Tranquil

Thấu hiểu bộ não lo âu 

Prepared by: Nhi Pham

Bộ phim đình đám năm 2015 của Pixar, Inside Out (tựa Việt là Những Mảnh Ghép Cảm Xúc), vừa ra mắt trailer cho phần 2, cùng với sự đồng hành của một cảm xúc hoàn toàn mới: Lo Âu. Phần 1 của Inside Out được lấy bối cảnh bên trong não bộ của cô bé Riley Anderson, nơi năm cảm xúc chính: Vui Vẻ, Sợ Hãi, Giận Dữ, Chán Ghét và Buồn Bã luôn cố gắng dẫn dắt cuộc sống của cô. Trong phần 2, đạo diễn Pete Docter Riley chia sẻ rằng Riley sẽ trải qua dậy thì, vì thế cảm xúc thứ sáu sẽ xuất hiện để “xáo trộn” cuộc sống của cô. 

Nhưng liệu cảm xúc ‘lo âu’ có thật sự chỉ xuất hiện khi chúng ta bắt đầu dậy thì? 

Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, hàng nghìn người mất việc làm và nhà cửa, tương lai bị đe dọa bởi nhiều thứ, từ việc suy thoái kinh tế đến hiện tượng nóng lên toàn cầu. Sự phức tạp của xã hội hiện đại có thể khiến bất cứ ai cảm thấy lo lắng và mệt mỏi. Đôi lúc ta sẽ cảm giác như thể chúng ta đang sống trong “thời đại lo âu.” 

Nhưng với một số người, mặc dù công việc thuận lợi hay gia đình khỏe mạnh đến đâu, họ vẫn sẽ luôn chuẩn bị tinh thần cho điều tệ nhất có thể xảy ra. Đây là những người sinh ra đã hay lo lắng. Vào năm 1989, giáo sư tâm lý Kagan từ Đại học Harvard tại Mỹ đã bắt đầu một nghiên cứu dài hạn về các loại tính khí khác nhau và những ảnh hưởng của chúng. Trong 20 năm qua, Kagan và các đồng nghiệp của ông đã theo dõi quá trình 500 trẻ nhỏ lớn lên, để xem có gì khác biệt ở những người từ bé đã có tâm lý lo lắng hơn những trẻ khác. Giờ đây, khi những đứa trẻ này đã trưởng thành, nghiên cứu này mang lại cho chúng ta nhiều thông tin hữu ích mới về những bộ não lo âu.

Lo âu là gì? 

Mặc dù lo âu thường được cho là một nhánh nhỏ của nỗi sợ, nhưng chính xác thì cảm xúc lo lắng không giống với cảm xúc sợ hãi. Nỗi sợ thường tập trung vào thứ gì đó ngay trước mặt chúng ta, một mối nguy hiểm thực sự và khách quan. Thay vào đó, lo âu là một loại cảm giác bất an chung chung về một điều gì đó ngoài kia có vẻ như đang đe dọa đến ta – nhưng thật ra thì nó không phải một mối hiểm hoạ, và thậm chí có thể còn không tồn tại. Khi lo lắng, ta khó có thể thuyết phục bản thân thoát khỏi điều này và sẽ bị mắc kẹt trong một vòng lặp vô tận của câu hỏi “Nếu điều đó xảy ra thì sao?”

Trong bộ não con người, những suy nghĩ này thường bắt nguồn từ hạch hạnh nhân, một khu vực nhỏ ở giữa não, cùng với nhiều chức năng khác phản ứng với sự mới lạ của mối đe dọa. Khi hạch hạnh nhân hoạt động bình thường, nó sẽ điều phối phản ứng sinh lý trước những thay đổi của môi trường. Phản ứng này có bao gồm ghi nhớ rõ những trải nghiệm cảm xúc của bản thân và tạo ra tiếng đập mạnh trong lồng ngực quen thuộc khi chuẩn bị chiến đấu hoặc bỏ chạy. Nhưng ở những người sinh ra với một mạch não đặc biệt, được thấy ở các đối tượng nghiên cứu có tính phản ứng cao trong nghiên cứu của Giáo sư Kagan, hạch hạnh nhân của họ lại có tính phản ứng quá nhanh so với người khác. Điều này dẫn đến họ có xu hướng hoạt động nhiều hơn ở bán cầu não phải, nửa não này gắn liền với tâm trạng tiêu cực và lo lắng; nhịp tim và độ giãn đồng tử tăng nhiều hơn khi gặp căng thẳng; và đôi khi nồng độ hormone căng thẳng (cortisol và norepinephrine) cao hơn bình thường.

