Tranquil

Những dấu hiệu đứa trẻ bên trong bị tổn thương và cần được chữa lành

Có những dấu hiệu đứa trẻ bên trong bị tổn thương rất rõ ràng và cần được chữa lành. Chúng thường thể hiện qua những đau khổ trong các mối quan hệ và việc chúng ta khó đáp ứng các nhu cầu của bản thân. Vậy đứa trẻ bên trong là gì? Đâu là những dấu hiệu cho chúng ta biết rằng đứa trẻ bên trong đang bị tổn thương?

Đứa trẻ bên trong(Inner Child)là gì?

Mỗi người trong chúng ta đều có một đứa trẻ bên trong. Đó là đại diện của chính mỗi người ở các giai đoạn khác nhau trong thời thơ ấu. Đứa trẻ bên trong này kết nối với sự tò mò, lòng nhiệt tình và sáng tạo tự nhiên khi chúng ta còn là đứa trẻ trong thực tế. Tuy nhiên, nếu tuổi thơ của bạn gắn liền với những chấn thương tinh thần, nỗi đau bị bỏ rơi hoặc những nỗi đau về tình cảm khác, đứa trẻ sẽ lưu giữ những điều đó, che giấu nó đi để bảo vệ bạn và chính đứa trẻ mà bạn đã từng là. 

Những nỗi đau không được chữa lành này thường sẽ trở lại trong cuộc sống của bạn ở giai đoạn trưởng thành. Chúng ảnh hưởng đến cách hành xử, cảm xúc và có thể khiến chúng ta gặp những vấn đề tiêu cực về tâm lý và trong các mối quan hệ. Lúc này, đứa trẻ bên trong bạn đang cất tiếng nói và cần được chữa lành. 

Những dấu hiệu đứa trẻ bên trong bị tổn thương và cần được chữa lành

Thường xuyên có phản ứng mạnh

Một trong những dấu hiệu cho thấy đứa trẻ bên trong bị tổn thương là khi chúng ta thường thấy mình có phản ứng mạnh với rất nhiều tình huống. Bạn có thể thường xuyên cảm thấy tức giận, cáu kỉnh, khó chịu và tách biệt. Một số người có thể rất ít khi tức giận nhưng khi đã nổi giận thì biểu hiện rất khủng khiếp. Đôi khi dấu hiệu này cũng biểu hiện dưới dạng nổi loạn, một người sẽ cảm thấy sống động và có giá trị hơn khi mình xung đột với người khác. Điều này chứng tỏ rằng chúng ta đang cố gắng kiểm soát tình hình bên ngoài khi chúng ta không cảm thấy thoải mái ở bên trong. 

Đánh giá rất cao tính độc lập

Đứa trẻ bên trong bị tổn thương đôi khi biểu hiện bằng cách bạn cố gồng mình lên để tự bản thân xử lý tất cả mọi việc. Điều này giống như một lời tuyên bố rằng “tôi không cần ai cả” và không chấp nhận sự giúp đỡ của bất kỳ ai. Trong một số những trường hợp khác, dấu hiệu này có thể biểu hiện ở việc chúng ta cố gắng giữ tất cả trong lòng và không tin tưởng, gần gũi ai. Cứng nhắc và luôn cầu toàn cũng có thể là một phần của dấu hiệu này.

Xem bài viết  “Phụ Huynh Hóa” Lúc Nhỏ Và Cách Người Lớn Thoát Khỏi Nó

Có các hành vi đối phó mang tính chất phá hoại

Một dấu hiệu nữa có thể chứng tỏ rằng đứa trẻ bên trong cần được chữa lành là một người thường có những hành vi đối phó mang tính hủy hoại. Chúng có thể bao gồm việc uống quá nhiều rượu, mua sắm quá độ, gian lận, ăn uống vô độ và cả sự trì hoãn kinh niên. Một người có thể trở nên nghiện ngập một hoặc nhiều thứ, cảm thấy rất khó thích nghi với xã hội, cố gắng duy trì, kéo dài một hành vi tiêu cực nào đó,…Tất cả những điều này đều biểu hiện cho một tiếng nói bên trong đầy đau khổ với những ký ức chắp vá từ thời thơ ấu.

