Tranquil

Biến đổi khí hậu và Sức khỏe tinh thần 

Những ngày qua, khu vực Đông Nam bộ đã phải đối mặt với đợt nắng nóng gay gắt kéo dài sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn. Mặc dù đây là hiện tượng thường được nhìn thấy ngay sau những kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, nhưng những năm gần đây nhiệt độ trung bình ở Việt Nam ngày càng tăng, có một số khu vực có kỷ lục tăng nhiệt độ cả mùa hè lẫn mùa đông. Nước ta đã đạt nhiệt độ cao kỷ lục vào ngày 7/5/2023, tại trạm Tương Dương (Nghệ An), với 44,2°C. Tờ Washington Post đã diễn tả sức nóng này là “đủ làm tan chảy bút sáp màu, hóa lỏng sô-cô-la và khiến nhiệt độ bên trong một chiếc xe hơi đang đậu vượt quá 60°C.”

Đây là một ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng nóng lên toàn cầu, một phần lớn trong vấn nạn biến đổi khí hậu. Theo những nghiên cứu gần nhất từ NASA (Cơ quan Không gian Hoa Kỳ), sự nóng lên toàn cầu là một hiện tượng đã được quan sát kể từ những năm 1850 đến 1900 do các hoạt động của con người, chủ yếu là việc đốt nhiên liệu hóa thạch, làm tăng mức khí nhà kính giữ nhiệt trong bầu khí quyển Trái đất. 

Khi bề mặt Trái Đất nóng lên đáng kể, những tảng băng lớn ở Bắc Cực và Nam Cực cũng dần tan chảy theo từng năm, làm tăng mực nước biển toàn cầu. Đây là đều đáng lo ngại tại Việt Nam khi mực nước biển trung bình ở Việt Nam tăng 03-05 mm mỗi năm. Điều này dẫn tới những nguy cơ như: lũ lụt, ngập mặn và nguồn nước ngọt bị mất tại những vùng đồng bằng ven biển. Tần suất về các thiên tai như bão, lũ lụt và hạn hán xảy ra càng nhiều ở Việt Nam trong những năm vừa qua. Những cơn lũ lụt hàng năm tại miền Trung gây ra vô số thiệt hại về kinh tế của quốc gia, và đe doạ tính mạng của người dân. Những thảm họa do biến đổi khí hậu cũng gây ra những tác động có hại đến sức khỏe con người, chẳng hạn như các vấn đề về hô hấp, dị ứng, tổn hại đến sự phát triển của thai nhi và trẻ em, các bệnh về đường tiêu hóa và các bệnh mãn tính như ung thư.

Gần đây, các nhà tâm lý đã nghiên cứu kỹ hơn về một khía cạnh không được nhắc đến thường xuyên nhưng cũng bị ảnh hưởng không kém trong vô vàn thảm hoạ của biến đổi khí hậu, đó chính là sức khoẻ tinh thần của chúng ta. 

Sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng như thế nào trước hiện tượng biến đổi khí hậu?

Hiệp Hội Tâm Lý Hoa Kỳ (APA) đã đưa ra một số kết quả khi xem xét tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe tinh thần:

  • Bạo lực dựa trên giới tính: Vào năm 2022, các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge đã phân tích 41 nghiên cứu khám phá một số loại hiện tượng thời tiết cực đoan, chẳng hạn như bão, lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt và cháy rừng. Họ phát hiện ra rằng bạo lực mà phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm thiểu số về giới tính và tình dục phải trải qua dường như trở nên trầm trọng hơn do các hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt. Các yếu tố góp phần trong đây bao gồm những yếu tố môi trường, cú sốc kinh tế, bất ổn xã hội, và căng thẳng trong gia đình. 
  • Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD): Một nghiên cứu năm 2021 của Đại học California – San Diego cho biết những người sống sót sau trận cháy rừng năm 2018, một trong những vụ cháy rừng nguy hiểm và tàn khốc nhất trong lịch sử bang California tại Mỹ, được chẩn đoán rằng có tỷ lệ PTSD ngang bằng với các cựu chiến binh và có nguy cơ cao bị trầm cảm và lo lắng. Những người sống sót sau những cơn bãolũ lụt cũng có tỷ lệ trầm cảm và PTSD tương tự.
  • T.ự t.ử: Tác động kinh tế của hạn hán dẫn đến gia tăng tỷ lệ tự tử, đặc biệt là ở nông dân. Hơn nữa, các tác giả của một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Nature dự đoán rằng nhiệt độ ấm hơn có thể dẫn đến thêm 40.000 vụ tự tử ở Hoa Kỳ và Mexico vào năm 2050.
  • Sự hung hăng: Nhiệt độ cao hơn thường xuyên dẫn đến hành vi hung hăng hơn. Một nghiên cứu năm 2021 được đăng trên Tạp chí Kinh tế Công cộng cho thấy tội phạm bạo lực ở thành phố Los Angeles tại Mỹ tăng 5,7% vào những ngày nhiệt độ tăng trên 85°F (30°C) so với những ngày mát mẻ hơn.
  • Lo lắng: Ngay cả những người không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thảm họa khí hậu cũng thường xuyên cảm thấy lo lắng, sợ hãi và buồn bã khi đối mặt với một hành tinh đang nóng lên. Một cuộc khảo sát của APA năm 2020 cho thấy 56% người trưởng thành ở Hoa Kỳ cho biết biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng nhất mà thế giới hiện nay phải đối mặt. 
Xem bài viết  Các giai đoạn tâm lý khi trải qua mất mát

