Tranquil

Đau Buồn Khi Mất Người Thân – Phần 1

Mất mát là điều gắn kết con người lại với nhau, và đau buồn là một phần của cuộc sống mà chúng ta sẽ trải qua khi gặp phải mất mát, chẳng hạn như khi một người nào đó qua đời, mất việc làm, mất một mối quan hệ, mất hy vọng, mơ ước, hoặc những thứ quan trọng khác.

Những cảm xúc mạnh mẽ gây ra bởi mất mát và đau buồn vốn là điều bình thường và tự nhiên, vì vậy chúng thường không được “chẩn đoán” như những tình trạng khác như lo âu hoặc trầm cảm. Chúng ta không có một quy chuẩn đúng đắn nào cho việc tiếc thương và cũng không có cách nào để nỗi đau nhanh chóng chấm dứt, nhưng có những cách mà bạn có thể làm để giúp bản thân đối mặt với sự mất mát.


Khi trải qua mất mát, theo một cách tự nhiên, bạn sẽ cảm nhận được nhiều loại cảm xúc khác nhau, và nỗi đau có thể sẽ khiến bạn cảm thấy quá tải. Đau buồn là một phản ứng cảm xúc và thể chất mạnh mẽ đối với sự mất mát của một người hoặc một vật nào đó. Đặc trưng của đau buồn là những cảm xúc buồn khổ sâu sắc, và thường là một khao khát mãnh liệt được ở bên cạnh người đã mất một lần nữa.

Các ảnh hưởng khác của đau buồn bao gồm cảm giác trống rỗng hoặc tê liệt, giống như thể mọi thứ chẳng còn có ý nghĩa gì nữa, hoặc bạn có thể cảm thấy giận dữ với bản thân vì những cảm xúc của bạn không đúng với những gì mà bạn “nên” làm. Bạn có thể cảm thấy tức giận vì người bạn yêu thương đã ra đi và bỏ bạn ở lại. Có thể những người xung quanh mong muốn bạn vượt qua nỗi đau để tiếp tục sống nhưng điều đó lại khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Bạn cũng có thể lo lắng rằng mình sẽ không bao giờ có thể cảm thấy khá hơn, hoặc mình sẽ không bao giờ vượt qua được mất mát này.

Đau buồn có thể cảm nhận được dưới dạng thể lý: bạn có thể gặp khó khăn với việc ăn uống hay ngủ nghỉ, hoặc bạn có thể cảm thấy bụng dạ không được khỏe. Những cảm xúc này có thể đến như những đợt sóng, hết cơn sóng này rồi lại đến cơn sóng khác. Chúng đều là những phần bình thường của nỗi đau. Mặc dù đau đớn nhưng quá trình đau buồn là một phần quan trọng giúp chúng ta đối mặt với sự mất mát.

Những cảm xúc mạnh mẽ gây ra bởi mất mát và đau buồn vốn là điều bình thường và tự nhiên, vì vậy chúng thường không được “chẩn đoán” như những tình trạng khác như lo âu hoặc trầm cảm. Chúng ta không có một quy chuẩn đúng đắn nào cho việc tiếc thương, và cũng không may là không có cách nào để nỗi đau nhanh chóng chấm dứt.

Tuy không thể đi đường tắt nhưng có những điều mà bạn có thể làm để giúp bản thân trong hành trình này. Hãy bắt đầu học cách kiên nhẫn, dịu dàng và thấu hiểu đối với chính mình, giống như cách mà bạn sẽ làm nếu một người bạn thân của bạn gặp phải tình huống tương tự. Đây là một hành trình khó khăn nên đối xử tốt với bản thân có thể sẽ hỗ trợ được bạn trong suốt chặng đường.

Đau buồn là như thế nào?