Sức khỏe tinh thần kém

Đứa trẻ bên trong bị tổn thương còn có thể biểu hiện ra bên ngoài dưới hình thức sa sút về mặt tinh thần. Phiền muộn, lo âu thường trực, mất động lực, khó ngủ, thiếu tập trung, muốn có nhiều thời gian ở một mình hoặc mong muốn luôn có bạn bè ở bên…là những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất. Ngoài ra, một người còn có thể không muốn quan hệ tình dục hoặc quan hệ nhiều hơn dù không muốn để giữ sự kết nối cũng là biểu hiện của một sức khỏe tinh thần kém. 

Có các mối quan hệ theo kiểu lặp đi lặp lại

Một dấu hiệu đứa trẻ bên trong cần được chữa lành rõ rệt nhất là một người vô thức lặp đi lặp lại các mối quan hệ độc hại và đau khổ. Về cơ bản, đây chính là việc họ đang lặp lại các mô hình tổn thương từ thời thơ ấu. Những mối quan hệ này thường có các kiểu như:

  • Họ thường cố gắng né tránh trong các cuộc xung đột giữa hai người hoặc từ chối nói về cảm xúc của mình với đối tác.
  • Từ chối nhu cầu của đối tác hoặc nhu cầu của chính họ trong mối quan hệ.
  • Luôn cố gắng khiến bản thân tin rằng không có vấn đề xảy ra hoặc ngược lại, chắc chắn đang có vấn đề gì đó xảy ra.
  • Thường lo lắng và sợ hãi khi đang ở trong một mối quan hệ, do đó, họ sẽ cố gắng đặt việc làm hài lòng đối phương lên trên tất cả các nhu cầu khác.
  • Sợ hãi sâu sắc việc bị bỏ rơi hoặc từ chối bởi đối tác. 

Gặp khó khăn khi thiết lập ranh giới cá nhân

Bạn cảm thấy rất khó khăn khi từ chối hoặc nói không? Bạn luôn cố gắng làm hài lòng người khác dù trong lòng không thoải mái? Đây có thể là những dấu hiệu đứa trẻ bên trong bị tổn thương và cần được chữa lành. Tạo ranh giới cá nhân là một phần quan trọng để chúng ta trở thành người lớn. Tuy nhiên, đứa trẻ từng trải qua chấn thương tâm lý thường cho rằng cảm xúc của chúng không quan trọng. Chúng thường bỏ qua nhu cầu của chính mình và không biết cách thiết lập ranh giới để ngăn những người sai trái đến gần. Ngược lại, một số người khác lại tạo ra ranh giới quá chắc chắn dẫn đến sự xa cách, tách biệt, lạnh lùng và khó gần.

Xem bài viết  Gắn Bó Né Tránh

Bạn hiểu rằng những khó khăn là có thật

Khi đứa trẻ bên trong bị tổn thương, từ trong sâu thẳm tâm hồn mình, bạn biết rằng đang có điều gì đó không ổn. Những khó khăn bạn đang phải đối mặt là có thật. Chúng liên quan đến những ký ức không vui và khiến bạn đang phải vật lộn với những cảm xúc tiêu cực ở hiện tại. Đây là một dấu hiệu tinh tế mà đứa trẻ bên trong nói rằng chúng cần được chữa lành.

Bỏ qua nhu cầu của bản thân

Bạn thường xuyên bỏ qua nhu cầu của mình để đáp ứng nhu cầu của người khác, dù đó có thể là điều bạn không muốn? Rất có thể là từ khi còn bé, bạn đã phải kìm nén những nhu cầu và mong muốn của mình để làm hài lòng cha mẹ. Khi trưởng thành, bạn vẫn thực hiện điều này theo vô thức của mình. Bạn có thể cảm thấy cần có trách nhiệm với người khác hơn là chính mình. Dấu hiệu này có thể thể hiện trong những trường hợp bạn thân mật với ai đó ngay cả khi bạn không cảm thấy thoải mái. 