Tiến sĩ Cianconi, một bác sĩ tâm thần học, nhà trị liệu tâm lý và nhà nhân chủng học đến từ Ý, đã cho biết rằng một số từ vựng mới đang được phát triển để gọi tên chính xác hơn những tác động của biến đổi khí hậu đối với tâm lý con người. “Đau buồn về sinh thái” (ecological grief) và “lo lắng về sinh thái” (eco-anxiety) là những thuật ngữ mô tả cảm giác mất mát hoặc lo lắng có liên quan đến biến đổi khí hậu mà chúng ta cảm thấy, bao gồm cả việc mất đi một tương lai ổn định. “Hoài niệm sinh thái” (solastalgia) là một thuật ngữ được đặt ra để thể hiện cụ thể nỗi nhớ mà chúng ta có thể cảm nhận về lối sống truyền thống hoặc khung cảnh tuổi thơ bị phá hủy bởi những thay đổi môi trường. Mặc dù lo lắng về sinh thái là một phản ứng bình thường đối với tình trạng khẩn cấp về khí hậu và thường không đạt đến mức độ quan tâm trong tâm lý lâm sàng, nhưng nó có thể định hình quan điểm về xã hội và tương lai, dẫn đến sự tức giận, vô vọng hoặc tê liệt. 

Với những dữ liệu vào tháng 6 năm 2023 từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO, quỹ Commonwealth đã tóm tắt những ảnh hưởng tinh thần từ hiện tượng biến đổi khí hậu qua biểu đồ sau: 

Ai có nhiều nguy cơ gặp phải những vấn đề sức khỏe tinh thần liên quan đến biến đổi khí hậu?

Những người có những triệu chứng rối loạn tiềm ẩn hoặc có vấn đề về sử dụng chất kích thích có nguy cơ tử vong cao hơn khi nhiệt độ và độ ẩm tăng cao. Từ 25% đến 30% số người vô gia cư có tình trạng sức khỏe tinh thần nghiêm trọng và nhiều người mắc các bệnh mãn tính khó được kiểm soát khiến họ đặc biệt dễ bị tổn thương trước những tác động có hại của biến đổi khí hậu. Những người dân sinh sống ở những khu vực có nhiệt độ tăng cao, ô nhiễm không khí, nguy cơ lũ lụt cao hơn và nhà ở chất lượng kém cũng có thể bị ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tâm lý.

Trên toàn cầu, sự suy sụp tinh thần liên quan đến biến đổi khí hậu đang gia tăng trong giới trẻ.

Một cuộc khảo sát ở 10 quốc gia khác nhau cho thấy rằng 84% người từ 16 đến 25 tuổi đều có lo lắng ít nhất ở mức độ vừa phải về biến đổi khí hậu. Gần một nửa (45%) số người trẻ này cho biết cảm xúc của họ về biến đổi khí hậu có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của họ.” 

Tờ báo Harvard Medicine của Trường Y tại Đại học Harvard cũng đồng ý với dữ liệu này. Tác giả Charles Schmidt đã viết trong một bài báo về tình trạng climate anxiety (lo lắng về khí hậu): “Những người trẻ tuổi bị tổn thương về mặt cảm xúc rất nhiều trước những tác động của biến đổi khí hậu.” Một ví dụ điển hình là Greta Thunberg, nhà hoạt động xã hội 20 tuổi đến từ Thuỵ Điển, người đã từng lên tiếng chỉ trích các nhà lãnh đạo thế giới trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc vào năm 2019 của cô vì họ đã không có hành động gì trước lượng khí thải carbon khổng lồ trên Trái Đất. Cô đã từng phải vật lộn trong nhiều năm với chứng trầm cảm khi còn nhỏ vì thường xuyên được nghe tin tức về biến đổi khí hậu, và đã quyết định biểu tình từ năm 15 tuổi. 

