Tranquil

Đừng để kỳ vọng thành thất vọng!

Trong mùa hè này, Tranquil rất vui khi được đem đến cho mọi người chuỗi 6 tập podcast mỗi thứ tư hàng tuần được phát sóng trên nền tảng Spotify có tên “Ngồi Nghe Gen Z,” nơi host Hiền Nhi sẽ cùng các bạn lắng nghe những câu chuyện của những bạn trẻ đã trải qua một số khó khăn về sức khỏe tinh thần và cùng nhau vượt qua những thử thách này với sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.

Với thông điệp “I have been there”, hay “Mình cũng đã từng như vậy,” chuỗi Giáo dục tâm lý này nhằm mục đích giúp các bạn học sinh, sinh viên từ 16-22 tuổi cảm thấy đỡ lạc lõng hơn trong hành trình lớn lên và chữa lành qua những câu chuyện và lời gợi ý được chia sẻ. Series “Ngồi Nghe Gen Z” năm nay sẽ xoay quanh những chủ đề Bắt nạt học đường, Tìm hiểu bản thânĐiều hoà cảm xúc

Để khép lại series “Ngồi Nghe Gen Z” năm nay, Tranquil đã cùng ngồi trò chuyện với Thạc sĩ Tâm lý Trần Thị Linh Giang (Đại Học Sư Phạm Hà Nội) về chủ đề Điều hoà cảm xúc ở các bạn trẻ đang bị áp lực bởi kỳ vọng của phụ huynh. Chị Linh Giang đã đồng hành cùng chương trình phân tích về những kỳ vọng không phù hợp với trẻ, những kỳ vọng “vô hình” từ người thân, cách chúng ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của bạn trẻ, cũng như những cách gia đình có thể giúp đỡ các bạn điều hoà lại cảm xúc. Hãy cùng đọc qua tóm tắt những chia sẻ của chị nhé! 

Như bạn học sinh trong tập 305 đã chia sẻ thì một trong những sự động viên lớn nhất của bạn khi cảm thấy bị lạc lõng ở một môi trường mới là được trò chuyện cùng bố mẹ để cảm nhận được sự kết nối và cảm thấy được an ủi. Nhưng cũng có rất nhiều bạn học sinh, không những không thể chia sẻ được cho gia đình, mà còn cảm thấy cuộc sống học đường bị căng thẳng hơn vì những kỳ vọng mà bị áp đặt lên mình. Vậy thì theo kinh nghiệm tham vấn của mình thì chị có thường xuyên gặp những bạn trẻ bị áp lực bởi kỳ vọng của gia đình không ạ?

Nếu nói đến áp lực từ những kỳ vọng của gia đình thì phải nói rằng là tất cả chúng ta đều chịu những cái áp lực như vậy, chỉ là ở mỗi người nó sẽ khác nhau. Có những người bị áp lực trực tiếp, nhưng có những người họ gặp áp lực gián tiếp. Với bạn trẻ ngày nay thì chị gặp nhiều trường hợp cũng như vậy. Chị đưa ra một số ví dụ:

  • Với trường hợp những bạn gặp áp lực trực tiếp: Ba mẹ sẽ chia sẻ thẳng thắn mong muốn bạn làm cái gì. Ba mẹ sẽ sắp đặt cái con đường đi của bạn ở phía trước và bắt bạn phải đi theo như vậy.
  • Với trường hợp những bạn bị áp lực bởi cái sự kỳ vọng đến gián tiếp: Bạn sinh ra trong một gia đình ba mẹ giỏi, họ hàng giỏi, anh chị em giỏi, thì bản thân họ vẫn rất là cố gắng để làm sao cho bằng được anh chị em của mình, hoặc ít ra mình cũng phải bằng được ba mẹ.
  • Có một trường hợp khác: Ba mẹ không nói rằng đặt kỳ vọng lên con, nhưng khi đứa trẻ mang về kết quả không tốt, thì họ có thái độ thờ ơ, hờn mác đứa trẻ.

Những điều này đều tạo cho đứa trẻ áp lực, vì các em đang nghĩ mình làm cho bố mẹ buồn, và phải cố gắng làm sao để đạt được kết quả như bố mẹ mong đợi. Vậy nên chị thấy có rất nhiều áp lực đối với các bạn trẻ, và mỗi người chịu những áp lực khác nhau.

