Tranquil

Làm thế nào để vượt qua và phát triển sau ly hôn

Cuối cùng, khi chồng cũ của tôi và tôi đồng ý ly hôn, cái kết của chúng tôi giống như câu đồng thanh ‘Tôi từ bỏ!’ khoảnh khắc ấy như một vụ nổ thổi bay cả hai chúng tôi. Chúng tôi đã đấu tranh và xoay sở quá lâu – cãi vã, sống không đam mê, không tình dục, gặp hết nhà trị liệu cặp đôi này đến nhà trị liệu khác – nhưng cuối cùng thì chúng tôi cũng thống nhất được rằng mình nên ly dị. Tuy nhiên, bên dưới vẻ ngoài bình tĩnh, tôi đang bị tổn thương sâu sắc. Tôi nghi ngờ anh ấy sẽ quay lại với cô bạn gái mà anh ấy từng hẹn hò. Tôi tràn ngập một nỗi đau tột cùng, nỗi buồn sau chia tay, sự lo lắng về con cái của chúng tôi và tương lai, và cả cơn thịnh nộ dai dẳng. Tôi lẩn quẩn với những suy nghĩ lơ lửng trên đầu: ‘Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Làm sao mà tôi có thể hồi phục sau chuyện này được?’

Trong bài viết này, tôi sẽ cùng bạn khám phá câu trả lời cho những câu hỏi đó dựa trên kinh nghiệm trải qua ly hôn của bản thân, cũng như những gì tôi đã học được từ nghiên cứu khoa học xã hội có liên quan và từ 30 năm làm nhà tâm lý học làm việc với những người khác để giúp họ lấy lại định hướng và vượt qua cơn bão tố này. Tôi sẽ đưa ra cả những gợi ý cụ thể để điều chỉnh và thích nghi với cuộc sống sau khi ly thân hoặc ly hôn, đồng thời đưa ra những gợi ý về cách làm chủ tâm trí của bạn cũng như những lo lắng điên cuồng đang ám ảnh bạn .

Những lo lắng của riêng tôi vừa mông lung vừa rất cụ thể. Tôi vô cùng lo lắng cho cậu con trai bảy tuổi, nó cứ hỏi ‘Tại sao bố lại sống ở cơ quan?’ và cô con gái 11 tuổi của chúng tôi, người vừa bực bội về em trai mình vừa vô cùng bảo vệ cậu ấy. Cả hai đứa trẻ đều đã trải qua nhiều năm bất ổn với cha mẹ không hạnh phúc.

Tôi lo lắng rằng tôi sẽ không đủ khả năng tiếp tục ở trong căn nhà hiện tại và sống trong một khu phố nơi tôi có bạn bè để đi nhờ xe và chăm sóc chó, và nơi các con tôi có thể chơi cả ngày trong và ngoài ngôi nhà. Tôi lo lắng mình sẽ độc thân mãi mãi, sống với thân phận của kẻ ‘bị từ chối và ly hôn’.

Những năm sau đó thật khó khăn – tôi không biết làm sao để vơi bớt những lo toan, đau buồn ấy– nhưng chúng cũng dẫn đến sự trưởng thành và khôn ngoan cho phép tôi có cuộc hôn nhân thứ hai bền chặt hạnh phúc suốt 20 năm, những trải nghiệm mới mà tôi chưa bao giờ tưởng tượng được cho chính mình, trở thành người bạn tốt với chồng cũ của tôi và vợ anh ấy, và được chứng kiến ​​con cái chúng tôi thích nghi, hồi phục và phát triển – chúng được gặp gỡ yêu đương với những người bạn đời tuyệt vời.

Một trong những điều khó khăn lớn nhất đối với nhiều người sau ly hôn là vượt qua được cảm giác thất bại, bi quan và bất lực. Cha mẹ ly hôn đặc biệt lo lắng về ảnh hưởng của việc ly hôn đối với con cái. Nhiều người không biết rằng họ có khả năng hạn chế rủi ro cho bản thân và con cái họ nếu họ biết về các yếu tố rủi ro và yếu tố bảo vệ các con sau ly hôn.

Ly hôn cũng có thể làm gián đoạn mối quan hệ xã hội của bạn theo nhiều cách. Bạn không còn là một cặp đôi nữa – vì vậy một số bạn bè có thể không mời bạn đến dự các bữa tiệc tối nữa. Bạn có thể phải di chuyển, từ bỏ những lối sống quen thuộc ở khu phố của mình. Tâm trạng chán nản có thể ngăn cản bạn nỗ lực sắp xếp các cuộc hẹn với bạn bè và gia đình. Ở phần sau của bài viết, tôi sẽ nói nhiều hơn về cách tạo dựng, duy trì và củng cố mạng lưới hỗ trợ xã hội của bạn sau khi ly hôn.