Đối với nhiều người trẻ, lo lắng về mối đe dọa của biến đổi khí hậu trong tương lai sẽ dẫn đến các cơn hoảng loạn, mất ngủ, những suy nghĩ ám ảnh và các triệu chứng khác. Những cảm giác này thường được khuếch đại cùng với suy nghĩ rằng những thế hệ trước đã không làm tròn trách nhiệm của mình để khắc phục vấn đề khí hậu. Tiến sĩ Lise Van Susteren, một bác sĩ tâm thần pháp y tại Washington, DC chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng về tinh thần của biến đổi khí hậu, cho biết: “Nhiều người trẻ cảm thấy có sự bất công giữa các thế hệ. Các em cảm thấy lời nói của mình là vô hiệu, bị phản bội và bị bỏ rơi.”

Xem bài viết  Nỗ lực lười biếng

Tiến sĩ Sue Clayton – giáo sư tâm lý học tại Đại học Wooster và tác giả chính của báo cáo mới nhất đến từ Hiệp Hội Tâm Lý Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu, sức khỏe tinh thần và sự phát triển của thanh thiếu niên – cũng chia sẻ với tờ báo CNN rằng các hiện tượng thời tiết liên quan đến biến đổi khí hậu khiến trẻ em dễ bị tổn thương hơn vì các em không có chiến lược đối phó với khó khăn như người lớn. 

Bài báo cáo cho biết những hậu quả về sức khỏe tinh thần đó bắt đầu ngay cả trước khi đứa trẻ được sinh ra. Việc tiếp xúc trước khi sinh với thảm họa thời tiết, nhiệt độ cao, ô nhiễm không khí và sự lo lắng của người mẹ khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ trẻ mắc nhiều vấn đề về hành vi và phát triển, bao gồm lo lắng, trầm cảm, ADHD, chậm phát triển, khả năng tự kiểm soát kém và rối loạn tâm thần. Tiến sĩ Clayton cho biết hậu quả có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh của trẻ và thường không thể khắc phục được. 

Các thanh thiếu niên cũng đặc biệt lo lắng về biến đổi khí hậu so với những người lớn tuổi hơn. Tiến sĩ Clayton nói: “Họ lo lắng về điều đó vì họ biết nó sẽ ảnh hưởng đến tương lai của họ. Làm sao bạn có thể lên kế hoạch cho tương lai khi bạn còn không biết tương lai sẽ như thế nào?” Cô lo ngại rằng biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng xấu đến những người trẻ tuổi đang đưa ra quyết định về sự nghiệp và các mối quan hệ của họ. Báo cáo xác định rằng hậu quả của sự lo lắng về thời tiết và khí hậu khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến việc ra quyết định của người trẻ, suy giảm nhận thức và khiến mức độ tự kiểm soát của họ thấp hơn. 

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng không phải tất cả người trẻ đều trải qua những tác động đến sức khỏe tinh thần của biến đổi khí hậu một cách giống nhau. Những em thuộc hoàn cảnh khó khăn hoặc có thu nhập thấp – bao gồm cộng đồng sinh sống ở những vùng sâu vùng xa, các em nữ và người khuyết tật – có nhiều khả năng phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt hơn. So với người dân ở các khu vực kinh tế tốt hơn, những cộng đồng nói trên cũng có ít điều kiện hơn để đối phó với thời tiết khắc nghiệt.

Tổ chức APA đã đưa ra nhiều khuyến nghị khác nhau về vấn nạn này, trong đó họ yêu cầu những hệ thống trường học đóng vai trò lớn hơn, bao gồm việc thiết kế thêm các cơ sở bảo vệ cho học sinh khỏi những hiểm họa thiên nhiên và có nhiều chương trình giảng dạy về biến đổi khí hậu. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cũng có thể sàng lọc sớm hơn và thường xuyên hơn những khó khăn liên quan đến khí hậu trong giới trẻ. Hiện nay, ngày càng nhiều nhà tâm lý học lâm sàng đang điều trị cho những người trẻ lo lắng về biến đổi khí hậu. Nhưng đối với Tiến sĩ Clayton, đây không chỉ là nhiệm vụ của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

“Điều này ảnh hưởng đến tất cả chúng ta,” cô nói thêm. “Trẻ em thực sự là tương lai của xã hội. Chúng tôi muốn cung cấp thông tin về vấn đề này và các cách giải quyết tiềm năng cho các nhóm muốn tiếp cận vấn đề đó.”

Làm thế nào chúng ta có thể giảm thiểu rủi ro mà biến đổi khí hậu gây ra cho sức khỏe tinh thần của chúng ta? 

