Trong một cảnh của bộ phim Song Đề Xã Hội (The Social Dilemma, 2020), một thiếu niên ngồi trên giường, xung quanh tối đen, đôi mắt dán vào màn hình điện thoại chăm chăm không chớp lấy một lần. Cậu đã nghiện điện thoại, bỏ bê học hành và các hoạt động ngoại khóa. Ánh đèn từ chiếc điện thoại rọi rõ khuôn mặt vô hồn những lúc cậu lướt đến những nội dung quá khích hay độc hại. Hình ảnh này là một tấm gương phản chiếu chân thực tác động đáng sợ của công nghệ lên xã hội loài người – phá hoại sức khỏe tâm thần của thế hệ trẻ.
Vậy, hình ảnh này có thật ngoài đời không? Sự phát triển thần tốc của mạng xã hội có thật sự ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần? Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã đề cập vấn đề tương tự, họ cho rằng có những hệ lụy về sức khỏe tâm thần liên quan đến truyền thông kĩ thuật số, chẳng hạn như trầm cảm. Dù vậy, nhiều người khác lại phản bác rằng quan điểm này thiếu thống nhất và chưa đủ để đưa ra kết luận thực tế. Một cuộc tranh luận đã nổ ra giữa các nhà nghiên cứu và cả trong cộng đồng. Liệu mạng xã hội đang ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của chúng ta?
Cuộc tranh luận này càng trở nên đáng chú ý hơn khi ta bắt đầu xem xét các rủi ro tiềm tàng đối với nguy cơ tự tử đến từ các phương tiện truyền thông xã hội. Từ năm 1999 đến 2018, tỉ lệ tự tử ở Mỹ đã tăng vọt ở mức 35%. Ở nữ giới, trẻ em gái trong độ tuổi 10-14 có tỉ lệ tự tử thấp nhất – nhưng cũng ở giai đoạn này, tỉ lệ tự tử tăng gấp 4 lần. Cùng lúc đó, các trang mạng xã hội cũng đã phát triển theo cấp số nhân. Ngày nay, 84% người lớn ở Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 29 có sử dụng các thiết bị truyền thông xã hội, và gần một nửa thanh thiếu niên cho biết mình “lên mạng” hầu như mọi lúc.
Câu hỏi đặt ra là tỉ lệ tự tử tăng cao có liên quan gì đến sự phổ biến của các mạng xã hội hay không? Mặc cho làn sóng quan điểm trái chiều nhắm tới các nền tảng xã hội kia, chúng ta thực sự vẫn chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Các nghiên cứu về chủ đề nói trên gặp rất nhiều khó khăn. Tự tử là một hiện tượng vô cùng khó giải thích, và hầu như không có trường hợp tự tử nào xảy ra chỉ vì một nguyên nhân duy nhất. Các nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng – tiêu chuẩn vàng cho các nghiên cứu khoa học cũng không thể nào trả lời chính xác. Ta không thể du hành về năm 2003 – thời điểm trước khi Facebook ra đời và đưa mạng xã hội cho họ dùng rồi quan sát, đối chiếu.
Rất có thể mấu chốt ở đây chính là khi cố tìm ra câu trả lời, chúng ta thường mắc kẹt trong những con số trung bình: những con số về con người, trải nghiệm, các nền tảng, và về thời gian.
Để minh họa cho vấn đề của những con số trung bình, hãy tưởng tượng rằng khi ai đó hỏi tôi câu hỏi này: lượng thức ăn mà một người nạp vào có nói lên được tình trạng sức khỏe của người đó không? Để tìm câu trả lời, tôi bắt đầu khảo sát ngẫu nhiên một số người để biết họ thường ăn bao nhiêu sau đó, tôi sẽ nhờ họ đưa ra đánh giá về sức khỏe của bản thân.
