Ở bài trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu mối quan hệ giữa stress và đồ ăn, tại sao chúng ta hay có những thói quen ăn uống không lành mạnh khi stress và cách để cải thiện điều này. Ngoài việc stress, nhiều nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người gặp khó khăn với việc ăn uống cũng có nhiều tiền sử bị sang chấn tâm lý.
Khoảng 50% những người đang vật lộn với Rối loạn ăn uống vô độ (Binge-eating Disorder) có tiền sử trải qua nhiều sang chấn tâm lý, chẳng hạn như bị lạm dụng về thể chất, tinh thần hoặc tình dục, bị bỏ rơi hoặc gặp phải chấn thương tinh thần khác trong thời thơ ấu.1 Rối loạn ăn uống là khi ta ăn nhiều đồ ăn trong một khoảng thời gian ngắn và cảm thấy không thể dừng lại. Khi xảy ra liên tục, tình trạng này có thể được chẩn đoán và điều trị. Tất nhiên, không phải ai gặp khó khăn với việc ăn uống – đều có tiền sử sang chấn và không phải ai bị sang chấn cũng có các triệu chứng của rối loạn ăn uống – một tình trạng phức tạp có thể có nhiều yếu tố góp phần nên, và trải nghiệm của mỗi người là khác nhau.
Sang chấn luôn gây ra nhiều phản ứng cảm xúc, bao gồm cảm giác xấu hổ, tội lỗi và tổn thương lòng tự trọng. Những cảm xúc này ập đến rất nhanh và khó xử lý, dẫn đến việc phải dựa vào việc ăn uống để đối phó. Điều này có thể áp dụng cho cả những tổn thương trong quá khứ và hiện tại.
Hai loại sang chấn tâm lý
Chúng ta thường hay hiểu lầm về khái niệm sang chấn tâm lý. Nhiều người không nghĩ rằng họ đã có một tuổi thơ đau thương vì tin rằng những người khác còn phải trải qua những điều tồi tệ hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng chúng ta cần ghi nhớ là trải nghiệm và nhận thức của mỗi người đều khác nhau và có giá trị riêng. Ta không thể so sánh tổn thương của mình với người khác hay coi nhẹ trải nghiệm của chính chúng ta.
Nhiều người nghĩ sang chấn tâm lý chỉ có thể xảy ra sau khi trải qua một sự kiện dữ dội và nghiêm trọng, đe dọa đáng kể đến tính mạng con người, như chiến tranh, thiên tai, bị lạm dụng tình dục hoặc thể xác, bạo lực gia đình hoặc mất đi người thân.
Những sang chấn này thuộc loại “Big T”, còn được gọi là sang chấn phức tạp. Chúng liên quan đến những mối đe dọa đáng kể và nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất hoặc tâm lý của một người. Những trải nghiệm này có thể tác động lâu dài đến sức khỏe và hoạt động cảm xúc của ta, đồng thời có thể gây ra các tình trạng như Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), trầm cảm, lo lắng và các rối loạn khác.
Loại sang chấn thứ hai được gọi là chấn thương “nhỏ” (“little t”) và đề cập đến những trải nghiệm có thể không nghiêm trọng hoặc nguy hiểm đến tính mạng bằng nhưng vẫn gây ra tổn thương nặng nề. Ví dụ có thể bao gồm bắt nạt, bỏ bê tình cảm, hỗn loạn, bất ổn tài chính, ly hôn hoặc chia tay, mất việc làm hoặc bệnh mãn tính. Tất cả những điều này đều tác động tiêu cực đến cảm giác an toàn và lòng tự trọng của chúng ta.
Sang chấn có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, và không phải tất cả các sang chấn đều có thể nhìn thấy rõ ràng. Cả hai loại chấn thương đều ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tinh thần và thể chất của một người. Hãy nhìn vào một ví dụ của một người đã lớn lên trong gia đình mà nhu cầu tình cảm của mình không được đáp ứng, vì cha mẹ bận rộn với công việc và không cung cấp đủ sự hỗ trợ về mặt tinh thần mà một đứa trẻ cần. Sự bỏ bê về mặt cảm xúc mà người này trải qua sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe cảm xúc và hành vi của họ. Vì không thể phụ thuộc vào sự hỗ trợ tinh thần thường xuyên và sẵn có của cha mẹ, họ có thể tìm đến thức ăn để thay thế và lấp đầy khoảng trống cô đơn bên trong. Nếu họ chưa bao giờ được học về những cách khác để đối phó với những cảm xúc khó chịu của mình, họ sẽ luôn có những thói quan ăn uống không lành mạnh mỗi khi khó khăn.
