Gắn bó cảm xúc dùng để chỉ cảm giác gần gũi và yêu thương, giúp duy trì các mối quan hệ có ý nghĩa theo thời gian. Gắn bó đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa người với người. Những mối liên kết đầu đời, hình thành giữa con cái với cha mẹ và những người thân khác trong gia đình, có khả năng định hình và định hướng các kiểu gắn bó của một người với bạn bè hay người yêu của họ trong cuộc sống sau này.
Bạn cũng có thể gắn bó về mặt cảm xúc với những người mà bạn không cảm thấy hấp dẫn về tình cảm hay tình dục, chỉ đơn giản là cảm giác gần gũi với họ sẽ khiến bạn gắn kết và tăng cảm giác kết nối. Sự gắn bó này có thể giúp bạn cảm thấy an toàn, thoải mái, hạnh phúc, và thậm chí là hưng phấn ở một mức độ nào đó khi có họ bên cạnh.
Gắn bó ở một vài mức độ được cho là lành mạnh và bình thường trong các mối quan hệ, nhưng làm sao để bạn nhận biết rằng sự gắn bó của mình có đang quá mức hay không? Bạn nên làm gì nếu điều đó xảy ra? Một người có thể nảy sinh sự gắn bó đối với nơi chốn hay đồ vật không?
Dưới đây là câu trả lời cho những câu hỏi đó và một số thông tin khác.
Sự gắn bó có phải là tình yêu không?
Tình yêu lâu bền phải dựa vào sự gắn bó lành mạnh để nảy nở, nhưng tình yêu và sự gắn bó không thực sự giống nhau.
Sự gắn bó cảm xúc trong các mối quan hệ lãng mạn hay tình bạn giúp cho những mối quan hệ này phát triển mạnh mẽ theo thời gian. Nếu thiếu đi sự gắn bó, bạn sẽ dễ bị thôi thúc tìm kiếm một người yêu khác khi cảm giác yêu thương mãnh liệt ban đầu dần phai đi, hoặc tìm kiếm một người bạn thân khác khi tranh cãi xảy ra.
Oxytocin, một loại hormone thúc đẩy sự gắn kết và tin tưởng, góp phần phát triển tình cảm và tình yêu lâu dài. Nói cách khác, Oxytocin giúp bạn vượt qua những giai đoạn ham muốn và hấp dẫn đầu tiên để bước vào một mối quan hệ.
Các hormone khác cũng có mặt trong giai đoạn đầu của tình yêu lãng mạn, góp phần tạo ra ham muốn, hưng phấn và căng thẳng mà hầu hết mọi người đều trải qua khi mới yêu.
Cường độ của những cảm xúc này thường giảm dần theo thời gian, nhưng sự gắn bó vẫn tồn tại, giúp bạn cảm thấy an toàn, yên tâm và thúc đẩy cảm giác yêu thương lâu dài.
Xem xét các yếu tố thúc đẩy
Sự khác biệt chính giữa sự gắn bó và tình yêu nằm ở các yếu tố phía sau chúng.
Nhìn chung, bạn không yêu ai đó vì những gì họ có thể làm hoặc cung cấp cho bạn. Bạn yêu họ bất kể những điều này, đơn giản vì họ là chính họ.
Chắc chắn, các mối quan hệ lãng mạn sẽ đáp ứng các nhu cầu quan trọng, nhưng các mối quan hệ dựa trên tình yêu còn bao gồm sự cho đi, nhận lại và hỗ trợ lẫn nhau. Bạn không yêu ai đó chỉ vì họ đáp ứng được các nhu cầu của bạn.
Ngược lại, sự gắn bó có thể xuất hiện khi các nhu cầu về sự thân thiết, đồng hành, xác nhận hoặc bất cứ điều gì khác không được đáp ứng. Khi tìm được một người đáp ứng những nhu cầu đó, bạn có thể phát triển một sự gắn bó chặt chẽ với họ.