Gloria và Mario

Ông Mario qua đời vì ung thư tuyến tiền liệt khi bà Glorio 62 tuổi. Không may rằng, bệnh tình của ông chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn khá nặng. Ông Mario đã được phẫu thuật, sử dụng liệu pháp hormon và hóa trị. Bà Gloria đã ở bên cạnh ông mỗi ngày; bà mong mỏi và cầu nguyện rằng ông sẽ bình phục, nhưng sau mỗi lần trị liệu, ông lại yếu dần đi. Sau hai năm phát hiện bệnh thì cuối cùng, ông được chuyển đến nhà an dưỡng cuối đời và ở lại đó ba tuần trước khi mất. Lúc ấy, bà Gloria đã hiểu rằng chồng bà sẽ không bao giờ trở về nhà được nữa.

Hai ông bà đã kết hôn được bốn mươi hai năm. Họ có với nhau ba mặt con và sáu người cháu. Trong những năm tháng sống cùng nhau, họ đã trải qua nhiều thăng trầm, và cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng. Ông Mario thích uống rượu và điều này đã gây ra căng thẳng kéo dài đối với họ trong suốt thời gian chung sống. Nhưng mặc kệ những khó khăn ấy, họ rất yêu thương nhau và mong chờ được làm nhiều điều cùng nhau khi cả hai nghỉ hưu. Tuy nhiên, chính vào lúc này, căn bệnh của ông Mario được phát hiện.

Bà Gloria trở thành người chăm sóc cho ông, điều này gây khó khăn cho cả hai vì Mario là một người rất tự lập. Ông trở nên yếu dần khi bệnh ung thư di căn và cần được giúp đỡ nhiều hơn trong sinh hoạt hằng ngày. Có những lần, chăm sóc cho Mario khiến bà Gloria mệt mỏi và cảm thấy rằng mình phải làm quá nhiều việc, nhưng bà không bao giờ kêu than và cố gắng không thể hiện cảm xúc của mình.

Khi ông Mario được chuyển đến nhà an dưỡng cuối đời, bà Gloria đã trải qua nhiều cảm xúc lẫn lộn. Bà sợ hãi, biết rằng cái chết của ông ấy sắp xảy ra, và bà lo lắng rằng mình sẽ sống thế nào nếu không có ông ấy. Mặt khác, bà lại cảm thấy nhẹ nhõm vì bà không còn phải ngày đêm chăm sóc cho ông nữa. Điều này khiến bà cảm thấy có lỗi, bà hổ thẹn vì có suy nghĩ như vậy.

Xem bài viết  Giải phóng các “gánh nặng cảm xúc" & những áp lực đi kèm với chúng 

Trong thời gian ông Mario ở tại nhà an dưỡng, bà Gloria đã ở đó mỗi ngày. Bà đọc sách cho ông nghe, bật những bài nhạc mà ông thích, và hỗ trợ y tá chăm sóc cho ông. Vào ngày mà ông mất, trước đó bà Gloria rời khỏi nhà an dưỡng để đi mua bánh cho các y tá. Khi bà trở lại, bà được báo rằng ông Mario đã qua đời. Các y tá cho biết rằng ông đã ra đi trong thanh thản. Bà Gloria cảm thấy cực kỳ có lỗi vì đã không ở bên cạnh ông trong những thời khắc cuối cùng, và điều này luôn lặp đi lặp lại trong tâm trí của bà.

Căn nhà của hai người trở nên trống trải sau khi Mario qua đời, và cuộc đời của bà Gloria cũng vậy. Một thời gian ngắn ngay sau khi ông mất, căn nhà luôn đầy ắp các thành viên khác, còn bà thì bận bịu lên kế hoạch tổ chức tang lễ. Sau đó, khi mọi thứ trở nên yên ắng hơn, bà cảm thấy bất lực và không biết phải làm gì với bản thân. Những năm qua, bà đã luôn bận rộn mỗi ngày với việc chăm sóc cho Mario, đến nỗi bà không thể nhớ được cuộc sống trước đây như thế nào. Nhưng bà cũng cảm thấy nhẹ nhõm một phần vì ông ấy không còn phải đau đớn nữa.

