Ngày nay, có nhiều nhãn mác cho các vấn đề sức khỏe tâm thần, như Rối Loạn Lo Âu Xã Hội (Social Anxiety Disorder), Rối Loạn Ám Ảnh Cưỡng Chế (Obsessive Compulsive Disorder), hay Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa (Generalized Anxiety Disorder). Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự không tương thích giữa những nghiên cứu dựa trên hệ thống phân loại, các chính sách được đề ra, và thực tế từ những người sống với các vấn đề sức khỏe tâm thần và cách làm việc hàng ngày cùng những chuyên gia thực hành lâm sàng.
Cách tiếp cận Phân Loại (Categorical Approach) trong tâm lý học xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 khi các chuyên gia sức khỏe tâm thần – chủ yếu là những bác sĩ tâm thần và nhà thần kinh học vào thời điểm đó – cùng nghiên cứu cách để mô tả những khó khăn mà bệnh nhân của họ gặp phải, được dựa theo những phương pháp sinh học/y học nhằm tóm lại các nhóm triệu chứng với nhau.
Ta hãy cùng xem thử ví dụ của Elsa, nhân vật chính trong bộ phim hoạt hình nhạc kịch đình đám Frozen. Trái ngược với em gái Anna của mình, từ nhỏ công chúa Elsa đã là một đứa trẻ hay lo lắng vì phải cẩn trọng với sức mạnh điều khiển gió và tuyết của mình. Trong một lần chơi đùa, cô vô tình mất kiểm soát với sức mạnh của mình và làm Anna bị thương. Sau khi trải qua sự cố lớn này, ‘Nữ Hoàng Băng Giá’ nhỏ nhốt mình trong phòng và sống với sự kết hợp của những chấn thương tâm lý như Rối Loạn Căng Thẳng Sau Sang Chấn (Post Traumatic Stress Order), Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa (Generalized Anxiety Disorder) và Hội Chứng Trầm Cảm (Major Depressive Disorder). Nhiều người có thể xem các vấn đề của Elsa là những chứng rối loạn riêng biệt, nhưng nếu đây không phải là những khó khăn riêng biệt mà là những biểu hiện của một vấn đề chung và cơ bản về sức khỏe tâm thần thì sao?
Theo nghiên cứu khoa học, có ba vấn đề chính đối với hệ thống chẩn đoán phân loại hiện tại. Đầu tiên là tính đồng mắc (Comorbidity), hiện tượng có hai hoặc nhiều chứng bệnh cùng tồn tại, như ta có thể thấy với trường hợp của Elsa. Tiếp đến là tính không đồng nhất của phân loại (Heterogeneity), sự khác biệt trong cách trình bày các triệu chứng của cùng một chứng rối loạn, như là không phải ai có Hội Chứng Trầm Cảm như Elsa cũng tự cách ly mình với thế giới bên ngoài. Đặc tính này khiến các chuyên gia tâm lý khó có tiêu chuẩn chung để đánh giá một chứng bệnh. Thách thứ cuối cùng là sự biến đổi (Variability), hay còn được biết đến là hiện tượng khi biểu hiện của các vấn đề sức khỏe tâm thần thay đổi theo thời gian. Thường người bệnh sẽ trải qua các biểu hiện của một chứng bệnh tiềm ẩn tương tự chứ không gặp phải các rối loạn hoàn toàn khác nhau.
Một cách dễ hiểu hơn về các vấn đề của hệ thống chẩn đoán hiện tại là: bạn hãy thử tưởng tượng xem việc nhận biết và kiểm soát bệnh cảm cúm sẽ khó khăn thế nào nếu nó được phân loại là ‘rối loạn ho’, ‘rối loạn nhiệt độ cao’ và ‘rối loạn chảy nước mũi’? Như Lewis Carroll đã từng nói trong bộ truyện Alice: Through the Looking-Glass (1871), “Một cái tên chỉ hữu ích khi phục vụ mục đích cho những người sử dụng chúng.”
