản lý của một doanh nghiệp về ăn uống. Chúng tôi biết nhau qua lần gặp tại một hộp đêm ở La Mã khi cô đang nghiên cứu về thực phẩm còn tôi đang trong giai đoạn tốt nghiệp. Nhìn lại thì thật giống một trận đấu chống sự mô phỏng: có thể chúng tôi đã chẳng có cơ hội gặp nhau nếu chúng tôi chọn sống theo cách mà nhiều người khác luôn hướng đến. Những mô phỏng trong thế giới của mỗi người chúng tôi có thể đã cản trở chúng tôi gặp gỡ hay yêu nhau. Nhưng may mắn thay, vào đêm ấy, chúng tôi đã thoát khỏi những thế giới đó.

Có lẽ thái độ chống mô phỏng của ta đều bắt nguồn là một sự mở ra những thắc mắc và rồi là một khao khát được mở to mắt ra nhìn vào sự thật.

Hãy nghĩ đến những khát vọng mà bạn muốn có và vun đắp. Dù nguồn gốc của nó là từ bắt chước đi nữa cũng không quan trọng, chính chủ tâm của bạn sẽ cho phép bạn đặt dấu ấn của mình lên khát vọng đó.

Những điểm cần lưu ý – Cách tìm ra khao khát của riêng mình

1.    Khao khát về cơ bản khác với nhu cầu. Không giống như các nhu cầu sinh lý như đói và khát, khao khát là những suy nghĩ, ước muốn có được thứ mà bản thân cảm thấy tốt đẹp.

2.    Khao khát là một quá trình xã hội thông qua mô phỏng. Theo những quan sát của René Girard, mong muốn của ta thường không xuất phát từ bên trong mà ta bắt chước mong muốn của người khác

3.    Xác định những người hay những hình mẫu có ảnh hưởng đến khao khát của ta. Để kiểm soát tốt hơn những mong muốn, bước đầu tiên bạn cần làm là tìm ra những người có ảnh hưởng đến bạn.

4.    Phân loại những hình mẫu. Tìm ra ai là những người có ảnh hưởng thuộc bên trong hay bên ngoài thế giới của bạn sẽ giúp bạn nắm bắt tốt hơn các mong muốn của mình.

Xem bài viết  Những cách quản lý cơn giận giúp bạn trở nên bình tĩnh hơn

5.    Tránh bận tâm quá mức về thứ những người xung quanh ta sở hữu hoặc mong muốn. Các khát khao mô phỏng thường dẫn ta vào các cuộc ganh đua, thù địch không cần thiết.

6.    Vẽ ra các hệ thống khát khao trong đời bạn. Không chỉ những cá nhân ảnh hưởng ta mà là cả những hệ thống xã hội – thông qua xác định chúng, bạn sẽ có thể thoát khỏi vòng xoáy của chúng.

7.    Làm chủ những khao khát. Chỉ vì bạn không là “tác giả” duy nhất của những khát khao đó không có nghĩa là bạn không thể làm chủ được chúng.

8.    Sống một đời chống mô phỏng. Thoát khỏi tâm lý bầy đàn bằng cách tìm ra những điều sâu sắc hơn cho cuộc sống của riêng mình.

Tại sao điều này quan trọng?

Khát vọng mô phỏng là một phần trong con người, vì vậy nó có mặt trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Dưới đây là những ví dụ ngắn gọn và gợi ý về cách giải quyết:

Các mối quan hệ

Nhiều người không nhận ra rằng họ đang trong sự ganh đua với người yêu hoặc vợ/chồng của mình gây ra bởi mô phỏng. Nhà tâm lý học Jean-Michel Oughourlian đã ghi trong cuốn Nguồn gốc của Khát khao (2007) rằng ông nhận thấy kiểu quan hệ này luôn dao động. Ông gọi nó là mô hình bập bênh của các mối quan hệ (the infernal seesaw model of relationships).

‘Những cặp đôi vướng vào sự ghen tỵ  với nhau sẽ luôn bị kẹt trong cùng một cơ chế: các mong muốn phản chiếu của họ liên tục dao động giữa hai vị trí là chi phối và bị chi phối – mô hình quan hệ tạm gọi là “một lên và “một xuống”,’ ông viết. Nghe có vẻ kì lạ khi cho rằng có sự ghen tỵ nảy sinh giữa các cặp đôi với nhau, hay nói cách khác là họ có sự ganh đua sinh ra do mô phỏng, tuy vậy đây là điều xảy ra rất thường xuyên.