Cuối cùng, nhiều người đã đưa ra quyết định khó khăn là chấm dứt cuộc hôn nhân để hướng tới tương lai, lo lắng về việc lặp lại những sai lầm cũ và tái tạo lại những kiểu mẫu mối quan hệ bế tắc lần nữa trong lần hẹn hò tiếp theo. 

Tinh thần con người – đối với cả người lớn và trẻ em – có thể kiên cường đến khó tin. Tôi sẽ khám phá những lựa chọn mà bạn có thể thực hiện trong cuộc sống hàng ngày để tăng cường khả năng phục hồi, giúp bạn thích nghi dễ dàng hơn và xây dựng mạng lưới xã hội mạnh mẽ để bảo vệ sức khỏe tinh thần và thậm chí tăng cường sức khỏe thể chất của bạn theo thời gian. Ly hôn không phải là kết thúc. Đó là một chương rất xúc động và thường rất buồn, nhưng sẽ có nhiều chương được viết sau chương đó.

Bạn cần làm gì?

Hãy xem xét cách bạn ly hôn

Nếu bạn đang dự tính ly thân hoặc sắp ly hôn, một cách để tạo chỗ dựa cho bản thân và gia đình là cân nhắc cẩn thận nên sử dụng quy trình nào để lập kế hoạch và giải quyết những khác biệt về tiền bạc, tài sản và cách nuôi dạy con cái. Các cặp vợ chồng có thể chọn một quy trình sẽ cung cấp nhiều hỗ trợ hơn, ít đối đầu hơn và ít dựa vào các quyết định của tòa án hơn và dựa nhiều hơn vào ý kiến ​​đóng góp và sự chu đáo của các cá nhân liên quan. Mặc dù kiện tụng là cần thiết trong một số ít trường hợp nhưng hầu hết mọi người đều có thể sử dụng hiệu quả các mô hình hòa giải, ‘ly hôn hợp tác’ hoặc ‘thương lượng hợp tác’. Những mô hình này tạo ra sự khác biệt lớn trong cách mọi người sẽ tiếp cận sau khi cuộc ly hôn hoàn tất về mặt pháp lý.

Sử dụng công cụ SMART để lấy lại quyền kiểm soát cuộc sống của bạn

Một khi bạn đang chuẩn bị ly hôn, điểm khởi đầu tốt để lấy lại quyền kiểm soát và viết nên một chương mới cho cuộc đời mình là lập ra một “kế hoạch cho cuộc đời”. Đặt ra các ý định về sức khỏe, tài chính, tâm lý, mối quan hệ và nuôi dạy con cái sẽ giúp bạn tạo ra cảm giác hiệu quả. Công cụ SMART cũng sẽ dẫn đến việc đưa ra quyết định sáng suốt trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, trong giai đoạn mà những cảm xúc đau đớn có thể lấn át suy nghĩ lý trí. Sử dụng công cụ SMART, mượn từ lĩnh vực tâm lý doanh nghiệp, bạn có thể đặt ra ý định của mình trong một hoặc hai năm đầu tiên sau khi ly hôn bằng cách sử dụng các mục tiêu sau:

  • Specific – Cụ thể (đơn giản, hợp lý, quan trọng)
  • Measurable – Có thể đo lường được (có ý nghĩa, có động lực)
  • Achievable – Có thể đạt được (có thể đạt được)
  • Relevant –  phù hợp (hợp lý, thực tế và có nguồn lực, dựa trên kết quả)
  • Time-bound – Có thời hạn (dựa trên thời gian, giới hạn thời gian, thời gian/chi phí -có giới hạn, kịp thời, nhạy cảm về thời gian)

Để giúp bạn hình dung những mục tiêu này trông như thế nào, dưới đây tôi đã chia sẻ một số mục tiêu của riêng tôi từ nhiều năm trước. 

Cụ thể: tổ chức các bữa ăn tối hai tuần một lần với một số bà mẹ khác và con cái của họ để đảm bảo rằng tôi đang xây dựng mối quan hệ và tạo ra các sự kiện đáng mong đợi – nhưng điều đó không khiến tôi rời xa bọn trẻ.

Có thể đo lường được: cố gắng thêm một vài giờ làm việc với khách hàng mỗi tuần để kiếm thêm tiền và hạn chế sự lo lắng của tôi về tài chính.

