Tiến sĩ David Burns là học trò đầu tiên của Aaron Beck và cũng là người đã nỗ lực truyền bá Liệu Pháp Nhận Thức Hành Vi. Trong cuốn sách hướng dẫn Feeling Good của mình, ông ấy đã so sánh các dạng suy nghĩ vô bổ với những ảo ảnh tạo nên bởi các ảo thuật gia: ”Khi bạn cảm thấy buồn chán, bạn có niềm tin mãnh liệt và khiến những người xung quanh bạn tin vào những điều không có cơ sở thực tế”. Quan trọng hơn, ông đã sử dụng ngôn từ để làm những lệch lạc nhận thức này trở nên lôi cuốn và dễ hiểu hơn. Những lối suy nghĩ vô bổ theo tiến sĩ Burns gồm có:
Lỗi suy nghĩ “được ăn cả, ngã về không”
Tiến sĩ Burns mô tả loại suy nghĩ này là “khuynh hướng đánh giá phẩm chất cá nhân theo một cách cực đoan, trắng đen rạch ròi”. Ông lập luận rằng sự tuyệt đối hiếm khi xảy ra trong vụ trụ của chúng ta, và việc đánh giá bản thân theo những phạm trù hoặc tiêu chí tuyệt đối là không thực tế, đơn giản là vì cuộc đời không hoạt động theo cách đó.
Quy chụp
Tiến sĩ Burns mô tả quy chụp như một quá trình tùy tiện kết luận rằng “điều gì xảy ra một lần thì sẽ lặp đi lặp lại”. Hơn nữa, ông còn lập luận rằng quy chụp cũng là nguyên nhân dẫn đến sự đau lòng khi bị từ chối, ví dụ là việc bị từ chối sau một cuộc hẹn biến thành kết luận rằng ”Tôi sẽ cô đơn và đau khổ cả đời”.
Màng lọc tâm trí
Màng lọc tâm trí được tiến sĩ Burns mô tả là một quá trình lọc ra chi tiết tiêu cực trong mọi hoàn cảnh và chỉ tập trung vào nó, từ đó nhìn nhận toàn bộ hoàn cảnh theo một cách tiêu cực. Ông cũng giới thiệu phép ẩn dụ về một cặp kính với những màng lọc đặc biệt lọc hết mọi thứ tích cực: Không có bất cứ thông tin tích cực nào có thể lọt qua được màng lọc này, và tự nhiên, kết luận được rút ra là mọi thứ đều tiêu cực.
Giảm nhẹ điều tốt đẹp
Tiến sĩ Burns mô tả về khả năng biến các trải nghiệm từ bình thường hoặc thậm chí tích cực thành một trải nghiệm tiêu cực như một “ảo ảnh tinh thần ngoạn mục”. Thay vì chỉ lọc hoặc loại bỏ các thông tin tích cực thì những thông tin ấy được xem như một sự ‘may mắn’ hoặc bị chống đối (“điều đó không được tính”). Tiến sĩ Burns đưa ra một ví dụ phổ biến rằng chúng ta thường phủi bỏ lời khen bằng cách tự nói rằng “người ta chỉ tỏ ra lịch sự thôi”. Ông cũng đưa ra những ví dụ khác cực đoan hơn, thường gặp ở những người mắc chứng trầm cảm.
Vội đưa ra kết luận (đọc suy nghĩ, sai lầm của nhà tiên tri)
Trong cuốn Feeling Good, tiến sĩ Burns mô tả về việc vội đưa ra kết luận như là một quá trình “tự ý đi đến một kết luận tiêu cực mà không được chứng thực bởi những điều thực tế”. Ở biến thể ‘đọc suy nghĩ’, chúng ta thường cho rằng người khác nghĩ xấu về mình. Ở biến thể ‘tiên đoán’, chúng ta tưởng tượng và dự đoán rằng những điều không hay sắp xảy ra với chúng ta. Cả hai trường hợp đều dẫn đến những kết luận không có bằng chứng xác thực. Ở một mức độ nào đó, đây là những quá trình tự nhiên, ai cũng đã một lần nghĩ rằng chuyện kinh khủng nào đó đã xảy ra với người thân của mình mỗi lúc họ đi làm về muộn. Xét ở mức độ cực đoan, thường gặp với những bệnh nhân mắc chứng trầm cảm và lo âu, đây có thể là những thiên kiến vô cùng nguy hiểm.
