Tranquil

Cách Để Chuyện Trò Cùng Một Người Bạn Có Ý Định Tự Tử

Có thể xung quanh chúng ta đang có ai đó mang bên mình ý định tự tử. Hãy cùng tham khảo bài viết để trang bị cho mình kiến thức cần thiết khi tâm sự cùng một người mà mình quan tâm có biểu hiện muốn tự tử.

Điều cần biết

“Bác có nhớ cảnh một cảnh trong Avengers: Endgame, khi Captain America chiến đấu với chính mình không?”

“Bác có nhớ,” tôi trả lời Bethany.

Vén mái tóc ra sau tai, cô ấy thừa nhận, “đó là cảm giác của cháu mỗi đêm”.”Cảm giác như cháu đang đấu tranh với chính mình để tiếp tục tồn tại.”

Lúc này, tôi đã gặp cô bé 17 tuổi Bethany hai lần một tuần trong suốt sáu tháng qua để giúp cô ấy hiểu và vượt qua trầm cảm. Bethany thông minh, xinh đẹp, là một nhạc sĩ tài năng, và là một cô gái khôi hài, cực kì thú vị.

Và, Bethany không thể ngừng nghĩ đến việc tự sát.

Cô đấu tranh với bản thân để tồn tại mỗi ngày, chính xác giống như sự ví von về Captain America của cô ấy. (May mắn thay, bản thân tôi cũng là một fan Marvel, vì vậy chúng tôi có một điểm chung tuyệt vời để dễ hiểu nhau hơn trong quá trình điều trị.)

Trong suốt hai năm tôi trị liệu cho Bethany, có những điểm rằng, dường như những thứ duy nhất giữ cô bé sống sót và bước đi mỗi ngày kia là những mục tiêu nhỏ, có giới hạn thời gian. Những điều nhỏ nhặt mà cô bé có thể mong đợi, chẳng hạn như một bộ phim sắp ra mắt hay một buổi hòa nhạc mà cô ấy đã dành hàng tháng để chuẩn bị.

Bethany đã phải nhập viện một lần trong quá trình điều trị. Bác sĩ tâm thần của cô bé đã rất chán nản vì thuốc men không có tác dụng với cô, và đã gửi cô đi khám tâm thần. Cô bé đã ở trong phòng cấp cứu của bệnh viện trong 6 tiếng liền, lo lắng rằng mình sẽ trượt bài kiểm tra tiếng Pháp ngày hôm sau vì chẳng có thời gian học bài.

Đây đáng lẽ là một dấu hiệu cho thấy tình trạng của Bethany lúc đó không hề nguy cấp. Dù vậy, dĩ nhiên, không một chuyên gia sức khỏe tâm thần nào muốn mắc lỗi trong tình huống như vậy. Không ai muốn bắt gặp tin tức về một thiếu niên tự sát sáng hôm sau chỉ vì mình đã không đủ thận trọng.

Bạn nghĩ mình nên hỏi thăm bạn bè hoặc người thân thế nào nếu có nghi vấn họ đang nghĩ đến việc tự sát? Giáo viên trung học và giảng viên đại học nên tiếp cận thế nào đến những người mà họ quan tâm?

Khi một thân chủ tìm đến tôi với các triệu chứng trầm cảm và lo âu, vào cuối buổi đầu tiên, tôi luôn hỏi về tình trạng tự tử – một cách chi tiết chứ không chỉ đơn thuần là hỏi cho có. Tôi không ngại nói ra những lời lẽ mà có thể thân có thể chẳng muốn nghe.

Bởi vì, tôi không sợ những lời nói.

Khi tôi lớn lên, không người ngoài nào biết về sự trầm cảm và suy nghĩ tự tử của mẹ tôi. Những lần cố tự tử và nhập viện của bà đã được giấu kín rất lâu. Đến khi tôi đủ lớn để nhận ra rằng sự im lặng của mình đã đem lại những năm tháng bị áp bức âm thầm, sự tức giận, ganh đua và bản tính khó đoán của bà đã cô lập tất cả chúng tôi khỏi những bạn bè và người thân, những người lẽ ra phải ở đó để giúp bà – và cả chúng tôi.