Có thể đạt được: tiếp tục tham gia trị liệu mỗi tuần một lần, hỏi nhà tâm lý trị liệu của tôi xem liệu cô ấy có thể giảm phí trong những tháng tới trong khi tôi điều chỉnh theo tình hình tài chính mới hay không.

Phù hợp: sắp xếp dành thời gian riêng cho từng đứa con của tôi, biết rằng thời gian đặc biệt với chúng sẽ giúp tôi nắm bắt được cách chúng đối phó và sẽ giúp chúng cảm nhận được sự tập trung của tôi dành cho chúng. 

Có giới hạn thời gian: (1) Cam kết với bản thân sẽ đi dạo 30 phút mỗi ngày với chú chó của tôi, có thể đi cùng các con hoặc không có các con, đồng thời thực hiện 50 lần gập bụng và 25 lần chống đẩy. Giữ một nhật ký tập thể dục. Nếu tôi kiên trì thực hiện điều này trong 30 ngày, hãy mua cho mình một bộ quần áo mới. (2) Thường xuyên liên lạc với anh chị em tôi, ít nhất là qua điện thoại. Đi thăm từng người trong vòng vài tháng tới. (3) Lên kế hoạch với bạn bè hoặc gia đình cho kỳ nghỉ Giáng sinh khi bọn trẻ sẽ ở bên bố, để tôi không cô đơn. 

Bạn có thể nhận thấy rằng một số mục tiêu này theo một cách nào đó có liên quan đến việc tăng cường và tiếp cận hỗ trợ xã hội, một chủ đề mà tôi sẽ đề cập sâu hơn dưới đây.

Một lưu ý quan trọng mà tôi muốn bổ sung khi lên kế hoạch này (và viết nó ra) là nếu bạn không theo đuổi bất kỳ mục tiêu nào của mình, bạn có thể cảm thấy tội lỗi hoặc chỉ tự trách mình theo cách nào đó. Một cách để ngăn chặn điều đó là thêm một ghi chú rằng việc đạt được bất kỳ mục tiêu nào của bạn đều sẽ hữu ích. Tốt không phải là kẻ thù của sự hoàn hảo! Khi bạn đang phải đối mặt với một điều gì đó căng thẳng – hoặc đau thương – như một cuộc ly hôn, mục tiêu quan trọng là tìm kiếm những khoảnh khắc để bạn cảm thấy tự hào về bản thân và tự tặng cho mình nhiều tấm thẻ tự do.

Những lợi ích khác của việc thực hiện kế hoạch này bao gồm cảm giác tự hào và giải quyết nỗi lo lắng về vô số vấn đề bạn đang lo lắng. Bây giờ bạn đã có kế hoạch và bạn đang đạt được tiến bộ trong một số ý tưởng chu đáo có thể giúp bạn phục hồi.

Nuôi dưỡng sự hỗ trợ từ người xung quanh bạn

Do ảnh hưởng gần như không thể tránh khỏi của việc ly hôn đối với các nhóm xã hội của bạn, một bước đặc biệt quan trọng lúc này, khi bạn trải qua cuộc ly hôn, là nỗ lực lập kế hoạch, liên hệ và chăm sóc bản thân bằng cách cho bạn bè biết bạn cần họ – và chắc chắn đáp lại những nỗ lực của họ để mời bạn tham gia hoặc sắp xếp các hoạt động với bạn.

Một ý tưởng mà tôi thấy cực kỳ hữu ích khi đang hồi phục sau cuộc ly hôn – và dẫn đến những mối quan hệ hiệu quả trong nhiều thập kỷ – là bắt đầu tổ chức những bữa tối thân mật với bạn bè hàng tháng. Bữa tối luân phiên giữa các gia đình. Một số người thích tổ chức, những người khác chỉ thích ghé thăm với tư cách khách mời, nhưng những bữa tiệc này đã trở thành sự kiện được yêu thích đối với tất cả những người tham gia. Buổi tối đã mở rộng mạng lưới của chúng tôi – mọi người gặp gỡ những người mới và có thể kết nối với những người họ đã biết. Các cuộc trò chuyện đã dẫn đến cả cơ hội hỗ trợ về mặt cảm xúc cũng như các kết nối tạo ra cơ hội cho việc hỗ trợ về phương tiện – từ đi chung xe đến trao đổi người trông trẻ chung và trông chó.