Nếu chúng ta xem xét các lựa chọn điều trị cho Elsa, cô ấy có thể sẽ được cung cấp ba liệu trình điều trị dựa trên ba chẩn đoán từ bác sĩ lâm sàng hoặc qua tự chẩn đoán, nhưng đây dường như là một hướng đi không thích hợp vì tốn kém nguồn lực, thời gian và tài chính. (Nhất là trước sự suy thoái của vương quốc Arendelle sau khi mất đi đức vua và hoàng hậu của mình qua một tai nạn đắm thuyền khủng khiếp!)
Hiện nay, Chẩn đoán và Thống kê Cẩm nang Rối loạn Tâm thần Phiên bản thứ 5 (DSM-5) của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) đang được sử dụng rộng rãi có đến tận 541 loại chẩn đoán khác nhau. Steven Hyman, một nhà sinh học thần kinh tại Đại học Harvard và là cựu giám đốc của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ (NIMH), cho rằng các hướng dẫn chẩn đoán đã tạo ra một ‘nhà tù nhận thức’, hay một hệ thống chỉ tồn tại giữa các chẩn đoán đã được phân loại và nghiên cứu lâm sàng chứ không thực tiễn.
Đối với nhiều người, việc có được một chẩn đoán phù hợp cho các chấn thương tâm lý của mình có thể rất có ích trong việc hỗ trợ tìm kiếm sự giúp đỡ từ đồng nghiệp và chuyên gia phù hợp. Họ cũng có thể tìm được ít nhiều sự an ủi khi biết rằng có một lời giải thích cho cảm xúc của họ. Mặc dù các chẩn đoán có thể xác thực cho một người nếu họ mô tả phù hợp những vấn đề cá nhân, nhưng ngược lại, một người có thể cảm thấy nản lòng khi nhận được một chẩn đoán không nắm bắt chính xác các vấn đề mà người đó đang gặp phải hoặc nhìn nhận nhầm nguyên nhân của vấn đề. Hệ thống chẩn đoán phân loại hiện tại có nhiều trở ngại, và thách thức lớn nhất là tìm ra một giải pháp thay thế khả thi cho nó.
Phương pháp Siêu Chẩn Đoán (Transdiagnostic Approach) là một phương pháp hiện đại trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần, và phương pháp này có khả năng là một phần quan trọng trong việc tìm ra một hệ thống tiên tiến hơn hiện nay. Phương pháp siêu chẩn đoán định nghĩa sức khỏe tinh thần là một chuỗi liên tục, cho rằng tất cả chúng ta đều có thể cùng trải qua các quá trình tâm lý như lo lắng và tâm trạng buồn bã, và đây là cơ sở của cái gọi là ‘rối loạn’, nhưng chúng ta biểu hiện chúng ở các mức độ khác nhau.
Khi xác định một quy trình siêu chẩn đoán, điều trọng tâm cần tập trung đến là chức năng (function) của quy trình, nghĩa là liệu một quy trình có ‘thích hợp’ hay ‘bình thường’ so với những biểu hiện tâm lý của người đó không, và liệu chúng ta có khả năng can thiệp hay không. Một cách để xác định chức năng là tìm hiểu về quá trình lớn lên hình thành hành vi của một người. Hãy cùng nhìn lại trường hợp của Elsa:
Elsa đã trải qua một chấn thương tâm lý lớn khi vô tình làm hại em gái, nên cô đã nhốt mình khỏi thế giới để bảo vệ mọi người xung quanh khỏi sức mạnh của cô. Ngoài ra, Elsa phải kìm nén những cảm xúc của mình và có thái độ lạnh nhạt với tất cả mọi người để tự bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, cho dù lớn lên cô đã kiểm soát được sức mạnh của mình và lên nhận chức nữ hoàng, bối cảnh cách ly từ bé đó đã góp phần khiến cô Elsa hình thành chứng rối loạn lo âu và trầm cảm. Chúng ta vẫn có thể nhìn thấy sự hiện diện của hai vấn đề tâm lý này trong phần hai của bộ hoạt hình Frozen qua việc Elsa vẫn bồn chồn và lo lắng mặc dù cô đã cứu được vương quốc của mình khỏi hiểm nguy.