Vì Mario đã không được khỏe trong suốt một thời gian dài nên bà Gloria cũng phần nào nghĩ rằng mình đã sẵn sàng nếu ông qua đời. Tuy nhiên, bà đã bị sốc bởi sự tuyệt vọng sâu sắc và khao khát mà bà dành cho ông khi ông mất đi. Gloria thường nghĩ về những nuối tiếc – những điều mà bà ước rằng mình đã nói hoặc đã làm. Bà ước rằng mình đã không tranh cãi với Mario về việc uống rượu của ông, và bà hy vọng rằng khi ra đi ông không mang theo những ký ức về những lời cằn nhằn của bà. Bà nghĩ về tương lai mà cả hai không bao giờ có được. Bà không thể tưởng tượng nổi cuộc sống của mình sẽ như thế nào nếu thiếu đi ông ấy.

Gloria cố giữ cho mình bận rộn để trốn tránh nỗi đau. May mắn thay, các con và các cháu của bà sống gần đó, bà có thể thường xuyên ghé thăm và giúp đỡ việc chăm sóc cho lũ trẻ. Các con của bà cho bà biết rằng bà đã mạnh mẽ như thế nào, và khen ngợi cách mà bà đối phó với mọi chuyện.

Tuy nhiên, sâu trong thâm tâm, bà biết rằng bản thân phải rất nỗ lực để dằn lại những cảm xúc thật của mình. Khi bản nhạc mà ông Mario yêu thích vang lên trên radio, bà đau đớn như ai đó vừa đánh mạnh vào bụng mình vậy. Việc bận rộn khiến Gloria vượt qua được vào ban ngày, nhưng khi đêm về, bà sẽ nằm trằn trọc mãi mà không thể ngủ. Bà nhớ ông Mario vô cùng và khao khát được cùng ông sống cuộc sống sau khi nghỉ hưu mà cả hai đã lên kế hoạch. Bà Gloria bắt đầu cảm thấy rất mệt mỏi vì công việc và thiếu ngủ.

Cuối cùng thì nỗi đau buồn cũng bắt kịp và nhấn chìm bà. Bà không còn có thể thức dậy vào buổi sáng và cảm thấy như tất cả niềm vui trong cuộc sống của mình đã cạn sạch.

Các khía cạnh của tham vấn mà bà Gloria cảm thấy hữu ích

Bà Gloria tìm gặp một nhà tham vấn cho người mất đi người thân (bereavement counselor) sau khi con gái bà gợi ý rằng sẽ tốt hơn nếu bà trò chuyện với một ai đó. Khi tham vấn, bà cảm thấy mình được lắng nghe. Bà bắt đầu kể về việc mình đã gặp khó khăn như thế nào. Bà cảm nhận được rằng nhà tham vấn không ở đó để phán xét mà để lắng nghe câu chuyện của bà.

Gloria cảm thấy rất hữu ích khi trò chuyện với nhà tham vấn về cuộc sống của bà với Mario và việc ông ấy đã qua đời như thế nào. Bà chia sẻ sự tiếc nuối khi đã không ở cạnh bên Mario khi ông trút hơi thở cuối cùng, và cảm giác tội lỗi vì đã cảm thấy nhẹ nhõm khi ông ra đi. Nhà tham vấn đã giúp bà nhận ra rằng đó đều là những phản ứng bình thường. Điều này đã giúp bà Gloria tha thứ cho mình và thái độ của bà đối với bản thân cũng trở nên mềm mỏng hơn.

Khi tham vấn, bà Gloria cũng chia sẻ những nỗi sợ của bà về tương lai. Bà cảm thấy tương lai thật ảm đạm và tối tăm. Bà cảm thấy mình vô dụng, các con của bà đều đã trưởng thành và không cần đến bà nhiều như trước nữa. Gloria không thể tưởng tượng cuộc sống sẽ như thế nào nếu không có Mario. Bà cũng cảm thấy có lỗi, không muốn buông bỏ hoặc tiếp tục mà không có ông ấy. Nhà tham vấn đã giúp Gloria nhận ra rằng đau buồn không phải là buông bỏ hay tiếp tục, mà thay vào đó là học cách sống mà không có ông Mario trong khi luôn giữ ông ấy trong tim.