Một cách khác để nâng cao cảm giác kết nối và tăng trải nghiệm hạnh phúc và an lành của bạn là chú ý đến tất cả các cơ hội tạo những tương tác nhỏ với ‘mối quan hệ xã giao’ mà bạn có thể có trong suốt tuần của mình. ‘Mối quan hệ xã giao’ (các mối quan hệ chưa được thân thiết như bạn bè, gia đình và đồng nghiệp thân thiết) là tất cả những người trong cuộc sống mà bạn gặp thường xuyên nhưng không có mối quan hệ sâu sắc – người pha chế cà phê biết tên bạn hoặc người bạn thấy ở trạm xe buýt mỗi sáng. Các nhà khoa học xã hội Mark Granovetter và Gillian Sandstrom đều đã nghiên cứu những lợi ích đáng kinh ngạc mà chúng ta thu được từ việc tạo ra, chú ý và phát triển các cuộc trò chuyện với những người lạ mà chúng ta gặp nhiều lần – hoặc thậm chí chỉ một lần! Nghiên cứu cho thấy rằng, khi bạn tương tác tích cực với một người lạ một hoặc hai lần, người đó không còn là người lạ nữa – họ trở thành người giúp bạn cảm thấy được kết nối với cộng đồng của mình, đồng thời bớt cô đơn hơn và hạnh phúc hơn một chút trong thời điểm đó và trong suốt cuộc đời của bạn.

Vẻ đẹp của những tương tác nhỏ bé này là bất cứ ai cũng có thể tạo ra chúng. Thử thách lớn nhất đối với những người nhút nhát hoặc sống hướng nội là làm quen với sự thân thiện, bất chấp mọi cảm giác khó xử trong những giây phút đầu tiên. Lời khuyên của tôi là hãy thử! Nếu bạn chưa phải là người có xu hướng trò chuyện với người lạ và nói ‘Xin chào’ với tất cả những người bạn gặp, hãy làm một thử nghiệm ngắn với chính mình. Hãy nỗ lực để nói ‘Xin chào’ và bắt đầu cuộc trò chuyện nhanh mỗi ngày với một người mà bạn không quen biết. ‘Tôi thích chiếc áo thun bạn mặc! Tôi cũng là một người hâm mộ Hà Anh Tuấn!’ ‘Bạn pha chế cafe ngon quá. Tôi biết điều đó cần có sự kiên nhẫn mỗi ngày.’ Hoặc ‘Chào buổi sáng – Tôi nghĩ tôi đã gặp bạn ở bãi giữ xe này trước đây. Tôi sống ngay gần đây.”

Hãy ghi lại cảm giác khi tạo ra những tương tác nhỏ này và cố gắng chú ý đến chúng khi người khác bắt đầu bắt chuyện với bạn. Nếu bạn nhận thấy rằng việc đó trở nên dễ dàng và thú vị hơn theo thời gian, hãy để ý xem liệu điều đó có dẫn đến cảm giác gắn kết lớn hơn hay không – trong khu phố, tòa nhà của bạn hoặc bất cứ nơi nào bạn ở. Hãy biết rằng, khi bạn thử điều này, bạn đang củng cố sức khỏe thể chất và tinh thần của mình – điều này sẽ giúp bạn tiến về phía trước và phục hồi cuộc sống. Ai biết được… nó thậm chí có thể dẫn đến một mối quan hệ mới.

Hợp tác cùng nuôi dạy con cái

Nếu bạn không có con, bạn có thể bỏ qua bước nói về các phương pháp nuôi dạy con cái này. Các bước này nhằm giúp bạn bảo vệ con mình sau ly hôn, giảm bớt căng thẳng có thể phát sinh từ xung đột trong việc nuôi dạy con cái. 

Xung đột trong việc nuôi dạy con cái là một trong những yếu tố rủi ro chính đối với trẻ em sau ly hôn. Xung đột kéo dài nhiều năm và tập trung vào các chủ đề liên quan đến trẻ em đặc biệt có hại cho trẻ (chẳng hạn như tranh cãi về việc ai sẽ đón bọn trẻ sau lớp học, ai sẽ trả tiền cho một chiếc váy mới của trẻ hoặc liệu trẻ em có được phép gọi cho phụ huynh ngoài giờ làm việc bất cứ khi nào không) đặc biệt có hại.

Cách tiếp cận sau đây sẽ giúp giảm bớt xung đột trong việc nuôi dạy con cái hoặc giữ cho nó không thường xuyên xảy ra và được giải quyết nhanh chóng. Nó dựa trên sách của Bill Eddy, người đồng sáng lập Viện xung đột cao ở San Diego, bao gồm BIFF: là viết tắt của : ngắn gọn, đầy đủ thông tin, thân thiện và chắc chắn . Tôi sẽ lần lượt đưa bạn đi qua từng điểm.