Khi trưởng thành, nhận thức này giúp tôi có thể chia sẻ cởi mở và chân thành với tư cách là một bác sĩ.

“Có vẻ như bạn đã cảm thấy rất tệ. Có bao giờ bạn nghĩ sẽ tổn thương bản thân hoặc tự kết liễu cuộc đời mình chưa?”

Thậm chí câu trả lời có là một chữ “không” ngập ngưng, tôi vẫn sẽ cố đào sâu thêm.

“Tôi biết chúng ta chỉ vừa mới gặp nhau thôi, và chắc hẳn rất khó để bạn chịu chia sẻ với tôi. Có một khác biệt rất lớn giữa suy nghĩ và hành động. Hãy cho tôi biết về tần suất những suy nghĩ tự tử của bạn xuất hiện. Bạn có bao giờ nghĩ tới cách mà bạn sẽ tự tử chưa? Bạn đã bao giờ lên một kế hoạch thực sự và cân nhắc làm theo nó chưa?”

Những câu hỏi cuối cùng, về phương thức lấy đi mạng sống – và khả năng thực tế là phương pháp này có thể dẫn đến cái chết – việc lên một kế hoạch cụ thể và ý định thực hiện nó, là những thông tin quan trọng nhất.

Có một điểm khác biệt rất lớn giữa một người nghĩ đến việc tự sát bằng súng, dễ dàng tiếp cận một khẩu súng và “có thể sẽ thực hiện vào thứ Sáu để mẹ không là người tìm ra mình” và một người đôi khi nghĩ rằng “mọi người sẽ vui nếu mình chết đi. Chưa biết mình sẽ tự sát thế nào, có thể là lao vào một chiếc ô tô hay lái vào dòng xe phía trước.”

Cả hai đều nghe thật đớn đau. Tuy vậy, tỉ lệ tự sát của hai kiểu suy nghĩ trên lại không hề như nhau.

Thật vậy, bạn không nhất thiết là một nhà trị liệu mới có thể can thiệp và cứu một mạng người. Điều mà hầu hết những người có ý định tự tử thực sự muốn là được lắng nghe nỗi sợ hãi và cảm xúc của họ mà không bị phán xét. Vài người có thể muốn chia sẻ những ảo tưởng bí mật, đáng sợ, và về tự sát của họ để xem mọi người có xa lánh mình không, về để xem liệu mình có thực sự tuyệt vọng như cảm xúc của chính mình hay không.

Xem bài viết  Hỗ trợ người thân đang trong trầm cảm

Mục đích của Hướng dẫn này là giúp bạn biết cách lắng nghe và hỗ trợ bạn bè và những người thân yêu của mình vượt qua trầm cảm và suy nghĩ tự tử trước và trong suốt quá trình họ nhận được sự trợ giúp từ chuyên gia. Hãy tiếp cận những người bạn cảm thấy đang gặp vấn đề. Trong trường hợp xấu nhất, lòng tốt của bạn sẽ bị từ chối. Hay ngược lại, lời nói của bạn sẽ khiến họ vơi bớt nỗi cô đơn. Lời nói của bạn có thể là điều mà ai đó cần để tiếp tục tồn tại.

Điều cần làm

Chấm dứt vòng lặp của cảm giác tội lỗi và xấu hổ

Bước quan trọng nhất để ngăn ngừa tự tử là khuyến khích chia sẻ cởi mở. Hết lần này đến lần khác, tôi đã nghe những bậc cha mẹ yêu thương ngoài kia bảo đứa con đang trải qua trầm cảm của họ im lặng.

“Đừng có kể cho bà nghe,” người mẹ nói, tay xoa xoa vào lưng khích lệ cô con gái của mình.

“Bố nghĩ rằng con không nên kể với bạn bè”, người bố nói. “Dù sao thì con cũng không muốn họ hiểu sai mà.”

“Chúng tôi đã quyết định không nói với nhà trường,” một người mẹ cho tôi hay. “Chúng tôi không muốn điều này ảnh hưởng đến khả năng vào đại học của con.”

Vấn đề là những bậc cha mẹ mang ý tốt này chỉ đang ngụ ý rằng trầm cảm, và những suy nghĩ tự tử, là điều gì đó đáng xấu hổ.