Xem bài viết  Làm thế nào để "Ngôi Nhà Thứ Hai" thành nơi ta muốn trở về?

Gloria cũng cảm thấy hữu ích khi tìm hiểu về những cách khác nhau để hiểu được những gì bà ấy đã trải qua. Bà biết được rằng kìm nén cảm xúc và “tỏ ra mạnh mẽ” làm cản trở việc xử lý các cảm xúc của mình. Bà cảm thấy rất hữu ích khi nói chuyện với các con về việc họ đã vô tình khuyến khích bà ‘tỏ ra mạnh mẽ’. Điều đó cũng giúp mọi người cởi mở hơn về nỗi đau của họ, và với tư cách là một gia đình, họ bắt đầu nghĩ đến những việc làm để tưởng nhớ ông Mario, cũng như giữ cho ông sống mãi trong trái tim và ký ức của họ. Bà Gloria lo lắng không biết mình sẽ phải làm gì trong ngày sinh nhật của Mario, nhưng cả gia đình đã quây quần bên nhau và cùng nhớ về cuộc đời của ông ấy.

Nhà tham vấn đã khuyến khích bà kể về cuộc sống của bà và Mario cùng tất cả những kỷ niệm đẹp mà họ đã có với nhau. Gloria đã làm một cuốn sổ ký ức để tập hợp tất cả những bức ảnh và những thứ khiến bà nhớ đến Mario. Bà thích tìm ra những cách để tưởng nhớ ông ấy và cảm thấy nhẹ nhõm khi không bị bao phủ bởi cảm giác tội lỗi nữa.

Tuy mất nhiều thời gian nhưng bà Gloria đã có thể bắt đầu suy nghĩ về tương lai của mình. Bà bắt đầu thử những thú vui mới và gặp gỡ bạn bè thường xuyên hơn. Bất cứ khi nào cảm thấy có lỗi, bà sẽ tưởng tượng những gì Mario sẽ nói với bà, điều này giúp Gloria cảm thấy dễ chịu hơn. Bà biết rằng ông ấy muốn bà có một cuộc sống đủ đầy và hạnh phúc. Ông cũng muốn bà tận hưởng thời gian nghỉ hưu của mình nữa. Cuộc đời bà vẫn còn đó những thăng trầm, nhưng bà đã tìm lại được lẽ sống.

Mất mát là gì?

Nhắc đến mất mát, chúng ta thường nghĩ về sự qua đời của một người thân. Nhưng chúng ta cần phải thừa nhận rằng con người cũng có thể đau buồn khi đối mặt với những mất mát khác như: một mối quan hệ tan vỡ, mất đi điều gì đó quan trọng như công việc, hoặc mắc phải một căn bệnh khiến cuộc sống thay đổi. Bài viết này phần lớn đề cập đến đau buồn khi mất người thân, nhưng những hướng dẫn sau đây cũng có thể áp dụng cho những mất mát khác.

Các loại mất mát

Khi ai đó qua đời, bạn có thể trải qua nhiều mất mát. Một phần của đau buồn là khi bạn nhận ra rằng bạn đã mất đi những gì. Mất mát đi kèm với nhiều thay đổi mà không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy được ngay lập tức. Có những mất mát về con người và sự hiện diện của họ, và cũng có những mất mát ít hữu hình khác như:

  • Mất đi cuộc sống chung, bao gồm những điều cả hai đã làm cùng nhau và cho nhau.
  • Mất đi một tương lai chung, bao gồm tất cả niềm hy vọng, mơ ước và kế hoạch cho tương lai của cả hai.
  • Mất đi cuộc sống xã hội chung.
  • Mất đi tất cả những gì mà người thân yêu của bạn đã làm cho bạn. Họ có thể là người giải quyết các vấn đề trong nhà, hoặc người quản lý tài chính của bạn.

