Chúng ta có rất nhiều quan niệm sai lầm về “sự chấp nhận”. Chúng ta nghĩ rằng chấp nhận có nghĩa là nhận được sự đồng tình, thích một thứ gì đó, một cách kiêng cưỡng, thoái lui hoặc đánh mất bản thân. Nhưng khi tôi trải nghiệm trên chính mình hoặc cùng với các thân chủ làm việc về sự chấp nhận, tôi lại có một lập trường khác.
Sự chấp nhận không nằm ở thế giới bên ngoài. Chấp nhận có nghĩa là tạo thêm không gian cho thế giới bên trong, cho sự xuất hiện của các sự kiện riêng tư làm bạn khó chịu. Kirk Stroshal, một trong những nhà đồng sáng lập của Liệu pháp Chấp Nhận & Cam Kết, sử dụng từ viết tắt TEAMS để mô tả chúng:
T – Thoughts (Suy nghĩ)
E – Emotions (Cảm xúc)
A – Action Urges (Hành động khẩn cấp)
M – Memories (Ký ức)
S – Sensations (Cảm giác)
Bạn không cần phải “thích” mẹ chồng/mẹ vợ của bạn, cơ thể của bạn, hay một quan điểm chính trị khác, nhưng bạn có thể học cách chấp nhận những cảm xúc, suy nghĩ và ký ức xuất hiện khi có sự hiện diện của những thứ trên. Nếu cụm từ “chấp nhận” khiến bạn cảm thấy không thoải mái, hãy chuyển sang những cụm từ khác như:
- Cho phép
- Tạo không gian
- Tò mò
- Cởi mở
- Trở nên dũng cảm
Gần đây, tôi đã có mặt tại một hội thảo với Jack Kornfield. Anh ấy đã đưa ra lời khuyên tuyệt vời về việc nên làm gì nếu bạn cảm thấy bồn chồn trong lúc thiền định. Bắt đầu bằng cách xác định nó là sự “bồn chồn” và tập trung vào hơi thở của bạn. Nhưng nếu sự bồn chồn của bạn trở nên phiền nhiễu quá mức và khiến bạn mất tập trung đến mức không thể chịu đựng được nữa, bạn có thể nói, “Thôi được rồi, tôi sẽ là người đầu tiên chết vì bồn chồn trong lúc thiền định! ”
Bồn chồn là một điều khá lành tính, nhưng ví dụ như giữa đêm khuya, bạn trở nên lo lắng, đau buồn, hay xấu hổ thì sao? Nếu chúng ta phản ứng lại một cách tương tự thì sẽ thế nào? Tôi chưa bao giờ gặp một thân chủ nào chết vì lo âu, nhưng tôi đã gặp nhiều người mất nhiều năm cuộc đời để cố gắng kiểm soát nó bằng các chất gây nghiện, né tránh hoặc tuân theo các quy tắc cứng nhắc.
Sự chấp nhận đòi hỏi chúng ta phải vận dụng toàn bộ cơ thể – chúng ta cần chấp nhận bằng cả thân, tâm và trí để nhận được toàn bộ lợi ích. Khi bạn hoàn toàn chấp nhận ở cả ba cấp độ, phước lành sẽ đến với bạn, và sự tự nguyện sẽ đem lại cho bạn sự tự do.
Như Jack Kornfield đã ám chỉ trong lời dạy của mình, ngay sau khi bạn sẵn sàng chết vì bồn chồn hoặc bất kỳ trải nghiệm nào bên trong bạn, chúng sẽ không còn bám lấy bạn nữa. Buông bỏ sự kiểm soát sẽ cho phép bạn tự do để ở lại lâu hơn với những gì đang có.
Cách để chấp nhận bằng cả thân – tâm – trí
Chấp nhận bằng Trí: Bộ Não YES “Có/ Được/ Đồng thuận”
Một bài tập mà tôi đã thực hiện trong thời gian xảy ra đại dịch là phương pháp thở Wim Hof. Với mong muốn tăng cường hệ thống miễn dịch của mình, tôi đã thử phương pháp này vì nó được cho là sẽ kích hoạt hormesis (loại căng thẳng tốt), từ đó giúp tăng cường sức mạnh cho cơ thể. Tôi không biết liệu nín thở có lợi cho sức khỏe hay không, nhưng điều đó thật kỳ diệu đối với khả năng chấp nhận sự khó chịu của tôi.
Tôi nhanh chóng nhận ra rằng nếu tôi chống cự và ghét việc nín thở, tôi sẽ không thể nhịn được lâu. Nhưng khi tôi làm việc này với một “bộ não YES” thì đỡ vất vả hơn nhiều.
Lần đầu tiên tôi biết đến khái niệm “bộ não YES” này là từ cách mà tiến sĩ Dan Siegel và Tina Payne Bryson tiếp cận với trẻ em. “Bộ não YES” là một bộ não linh hoạt và tò mò, dễ thích nghi và sẵn sàng thử những điều mới, thậm chí là phạm những sai lầm mới. Đây là bộ não cởi mở với thế giới và các mối quan hệ.