Trước tiên, hãy gửi tất cả các thông báo cho chồng/ vợ cũ của bạn về các vấn đề liên quan đến các con một cách ngắn gọn . Điều này có nghĩa là không quá một đoạn văn ngắn. Thậm chí tốt hơn, nên dùng một vài câu. Sử dụng dấu đầu dòng giúp tin nhắn dễ đọc và ngắn gọn. Nếu một vấn đề phức tạp và cần phải thảo luận, hãy cân nhắc một cuộc trò chuyện khi cả bạn và chồng/ vợ cũ của bạn đều cảm thấy sẵn sàng và có tâm trạng tốt. (Nếu mối quan hệ thực sự gặp rắc rối và cảm thấy không thể trò chuyện, hãy hẹn gặp chuyên gia tâm lý dày dạn kinh nghiệm trong việc giúp đỡ sau ly hôn)

Thứ hai, chỉ gửi những tin nhắn mang tính thông tin về con bạn: nghĩa là tập trung vào một chủ đề cụ thể. Tránh thêm vào lời bình luận về các vấn đề không liên quan, vết thương trong quá khứ, lỗi lầm hoặc lời phàn nàn của bạn.

Thứ ba, tôi khuyên khách hàng của mình nên đọc lại tất cả các tin nhắn ở dạng văn bản và hướng tới một giọng điệu thân thiện – hoặc ít nhất là mang tính xây dựng. Hãy loại bỏ bất kỳ tiếng ca thán nào trong giọng điệu hoặc từ ngữ. Ngay cả khi bạn đang phản ứng lại một tin nhắn không tử tế hoặc mỉa mai, ý tưởng vẫn là vượt lên trên và bám sát BIFF. Bằng cách giảm căng thẳng và xung đột, điều này có thể kéo dài cuộc sống của bạn và bạn cũng sẽ bảo vệ con cái cũng như các mối quan hệ khác của mình.

Thứ tư, hãy kiên quyết trong giao tiếp về con cái, nghĩa là phải rõ ràng và nêu rõ các ưu tiên của bạn một cách trực tiếp. Nếu bạn không thể đáp ứng một yêu cầu mà chồng/ vợ cũ đã yêu cầu, thì một câu nói đơn giản nhưng rất rõ ràng là ‘Tôi rất xin lỗi, tôi không thể làm điều đó’ sẽ tốt hơn là những lời bào chữa quanh co, khó chịu hoặc trả đũa.

Dưới đây là ví dụ về giao tiếp qua email đã được sửa đổi hỏi về nếu người kia có thể chăm bọn trẻ vào vào tháng tới hay không.

Tin nhắn gốc:

Lại nữa? Anh đang đùa tôi à? Tôi có cần liệt kê tất cả những điều mà anh đã yêu cầu tôi trong ba tháng qua không? Nó vô cùng bất tiện đối với tôi. Và tôi rất bực bội. Tôi cứ tiếp tục bị dồn ép như vâỵ. Và lần cuối cùng anh đồng ý trông lũ trẻ cho tôi là khi nào?

Được lọc theo phương pháp BIFF:

Tôi rất xin lỗi. Tôi sẽ không thể chăm các con vào tháng tới. Tôi sẽ cố gắng sắp xếp trong hai tháng nữa nhưng hiện tại thì thật khó khăn đối với tôi.

Tôi đã hướng dẫn vô số khách hàng hướng tới phương pháp giao tiếp này và tôi có thể nói với bạn – điều đó không phải lúc nào cũng dễ thực hiện. Khi chúng ta bị ai đó làm tổn thương, tức giận vì hành vi của họ và/hoặc liên tục bị kích động bởi các mối quan hệ cũ đã rối loạn chức năng trong một thời gian, việc dành thời gian để thở, bình tĩnh và suy nghĩ rõ ràng trước khi nói hoặc nhấn ‘Gửi’ là một thử thách . Nếu bạn có thể quản lý được các bước đó trước thì việc giao tiếp theo cách BIFF sẽ dễ dàng hơn.

Nói chung, chất bôi trơn giúp cho bộ máy cùng nuôi dạy con cái diễn ra suôn sẻ hơn thường bao gồm việc bày tỏ sự đánh giá cao và lòng biết ơn, duy trì sự duyên dáng và bình tĩnh khi đối mặt với hành vi kém cỏi của cha mẹ và luôn bảo vệ con bạn, tốt nhất có thể, khỏi xung đột giữa các bạn và người kia. Nghiên cứu cho thấy rằng khi cha mẹ có thể giao tiếp hợp tác và trẻ cảm thấy cha mẹ khá hợp nhau, sự điều chỉnh của trẻ trên mọi khía cạnh – học tập, xã hội, tình cảm – sẽ tích cực hơn theo năm tháng. Không chỉ vậy, bằng cách giảm thiểu xung đột, trẻ em còn gần gũi hơn với cả cha lẫn mẹ khi chúng lớn lên.