Các đặc điểm của mất mát

Không phải tất cả các mất mát đều giống nhau và không phải mọi mất mát đều ảnh hưởng đến chúng ta theo cùng một cách. Hoàn cảnh của mất mát có thể ảnh hưởng đến cách đau buồn của bạn. Một số đặc điểm của mất mát có thể ảnh hưởng đến cách bạn đau buồn bao gồm:

Cách thức của cái chết và thời gian để bạn chuẩn bị cho điều này
  • Dự kiến và mong đợi. Ví dụ, bạn đã biết rằng người thân của mình sẽ qua đời sau một thời gian dài mắc bệnh. Cái chết của họ có thể vẫn đem lại tác động tương tự, nhưng trong những trường hợp này, một số người nhận thấy rằng họ bắt đầu đau buồn trước khi người đó qua đời, hoặc ngay khi biết về căn bệnh.
  • Bất ngờ và không mong đợi. Bạn có thể mất đi người thân một cách bất ngờ do biến cố sức khỏe hoặc do tai nạn. Rơi vào trạng thái bàng hoàng và hoài nghi là điều bình thường trong khi tâm trí và cơ thể bạn đang cố gắng hiểu chuyện gì đã xảy ra.
  • Đau thương hoặc bạo lực. Người thân của bạn có thể đã qua đời theo một cách bi thảm hoặc có thể đã tự sát. Những trường hợp này, sự đau buồn và bàng hoàng thường mạnh mẽ hơn.
Mối quan hệ của bạn và người đã mất

Mối quan hệ của bạn và người đã mất cùng với chất lượng của mối quan hệ có thể ảnh hưởng đến sự đau buồn mà bạn trải qua. Mức độ gần gũi về tình cảm, vai trò của người này trong cuộc sống của bạn và cảm xúc của bạn dành cho họ khi họ còn sống là tất cả những yếu tố có thể ảnh hưởng đến cách bạn thương tiếc họ.

Phản ứng của những người khác

Cách mà những người khác phản ứng có thể hỗ trợ hoặc cản trở sự đau buồn của bạn. Mọi người xung quanh thường muốn chúng ta cảm thấy tốt hơn . Tuy nhiên, điều này đôi khi làm cho chúng ta không có cơ hội để thực sự nói về những cảm nhận hiện tại.

Xem bài viết  Đau Buồn Khi Mất Người Thân - Phần 2
Những điều khác trong cuộc sống

Những điều khác đang diễn ra trong cuộc sống của bạn có thể ảnh hưởng đến khoảng không gian mà bạn dành để đau buồn. Bạn có thể cảm thấy áp lực khi phải chăm sóc cho những người khác, tiếp tục sống như bình thường hoặc trở lại làm việc sớm hơn dự kiến.

Đau buồn là gì?

Đau buồn khi mất đi người thân không chỉ là nỗi buồn thông thường. Bạn thường sẽ bị choáng ngợp bởi nhiều loại cảm xúc và cảm giác khác nhau xảy ra trong cơ thể khi nỗi đau biến đổi theo thời gian. Nỗi đau sẽ khác nhau tùy theo mỗi người, và mỗi người sẽ có những cách riêng để giải quyết nó.

Ảnh hưởng của đau buồn có thể được phân loại thành ba nhóm: suy nghĩ, cảm xúc và hành vi. Bạn có thể sẽ trải qua tất cả, một vài, hoặc không gặp phải bất kỳ điều nào thuộc bảng sau.