“Nếu tôi gợi ý cho chồng tui một quyển sách thì chắc chắn anh ấy sẽ không đọc nó”, một người phụ nữ kể với tôi. Các cặp “đối thủ” ganh đua với nhau do mô phỏng sẽ xem nhau là một nguy cơ đối với quyền tự do của mình.

Hãy nghiêm túc xem xét điều này trong chính các mối quan hệ của bạn – dù là tình yêu hay không – và tự hỏi rằng có phải bạn đang chơi một trò chơi không hồi kết như bập bênh hay không.

Nếu nghi ngờ bản thân đang bị cuốn vào trò chơi ấy, điều đầu tiên bạn cần làm là tìm cách đối xử thật rộng rãi với người kia mà không trông mong nhận lại thứ gì. Chuyện này có thể khá khó khăn vì nó đòi hỏi bạn phải hy sinh (vứt bỏ nhu cầu của bản thân để nhận lại thứ khác), tuy nhiên nó sẽ giúp bạn thoát khỏi cái vòng lặp ấy.

Mạng xã hội

Mạng xã hội là một bộ máy bắt chước. Mỗi lúc, mỗi ngày, các khao khát của chúng ta được định hình thông qua những con người mà ta không biết nhiều về họ. Khát khao mô phỏng chính là động cơ cho các nền tảng này.

Bỏ được mạng xã hội thì thật tuyệt, nhưng đối với nhiều người thì điều này không thực tế. Dù vậy, có một điều ta có thể làm, đó là cực kì thận trọng và có chủ tâm đối với những người mà bạn theo dõi trên mạng xã hội. Hãy dành ít thời gian ngẫm nghĩ xem những người mà bạn đang theo dõi đã định hình các kiểu khát khao nào trong bạn. Hãy tự hỏi: Người mà mình đang theo dõi đây có đang khiến mình phát triển những mong muốn tích cực và hướng đến điều tốt đẹp hơn không? Hay họ chỉ đang khiến mình lo âu nhiều hơn? Đồng thời, hãy hiểu rằng mọi thứ bạn nói hay làm cũng tạo ra những hình mẫu khát vọng cho người khác.

Phát triển sự nghiệp

Những công việc trường tồn, ổn định ngày nay rất hiếm. Có nhiều người tạo được bước ngoặt trong sự nghiệp, tuy nhiên không dễ để tìm cho mình một hướng đi đúng. Việc xác định và phát triển vài mong muốn khắc sâu – động lực cho những điều bạn làm có thể giúp ích nhiều, thay vì cứ mải nghĩ từ hướng những công việc thông thường hay các công ty tổ chức.

Vậy, động lực cốt yếu của bạn là gì? Điều gì đang tiếp sức cho bạn, và đã ở bên cạnh bạn xuyên suốt? Việc xác định được nó rất quan trọng vì bạn cần có động lực cốt yếu bên cạnh thì mới làm tốt được mọi công việc mà bạn trải qua. Lấy ví dụ, nhiều người có ước muốn cốt lõi là “hiểu và truyền đạt” – một động lực bền bỉ và có cảm hứng dể giúp họ làm bất cứ điều gì bất chấp hoàn cảnh. Tình cờ thay, đây cũng là một trong những mong muốn cốt lõi của tôi, đó cũng là lý do tôi thích viết sách. Nhưng đối với tôi, thấu hiểu điều gì đó chỉ có ý nghĩa khi tôi cũng tìm được cách để truyền đạt nó. Và vì tôi hiểu điều đó, tôi luôn đảm bảo rằng các dự án kéo dài mà tôi đảm nhận luôn cho tôi cơ hội để luôn hiểu và truyền đạt. Nếu xác định được những mong muốn cốt lõi của mình, bạn sẽ có một công cụ đắc lực để giải quyết những trăn trở trong công việc – chính vì bạn có thể giải quyết được cái sự mô phỏng kia.

Sở hữu

“Không có thứ gì làm phiền con người, chỉ có con người cảm thấy chúng phiền”, nhà triết học Stoic Epictetus viết. Những khát vọng mô phỏng khiến ta chú ý đến thứ gì đó bởi vì những người xung quanh cũng yêu thích nó. Khi hình mẫu khát vọng không còn thì niềm yêu thích của ta cũng biến mất.

Vấn đề nằm ở những người mà ta quan tâm nhất chứ không phải ở vật. Nếu có thể xác định được bản thân say mê một thứ thế nào chỉ vì liên hệ của nó với một người nào khác, bạn có thể bắt đầu giải thoát bản thân khỏi điều đó.

