Giới thiệu
Quan điểm hiện sinh có nguồn gốc quan trọng từ triết học, vốn từ lâu đã cố gắng giải thích sự tồn tại, ý nghĩa, tự do, cái chết, sự cô đơn của con người trên thế giới. Các nhà triết học hiện sinh đã viết về những nỗi lo lắng vốn luôn có trong sự tồn tại của chúng ta, nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa của ta trong một thế giới vô nghĩa, và tầm quan trọng của việc ta đưa ra các lựa chọn theo mong muốn của chính mình. Cách tiếp cận hiện sinh đưa các yếu tố triết học và tâm lý học để giúp bạn hiểu được vị trí của mình trong thế giới, tập trung làm việc trên những lo lắng và bất ổn được xem như một phần cơ bản của cuộc sống và sự tồn tại, chẳng hạn như cái chết, nỗi sợ hãi về những điều chưa biết và ý nghĩa của cuộc sống.
Các nhà tâm lý học hiện sinh từ xưa đã từ chối việc sử dụng các phương pháp thực nghiệm trong tâm lý học, thay vào đó họ thích phân tích trải nghiệm chủ quan và hiện tượng học cá nhân của con người. Quan điểm phương pháp luận này đã gây ra sự tách biệt giữa tâm lý học hiện sinh và tâm lý học hàn lâm chính thống mà từ đầu thế kỷ 20 đã ngày càng trở nên thực nghiệm và hướng tới khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học hiện sinh có ảnh hưởng lớn hơn trong lĩnh vực trị liệu, nơi mà ý tưởng và phương pháp của họ được kết hợp trong liệu pháp tâm lý hiện sinh đang ngày càng được biết đến nhiều hơn.
Otto Rank, cựu cộng tác viên của Sigmund Freud, là người tiên phong quan trọng của phương pháp trị liệu này. Tiến sĩ Rank đã không đồng tình với việc Freud nhấn mạnh vào những trải nghiệm thời thơ ấu. Ngược lại, ông nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân của con người trong thời điểm hiện tại, cùng với các chủ đề liên quan đến những mối quan hệ xung quanh. Liệu pháp ý chí (will therapy) được phát triển bảo tiến sĩ Rank nhằm tìm cách sử dụng ý chí sáng tạo của con người như một phương tiện để chuyển đổi và phát triển tâm lý.
Tâm lý học hiện sinh coi những cuộc đấu tranh sinh tồn của con người cũng như sự lo lắng của chúng ta không phải là rối loạn chức năng mà là hậu quả tất yếu của thân phận con người. Đây là cách tiếp cận lấy thân chủ làm trung tâm, kết hợp triết học và tâm lý học để giúp chúng ta hiểu được vị trí của mình trên thế giới. Bằng cách cho phép thân chủ đối mặt với nỗi sợ hãi hiện sinh sâu sắc nhất của họ, liệu pháp này giúp thân chủ đánh giá được ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Tâm lý học hiện sinh cũng khuyến khích thân chủ tìm kiếm nhận thức mới và nâng cao ý thức về những gì quan trọng ở hiện tại. Nhận thức này giúp thân chủ đạt được sự tự do trong suy nghĩ và có những trách nhiệm mới để hoàn thành.
Sự phát triển của tâm lý học hiện sinh
Một cuốn sách mang tính bước ngoặt về tâm lý học hiện sinh đã được Irvin Yalom xuất bản vào năm 1980 mang tên Existential Psychology (Tâm lý Trị liệu Hiện sinh). Cuốn sách đề cập đến bốn mối quan tâm sâu thẳm: cái chết, sự tự do, sự cô đơn và sự vô nghĩa. Sự xung đột trong giá trị tồn tại của con người sẽ xuất hiện khi chúng ta phải đối đầu với từng mối quan tâm này. Tiến sĩ Yalom đã viết rằng:
Nhận thức về mối quan tâm tối thượng → Lo lắng → Cơ chế phòng vệ
Trong đó, sự lo lắng xuất phát từ nỗi sợ cho từng mối quan tâm, và cơ chế phòng vệ có hai loại:
1) Các cơ chế phòng vệ thông thường để bảo vệ bản thân chống lại sự lo lắng nói chung, bất kể nguồn gốc của nó.