Bạn có thể sẽ suy nghĩ và nhớ những gìCảm xúc và thể chất của bạn có thể sẽ như thế nàoBạn có thể sẽ hành động như thế nào
• Suy nghĩ về sự bất công
• Lo lắng rằng bạn sẽ phải đối phó như thế nào
• Tức giận vì người ấy bỏ bạn mà đi
• Suy nghĩ rằng bạn không thể tiếp tục sống
• Suy nghĩ về những điều mà bạn đã nên làm hoặc nói
• Suy nghĩ về cách mà mọi thứ sẽ thay đổi
• Suy nghĩ về những điều mà bạn sẽ nhớ
• Nhớ về những lần trò chuyện (hoặc cãi vã)
• Ước gì bạn đã làm mọi thứ theo một cách khác
• Những ký ức không mong muốn
• Những giấc mơ hoặc ác mộng
• Những ký ức vui vẻ
• Suy nghĩ rằng họ đã an nghỉ
• Suy nghĩ rằng họ đã không còn đau đớn
• Nhìn thấy hoặc nghe thấy người thân yêu của bạn
• Những cảm xúc mạnh
• Sợ hãi
• Lo âu
• Cảm giác tội lỗi
• Hối tiếc
• Trống rỗng
• Vô vọng
• Vô dụng
• Tức giận
• Buồn bã
• Ao ước
• Khao khát
• Khó chịu
• Hay quên
• Cáu kỉnh
• Mệt mỏi
• Đau đớn
• Đau nhói tim
• Trống trải
• Không cảm nhận được gì
• Sửng sốt
• Hoài nghi
• Cảm thấy ốm yếu
• Không thể ăn
• Không thể ngủ
• Uể oải 
• Nhẹ nhõm
• Bình yên
• Hài lòng
• Ngừng lại và ngẫm nghĩ
• Tránh những điều có khả năng gợi nhớ
• Tránh ở một mình
• Tránh ở cạnh những người khác
• Tiếp tục sống như bình thường
• Giữ cho bản thân bận rộn
• Nói với mọi người rằng bạn ổn
• Không ra khỏi giường
• Ngừng làm những điều mà bạn đã từng làm
• Uống rượu
• Đánh lạc hướng bản thân
• Cư xử liều lĩnh, làm những việc rủi ro
• Nhớ về người đã mất
• Viếng thăm nơi an nghỉ của họ
• Muốn ở cạnh bên họ
• Nói chuyện với họ
• Ngắm những bức hình
• Trò chuyện cùng những người thân thiết với người đã mất
• Xem qua đồ đạc của họ

Đau buồn thường đến như những đợt sóng sóng. Ban đầu, bạn có thể cảm thấy chúng thật dữ dội và choáng ngợp. Những đợt sóng này có thể đến bất ngờ hoặc bị kích hoạt khi bạn được gợi nhắc về người đã mất. Khi mất đi một ai đó, lúc ban đầu, bạn có thể cảm thấy những đợt sóng đau buồn khổng lồ kéo đến liên tục, đến mức đôi khi chúng xuất hiện dồn dập khiến bạn không kịp bình tâm.

Theo thời gian, kích thước của những đợt sóng sẽ thu nhỏ lại và tần suất xuất hiện của chúng cũng giảm dần. Nhiều tuần, nhiều tháng, nhiều năm trôi qua, bạn sẽ trải qua nhiều ‘lần đầu tiên’ khi cuộc sống của bạn không còn người thân yêu đó. Bữa tối đầu tiên, chuyến đi siêu thị đầu tiên, sinh nhật đầu tiên của bạn mà không có họ. Trong mỗi khoảnh khắc này, tự nhiên bạn sẽ cảm nhận được sự vắng mặt của họ, và những đợt sóng đau buồn sẽ được kích hoạt trở lại.

Các đợt sóng đau buồn
Đau buồn thường đến như những “đợt sóng”. Đầu tiên, các đợt sóng có cảm giác dữ dội và thường xuyên, nhưng theo thời gian, chúng có xu hướng dãn ra và dễ kiểm soát hơn.