Sang chấn dẫn đến ăn uống vô thức như thế nào?
Sang chấn có ảnh hưởng sâu sắc đến cảm giác an toàn của chúng ta. Điều này có thể gây khó khăn trước việc tin tưởng người khác và xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa. Những người đã từng trải qua sang chấn thường xuyên cảnh giác quá mức và cố gắng đoán trước để tránh các mối đe dọa tiềm ẩn. Cảm giác không thể đoán trước và khó có niềm tin ở người khác thường được thấy ở những người này. Tuy nhiên, thức ăn là một trong những thứ duy nhất rất đáng để tin cậy, vì nó sẽ luôn ở đó ngày này qua ngày khác. Không giống như con người, thức ăn thường sẽ không thay đổi hay làm chúng ta thất vọng. Đối với những người đã trải qua chấn thương, sự ổn định này có thể là một niềm an ủi lớn. Ngoài ra, thực phẩm luôn sẵn có và có thể được mua một cách dễ dàng.
Ăn uống vô độ tạm thời có thể bảo vệ chúng ta khỏi những cảm xúc khó chịu. Nó là một người bạn giúp chúng ta phân tâm khỏi nỗi đau, mang lại sự thoải mái và êm dịu tạm thời. Song, nó cũng là kẻ thù vì nó làm giảm lòng tự trọng của chúng ta và tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của ta.
Khi nhìn theo cách này, chúng ta có thể thấy rằng vấn đề thực chất không nằm ở hành động ăn uống vô độ. Nó là một giải pháp tạm thời cho một vấn đề tiềm ẩn lớn hơn, thường là một khó khăn trong việc xác định, thể hiện và xử lý những cảm xúc khó khăn. Bằng cách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của việc ăn uống vô độ, chúng ta có thể thoát khỏi những hành vi tự hại này và có được những cảm xúc lành mạnh hơn.
Tập trung vào đồ ăn cũng có thể là một cách chuyển sự bất lực trong một số lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta sang thứ khác. Ví dụ: nếu bạn cảm thấy bất lực trước một tình huống tại chỗ làm mà ngoài tầm kiểm soát của mình, thay vào đó, bạn có thể tập trung vào việc ăn uống vì bạn có thể “kiểm soát” được nó. Như đã đề cập trong những mục trên, mặc dù việc ăn uống vô độ có thể khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn trong thời điểm tức khắc, nhưng nó cũng sẽ khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ sau đó. Ta có thể cảm thấy tội lỗi, xấu hổ và chán ghét chính mình. Theo thời gian, việc ăn uống vô độ cũng có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe thể chất như tăng cân, tiểu đường và bệnh tim, cũng như trầm cảm và lo lắng.
Làm sao để kiểm soát ăn uống vô độ?
Để kiểm soát hành vi này, đầu tiên chúng ta cần xác định cái gì đang “ăn mòn” tâm trí của mình. Nếu bạn thấy mình quá hay dựa vào đồ ăn, hoặc bị ám ảnh bởi từng calo một, điều quan trọng là phải nhận ra rằng có lý do cơ bản đằng sau hành vi này. Mặc dù khó có thể xác định chính xác điều gì đang thúc đẩy hành vi của bạn, nhưng điều quan trọng là bạn phải hiểu rằng luôn có gì đó sâu sắc hơn đang diễn ra bên trong mình.
Bằng cách khám phá những cảm xúc tiềm ẩn này và giải quyết chúng một cách trực tiếp, bạn có thể hiểu rõ hơn về mối quan hệ của mình với thực phẩm và thực hiện các bước cần thiết để cải thiện sức khỏe tổng thể của mình.