Việc nói “YES” không có nghĩa là bạn không đặt ra ranh giới hoặc chìm đắm trong cảm xúc, mà là bạn đang mở lòng với những gì đang hiện diện ngay lúc này. Nếu cứ chống cự lại những gì bạn đang gặp phải, bạn sẽ chẳng bao giờ có thể giải quyết hoặc thay đổi nó.
Hãy thử cách này: Hình dung điều gì đó mà bạn khó chấp nhận và nói “không..không..không” trong đầu khi bạn tưởng tượng. Điều gì xảy ra? Hãy tưởng tượng lại điều đó một lần nữa, và lần này hãy nói “YES” trong tâm trí bạn. Điều gì xảy ra?
Lần tới khi bạn phải đối mặt với sự khó chịu, hãy thầm nói “YES” với thực tế của thời điểm đó. Hãy mở rộng tâm trí của bạn để đón nhận đầy đủ các cảm xúc và cảm giác tồn tại trong mọi khoảnh khắc.
Chấp nhận bằng Thân: Cởi Mở
Điều đầu tiên trẻ em được dạy khi học bơi là nằm vào tư thế sao biển và thả nổi.
Một phần lý do mà chúng được dạy như vậy vì để nhỡ đâu chúng rơi xuống chỗ sâu nhất của bể bơi, chúng không phải tiêu hao hết năng lượng để rồi chìm. Điều này cũng đúng đối với chúng ta. Khi đối mặt với sự khó chịu, chúng ta siết chặt, kháng cự, chiến đấu, co cứng người lại và tiêu hao rất nhiều năng lượng vào sự không ưng thuận. Thật mệt mỏi khi không chấp nhận.
Bạn có thể luyện tập tư thế sao biển theo cách của bạn khi đối mặt với sự khó chịu. Hãy thử thả lỏng bụng, đừng nghiến răng, thả lỏng vai, mở rộng bàn tay và trái tim. Việc giữ vững quan điểm chấp nhận với cơ thể của bạn sẽ gửi tín hiệu đến não rằng bạn vẫn an toàn và ổn.
Hãy thử điều này: Lần tới khi đối mặt với điều gì đó mà bạn cảm thấy khó để chấp nhận, hãy cho phép, cởi mở và dọn chỗ cho điều ấy ở cơ thể trước. Hãy để ý xem điều này thay đổi sự tương quan giữa bạn với thứ đó như thế nào.
Chấp nhận bằng Tâm: Hành Động Dựa Trên Giá Trị Của Bạn
Thông thường, trong khi trị liệu, tôi sẽ nói với thân chủ rằng ta không thể chờ đợi để đầu óc chấp nhận mà ta phải di chuyển cơ thể theo hướng đó và hy vọng rằng tâm trí sẽ có thể bắt kịp! Đôi khi chấp nhận hành động của bạn là làm ngược lại với những gì mà ý thức mách bảo.
Có một thuật ngữ trong liệu pháp hành vi biện chứng được xem là đối lập với hành động cảm xúc. Điều này nghĩa là tiếp cận một người lạ ngay cả khi bạn đang lo âu, bỏ việc ngay cả khi bạn cảm thấy không chắc chắn về điều này, hoặc rời khỏi giường ngay cả khi bạn đang chán nản.
Có một bài hát tuyệt vời của ca sỹ Lyla June Johnson (một diễn giả bản địa, nghệ sĩ, học giả) mang tên là Water is Life (Đời như dòng nước). Trong bài hát đó, cô ấy hát rằng “bạn có thể nói rằng cuộc đời là dòng nước, nhưng bạn có thể sống như thế không?” Chấp nhận bằng hành động là lựa chọn sống bằng các giá trị sẵn có thay vì sống trốn tránh.
Hãy thử cách này: Xác định một giá trị mà bạn muốn theo đuổi nhưng lại khiến bạn khó chịu ở một mức độ nào đó. Chấp nhận bằng hành động của bạn bằng cách tiến tới giá trị đó.
Khi chấp nhận bằng cả thân – tâm – trí, bạn có thể bắt đầu sống theo một lối sống hướng đến những giá trị tốt đẹp. Bạn sẽ thoải mái để ngồi tập thiền hay nhịn thở lâu hơn một chút, nhưng bạn cũng sẽ dễ dàng hơn khi gặp phải những cuộc đối thoại khó khăn, theo đuổi công việc có ý nghĩa, hoặc cởi mở với sự vô thường của cuộc sống.
Những ý chính
- Sự chấp nhận đòi hỏi chúng ta phải vận dụng toàn bộ cơ thể – chúng ta cần chấp nhận bằng cả thân, tâm và trí để nhận được toàn bộ lợi ích.
- Lần tới khi bạn phải đối mặt với sự khó chịu, hãy thầm “đồng ý” với thực tế của thời điểm hiện tại
- Lần tiếp theo khi gặp phải một điều gì đó mà bạn khó lòng chấp nhận, hãy cởi mở và dọn chỗ sẵn cho điều đó trong cơ thể của bạn trước.