Quỹ Commonwealth khẳng định rằng việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe tâm thần của chúng ta có thể được thực hiện bằng cách cải thiện các dịch vụ sức khỏe tâm thần và quan trọng hơn cả là nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Xem bài viết  Dấu hiệu ban đầu của các rối loạn tâm lý, tâm thần

Hỗ trợ hết mức cho những người có nguy cơ bị ảnh hưởng 

Trọng tâm của việc phát triển các chiến lược hỗ trợ hiệu quả là hiểu rõ ai là người có nguy cơ cao nhất phải chịu hậu quả về sức khỏe tinh thần do biến đổi khí hậu, như những người có tình trạng sức khỏe tinh thần từ trước. Chúng ta cũng cần đảm bảo rằng các dịch vụ sức khỏe tinh thần là một phần của bất kỳ hoạt động ứng phó khẩn cấp nào đối với hiện tượng khí hậu. Lý tưởng nhất là sự chăm sóc này không chỉ tập trung vào những phản ứng cảm xúc tức thời của mọi người mà còn bao gồm những hỗ trợ lâu dài hơn cho những người gặp phải những ảnh hưởng kéo dài, chẳng hạn như những người dân mắc chứng PTSD sau khi gặp phải lũ lụt.

Đầu tư mô hình điều trị và hỗ trợ

Các mô hình điều trị và hỗ trợ mới cho những người gặp khó khăn về sức khỏe tinh thần liên quan đến khí hậu có thể giúp giảm bớt nhu cầu đối với các hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe vốn đã quá tải. Ví dụ, các nhà trị liệu có thể hỗ trợ những người mắc chứng lo âu do biến đổi khí hậu, trong khi các chương trình hỗ trợ thiện nguyện có thể giúp các cá nhân và cộng đồng xây dựng khả năng phục hồi sau một thảm họa thiên nhiên.

Hỗ trợ hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu

Tham gia vào các hoạt động giải quyết biến đổi khí hậu có thể giúp mọi người có được ý thức tự chủ về vấn đề này. Thực hiện các bước riêng lẻ, chẳng hạn như tái chế hay bớt sử dụng đồ nhựa, có thể giúp chúng ta cảm thấy đỡ tuyệt vọng và bất lực, đồng thời xây dựng khả năng phục hồi cá nhân. Việc tham gia vào hành động tập thể, chẳng hạn như phục vụ cộng đồng hoặc vận động chính sách như Greta Thunberg, cũng có thể giúp ta thúc đẩy cảm giác kết nối với những người cùng chí hướng bảo vệ môi trường để hỗ trợ thêm về sức khỏe và hạnh phúc.

Giáo dục, nghiên cứu và đánh giá sâu hơn. 

Các nhân viên chăm sóc sức khỏe cần thấu hiểu biến đổi khí hậu ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tinh thần, vừa để xác thực mối quan tâm của bệnh nhân, vừa để đề xuất các chiến lược phù hợp để quản lý cảm xúc của họ. Chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu tất cả các cách mà biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, bao gồm cả tác động của nó đối với các cộng đồng khác nhau trong xã hội. 

Mỗi người chúng ta cần chung một tay để nhận định những khó khăn của mọi người khi đối mặt với vấn nạn toàn cầu biến đổi khí hậu, cùng giúp đỡ lẫn nhau và làm tròn bổn phận của mình để tâm lý thật vững vàng trong công cuộc bảo vệ môi trường cho một Trái Đất thật xanh-sạch-đẹp.  

Sources

Albrecht, G. (2019). Earth Emotions: New Words for a New World. Cornell University Press, pp.72-90, 199-201.

Cianconi, P., Betrò, S., & Janiri, L. (2020). The Impact of Climate Change on Mental Health: A Systematic Descriptive Review. Frontiers in Psychiatry, 11. https://doi.org/10.3389/fpsyt.2020.00074

Hickman, C., Marks, E., Panu Pihkala, Clayton, S., R Eric Lewandowski, Mayall, E. E., Wray, B., Mellor, C., & Lise van Susteren. (2021). Climate anxiety in children and young people and their beliefs about government responses to climate change: a global survey. The Lancet Planetary Health, 5(12), e863–e873. https://doi.org/10.1016/s2542-5196(21)00278-3

Hough, E., & Counts, N. (2023). How Climate Change Affects Our Mental Health, and What We Can Do About It. The Commonwealth Fund. https://doi.org/10.26099/rk6r-ne98

Novotney, A. (2023, February 7). How does climate change affect mental health? APA.org. https://www.apa.org/topics/climate-change/mental-health-effects

Pihkala, P. (2020). Anxiety and the Ecological Crisis: An Analysis of Eco-Anxiety and Climate Anxiety. Sustainability, 12(19), 7836–7836. https://doi.org/10.3390/su12197836

Schmidt, C. (2023). Climate Anxiety. Harvard Medicine. https://magazine.hms.harvard.edu/articles/climate-anxiety

Viswanathan, G. (2023, October 11). Climate change can have “lifelong impacts” on young people’s mental health, report says. CNN. https://www.cnn.com/2023/10/11/health/climate-change-youth-mental-health/index.html

Leave a Comment

Scroll to Top