Nhưng việc có tất cả các dấu hiệu lo lắng ở trong não không phải lúc nào cũng khiến con người trải qua trạng thái lo âu. Giáo sư Kagan đã chia sẻ với Tạp chí New York Times, “Trạng thái não không phải nguyên nhân dẫn đến một chứng rối loạn. Nó cùng tồn tại với câu nói ‘Tôi đang lo lắng,’ và mối tương quan giữa hai đều này không hoàn toàn.” Ông nói rằng hai người khác nhau có thể trải qua mức độ lo lắng như nhau, nhưng một người có công việc thú vị để giúp cô ấy quên đi cảm giác bồn chồn có thể cảm thấy rất ổn, trong khi người còn lại vừa mất việc và phải dành cả ngày ở nhà có thể cảm thấy bồn chồn đến nỗi áp đảo tất cả cảm xúc còn lại của cô. Tất cả đều phụ thuộc vào bối cảnh, cách tiếp cận vấn đề, và khả năng ta có thể chuyển hướng sự chú ý của mình ra khỏi nút thắt trong lòng. Những yếu tố này đều mang phần quyết định liệu một đứa trẻ hay lo lắng lớn lên thành một người lo âu hay bình tĩnh hơn. Một mục đích lớn trong nghiên cứu của Giáo sư Kagan nhằm tìm hiểu câu chuyện khi lớn lên của những đứa trẻ có tính phản ứng cao ở hạch hạnh nhân sẽ như thế nào.

Xem bài viết  Hướng đến chẩn đoán toàn diện trong tâm lý trị liệu

Sự phát triển của nỗi lo âu 

Một số đặc điểm chung nhất định đã xuất hiện từ những đánh giá đầu tiên của nghiên cứu này. Khi 4 tuổi, những đứa trẻ có mức độ phản ứng cao sẽ có khả năng bị ức chế về mặt hành vi cao gấp 4 lần so với những đứa trẻ có mức độ phản ứng thấp. Đến 7 tuổi, gần 50% các bé này đã phát triển các triệu chứng lo lắng – như sợ sấm sét, sợ chó hoặc sợ bóng tối – và cực kỳ nhút nhát trong lớp học hoặc sân chơi so với chỉ 10% ở những trẻ có mức độ phản ứng thấp hơn. Tại thời điểm này, khoảng 1/5 số trẻ có mức độ phản ứng cao luôn bị ức chế và sợ hãi mỗi lần được ghé thăm.

Khi lớn lên, trẻ em có xu hướng kiểm soát nỗi sợ hãi của mình tốt hơn. Ở tuổi thiếu niên, tỷ lệ lo âu ở các đối tượng nghiên cứu của Giáo sư Kagan nhìn chung đã giảm, kể cả ở nhóm có nguy cơ cao. Ở tuổi 15, khoảng 2/3 số trẻ từng có phản ứng mạnh khi còn nhỏ đã có hành vi khá giống những người khác.

Một ví dụ khá điển hình là Mary, hiện cô là sinh viên 21 tuổi tại Đại học Harvard. Khi còn 1-2 tuổi, cô thuộc nhóm có mức độ phản ứng cao và sợ hãi ở mức độ vừa phải. Hiện khi được hỏi về cuộc sống của mình, cô không nghĩ mình là một người hay lo lắng, mà chỉ cho rằng mình là người có trách nhiệm. “Tôi chưa bao giờ cảm thấy có vấn đề về điều này. Từ bé đến lớn tôi đã luôn là một đứa bé học tập rất chăm chỉ để đạt điểm cao, là kiểu người sẽ hoàn thành hết bài tập về nhà trước khi xem TV.” Mary cũng đã là một vũ công ba lê thành đạt từ khi còn nhỏ, điều này giúp cô “tiêu hao năng lượng”. Việc trở nên xuất sắc ở một lĩnh vực phù hợp, cộng với việc được nuôi dưỡng trong một gia đình luôn sẵn sàng hết mình hỗ trợ cô, có thể đã giúp Mary chuyển nỗi lo âu bẩm sinh của mình thành sự tận tâm và tự chủ tốt.