Chúng ta đều có nhu cầu riêng của mình và ai cũng muốn được đáp ứng những nhu cầu ấy. Không có gì sai khi tìm kiếm một người có thể đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của bạn, nhưng điều quan trọng là bạn phải biết cách tự đáp ứng những nhu cầu này. Phụ thuộc vào người khác để “hoàn thiện” bản thân có thể gây ra khó khăn cho cả hai.
Khi nào thì sự gắn bó về cảm xúc được xem là không lành mạnh?
Sự gắn bó về cảm xúc đôi khi có thể trở nên quá mãnh liệt và dần biến đổi thành sự lệ thuộc về cảm xúc. Sự lệ thuộc này có thể gây ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ và hạnh phúc của bạn.
Sau đây là những dấu hiệu tiềm ẩn của một mức độ gắn bó không lành mạnh.
Bạn phụ thuộc vào sự chấp nhận của người kia
Nếu bạn gặp khó khăn với việc tự công nhận và tự tin vào bản thân thì rất có khả năng bạn sẽ xác định giá trị của mình thông qua cách người khác nhìn nhận bạn. Trong một sự gắn bó không lành mạnh, ý thức về giá trị bản thân của bạn sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào sự quan tâm của đối phương.
Khi xảy ra mâu thuẫn hay tranh cãi, nhận thức về bản thân bạn có thể bị phá hủy hoàn toàn. Bạn sẽ nghĩ rằng họ chán ghét bạn và không đáp ứng các nhu cầu của bạn nữa. Điều này sẽ làm bạn cảm thấy đau đớn, trống rỗng, lo âu hay chán nản, và lòng tự trọng của bạn sẽ bị suy giảm.
Những cảm giác này có thể kéo dài cho đến khi họ làm điều gì đó để chứng tỏ họ vẫn quan tâm đến bạn, như là tặng quà, thể hiện tình cảm hay khen ngợi bạn.
Đây có thể là một mối nguy hiểm vì những người có bản chất tiêu cực hay lạm dụng sẽ dựa vào đó để thao túng các nhu cầu và cảm xúc của bạn nhằm kiểm soát mối quan hệ và khiến bạn lệ thuộc vào họ.
Bạn đánh mất ý thức về bản thân mình
Khi bạn tin rằng bạn cần ai đó và không thể sống thiếu họ, bạn sẽ có xu hướng làm bất kỳ điều gì để duy trì sự yêu thương và hỗ trợ từ họ.
Dần dần, bạn sẽ bắt đầu thay đổi sở thích, thú vui và hành động của mình để phù hợp hơn với đối phương.
Bạn có thể sẽ bị ép buộc làm điều này trong những mối quan hệ không lành mạnh hay lạm dụng, nhưng bạn cần biết rằng những sự gắn bó độc hại không chỉ xảy ra trong những mối quan hệ như thế. Bạn có thể thay đổi bản sắc riêng của mình để phù hợp với đối phương ngay cả trong vô thức.
Chia sẻ một số điều với bạn bè và người yêu là điều cần thiết, nhưng cho nhau không gian riêng và duy trì sở thích của riêng bạn cũng quan trọng không kém.
Bạn không thể sinh hoạt bình thường nếu không có họ
Việc phụ thuộc vào người khác để đáp ứng nhu cầu của bạn thường đồng nghĩa với việc bạn không thể tự mình đáp ứng những nhu cầu đó.
Sự gắn bó thường phát triển vì lý do này. Nếu bạn cảm thấy không an toàn, không được yêu thương hay chấp nhận, bạn sẽ tìm kiếm một người có khả năng mang lại sự thoải mái, an toàn và giúp bạn cảm thấy bớt cô đơn.
Thật không may, phụ thuộc quá nhiều vào sự hỗ trợ của người khác lại không giúp bạn học được cách tự đáp ứng những nhu cầu này.