Với tinh thần đó, đây là lời khuyên nữa dành cho những người có con, đặc biệt là trong những tháng đầu và những năm đầu sau khi ly thân, khi mọi người đều đang trong khó khăn:

  • Mời gọi người kia cùng tham gia gửi ‘nhật ký’ cho nhau hàng tuần. Nhật ký là những bản tóm tắt ngắn gọn (hãy nghĩ đến các gạch đầu dòng) về hoạt động của bọn trẻ trong thời gian bạn ở cùng chúng. Các chủ đề có thể bao gồm sức khỏe của con bạn, bất cứ điều gì có liên quan xảy ra ở trường/nhà trẻ và những gì chúng làm trong đời sống xã hội cũng như các hoạt động khác.

Nhật ký giúp cha mẹ biết được những gì đã xảy ra trong cuộc sống của con cái họ khi chúng ở nhà khác. Do đó, cha mẹ có thể làm cho trải nghiệm sống trong hai ngôi nhà trở nên liền mạch hơn đối với trẻ và có thể cùng trẻ trò chuyện về những điều đã xảy ra khi bạn xa nhau. Điều này mang lại cho trẻ cảm giác gắn kết trong gia đình, đồng thời giúp cha mẹ cảm thấy được thông tin, được tôn trọng và… một lần nữa, làm giảm xung đột và tăng cảm giác hạnh phúc cho cha mẹ.

Chuẩn bị cho chương tiếp theo nhé bạn

Khi bạn sắp ly hôn hoặc đang thích nghi với việc ly hôn, việc dành nhiều thời gian để suy nghĩ xem bạn sẽ là ai với tư cách là ‘người đã ly hôn’ là điều bình thường. Tại một thời điểm nào đó, khi bạn đã sẵn sàng bắt đầu nhìn về tương lai, bạn có thể lo lắng về việc liệu mình có tìm lại được tình yêu hay không, hoặc lo lắng rằng, nếu và khi yêu, bạn có thể lặp lại những sai lầm trước đó và rơi vào tình trạng tương tự trong tương lai. một mối quan hệ không hạnh phúc khác.

Khi tôi làm việc với một người đang bước ra khỏi một cuộc hôn nhân hoặc đang hồi phục sau một cuộc ly hôn, tôi chia sẻ niềm tin của mình rằng bài tập quan trọng nhất để chuẩn bị tốt cho các mối quan hệ trong tương lai là dành thời gian nhìn lại những hình mẫu mối quan hệ trước đây của họ và làm việc chăm chỉ để hiểu những gì họ đang làm. những khuôn mẫu dẫn tới sức khỏe và hạnh phúc, và những khuôn mẫu nào góp phần dẫn đến ly hôn.

Một cách nghĩ khác về điều này là hãy suy nghĩ về những gì bạn muốn và cần trong một mối quan hệ giống như khi bạn cân nhắc việc làm hoặc mua một ngôi nhà. Chúng ta thường yêu – vì những lý do có ý thức và vô thức – và rồi trong cơn hưng phấn của endorphin tình yêu mới, chúng ta ít chú ý hơn đến những khuôn mẫu lặp đi lặp lại tạo nên mối quan hệ đó. Tôi tin rằng yếu tố dự đoán tốt nhất về tương lai chính là quá khứ. Nếu bạn không nỗ lực nhiều để học hỏi từ quá khứ, bạn sẽ khó lòng tạo ra được nhiều khuôn mẫu cho mối quan hệ thành công hơn trong tương lai.

Suy ngẫm về các mẫu mối quan hệ bạn đã trải qua khi ly hôn

Một cách nhìn cả về phía trước và phía sau là xem xét các vai trò riêng biệt khác nhau trong bất kỳ mối quan hệ lâu dài nào đòi hỏi những kỹ năng khác nhau, các kiểu giao tiếp khác nhau và dẫn đến các nhóm động lực giữa hai người trong mối quan hệ. Khám phá những điều áp dụng cho mối quan hệ của bạn sẽ rất hữu ích.