Phóng đại và giảm nhẹ
Phóng đại và giảm nhẹ được tiến sĩ Burns miêu tả là “mánh khóe ống nhòm” theo cách nỗi sợ, các lầm lỗi, hoặc sự không hoàn hảo bị phóng đại trong khi điểm mạnh và các thành tựu lại bị xem thường và kém quan trọng. Một lần nữa, ông nhấn mạnh rằng dạng suy nghĩ vô bổ này là một thói quen không cố ý*: “vấn đề không nằm ở bạn mà nằm ở những ống kính mà bạn đang sử dụng!”.*
Cảm tính
Cảm tính là lúc mà cảm xúc được xem như bằng chứng của sự thật. Tiến sĩ Burns lập luận rằng đây là điều ngược ngạo vì cảm xúc phản chiếu lại/là sản phẩm của suy nghĩ và niềm tin. Nó cũng không hợp lệ bởi vì nếu là suy nghĩ thiên kiến thì cảm xúc cuối cùng sẽ không phù hợp với thế giới như vốn dĩ. Các ví dụ về cảm tính là vì cảm thấy tuyệt vọng mà kết luận rằng một vấn đề không thể được giải quyết, hoặc là vì cảm thấy giận dữ mà kết luận rằng người khác đang hành động sai trái.
Tôi nên/Tôi phải
Albert Ellis đã mô tả những nỗ lực nhằm thúc đẩy bản thân bằng cách nói rằng “Tôi nên làm điều này” hoặc “Tôi phải làm điều kia” là musturbation (khuynh hướng mà một người phải đạt đến sự hoàn hảo hoặc vượt qua những mục tiêu khó khăn để đạt được sự thành công, công nhận hoặc hài lòng với những gì họ làm). Tiến sĩ Burns lập luận rằng việc cố gắng thúc đẩy bản thân theo cách này là một nghịch lý có thể dẫn đến cảm giác thờ ơ và không có động lực. Cảm giác tức giận thường là kết quả của việc trực tiếp áp đặt mệnh đề “nên” lên người khác. Còn khi bắt buộc bản thân phải làm điều này hay điều khác, chúng ta lại cảm thấy xấu hổ, tội lỗi và ghê tởm bản thân.
Gán mác hoặc gán mác sai sự thật
Tiến sĩ Burns lập luận rằng việc gán mác là quá trình tự nói với bản thân rằng “Tôi là một [thứ gì đó]”, đây là một hình thức cực đoan của quy chụp. “Tôi ngu ngốc”, “Tôi xấu xí”, “Tôi thật đáng thất vọng” đều là những nhãn mác tiêu cực. Ông lập luận rằng các nhãn mác đều là thiên kiến vì về cơ bản, con người quá phức tạp để gói gọn trong một mô tả đơn giản như vậy.
Quy về bản thân và đổ lỗi
Quy về bản thân là một lối suy nghĩ vô bổ mà theo đó “bạn phải chịu trách nhiệm về một điều tiêu cực ngay cả khi không có cơ sở để làm vậy. Bạn tự ý kết luận rằng những gì đã xảy ra đều là lỗi của bạn hoặc phản ánh sự kém cỏi của bạn ngay cả khi việc ấy không thuộc trách nhiệm của bạn”. Tiến sĩ Burns lập luận rằng quy chụp dẫn đến một cảm giác tội lỗi không thích hợp, nhưng những ví dụ của ông ấy cũng nhất quán với các trải nghiệm mạnh mẽ về sự xấu hổ. Trong một mô tả về một thành tố của sự thiên vị, ông mô tả về cách “con người đã nhầm lẫn giữa tầm ảnh hưởng và sự kiểm soát đối với người khác”