Tranquil

Bạn đang mang các Schema nào?

Trong bài viết giới thiệu về Schema Therapy tôi đã chia sẻ khái quát về Schema therapy, nền tảng phát triển của lý thuyết, và các kỹ thuật thường được sử dụng. Các bạn có thể tìm đọc tại link: http://tamly.org/schema-therapy/.

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu về 18 kiểu mẫu Schema mà chúng ta thường hay mang theo. Bài viết do tôi (Thạc sĩ tâm lý Dương Thuỳ Lệ Trang) chuyển ngữ dựa trên Client’s Guide (được viết bởi David C. Bricker, Ph.D. and Jeffrey E. Young, Ph.D.)

Schema là những lược đồ tâm trí tồn tại dai dẳng, lâu dài, phát triển trong thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên và được xây dựng trong suốt cuộc đời của một cá nhân. Chúng ta nhìn thế giới thông qua các schema. Schema là những niềm tin và cảm xúc quan trọng về bản thân và môi trường mà cá nhân chấp nhận (cách vô thức) mà thường không thắc mắc. Schemas thường rất khó có khả năng thay đổi nếu không có sự can thiệp của trị liệu tâm lý. 

Ví dụ, những đứa trẻ phát triển một Schema cho rằng chúng không đủ năng lực, Schema này khiến đứa trẻ né tránh những cơ hội, quanh quẩn trong những giới hạn về năng lực, và đứa trẻ này hiếm khi thách thức niềm tin này, ngay cả khi đã trưởng thành. 

Schema thường không biến mất nếu không được trị liệu tâm lý. Thành công vượt bậc trong cuộc sống con người thường vẫn chưa đủ để thay đổi Schema của một người. 

Các nhu cầu của con người đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và duy trì các Schema. Các schema được hình thành khi các nhu cầu của bạn không được đáp ứng trong thời thơ ấu và sau đó các schema  này tiếp tục ngăn cản việc đáp ứng các nhu cầu tương tự ở tuổi trưởng thành.

Ví dụ, một đứa trẻ có nhu cầu về sự gắn bó an toàn không được cha mẹ đáp ứng có thể sẽ trải qua nhiều năm trong cuộc sống mà không có mối quan hệ an toàn. Mặc dù các schema vẫn tồn tại một khi chúng được hình thành nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng nhận thức được chúng. Thông thường chúng hoạt động một cách tinh vi, nằm ngoài nhận thức của chúng ta. Tuy nhiên, khi một schema bùng phát hoặc được kích hoạt bởi các sự kiện, suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta sẽ bị chi phối bởi những schema này. Chính vào những thời điểm này, con người có xu hướng trải qua những cảm xúc cực kỳ tiêu cực và có những suy nghĩ rối loạn. 

Khi làm việc với nhiều bệnh nhân, chúng tôi đã tìm thấy 18 schema cụ thể. Hầu hết thân chủ,/ khách hàng đều có ít nhất hai hoặc ba schema và thường là nhiều hơn. Một mô tả ngắn gọn về từng schema được cung cấp dưới đây. 

Thiếu hụt cảm xúc (Emotional Deprivation)

Schema này đề cập đến niềm tin rằng những nhu cầu tình cảm cơ bản của một người sẽ không bao giờ được người khác đáp ứng. Những nhu cầu này có thể được mô tả thành ba loại: Nuôi dưỡng – nhu cầu về tình cảm, sự gần gũi và yêu thương; Đồng cảm – cần được lắng nghe và thấu hiểu; Bảo vệ – nhu cầu được tư vấn, hướng dẫn và định hướng. Nhìn chung, cha mẹ lạnh lùng hoặc xa cách và không chăm sóc con đầy đủ theo những cách có thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu trên. 