Khi nhìn vào con số tương quan trung bình giữa lượng thức ăn tiêu thụ và tình trạng sức khỏe của họ, tôi tìm thấy gì? Có lẽ sẽ không có mối tương quan nào ở đây. Điều đó là vì, nằm ẩn trong con số đó, có rất nhiều kiểu người cũng như kiểu thức ăn khác nhau: có người ăn quá nhiều, có người lại ăn quá ít, ngoài ra còn có nhiều ngoại lệ, chẳng hạn như những em bé chỉ cần vỏn vẹn 500 calorie một ngày hay vận động viên bơi lội như Michael Phelps – người có khả năng cần đến 10000 calorie. Nếu tôi chuyển qua khoanh vùng những người có thói quen ăn uống cụ thể như ăn salad thường xuyên, có thể mối tương quan mà tôi tìm ra vẫn rất mong manh. Đối với tôi, ăn salad rất tốt, nhưng với đứa con trai còn chưa mọc răng của tôi lại không tốt chút nào. Và ngay cả khi tôi hạn chế lại chỉ còn một người, mối liên kết giữa lượng thức ăn và sức khỏe vẫn sẽ hời hợt mà thôi. Vậy lượng thức ăn tôi nạp vào có tác động tích cực đến sức khỏe của tôi không? Nếu ăn uống lành mạnh thì chắc câu trả lời sẽ là có. Nếu mỗi bữa tôi đều ăn kem, câu trả lời có thể là không.
Liệu mối liên quan mơ hồ này có nghĩa là thực phẩm không quan trọng đối với sức khỏe của con người? Không đâu, nó có nghĩa là những câu hỏi chúng ta đặt ra đã đi sai hướng. Khi chúng ta xem xét ảnh hưởng sức khỏe của những khái niệm rất bao quát như “việc ăn uống”, câu trả lời nhận được sẽ là ‘’tùy vào…”
Nhiều cuộc nghiên cứu đã ra đời nhằm tìm hiểu mối liên hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội và sức khỏe tâm thần. Các số liệu ghi nhận được trộn lẫn ngẫu nhiên. Kết quả cho thấy, mối liên hệ trung bình giữa tần suất sử dụng mạng xã hội của con người và sức khỏe tâm thần của họ chỉ thể hiện được một con số trung bình. Và mức trung bình này lại không thể hiện được nhiều thông tin quan trọng – về điểm mạnh và điểm yếu của từng cá nhân, cũng như về các hành vi và trải nghiệm cụ thể của họ trên mạng xã hội.
Mới đây, tôi và các đồng nghiệp đã bắt đầu ghi lại các thông tin về mối liên hệ giữa sử dụng mạng xã hội và các ý nghĩ tự tử, các nỗ lực tự tử và tự tổn thương. Chúng tôi đã tiến hành phân tích tổng hợp, đánh giá có hệ thống và phân tích định lượng các nghiên cứu thuộc chủ đề này đã được đăng tải cho đến nay. Khi kết hợp kết quả của bảng phân tích tổng hợp này với những đánh giá gần đây, chúng tôi nhận thấy rằng, bên cạnh các biểu hiện thái quá như mức sử dụng quá nhiều – gây cản trở các hoạt động hàng ngày, tần suất sử dụng mạng xã hội trung bình của những người được nghiên cứu không hề có chứng cứ liên quan đến tỉ lệ tự tử. Kết quả này có vẻ đúng đối với cả ở người lớn và thanh thiếu niên cũng như trên các nền tảng khác nhau, từ các diễn đàn trực tuyến, các nền tảng nhắn tin hay các trang web như Instagram và Facebook. Thay vào đó, chúng tôi nhận thấy được rằng, bất kỳ tác động nào của việc sử dụng mạng xã hội đối với nguy cơ tự tử đều nằm ở người sử dụng và cách sử dụng.
Nếu ta chỉ dựa vào tần suất sử dụng trung bình, chúng ta sẽ bỏ qua các hệ quả cảm xúc của những trải nghiệm như bắt nạt trên mạng và ảnh hưởng khác nhau của những trải nghiệm đó lên từng trẻ vị thành niên. Hình thức bắt nạt sẽ thay đổi dựa theo không gian, hình thức bắt nạt ở tiệm ăn sẽ khác với hình thức tại mục bình luận của một bài viết. Nhiều người trẻ có thể sẽ cảm thấy đụng độ một kẻ bắt nạt trên điện thoại không đáng sợ bằng việc bị bắt nạt ngoài đời, những với nhiều người khác, trải nghiệm này lại kinh khủng hơn hẳn vì chuyện đó diễn ra công khai trên mạng và họ không có cách nào trốn khỏi nó.