Nếu mối quan hệ hay tình bạn đó không được suôn sẻ, hoặc các mối bận tâm hay quan hệ khác của họ khiến họ tạm thời không thể đáp ứng nhu cầu của bạn, bạn sẽ cảm thấy lạc lối hoàn toàn.
Bạn sẽ nghĩ rằng:“Tôi sẽ phải làm gì khi không có họ?” Nỗi sợ mất đi họ có thể trở nên dữ dội và được bộc lộ qua những hành vi có vấn đề, như đào sâu về quá khứ của họ hoặc liên tục theo dõi hoạt động của họ trên mạng xã hội.
Mối quan hệ không cân bằng
Những mối quan hệ lành mạnh là những mối quan hệ có sự cân bằng và sự phụ thuộc lẫn nhau.
Sự phụ thuộc lẫn nhau là thứ trung hòa giữa sự tự lập và sự dựa dẫm. Những người có yếu tố này sẽ có thể tự đáp ứng các nhu cầu cảm xúc của họ, nhưng họ cũng sẽ cảm thấy thoải mái nhờ cậy người khác khi cần được hỗ trợ.
Những người hoàn toàn tự lập thường gặp khó khăn khi cố gắng giao tiếp với người khác để được trợ giúp, trong khi đó, những người dựa dẫm lại luôn yêu cầu được giúp đỡ thay vì tự giải quyết những vấn đề của họ.
Trong một sự gắn bó không lành mạnh, một người sẽ thường tìm đến người kia để được hỗ trợ về mặt cảm xúc, nhưng lại không hỗ trợ được gì nhiều cho đối phương. Người mà luôn phải hỗ trợ nhưng không nhận lại được những gì họ cần có thể cảm thấy kiệt sức, bực bội và không được ủng hộ.
Việc gắn bó cảm xúc với đồ vật thì sao?
Những gắn bó về cảm xúc thường liên quan đến con người, nhưng bạn cũng có thể trở nên gắn bó với nơi chốn và những vật mà bạn sở hữu.
Có lẽ khi còn nhỏ bạn đã từng có một món đồ chơi hoặc một chiếc chăn giúp xoa dịu và an ủi bạn khi bạn cảm thấy buồn hoặc cô đơn. Có thể hiện tại bạn vẫn có một cuốn sách yêu thích, một bộ quần áo hoặc một món đồ may mắn mà bạn luôn giữ bên mình.
Một số người cũng phát triển sự gắn bó sâu sắc đối với những nơi nhất định, ví dụ như nhà cửa hay đất đai của họ.
Cảm thấy gắn bó với những đồ vật đặc biệt hay một nơi có nhiều kỷ niệm là điều bình thường. Hầu hết mọi người đều trân trọng những thứ như nhẫn cưới, album ảnh, vật gia truyền và sổ nhật ký vì chúng gợi nhớ lại những khoảnh khắc quan trọng.
Việc cảm thấy gắn bó với những đồ vật khác như quần áo, đồ nội thất, điện thoại hay những vật dụng liên quan đến sở thích của bạn cũng không phải là bất thường.
Bạn sở hữu những đồ vật này vì chúng giúp cho cuộc sống của bạn dễ dàng hơn, đem lại niềm vui cho bạn hoặc phục vụ cho những mục đích khác. Nếu chúng bị hỏng hóc hoặc lạc mất, bạn sẽ cảm thấy hơi khó chịu, nhất là khi không thể dễ dàng tìm kiếm được vật khác để thay thế chúng.
Mọi thứ đều ổn, miễn là những gắn bó này không ảnh hưởng xấu đến cuộc sống và sự hạnh phúc của bạn.
Khi nào thì những gắn bó này trở nên đáng lo ngại?
Để nhận biết khi nào thì sự gắn bó với đồ vật trở nên đáng lo ngại, hãy để ý những dấu hiệu sau:
- Sự gắn bó lành mạnh với con người bị thay thế bởi sự gắn bó với đồ vật.