Vì xã hội của chúng ta ngày càng mang tính cạnh tranh cao, nên nhiều phụ huynh lựa chọn đặt áp lực cho con mình để có thể “bắt kịp” với các bạn đồng trang lứa, vậy theo chị thì kỳ vọng của phụ huynh đối với trẻ như thế nào thì bị cho là quá cao ạ?

Xem bài viết  Rối loạn lưỡng cực và Rối loạn nhân cách ranh giới

Đối với kỳ vọng của ba mẹ thì nó sẽ không có một cái định nghĩa là cao hay thấp, mà theo chị đó là phù hợp hay không phù hợp.

Với những cái ngành nghề trong xã hội thì ba mẹ nào cũng mong muốn con mình sẽ chọn những ngành nghề “hot”, nhưng có thể là phụ huynh chỉ nhìn thấy mặt nổi của nghề nghiệp và không so sánh lại với năng lực của đứa trẻ.

VD: Một bạn giỏi về lĩnh vực xã hội, nhưng bố mẹ muốn bạn trở thành bác sĩ, thì đây chính là một kỳ vọng không phù hợp. Cho nên dù có bắt đứa trẻ đi học thêm toán, học thêm sinh, học thêm hóa như thế nào thì cũng rất khó để đạt được kỳ vọng của ba mẹ. Điều này khiến cho đứa trẻ càng ngày càng cảm thấy bế tắc, mệt mỏi.

Những kì vọng phù hợp chính là những kỳ vọng được đặt ra khi ba mẹ hiểu được năng lực, điểm mạnh của con, và họ chỉ ở phía sau ủng hộ, hỗ trợ để cho đứa con có thể đi đúng hướng của mình.

Với vai trò là một chuyên gia thì theo chị có những lý do gì khiến cho các phụ huynh đặt lên con mình những áp lực lớn và kỳ vọng không phù hợp như vậy, kể cả khi con mình đã có những dấu hiệu “burn out” ạ?

Thật khó để mà nói là lý do nào khiến cho phụ huynh đặt lên con mình những áp lực, bởi vì mỗi người chắc hẳn sẽ có một lý do khác nhau. Ví dụ: Trong trường hợp một người mẹ đơn thân nuôi con thì chắc hẳn luôn muốn con mình thành công, vì thành công này nó không chỉ mang đến cái hạnh phúc cho đứa con, mang một cuộc sống tốt đẹp cho trẻ, mà còn thể hiện giá trị, sĩ diện của người mẹ đối với gia đình của bên chồng chẳng hạn, đối với họ hàng, đối với xã hội.

Hoặc có những bậc phụ huynh ngày nay chúng ta thấy rất là nhiều, đó là “hi sinh đời bố củng cố đời con.” Họ chấp nhận trải qua một cuộc sống khó khăn, lao động vất vả, để kiếm tiền, để vùng đắp cho con. Đi kèm với sự hy sinh này thì sẽ muốn con mình trở thành ông này, bà nọ, trở thành một người nào đó xứng đáng với sự hy sinh của ba mẹ. Đều này lại vô tình trở thành một gánh nặng lớn lên đứa trẻ.

Cũng có những người mong đợi “cha truyền con nối”, mong muốn con đi theo công việc của gia đình. Ba mẹ là luật sư thì nghĩ rằng nếu con mình học Luật ra thì sau này xin việc dễ dàng hơn, vì đã có ba mẹ đỡ đầu rồi. Vô tình đứa trẻ không thích cái công việc này lại cũng sẽ dẫn đến áp lực lớn.

Nói về lý do thì chị nghĩ sẽ không có một lý do chung nào cho tất cả mọi người, mà chính mỗi người sẽ có lý do riêng. Với trải nghiệm là người đi trước thì tâm lý phụ huynh tin rằng mình đang lựa chọn con đường tốt nhất cho con rồi. Nên con cái rất khó cãi lại ba mẹ là như vậy.

Chị có thể cho biết việc phải đối mặt với kỳ vọng không phù hợp từ phụ huynh có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sức khoẻ tinh thần của bạn trẻ như thế nào không ạ?