Trong một nghiên cứu được gây quỹ bởi Tổ chức Phòng ngừa Tự tử của Mỹ, tôi đã chia sẻ với nhiều thiếu niên trải qua những suy nghĩ, hành vi muốn tự tử. Một cô bé 14 tuổi đã chỉ ra vấn đề của bắt nạt qua mạng:
Mọi người thường sẽ không dám kiếm chuyện với người khác ngoài đời, vì vậy họ chọn cách trốn đằng sau mạng xã hội và nhắm vào bạn. Họ dễ dàng làm bạn suy sụp hơn (là bắt nạt trực tiếp ngoài đời) bởi nhiều người sẽ thấy bạn bị bắt nạt hơn là chỉ trong phạm vi trường học, điều đó sẽ làm bạn tổn thương nhiều hơn… khi được đăng tải khắp nơi, những hình ảnh đó sẽ được lan truyền đến mọi ngóc ngách.
Phân tích tổng hợp của chúng tôi cho kết quả tương tự với các đánh giá trước đây: những cá nhân bị bắt nạt trên mạng sẽ có nhiều khả năng nảy sinh suy nghĩ tự tử, tự tổn thương thể xác và có một hay nhiều lần cố tự tử. Hầu như tất cả các nghiên cứu này đều dựa trên các dữ liệu cắt ngang, nghĩa là nguyên nhân – kết quả rút ra rất hạn chế. Tuy nhiên, ta có thể đưa ra kết luận ngoại suy từ các minh chứng khác, rằng bắt nạt qua mạng có liên kết với các hệ quả về sức khỏe tâm thần khác (như trầm cảm, lo âu) ở độ tuổi thanh thiếu niên và bắt nạt ngoài đời có ảnh hưởng đối với ý nghĩ muốn tự sát – để suy ra rằng, đối với nhiều người, nhất là thanh thiếu niên, việc bắt nạt qua mạng có thể dẫn đến và là báo hiệu cho hành động tự tử.
Các mối liên kết xã hội là yếu tố chính giúp chống lại nguy cơ tự tử. Bên cạnh đó, các mạng xã hội cũng giúp ta nhanh chóng tiếp cận sự hỗ trợ xã hội cần thiết.
Bắt nạt qua mạng chỉ là một trong những nguyên nhân mạng xã hội có liên quan đến nguy cơ tự tử. Một nguyên nhân khác có thể kể đến là việc xây dựng và phát tán các nội dung bao gồm các thông điệp, bài viết hay video có các hình ảnh hay chữ viết có gợi nhắc đến tự tử. Phân tích tổng quan của chúng tôi cho thấy cả những người đăng tải và những người xem các nội dung nói trên đều có nhiều suy nghĩ tự tử và nguy cơ tự tử cũng cao hơn. Chiều hướng của nguyên nhân gây ra hành động trên lại đặt ra một câu hỏi khác. Tuy nhiên, một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người trẻ có xem các nội dụng về tự tổn thương trên mạng thường có mức suy nghĩ về tự tử cao hơn và sau đó một tháng, họ bắt đầu tự tổn thương mình. Hơn thế nữa, nhiều giả định về “lây nhiễm tự tử” cho thấy rằng những người dễ tổn thương, nhất là nhóm thanh thiếu niên, có thể tăng nguy cơ tự tử qua tiếp xúc với thông tin về một vụ tự tử trong cộng đồng. Những tác động này còn nghiêm trọng hơn khi thông tin đó thể hiện quan điểm ủng hộ đối với sự việc hoặc cung cấp thông tin chi tiết về cách thức tự tử. Khi mà những cá nhân có nguy cơ tự tử lại dễ dàng tiếp cận các loại nội dung tương tự qua mạng, chúng ta khó có thể thờ ơ.
Vậy câu trả lời là chúng ta nên bảo vệ những người có nguy cơ tự tử khỏi các trang mạng xã hội hay xóa bỏ tất cả các nội dung liên quan tự tử trên các nền tảng này? Phương pháp cần thiết có thể phải phụ thuộc nhiều vào một con số tương quan trung bình – con số bỏ qua các lợi ích mà mạng xã hội đem lại. Cung cấp thông tin về nguy cơ tự tử, giảm sự phân biệt, và cải thiện khả năng nhận được các nguồn lực và trị liệu có thể là một trong các lợi ích tuyệt vời nhất của mạng xã hội khi nói đến sức khỏe tâm thần.