Các bạn của tôi là Joshua Fields Millburn và Ryan Nicodemus, tác giả của podcast The Minimalists (người thích những điều tối giản), đã miệt mài khám phá ra cách để sống ít quan tâm vật chất nhất có thể. “Con người là để yêu, vật chất chỉ sinh ra để phục vụ”, họ nói. Một lời khuyên rất sáng suốt, mọi thứ vật chất ta sở hữu, từ những chiếc tivi đến NFT, đều sinh ra chỉ để phục vụ ta. Từ góc nhìn của khát vọng mô phỏng, những thứ thuộc về vật chất cũng là bùa hộ mệnh cho những mong muốn ẩn sâu hơn. Theo Girard, tất cả mong muốn đều sinh ra như một phần của mong muốn tồn tại.

Vì vậy, trước khi đuổi theo một thứ vật chất nào đó, hãy tự hỏi xem thứ đó sẽ góp phần khiến bạn trở thành người thế nào, nếu câu trả lời không làm bạn vui, có lẽ bạn nên ngẫm lại xem mình có thật sự nên theo đuổi nó không.

Lối sống

Hashtag #VanLife trên Instagram vào năm 2020 đã làm nhiều người mê mệt. Đó là một trend mô tả về cuộc sống trên những căn nhà di động và chia sẻ trải nghiệm đó lên mạng xã hội. Tuy nhiên, giờ đây ai cũng biết rằng đằng sau những hình ảnh đẹp đó là vô vàn bất lợi khi phải sống cùng một người khác trong thời gian dài bên cạnh những lo âu và thiếu thốn, vì chiếc xe đó chẳng thể nào bằng được một ngôi nhà.

Nhiều người bắt đầu cuộc hành trình tương tự mà không lường trước cái giá phải trả về tâm lý. Giờ ta đã thấy rằng nhiều người trong số họ cảm thấy hối hận, thậm chí vài người còn qua đời vì bệnh tâm lý – không giống như những hình ảnh tự do đẹp đẽ mà họ đăng tải.

Điều tương tự diễn ra với cuộc sống trang trại. Nhiều người mơ về cuộc sống trong một trang trại, ngày ngày chăm sóc vật nuôi mà bỏ quên sự thật rằng họ phải dọn chuồng bò hay cho heo ăn mỗi sáng.

Mọi người thường nghĩ rằng “Giá như mình được sống trong thành phố/ngôi nhà/khu phố/đất nước đó, mọi thứ sẽ tốt hơn nhiều”. Nhưng khi nói về lối sống, không thực sự tồn tại một lối sống nào toàn vẹn, không có vấn đề nảy sinh, hay là con đường màu hồng dẫn tới hạnh phúc.

Nhiều khả năng nếu bạn không thấy vui với nơi của mình hiện tại, dù bạn có ở đâu cũng khó có thể tìm được niềm vui. Hạnh phúc mà bạn theo đuổi vẫn sẽ luôn ở đâu đó ngoài kia, nhưng những khát vọng mô phỏng xấu xa sẽ tiếp tục tóm lấy và kiểm soát bạn.

Mặt khác, có những giá trị bền bỉ như sức khỏe, khả năng sáng tạo hay cơ hội chia sẻ bữa ăn với người khác sẽ không bao giờ trở nên lỗi thời, và những cách theo đuổi những giá trị đó cũng nhiều vô kể. Lối sống là thứ sinh ra từ những giá trị và nguyên tắc của con người chứ không phải từ một con số ngẫu nhiên nào đó hay một chiếc chìa khóa dẫn đến một nơi mới mẻ nào đó.

Không có một hình mẫu toàn diện cho một cuộc đời mà bạn ao ước vì bạn là duy nhất và chỉ xuất hiện một lần, mỗi dấu ấn của bạn trên thế giới này cũng là độc nhất thuộc về riêng bạn. Những người đi sau bạn có thể sẽ hình thành những khao khát dựa trên hình mẫu là bạn, nhưng họ cũng sẽ phải bước vào con đường tìm cách biến mình thành một lãnh đạo siêu việt dẫn dắt chính họ trước một thế giới chỉ toàn là bắt chước. Cơ hội của bạn hiện tại và di sản mà bạn để lại sau này chính là tìm ra các dấu ấn, các khát vọng của người khác và biến tấu chúng trở thành những điều mới mẻ và tốt đẹp của riêng bạn.

Tác giả: Luke Burgis 

Bài báo: How to know what you really want

Ảnh: Thanh-Trúc Nguyễn

Leave a Comment

Scroll to Top