Sự khác biệt giữa đau buồn bình thường và đau buồn phức tạp

Chúng ta không có một quy chuẩn để đau buồn. Chúng ta cũng không có một quy định nào về mức độ đúng đắn của nỗi đau. Tuy nhiên, đau buồn ở một số người dường như kéo dài hơn những người khác, phát triển theo một hướng khác và không thuyên giảm theo thời gian. Các nhà tâm thần học thường gọi đây là ‘Đau buồn kéo dài’ (Prolonged Grief) hoặc ‘Rối loạn mất người thân phức tạp dai dẳng’ (Persistent Complex Bereavement Disorder). Khác biệt chính so với đau buồn ‘bình thường’ là các phản ứng đau buồn sẽ tiếp tục diễn ra với cường độ mạnh đến mức không thể chịu đựng được trong thời gian dài hơn dự kiến và tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của người mất đi người thân.

Các 'quỹ đạo' khác nhau của nỗi đau
Minh họa về các ‘quỹ đạo’ khác nhau của đau buồn. Loại phổ biến nhất là ‘đau buồn kiên cường’ (resilient grief). ‘Đau buồn kéo dài’ thường đi theo quỹ đạo của ‘đau buồn mãn tính’.

Nếu bạn đang gặp khó khăn với phản ứng đau buồn kéo dài, bạn có thể cảm thấy như thể mình đang ở dưới vực thẳm của nỗi đau. Bạn có thể cảm thấy choáng ngợp bởi một niềm khao khát mãnh liệt dành cho người đã mất. Đó có thể là một cuộc đấu tranh thực sự để tiếp tục cuộc sống hàng ngày của bạn. Bạn cũng có thể cảm nhận rằng mình không thể tiếp tục những việc đã từng làm trước đây, chẳng hạn như làm việc, giao lưu và gặp gỡ bạn bè và gia đình. Phản ứng đau buồn kéo dài có nhiều khả năng xảy ra khi mất mát đặc biệt đau thương, chẳng hạn như khi mất đi một người con, hoặc mất người thân trong những hoàn cảnh đột ngột, bạo lực hoặc bi thảm.

Những người khác có thể phản ứng như thế nào trước mất mát và đau buồn của bạn

Bạn bè và những người thân yêu của bạn muốn hỗ trợ bạn là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, đôi khi bạn sẽ thấy rằng cách phản hồi của họ có thể không giúp ích được gì. Ví dụ, những người khác có thể sẽ:

  • Cảm thấy không thoải mái hoặc không biết phải nói gì.
  • Cảm thấy khó khăn khi nói về mất mát của bạn và thay đổi chủ đề của cuộc trò chuyện.
  • Tránh né bạn.
  • Hy vọng rằng bạn sẽ cảm thấy tốt hơn và tiếp tục cuộc sống trước khi bạn cảm thấy sẵn sàng.
  • Không biết phải phản hồi như thế nào theo cách bạn cần.
  • Nói những điều như “bạn vẫn chưa vượt qua được sao?”
  • Muốn trò chuyện về nỗi đau với bạn quá mức.
  • Phớt lờ hoặc động viên bạn trong khi bạn thật lòng chỉ muốn tâm sự.

Hãy nhớ rằng bạn có thể cho mọi người biết bạn cần hoặc không cần những gì. Đau buồn có thể giống như một chuyến tàu lượn siêu tốc. Sẽ có lúc bạn muốn trò chuyện, những lúc khác thì không. Đôi khi bạn muốn bị phân tâm để không nghĩ về mất mát đó. Những lúc khác, tất cả những gì bạn muốn làm là nói về cảm giác của bạn. Bạn có thể không biết mình cần gì từ những người khác. Điều này có thể làm cho bản thân bạn cũng như họ cảm thấy bối rối. Hãy nhớ rằng không có một quy chuẩn nào cho cảm xúc của chúng ta. Tất cả mọi cảm xúc của bạn đều là điều bình thường.

(còn tiếp)

Dịch từ: Grief, Loss, and Bereavement

Leave a Comment

Scroll to Top