Và khi bí mật đó bị khui ra – điều chắc chắn sẽ xảy ra, vì tình bạn ở độ tuổi thanh thiếu là một phần trong quá trình phát triển bản sắc riêng, cảm giác tội lỗi sẽ xuất hiện.

Cha mẹ dù có ý tốt vẫn có thể mắc sai lầm. Cụ thể, nhu cầu giữ bí mật làm tăng thêm nỗi xấu hổ và cảm giác tội lỗi bên cạnh gánh nặng vốn đã quá lớn trên vai của một thiếu niên trầm cảm, người đang ngày ngày đấu tranh với chính mình để có thể tồn tại thêm một ngày khác. Nhiều người cũng mang niềm tin sai lệch rằng nói về tự tử nghĩa là khuyến khích. Điều này là không đúng.

Khi chúng ta xì xầm với nhau về vấn đề sức khỏe tâm thần, điều này nghĩa là chúng ta đang phần nào làm những người đang tìm kiếm sự trị liệu thêm suy sụp.

Trau dồi trí tuệ cảm xúc

Sức khỏe tâm thần không nằm trong chương trình giảng dạy mà chúng ta được học. Và mãi cho đến gần đây, việc tìm đến một nhà trị liệu mới được xem là bình thường. Chúng ta cần tìm cách cải thiện trí tuệ cảm xúc của mình để ngăn ngừa hành vi tự tử.

Nói một cách đơn giản, trí tuệ cảm xúc là:

  • Sự nhận thức, hiểu biết và khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân.
  • Sự nhận thức, hiểu biết và khả năng kiểm soát và/hoặc định hướng cảm xúc của người khác.

Kỳ vọng của chúng ta về bản thân và những kỳ vọng mà chúng ta cho rằng người khác dành cho mình ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. “Tôi chưa đủ gầy.” “Tôi không đủ thông minh.” “Tôi phải đỗ vào một trường đại học tốt.” “Vợ tôi không trân trọng tôi.” “Chồng tôi đã bỏ tôi.” “Tôi không thể kiếm đủ tiền.” “Sẽ không một ai yêu tôi cả.” “Tôi ghét bản thân mình.” “Tôi sẽ trầm cảm mãi mãi.” “Mọi thứ sẽ chẳng thể nào tốt hơn”. Thay vì tập trung vào những phản hồi cảm xúc và cách để giải quyết chúng, chúng ta lại thường tập trung vào điều chúng ta cho rằng mình thiếu sót.

Vậy, làm thể nào để có thể cải thiện trí tuệ cảm xúc của mình? Hãy nghĩ trước khi hành động. Xem xét hậu quả từ hành động của mình dưới góc nhìn của người khác. Hãy nhìn vào gương một cách trung thực, không phán xét. Làm thế nào bạn có thể trở nên tốt hơn, và bạn có sẵn sàng nỗ lực để tốt hơn không? Hãy chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Hãy biết xin lỗi khi mắc sai lầm và nhớ cố gắng khắc phục tình hình.

Một trí tuệ cảm xúc được tinh chỉnh hợp lý sẽ cho bạn sức mạnh để có thể giúp đỡ một người bạn bị trầm cảm hay muốn tự tử, bằng cách hỏi trực tiếp xem họ có nghĩ đến việc tự tử hay không. Bạn phải làm điều này mà không mang vẻ phán xét hay khiến họ thấy xấu hổ.

Hãy nhớ rằng, một người có ý định tự tử đã từ bỏ hy vọng rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn. Niềm hạnh phúc của họ từ lâu đã bị che lấp bởi nỗi buồn, sự tuyệt vọng và cô đơn – cho dù có bao nhiêu bên cạnh họ, bất kể mọi người có an ủi họ bao nhiêu. Họ có thể không đề cập đến việc tự tử với bạn thân hay thậm chí với nhà trị liệu của mình, dù họ thực sự muốn nói ra. Số thân chủ nói với tôi rằng lý do họ tìm đến tôi là vì họ muốn tự tử chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi vì đa số chúng ta đều sợ chia sẻ việc này, dù là với nhà trị liệu hay với một người bạn. Nếu bạn không hỏi, có thể người bạn đau buồn của bạn sẽ không bao giờ chịu nói ra.

