Tranquil

Mối quan hệ giữa căng thẳng sau sang chấn tâm lý và đau mãn tính

Về Cơn đau và Sức khỏe tâm thần  

Đau mãn tính là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và tốn kém. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khuyết tật trên toàn thế giới. Chỉ riêng ở Mỹ, có khoảng 50 triệu người trưởng thành đang phải chịu đựng cơn đau mãn tính. Trong những thập kỷ qua, các nhà khoa học đã rất nỗ lực để hiểu rõ hơn, ngăn ngừa và điều trị chứng đau mãn tính. Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ chung giữa đau mãn tính và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Nhiều bệnh nhân đau mãn tính mắc chứng PTSD liên quan đến sang chấn tâm lý, và tình trạng đau mãn tính cũng thường được nhận thấy ở những người mắc PTSD. Do đó, việc hiểu rõ hơn về mối liên kết này rất quan trọng trong việc điều trị. 

Sự xuất hiện cùng lúc của hai chứng bệnh

Ở những bệnh nhân bị đau mãn tính, tỉ lệ xuất hiện của PTSD không có một kết quả báo cáo cụ thể, do sự khác biệt trong công cụ lấy mẫu và cách đánh giá của từng nghiên cứu. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu gần đây về những người tị nạn mắc chứng PTSD, các nhà nghiên cứu nhận được rất nhiều phàn nàn về việc đau mãn tính. Ở các nghiên cứu khác về PTSD, hầu hết những người tham gia đều phàn nàn về những cơn đau như vậy. Một số nghiên cứu đã phát hiện rằng những bệnh nhân bị đau mãn tính có biểu hiện triệu chứng PTSD cao hơn thì cũng sẽ có mức độ đau đớn, khuyết tật và đau khổ tâm lý cao hơn. Điều này cho thấy khả năng rằng các tình trạng này không chỉ cùng tồn tại mà còn có thể ảnh hưởng tiêu cực lẫn nhau.

Vì sao lại có hiện tượng này?

Các nhà nghiên cứu đã đề xuất một số khả năng để giải thích tình trạng PTSD đi kèm với những cơn đau mãn tính:

Có cùng đặc điểm “dễ bị tổn thương”

Nghiên cứu từ Tiến sĩ Asmundson cho thấy rằng có một số đặc điểm ngầm mở đường gây ra sự phát triển của cả PTSD và cơn đau mãn tính. Đặc biệt, sự nhạy cảm với lo âu (xu hướng phản ứng sợ hãi vì cho rằng các triệu chứng lo lắng là có hại), có thể khuếch đại cường độ phản ứng với một sự kiện đau thương của bạn. Từ đó, yếu tố này làm tăng nguy cơ phát triển một trong hai tình trạng PTSD hoặc đau mãn tính. Ngoài ra, các tổn thương về mặt sinh học và tâm lý khác, như ngưỡng chịu đau thấp hơn đối với các phản ứng báo động, hay cảm giác mất kiểm soát và không thể đoán trước, cũng được cho rằng là một trong những yếu tố tiềm năng ảnh hưởng đến hai tình trạng trên. 

Bổ trợ lẫn nhau 

Mô hình bổ trợ lẫn nhau (Mutual Maintenance Model) cho rằng cơn đau mãn tính và PTSD duy trì lẫn nhau và làm bệnh còn lại trầm trọng hơn. Cơn đau có thể đóng vai trò như một yếu tố kích thích chấn thương, gợi lên nỗi sợ hãi, sự xâm nhập và tác động quá mức của PTSD, và ngược lại. Hành động né tránh để đối phó với sự việc, các triệu chứng trầm cảm và mệt mỏi cũng có khả năng đan xen với nhau, và có thể dẫn đến tình trạng suy nhược thể chất và ngăn cản nỗi sợ hãi biến mất. Sự căng thẳng bắt nguồn từ PTSD cũng có thể liên quan trực tiếp đến nhận thức về cơn đau của mỗi người. Tình trạng quá tải về nhận thức là đặc điểm chính của cả hai chứng bệnh này, dẫn đến hạn chế khả năng áp dụng các chiến lược đối phó thích ứng của người bệnh. 

Xem bài viết  Vì sao ta hay trì hoãn?

