Tranquil

8 cách để bắt đầu chữa lành đứa trẻ bên trong bạn

Việc đối mặt với những tổn thương trong quá khứ để có thể chữa lành đứa trẻ bên trong không phải là việc dễ dàng. Chúng có thể mất nhiều thời gian và rất khó khăn. Tuy nhiên, 8 cách dưới đây sẽ là những gợi ý hữu ích để bạn bắt đầu quá trình chữa lành này.

Thừa nhận sự hiện diện của đứa trẻ bên trong bạn

Bất kỳ một hành trình chữa lành nào cũng sẽ bắt đầu với việc bạn thừa nhận sự hiện diện của đứa trẻ bên trong. Đây thực tế giống như một quá trình khám phá bản thân và mối quan hệ giữa bạn hiện tại với bạn trong quá khứ. Nếu như còn cảm thấy nghi ngờ hoặc né tránh những ký ức của chính mình, hành trình chữa lành của bạn sẽ khó khăn hơn rất nhiều. 

Việc chấp nhận sự hiện diện của đứa trẻ bên trong thường bao gồm việc bạn nhận ra và chấp nhận những điều đã khiến bạn đau khổ, tổn thương ở thời thơ ấu. Việc đưa những nỗi đau này ra ánh sáng có thể giúp bạn hiểu được tác động của chúng lên hiện tại. Việc được chấp nhận và đối xử tử tế sẽ giúp đứa trẻ bên trong cảm nhận được tình yêu thương, sự bảo vệ. Từ đó, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và bình an hơn.

Lắng nghe đứa trẻ bên trong 

Sau khi chấp nhận sự hiện diện của đứa trẻ bên trong, bạn hãy học cách lắng nghe những cảm xúc mà bạn đang gặp phải. Chúng có thể bao gồm tất cả những cảm giác khó chịu, đau đớn, tức giận,…cụ thể như:

  • Sự tức giận vì các nhu cầu không được đáp ứng.
  • Sự bất an, lo lắng
  • Cảm giác xấu hổ, tội lỗi.
  • Dễ bị tổn thương.
  • Nỗi sợ bị bỏ rơi hoặc từ chối.

Nếu bạn nhận ra được những cảm xúc này trong những sự kiện nào của thời thơ ấu, bạn cũng sẽ nhận thấy những tình huống trong cuộc sống trưởng thành cũng kích hoạt những cảm xúc và phản ứng tương tự. 

Xem bài viết  Ranh giới lành mạnh

Cách lắng nghe cảm xúc này của đứa trẻ bên trong, bạn sẽ xác định và nhận ra những đau khổ mà bạn đã trải qua. Đây chính là một bước cần thiết để vượt qua những tổn thương đó.

Viết thư cho đứa trẻ bên trong bạn

Đối thoại luôn là một phần của việc chữa lành đứa trẻ bên trong. Bạn có thể bắt đầu bằng cách viết cho chính đứa trẻ đó một lá thư. Hãy viết về những kỷ niệm thời thơ ấu dưới cái nhìn của người lớn với những kiến giải sâu sắc và đầy bao dung. Chúng sẽ giúp giải thích cho những sự kiện đau buồn mà khi còn thơ bé bạn không hiểu được. Lá thư đó cũng sẽ chứa những thông điệp trấn an và vỗ về mà đứa trẻ khi đó cần được nhận. Hãy hỏi đứa trẻ bên trong những câu hỏi như: bạn cảm thấy thế nào, tôi có thể làm gì để hỗ trợ cho bạn, bạn cần gì ở tôi…. Những câu hỏi này sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời, dù có thể hơi mất nhiều thời gian. 

Tập thiền định

Tập thiền định là một cách tuyệt vời để giúp bạn tìm ra những câu trả lời cho những câu hỏi mà bạn đã đặt ra cho đứa trẻ bên trong. Vì sao lại có điều này?

Thứ nhất, thiền định giúp bạn tăng cường nhận thức về bản thân trong hiện tại. Hoạt động này giúp chúng ta chú ý hơn đến những cảm giác xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy các tình huống cụ thể dẫn đến những phản ứng vô ích và thoải mái hơn với những cảm xúc không mong muốn. 

