Đôi lúc cảm thấy chán ăn là chuyện hoàn toàn bình thường, nhưng ăn uống quá khắt khe và sụt cân nhiều có nguy cơ khiến ta gặp phải một loại rối loạn ăn uống được gọi là chán ăn (hay chán ăn tâm thần), gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả thể chất lẫn tinh thần. Ước tính cứ mỗi 100 người thì có khoảng 1 đến 4 người phải đối mặt với chán ăn ít nhất một lần trong đời. Tin tốt là có những phương thức trị liệu tâm lý và điều trị y khoa cho chán ăn tâm thần, một trong số đó là Liệu pháp Nhận thức Hành vi (CBT).
Vậy, chán ăn là gì?
Chán ăn là một dạng rối loạn ăn uống mà ai cũng có khả năng gặp phải. Người bị chán ăn thường sẽ ăn uống rất hạn chế làm họ sụt cân khá nhiều. Nếu bị chán ăn, bạn có thể cảm thấy rất bận tâm đến lượng thức ăn mà mình nạp vào, cũng như cân nặng và vóc dáng của mình. Chính điều này làm chuyện ăn uống trở nên rất khó khăn. Các triệu chứng gồm có:
Cảm nhận của người bị chán ăn
Cô Amina đã từng rất chật vật để vượt qua chán ăn. Hãy cùng lắng nghe để tìm hiểu xem người bị chán ăn cảm thấy thế nào. Amina và nỗi “chán ngán” với thức ăn
Tôi luôn cảm thấy thiếu tự tin vì cơ thể mình, nhưng chuyện không có gì đáng nói cho đến khi tôi bị sốt viêm tuyến bạch cầu. Từ đây vấn đề mới trở nên nghiêm trọng.
Tôi đã đổ bệnh và sụt cân khá nhiều trong khoảng một tháng. Khi đi học trở lại, bạn bè bắt đầu nhận xét ngoại hình tôi có nhiều thay đổi. Thấy giảm được cân khiến mọi người trầm trồ, tôi lại hạ quyết tâm sẽ giảm cân thêm nữa. Tôi bắt đầu thay đổi chế độ ăn cho “lành mạnh”, nhưng điều này nghĩa là cắt giảm lượng lớn thực phẩm và tiếp theo là bỏ bữa. Tôi đã đặt giới hạn lượng calorie tối đa mình có thể ăn mỗi ngày và dành nhiều thời gian đạp xe ở phòng gym. Thời gian đầu ăn uống ít đi và nhìn thấy số cân nặng của mình giảm xuống từng ngày, tôi đã rất vui. Nhưng sau đó tôi dần mất kiểm soát. Tôi đã kiếm cớ để trốn mỗi lần có hẹn với bạn bè và dần dà tôi cũng không còn ra ngoài nữa. Tôi vật vã cân bằng chuyện học hành nhưng lại quá mệt và không tài nào tập trung được. Những thứ trong đầu tôi lúc đó chỉ là ăn uống, tập luyện và giảm cân. Tôi dần nhận ra vấn đề của mình nhưng tôi sợ những chuyện sẽ xảy ra nếu tôi từ bỏ. Liệu tôi sẽ lại ăn uống mất kiểm soát? Cân nặng tôi sẽ tăng vọt? Rồi bạn bè tôi sẽ nghĩ gì?
Lúc nghỉ lễ khi tôi về nhà, bố mẹ tôi đã khá sốc khi thấy tôi. Tôi đã trấn an họ rằng tôi vẫn ổn, nhưng bố mẹ biết tôi không hề ổn chút nào. Tôi thấy kinh hãi khi phải ăn mấy món mà bố mẹ làm cho tôi và khi không thể tập luyện đầy đủ khi ở nhà, vì vậy mà đã có nhiều cãi vã. Cuối cùng, tôi đã chịu gặp bác sĩ của gia đình và chia sẻ mọi chuyện.
Cách nhận biết chán ăn tâm thần
Chán ăn tâm thần phải được chẩn đoán bởi các chuyên gia tâm lý hay bác sĩ. Tuy nhiên, trả lời các câu hỏi bên dưới có thể giúp bạn biết liệu bạn có cần phải đi gặp chuyên gia hay không.
Bạn có sụt hơn 6 kg trong ba tháng gần đây không?
- [ ] Có
- [ ] Không
Bạn có cho rằng thức ăn đang là vấn đề bận tâm nhất của bạn không?