Rất khó khi phải đối diện với những áp lực mà các bạn không thể vượt qua. Ban đầu khi các bạn gặp những áp lực này các bạn sẽ rất cố gắng làm để đạt được cái mong đợi của ba mẹ. Khi làm không được thì nó sẽ dẫn đến sự căng thẳng, lo lắng kéo dài. Hãy hình dung nó giống như một cái vòng tròn: sẽ cố gắng làm —> làm không được thì căng thẳng —> căng thẳng, lo lắng thì lại càng không được —> làm không được thì nó lại tiếp tục căng thẳng. Cho đến khi căng thẳng không còn là sự căng thẳng có ích nữa. Căng thẳng có ích là khi nó đóng vai trò một chất xúc tác giúp cho chúng ta cố gắng để đạt được những mục tiêu đặt ra. Nhưng khi căng thẳng đến nỗi chúng ta không chịu được và cảm thấy mệt mỏi, cảm thấy chán nản, thấy ăn uống không ngon, và mất ngủ, thì nó đã trở thành những rối loạn rồi.

Xem bài viết  Liệu pháp Chiếc ghế trống

Có thể là rối loạn tâm lý, cũng có thể dẫn đến rối loạn cả về mặt thể chất. Stress nhiều quá cũng có thể dẫn đến đau dạ dày, đau đầu. Phải nói thật là trong quá trình làm việc của chị, chị chưa bao giờ gặp được bạn trẻ nào có thể tự mình vượt qua được áp lực này cả. Hầu hết hậu quả để lại, một là Rối Loạn Lo Âu (General Anxiety Disorder), hai là Trầm Cảm (Major Depressive Disorder), và thường có những suy nghĩ cực kỳ tiêu cực.

Có những biểu hiện nào có thể nhìn thấy ở các bạn trẻ hiện đang bị áp lực quá lớn từ gia đình để người thân, bạn bè cũng như thầy cô của các bạn nhận ra và giúp đỡ không ạ?

Với học sinh ở trong trường thì đa số chị thấy giáo viên đều nhận ra. Tại vì khi mà các con bị kiệt sức như vậy, các con bế tắc như vậy, thì các biểu hiện đầu tiên của các con là không có hoàn thành được bài tập ở nhà. Các con bắt đầu có kết quả học tập không tốt như xưa, không muốn đến trường, rút lui, không muốn trò chuyện với ai cả. Có thể là trốn học, có thể là ngủ ở trong lớp, chống đối với giáo viên. Hoặc ở cảm xúc thì nó thể hiện từ cái sự bốc đồng. Có thể trước đây bạn này rất là bình thường, vui vẻ, nhưng dạo này bạn lại dễ cáu kỉnh với bạn bè, làm gì một chút không vừa ý đã thể hiện cảm xúc tiêu cực. Những thay đổi đó giáo viên sẽ nhận ra được.

Thường thì học sinh khi ở giai đoạn “burn out” các con rất khó chia sẻ với người khác và không muốn nói chuyện với ai cả. Đó là sự rút lui, từ chối không tiếp nhận, vì khi nói ra thì các con sợ mọi người coi thường mình, sợ mọi người nghĩ mình không được giỏi. Khi mà mình không làm được cái gì đó, đặc biệt là với các bạn trẻ, các bạn trẻ chúng ta hiểu rằng giá trị của các bạn đầu tiên là được thừa nhận từ trong gia đình. Ba mẹ phải chấp nhận, nhận ra giá trị của các bạn thì mới đem cho các bạn được sự tự tin, tự trọng cao để các bạn đi ra ngoài xã hội thể hiện với bạn bè, với thầy cô. Nhưng ở đây chính trong gia đình không thừa nhận giá trị của các bạn, thì các bạn sẽ mất hẳn đi sự tự tin và ngày càng tự ti hơn. Khi không làm được gì cho ba mẹ tự hào thì các bạn sẽ thất vọng về chính mình. Và ghét mình rồi thì đâu muốn cứu mình nữa. Không muốn cứu mình thì không thể đi tìm người để cứu.

Không biết chị có những lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh, cũng như những người thân xung quanh của bạn trẻ không ạ?