Xem bài viết  Ứng dụng Liệu Pháp Soma để chữa lành những sang chấn tâm lý

Bỏ rơi/ Tính Không ổn định (Abandonment/Instability)

Schema này của một người thể hiện khiến họ có niềm tin rằng họ sẽ sớm mất đi bất kỳ ai đã hình thành tình cảm gắn bó. Người đó tin rằng bằng cách này hay cách khác, các mối quan hệ thân thiết sẽ sớm kết thúc. Khi còn nhỏ, những người này có thể đã trải qua việc cha mẹ ly hôn hoặc qua đời. Lược đồ này cũng có thể phát sinh khi cha mẹ không nhất quán trong việc đáp ứng nhu cầu của trẻ; ví dụ, có thể thường xuyên xảy ra trường hợp đứa trẻ bị bỏ lại một mình hoặc không được chăm sóc trong thời gian dài. 

Không tin tưởng/Lạm dụng (Mistrust/Abuse)

Schema này đề cập đến kỳ vọng rằng người khác sẽ cố tình lợi dụng bạn theo một cách nào đó. Những người có schema này cách vô thức mong muốn người khác làm tổn thương, lừa dối hoặc hạ thấp họ. Họ thường nghĩ đến việc tấn công trước hoặc trả thù sau. Thời thơ ấu, những người này thường bị cha mẹ, anh chị em hoặc bạn bè ngược đãi hoặc đối xử bất công. 

Khuyết hụt/Xấu hổ (Defectiveness/Shame)

Schema này đề cập đến niềm tin rằng một người luôn có những khiếm khuyết, thiếu hụt bên trong và rằng, nếu những người khác thân thiết với họ, họ sẽ nhận ra điều này và rút lui khỏi mối quan hệ. Cảm giác thiếu sót và không thỏa đáng này thường dẫn đến cảm giác xấu hổ mạnh mẽ. Nói chung, schema này thường gặp ở những người có cha mẹ rất hay chỉ trích con cái và khiến chúng cảm thấy như thể chúng không xứng đáng được yêu thương. 

Cô lập/xa lánh xã hội (Social Isolation/Alienation)

Schema này đề cập đến niềm tin rằng một người bị cô lập với thế giới, mình khác biệt với những người khác và/hoặc không thuộc bất kỳ cộng đồng nào. Niềm tin này thường được gây ra bởi những trải nghiệm ban đầu mà trẻ em thấy rằng chúng hoặc gia đình chúng khác với những người khác. 

Sự phụ thuộc/Thiếu năng lực (Dependence/Incompetence)

Schema này đề cập đến niềm tin rằng một người không có khả năng xử lý các trách nhiệm hàng ngày một cách thành thạo và độc lập. Những người có Schema này thường dựa vào người khác quá mức để được giúp đỡ trong các lĩnh vực như ra quyết định và bắt đầu các nhiệm vụ mới. Nói chung, những schema này thường gặp ở những người có cha mẹ không khuyến khích những đứa trẻ này hành động độc lập và phát triển sự tự tin vào khả năng tự chăm sóc bản thân của chúng. 

Tính dễ bị tổn thương trước tổn hại và bệnh tật (Vulnerability to Harm and Illness)

 Schema này đề cập đến niềm tin rằng một người luôn có nguy cơ phải trải qua một thảm họa lớn (tài chính, thiên nhiên, y tế, tội phạm, v.v.). Nó có thể dẫn đến việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa quá mức để bảo vệ chính mình. Người có schema này thường có một bậc cha mẹ cực kỳ sợ hãi đã truyền lại ý tưởng rằng thế giới là một nơi nguy hiểm. 

Sự vướng mắc/Cá biệt hoá bản ngã thấp (Enmeshment/Undeveloped Self)

Schema này đề cập đến một lược đồ tâm trí, trong đó bạn phụ thuộc quá nhiều cảm xúc,  liên quan cách dính mắc đến người khác – thường là cha mẹ hoặc bạn tình. Nó cũng có thể bao gồm cảm giác rằng một người có quá ít bản sắc cá nhân, cá biệt hoá bản ngã thấp, hay khả năng định hướng nội tâm thấp, gây ra cảm giác trống rỗng hoặc bối rối. Schema này thường gặp ở những người có cha mẹ quá kiểm soát, lạm dụng hoặc bảo vệ quá mức đến mức đứa trẻ không được khuyến khích phát triển ý thức riêng biệt về bản thân.