Mặc dù chúng ta không thể dễ dàng thay đổi trải nghiệm ở tuổi thơ của ai đó, nhưng chúng ta có thể sẽ biết được một số động lực của người đó để sửa đổi các hành vi không có ích ở hiện tại, chẳng hạn như suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại, biểu lộ thành kiến hay xu hướng trốn tránh. Các phương pháp điều trị thuộc siêu chẩn đoán sẽ cung cấp bằng chứng cũng như chính thức hóa cách các chuyên gia tâm lý lâm sàng tổng hợp các thông tin trong hướng dẫn điều trị để đưa ra và điều chỉnh các phương pháp điều trị cho từng khó khăn cá nhân.
Các phương pháp điều trị siêu chẩn đoán tổng quát – như Giao thức Thống nhất (Unified Protocol) cho các rối loạn cảm xúc, hay Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavioral Therapy) cho các rối loạn lo âu – thường nhắm vào một số đặc điểm được chia sẻ giữa các vấn đề tâm lý phổ biến. Ngoài ra, các phương pháp mô-đun – chẳng hạn như MATCH (Phương pháp tiếp cận mô-đun để trị liệu cho trẻ em mắc chứng lo âu, trầm cảm, chấn thương hoặc có vấn đề về hành vi) và Định hình tư duy lành mạnh (Shaping Healthy Minds) – cùng đưa ra các lựa chọn cho các thành phần điều trị dựa trên bằng chứng có liên quan nhằm cá nhân hóa cấu trúc của một liệu trình trị liệu.
Các triệu chứng của Elsa có thể tương tác với nhau bằng nhiều cách khác nhau, và ta cần phải xác định điều gì là quan trọng nhất đối với cô ấy. Có thể sự lo lắng của cô ấy khi đối mặt với các tình huống nguy hiểm là nghiêm trọng nhất. Nếu vậy ta sẽ muốn ưu tiên vấn đề đó trước bằng cách tìm hiểu suy nghĩ, cảm xúc và hành vi nảy sinh của Elsa trong những trường hợp khác nhau, sau đó thiết kế một số thử nghiệm hành vi để kiểm tra độ chính xác của những việc cô ấy lo nghĩ có thể xảy ra. Phương pháp này cho rằng việc nhận biết quá trình nhận thức và hành vi trong một lĩnh vực sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho các lĩnh vực khác trong cuộc sống và hoạt động của cô.
Một thách thức lớn đối với phương pháp siêu chẩn đoán là tìm được cách phát triển cơ sở lý thuyết để giải thích các vấn đề tâm lý một cách rõ ràng và đầy đủ nhằm hướng dẫn nghiên cứu và điều trị. Phương pháp siêu chẩn đoán có vẻ đầy hứa hẹn, nhưng vẫn chưa phải là thuốc chữa bách bệnh. Để có những thay đổi tích cực trong nghiên cứu khoa học và những chính sách được áp dụng trong tâm lý học, chúng ta có thể bắt đầu tập trung vào cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn, nhằm tạo cầu nối giữa các phương pháp chẩn đoán và siêu chẩn đoán. Điều này sẽ khả thi và dễ được chấp nhận hơn trong tương lai gần.
Cuối cùng, nghiên cứu và thực hành siêu chẩn đoán không thể tránh khỏi nguy cơ các hướng dẫn điều trị sẽ phát sinh quá nhiều, khiến việc đưa ra quyết định của nhà trị liệu và người bệnh trở nên khó khăn hơn. Ta cần có những nỗ lực phối hợp từ các nhà khoa học, chuyên gia lâm sàng và thân chủ/người bệnh để đảm bảo sự hiệu quả của quá trình phát triển phương pháp điều trị. Các phương pháp tiếp cận siêu chẩn đoán có khả năng mang lại một tương lai đầy hứa hẹn phía trước, nhưng con đường phía trước còn dài, và chúng ta chỉ có thể tiến lên phía trước với cộng đồng đồng lòng phối hợp cùng nhau.
Dịch từ: https://aeon.co/essays/common-mental-processes-often-underlie-different-diagnoses
Reference
Buck, C., & Lee, J. (2013). Frozen. Walt Disney Studios Motion Pictures.
Carroll, L. (1909) Through the looking-glass and what Alice found there. New York, Dodge publishing company.
Letamendi, Drea. “The Psychology of Elsa from ‘Frozen’.” Fandom, 3 Dec. 2019, https://www.fandom.com/articles/psychology-frozen-2-elsa.
__
Chuyển ngữ và phát triển nội dung