Đã là ba mẹ thì chắc chắn ai cũng sẽ có những kỳ vọng dành cho con của mình. Để kỳ vọng không bị áp lực cho con thì ba mẹ nên kỳ vọng dựa trên sự hợp lý. Như lúc nãy chị đã chia sẻ, một cách phù hợp là cần biết được điểm mạnh, điểm yếu của con mình, và hỗ trợ đứa trẻ. Tạo điều kiện cho trẻ phát triển cái gì mạnh, chứ không phải mình kỳ vọng rồi đặt cho con vào những cái công việc, những cái ước mơ của mình, trong khi gạt bỏ năng lực của con ở trên.
VD: Nếu biết con mình có điểm mạnh về nghệ thuật, mình có thể hỗ trợ con bằng cách ủng hộ tài năng đó. Với việc con vẽ đẹp như vậy thì sẽ có những ngành nghề liên quan như kiến trúc chẳng hạn. Hãy động viên trẻ tìm hiểu thêm để biết trẻ thích gì, và ủng hộ con.

Xem bài viết  Phòng ngừa trầm cảm

Để khép lại tập phát sóng hôm nay thì chị Linh Giang có lời nào động viên cho các bạn đang gặp khó khăn này không ạ?

Hầu hết các bạn trẻ gặp áp lực này đều liên quan đến nghề nghiệp tương lai, bởi vì các bạn muốn làm một cái gì đó, nhưng mong muốn của gia đình không phù hợp với mong muốn của các bạn. Lựa chọn nghề nghiệ của các bạn nó không phải ở một cái thời điểm mà quyết định cả cuộc đời. Chúng ta lựa chọn nghề nghiệp giống như chúng ta đi trên một con đường dài vậy. Sẽ có những thời điểm, có những thay đổi, thay đổi này nó sẽ đi cùng với cái vai trò của các bạn ở trong xã hội.

Ví dụ như khi các bạn còn học sinh, vai trò của các bạn là đứa con trong gia đình, và các bạn vâng lời bố mẹ, không thể nào kháng cự lại được, thì có thể để làm vui lòng ba mẹ, các bạn cũng chấp nhận học ngành nghề mà ba mẹ mong đợi. Sau khi các bạn ra trường, các bạn đi làm, các bạn có điều kiện về mặt kinh tế và tự làm chủ cuộc sống của mình, không bao giờ là muộn để các bạn học tiếp một ngành nghề các bạn yêu thích!

Xin cảm ơn chị Linh Giang rất nhiều ạ! Mong rằng sau những chia sẻ từ chị thì các bạn thính giả của chúng ta sẽ cảm thấy được xoa dịu phần nào khi đối mặt với những áp lực vô hình mà bị đặt ra cho bản thân, và mong rằng các bậc phụ huynh khi nghe xong tập phát sóng này sẽ hiểu rõ về tâm lý của con em mình hơn để giúp các bạn điều hoà được cảm xúc và có những năm tháng học trò thật vui vẻ và đáng nhớ.  

Cảm ơn các thính giả đã đồng hành với Tranquil để cùng lắng nghe những câu chuyện của các bạn trẻ cũng như những chia sẻ từ các chuyên gia, về sức khỏe tinh thần. Mong rằng qua 6 tập phát sóng hè này, các bạn đã hiểu rõ hơn về vấn nạn Bắt Nạt Học Đường, khái niệm về Bản Sắc Cá Nhân, và những cách để Điều Hoà Cảm Xúc. Trên hết, Tranquil rất mong rằng thông điệp của chương trình có thể chạm đến các bạn xuyên những chiếc loa trên thiết bị điện tử bạn đang sử dụng để nghe Podcast này, đó chính là “Bạn Không Một Mình.” 

Bạn có thể đang cô độc trải qua những khó khăn này, nhưng bên cạnh đó, ba bạn nhân vật của chương trình cũng đã từng trải qua và vượt qua nó. Chúng ta đều còn rất trẻ; chúng ta có thời gian; và chúng ta được quyền kêu gọi, cũng như xứng đáng nhận được, sự giúp đỡ từ gia đình, trường học, bạn bè, và cả những anh chị chuyên gia nữa. Vì càng ngày xã hội đi càng vội, nên hãy cùng nhau chậm rãi bước vào đời để có những bước đi vững chắc nhất nhé!

Host Podcast “Ngồi Nghe Gen Z”

Leave a Comment

Scroll to Top