Thêm nữa, thực hành thiền cũng giúp bạn thừa nhận và ngồi lại với bất kỳ cảm giác nào xuất hiện trong cuộc sống. Khi đã chấp nhận chúng, bạn sẽ dễ dàng thể hiện những cảm xúc đó một cách lành mạnh. Điều này giúp đứa trẻ bên trong nhận thức rằng chúng có thể có cảm xúc và bộc lộ chúng ra ngoài. 

Xem bài viết  “Phụ Huynh Hóa” Lúc Nhỏ Và Cách Người Lớn Thoát Khỏi Nó

Để đứa trẻ bên trong viết nhật ký

Viết nhật ký là một cách tuyệt vời để giải tỏa cảm xúc, nhận diện và giải quyết những trải nghiệm đau khổ. Do đó, một cách để chữa lành đứa trẻ bên trong đơn giản là hãy viết nhật ký.

Bạn hãy ghi nhật ký từ quan điểm của đứa trẻ và đặt bản thân bạn sang một bên, tạo không gian cho đứa trẻ đó thể hiện. Không cần phải đắn đo quá kỹ những gì bạn sẽ viết mà cứ để những suy nghĩ tự nhiên chảy ra trang giấy khi chúng xuất hiện. Khi thể hiện chúng mà không kiểm soát sẽ giúp bạn chạm được một cách sâu sắc vào nỗi đau nội tâm bên trong đứa trẻ.

Tận hưởng niềm vui và học cách thư giãn

Thư giãn và vui chơi là một phần thiết yếu góp phần tạo nên một sức khỏe tinh thần tốt. Do vậy, bạn hãy dành thời gian cho các hoạt động này. Nếu tuổi thơ của bạn thiếu những trải nghiệm như vậy, bạn hãy tìm cách dành thời gian vui chơi với những người bạn tích cực để tìm lại niềm vui và chữa lành nỗi đau khi đã bỏ lỡ những điều bạn cần. Hãy tận hưởng tất cả những niềm vui nhỏ trong cuộc sống. Dù đó là việc ăn một que kem khi đi dạo hay chơi những trò chơi tuổi thơ. Dù cuộc sống trưởng thành thường bận rộn và nhiều trách nhiệm, bạn cũng đừng quên dành thời gian cho sự vui vẻ và thư giãn.

Luôn cởi mở với đứa trẻ bên trong

Bạn đã bắt đầu hành trình chữa lành bằng cách chấp nhận đứa trẻ bên trong. Điều đó dẫn đến một hành trình khám phá không ngừng về bản thân trong quá khứ cũng như những khoảnh khắc trong cuộc sống. Quá trình này có thể đem đến những nhận thức mới và đích đến của chúng thường là những cánh cửa mở. Chúng sẽ dẫn bạn đến cảm giác hoàn thiện, tăng cường sự tự tin cũng như động lực bản thân. Vì thế, bạn hãy tiếp tục lắng nghe đứa trẻ bên trong mình với tình yêu, lòng trắc ẩn để tiếp tục chữa lành những vết thương còn lại và tiến lên phía trước.

Xem bài viết  Những dấu hiệu đứa trẻ bên trong bị tổn thương và cần được chữa lành

Gặp gỡ nhà tâm lý trị liệu

Các nhà tâm lý trị liệu thường nhận ra sự ảnh hưởng của các trải nghiệm thời thơ ấu cũng như những sự kiện trong quá khứ lên cuộc sống, các mối quan hệ và sức khỏe tổng thể của bạn. 

Do đó, nếu bạn muốn khám phá quá khứ và tìm hiểu về đứa trẻ bên trong, hãy tìm kiếm sự trợ giúp của một nhà tâm lý trị liệu. Họ là những người luôn cố gắng tạo ra một không gian an toàn để giúp bạn điều hướng cảm xúc và tìm hiểu các chiến lược hữu ích để chữa lành cho đứa trẻ. Tùy theo tình trạng và mong muốn của bạn, nhà tâm lý sẽ áp dụng những liệu pháp khác nhau để giúp bạn nhận định và giải quyết vấn đề của mình. Đây cũng là một trong những cách tuyệt vời nhất để chữa lành đứa trẻ bên trong bạn.

Những cách chữa lành đứa trẻ bên trong trên đây có thể sẽ giúp bạn cải thiện chính bản thân mình. Những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ là không thể thay đổi nhưng chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Chữa lành không bao giờ là quá muộn. Hãy bắt đầu hành trình của bạn ngay hôm nay nhé.

Leave a Comment

Scroll to Top