Một khía cạnh của mối quan hệ tổng thể mà mọi người thường bỏ qua hoặc ít chú ý đến hơn là điều mà tôi gọi là ‘mối quan hệ phát triển cá nhân’ – mức độ mà mỗi bên hỗ trợ người kia tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của họ và phát triển lành mạnh theo thời gian. Phần này của mối quan hệ có thể bao gồm những hành trình tâm linh mà cặp đôi chia sẻ, hoặc có thể một bên khuyến khích người kia đạt được kỹ năng và kiến ​​thức để họ có thể chuyển sang một công việc khiến họ hạnh phúc hơn. Đây là một khía cạnh quan trọng của các mối quan hệ lâu dài bởi vì khi con người kết đôi qua nhiều năm và nhiều thập kỷ, chắc chắn họ sẽ thay đổi theo thời gian. Họ sẽ phải đối mặt với những nghịch cảnh, thử thách và đôi khi đạt được những thành công vang dội. Cách một cặp đôi vượt qua cả nghịch cảnh và thành công có liên quan trực tiếp đến mức độ hài lòng và đau khổ của một cặp đôi theo thời gian.

Khách hàng của tôi thấy rất hữu ích khi suy nghĩ nhiều về cách thức vận hành những khía cạnh này trong cuộc hôn nhân của họ. Điểm mạnh ở đâu, điểm yếu ở đâu? Xem xét sự đóng góp của chính bạn cho cả thành công lẫn vấn đề trong một lĩnh vực sẽ giúp bạn nhận thức, tỉnh táo và chủ động khi bắt đầu và phát triển mối quan hệ lâu dài tiếp theo của mình.

Trong quá trình ly hôn, qua nhiều buổi tư vấn hôn nhân, tôi nhận ra rằng tôi và chồng khá tệ trong việc hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực phát triển cá nhân. Anh ấy yêu thích công việc của mình nhưng tôi không hài lòng với thời gian làm việc quá dài của anh ấy. Anh ấy tỏ ra không mấy quan tâm đến sự nghiệp đang phát triển của tôi, mặc dù anh ấy ủng hộ lịch trình làm việc bán thời gian của tôi để tôi có thể về nhà chăm con nhỏ. Chúng tôi là bạn cùng phòng tốt và trong một thời gian dài là bạn rất tốt. Nhưng khi sự khác biệt ngày càng gia tăng, chúng tôi đánh mất sự lãng mạn, tranh cãi về con cái và ngày càng dành ít thời gian cho nhau hơn.

Khi gặp người chồng hiện tại của mình, tôi đã bắt đầu rất nhiều cuộc trò chuyện với anh ấy về mọi khía cạnh trong mối quan hệ của chúng tôi. Trong khi anh ấy lắng nghe những cuộc thảo luận này, ban đầu anh ấy nói với tôi rằng anh ấy cảm thấy như thể tôi có ánh sáng của thợ mỏ trên trán – nhìn vào tâm hồn anh ấy để cố gắng nhìn thấy những ngóc ngách của hang động, để đảm bảo rằng không có mối nguy hiểm tiềm ẩn nào đang rình rập trong đó – hoặc, nếu có, chiếu sáng chúng để tôi có thể hiểu được chúng. Vào thời điểm chúng tôi kết hôn hai năm sau đó, chồng tôi đã sử dụng đèn thợ mỏ của mình khá thành thạo. Có thể nói chuyện vượt qua những khó khăn và thực sự hiểu nhau đã giúp chúng tôi vững bước trong suốt 20 năm.

Biết các dấu hiệu của mối quan hệ lâu dài tích cực (cũng như độc hại)

Một cách khác để hiểu rõ hơn về các mối quan hệ trước đây của bạn, sẵn sàng cho một mối quan hệ lành mạnh và nuôi dưỡng trong tương lai là xem xét một số nền tảng cơ bản – cũng như các nguồn gây độc hại – khá phổ biến trong hôn nhân, sau đó lưu tâm và nhận thức được bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm hoặc dấu hiệu đáng khích lệ nào trong các mối quan hệ tương lai của bạn. 

Khái niệm phổ biến nhất của Gottmans ‘Bốn kỵ sĩ của ngày tận thế’, hay bốn hành động giữa các cá nhân gây ra đau khổ (và dự đoán sẽ ly hôn nếu chúng xảy ra quá thường xuyên) và ‘Bảy nguyên tắc giúp hôn nhân thành công’.

Các kỵ sĩ là:

  • chỉ trích đối tác;
  • sự khinh thường, thường bắt nguồn từ vị thế vượt trội;
  • tính phòng thủ;
  • sự cản trở, được thể hiện thông qua việc rút lui cảm xúc khỏi các tương tác.