Lòng tự trọng thấp

Một đứa trẻ bên trong bị tổn thương thường không hiểu rõ bản thân và không biết giá trị của mình. Điều đó có thể dẫn đến việc thường xuyên nghi ngờ bản thân, nghĩ mình kém cỏi,… Đôi khi, bạn còn cảm thấy tội lỗi khi đứng lên bảo vệ chính mình và liên tục tự chỉ trích bản thân. Lòng tự trọng thấp còn có thể dẫn đến sự phát triển các vấn đề về hình ảnh cơ thể, rối loạn ăn uống… Lúc này, việc chữa lành đứa trẻ bên trong giúp bạn khám phá, chấp nhận, yêu thương con người thật của mình, với tất cả những ưu và nhược điểm vốn có để xây dựng lòng tự trọng lành mạnh.

Xem bài viết  Bài tập Trở về

Khó tin tưởng người khác

Nếu như thời thơ ấu bạn thường xuyên bị lừa dối hoặc thao túng, bạn sẽ trở nên cảnh giác và kém tin tưởng với ý định của người khác. Vấn đề về niềm tin này là một cơ chế nhằm giúp bảo vệ bạn khỏi gặp lại sự lo lắng và đau lòng. Tuy nhiên, điều đó có thể ảnh hưởng và gây tổn hại đến các mối quan hệ lành mạnh của bạn sau này. Chúng thậm chí có thể ngăn cản bạn tận hưởng những mối quan hệ yêu đương thân mật bởi bạn luôn sợ hãi và lo lắng. Đây chính là một dấu hiệu đứa trẻ bên trong cần được chữa lành. Đứa trẻ này vốn đang mang đầy những tổn thương vì bạn đã học ngay từ đầu rằng không ai có thể tin cậy được. 

Khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc

Một người có đứa trẻ bên trong bị tổn thương có thể sẽ cảm thấy khó khăn khi nói về cảm xúc hay thể hiện chúng ra bên ngoài. Đôi khi, họ còn cảm thấy xấu hổ vì đã thể hiện những cảm xúc mạnh mẽ như đau buồn hay tức giận. Điều này có thể bắt nguồn từ việc chúng ta lớn lên trong một môi trường mà việc chia sẻ hay bày tỏ cảm xúc bị coi là biểu hiện của sự yếu đuối hoặc tội lỗi. Không chỉ khó biểu lộ, chúng ta còn khó khăn trong việc định và nói về cảm xúc mà mình đang gặp phải. 

Khó khăn trong việc cho và nhận trong tình yêu

Những vấn đề về lòng tin, nỗi sợ hãi, lòng tự trọng…sẽ dẫn đến những khó khăn trong việc cho và nhận tình yêu ở một người có đứa trẻ bên trong bị tổn thương. Chúng ngăn cản việc bạn gần gũi với những người thân yêu hoặc chìm trong một mối quan hệ độc hại mà không thể dứt ra được. Sự xa cách hoặc phụ thuộc quá mức đều là những dấu hiệu báo cho bạn biết rằng bạn cần được chữa lành. 

Trên đây là một số những dấu hiệu đứa trẻ bên trong bị tổn thương và cần được chữa lành cơ bản nhất. Nếu cảm thấy bản thân có những dấu hiệu này, đầu tiên bạn cần thừa nhận sự tồn tại của đứa trẻ bên trong và học cách đối diện với chúng. Viết nhật ký hoặc thực hành chánh niệm là một trong những cách phù hợp để kết nối với đứa trẻ này. Nếu cần thiết, bạn có thể đến gặp gỡ với nhà tâm lý trị liệu để có được phương hướng tốt nhất cho việc chữa lành. 

Leave a Comment

Scroll to Top