- [ ] Có
- [ ] Không
Bạn có cho rằng mình vẫn béo mặc cho người khác nói rằng bạn rất gầy rồi không?
- [ ] Có
- [ ] Không
Bạn có thường lo lắng rằng mình sẽ ăn uống mất kiểm soát không?
- [ ] Có
- [ ] Không
Bạn có từng cố làm mình nôn ra khi cảm thấy mình đã ăn quá nhiều hay vì sợ tăng cân không?
- [ ] Có
- [ ] Không
Bạn có hạn chế lượng thức ăn nạp vào hay cắt giảm vài loại thức ăn để thay đổi cân nặng và vóc dáng không?
- [ ] Có
- [ ] Không
Bạn có cảm thấy mình khao khát muốn giảm cân không?
- [ ] Có
- [ ] Không
Bạn có tự đánh giá bản thân mình qua cân nặng, vóc dáng và cách ăn uống không?
- [ ] Có
- [ ] Không
Bạn có từng bỏ ăn trong một khoảng thời gian dài không?
- [ ] Có
- [ ] Không
Những suy nghĩ về thức ăn, lượng calorie nạp vào có từng làm bạn mất tập trung vào những thứ mình thích không?
- [ ] Có
- [ ] Không
Nếu bạn trả lời “có” cho nhiều câu hỏi thì rất có thể bạn đang trải qua chứng chán ăn. Dù vậy, khó có thể nói chắc được chuyện bạn có thật sự đã bị chán ăn hay không. Nếu bạn cảm thấy có các triệu chứng như trên, tốt nhất là hãy tìm cho mình một chuyên gia để chia sẻ. Chúng ta đôi lúc cho rằng vấn đề của mình chưa đủ nghiêm trọng hay cảm thấy có lỗi hoặc xấu hổ khi phải đối mặt. Hãy nhớ rằng, rối loạn ăn uống là vấn đề không thể xem nhẹ. Nếu bạn để ý đến chuyện ăn uống hay cân nặng của bản thân, tốt nhất bạn nên liên hệ bác sĩ hay các chuyên gia tâm lý.
Nguyên nhân gây chán ăn
Nhiều người lầm tưởng rằng chán ăn là do ăn uống khắt khe nhằm giảm cân. Dù ăn uống khắt khe có thể là một trong những nhân tố gây ra tình trạng này nhưng trong thực tế, không có một nguyên nhân cụ thể nào khiến con người gặp phải chán ăn. Các nhân tố tiềm ẩn nguy cơ làm tăng tỉ lệ chán ăn bao gồm:
- Cơ thể và các gen di truyền. Minh chứng cho thấy các nhưng tố sinh học và di truyền có thể làm tăng nguy cơ chán ăn. Lấy ví dụ, người có người thân hay họ hàng gần bị chán ăn sẽ có tỉ lệ chán ăn cao hơn.
- Các nhân tố trong giai đoạn phát triển. Khi còn nhỏ, bạn có thể đã phát triển các đặc điểm tính cách làm tăng nguy cơ chán ăn có thể kể đến như dễ căng thẳng hay cầu toàn. Nhiều nghiên cứu cho thấy người tự kỷ dễ bị chán ăn hơn bình thường, nhưng điều này không có nghĩa người bị chán ăn sẽ dễ mắc tự kỷ hơn.
- Các nhân tố môi trường. Dù nam giới cũng có thể bị chán ăn nhưng thông thường, nữ giới có xu hướng gặp phải chán ăn nhiều hơn. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng phụ nữ sống ở các nền văn hóa chú trọng cơ thể mảnh mai và xinh đẹp cũng khiến họ tăng nguy cơ mắc chán ăn.
- Các nhân tố tâm lý. Nếu bạn đang trải qua chán ăn, nhiều khả năng bạn cũng có những suy nghĩ về kiểm soát vóc dáng, cân nặng và ăn uống. Có thể bạn còn thường xuyên suy nghĩ cố định và chú trọng chi tiết hơn so với người khác. Nhiều trường hợp bị chán ăn đã gặp phải các vấn đề tâm lý khác từ trước hoặc cùng lúc với chán ăn, cụ thể là các vấn đề về lo âu như rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay rối loạn lo âu xã hội.
Điều gì khiến chán ăn tiếp diễn?
Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả trị liệu của Liệu pháp Hành vi Nhận thức (CBT) đối với chán ăn tâm thần. Các chuyên gia CBT có cách làm việc tương tự như lính cứu hỏa: khi lửa bùng lên họ không quan tâm đến nguyên nhân gây cháy mà chỉ cố tìm ra thứ giúp ngọn lửa tiếp tục và làm thế nào để loại bỏ thứ đó. Bởi vì khi giải quyết được thứ “nhiên liệu” đó, họ sẽ thành công ngăn chặn quá trình tiếp diễn. Các chuyên gia tâm lý cho rằng những nhân tố làm chán ăn tiếp diễn bao gồm:
Các phương thức trị liệu chán ăn tâm thần
Phương thức trị liệu tâm lý
Liệu pháp Nhận thức Hành vi (CBT) là một trong những phương thức trị liệu hỗ trợ tốt cho người gặp phải chán ăn tâm thần. Phương pháp CBT chỉ định cho chán ăn tâm thần và các rối loạn ăn uống khác đôi lúc được gọi là Liệu pháp Nhận thức Hành vi cho rối loạn ăn uống (CBT-ED) và còn có Liệu pháp Nhận thức Hành vi ‘nâng cao’ (CBT-E). CBT là phương pháp trị liệu bằng lời nói. Các chuyên gia trị liệu bằng CBT hiểu rằng những gì thân chủ nghĩ và làm sẽ ảnh hưởng tới cảm xúc của họ. Không giống như một vài liệu pháp khác, phương pháp này thường được thiết kế khá bài bản. Sau khi lắng nghe và thấu hiểu được vấn đề, trị liệu gia của bạn có thể sẽ đặt mục tiêu để cả hai cùng phấn đấu. Bạn nên tìm cho mình một trị liệu gia có chuyên môn và kinh nghiệm trị liệu chứng rối loạn lo âu xã hội. Ở thời gian đầu của hầu hết các buổi trị liệu, cả hai sẽ đặt ra những vấn đề cần chia sẻ với nhau để tập trung vào trong buổi đó. “Thành phần” của một liệu trình trị liệu CBT-ED hiệu quả gồm có:
- Cùng nhau xây dựng, thấu hiểu vấn đề về ăn uống của thân chủ
- Điều hướng sức khỏe và dinh dưỡng, bao gồm cân nặng và lượng thức ăn nạp vào
- Giúp thân chủ lựa chọn thức ăn hợp lý và hướng tới một chỉ số BMI lành mạnh
- Kiểm tra cách suy nghĩ của thân chủ về ảnh hưởng của ăn uống đối với cân nặng
- Thay đổi các hành vi khiến thân chủ lo lắng về vóc dáng cũng như cân nặng
- Tạo dựng một lối sống lành mạnh thông qua tái tham gia các hoạt động ưa thích
- Phát triển những cách thức mới về điều tiết các cảm xúc gây khó khăn đối với chuyện ăn uống
- Giải quyết các nguyên do ảnh hưởng đến cách nhìn nhận giá trị của bản thân
- Đảm bảo thân chủ sống lành mạnh về lâu dài
Các phương thức trị liệu khác
CBT là một trong những phương pháp trị liệu được khuyến cáo trong giải quyết tình trạng chán ăn ở người lớn. Các liệu pháp khác bao gồm Trị liệu Chán ăn ở người lớn theo mô hình Maudsley (MANTRA) và Quản trị Hỗ trợ Lâm sàng (SSCM). Liệu pháp Tâm động Tập trung (FPT) thường được chỉ định như một phương thức trị liệu dự phòng khi các liệu pháp khác bị từ chối hay không có hiệu quả. Có trường hợp các liệu pháp tâm lý không đủ đáp ứng được người bị chán ăn (ví dụ, nếu thể chất của họ quá yếu). Trường hợp trên cần áp dụng các phương pháp trị liệu mở rộng (ví dụ: chương trình trị liệu bán trụ hoặc nội trú). Tuy nhiên, các dịch vụ tâm lý thường ưu tiền các liệu pháp tâm lý. Viện Y tế Quốc gia về Chất lượng điều trị Vương quốc Anh (NICE) khuyến khích rằng các phương thức trị liệu y tế không nên được ứng dụng riêng lẻ mà nên kết hợp cùng các phương thức khác.
Dịch từ: https://www.psychologytools.com/self-help/anorexia/
Pingback: Số Lượng Suy Nghĩ Trong Một Ngày -