Xem bài viết  CBT - Lệch lạc nhận thức (Phần 3)

Thất bại (Failure)

Schema này đề cập đến niềm tin rằng một người không có khả năng thực hiện tốt như những người cùng trang lứa, đồng nghiệp của mình trong các lĩnh vực. Người có schema này thường cảm thấy ngu ngốc, kém cỏi hoặc không có tài năng. Những người có schema này thường không cố gắng đạt được thành tựu vì họ tin rằng mình sẽ thất bại. Schema này thường gặp ở những người có phụ huynh thường coi thường và đối xử với họ như thể  kẻ thất bại ở trường và các lĩnh vực thành tích khác. Thông thường, cha mẹ không cung cấp đủ sự hỗ trợ, kỷ luật và khuyến khích để trẻ kiên trì và thành công trong các lĩnh vực, chẳng hạn như bài tập ở trường hoặc thể thao.

Phục tùng (Subjugation)

Schema này đề cập đến niềm tin rằng người ta phải phục tùng sự kiểm soát của người khác để tránh những hậu quả tiêu cực. Thông thường, những người có schema này lo sợ rằng nếu họ không phục tùng thì những người khác sẽ tức giận hoặc từ chối họ. Những người có schema này sẽ bỏ qua những ham muốn và cảm xúc của chính họ. Thường gặp ở những người có thời thơ ấu thường có cha mẹ rất kiểm soát.

Hy sinh bản thân (Self-Sacrifice)

 Schema này đề cập đến sự hy sinh quá mức nhu cầu của bản thân để giúp đỡ người khác. Họ thường cảm thấy tội lỗi khi đáp ứng nhu cầu của bản thân. Để tránh cảm giác tội lỗi này, họ đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của mình. Thông thường, những người có schema này sẽ có được cảm giác về lòng tự trọng được nâng cao hoặc cảm giác có ý nghĩa khi giúp đỡ người khác. Trong thời thơ ấu, thường những người này luôn cảm thấy có trách nhiệm quá mức đối với hạnh phúc của một hoặc cả hai cha mẹ.

Ức chế cảm xúc (Emotional Inhibition)

Schema này đề cập đến niềm tin rằng bạn phải kìm nén những cảm xúc, đặc biệt là sự tức giận, bởi vì bất kỳ biểu hiện cảm xúc nào cũng có thể gây tổn hại cho người khác hoặc dẫn đến mất lòng tự trọng, bối rối, trả thù hoặc bỏ rơi. Người có schema này thường khó bộc lộ cảm xúc, hoặc bị coi là người cứng nhắc. Schema này thường gặp ở những người có cha mẹ không khuyến khích việc bày tỏ cảm xúc.

Tìm kiếm sự chấp thuận/Tìm kiếm sự công nhận (Approval-Seeking/Recognition-Seeking)

Schema này đề cập đến việc đặt quá nhiều sự chú trọng vào việc đạt được sự chấp thuận và công nhận của người khác mà phải trả giá bằng nhu cầu thực sự và ý thức về bản thân. Nó cũng có thể bao gồm việc nhấn mạnh quá mức vào địa vị và ngoại hình như một phương tiện để đạt được sự công nhận và chấp thuận. Những người có schema này thường cực kỳ nhạy cảm với những lời từ chối của người khác và cố gắng hết sức để hòa nhập. Schema này thường tìm thấy trong những người không được đáp ứng tình yêu thương và sự chấp nhận vô điều kiện từ cha mẹ trong những năm đầu đời.