2) Các biện pháp phòng vệ cụ thể phát sinh để đối phó với từng nỗi sợ hãi hiện sinh cơ bản.
Các cơ chế phòng vệ thông thường là những “lá chắn” tâm lý giúp chúng ta xử lý mọi loại lo lắng, bất kể nguyên nhân của nó là gì. Ví dụ, khi đối mặt với lo âu, một số người có thể phủ nhận hoặc né tránh vấn đề thay vì đối diện trực tiếp. Ngược lại, các cơ chế phòng vệ cụ thể được tạo ra để đối phó với từng nỗi sợ hiện sinh riêng, như nỗi sợ cái chết hay sự cô đơn. Ví dụ, khi sợ chết, người ta có thể tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống qua tôn giáo hoặc những giá trị trường tồn khác.
Từ giữa những năm 1980, những nghiên cứu về các chủ đề hiện sinh giữa các nhà tâm lý học định hướng thực nghiệm lại nổi lên. Động lực chính cho sự phát triển này là từ Lý thuyết quản lý khủng hoảng (TMT; Greenberg, Solomon, & Pyszczynski, 1986), được lấy cảm hứng từ quan điểm hiện sinh. Vai trò quan trọng của sự lo lắng hiện sinh trong hành vi xã hội đã được nhấn mạnh. Lý thuyết này cho rằng việc chúng ta nhận ra rằng cái chết không thể tránh khỏi sẽ làm nảy sinh khả năng lo lắng rất lớn về cái chết. Để kiểm soát nỗi lo lắng về cái chết này, mọi người dựa vào nhiều cấu trúc nhận thức xã hội khác nhau, mang lại cho họ cảm giác về sự bất tử mang tính biểu tượng. Nổi bật trong số những cách này là lòng tự trọng của con người để mang lại cho ta cảm giác có giá trị lâu dài và thế giới quan văn hóa để ta biết rằng thế giới của mình có ý nghĩa và có thể dự đoán được.
Theo TMT, nhu cầu về lòng tự trọng và thế giới quan ổn định của con người ngày càng tăng lên do tâm lý cần phải đối đầu với cái chết. Theo đó, việc hay được nhắc nhở về cái chết sẽ giúp con người phấn đấu cho lòng tự trọng của bản thân và nỗ lực để duy trì thế giới quan văn hóa của chúng ta. Cả hai dự đoán này đã được cho thấy qua nhiều thí nghiệm tâm lý xã hội (Greenberg, Solomon, & Pyszczynski, 1997). Do đó, bằng cách kết hợp quan điểm hiện sinh với các phương pháp thử nghiệm phức tạp, nghiên cứu của TMT đã tạo ra một cầu nối quan trọng giữa tâm lý học hiện sinh và tâm lý học thực nghiệm.
Những phát triển này đã khai sinh ra một phân ngành tâm lý học mới, ngày nay được gọi là tâm lý học hiện sinh thực nghiệm (XXP; Greenberg, Koole, & Pyszynski, 2004; Pyszynski, Greenberg, Koole, & Solomon, trên báo chí).
Nghiên cứu hiện nay
Trong một bài viết đánh giá gần đây, Koole, Greenberg, và Pyszczynski (2006) đã nêu ra năm mối quan tâm hiện sinh chính là trọng tâm của những nghiên cứu hiện tại về tâm lý học hiện sinh:
- Cái chết: Xung đột tâm lý giữa nhận thức của con người về cái chết không thể tránh khỏi vs. mong muốn tiếp tục tồn tại của mình.
- Sự cô lập: Mâu thuẫn giữa nhu cầu cảm thấy được kết nối với người khác của con người vs. trải nghiệm bị từ chối, cùng với nhận thức rằng ta sẽ không thể nào chia sẻ tất cả những trải nghiệm đời sống của mình.
- Ý thức về bản sắc: Xung đột giữa mong muốn của con người về ý thức rõ ràng về bản thân và cách ta hòa nhập vào thế giới vs. những xung đột giữa các khía cạnh bản thân, ranh giới không rõ ràng giữa bản ngã và vô ngã, hay sự không hiểu biết sâu sắc về bản thân mình.
- Sự tự do: Trải nghiệm của con người về ý chí tự do về hành vi của mình vs. các thế lực bên ngoài, cùng với gánh nặng trách nhiệm từ những lựa chọn của ta.