Tuy nhiên, không phải người nào có bản tính hay lo lắng cũng dễ dàng chuyển hoá nó như Mary. Giáo sư Kagan và các đồng nghiệp của ông nhận thấy rằng có một nhóm nhỏ những người có mức độ phản ứng cao mà không thể vượt qua được bản chất của chính mình: dù cố ý hay vô thức thì họ vẫn là những người mang nhiều lo âu như khi còn nhỏ.

Hầu hết những đứa trẻ có mức độ phản ứng cao trong nghiên cứu của Giáo sư Kagan đều có những kết quả học tập tốt ở tuổi teen. Các bé đều đi dự tiệc và kết bạn như các bạn đồng trang lứa. Bề ngoài là vậy, tuy nhiên ở trong thâm tâm, nhiều người trong số các em – có lẽ là hầu hết các bạn – đều rất lo lắng. 

“Chỉ những người có mức độ phản ứng cao mới nói, Em căng thẳng ở trường’, Em rất nôn nao trước khi thi’, hay ‘Nếu lớp em sắp đi dã ngoại, thì đêm trước đó em không bao giờ ngủ được,'” Giáo sư Kagan chia sẻ, “Các em không thích điều đó, nhưng các em chấp nhận sự thật rằng mình là một người dễ căng thẳng.” Nếu ta sử dụng thuật ngữ từ nhà tâm lý học Carl Jung để xem xét hiện tượng này, đây được gọi là sự khác biệt giữa persona (nhân cách bên ngoài) và anima (những suy nghĩ và cảm xúc bên trong). Ta có thể kiểm soát persona của mình, nhưng thường không thể làm vậy với anima.

Cuộc sống lo âu như thế nào? 

Tác giả Daisy Buchanan đã từng chia sẻ trong một bài viết của tòa soạn Guardian về rối loạn lo âu rằng sự lo lắng của mình làm cô rất choáng ngợp và cảm thấy suy nhược hầu hết các ngày trong tuần. Cô viết, “Những suy nghĩ trong đầu tôi khó có thể kiềm chế được, và nỗi lo âu của tôi hình thành trước khi tôi có thể nhận ra mình đang hoảng loạn. Cảm giác khó thở, tim đập thình thịch và cảm giác buồn nôn ập đến mà không hề báo trước, chúng kích thích nỗi sợ hãi của tôi. Cơ thể tôi nhanh chóng ra lệnh, ‘Chạm xuống đất đi. Rời khỏi tòa nhà ngay.’ Tôi không còn khả năng đánh giá tình hình một cách khách quan nữa. Lúc đó tâm trí tôi không đủ tỉnh táo để nhận ra rằng mối nguy hiểm chẳng qua đã được phóng đại lên bởi trí tưởng tượng của bản thân.” 

Xem bài viết  Rối loạn lo âu xã hội

Theo Giáo sư Tiến sĩ David Barlow, người đã xuất bản hơn 650 bài báo và 90 cuốn sách về cẩm nang lâm sàng trong lĩnh vực lo âu và các rối loạn cảm xúc, những cảm xúc lo âu có thể được chia làm 3 trạng thái: tâm trạng tiêu cực, căng thẳng về mặt thể chất (căng cơ, khó ngủ, mệt mỏi, thiếu năng lượng) và kích thích nhận thức (lo sợ về tương lai). Những đặc điểm này cũng được Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) sử dụng để chẩn đoán Rối Loạn Lo Âu trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, phiên bản thứ 5 (DSM-5). 

Điều gì dẫn đến lo âu?