Tương tự với mô hình trên, hai tiến sĩ Liedl và Knaevelsrud đã phát triển Mô hình tránh né vĩnh viễn (Perpetual Avoidance Model). Mô hình này cho rằng các triệu chứng PTSD bắt đầu sớm ngay khi sau gặp phải chấn thương. Trong trường hợp này, nhiều yếu tố khác nhau, như nhận thức rối loạn chức năng, sự kích động, và hành vi né tránh, tất cả đều thúc đẩy lẫn nhau như một vòng tuần hoàn. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu lập luận rằng đặc điểm suy giảm khả năng kiểm soát nỗi sợ hãi của người mắc PTSD có thể góp phần làm tăng nhận thức về cơn đau, độ nhạy cảm với cơn đau và phản ứng sợ hãi đối với các kích thích đau đớn. Điều này được xây dựng dựa trên học thuyết điều hòa nỗi sợ hãi (fear conditioning theory), trong đó nói rằng nỗi sợ hãi tạo ra nhiều sự liên kết giữa các tín hiệu đau đớn, và cản trở não ta học được cách thích ứng một cách an toàn. Nếu không giải thích được chính xác các triệu chứng cơ thể, người bệnh không thể cảm thấy tốt hơn. Do đó, các vấn đề về đau mãn tính cũng có thể phát sinh do những mối lo sợ.

Mối liên hệ giữa sự nhạy cảm với cơn đau và PTSD

Khi tìm hiểu tác động của PTSD lên sự nhạy cảm với cơn đau, các nhà nghiên cứu cho thấy rằng nhận thức về cơn đau ở người bệnh không thay đổi. Mặc dù các cơ chế này vẫn chưa được tìm hiểu đầy đủ, nhưng bằng chứng cho thấy rằng các dạng đau khác nhau có thể liên quan đến các triệu chứng PTSD khác nhau, cũng như các cơ chế đối phó. Ngoài ra, bản chất của sự kiện đau thương có thể đóng một vai trò trong việc PTSD sẽ ảnh hưởng đến sự nhạy cảm với cơn đau như thế nào.

Các cơ chế đối phó khác nhau có thể liên quan đến sự phân ly (dissociation) và phi hiện thực hóa (derealization). Sự phân ly có thể dẫn đến giảm ý thức đối với các cảm giác của cơ thể và cảm giác đau đớn. Ngược lại, lo lắng và sợ hãi có thể làm ta chú ý đến các kích thích đau đớn và do đó làm giảm ngưỡng đau. Do đó, có vẻ như những sang chấn tâm lý vì tai nạn có liên kết với phản ứng lo lắng, và chấn thương vì phải chiến đấu với mối nguy hiểm có thể dẫn đến phản ứng phân ly. 

Các cơ chế sinh học đằng sau sự nhạy cảm với cơn đau và sự phát triển của cơn đau mãn tính rất phức tạp, nhưng thường sẽ bao gồm các cơ chế điều hòa ở trục hạ đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận, các quá trình viêm, và sự ức chế ở hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, các chấn thương phức tạp hơn, như lạm dụng về thể chất và tinh thần, chiến tranh hay tấn công tình dục, sẽ làm khả năng tin tưởng người khác của nạn nhân có thể bị tổn hại nghiêm trọng. Điều này dẫn đến sự bất an về việc gắn bó với người khác và làm tăng thêm nguy cơ phát triển các vấn đề đau đớn lâu dài.

Xem bài viết  Làm thế nào để "Ngôi Nhà Thứ Hai" thành nơi ta muốn trở về?

Trường hợp giả dụ về cơ chế bổ trợ lẫn nhau

Jane là một người phụ nữ 38 tuổi, và từ khi gặp một vụ việc tai nạn giao thông nghiêm trọng, cuộc sống của cô bị xáo trộn hoàn toàn. Cô ấy phải vật lộn với cơn đau mãn tính, và trong người luôn cảm thấy mệt mỏi và bồn chồn. Mặc dù chuyên gia vật lý trị liệu của mình đã nỗ lực hết sức, Jane vẫn không thể hoàn toàn tham gia vào các bài luyện trị liệu của mình. Cô cảm thấy các bài tập này khiến cơn đau của cô trở nên tệ hơn.

Sau khi đi trị liệu tâm lý, Jane bắt đầu nhận ra rằng cảm giác “mệt mỏi” và “nôn nao” có liên quan đến Rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Một số triệu chứng của cô ngày càng dễ nhận biết:

  • Cô thường nhận thấy rằng việc nhắc đến sang chấn của mình làm cơ thể cô đau đớn hơn
  • Cô nhận ra rằng việc cô gặp khó khăn trong trị liệu không phải chỉ vì cô sợ nguy cơ tái chấn thương, mà còn vì khi đau, cô lại nhớ lại đến sang chấn trong quá khứ. Đây là vì sao Jane rất do dự và cảm thấy choáng ngợp khi tham gia trị liệu. 
  • Cô bắt đầu nhận ra rằng cả nỗi đau và PTSD đều ảnh hưởng đến năng lượng của mình. Vào những ngày mà các triệu chứng của PTSD trở nên nghiêm trọng, Jane sẽ có ít năng lượng để xử lý những cơn đau hơn. Do đó, tình trạng này ngày sẽ trở nên tồi tệ.