Khi con người nhận được sự hỗ trợ hay can thiệp nhờ vào các giao tiếp qua mạng về tự tử, ảnh hưởng mang lại sẽ rất tích cực. Điều này có thể bao gồm thông tin về các dấu hiệu cảnh báo tự tử từ các tổ chức sức khỏe tâm thần, các bài viết của bạn bè và người nổi tiếng về những đấu tranh về sức khỏe tâm thần của họ, hay chỉ đơn giản là những tin nhắn động viên từ một người bạn. Mối liên kết xã hội là một yếu tố quan trọng bảo vệ con người khỏi nguy cơ tự tử, và mạng xã hội cho ta phương thức để nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời từ xã hội. Nó giúp ta có nhiều cơ hội hơn thông qua việc truy cập vào các cộng đồng với hỗ trợ từ những người mà nếu không có mạng xã hội, rất khó để nhận trợ giúp từ họ, các cộng đồng đó thường cũng giúp ta chia sẻ với những người có cùng trải nghiệm và tình trạng với ta. Tất cả những lợi ích lớn lao trên, đối với nhiều người trong những trường hợp đặc biệt, là rất có ý nghĩa.
Còn nhớ cô bé 14 tuổi, người đã kể về các nguy cơ bắt nạt qua mạng chứ? Cô bé cũng đã cho rằng các nền tảng xã hội rất quan trọng với mình:
Em có chơi một tựa game (trực tuyến) và đã kết nhiều bạn trên đó, họ rất tốt… đó là nơi em tìm được hầu hết bạn bè… Em bảo với họ rằng nếu em có gặp chuyện gì thì mong họ sẽ giúp em vượt qua. Như là khi em muốn tự tử, họ sẽ có thể động viên em. Và họ cũng kiểu, được thôi, cậu không thể làm vậy vì mọi người đều quan tâm cậu mà… Và điều này đã giúp em rất nhiều.
Tác động của các trang mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần rất phức tạp. Đối với nhiều người, mạng xã hội có thể là một chiếc “dây cứu sinh” – thứ kết nối họ với bạn bè, người thân hay người lạ lúc cần thiết. Còn với những người khác, mạng xã hội lại là một “quả mìn” – khiến ta tiếp cận các nội dung tiêu cực hay sự quấy rối. Hầu hết mọi người đều cho nó là cả hai, tùy thuộc vào cách cũng như lúc mà ta sử dụng nó. Đây là những mặt làm ta bối rối khi áp dụng con số trung bình.
Nhiều khả năng, hệ quả có hại nhất khi dựa dẫm vào các con số trung bình về mạng xã hội và sức khỏe tâm thần chính là ta dễ bỏ sót những trải nghiệm của bản thân khi lên mạng. Ta có thể vô tư lướt qua và hài lòng với kết quả mà thuật toán đưa ra. Tuy nhiên, bằng cách nhắc lại tầm quan trọng của cách một người sử dụng mạng xã hội và các đặc tính cá nhân mà ta tạo ra cho mạng xã hội, ta có thể tìm ra cách ứng dụng nó sao cho phù hợp nhất.
Dành cho những bậc phụ huynh và những người có công việc gần gũi với người trẻ: ta có thể động viên, hướng dẫn những cách sử dụng mạng xã hội thông minh, giúp chúng phân biệt được khi nào mạng xã hội sẽ ảnh hưởng tốt và khi nào nó sẽ có tác động xấu. Ta có thể hỏi chúng về những gì chúng thường gặp trên mạng. Hành vi nào trên mạng mà chúng thấy tích cực? Hành vi nào tiềm ẩn nguy cơ? Chúng đã trang bị cho mình những điểm mạnh và điểm yếu nào khi tham gia vào các trang mạng? Và ta sẽ có thể hỗ trợ con em mình trong công cuộc điều chỉnh cách sử dụng mạng xã hội sao cho hữu ích.
Ta có thể ngưng thắc mắc rằng mạng xã hội có tốt hay không, mà thay vào đó hãy hỏi rằng mạng xã hội đang ảnh hưởng ta khi nào và theo cách nào.
Dịch từ: https://psyche.co/ideas/suicide-risk-and-social-media-is-it-a-landmine-or-a-lifeline