Xem bài viết  Thuốc chống Trầm cảm liệu có tác dụng thật sự?

Trong trường hợp khẩn cấp, hãy tìm sự giúp đỡ

Nếu một người bạn hay người thân nói với bạn rằng họ đang nghĩ đến việc tự sát, bạn nên khuyên họ tìm sự hỗ trợ, nhưng để biết được sự hỗ trợ nào là cần thiết trong lúc này, bạn cần biết được mức độ nguy cấp của tình huống. Có phải người bạn đó đang định tự sát trong hôm nay không? Là tối nay? Hay là ngay lập tức?

Nếu là trường hợp khẩn cấp, hãy nhanh chóng tìm cách thông báo cho những người mà bạn cho rằng đang bên cạnh người bạn đó. Có thể là mẹ, người thân, một người bạn mà bạn biết sống gần họ, và bạn cũng nên tự mình lập tức đến cạnh họ.

Nếu đó không phải là trường hợp khẩn cấp, hãy khuyến khích họ đặt lịch hẹn với chuyên gia sức khỏe tâm thần hoặc bác sĩ càng sớm càng tốt thay vì đến bệnh viện, vì việc nhập viện cấp cứu hay vào khoa tâm thần cuối cùng cũng sẽ chuyển đến một bác sĩ tâm thần điều trị ngoại trú mà thôi – điều này chỉ làm mất thêm thời gian và trì hoãn sự trợ giúp cần thiết. Nếu bạn là người bận bịu, hãy đề nghị được giúp họ đặt lịch hẹn, vì đối với họ thì việc này cũng có thể rất khó khăn.

Thời đại của các phương tiện thông tin đại chúng khiến chúng ta thường không thật sự ở cạnh nhau, và bạn có những người bạn ở khắp nơi mà bạn chưa từng gặp gỡ. Đặc biệt trong trường hợp này, gánh nặng gây ra bởi bí mật tình trạng của người mang suy nghĩ tự tử dường như quá sức chịu đựng của một người và vì vậy, chúng ta nên liên hệ với những người có thể cùng ta hỗ trợ. Hãy khuyên họ chia sẻ tình trạng của mình cho cha mẹ, bạn cùng phòng, người thân hay hàng xóm biết – nhất là khi bạn sống ở xa họ.

Bạn không cần lựa chọn giữa “chỉ lắng nghe, không can thiệp” và “gọi xe cấp cứu đưa họ đến bệnh viện”. Bạn là một người anh, một người chị, một người cha mẹ, một người bạn và với vai trò này, bạn luôn có thể ở cạnh người thân yêu của mình đồng thời khuyến khích họ tìm sự giúp đỡ của chuyên gia.

Luôn cảnh giác với ngôn ngữ kích động khi nói chuyện với người muốn tự tử

Hãy lựa lời khi trò chuyện với những người mang ý định tự tử hoặc những người đang đau buồn vì mất mát. Lấy ví dụ, một số chi nhánh của Tổ chức Phòng chống Tự tử Hoa Kỳ đã kiên quyết bày trừ việc sử dụng từ “kỳ thị” để bàn luận về tự tử, cũng như mong muốn xóa bỏ sự kỳ thị đối với người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Có tranh luận cho rằng chỉ cần nghe từ “kỳ thị”, họ sẽ cảm thấy thêm phần gánh nặng tiêu cực. Mặt khác, có lập trường lại cho rằng, dù chúng ta có nhắc đến tên một vấn đề hay không, thì vấn đề đó vẫn tồn tại mà thôi.

Tôi không biết có câu trả lời chính xác cho vấn đề này hay không. Nhưng nếu bạn chọn hỗ trợ những người đang đau khổ này, hãy lưu ý đến các ngôn từ và những sai lầm có thể làm hại những người vốn đã bị tổn thương ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.