Các nhà khoa học hiện vẫn đang nghiên cứu xem làm sao để 2/3 số đứa trẻ có mức độ phản ứng cao từ bé lại có thể tránh được những vấn đề tâm lý khi lớn lên. Họ đặc biệt muốn tìm hiểu những biện pháp can thiệp liên quan đến các yếu tố môi trường dễ thay đổi hơn. Ví dụ, trong nghiên cứu đầu tiên của Giáo sư Kagan, ông nhận thấy rằng thứ tự sinh có vẻ có sự liên kết với nỗi lo âu. ⅔ những đứa trẻ bị ức chế về mặt hành vi thường có anh hoặc chị lớn, trong khi chỉ 1/3 số trẻ không bị ức chế có anh chị. Giáo sư Kagan và các đồng nghiệp tự hỏi liệu việc có anh chị em đồng nghĩa với việc bị trêu chọc và xô đẩy thường xuyên, và liệu điều này có trở thành nguồn gốc của sự căng thẳng mãn tính, từ đó khuếch đại khuynh hướng sinh học dẫn đến lo âu của đứa trẻ hay không. Mặc dù đây là một giả thuyết hấp dẫn, nhưng phát hiện này chưa từng được kiểm chứng trong những nghiên cứu sau đó – điều này cho thấy rằng rất khó để tìm ra yếu tố môi trường nào thật sự có liên quan và yếu tố nào chỉ là ngẫu nhiên. 

Sống cùng lo âu 

Nghiên cứu sinh Nathan Fox, học trò cũ của Giáo sư Kagan, đã để ý trong nghiên cứu của mình rằng với những trẻ có mức độ phản ứng cao, các bé có đi nhà trẻ khi còn nhỏ sẽ ít lo lắng hơn một các đáng kể so với các bé ở nhà với mẹ. Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra để xem cách nuôi dạy con cái nào hiệu quả nhất với bản tính dễ lo lắng ở trẻ. Trường hợp nào sẽ tốt hơn cho trẻ – một bậc cha mẹ chiều chuộng và luôn nói rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi, hay một bậc cha mẹ nghiêm khắc, luôn đặt ra những điều luật và không khoan dung cho sự nghịch ngợm của trẻ? Một mặt, phụ huynh có thể bảo vệ trẻ khỏi những điều khiến chúng lo lắng. Mặt khác, phụ huynh có thể thúc giục, thậm chí ép buộc các bé đối mặt với những mối lo sợ.  

Kết quả tốt nhất được tìm thấy từ nghiên cứu của cả Giáo sư Kagan và Tiến sĩ Fox cho thấy rằng phụ huynh dạy trẻ học cách tự vượt qua nỗi lo của mình. Một số đứa trẻ có thể tự tìm ra cách đối phó hiệu quả nhất. Một trong những đứa trẻ trong nghiên cứu của Giáo sư Kagan đã viết trong một bài luận của mình: “Những cuộc đấu tranh nội tâm đã khiến em giằng xé trong nhiều năm, cho đến khi em có thể tự buông bỏ và bình tĩnh lại. Ví dụ, khi lần đầu tiên em nghe đến bệnh ung thư ở Washington, em bắt đầu bị đau bụng. Em sớm nhận ra rằng mình đau đơn giản là vì lo lắng. Ngay khi nhận ra điều này, cơn đau bụng của em đã hoàn toàn biến mất. Chính vì bây giờ em đã hiểu được khuynh hướng lo lắng của mình, nên em có thể tự trấn an bản thân khi đối mặt với những nỗi sợ đơn giản.” Có rất nhiều người lớn, dù hay lo âu hay không, cũng không thể kiểm soát được những lời độc thoại nội tâm như cậu bé 13 tuổi này. 

Xem bài viết  Liệu pháp EMDR trong ứng dụng chữa PTSD 

Nhiều người sẽ tự trêu chọc về nỗi lo âu của bản thân để vượt qua nó. Nhiều người sẽ hoàn thành toàn bộ công việc của mình thật nhanh, trước hạn nộp hẳn hàng tuần, những người khác sẽ cố gắng đi chơi cùng bạn bè, cày một bộ phim dài, làm các cách khác nhau để “trì hoãn” nỗi lo của mình. Tiến sĩ Fox nói rằng mấu chốt để những người có mức độ phản ứng cao học được cách thích nghi với cuộc sống hàng ngày là những điều khá đơn giản, chẳng hạn như tìm được một hoặc hai người bạn hỗ trợ tinh thần, hoặc, giống như Mary, tìm thấy thứ gì đó họ giỏi để cảm thấy tự tin hơn vào bản thân. 