- Bạn cảm thấy không thể sống thiếu đồ vật đó, đến mức bạn ưu tiên nó hơn cả nơi ở, thức ăn và các nhu cầu cơ bản khác.
- Ý nghĩ sẽ mất đi đồ vật đó gây ra sự lo âu nghiêm trọng và những đau khổ về tình cảm khác.
- Bạn cảm thấy không thể rời bỏ đồ vật hay địa điểm đó, kể cả khi chúng có nguy cơ gây hại cho bản thân.
- Sự gắn bó với đồ vật cản trở bạn đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, ví dụ như bạn bỏ ra rất nhiều tiền đến nỗi không thể chi trả cho nơi ở hay thức ăn, chỉ để bảo trì đồ vật hay địa điểm ấy.
Nghiên cứu cho thấy sự gắn bó với đồ vật có thể là một phần của chứng rối loạn tích trữ, đặc biệt ở những người phải trải qua cảm giác cô đơn mãn tính. Tuy nhiên, tích trữ thường liên quan đến sự gắn bó với nhiều đối tượng, không chỉ một hoặc hai đồ vật đặc biệt.
Làm thế nào để “phá hủy” sự gắn bó cảm xúc với một ai đó?
Nếu bạn nhận ra rằng sự gắn bó của bạn với một ai đó đang không được lành mạnh, bạn có thể làm một số việc để tự giải quyết vấn đề này.
Trước tiên, hãy xem xét những lý do tiềm ẩn của sự gắn bó, chẳng hạn như:
- sợ cô đơn
- sự trống rỗng và bất an khi không ở trong một mối quan hệ nào
- ý thức về bản thân mơ hồ
Khi đã hiểu được những tác nhân tiềm ẩn này, bạn có thể bắt đầu tìm hiểu các giải pháp:
- Dành thời gian để khám phá bản thân có thể giúp bạn kết nối lại với bản sắc cá nhân của mình.
- Dành thời gian để bản thân có thể làm những gì bạn yêu thích, việc này giúp cho khoảng thời gian ở một mình trở nên bổ ích thay vì đáng sợ.
- Cố gắng xây dựng và củng cố các mối quan hệ tích cực với bạn bè và người thân sẽ giúp bạn cảm thấy an toàn ngay cả khi không có người yêu.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng những vấn đề về sự gắn bó thường bắt đầu từ thời thơ ấu. Những mối quan hệ đầu đời có thể có tác động rất lớn đến cách bạn hình thành những mối liên hệ khác khi trưởng thành. Những sự gắn bó không an toàn với người nuôi dưỡng có thể dẫn đến các dạng gắn bó tương tự trong những mối quan hệ khác.
Trong trường hợp bạn không thể tự mình giải quyết các rối loạn trong gắn bó, sự hỗ trợ từ một chuyên gia sức khoẻ tâm thần thì có thể giúp được bạn.
Khi trị liệu, bạn có thể:
- hiểu về kiểu gắn bó của bạn
- học những kỹ năng lành mạnh hơn về các mối quan hệ
- phát triển ý thức về bản thân mạnh mẽ hơn
- khám phá các cách hữu ích để đáp ứng nhu cầu riêng của bạn
Kết luận
Gắn bó cảm xúc là một yếu tố cơ bản trong các mối quan hệ của con người. Bạn bè và những người thân yêu là nguồn hỗ trợ về tình cảm, đem lại những ảnh tích cực cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta.
Hãy tự nghiệm xem bạn có hỗ trợ về mặt cảm xúc cũng như nhận sự hỗ trợ của người khác hay không. Điều này giúp bạn biết được những sự gắn bó của bạn có lành mạnh hay không.
Nếu nhận thấy những dấu hiệu của sự gắn bó không lành mạnh trong những mối quan hệ của bạn, hãy tìm đến một nhà tham vấn để được hướng dẫn và hỗ trợ.