Và về mặt tích cực, bảy nguyên tắc giúp hôn nhân thành công là:

  • chia sẻ bản đồ tình yêu (bạn và đối phương tìm hiểu thế giới nội tâm của nhau);
  • nuôi dưỡng sự yêu thích và ngưỡng mộ;
  • quay về phía nhau thay vì quay đi;
  • để đối tác ảnh hưởng đến bạn;
  • giải quyết các vấn đề có thể giải quyết được của bạn;
  • vượt qua bế tắc;
  • cùng nhau tạo ra ý nghĩa chung.

Việc đào sâu những khái niệm này thông qua sách của Gottmans và các tài nguyên khác có thể cực kỳ hữu ích, cho dù bạn đang xem xét cuộc hôn nhân trước của mình để đánh giá điều gì có thể đã sai hoặc quan sát các khuôn mẫu trong mối quan hệ mới của bạn để xem liệu bạn và đối tác của mình có đang thiết lập các khuôn mẫu lành mạnh hay không. .

Dành thời gian để thích nghi và luôn hy vọng

Không phải tất cả những người đang hồi phục sau cuộc ly hôn đều quan tâm hoặc sẵn sàng nghĩ đến tình yêu trong tương lai, vì vậy, hãy dành thời gian và nếu cần, chỉ nên bước tiếp khi bạn đã sẵn sàng. Trên thực tế, nhiều người đã đưa ra lựa chọn có ý thức là dành một khoảng thời gian đáng kể cho cuộc sống độc thân, tạm dừng việc hẹn hò một thời gian. Công việc điều chỉnh, thích nghi và phục hồi sau ly hôn rất quan trọng và tiêu tốn khá nhiều năng lượng tinh thần. Tôi hy vọng Hướng dẫn này đã đưa ra một số lời khuyên hữu ích để giúp hành trình của bạn trở nên dễ chịu hơn và có nhiều hy vọng hơn. 

Tôi sẽ luôn nhớ đến một khách hàng mà tôi đã làm việc cùng trong những tháng cô ấy hòa giải ly hôn. Bà đã ở tuổi 70 khi người chồng hơn 40 tuổi của bà quyết định bỏ bà để theo một người phụ nữ trẻ hơn một chút. Trong suốt quá trình ly hôn, bà cảm thấy chán nản, cay đắng và lo sợ về tương lai của mình. Bà đã vượt qua được, với sự hỗ trợ từ những đứa con đã trưởng thành, những người bạn thân và nhóm chơi bài của bà ấy, nhưng ký ức của tôi về bà  là một người rất buồn bã, khép kín. Bà ấy làm tôi nhớ đến một quả mận khô – nhăn nheo nhưng bên trong lại ngọt ngào.

Vài năm sau khi tôi tạm biệt bà và chúc bà mọi điều tốt lành, một người phụ nữ lớn tuổi xinh đẹp và rạng ngời đã gọi tên tôi trên vỉa hè trước tòa nhà văn phòng của tôi. Người nhỏ nhắn, hay cười này bước đến gần tôi và ôm tôi thật ấm áp – Bà cũng chính là khách hàng đó. Tôi nhìn bà ngạc nhiên và thích thú vì bà trông… hạnh phúc! Bà nói với tôi rằng cuộc ly hôn thật khủng khiếp nhưng cũng là cơ hội để bà thay đổi cuộc đời – ngay cả ở độ tuổi 70. Bà đã bán ngôi nhà lớn của mình ở ngoại ô, chuyển đến một chung cư ở trung tâm thành phố và tham gia câu lạc bộ làm vườn trong tòa nhà mới của mình. Hiện bà đang làm việc với những thanh thiếu niên nội thành để trồng vườn rau trên sân trường và bà cảm thấy tràn đầy năng lượng, trẻ trung hơn bao giờ hết và thậm chí còn thấy bình yên trước những quyết định của chồng cũ. “Tôi sẽ không bao giờ kết thúc cuộc hôn nhân của chúng tôi,” cô nói. ‘Nhưng nó khá trống rỗng, và tôi thấy chán. Anh ta đã đẩy tôi xuống biển, nhưng tôi không chỉ học bơi mà còn bơi đến một nơi hoàn toàn mới!’

Mọi người đều có thể viết những chương mới cho cuộc đời mình và những chương đó có thể rất thú vị, hào hứng và vui vẻ.

Tác giả: Lisa Herrick

Chuyển ngữ: Thạc sĩ Tâm lý Dương Thuỳ Lệ Trang (MSc)

Leave a Comment

Scroll to Top