- Sự vô nghĩa: Mâu thuẫn giữa mong muốn tin rằng cuộc sống có ý nghĩa của con người vs. những sự kiện và trải nghiệm không nhất quán với nền tảng được cho là có ý nghĩa với ta.
Đáng chú ý hơn, các nghiên cứu chỉ ra rằng những mối quan tâm hiện sinh thường có ảnh hưởng lớn nhất đến hành vi của con người khi chúng được kích hoạt bên ngoài nhận thức của ta. Tập hợp những phát hiện nghịch lý này tạo ra một mối liên hệ hấp dẫn giữa tâm lý học hiện sinh và các lý thuyết hiện đại về tư duy vô thức. Theo một cách nào đó, những phát hiện này xác nhận điều mà nhiều nhà tư tưởng hiện sinh cổ điển đã nghi ngờ từ lâu: Những mối quan tâm về hiện sinh là động lực chính trong hành vi của con người. Việc bỏ qua những mối quan tâm này chỉ khiến những xung đột tâm lý gắn liền với chúng trở nên sâu sắc hơn.
Liệu pháp hiện sinh
Ngoài sự kết hợp độc đáo giữa nền tảng triết học, quan điểm hiện tượng học và sự nhấn mạnh cốt lõi vào mối quan hệ trị liệu và trải nghiệm thực tế, liệu pháp hiện sinh thường ít tập trung vào việc chẩn đoán bệnh và giúp giảm triệu chứng nhanh chóng so với các hình thức trị liệu khác. Thay vào đó, những “triệu chứng” đau buồn như lo lắng, trầm cảm hoặc giận dữ được coi là những phản ứng có ý nghĩa và dễ hiểu đối với hoàn cảnh hiện tại và lịch sử bối cảnh cá nhân. Như vậy, liệu pháp hiện sinh chủ yếu quan tâm đến việc trải nghiệm và khám phá những hiện tượng đáng lo ngại này một cách sâu sắc: đối diện chúng thay vì cố gắng ngăn chặn hoặc xóa bỏ chúng ngay lập tức. Liệu pháp hiện sinh mang tính khám phá hơn là hướng đến mục tiêu cụ thể hoặc cố thay đổi hành vi cách nhanh chóng.
Trọng tâm của liệu pháp hiện sinh là giúp chúng ta chuyển hoá nỗi sợ hãi và lo lắng của chúng ta để có thể chấp nhận rằng chúng là một phần trải nghiệm của con người, và học được những cách đối diện với những điều không thể tránh khỏi theo hướng mang lại những giá trị biến đổi, ý nghĩa, và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần. Nó bao gồm những câu hỏi lớn như ‘Mục đích của cuộc sống là gì?’ và ‘Làm thế nào tôi có thể có một cuộc sống có ý nghĩa?’
Các kỹ thuật trị liệu hiện sinh sẽ khác nhau tùy thuộc vào nhà trị liệu và nhu cầu của thân chủ. Một số kỹ thuật phổ biến bao gồm:
- Tập trung vào mối quan tâm của thân chủ và khám phá niềm tin của họ về cuộc sống
- Tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận dựa trên các hướng dẫn mang tính triết học để giúp phát triển sự hiểu biết sâu sắc hơn về ý nghĩa cuộc sống
- Sử dụng các phương pháp sáng tạo như nghệ thuật hoặc viết lách để bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của bản thân
- Các tình huống nhập vai để giải quyết các vấn đề tiềm ẩn của các lựa chọn và hành vi
- Sử dụng giấc mơ như một công cụ trung gian để hiểu những trải nghiệm, lo âu hiện sinh
Các nhà trị liệu hiện sinh cũng khuyến khích thân chủ chấp nhận rủi ro và thử thách bản thân ra khỏi vùng an toàn của họ để tạo ra những quan điểm và lối sống mới. Phương pháp trị liệu này có thể trao quyền cho các cá nhân đưa ra những lựa chọn có ý nghĩa hơn trong cuộc sống khi họ nhận thức rõ hơn về hậu quả do hành động của mình gây ra.