Viết nhật ký về tâm trạng ăn uống là một công cụ mạnh mẽ để hiểu rõ hơn về thói quen ăn uống của bạn. Hãy ghi lại những gì bạn đã ăn, bạn ăn khi nào và ở đâu, đồng thời đi sâu hơn vào những trạng thái cảm xúc bằng cách ghi lại suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Điều này sẽ giúp bạn kết nối các thói quen ăn uống và tâm trạng của mình. Trong nhật ký này, bạn có thể theo dõi những điều sau:
- Thời điểm trong ngày: Ghi lại thời gian, ngày hay đêm, lúc bạn bắt đầu ăn
- Những gì bạn đã ăn: Ghi lại loại thực phẩm
- Bạn đã ăn ở đâu: Bạn đang ở nhà, ở nhà hàng, ở nhà ai đó, hay trong ô tô của bạn?
- Điều bạn đang nghĩ: Hãy cố gắng khuyến khích sự tự nhận thức về suy nghĩ của mình.
- Bạn đang cảm thấy thế nào: Tức giận, buồn bã, vui vẻ, sợ hãi, lo lắng, hy vọng, cáu kỉnh, v.v. Bạn có đang mệt mỏi về thể chất không? Bạn đang cảm thấy gì?
Điều này sẽ giúp bạn nhận biết khi nào bạn đang sử dụng đồ ăn như một cơ chế đối phó với những cảm xúc khó khăn hoặc tình huống căng thẳng hoặc để tránh suy nghĩ về chúng.
Ngoài ra, bạn đã bao giờ cảm thấy mình tìm đến thức ăn khi cảm thấy choáng ngợp bởi một giọng nói bên trong mình chưa? Có thể giọng nói đó nói với bạn rằng bạn không đủ tốt, bạn không xứng đáng được hạnh phúc hoặc bạn là kẻ thua cuộc. Những suy nghĩ tiêu cực này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn và ngăn cản bạn sống một cuộc sống hạnh phúc. Khi nhận ra mình đang “nói xấu” bản thân như thế này, bạn có thể tưởng tượng tâm trí của mình như một phòng xử án và tự biến thành luật sư bảo vệ cho bản thân. Hãy thách thức quan điểm cho rằng có điều gì đó không ổn ở bạn. Khi làm điều này, bạn có thể thách thức những niềm tin tiêu cực mà lời chỉ trích nội tâm đã gieo vào bạn.
Ngoài ra, hãy ngừng trừng phạt bản thân vì những “tội ác” mà bạn không phạm phải. Bạn không phải là “người xấu” vì đã ăn hết một hũ kem, một hộp pizza, một dĩa bánh quy, hay bất cứ thứ gì có trong danh sách “đồ ăn kiêng kỵ” của bạn. Giải phóng bản thân khỏi lời tự chỉ trích trong đầu có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn về bản thân, giảm ham muốn sử dụng thức ăn như một hình thức an ủi hoặc hạn chế ăn uống để mang lại cảm giác hạnh phúc. Ta có thể tránh những hành vi không lành mạnh này bằng cách nuôi dưỡng một cuộc đối thoại nội tâm trắc ẩn và tích cực hơn.
Vì sang chấn tâm lý có nhiều loại khác nhau và có ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của chúng ta, nên việc có những người hỗ trợ mình rất hữu ích. Hãy tích cực trò chuyện cùng bạn bè và người thân về những khó khăn của mình, hoặc tham gia những nhóm hỗ trợ khác nhau, vì việc kết nối với những người có thể hiểu và đồng cảm với câu chuyện của bạn là vô cùng hữu ích. Nếu cảm thấy cần thiết, hãy đừng ngần ngại tìm đến những chuyên gia tâm lý để có được sự hỗ trợ mình cần thiết nhé.
Khi nỗ lực nhận biết và vượt qua những tổn thương của bản thân mà đã góp phần dẫn đến hành vi ăn uống không thể kiểm soát, bạn có thể bắt đầu chữa lành và tìm ra những cách lành mạnh hơn để đối phó với những cảm xúc khó khăn. Việc thoát khỏi thói quen ăn uống vô độ bằng cách chữa lành vết thương là một hành trình đầy thử thách kèm theo nhiều đau đớn, nhưng điều này là hoàn toàn có thể! Hãy nhớ rằng bạn đã tự học cách an ủi bản thân trong thế giới này bằng thức ăn, nên bạn luôn luôn có thể học được cách thay đổi.
Nguồn
1 Savelle-Rocklin, N. (2023). Understanding the Link Between Trauma and Binge Eating. Dr. Nina Inc. https://drninainc.com/trauma-and-binge-eating/
Tác giả