Định luật Yerkes-Dodson, được phát triển bởi hai Tiến sĩ Tâm lý tại Hoa Kỳ vào năm 1908, cho thấy rằng đôi lúc nỗi lo âu cũng có ích trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Định luật chỉ ra rằng hiệu suất của con người tăng lên khi có mức độ phản ứng tinh thần cao, tuy chỉ đến một mức nhất định. Dưới đây là một biểu đồ thể hiện khái niệm này: 

Rất nhiều nghiên cứu sau này đã kiểm chứng định luật này. Chúng ta có thể thấy rằng nếu không hề lo lắng thì ta sẽ không được mang lại nhiều động lực. Ngược lại, lo lắng quá mức sẽ gây ra phản ứng căng thẳng mạnh mẽ hơn và có thể cản trở hiệu suất làm việc của chúng ta. Mặc dù đạt được đến vùng tối ưu có thể khó khăn vì một số yếu tố không nằm trong tầm kiểm soát của ta, nhưng nếu có thể tìm được cách cân bằng điều này, đây là một cách tuyệt vời để bản thân có thể phát triển trong công việc một cách hiệu quả nhất!

Lo âu trong thời hiện đại 

Trong thế giới hiện đại, bản tính lo lắng mang lại một số lợi ích nhất định, như giúp con người ta thận trọng hơn, sống nội tâm hơn, và tăng khả năng làm việc một mình. Đây có thể là những phẩm chất đã được thích ứng từ nỗi lo âu thuở nhỏ. Giáo sư Kagan đã quan sát thấy rằng những người có mức độ phản ứng cao trong nghiên cứu của ông có xu hướng né tránh những mối nguy hiểm thường gặp ở tuổi thiếu niên. Chính vì những đứa trẻ này biết kiềm chế hơn so với những bạn đồng trang lứa, nên các em ít có khả năng thử sử dụng chất kích thích hay làm những hành vi liều lĩnh hơn. 

Chúng ta thường có suy nghĩ rằng sự lo lắng luôn độc hại cho chúng ta. Nhưng những người hay lo lắng có thể là những người làm việc kỹ lưỡng nhất, và là những người bạn chu đáo nhất. Người thường lo lắng về việc đến muộn sẽ luôn lên kế hoạch để đến địa điểm cần đến sớm hơn. Người thường lo lắng về việc nói chuyện trước công chúng sẽ chăm chỉ chuẩn bị tốt hơn cho bài nói đó. Sự lo lắng khi làm bài kiểm tra có thể giúp ta học tập tốt hơn; nỗi sợ đi lạc có thể giúp ta giỏi xem bản đồ.

Tất nhiên, đây chỉ là khái quát của một bức tranh toàn cảnh. Có rất nhiều các trường hợp ngoại lệ, và tất cả đều dựa trên một lý do lớn rằng mối liên hệ giữa thần kinh và hành vi của con người chúng ta rất đỗi phức tạp. Tất cả những gì các nhà nghiên cứu có thể tự tin nói sau nhiều nghiên cứu dài hạn về sự lo lắng là những đứa trẻ có mức độ phản ứng cao lúc bé sẽ không lớn lên trở thành một người rất hướng ngoại, sôi nổi hay táo bạo. Bản tính quyết định rất nhiều về tương lai một người, nhưng cách chúng ta định hướng cuộc sống của chính bản thân mình sẽ luôn quan trọng hơn cả. 

Reference:

Barlow, D.H., Durand, V. M., & Hofmann, S. G. (2017). Abnormal Psychology: An Integrative Approach (8th Ed.). Belmont, CA: Wadsworth.

Buchanan, D. (2022, May 21). What I wish I’d known about living with an anxiety disorder. The Guardian; The Guardian. https://www.theguardian.com/lifeandstyle/2022/may/21/what-i-wish-id-known-about-living-with-an-anxiety-disorder

Henig, R. (2009). Understanding the Anxious Mind. The New York Times; The New York Times. https://www.nytimes.com/2009/10/04/magazine/04anxiety-t.html?pagewanted=all&_r=0

Mann, K. (Director). (2024). Inside Out 2 [Film Trailer]. Pixar, Walt Disney Pictures.

Leave a Comment

Scroll to Top