Khi nào nên thử
Liệu pháp hữu ích cho những cá nhân đối mặt với nhiều vấn đề, triệu chứng hay thử thách trong cuộc sống. Cách tiếp cận này phù hợp với đa dạng thân chủ (người được trị liệu), từ trẻ em đến người cao tuổi, các cặp đôi, gia đình hay nhóm, và có thể áp dụng trong nhiều môi trường khác nhau, bao gồm phòng khám, bệnh viện, cơ sở tư nhân, nơi làm việc, tổ chức và cộng đồng. Nhờ nhận thức rằng chúng ta luôn tồn tại trong mối tương tác với thế giới, liệu pháp hiện sinh đặc biệt phù hợp với những khách hàng có nguồn gốc văn hóa và nhân khẩu học đa dạng.
Liệu pháp hiện sinh là lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn khám phá quan điểm triết học riêng về cuộc sống. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó có thể không phải là lựa chọn tối ưu hàng đầu cho những bệnh nhân cần điều trị nhanh chóng các triệu chứng tâm thần nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Mặc dù vậy, chính nhờ tập trung vào toàn bộ sự tồn tại của một người chứ không chỉ các triệu chứng tâm lý, liệu pháp hiện sinh có thể là một cách tiếp cận hiệu quả để giải quyết ngay cả những phản ứng nghiêm trọng nhất đối với những biến động hoặc gián đoạn tâm lý, tinh thần hoặc hiện sinh trong cuộc sống, dù là kết hợp với thuốc tâm thần khi cần thiết hay không.
Bạn có thể cân nhắc sử dụng liệu pháp này nếu hoặc khi:
- Đang phải đối mặt với một thử thách hoặc quá trình chuyển đổi cuộc sống khó khăn.
- Cảm thấy bối rối hay thiếu mục đích.
- Cần khám phá niềm tin và giá trị của bản thân.
- Cảm thấy bị cô lập hoặc mất kết nối với xã hội hoặc đồng nghiệp.
- Muốn phát triển sự tự nhận thức và sống thành thật với bản thân.
- Cần khám phá ý nghĩa và mục đích của mình trong cuộc sống.
Liệu pháp hiện sinh có thể giúp ta phát triển cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống bằng cách giải quyết cảm giác bất lực, vô vọng và tuyệt vọng. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là phương pháp này không phù hợp với những người đang đối mặt với các vấn đề sức khỏe tinh thần nghiêm trọng như có các triệu chứng loạn thần, những vấn đề này có thể sẽ cần những biện pháp can thiệp chuyên biệt hơn.
Không dễ để phân loại hay xếp Tâm lý học Hiện sinh vào bất cứ trường phái nào, hay ngay cả việc tạo nên một trường phái riêng cho Hiện Sinh cũng là sự khiên cưỡng đối với một hệ thống tư tưởng, triết lý bao trùm lấy mọi kinh nghiệm nhân sinh. Bài viết này nhằm nỗ lực một cách khiêm tốn, nhỏ bé mang đến cho bạn một nét vẽ trong bức tranh vô cùng lớn của tâm lý học hiện sinh. Do đó, đây chưa thể đủ đầy cho một định nghĩa quá sức như hiện sinh.
Nguồn
Greenberg, J., Koole, S. L., & Pyszczynski, T. (Eds.) (2004). Handbook of experimental existential psychology. New York: Guilford.
Greenberg, J., Pyszczynski, T., & Solomon, S. (1986). The causes and consequences of a need for self-esteem: a terror management theory. In R. F. Baumeister (Ed.), Public self and private self (pp.189-212). New York: Springer-Verlag.
Greenberg, J., Solomon, S., & Pyszczynski, T. (1997). Terror management theory of self-esteem and social behavior: Empirical assessments and conceptual refinements. In M. P. Zanna (Ed.), Advances in experimental social psychology (Vol. 29, pp. 61-139). New York: Academic Press.
Hainsworth, E. (2024). Existential Therapy Techniques and Why They Are Helpful. Care Patron.
Koole, S. L., Greenberg, J., & Pyszczynski, T. (2006). Introducing science to the psychology of the soul: Experimental existential psychology. Current Directions in Psychological Science, 15, 212-216.
Koole, Sander. (2010). Existential Psychology. 10.1002/9780470479216.corpsy0329.
Yalom, I. (1980). Existential psychotherapy. New York: Basic Books.