Cách trị liệu

Mặc dù đã có những phương pháp điều trị dựa trên những bằng chứng thiết thực cho từng tình trạng bệnh, nhưng hiện vẫn còn tranh cãi về việc liệu cả hai tình trạng này nên được điều trị tuần tự, song song hay bằng một biện pháp can thiệp tổng hợp hay không.

Nếu chọn phương pháp tiếp cận tuần tự, điều quan trọng là phải xem xét rối loạn nào cần được ưu tiên điều trị trước. Theo quy tắc chung, rối loạn nguyên phát cần được điều trị trước tiên. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, rối loạn không được điều trị có thể khiến rối loạn còn lại trở nên trầm trọng hơn; và không phải lúc nào ta cũng biết rõ rối loạn nào là nguyên nhân chính, đặc biệt trong trường hợp cả hai tình trạng đều phát triển song song.

Cách tiếp cận song song cũng có một số thách thức nhất định. Nếu được điều trị bởi hai chuyên gia khác nhau, việc lập kế hoạch điều trị và hợp tác giữa cả hai có thể sẽ khó khăn. Hơn nữa, các bác sĩ lâm sàng đối với từng chứng rối loạn cần đảm bảo rằng bệnh nhân có đủ nguồn lực để tham gia vào cả hai phương pháp trị liệu. Mặc dù can thiệp tổng hợp có thể giúp vượt qua những thách thức này, nhưng hiện chưa có hướng dẫn can thiệp chính xác nào. 

Xem bài viết  Làm sao để biết mình thật sự muốn gì?

Nhiều bằng chứng đã chỉ ra hướng tích hợp các kỹ thuật trị liệu hành vi nhận thức (CBT) trong điều trị bệnh PTSD đi kèm với cơn đau mãn tính. Tuy nhiên, hướng đi này có thể không phù hợp với tất cả các trường hợp. Sự phức tạp của từng chấn thương cần phải được xem xét. Đối với chấn thương vì tai nạn (trong đó các triệu chứng chính có thể là đau cơ xương khớp và tạo nên hành vi né tránh nỗi sợ hãi liên quan đến cơn đau tăng cao), vòng luẩn quẩn duy trì cả cơn đau và các triệu chứng PTSD có thể bị gián đoạn bởi các biện pháp can thiệp, như vật lý trị liệu hay tập trung hành vi nhận thức vào việc kiểm soát cơn đau và đối mặt với các hoạt động gây sợ hãi. 

Ngoài ra, gần đây người ta đã chứng minh rằng các biện pháp can thiệp sớm có hiệu quả hơn trong việc giảm tình trạng khuyết tật liên quan đến cơn đau so với việc chỉ tập thể dục. Đối với những chấn thương phức tạp hơn, hoặc trong trường hợp cơn đau mãn tính và PTSD đã kéo dài trong nhiều năm, có thể bệnh nhân cần phải được can thiệp cụ thể và chuyên biệt cho cả PTSD và g đau mãn tính để có được những kết quả tích cực. Bước đầu tiên là cần nhận thức được tần suất xuất hiện của cơn đau và các triệu chứng PTSD, điều này đòi hỏi cần phải đánh giá đúng cả hai tình trạng. Nhiều tác nhân tâm sinh lý khác nhau có thể được sử dụng để điều trị PTSD kèm theo chứng đau mãn tính, nhưng nghiên cứu về việc này còn rất hạn chế. 

Kết luận

Hy vọng bài viết này có thể làm sáng tỏ sự phức tạp của tình trạng đau mãn tính đi kèm với PTSD, đồng thời thu hút được sự quan tâm của một số độc giả trong việc theo đuổi nghiên cứu thêm về vấn đề này vì lợi ích của các bệnh nhân trong tương lai. Hai tác giả của bài báo này, Tiến sĩ Ravn và Tiến sĩ Andersen thuộc khoa Tâm lý tại Trường Đại Học Southern Denmark, khuyến khích các bác sĩ lâm sàng luôn lưu ý đến tình trạng đau đi kèm này khi gặp bệnh nhân bị đau mãn tính hoặc mắc chứng PTSD. Cuối cùng, nhận thức được bản chất của sự kiện đau buồn là rất quan trọng để có thể lập kế hoạch điều trị. Nếu cơn đau và PTSD bắt nguồn từ cùng một sự kiện chấn thương, ta có thể cân nhắc điều trị tổng hợp hoặc song song. Thay vào đó, với một số loại PTSD phức tạp gây ra bởi các sự kiện từ nhiều năm trước, ta có thể cần đến sự can thiệp tập trung vào chấn thương cụ thể.

Dịch từ: https://www.psychiatrictimes.com/view/exploring-relationship-between-posttraumatic-stress-chronic-pain

Dịch giả

Leave a Comment

Scroll to Top