Xem bài viết  Thuốc chống Trầm cảm liệu có tác dụng thật sự?

Tiêu chuẩn quá mức/ Phê phán gay gắt (Unrelenting Standards/Hypercriticalness)

Schema này đề cập đến niềm tin rằng bất cứ điều gì bạn làm là chưa đủ tốt, rằng bạn phải luôn phấn đấu nhiều hơn nữa. Động cơ của niềm tin này là mong muốn đáp ứng được những yêu cầu bên trong cực kỳ cao về năng lực, thường là để tránh những lời chỉ trích. Những người có schema này cho thấy sự suy yếu trong các lĩnh vực quan trọng của cuộc sống, chẳng hạn như sức khỏe, niềm vui hoặc lòng tự trọng. Thông thường, cha mẹ của những người này không bao giờ hài lòng và dành tình yêu thương cho con cái với điều kiện phải có thành tích xuất sắc.

Đặc quyền/Cái tôi to lớn (Entitlement/Grandiosity)

Schema này đề cập đến niềm tin rằng bạn có thể làm, nói hoặc có bất cứ điều gì bạn muốn ngay lập tức bất kể điều đó có làm tổn thương người khác hay có vẻ hợp lý đối với họ hay không. Bạn không quan tâm đến những gì người khác cần, bạn cũng không nhận thức được cái giá phải trả lâu dài của việc xa lánh người khác. Những bậc cha mẹ nuông chiều con cái quá mức và không đặt ra giới hạn về những gì phù hợp với xã hội có thể thúc đẩy sự phát triển của schema này. Ngoài ra, một số trẻ phát triển schema này để bù đắp cho cảm giác thiếu thốn hoặc khiếm khuyết về mặt cảm xúc.

 Thiếu tự chủ/kỷ luật tự giác (Insufficient Self-Control/Self-Discipline)

Schema này đề cập đến việc không có khả năng chịu đựng bất kỳ sự thất vọng nào trong việc đạt được mục tiêu của một người, cũng như không có khả năng kiềm chế việc thể hiện sự thôi thúc hoặc cảm xúc của mình. Khi sự thiếu tự chủ trở nên cực đoan, hành vi phạm tội hoặc nghiện ngập sẽ thống trị cuộc sống của bạn. Những bậc cha mẹ không làm gương về tính tự chủ hoặc không kỷ luật con cái một cách thỏa đáng có thể khiến chúng mắc phải schema này khi chúng trưởng thành.

Tiêu cực/Bi quan (Negativity/Pessimism)

Schema này đề cập đến một mô hình phổ biến là tập trung vào các khía cạnh tiêu cực của cuộc sống trong khi giảm thiểu các khía cạnh tích cực. Những người có lược đồ này không thể tận hưởng những điều đang diễn ra tốt đẹp trong cuộc sống của họ vì họ quá quan tâm đến những chi tiết tiêu cực hoặc những vấn đề tiềm ẩn trong tương lai. Họ lo lắng về những thất bại có thể xảy ra cho dù mọi việc có diễn ra tốt đẹp như thế nào đối với họ. Thông thường những người này có cha mẹ lo lắng quá mức.

Sự trừng phạt (Punitiveness)

Schema này đề cập đến niềm tin rằng mọi người đáng bị trừng phạt nghiêm khắc nếu mắc sai lầm. Những người có lược đồ này thường chỉ trích và không tha thứ cho cả bản thân và người khác. Họ có xu hướng tức giận về những hành vi không hoàn hảo trong phần lớn thời gian. Thời thơ ấu, những người này thường có ít nhất một phụ huynh quá chú trọng đến thành tích và có phong cách kiểm soát hành vi mang tính trừng phạt.

Reference: A Client’s Guide to Schema Therapy

David C. Bricker, Ph.D. and Jeffrey E. Young, Ph.D. (Schema Therapy Institute)

Leave a Comment

Scroll to Top