Những điểm chính – Cách trò chuyện với người bạn đang có ý định tự tử

  • Bạn không cần phải là một nhà trị liệu để can thiệp khi một người bạn hoặc người thân của mình có biểu hiện trầm cảm đến mức có thể tự tử. Hầu hết những người mang ý định tự tử thực sự chỉ mong có thể chia sẻ nỗi sợ hãi và cảm xúc của họ, được lắng nghe mà không bị phán xét. Chỉ cần để họ nói ra cảm xúc của mình là đủ cho bước đầu tiên trong hành trình mà họ tìm sự giúp đỡ.
  • Đừng bắt họ giấu đi những cảm xúc – điều khiến họ cảm thấy có lỗi hoặc xấu hổ về vấn đề sức khỏe tâm thần của bản thân.
  • Để giúp một người bạn có ý định tự tử, bạn phải trau dồi trí tuệ cảm xúc: sự nhận thức, hiểu biết và khả năng điều hướng cảm xúc của chính bạn và của người khác.
  • Nếu bạn bè hoặc người thân của bạn sắp tìm cách tự tử, hãy tìm cách liên lạc với những người thân cận với họ để cảnh báo và nhờ hỗ trợ. Khẩn trương tìm cách giúp họ tạm thời ổn định sau đó hãy tìm trợ giúp từ nhà trị liệu hoặc chuyên gia.
  • Hãy hỏi trực tiếp người bạn hay người thân đang trải qua trầm cảm của bạn xem họ có đang mang ý định tự tử hay không.
  • Khi nói chuyện với một người muốn tự tử hoặc ai đó đang đau buồn vì một mất mát do tự tử, hãy cố không dùng ngôn ngữ gây kích động như “kỳ thị”.
  • Hãy nhớ rằng nam giới và một bộ phận nhỏ nữ giới ít khi tìm kiếm sự giúp đỡ hơn, và do đó họ cũng có nguy cơ tự tử cao hơn. Nhiều trường hợp đàn ông tự kết liễu đời mình sau khi ly hôn hoặc khủng hoảng tài chính. Họ cũng có nhiều khả năng tiếp cận những công cụ tự sát nguy hiểm hơn như vũ khí; ở các nước có luật về súng càng chặt chẽ, tỷ lệ nam giới tự tử càng thấp.
Xem bài viết  PHQ-9 Bảng xem xét mức độ trầm cảm

Tìm hiểu thêm

Hầu hết người mang ý định tự tử không muốn giữ bí mật suy nghĩ và cảm xúc của họ, nhưng họ lại thường  làm vậy. Đó là lý do tại sao một trong những biện pháp đơn giản nhất để bảo vệ người thân yêu của bạn chính là hiểu được các biểu hiện nghi vấn họ muốn tự tử. Những dấu hiệu này bao gồm:

  1. Tiền sử gặp vấn đề sức khỏe tâm thần: một nghiên cứu năm 2018 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho thấy, trong số tất cả những người được ghi nhận là tự sát do vấn đề sức khỏe tâm thần, có 31% là nữ và 69% là nam. Các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể là một trong nhiều yếu tố gây nguy cơ tự tử.
  2. Tiền sử đau mãn tính: trong thời gian kéo dài, cơn đau có thể làm tăng nguy cơ tự tử do tuyệt vọng, mong muốn thoát khỏi nỗi đau thông qua cái chết và cơn đau cũng làm giảm nỗi sợ hãi cái chết.
  3. Hành vi tự làm hại bản thân và ý định tự tử: nghiên cứu vào 2016 cho thấy những người có hành vi chủ ý tự làm hại tại các khoa cấp cứu có nguy cơ tử vong do tự tử trong vòng 1 năm sau đó cao hơn 56,8 lần. Những người cho biết có ý định tự tử có nguy cơ tử vong do tự sát trong vòng 1 năm sau đó cao hơn 31,4 lần.
  4. Tiền sử cố tự tử: một nghiên cứu ở châu Âu từ năm 2007 cho thấy hai quốc gia có tỷ lệ tử vong do tự tử cao nhất (Bỉ và Pháp) cũng là những quốc ghi nhận tần suất cố tự tử lớn nhất. Các quốc gia có tỷ lệ tử vong do tự tử thấp nhất (Ý và Tây Ban Nha) cũng có tần suất cố tự tử thấp nhất.
  5. Những sự kiện căng thẳng trong đời, cả trong quá khứ và hiện tại: tiền sử tổn thương trong các mối quan hệ, tổn thương thời thơ ấu và tổn thương do bị tấn công tình dục làm tăng đáng kể nguy cơ tự tử ở cả nam và nữ. Sau ly hôn, nam giới có nguy cơ tự sát cao gấp 2,4 lần và trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, một nghiên cứu cũng cho thấy thất nghiệp và khó khăn tài chính cũng là nguyên do góp phần đáng kể vào 14% số ca tử vong do tự tử.
  6. Nói về cảm giác bất lực và tuyệt vọng: trong tâm lý học, chúng ta nói về “bất lực tập nhiễm”, tức là cảm thấy hoàn toàn thiếu sức mạnh, khả năng kiểm soát và khả năng tạo ra những thay đổi tích cực. Đây thường là hậu quả của một sự kiện sang chấn, thất bại triền miên trong cuộc sống, hoặc đôi khi là một phần trong một cuộc đấu tranh dai dẳng với trầm cảm.
  7. Cô lập: những người muốn tự tử thường cảm thấy tuyệt vọng, bị hiểu lầm và bị cô lập khỏi những người thân yêu. Một thân chủ của tôi đã mô tả sự cô lập rằng: “Thật mệt mỏi khi lúc nào cũng phải giả vờ cảm thấy bình thường. Núp luôn trong nhà được thì tốt hơn.”
  8. Cho đi tài sản quý giá: nếu bạn biết mình sắp chết, bạn sẽ cố gắng thu xếp ổn thỏa mọi thứ chứ? Đối với một số người, hẳn là rất đau xót – đó là sự mạnh mẽ? Là sự tri ân? – khi quyết định phần nào của bản thân, phần nào trong ký ức của mình mà bạn muốn để lại cho những người quan trọng.

Khi bạn giúp đỡ một người xung quanh mình, hãy nhớ rằng mong muốn tự tử có thể lây lan, đặc biệt là ở thanh thiếu niên và lứa tuổi 20. Năm ngoái, chỉ trong khoảng sáu tháng, đã có 3 thanh thiếu niên tự sát bằng cùng một cách trong bán kính 10 dặm tại quê hương bé nhỏ của tôi.

Nguy cơ tự tử cao gấp đôi khi trước đó có người trong gia đình đã tử vong do tự tử. Trên thực tế, tiền sử người thân từng tự tử có thể gây nguy cơ tự tử ngay cả khi không có vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng.

Điều này lại đưa chúng ta trở lại câu chuyện của tôi. Đến bà ấy, người mẹ mà tôi còn không dám gọi tên bởi vì, ngay cả bây giờ, một phần trong tôi vẫn đang đấu tranh để thoát khỏi cảm giác đó. Gần đúng một năm trước, tôi đã cố giữ khỏang cách với mọi người. Tôi vẫn trả lời khi gia đình gọi điện, nhưng tôi cũng cần không gian để sinh hoạt với chỉ riêng tôi. Tôi cần trái tim ấm áp của mình để quan tâm đến các con. Tôi cần trái tim dịu dàng của mình để tha thứ cho bản thân vì đã không thể giúp được mẹ. Và, tôi cần trái tim mình rộng mở để lắng nghe những thân chủ của tôi, để có thể cho họ hy vọng, lý trí và sức mạnh mà họ cần để tiếp tục tồn tại.

Là một nhà trị liệu, tôi có cơ hội hỏi bệnh nhân, bạn bè, những người thân yêu của mình những câu hỏi khó trả lời về trầm cảm và tự tử. Tôi hỏi chính xác về hành động của họ khi họ tuyệt vọng. Tôi hỏi họ những câu hỏi mà người khác luôn né tránh, nhưng chính những câu hỏi này lại có khả năng cứu mạng. Tôi mong bạn cũng sẽ làm tương tự. Hãy đặt những câu hỏi, hãy luôn tò mò, hãy ủng hộ, và để họ biết rằng họ được yêu thương.

Dịch từ: https://psyche.co/guides/how-to-talk-about-suicide-and-save-the-life-of-a-loved-one

Leave a Comment

Scroll to Top